Bài nổi bật

Con đường qua bảy ngã tư

Tôi làm công chức, không phải như công chức thời xưa, sớm vác ô đi tối vác ô về nhưng công việc của tôi đúng tám giờ vàng ngọc. Nghĩa là đúng 8 giờ sáng tôi phải có mặt ở cơ quan và đúng 5 giờ chiều tôi mới được rời nhiệm sở. Nhà tôi cách nhiệm sở 5 cây số. Từ nhà đến cơ quan mất 30 phút. Tôi đã phải căn giờ rất chuẩn để đảm bảo việc nhà chồng không cằn nhằn, việc nước không bị loại khỏi danh hiệu lao động tiên tiến. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ. Vì trên đường đi có có thể có những rủi ro. Ấy là người khác. Tôi chưa gặp những rủi ro trên đường. Tôi đi đường nắn nót và kinh nghiệm như công chức già giải quyết công việc giấy tờ. Vậy mà chuyện tôi gặp trên đường đi và những người tôi gặp trên đường đi thường găm sâu vào trí nhớ của tôi. Có những người chỉ gặp qua một lần, có những người gặp thường xuyên.
Từ nhà đến nhiệm sở tôi qua bảy ngã tư. Ở ngã tư gần nhà tôi thường xuyên gặp một người đàn ông. Đó là một người đàn ông không còn trẻ nữa và có gương mặt khắc khổ. Những ngày làm việc gần như sáng nào tôi cũng gặp người đàn ông này. Vào lúc tôi gặp người đàn ông thì cũng là giờ giao thông cao điểm. Dòng người xe cộ như ken nhau. Giao thông ở đây phải nói là rất tệ.
Những người tham gia giao thông mạnh ai nấy đi như đàn kiến vỡ tổ, không hàng không lối, tiến lên, ken dày, kẹt cứng, những cái đầu nóng bừng, tức tối, phun phì phì ra những hơi thở nóng hổi. Tiếng còi xe để âm lượng cao hết cỡ, nhấn dài và mạnh. Người đàn ông tôi thường gặp đứng trên bục chỉ huy giao thông. Tôi thường lo sợ dòng người xe cộ kia có lúc nào đó sẽ kéo phăng người đàn ông và cái bục kia đi, như khi dòng lũ quét đổ về sẽ cuốn trôi những thứ trên đường nó qua.
Những ý nghĩ khác thường đó của tôi đó là do trong câu chuyện trà dư tửu hậu của các công chức thì thời lượng lớn dành cho câu chuyện trên đường đi và những người đàn ông đứng trên bục chỉ huy giao thông. Có rất nhiều những lời chỉ trích, không có lời khen và chỉ vài lời cảm thông. Tôi đã nghe quá nhiều những lời chỉ trích. Dường như hết thảy mọi sự cố trên đường đều do những người đàn ông đứng trên bục chỉ huy giao thông đó gây ra. Thành ra những lời chỉ trích đó có tác dụng ngược.
 

Tôi phản kháng lại những lời chỉ trích đó. Một lần khi tôi đọc được bài báo trên báo Z nói về một người cảnh sát của Thái Lan đã cứu một em bé suýt bị chiếc ôtô tải nghiền nát khi em băng qua đường. Ngày hôm sau dưới bục chỉ huy giao thông của người cảnh sát đó những người qua đường đã xếp đầy những hộp quà. Tôi đã xúc động về hành động dũng cảm của người cảnh sát. Và sự xúc động hơn là tôi dành cho những người đi đường ở Thái Lan. Họ đã có những cử chỉ rất đẹp. Chính những cử chỉ đẹp của những người đi đường đó mà tôi tin rằng họ sẽ tuân thủ luật lệ giao thông. Họ cũng sẽ không có những lời chỉ trích nặng nề đối với những người đàn ông đứng trên bục chỉ huy giao thông.
Tôi đã phô tô bài báo đó cho những đồng nghiệp công chức làm cùng nhệm sở. Có người đọc xong thì yên lặng, có người thì buông câu thở dài: ở nước ngoài cái gì người ta chả làm được. Ô hay nhỉ, tôi muốn gào lên mà cãi rằng: Người nước ngoài là ai chứ? Và tại sao người nước ngoài người ta làm được mà người nước ta không làm được? Điều đó nào có khó khăn gì đâu. Nhưng tôi yên lặng. Một công chức đã khôn ngoan lên sau bao cuộc họp đã buộc tôi yên lặng.
Hàng ngày tôi vẫn đi làm trên con đường qua bảy ngã tư. Buổi sáng tôi vẫn thường gặp người đàn ông đứng ở ngã tư thứ nhất trên con đường từ nhà đến nhiệm sở. Tôi rất muốn mình sẽ làm một cử chỉ đẹp với người đàn ông này.
Mùa hè những cơn mưa tầm tã thường đến bất chợt. Đúng giờ tôi dắt xe ra cửa thì cơn mưa ập đến. Mưa như trút nước. Tôi mặc hai chiếc áo mưa, cho giày vào túi buộc chặt để vào giỏ xe, quần xắn cao quá gối, đi dép tổ ong. Mưa gió không phải là một lý do chính đáng để đến nhiệm sở muộn. Ngoài đường người vẫn đông. Như một thói quen khó bỏ, đến ngã tư thứ nhất, mặc cho mưa quất rát mặt tôi vẫn đưa mắt tìm kiếm người đàn ông tôi thường gặp. Kia, người đàn ông đang đứng trên bục chỉ huy giao thông, dưới cái ô nhỏ, quần áo ướt sũng, chân đi đất, đôi giày đen được bọc trong túi ni lông để bên cạnh chân. Tôi còn kịp nhìn thấy đôi chân người đàn ông rất trắng. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi.
Tôi sẽ đi mua một chiếc áo mưa tặng cho người đàn ông đó. Tôi đi tìm hàng áo mưa. Không khó khăn gì để mua một chiếc áo mưa vào giời mưa. Bởi vì người dân ở đây rất có khiếu bán hàng. Khi trời vừa vần vũ thì những hàng áo mưa đã trổ đầy ra vỉa hè. Tôi mua một chiếc áo mưa không đắt không rẻ. Tôi vòng xe lại ngã tư thứ nhất. Rồi tôi đắn đo. Tôi biết tặng người đàn ông đó chiếc áo mưa thế nào đây? Dừng xe trước bục giao thông và bảo: Đồng chí ơi tôi tặng đồng chí chiếc áo mưa để đồng chí mặc cho khỏi lạnh? Đường đông người thế kia sẽ có rất nhiều người nhìn thấy việc làm đó của tôi. Người ta sẽ bảo tôi, ối nhìn con hâm kìa, nó định khác người làm cử chỉ đẹp à? Ối ối, hâm thật đấy.

Người tôi chùng lại. Tôi nhấn phanh và đi rất chậm. Bục giao thông chỉ còn cách tôi hơn trăm mét. Đằng sau tôi dòng xe như bắt đầu ứ lại. Có tiếng nói gằn đằng sau lưng, đi nhanh lên, vừa đi vừa ỉa ra quần à, mưa gió thế này. Người tôi nhủn ra. Dự định tốt đẹp của tôi tan theo dòng nước. Tôi xi nhan vòng qua ngã tư và trút tiếng thở dài. Tôi đến cơ quan đúng giờ và mưa cũng ngừng rơi.
Phải rất lâu sau tôi vẫn tự vấn mình là tại sao tôi đã không đưa chiếc áo mưa cho người đàn ông đứng trên bục chỉ huy giao thông trong cơn mưa tầm tã đó? Đó là một cử chỉ đẹp chứ có phải xấu xa gì đâu? Vậy mà sao tôi lại không làm được. Có lẽ vì đã lâu quá rôi tôi đã không thực hiện những hành vi và cử chỉ đẹp? Những hành vi, cử chỉ đẹp sẽ làm nên một xã hội đẹp. Xem ra mọi điều hiện tại đều phải quy về các cụ. Các cụ bảo trăm hay không bằng tay quen. Những hành vi, cử chỉ đẹp đã không còn được thực hiện nữa thì thành xa lạ. Còn những hành vi cử chỉ xấu mà thực hiện thường xuyên thì sẽ thành bình thường. Như cái việc đái đường và đổ rác ra đường là việc làm tất nhiên của thành phố nên chả ai còn thấy đó là hành vi xấu nữa.
Tôi vẫn đi làm trên con đường qua bảy ngã tư. Tôi đã là một công chức có thâm niên công tác. Tôi không còn vật vã khi mắc phải những sai sót trong công việc. Tôi không còn đau đớn khi người khác có hành vì xấu với tôi. Tôi tự tạo cho mình một phép chiến thắng tinh thần. Nhưng tôi vẫn xúc động và ngưỡng một những người biết thể hiện những cử chỉ và hành vi đẹp.
Cùng với thâm niên công tác của tôi thì giao thông dường như càng tệ hơn. Bao nhiêu vốn ODA đổ vào để mở rộng đường nhưng không đáp ứng được với việc xe máy và xe ôtô tăng theo cấp số nhân. Con đường tôi đi làm qua bảy ngã tư thường không hay bị kẹt, trừ khi có sự cố. Nay bị kẹt thường xuyên. Vì thế mà tôi không thể đi làm vào lúc 7 giờ 30 được nữa. Tôi phải đi từ 7 giờ 15. Cũng vì thế mà người đàn ông thường gặp tôi không hay gặp nữa. Người ta đã điều động về ngã tư này một tổ 4 người, những thanh niên trẻ. Người đàn ông tôi hay gặp đã được điều động đi ngã tư khác. Những lời chỉ trích oán thán về giao thông ngày càng nặng nề. Nhưng vẫn không ai có một hành vi cử chỉ đẹp.
Một ngày tôi không đi trên con đường qua bảy ngã tư. Tôi đi trên một đường khác. Tôi không cầm lái mà ngồi đằng sau. Tôi ăn mặc rất điệu. Một chiếc váy màu xanh dài thướt tha. Chính vì chiếc váy điệu đà đó mà tôi không cầm lái. Tôi với cô bạn gái bỗng nổi cơn tự yêu mình nên rủ nhau đi ảnh viện. Những cơn hồn nhiên bất chợt đó làm cho chúng tôi thăng hoa. Chúng tôi vừa lượn phố vừa cười đùa hồn nhiên. Có lúc cô bạn gái còn nổi hứng rồ ga đánh võng. Tôi ngồi đằng sau tít mắt cười và cảm nhận sự phới phới của phút ngông cuồng tuổi trẻ. Bỗng nhiên xe khựng lại và đổ đánh ầm xuống đường.
Tôi nghe tiếng người qua đường kêu thất thanh. Theo quán tính người tôi đang văng ra theo đà xe chạy thì dường như có ai kéo giật lại rồi mới văng tiếp. Tôi không thấy đau mà chỉ thấy nửa thân người dưới mát mát. Vài chục giây sau thì tôi đã nhận ra vì sao mà nửa thân dưới của tôi mát mát. Cả cái váy dài màu xanh mỹ miều của tôi đã bị cuốn vào bánh xe, còn tôi thì đang gần như trần như nhộng trước mắt thiên hạ. Đám đông đang tụ lại quanh tôi. Những tiếng cười cất lên. Tôi ngồi thụp xuống đất hai tay ôm lấy mặt. Cô bạn tôi đang đau quằn quại chưa đứng lên được. Thật là khủng khiếp. Tôi chỉ muốn mặt đất nứt ra để tôi chui xuống. Tôi nghe một tiếng nói nghiêm khắc, giải tán đi, có gì mà xem.
Rồi có một bàn tay đặt vào vai tôi và một giọng nói nhỏ dường như chỉ đủ cho tôi nghe, này mặc cái áo mưa này vào đi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc. Tôi ngẩng mặt lên nhìn. Ối trời, người đàn ông mà tôi hay gặp ở ngã tư thứ nhất. Người đàn ông cầm trên tay chiếc áo mưa màu sẫm đưa cho tôi. Tôi run rẩy đứng lên và chui vào chiếc áo mưa. Người đàn ông đỡ cô bạn tôi đứng lên rồi dìu vào vỉa hè. Cô bạn tôi đã đỡ đau nên bảo tôi:
– Cậu vẫy chiếc taxi rồi về nhà trước đi, để mình ở lại chữa xe rồi về sau.
Tôi vẫn chưa hoàn hồn, người run lấy bẩy trong chiếc áo mưa. Người đàn ông bắt chiếc taxi cho tôi. Người đàn ông mở cửa xe để tôi lên xe. Khi đóng cửa xe tôi được nhận một nụ cười của người đàn ông. Nụ cười làm mặt người đàn ông sáng bừng lên.
Sau sự cố đó tôi đã nghĩ về nhiều điều, trong đó điều tôi nghĩ nhiều nhất là những sự tình cờ ở cuộc đời. Những sự tình cờ rất thú vị. Và có phải chỉ là sự tình cờ không? Hay còn một chữ duyên nữa. Chỉ một chữ duyên mà cuộc đời ta tươi đẹp hơn rất nhiều.
Một ý nghĩ nữa thôi thúc tôi. Tôi sẽ đi mua quà cho người đàn ông đó. Tôi đã có cơn cớ hẳn hoi như vậy thì không ai có thể bảo tôi hâm được. Tôi sẽ mua quà gì đây? Một chiếc cà vạt? Mấy hộp dao cạo râu? Một đôi giày?… Cuối cùng tôi chọn mua một chiếc áo sơ mi. Tôi mua một chiếc áo sơ mi màu trắng size L, là do tôi áng chừng vậy. Còn màu trắng là màu dung hòa, dẫu người khó tính cũng dễ chấp nhận. Tôi mua cả hộp đựng áo sơ mi. Tôi vào hàng gói quà nhờ người gói rất đẹp đẽ, có cả chiếc nơ màu sẫm. Xong, tôi lại đắn đo. Sự đắn đo kéo dài từ ngày này qua ngày khác và công việc bận rộn đã làm tôi nhãng việc tặng quà qua mấy tháng.
Tôi bỗng rất nóng ruột, cứ như có ai nhắc. Tôi điểm lại trong đầu xem có quên việc gì với ai đó không. Không, tôi không quên việc gì cả. À còn việc tặng quà. Ngày mai tôi nhất định sẽ đến gặp người đàn ông đó và tặng món quà tôi đã chuẩn bị sẵn để trong tủ.

Ngày mai tôi ra khỏi nhà từ lúc 7 giờ. Trong túi xách tôi mang theo món quà tặng. Tôi không đi trên con đường qua bảy ngã tư. Tôi đi trên con đường tôi đã gặp sự cố. Ngã tư trước mặt. Tôi đã nhìn thấy màu áo quân phục đứng ở ngã tư. Tôi đi sớm nên người lưu thông trên đường chưa đông. Tôi đi lại gần. Đó không phải là người đàn ông tôi hay gặp. Tôi dừng xe và dắt trên vỉa hè. Tôi đến gần người đàn ông mặc quân phục:
– Chào anh. Xin hỏi anh một chút ạ.
– Vâng, chào chị. Chị cứ hỏi.
– Xin cho hỏi đồng chí công an hay đứng ở ngã tư này hôm nay không trực ạ?
– Chị định hỏi ai ạ? Trực ở ngã tư này có một tổ gồm 5 anh em, chị định hỏi ai?
– Tôi không biết tên đồng chí đó.
Người công an nhìn tôi cười. Cái cười làm rạng rỡ khuôn mặt đen sạm. Ôi cái nụ cười. Tôi đã nhớ ra.
– À tôi nhớ ra rồi. Đồng chí mà khi cười có một chiếc răng bọc kim loại trắng ở răng hàm.
Khi tôi thốt ra những lời nói đó tôi cứ chắc rằng đồng chí công an đang nói chuyện với tôi sẽ cười to hơn. Nào ngờ gương mặt đang rạng rỡ vì nụ cười của đồng chí chùng xuống và những nét buồn bọc lấy gương mặt.
– Có phải người chị định hỏi là anh Z không? Anh ấy khoảng hơn 40 người tầm thước…
– Đúng ạ, da anh ấy sạm nắng nhưng chân anh ấy rất trắng ạ.
– Tôi chưa nhìn thấy chân anh ấy nên không biết chân anh ấy có trắng không? Đồng đội với nhau nên chỉ gặp nhau lúc anh ấy đi giày.
– Đúng ạ. Đó là vì cách đây lâu rồi, phải hơn 3, 4 năm gì đấy ở ngã tư Y, vào một ngày mưa tầm tã tôi đã thấy anh ấy đứng trên bục chỉ huy giao thông chân không đi giày.
– Vậy à. Nhưng chị cần gặp anh ấy có việc gì?
– Dạ tôi chỉ muốn gặp anh ấy… Tôi lúng túng.
– Vậy chị quan hệ thế nào với anh ấy?
– Tôi chẳng có quan hệ gì với anh ấy. Tôi chỉ là người qua đường.
– Vậy chị gặp anh ấy để làm gì? Giọng nói của đồng chí công an đanh lại và cái nhìn xuyên vào tôi dò hỏi. Cái nhìn làm tôi sợ hãi. Tôi dường như sắp thành tội phạm trong cái nhìn của người công an đó.
– Tôi… chả là một hôm tôi qua con đường này và tôi… Tôi kể lại câu chuyện hôm gặp sự cố. Sau đó tôi rút trong túi ra hộp quà:
– Hôm nay tôi mang tặng đồng chí ấy món quà.
Đồng chí công an nhìn tôi, cái nhìn buồn thảm:
– Chị ơi, hôm qua chúng tôi vừa đưa tang đồng chí ấy rồi. Sao chị không đến sớm hơn ba ngày. Ba ngày trước anh ấy vẫn còn đứng đây với anh em tôi.
Tôi lại rơi vào trạng thái như bị ngã xe. Trạng thái lơ lửng không cảm nhận được gì kể cả sự đau đớn. Chỉ chục giây sau thì tôi cảm nhận được. Miệng tôi đắng ngắt. Tôi không thốt được lời nào.
Một lúc sau tôi mới thốt lên lời:
– Anh ấy chết thế nào? Có được lên báo không? Có được thưởng giấy khen không?
– Không chị ạ. Anh ấy bị bệnh lao phổi. Chị bảo suốt ngày đứng ở đường bụi bẩn, khói xe đặc quánh thế này thì anh em chúng tôi ai chả mắc bệnh phổi. Anh ấy bị nặng hơn. Anh ấy cũng đã đi chữa một thời gian. Đơn vị cũng có ý chuyển anh ấy làm việc văn phòng. Nhưng đơn vị mỏng người quá chưa có người thay thế. Anh ấy lại là người rất có kinh nghiệm. Đơn vị cũng đóng góp người nhiều người ít để cho con anh ấy mỗi cháu một cái sổ tiết kiệm rồi chị ạ.
– Vâng, chào anh nhé tôi về đây.
– Vâng.
Tôi quay người bước đi chậm chậm.
– À này, chị gì ơi. Đồng chí công an gọi với theo tôi. Tôi dừng lại. Đồng chí công an đi lại phía tôi, đứng nghiêm rồi đưa tay lên mũ chào:
– Thay mặt vong linh đồng chí Z tôi xin cám ơn chị, một người đi đường đã có một tấm lòng và hành vi đẹp đối với anh em chúng tôi. Chúng tôi rất cảm động.
– Đồng chí ơi giá mà tôi đừng đắn đo khi muốn thể hiện sự biết ơn với các đồng chí thì có lẽ món quà này đã đến tay đồng chí Z. Tôi thật vô duyên phải không đồng chí?
Thực lòng lúc đó tôi rất muốn khóc cho vơi nhẹ nỗi lòng nhưng tôi không khóc được. Tôi muốn đi thật nhanh nhưng chân cứ ríu lại. Tôi cứ đứng trên vỉa hè với hộp quà trên tay. Đồng chí công an nhìn tôi đầy ái ngại:
– Hay là chị ơi. Chị đưa hộp quà tôi cầm cho. Ngày mai tôi qua nhà anh Z để bỏ lên bàn thờ của anh ấy.
– Có tiện không anh?
– Và tôi sẽ kể chuyện của chị cho vợ anh ấy nghe. Chắc chị ấy cũng ấm lòng.
– Vâng thế thì cám ơn anh quá.
Đêm. Tôi không ngủ được. Tôi cứ nghĩ mãi về người đàn ông tôi hay gặp. Rồi tôi nghĩ về sự đắn đo. Sự đắn đo về cái thiện và cái ác, về những hành vi đẹp và hành vi xấu. Khi cái ác có sự đắn đo thì có khi sẽ được ngăn chặn. Khi các hành vi xấu có sự đắn đo thì xã hội sẽ đẹp lên. Còn khi cái thiện bị đắn đo và hành vi đẹp bị đắn đo thì sao nhỉ? Thì sẽ chỉ còn là hộp quà được đặt lên bàn thờ. Nhưng mà sao những hành vi đẹp mà vẫn khó làm đến vậy.
Tác giả: Y Ban – Người thực hiện: NSƯT Kim Cúc

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *