Bài nổi bật

Ánh Sao Đêm – Trần Mạnh Hà

Radio Online – Ghẹn đi lấy chồng.
Sướng lơ mơ nghĩ.
Sướng lơ mơ chứ chưa đủ say để quên đi cái đắng chát cứ ập òa trong óc. Sướng nằm vắt ngang ngôi mộ trám xi măng xám xịt ẩm mốc. Những bụi mua, móc lơ phơ ngả màu vàng vọt trên nền đất đá ong cứng trơ cứng trấc. Xa xa là làng. Cái làng cũ kỹ và buồn bã của Sướng. Sướng chưa hề bước chân khỏi làng đó suốt mười chín năm qua.
Sướng úp mặt xuống ngôi mộ hít hà. Chẳng còn gì ngoài cái mùi hoi hoi khen khét bốc lên. Thế mà cách đây mấy ngày, cũng tại nơi này, Sướng đã run lên khi ghì chặt tấm thân tròn lẳn của Nghẹn. Sướng đã vục cả khuôn mặt của mình vào bầu vú rám nắng thoang thoảng mùi bùn, mùi cỏ rêu, mùi hăng hắc chua chua …
Sướng buồn, một nỗi buồn thật khó diễn đạt. Sướng chỉ biết rằng từ nay Nghẹn đã thuộc sở hữu một người khác và hắn sẽ không bao giờ còn được hưởng thứ mà nàng đã ban tặng cho hắn suốt thời gian qua.
Ánh Sao Đêm – Trần Mạnh Hà
*
Sướng không có cha.
Sướng thắc mắc hỏi mẹ.
Mẹ Sướng bảo: “Mày ngu thế, con nào mà con chẳng có cha. Thế tao tự đẻ ra được à?”. Sướng đứng trơ mắt ếch không hiểu. Nhưng đó là hồi Sướng còn nhỏ, Sướng chưa biết gì về đàn bà. Còn bây giờ thì…ha ha, Sướng thừa biết đi chứ?
Sướng có một chị gái hơn mình hai tuổi. Chị đi làm ăn ở đâu không rõ. Thi thoảng vẫn thấy gửi tiền về cho mẹ. Mẹ bảo: “Con Sung thế mà có hiếu. Không có nó thì mẹ con ta đói quắt mồm con ạ! Hề hề…mà lạ là cái tên Sung tao đặt cho đẹp thế sao nó bày đặt đổi lại thành Cẩm Nhung cẩm nhiếc gì cho mệt. Thôi cứ kiếm được nhiều tiền là tốt rồi!”.
Mẹ mở tủ lôi ra mấy cái quần bò, áo phông xanh đỏ ướm thử. Có cả mấy hộp phấn trắng son hồng bôi trát lên mặt. Chú Đại xóm bên bảo: “Mẹ mày còn máu lắm! Không chừng mày lại sắp có em bế cũng nên?”. Sướng tức lắm nhưng không nói gì. Nghĩ lại thấy có lý. Mẹ mới độ bốn mấy. Người béo lẳn béo lù. Ra đường mông đít còn ngoe nguẩy ác lắm.
Người ta bảo mẹ qua ba đời chồng. Ấy là những người công khai chính thức. Ông đầu tiên không có con. Ông bảo mẹ tịt nên bỏ đi lấy bà khác. Năm sau có ngay ông khác về ở và đẻ ra chị Sung. Ông kế tiếp là bố Sướng. Còn số không công khai thì nhiều lắm, kể chẳng hết. Mà Sướng cũng chẳng cần quan tâm gì nhiều cho mệt óc. Không khéo lại bị mẹ tát cho vêu mặt cũng nên. Thời gian của Sướng nhiều nhất là trên đồng, ngoài bãi. Sướng chỉ có mặt ở nhà lúc ăn và ngủ. Mẹ làm gì Sướng chẳng quan tâm. Thi thoảng, Sướng vẫn bắt gặp vài gã đàn ông thậm thụt tạt qua nhà Sướng.
Tính khí mẹ cũng thất thường, mỗi khi nổi cơn tam bành, trông mẹ chẳng khác gì con hổ cái. Thế mà đôi lúc chợt thấy mẹ buồn xo. Bỗng chốc lại lởi xởi cười vui như có lộc. Thế nhưng mẹ rất thoáng. Khi rủng rỉnh đồng tiền, mẹ lại vào xã bê về hẳn cả cân lòng hoặc chí ít cũng là tô thịt chó còn nóng hôi hổi. Mẹ bảo: “Ăn đi con, ăn đi cho nó sướng cái mồm. Sống mà không biết hưởng thì đôi khi cũng nhục lắm con ạ?”. Sướng im lặng cắm mặt xuống ăn. Mẹ ngắm nghía hắn rồi lại tủm tỉm cười: “Thằng này đẹp trai đáo để, giống cha mày như đúc. Rồi cũng khối đứa con gái phải lột quần vì mày đây. Chỉ tội cái học dốt. Mà thằng cha mày hồi xưa có học dốt không nhỉ?”. Mẹ nói đúng. Sướng thường nghe mấy bà trong xóm thì thà, thì thụt với nhau rằng: “Chà chà…Kể cũng lạ. Con mình đẻ ra một mớ đứa nào đứa nấy vừa xấu vừa đen đùi đũi. Con rơi con rớt thì lại đẹp ngời ngời như tranh vẽ. Mặt mày sáng láng. Da dẻ hồng hào nhìn rõ sướng con mắt. Kiếp sau thà chẳng lấy chồng…?”.
*
Chị Sung càng lớn càng đẹp. Năm chị mười lăm tuổi đã có khối gã trai quê ngơ ngẩn mất hồn. Đêm đêm, ngoài ngõ nghe rục rịch tiếng người và tiếng chó sủa dồn đến tận khuya. Mẹ thường đóng cửa sớm. Hôm nào phải tiếp bọn trai tơ, lúc chúng ra về mẹ rủa: “Chỉ tốn nước rác nhà. Con nhà bà mà lấy chúng mày thì có mà ăn cám. Lá ngọc cành vàng thì phải biết nằm chỗ nào cho nó xứng con ạ?”.
Mười sáu tuổi, chị Sung bắt đầu biết chăm sóc đến sắc đẹp của mình. Chị hay đứng trước gương ngắm nghía hàng giờ. Chị biết trộm son phấn của mẹ tô vẽ lên mặt. Rồi chị bỏ học. Cũng vì dốt quá. Mẹ thở dài chẳng nói chẳng rằng. Năm mười bảy tuổi mẹ gửi chị xuống nhà một người bạn gái ngày xưa giờ mở nhà hàng karaoke dưới phố. Nghe bảo quán bà này làm ăn phát đạt, khách vào ra cứ nườm nượp.
Mấy bà trong xóm nhỏ to: “Con Sung nó đi làm tiếp viên chứ nghề ngỗng quái gì. Chả thế mà không học hành bằng cấp cứ gửi tiền cho mẹ nó đều đều”. Mấy bà cũng chỉ nói trộm sau lưng thôi. Trước mặt mẹ nó thì đố dám nói. Mẹ nó mà nổi tam bành thì mấy bà kia chạy mất vía!
Ánh Sao Đêm – Trần Mạnh Hà
Nghẹn là con thứ. Trên đã có ba chị gái. Dưới còn hai em cũng gái nốt. Tên Nghẹn là do mẹ đặt cho lúc nghẹn ngào nức nở khi tỉnh lại trên bàn đẻ. Lại là con gái, sinh ra không như ý muốn, Nghẹn lớn lên như củ khoai thiếu phân nheo nhẳng. Thời gian chính của Nghẹn là trên đồng ngoài bãi như Sướng. Nhưng Nghẹn khác Sướng. Sướng khỏe hơn nhiều. Nhiệm vụ của Sướng là chăm sóc đám bò cái và lũ bê con. Mẹ Sướng tính toán ác lắm. Học ngu thì cho đi chăn bò, mỗi năm kiếm vài con bê là có mấy triệu. Không quá vất vả đối với thằng con mà vốn liếng cũng chẳng lớn. Bê lớn thì bán. Con nào đẹp người ta mua làm giống. Con nào xấu người ta đem thui. Bê thui vẫn đang là món nhậu khoái khẩu của dân thị trấn.
Nghẹn thì đủ trăm công nghìn việc. Mấy cô chị cứ đến mười bảy mười tám là ông bố cho “xuất chuồng” – lấy chồng. Mà cũng phải, để thêm ít năm nữa thì có mà để thờ trong nhà à? Được cái mấy chị em nhà Nghẹn khá xinh xẻo, lại chăm chỉ siêng năng. Ông bố vừa ốm yếu vừa nát rượu. Thế là từ cày bừa, cấy hái cho tới đủ trăm công nghìn việc khác đều đổ lên vai Nghẹn và bà mẹ xanh xao vì thiếu chất.
*
Từ cái bữa gặp Nghẹn đứng xổ cỏ dưới khúc sông đào, tâm trí Sướng cứ lâng lâng suy nghĩ đâu đâu. Đó là một buổi chiều nắng nhạt. Mặt sông tung tẩy những vảy vàng bởi những tia nắng cuối ngày hắt xuống. Đang đi tìm con bò lạc, bỗng sướng nghe như có giọng nói quen quen từ dưới nước hắt lên: “Anh Sướng! Anh Sướng ơi? Anh đi đâu mà vội mà vàng như ma đuổi thế?”. Tiếng cười lại vắt lên lanh lảnh. Sướng đứng lại lơ đãng nhìn xuống. Đầu tiên là cái ống quần xắn cao gần bẹn lộ ra hai bắp vế ngăm ngăm tròn trịa. Sướng nhìn ngược lên trên. Cái áo phông cổ lọ trễ xuống để lộ hai bầu vú săn chắc trồi lên thụt xuống theo nhịp xổ cỏ.
Sướng đứng đực người, hết ngạc nhiên rồi thích thú, miệng há ra như cá ngáp. Mấy giây sau Nghẹn mới ngước mặt lên nhìn Sướng. Không biết là Nghẹn vô tình hay cố tình song thấy gương mặt thộn ra của Sướng, Nghẹn ớ ra rồi như hiểu được, Nghẹn liền đứng thẳng người mặt đỏ rận. Sướng lấp láp: “Nghẹn…Nghẹn có ra xã coi văn nghệ tối nay không?”. “Có…có muốn. Nhưng mà…mà Nghẹn sợ ma. Không ai đưa Nghẹn về nhà cả?”. “Sợ chi? Có Sướng mà. Hẹn gặp Nghẹn lúc bảy giờ ở gốc gạo đầu xóm nhé”. “Dạ…!”. Tiếng dạ sao mà ngọt ngào đáng yêu đến thế. Sướng thấy trong người rơn rơn, tâm hồn bay bổng. Cứ thế, vừa đuổi bò, Sướng vừa hát vang lên trong ánh ngày chạng vạng.
*
Qua tháng bảy ta, những cơn mưa dầm dề thối đất, ngập ngụa ruộng đồng. Đất trời xám ngoét một màu thê lương. Một buổi sáng, mấy người nhà ông Tuất đưa lễ sang nhà Nghẹn ăn hỏi. Mấy bà hàng xóm ngồi lê đôi mách lại có dịp xầm xồ: “Cái nhà lão Tuất ghê thật. Đúng là giầu có khác. Cái thằng Sửu bệnh đao mà lấy được con Nghẹn. Trời đất, đúng là chuyện giờ mới thấy. Hơn cả chuyện bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu”.
Mấy hôm ròng, bụng Sướng như có lửa đốt. Không có cách gì mà hẹn được Nghẹn ra bãi tha ma như mọi khi. Đất trời mưa gió mịt mùng. Chắc cha mẹ Nghẹn cũng lờ mờ nhận ra những cuộc hẹn hò thậm thụt của Sướng nên cấm tiệt.
Mẹ Sướng đắp chăn nằm ngủ cả ngày. Mấy con bò nghếch mõm nhai rơm nhệu nhạo. Sự việc xảy ra đối với Sướng đột ngột quá. Điều mà Sướng chưa bao giờ nghĩ tới. Chắc cả Nghẹn cũng vậy. Hai đứa đang trong giai đoạn nồng cháy của tình yêu. Chúng đã mơ ước đến một túp lều nhỏ nhắn xinh xinh bên cạnh con sông đào yên ả. Thế mà…Nào ai biết được chữ ngờ. Sướng gầy rộc đi. Sướng biết chắc rằng cha mẹ ép gả Nghẹn vào cái nhà lão Tuất cũng vì nhà lão giàu. Lão Tuất góa vợ. Có một dạo, Sướng vẫn thấy lão thập thò qua lại nhà mình mỗi khi Sướng đi chăn bò. Lão tìm mẹ Sướng. Mà lần nào cũng vậy, chạm mặt lão là Sướng thấy lão phả ra nồng nặc mùi rượu và đôi mắt lão vằn lên những tia máu.
*
Sang xuân, khi những cành đào đã sum suê lộc non và tiếng trống thì thùm vẳng đến từ các nhà thờ họ thì cũng là lúc đám thanh niên làng lục tục rủ nhau đi vào Nam kiếm tiền. Từ nửa đêm, con đường qua ngõ nhà Sướng đã nghe rì rầm lục sục tiếng xe tốc hành Bắc – Nam sục sạo vào tận hang cùng ngõ hẻm để bắt khách.
Tiếng còi tu tu mời gọi. Tiếng nói cười lao xao chí cha chí chóe của đám thanh niên. Sướng bỗng thấy phấp pha phấp phỏng trong lòng.
Trong bữa ăn, Sướng thủ thỉ với mẹ: “Mẹ cho con đi Nam. Đi phụ hồ với bọn nó!”. Mẹ lườm lườm nhìn Sướng rồi dỗ ngon ngọt: “Thôi con à, đi phụ hồ làm chi cho khổ. Hai con bò sắp đẻ. Sang năm thích thì mẹ cho đi. Có sung sướng chi mà ham. Làm thuê bạc mặt mới kiếm ra được đồng tiền chớ đâu phải đơn giản?”. Sướng cúi mặt ăn không nói. Sướng biết ý mẹ là ý trời. Tự ý bỏ đi thì Sướng không dám. Mười chín tuổi, Sướng chưa ra khỏi cái cổng làng cũ kỹ rêu mốc.
Chiều, lúc lùa hai con bò từ ngoài đồng về, qua cái cổng gạch đỏ như tiết dê nhà thằng Sửu, Sướng thấy Nghẹn te tái cắp rổ cỏ bước vội tới gần rồi nói như hụt hơi: “Anh Sướng…em…em có việc muốn gặp anh. Tối nay…Cái chỗ hồi xưa anh nhé!”. Sướng đứng đực người ra chưa kịp hỏi gì thì Nghẹn đã bước vội vào ngõ khác. Cái dáng đi của Nghẹn cứ chui chúi về phía trước trông mới khổ sở làm sao. Bất giác, Sướng buông tiếng thở dài thườn thượt…
Ánh Sao Đêm – Trần Mạnh Hà
*
“Lão ấy gạ gẫm em từ lúc…”. Nghẹn tựa người vào ngực Sướng, khuôn mặt tưới đẫm màu nhờn nhợt của ánh trăng suông bị lớp sương mù dày đặc đang buông xuống. Tóc hai đứa đẫm sương. Sướng thấy lòng mình tan nát. Nghẹn thì thầm kể tiếp:
“Thằng Sửu hắn không làm được cái chuyện đàn ông. Đêm đầu tiên…Đêm thứ hai…Rồi những ngày sau đó. Lúc đầu, em sợ hắn lắm. Nhưng dần dần, em thấy hắn cũng hiền lành, tốt bụng. Có miếng gì ngon hắn cứ để dành cho em. Thế rồi đêm xuống, em cứ để mặc xem nó làm gì. Thế mà nó chỉ nhìn em như con nhìn mẹ. Anh ơi…còn cái lão cha thì…”. Nói đến đây, giọng Nghẹn nhỏ lại, ấm ức, đôi mắt thăm thẳm chất chứa những tia lửa nhảy nhót bên trong…
“Cái lão dê già! Lão biết chắc thằng con lão không làm ăn gì được. Có hôm em đang nấu cám lợn, lão giả vờ ngã rồi đổ ập vào em, bàn tay thô bẩn của lão khua khoắng lên ngực lên đùi…”.
“Mẹ cha nó!” – Sướng văng tục.
“Có hôm, em đang rửa rau thì lão véo mông làm em giật thót suýt rơi tũm xuống nước…”. Mặt Sướng nóng bừng bừng. Hơi sương nửa đêm ùa xuống không đủ hạ hỏa. Sướng rủa thầm. Cứ tưởng rơi vào nhà lão Tuất thì sung sướng. Cái thằng Sửu có dở người dở ngợm một tí nhưng nó là con một. Vườn rộng. Nhà xây. Nhìn cái cổng gạch đỏ như tiết dê có từ thời ông cố ông can thì biết. Mẹ khỉ! Mình mà đặt vấn đề thì biết đâu mẹ cho mình cưới Nghẹn cũng nên?
“Trưa qua…” – Nghẹn tiếp tục kể bằng cái giọng ứ nghẹn – “Đi làm đồng về, em mệt quá thiếp đi. Bỗng …”. Nghẹn lại rấm rứt: “Thằng Sửu! Chính thằng chồng ngu ngơ của em nó lại cứu em anh ạ. Không biết nó từ đâu đâm bổ vào phòng. Mồm nó kêu ú ớ, mắt nó trợn trừng, tay nó cầm cây gậy tre vụt lia lịa. Lão Tuất hoảng quá, nhảy chồm dậy, lao ra cửa. Em chỉ biết ngồi khóc. Thằng Sửu đứng nhìn em, mắt nó cũng rơm rớm. Rồi nó ra đi khép cửa lại…”.
Sướng cúi xuống hôn vào khuôn mặt đẫm nước mắt của Nghẹn. Dạo yêu Nghẹn, nàng mới chỉ cho phép Sướng khám phá một phần cơ thể. Còn riêng cái phần thiêng liêng ấy, Nghẹn bảo phải chờ sau ngày cưới nhau thì mới cho. Yêu Nghẹn, thương Nghẹn, Sướng không dám đòi hỏi gì hơn.
“Anh Sướng…!” – Tiếng Nghẹn thì thào thảng thốt bên tai – “Em…em …cho…anh. Chúng mình chẳng hợp duyên. Chắc do ông trời không thương. Em nghĩ kỹ rồi. Ngày mai em đi. Đời còn dài. Thà em mang tiếng bỏ chồng còn hơn phải sống trong u buồn tủi nhục. Em đi để tìm cho em cuộc sống mới…”.
Đêm hoang liêu. Sương phủ như mưa. Bóng tối bủa vây mù mịt…
*
Khi Sướng bước vào cánh cổng nhà mình thì bỗng thấy ánh đèn trong nhà bật sáng. Chắc khoảng nửa đêm về sáng. Mặt trăng đã lặn tự lúc nào, Sướng nghĩ có lẽ mẹ không ngủ được.
Rầm…cánh cửa bật tung. Một gã đàn ông lao bắn ra. Tiếp đến là một vật gì đó ném vụt theo. Gã đàn ông kêu một tiếng ối đau đớn. Có thể vật đó đã rơi trúng người gã…
Sướng nép vào mạn chè tàu. Bóng mẹ hiện ra lừng lững trước cửa. Người ta nói mẹ giống con hổ cái không ngoa. Hai cánh tay chống sườn, tóc tai xổ tung… Mẹ réo…
Gã đàn ông đã mất hút vào đêm tối. Mẹ chửi một chặp nữa rồi đóng rầm cửa lại.
Sướng ngồi thừ một lúc, lòng trống trải hoang mang. Sướng chợt thấy thương mẹ, thương Nghẹn, thương thằng Sửu và thương mình, thương những người dân quê lam lũ một nắng hai sương đang sống trong nỗi tù đọng của sự mông muội. Ngồi một lúc, Sướng đứng dậy chậm chạp rồi quay bước theo con đường làng sâu hun hút. Sướng bước lang thang vô định trong bóng tối. Mãi đến khi bước qua cây cầu nhỏ cuối làng, Sướng bất chợt dừng lại. Hình như có ai đang hát ở quãng sông xa xa. Tiếng hát buồn buồn. Lời hát về những điều khao khát. Sướng ngửa mặt lên trời. Trong cái ảm đạm của đêm tối và sương, Sướng chợt thấy một ngôi sao phía nền trời xa lắc. Mỗi ngôi sao là một cuộc đời. Ngôi sao nào là của Sướng nhỉ? Hai mươi năm rồi. Nó có sáng như thế không? Phải rồi, mình phải tìm cho ra ngôi sao của mình chứ? Nghẹn ơi, em chờ anh nhé? Anh sẽ đi cùng em, dẫu cho ngày mai còn trăm nghìn cơ cực…
Tác giả: Trần Mạnh Hà – Thực hiện: NSUT. Hà Phương
Sản Xuất & Biên Tập: Onmedia

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *