Bài nổi bật

Bà Tư Đất – Phùng Phương Quý

Radio Online – Bến Trung Quân nước lên lũm chũm… lũm chũm… theo tiếng sóng vỗ dưới chiếc lều nhỏ. Bốn cây cột tràm cắm xuống sình, phía trên lót xà gỗ ngang dọc cách mặt nước nửa mét, mái lợp thiếc rỉ sét, dựng vách phên bồ, chênh vênh như cái chuồng chim to quá cỡ. Bà Tư Đất dựng chiếc lều này để nghỉ trưa, hoặc dừng chân mỗi khi bơi xuồng qua bên kia sông Vàm. Mấy bó đọt lục bình trắng ngần được xếp vào rổ, để kế túi ốc bươu ướt sũng. Tấm lưng già nua ngả xuống chiếc võng rách treo tòn teng. Tiếng chó sủa ách ách dưới bến. Hai đứa lại kiếm được con gì nữa đây? Nước lớn ngập mấy cái hang, chuột chạy ra chớ gì.
– Nghỉ thôi Xe, Pháo ơi! Về các con! Để má đắp thuốc cho thằng Mã nữa.
Tiếng ăng ẳng cùng bước chân chó rồn rập. Phóc lên cầu thang, thằng Xe lông vàng thả trước mặt bà con chuột đồng bự chà bá bị cắn cổ. Con Pháo chân bước lên từng bậc thang, kéo theo con rắn hổ ngựa vàng ươm dài cả mét, đuôi rắn quằn quại móc vào bậc thang níu lại, con Pháo gầm gừ xiết chặt hàm răng kéo lên. Bà Tư ngồi dậy.
– Hai đứa giỏi dữ! Con hổ ngựa nầy bỏ quán nhậu Tư Mập, cũng được mấy chục ngàn đây. Con chuột nầy, về lột da nướng cho thằng Mã bồi dưỡng. Được hôn?
Hai con chó cùng sủa vang một tiếng. Thằng Pháo rùng mình rũ nước bắn tung tóe, bộ lông trở lại đen mượt. Bà Tư vừa bỏ con rắn vô bao, vừa chùi nước trên mặt.
– Tổ cha mầy! Ướt hết má rồi.
Mấy thứ rổ, bao, giỏ… lỉnh kỉnh được chuyển xuống đất. Xe; Pháo hai đứa tự động đứng song song trước càng chiếc xe nhỏ. Đây là xe tự chế của bà Tư, dùng cho chó kéo. Ngoài trục ngang bằng thép phi mười gắn hai bánh xe đạp, khung xe là ống nước bằng nhựa, cao ngang thắt lưng, dài một mét rưỡi, rộng sáu mươi phân. Hai bên càng xe là vị trí của Xe và Pháo, ở giữa là chỗ của thằng Mã, cao hơn một chút vì nó bự con hơn. Hai chiếc đai da đã choàng qua cổ, Xe – Pháo hứng khởi, rít lên ư ử vì sắp được về nhà. Túi ốc bươu xếp ở dưới, rổ đọt lục bình xếp lên trên, bình nước, áo mưa, cà mèn cơm, gọn gàng trong một góc. Bà Tư vịn sau xe đẩy phụ lấy đà:
– Về các con ơi!
Chiếc xe nặng nề lăn qua luống đất lổn nhổn, vượt lên mặt lộ, mỗi lúc lại nhẹ nhàng hơn. Quãng đường về hơn ba cây số, đều dễ chạy. Qua ấp Cây Khế, tiếng máy phóng lúa phành phạch làm bà Tư chú ý.
– Dừng lại hai đứa. Cho má vô mót bậy nắm lúa coi.
Chiếc xe dừng lại dưới bóng cây thốt nốt là ý đồ của con Xe, trong khi thằng Pháo muốn đứng giữa trời nắng. Đám làm công nhộn nhịp đưa lúa lên máy phóng, ngạc nhiên khi thấy bà Tư Đất lòng khòng lội vô ruộng, lúi húi lượm từng bông lúa sót.
– Trưa rồi bà Tư, lượm mót chi cho cực. Nếu tụi chó chở được hai giạ lúa nầy, tui tặng luôn đó.
– Bây nói thiệt hay giỡn?
– Tui mà nói giỡn hả!?
Chủ ruộng là một trung niên da nâu sậm, miệng vắt vẻo điếu thuốc, vung tay khẳng định:
– Vậy anh em khiêng giùm bao lúa ra xe đi.
Bọn thanh niên hiếu kỳ, tranh nhau vác lúa ra xe. Bà Tư xoa đầu Xe- Pháo.
– Bao hai giạ, lúa ướt gần năm chục ký đó nghen. Ráng lên con.
Bao lúa xếp lên xe, bà Tư cảm ơn chủ ruộng, rồi còng lưng đẩy xe:
– Tới luôn con ơi!
Bốn cặp chân chó choạng ra, bấu lấy mặt đường, sợi da xiết vào cổ chó, le lưỡi, nghẹt thở. Chiếc xe chậm chạp lăn một quãng, rồi chạy cời cời trước hàng chục con mắt ngạc nhiên. Tiếng vỗ tay đôm đốp đuổi theo.
– Bà Tư số dzách! Chó vậy mới đã chớ.
Thằng Mã bị xích dưới gốc mận, thấy chiếc xe chở ngất ngưởng bao lúa chạy vô sân thì chồm lên bằng ba chân, sủa ông ổng, một chân trước của nó co lên trước ngực, lòng thòng miếng vải cũ. Bà Tư chưa vội hạ đồ trên xe, sà xuống bên thằng Mã:
– Chân cẳng sao rồi con? Chờ chút má nướng chuột cho ăn hén.
Thằng Mã đứng bằng hai chân sau, cái chân trước lành lặn khều khều lên áo chủ. Nó bị què nửa tháng nay, sau gần một tháng biệt tích. Bữa đó nhằm tết Đoan ngọ, bà Tư rêm mình rêm mẩy cất bước không nổi, liền sai thằng Mã đi lấy thuốc. Từ xóm Chòm Dừa tới ấp Khe Dol của người Miên đúng bảy cây số, có ông Tà Khúc rất giỏi thuốc nam. Thường ngày, bà Tư kẽo kẹt xe đạp chừng nửa tiếng đồng hồ, thằng Mã lõng nhõng chạy theo sau, nay bà đau chân quá đành chịu. Viết mấy chữ nguệch ngoạc lên sau tờ lịch nhờ ông Tà Khúc lấy giùm mớ thuốc, bà bỏ vô túi ni lon rồi cột lên cổ thằng Mã.
– Lên Khe Dol tới nhà Tà Khúc nghen con!
Thằng Mã ngẩng cao đầu, ngoáy tít cái đuôi rồi quày quả chạy đi. Buổi trưa ông trời kéo mây ùn ùn, đổ nước sầm sập tới hết chiều. Không thấy thằng Mã về, bà Tư bỏ cơm, ngồi ngóng trước cửa. Sáng hôm sau cũng không thấy con chó về, bà vịn chiếc xe chó, nhờ hai đứa Xe, Pháo đưa đi tìm. Không thấy bóng dáng, tăm hơi Mã đâu. Sáu Dừa là dân nhậu trong xóm, ngật ngừ trước tiệm cà phê, biểu bà Tư:
– Hồi đêm tui nhậu với đám bạn ngoài lều cá nhà Tư Sang, nước ngập trắng đồng. Thấy có con chó vện bơi vô tránh lũ, mấy thằng thanh niên tính đập làm mồi nhậu tiếp, không biết có phải chó bà Tư không.
Rồi! Xong đời thằng Mã. Bà Hai vịn sau xe chó, vừa đi vừa khóc.
Những chuyến “du mục” khắp đồng bãi, ven sông rong ruổi chiếc xe chó kéo đã trở nên quen thuộc với người dân quanh vùng. Người ta ngạc nhiên, cảm phục lẫn cám cảnh cho bà Tư và những con chó. Mỗi chuyến lóc xóc đi về, nhìn chỗ trống giữa xe, bà Tư nhớ thằng Mã muốn khóc. Nỗi đau sắp dịu đi, quên dần, thì bỗng một đêm mưa gió, bà đang ngủ bỗng choàng dậy, vùng chạy ra mở cửa. Rõ ràng bà nghe tiếng thằng Mã sủa ông ổng. Cánh cửa vừa mở ra, ánh chớp xé toạc bầu trời đêm đặc quánh, soi rõ bóng đen ướt sũng lao vô nhà, chồm lên. Bà té ngồi xuống đất, trong vòng tay cảm nhận được hình hài con chó yêu dưới bộ lông ướt nhẹp. Thằng Mã đột ngột tìm về, làm bà Tư cười nói huyên thuyên như mắc khùng. Tuy vậy, một chân trước của Mã rách toạc, sưng tấy.
– Tổ cha đứa nào đánh đập con tao như vầy.
Bà đoán có thể con Mã bị bắt về nhà ai đó. Người nầy không giết thịt mà muốn nó kéo xe như ở nhà bà. Chắc họ không phải đi mót lúa, hái đọt lục bình hay bắt ốc, săn chuột như bà, mà chỉ muốn có con chó kéo xe đi chơi cho vui, chẳng hạn. Nhưng thằng Mã không phục tùng, nó bứt dây trói chân mà tìm về với chủ. Ngay trong đêm, bà đội mưa ra vườn hái lá thuốc đắp cho nó, xé chiếc áo cũ băng bó lại. Trong lúc bà vừa làm thuốc vừa xuýt xoa thương xót, hai đứa Xe- Pháo ngồi le lưỡi liếm lên lưng thằng Mã.
Số phận bà Tư Đất cột vô những thân phận chó. Mười lăm tuổi, cô Tư Đất được ông ngoại cho một con chó nhỏ màu đen tuyền. Hồi đó mê chơi bài, nên cô kêu nó là con Chuồn. Đi chăn trâu cho nhà hội đồng Vĩnh, con Chuồn bám cô chủ tối ngày. Năm mười bảy tuổi, về nhà phụ ba má ruộng rẫy, Tư Đất cho con Chuồn theo ra đồng. Đang phát cỏ, mỗi khi nghe tiếng con Chuồn sủa là cô chạy tới, là một con rùa vàng bự chảng bị Chuồn vật ngửa ra, huơ bốn chân lên trời. Không biết Tư Đất có khả năng dạy chó hay lòng thương yêu con vật làm chúng khôn ngoan thêm. Con Chuồn lúc nhỏ thì biết đứng bằng hai chân sau, hai chân trước vái lạy cô chủ khi được cho miếng bánh tráng hay chuối chiên. Lớn một chút, nó chịu mang giỏ trên cổ theo cô chủ đi chợ, biết vô buồng lấy đồ ra bến nước cho cô chủ tắm. Ba của cô thì cho là điềm gở. Chó mèo gì mà khôn ngoan như người, có họa là quái. Mấy lần nói con gái đem bán hay cho đi, mà cô Tư không nghe. Lần cô đi thăm ông ngoại bịnh, về tới nhà không thấy con Chuồn đâu. Hỏi ba, ổng nói:
– Mấy thằng Tây ma-rốc trên đồn xuống cứ đòi con chó, dọa bắn cả nhà. Ba sợ quá cho chúng rồi.
Tư Đất gào khóc, bắt đền, rồi giận ba cả năm trời.
Sau này lấy chồng, Tư Đất theo về xóm Chòm Dừa cạnh bờ sông Vàm Cỏ. Lu bu chuyện ruộng nương nuôi chồng con, cô quên dần những con chó. Số phận cô sau đó thật bi thảm. Chồng đi lấy mật ong rừng, bị rắn cắn chết, hai đứa con nheo nhóc bên má hơn chục năm rồi cũng trầy trật nên người. Con Hai lấy chồng về miền Tây, thằng Ba làm lao công quét đường trên thị xã, riết rồi cũng tìm được con vợ cùng nghề, nhưng có nhà ở phố. Một mình lủi thủi bên sông, bà Tư Đất lại nuôi chó. Bà đi tìm những nhà có chó đẻ, lựa những con ưng ý, rồi mua về nuôi. Những con chó bà lựa đều có một chòm ba chiếc râu dưới mõm, chân cao, mình dài, ức nở. Loại chó đó khỏe và thông minh, dạy bảo từ nhỏ nên biết làm rất nhiều trò. Hai con Rô, Cơ là loại chó tuyển như vậy. Bằng cách riêng của mình, hai con chó mới bỏ bú mẹ, chỉ mấy tháng sau đã biết theo chủ đi mót lúa, mót mì, săn chuột, bắt rắn. Chừng đầy năm tuổi, đã biết kéo xe nhỏ tung tăng ra đồng ra bưng. Dọc đường kiếm sống cùng chủ, không hiếm lần Rô, Cơ bị đồng loại hắt hủi, chê bai. Những con chó ta, chó Nhật, chó xồm, chó dé…được chủ nuôi cơm chạy lông nhông quanh nhà, ngoài đường, khi thấy anh em Rô- Cơ kéo xe chạy qua thì ùa ra sủa nhặng xị. Bực nhất là có thằng chó bằng cẳng chân cứ đuổi theo xe cắn bắng nhắng. Chúng ngạc nhiên và phẫn nộ vì thấy hai tên đồng loại bị xiềng vào chiếc xe, ngang thân phận trâu bò. Có lần giận quá không nhịn được, Rô- Cơ kéo cả xe chạy đuổi đánh lại lũ chó nhiều chuyện, làm mì, ốc, rau củ rớt lả tả dọc đường. Nhưng bà con trong chợ Chòm Dừa lại yêu quý hai con chó và bà chủ già nua. Dù sáng hay chiều, mỗi khi thấy chiếc xe kéo ra tới chợ là người ta xúm vô mua hàng của bà Tư trước. Mua thóc mót về cho vịt, ốc và đọt lục bình về nấu canh, rùa rắn, chuột chim mua về làm mồi nhậu. Đại để, bà Tư mang ra chợ thứ gì, người ta cũng mua hết. “Nuôi được mấy con chó như vậy thiệt không uổng công”. Ai cũng nói vậy. Họ từng thử dạy chó nhà kéo xe như chó bà Tư, nhưng thất bại. Lũ chó bị ách vô xe là lăn lộn, kêu toáng lên như sắp bị làm thịt.
Bà Tư Đất bàng hoàng khi nghe tin con trai bị tử nạn. Thằng Ba quét đường buổi đêm, bị mấy đứa choai choai đua xe máy đụng phải. Bà ngồi ôm hai con chó, khóc ngất. Vậy mà vụ tai nạn bị chìm xuồng. Có lẽ mấy thằng đua xe con nhà quyền thế hoặc nhiều tiền, còn con dâu bà thì yếu hèn thấp cổ bé họng. Bà nhờ người làm đơn thưa ra tòa. Gần một năm sau mới có phiên tòa sơ thẩm. Bà đặt di ảnh con trai lên chiếc xe chó giữa một lẵng hoa màu tím, rồi theo hai đứa Rô – Cơ kéo xe về thị xã dự phiên tòa. Quãng đường mười lăm cây số nắng và đất sỏi, hai con chó chạy thủng thẳng một hơi tới nơi, vì trước đó bà đã lấy giẻ cột vô bốn bàn chân cho chúng. Những người tham dự phiên tòa vô cùng ngạc nhiên thấy cảnh hai con chó chở di ảnh nạn nhân trên chiếc xe hoa. Không biết do cảm động trước hình ảnh xe chó kéo hay chân lý được thực thi mà Hội đồng thẩm phán xử cho bà Tư thắng kiện. Kẻ gây ra tai nạn chết người phải bồi thường cho nạn nhân ba mươi triệu đồng và chịu án phạt hai mươi bốn tháng tù treo.
Cô con dâu mắt sưng mọng, chở con gái lên thăm bà nội.
– Má à! Chồng con chết rồi, tụi con con bơ vơ khổ sở lắm. Hay là má bán nhà đất trên này về thị xã ở với con?
Ờ! Về thì về. Con trai chết rồi, nhưng còn con nó đó, cháu nội mình mà. Không nghĩ gì nhiều, bà bán rẻ năm công đất và căn nhà cho người hàng xóm đang có ý định mở lò mì. Chuyến di dời cuối đời của bà từ quê ra thị xã, nhẹ tênh chiếc xe hai con chó kéo. Bọc đồ lùng nhùng mấy bộ quần áo, mùng mền cũ. Nồi ơ, chén đũa chưa đầy một rổ. Chỉ cục tiền bảy chục triệu giắt trong người là nặng nhất. Bà đưa cục tiền đó cho con dâu, xấp dày là tiền bán nhà đất, xấp mỏng là tiền bồi thường nhân mạng của thằng Ba. Nhà con dâu nhỏ bé nép mình trong cái ngõ nhỏ và sâu. Cả nhà nó có một chiếc giường, một bộ bàn ghế nhựa chân cao chân thấp. Bà mua thêm chiếc giường tre mét hai, kê nép góc phòng ngoài. Bộ bàn ghế phải xếp chồng lên nhau, cạnh giường, khi nào có khách thì mang ra.
Cuộc sống mới buồn hiu. Con dâu đi làm, cháu gái đi học, bà Tư Đất loanh quanh với hai con chó. Rô, Cơ chừng cũng buồn và bí cẳng, vì chẳng được kéo xe đi đâu. Chiếc xe chó treo lên hàng rào, dãi dầu mưa nắng. Quét dọn, giặt đồ, nấu cơm…làm chút chút là hết việc, bà ngồi bắt ve và bọ chét cho chó. Một bữa, đang lúi húi nấu cơm, bỗng nghe cháu nội và con dâu hét lên thất thanh trong phòng ngủ, bà hết hồn cầm cả cây cời bếp nhào vô. Cả hai mẹ con nó, mặt tái xanh đứng run rẩy cạnh giường.
– Gì đó? Rắn rít phải hông?
Miệng hỏi, mắt bà Tư quét một lượt quanh phòng.
Con nhỏ run run chỉ xuống đất.
– Nội! Cứu con với! Có con ve chó kìa.
Đúng là có một con ve chó bằng hạt đậu đen, đang bò dưới đất. Bà mỉm cười cúi xuống, dùng móng tay cái miết mạnh, con ve bẹp dí cùng đám máu bầm dính bết.
– Con ve mà má con bây làm như gặp rắn hổ.
Từ bữa đó, sáng sớm là con dâu bà quét lui quét tới nền nhà bằng hai manh chiếu thiệt sạch rồi mới đi làm. Bà Tư Đất buồn vì ánh mắt hai má con nó nhìn lũ chó bằng sự căm ghét dữ dội. Con Cơ có tật hay ngồi chầu trước cửa, luôn bị cháu nội la hét đuổi đi, có lần má nó giận quá, xách giày chọi ngay sống mũi con chó, đổ máu nhễ nhại. Đêm nằm, bà Tư Đất vắt tay lên trán, suy nghĩ. Sao má con nó lại không ưa chó mèo? Đời bà nếu không nhờ mấy con chó làm sao kiếm sống. Nghĩ hoài, nghĩ riết tới nhức đầu cũng không hiểu nổi. Từ nhỏ bà đã đau khổ muốn chết đi vì cha mình nỡ đem con Chuồn cho mấy thằng Tây giết thịt. Nhưng hồi đó còn có lý do để thanh minh là muốn giữ yên nhà cửa vợ con, không để bọn Tây làm ẩu. Còn bây giờ, không biết lý giải sao với sự thù ghét chó của dâu và cháu nội. Bà thiếp trong giấc ngủ nhọc nhằn, tai còn nghe tiếng úng oắng của lũ chó, miệng còn mắng vọng ra:
– Hai anh em đừng lộn xộn, sao lại giành nhau chỗ ngủ.
Hai con Rô, Cơ không giành nhau chỗ ngủ. Từ nhỏ chúng đã biết nhường nhịn nhau từ miếng ăn tới lúc gắng sức kéo chiếc xe nặng mấy thứ kiếm được. Tiếng úng oắng đó là lời kêu thương vĩnh biệt bà chủ. Sáng ra, hai con chó mất tích, chỉ còn lại tấm mền cũ rách bươm góc cửa. Bà Tư Đất không dám khóc, chỉ chùi nước mắt lã chã. Rô, Cơ không thể bị bắt, vì chúng rất thính, có người đi qua cửa là đã hực lên rồi. Không có người nhà tiếp tay, trộm làm sao bắt được chúng. Bà Tư Đất đỏ ngầu hai mắt, hỏi con dâu:
– Hai con chó đâu?
– Má hỏi vậy là ý làm sao?
Nó nổ máy xe, đi làm, ném lại câu hằn học:
– Nuôi ba con người đã mệt lắm rồi, còn thêm chó nữa sống sao nổi.
Cháu nội thấy bà tới gần, thì nhắc nhở:
– Nội coi chừng trên người có ve chó không đó.
– Làm sao nội có ve chó? Ai biểu con vậy?
– Má nói nội hay ôm chó, nên trong người nội cũng có con ve. Ve chó dễ sợ lắm đó nội. Nó hút máu mình tới chết luôn.
Bà Tư tính nát đất, rồi mấy bữa sau hạ chiếc xe chó trên hàng rào xuống, cọ rửa sạch sẽ. Chờ con dâu đi làm đêm về, bà ngập ngừng.
– Vợ thằng Ba à! Má sống ở phố không hạp. Bảy mươi triệu má đưa con đó, giờ chia ba, cho lại má một phần tao về trển sống với bà con cho vui.
Con dâu xòe hai bàn tay, phân bua:
– Tiền đó con lo cho cháu và cơm thuốc cho má hết rồi. Con mới lãnh lương đây, má cầm đỡ ba triệu được hôn.
Bà Tư chết đứng. Hồi lâu rồi cũng gật đầu, nhận tiền.
Chiếc xe ôm dừng lại trước xóm Chòm Dừa. Người trong xóm ngạc nhiên thấy bà với chiếc xe không có chó.
– Ủa! Chớ hai con chó bán rồi hả bà Tư? Sao không bán cho tui trời.
Bà Tư không nói gì, đi tìm mua được một con chó dò và hai con chó nhỏ đem về cái lều cũ trên bến Trung Quân, đặt tên chúng là Xe; Pháo; Mã. Vợ chồng con Hai đòi đưa bà về nhà nó ở, bà không chịu. Con dâu còn chịu không nổi, giờ chạy về với rể kỳ quá. Rồi con gái cũng mượn đất hàng xóm, cất cho bà căn nhà nhỏ.
* * *
Thằng Mã hết đau chân. Bộ ba Xe – Pháo – Mã lại rong ruổi hàng ngày kéo xe từ bến sông ra chợ, từ chợ về nhà. Cuộc sống không nghèo đói, không giàu sang, nhưng mà vui. Người nhờ chó, chó nhờ người. Bà Tư Đất chỉ có nỗi lo duy nhất là lỡ mình chết đi, bọn Xe – Pháo – Mã sống làm sao? Nhưng cuộc đời nhiều lối rẽ ngang dọc bất tử, không biết đâu mà tính. Nô-en năm nay, con gái và cháu ngoại muốn mượn Xe; Pháo kéo xe đi nhà thờ xứ. Chiếc xe được trang trí toàn hoa tươi, có tượng chúa hài đồng đặt bên trên. Xe; Pháo được bận áo đỏ, mũ đỏ, thứ trang phục của ông già nô-en bán cho con nít. Chiếc xe gây sự chú ý đặc biệt trên đường đi và trong sân nhà thờ. Đèn màu, những bản thánh ca, những nét mặt hân hoan của các tín đồ thiên chúa, hình như không được hoành tráng bằng chiếc xe chó. Thằng rể ở bên vợ con tới khuya, rồi bỏ đi đâu mất dạng. Sau này nghe con Hai nói lại, có mấy người bạn rủ chồng nó đi nhậu thịt chó.
Hai đứa cháu trở về, mếu máo nói với bà ngoại rằng đêm qua Xe; Pháo đi lạc đâu mất. Chiếc xe chở chúa hài đồng bỏ lại trong khuôn viên nhà thờ. Bà Tư Đất chỉ biết ôm mặt kêu:
– Xe- Pháo của má ơi!
Thằng Mã chạy tới đứng bên, liếm vô má bà, một chân cào cào trên vai chủ an ủi. Bà ôm choàng thằng Mã, ghì chặt đến nỗi nó kêu rít lên.
– Mầy đừng bỏ má mà đi nữa nghen Mã!
Thời gian này, nạn trộm chó hoành hành khắp nơi. Đêm đến, bà Tư không dám thả thằng Mã, mà xích nó vô cây cột trước nhà. Thằng Mã ráng tỏ vẻ thương yêu chủ. Một mình nó không còn kéo xe chở nặng như hồi đủ bộ ba Xe- Pháo- Mã, nhưng nó không hay nhõng nhẽo nữa, lúc nào cũng gắng gượng kéo xe đi về lanh lẹ. Sáng, chiều, những bao thóc mót, những rổ rau kèo nèo, đọt lục bình, những giỏ ốc bươu, chuột, rắn …đều đều chở ra chợ. Những khách hàng của bà Tư không hỏi giá nữa, mà trả theo cảm tính. Họ thương bà và những con chó, nên tiền trả thường gấp đôi, gấp ba giá thực.
Mùa nước nổi, cánh đồng mới gặt xong nhấp nhô gốc rạ rồi chìm trắng nước. Khách ruột chờ hoài không thấy chiếc xe chó chạy ra chợ. Có người không chờ được đã tìm tới nhà hỏi thăm. Bà Tư Đất nằm dài trên võng, người chỉ còn bộ xương, miệng bà lẩm bẩm gọi:
– Xe- Pháo- Mã ơi!
Hồi đầu tháng, thằng Mã bị trộm bỏ thuốc, bắt đi mất. Bà Tư nghe tin công an xã bắt được một tên trộm với chiếc bao đựng ba con chó thì mừng quá sấp ngửa chạy đi, hi vọng tìm thấy thằng Mã. Nghe bà tả lại, chú công an gật đầu:
– Có con chó vện chừng mười sáu, mười bảy kí bị thuốc đã chết. Tại không thấy ai tới nhận, anh em họ mần…à họ đem chôn rồi.
Bà Tư Đất ôm ngực, run rẩy lạnh khắp người như trúng gió. Bà từ từ ngồi sụp xuống, lẩm bẩm. “Xe; Pháo; Mã ơi! Các con của má ơi!”.
Tác giả: Phùng Phương Quý

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *