Bài nổi bật

Bản Nhạc Vẫn Còn Xanh – Đỗ Tiến Thụy

Truyện đêm khuya – Học trò đâu chỉ cần học kiến thức văn hóa mà còn cần được nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách, chắp cánh những ước mơ. Và những buổi học nhạc của thầy Đoàn đã làm được điều đó. Mỗi em là một nốt nhạc – những nốt nhạc lấm láp. Cả lớp tạo nên một dàn hợp xướng. Cuộc sống là những bản nhạc giao hưởng vĩ đại. Nhờ thầy mà mỗi buổi lên lớp của đám học trò nhà quê không còn nhạt nhẽo vô vị. Tác phẩm của nhà văn Đỗ Tiến Thụy toát lên tình nhân văn nhân ái của những người thầy vì sự nghiệp ươm mầm…

Sông Bùi quê tôi ở thượng nguồn sông Đáy, nó nhỏ và trong bốn mùa. Dưới đáy sông có một loài trai vỏ rất dày, bề ngoài sần sùi như da cóc, nhưng bên trong óng ánh sắc cầu vồng. Quê tôi gọi là con cong cóc. Tuổi thơ tôi lặn ngụp trong dòng sông mò cong cóc, ruột để nấu canh, vỏ làm vật trao đổi khi đánh khăng đánh đáo, và để… làm kèn. Nửa cái vỏ cong cóc nom như một con thuyền xinh xắn, chỉ cần dùng dây chun quấn mấy vòng là có một cái kèn độc đáo thổi toe toe suốt ngày. Chiếc kèn cong cóc ấy theo chúng tôi vào bữa ăn giấc ngủ, suốt đường thôn ngõ xóm, khắp những cánh đồng, và đến cả trường làng.
Lớp năm, chúng tôi được học môn hát nhạc. Thầy Đoàn người Hà Nội, trắng trẻo, xanh xao. Thầy chơi đàn guitar mê ly, cả lớp ngồi im phăng phắc không dám thở to. Tuổi thơ tôi hồn nhiên nhưng cũng cảm thấy rằng, thầy bỏ Hà Nội về dạy trường làng có cái gì đấy cờn cợn. Mỗi lần về Hà Nội, trở vào là mặt thầy lại phảng phất nét dằn vặt.
Mãi đến tận bây giờ, sau hai mươi lăm năm, tôi vẫn còn nhớ như in buổi học hôm đó. Trống vào lớp một lúc lâu mà thầy Đoàn chưa lên. Học trò cấp hai, được nghỉ giờ là một hạnh phúc vô bờ. Chúng tôi lôi kèn cong cóc ra thỏa sức thổi thi xem cái nào hay hơn. Dàn kèn cong cóc đang diễn xướng ầm ĩ bỗng nhiên im bặt.
Thầy Khởi hiệu trưởng chắp hai tay sau lưng, bước chân tập tễnh xuất hiện ngay cửa lớp. Chúng tôi hốt hoảng giấu kèn vào ngăn bàn, vào túi quần để tránh cơn thịnh nộ. Nhưng thầy Khởi chỉ nghiêm giọng hỏi:
– Thầy Đoàn đâu?
Những cái miệng ấp úng không biết trả lời thế nào. Thầy hiệu trưởng quát to:
– Lớp trưởng đi gọi ngay!
Tôi líu ríu chạy xuống khu tập thể: Phòng thầy Đoàn du dương tiếng nhạc. Trên giường, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ ga-ba-đin xanh mỗi khi lên lớp, nằm co dáng chiếc tay quay, mắt nhắm nghiền, trán nhăn nhíu rịn mồ hôi. Khuôn mặt  thầy lộ vẻ đau đớn âm thầm. Tôi không dám gọi thầy mà khe khẽ lùi ra rồi chạy về báo thầy hiệu trưởng. Thầy Khởi khẽ nhếch mép cười:
– Hừ! Ngủ trong giờ dạy! Chõ kèn xuống phòng thầy Đoàn mà thổi, nhanh lên!
Chúng tôi ngạc nhiên lưỡng lự hồi lâu. Thầy Khởi gầm lên:
– Có thổi không. Hay là muốn đuổi học cả nút ?
Bắt đầu là một, hai, ba tiếng kèn ngập ngừng lên tiếng, rồi cả dàn kèn cong cóc như một bầy ngỗng vươn cổ qua cửa sổ thổi inh tai nhức óc.
Lần thứ hai dàn kèn im bặt. Thầy Đoàn vác thước lên lớp. Chúng tôi lo sợ nhìn nhau rồi chạy vội về chỗ ngồi ngay ngắn, nín thở đợi chờ. Thầy Đoàn nhìn cả lớp một lượt rồi bảo:
– Các em bỏ hết kèn lên đây!
Gần hai chục chiếc kèn lớn nhỏ được chúng tôi khép nép mang lên. Thầy cầm từng chiếc lên ngắm nghía rồi thử thổi. Mắt thầy đột nhiên ánh lên những tia kỳ lạ. Thầy tháo những sợi dây chun ở từng chiếc vấn lại để chỉnh âm. Rồi thầy gọi gần chục đứa lên bục giảng, giao cho mỗi đứa một chiếc:
– Em Thắng là nốt mì, em Đông là nốt pha, em Quý là nốt son, em Thạo là nốt la, em Kiểm là nốt si, em Ngọc là nốt đô, em Tú là nốt rê… Các em nhớ chưa?
Không hiểu thầy muốn gì, chúng tôi im lặng gật đầu. Thầy xếp hàng chúng tôi trên bục giảng theo thứ tự rồi nói:
– Bây giờ thầy chỉ vào em nào thì em đó thổi. Nhớ thổi cho thật to nhé!
Thầy chỉ thước vào Ngọc:
– Tò!
Kiểm:
– Tí!
Thạo:
– Te!
– Tốt lắm ?
Thầy Đoàn trang nghiêm quay xuống nói với cả lớp hệt một nhạc trưởng trên sân khấu:
– Bây giờ mời các bạn nghe “Ban nhạc cong cóc” trình diễn nhé! Bắt đầu!
Theo nhịp thước thầy vung lên hạ xuống, một giai điệu quen thuộc cất lên:
– Te te tò te tí te… Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn. Chú ngồi học bài xong rồi chú hát vang cùng hoạ mi…
Cả lớp tròn mắt kinh ngạc. Chiếc thước như một cây đũa thần kỳ biết phù phép. Tôi là nốt mí nên chưa một lần được thổi. Mãi đến đoạn điệp khúc, thầy Đoàn ngoắt nhẹ về phía tôi. Quá bất ngờ, tôi thót bụng lấy hơi rặn to một tiếng “toe”. Tôi đã cắt bớt chun quần quấn kèn nên ôi thôi, cạp quần đứt phựt, tụt ngang đầu gối! Tôi cứng đờ đến mấy giây rồi vội vàng xách quần chạy về bàn, mắt loang loáng những cái miệng sứt răng cười ngoác. Thầy Đoàn cũng phì cười. Nhưng thầy lại ngừng ngay:
– Các em thấy chưa. Cũng vẫn là những chiếc kèn ấy, thế mà vừa nãy các em thổi mỗi người một phách thành hỗn loạn. Bây giờ kết hợp lại với nhau nhịp nhàng nên đã có một bản nhạc tuyệt vời! Mỗi con người là một nốt nhạc. Mỗi nốt nhạc tuy có độ cao thấp khác nhau, nhưng nó đều có giá trị riêng không thể đánh đổi.
Lời thầy khúc chiết, mạch lạc và cao siêu quá đối với những cái đầu chỉ quen với tôm cua ốc ếch. Chúng tôi mới tập làm quen với âm nhạc, vừa méo mồm méo miệng chép nốt vào vở, vừa bấm nhau rinh rích: “Toàn giá đỗ mọc ngược!” Chúng tôi lờ mờ cảm thấy những gì thầy nói không phải chỉ chuyện âm nhạc.
– Các em là những nốt nhạc trong bản giao hưởng cuộc đời vĩ đại!
Thầy nói một cách say sưa mê mải, mắt long lanh nhìn lũ học trò mặt tươi rói vì thích thú.
Dư ba của tiết học ấy vang mãi. Chúng tôi gọi nhau bằng cái tên kép mà thầy Đoàn đặt cho mỗi đứa. “Ê, Tú dê!”, giọng nhà quê, rờ với dờ là một. Chẳng có chuyện gì nhưng cứ réo tên nhau để gọi, để cười. Cô Hoan chủ nhiệm lớp dạy sinh vật cũng hay gọi “Mời em Thắng mì lên bảng! Em Đông pha phát biểu nào!
Cô Hoan người thị xã Hà Đông nhưng không cắt tóc phi dê, mà để dài mượt quá eo. Cô thường gội đầu bồ kết xong là nghiêng đầu quay tóc như múa lụa khiến thầy Khởi đứng ngẩn tò te. Hôm thực hành giải phẫu, chúng tôi đi học sớm cả buổi, hò nhau đắp mương tát cá. Quê nghèo con cá cũng cỗi cằn. Chúng tôi mang đến lớp những con diếc nhỏ như lá ổi, không thể mổ được. May mà có con chép to bằng bàn tay câu trộm từ ao hợp tác của Tú rê nên tiết học vui như ngày hội. Cuối buổi, chúng tôi tự động gom hết số cá lại biếu cô. Chúng tôi dẫu đói cơm nhưng nguồn đạm vẫn được bổ sung từ cào cào, châu chấu, từ cua cáy, chuột đồng nên không đến nỗi xanh xao. Còn cô, chúng tôi đã nhiều lần thấy cô chỉ ăn cơm độn mì với rau muống luộc. Hiểu lòng chúng tôi, cô Hoan giang cả hai tay như muốn ôm hết thảy những mái đầu còn vương bùn đất, nghẹn ngào gọi chúng tôi là những nốt nhạc lấm láp.
Một thứ tình cảm mềm mại và ấm áp lan tỏa râm ran trong lòng. Tan buổi học, chúng tôi hò nhau nhảy xuống sông Bùi tắm táp cho những nốt nhạc được cô Hoan phong tặng. Chúng tôi bắt được rất nhiều cong cóc mang tặng cô Hoan và thầy Đoàn. Được nâng niu trong chiếc hộp xinh xắn, những chú cong cóc càng ánh lên bảy sắc cầu vồng.
*        *
*
Kỳ nghỉ hè năm ấy, thầy Đoàn không về Hà Nội. Thầy nói, em nào muốn học đàn guitar thì buổi tối đến thầy dạy cho. Lũ trẻ nông thôn chúng tôi nhìn nhau lắc đầu lè lưỡi. Một cây đàn guitar đối với chúng tôi là một giấc mơ quá xa vời. Cả làng chỉ có vài cây nhị, mấy cái kèn tây của phường bát âm và một cây đàn bầu của chú xẩm mù chuyên ngồi hát xin ăn giữa chợ, những nhạc cụ hằn vào tâm trí trẻ thơ chúng tôi những nốt nhạc buồn.
Chiều ấy, tôi vừa cưỡi trâu về đến nhà đã giật thót mình định nhảy xuống trốn đi. Cô Hoan đang ngồi với bố tôi. Tôi không muốn cô nhìn thấy mình trong bộ dạng một đứa trẻ chăn trâu nhếch nhác. Nhưng cô Hoan đã gọi to:
– Cô đến để chào em, mai cô về thị xã nghỉ hè. Cô xin phép bố mẹ em rồi. Buổi tối em rủ các bạn ra trường học đàn cho thầy Đoàn vui. Giúp cô với nhé !
Sao lại là giúp cô? Mối thắc mắc ấy cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Tuy vậy tối đó chúng tôi cũng rủ nhau ra trường. Khu nhà tập thể giáo viên tối thui đứng đìu hiu giữa muôn vàn tiếng côn trùng rền rĩ. Chỉ mình phòng thầy Đoàn le lói ánh đèn.
Thấy chúng tôi, thầy Đoàn reo lên. Thầy ân cần rót nước mời như thể chúng tôi là những thượng khách không bằng. Buổi học ấy, thầy Đoàn giảng cho chúng tôi về âm nhạc cổ điển, về những nhạc sĩ lừng danh, về xuất xứ cây đàn guitar… Chúng tôi ngồi chăm chú nhưng không hứng thú. Chúng tôi chỉ ra chơi với thầy theo lời cô Hoan thôi. Chúng tôi không dám ước mơ trở thành nghệ sĩ.
Mất một tháng hè mà chúng tôi học chẳng được mấy tí, vì bàn tay chúng tôi quá nhỏ, chưa ôm xuể phím đàn. Lũ bạn tôi bắt đầu nản chí lảng dần. Đêm ấy, chỉ có mình tôi. Thầy Đoàn không bảo tôi luyện ngón như mọi hôm, mà hỏi chuyện gia đình. Tôi tự hào khoe rằng nhà tôi có nhiều bằng Tổ quốc ghi công nhất xã. Bốn chú là liệt sĩ cơ mà! Thầy nhìn tôi ái ngại. Tôi cũng hỏi thăm gia đình thầy. Thầy ngồi đăm chiêu một lát rồi thở dài.
– Chuyện nhà thầy buồn lắm !
Không khí trong phòng chùng xuống. Thầy thờ thẫn đứng lên mở nhạc:
– Thầy xin lỗi… Em nghe cùng thầy nhé!
Thầy chỉ nói thế rồi ngả ra giường nằm co quắp y hôm nào khiến tôi sờ sợ lắp bắp mãi chẳng thành câu. Thầy mở mắt ra gượng cười nói nhỏ:
– Thầy không sao đâu. Em nhắm mắt lại, nghe cùng thầy nhé?
Phút chốc, tôi cảm thấy người nhẹ bẫng.
Thầy Đoàn từ từ mở mắt lúc bản nhạc kết thúc:
– Em cảm thấy thế nào?
Giá là bây giờ, khi tôi đã có chút hiểu biết về âm nhạc… Còn hôm đó tôi lúng túng mãi mới trả lời được một câu quê mùa ngô ngọng:
– Em chẳng hiểu gì sất. Em thấy như có con gì bò trên da em í, buồn buồn là!
Thầy Đoàn reo khẽ :
– Em có “tai nhạc” đấy!
Lời khen và câu chuyện của thầy Đoàn đã đưa tôi đến nước Đức xa xôi để biết một nhạc sĩ thiên tài tên là Beethoven, người đã viết nên bản “Sô-nát ánh trăng” bất hủ khi tai đã hoàn toàn điếc đặc. Đang chìm đắm trong ước mơ không tưởng, tôi giật bắn người khi nghe hỏi:
– Sao các bạn hôm nay không ra học?
Bị hỏi bất ngờ, tôi buột miệng:
– Dạ… Tại chúng nó sợ… không có tiền trả thầy…
Thầy Đoàn giơ hai tay lên rồi hạ xuống khổ sở:
– Trời ạ! Em nói với các bạn ngày mai cứ ra học nhé. Thầy có lấy tiền các em đâu.
Dù tôi đã hết lời nhưng cũng không thuyết phục được lũ bạn. Đi một mình ra trường vào ban đêm thì sợ ma, tôi cũng đánh bài chuồn.
Chiều trên cánh đồng gần trường. Lúa đang độ ngậm đòng. Gió viu víu trên hàng dây điện thoại. Sóng lúa thẫm xanh rờn nhau không ngớt. Tú rê ghì trâu lại trên bờ ruộng hẹp. Gần chục con trâu dồn cục vào nhau. Thầy Đoàn! Thầy Đoàn nằm ngửa trên thảm cỏ gò Găng. Chúng tôi nháy nhau toan phi trâu chạy trốn, nhưng không kịp nữa rồi. Thầy Đoàn đã đứng dậy vẫy tay. Nét mặt thầy lúc đó vô cùng nhẹ nhõm và thư thái. Thầy giơ tay chỉ lên hàng dây điện: Những con sáo sậu ríu ran đùa giỡn với nhau, thỉnh thoảng một con lại thả mình lao vút xuống như một mũi tên đớp một con châu chấu rồi xòa đôi cánh đốm trắng bay lên kêu lảnh lói. Thầy bảo:
– Các em thấy không, cuộc sống là âm nhạc!
Vâng, cuộc sống là âm nhạc. Tôi nhập tâm câu nói ấy, để rồi sau này xảy ra một chuyện buồn.
Hết kỳ nghỉ hè, cô Hoan trở về mua cho chúng tôi mỗi đứa một tập vở chép nhạc. Tập vở nhạc thơm mùi giấy mới với những dòng kẻ máy thẳng tắp từ lâu là niềm ao ước của chúng tôi. Trước đây chúng tôi chỉ chép nhạc trên những dòng kẻ nguệch ngoạc trong cuốn vở đóng từ giấy bao phân lân gom từ kho hợp tác. Nhưng những gương mặt đang hớn hở bỗng xìu ngay lại. Cô Hoan đã nói to trước lớp bằng giọng vui tươi:
– Cô cảm ơn các em đã giúp cô. Nhờ các em mà sức khỏe thầy Đoàn rất tốt!
Ước gì đất nứt ra một kẽ thật to để tôi chui xuống cho đỡ ngượng !
Những mái đầu đỏ quạch thập thò trước căn phòng nhỏ. Cô Hoan nhướng cặp mày thanh thoát lên mừng rỡ nhưng lại nhíu ngay lại khi thấy chúng tôi bẽ bàng rút những tập vở nhạc đặt lên bàn. Tôi cúi đầu xuống đất, ngón chân di mãi trên nền nhà nóng rát. Nghe xong những lời thú nhận, cô Hoan nở một nụ cười độ lượng:
– Cô không trách các em đâu. Cũng tại cô không nói trước.
Và cô kể. Giọng kể bùi ngùi về một gia đình ở phố Khâm Thiên. Người chồng là nghệ sĩ dương cầm tài hoa, người vợ là ca sĩ hát opera nổi tiếng. Cậu con trai duy nhất cũng say mê âm nhạc, được gửi vào học trong nhạc viện từ năm mười tuổi… Đêm ấy, khi người chồng đang lướt những ngón tay thon dài trên phím dương cầm đệm cho vợ hát thì bất ngờ, còi báo động hú lên. Điện phụt tắt. Trời đất tối sầm. Tiếng đàn thánh thót đang quện lấy giọng hát ngân nga đột ngột bị nhấn chìm trong vô vàn chớp lửa và tiếng nổ… Sáng sau, từ nơi sơ tán, Đoàn đã chạy hai chục cây số trở về chết điếng trước dãy phố quen thuộc giờ chỉ là một vệt đổ nát kéo dài, nghi ngút khói. Người ta bươi cào, moi móc trong đống gạch ngói tơi bời mãi tới trưa mới tìm thấy thi thể nát bấy của mẹ cha Đoàn cùng chiếc đàn dương cầm nát xụm. Tập nhạc vương máu lem nhem vết cháy vẫn nằm trong tay người mẹ… Ngay hôm ấy Đoàn bỏ học.
– Trong đầu thầy Đoàn có một mảnh đạn nhỏ như hạt tấm nhưng không mổ được. Thầy hay lên cơn đau đầu khi về phố cũ…
Cô Hoan kết thúc câu chuyện từ lâu nhưng chúng tôi vẫn còn ngồi lặng. Những giọt nước mắt trong trẻo ứa ra lăn tròn trên những khuôn mặt lem mực tím tự khi nào.
Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, trường tổ chức thi báo tường. Cô Hoan giao cho tôi và “Ban nhạc cong cóc” trách nhiệm này với mục tiêu “phải giành giải nhất!”. Chúng tôi bò toài ra tập hợp bài vở, trình bày trang trí cả tuần. Tờ báo lớp tôi có đủ thể loại thơ ca nhạc họa. Nhạc tôi dùng bài hát “Khúc nhạc đồng quê” của thầy Đoàn và minh họa thêm bức tranh. Một chú nghé hoa nhởn nhơ vểnh đôi tai lá mít ngước nhìn bầu trời trong veo. Một chú ếch cốm ngồi gật gù dưới khóm lúa no đòng mập mạp. Những con sáo sậu được vẽ cách điệu thành những nốt nhạc cao thấp đậu trên những hàng dây điện vắt ngang bầu trời như một dòng nhạc bất tận. Thầy Đoàn xem tờ báo tấm tắc:
– Đẹp lắm! Chắc lớp 6A của cô Hoan sẽ giải nhất !
Nhưng…
Thầy Khởi gọi tôi lên Ban giám hiệu hạ giọng thì thào:
– Có phải thầy Đoàn xui em vẽ bức tranh này không? Có phải thầy Đoàn muốn ám chỉ lãnh đạo là tai trâu, không coi trọng môn âm nhạc chứ gì? Em cứ khai thành thật vào đây!
Thầy đẩy về phía tôi tờ giấy trắng và cây bút bi mở nắp. Tôi đớ người ra ngạc nhiên, nhưng cứng cỏi đáp lại:
– Thưa thầy, bức tranh này em vẽ, thầy Đoàn không tham gia gì vào tờ báo đâu ạ.
– Hừ! Cãi hả! Để tôi cho gọi bố em ra đây.
Tôi ngồi một chỗ khóc ròng, trong đầu có tiếng roi mây nổ trên mông đen đét… Có lần tôi hỏi: “Có phải thầy Khởi học chưa hết lớp năm hả bố?” Bố tôi nghiêm mặt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.. Con không được hỗn!” Chắc chắn ông sẽ tin thầy Khởi.
May sao, thầy Đoàn đã hiện ra trước mắt tôi bất ngờ như một vị cứu tinh. Thầy từ tốn nói:
– Thầy đừng suy diễn thô thiển như thế. Thầy không nhận thấy nét vẽ vụng dại và hồn nhiên của các em hay sao?
– Hồn nhiên à? Có mà xỏ lá ba que thì có! Tôi lại không đi guốc vào bụng các người à? Anh cậy có tý chiến trường nên về đây để đòi để hỏi đấy hử?…
Tai tôi ù đi, óc tôi mụ mẫm trước một lô một lốc ngôn từ khó hiểu tuôn ra từ thầy Khởi. Thầy Đoàn không đáp lời, dắt tôi về lớp:
– Chuyện người lớn, em đừng bận tâm làm gì!
Tối đó trăng lên bát ngát. “Ban nhạc cong cóc” ra thăm thầy Đoàn. Phòng không người. Chiếc máy hát vẫn mải mê quay. Tú rê suỵt một tiếng giơ tay chỉ. Giữa bãi cỏ sân trường hai bóng người ngồi tựa vai vào nhau âu yếm. Chiếc cặp tóc của cô Hoan bắt trăng lấp lánh, lấp lánh. Tính tò mò trẻ con đã thôi thúc một hành động rất hư: Trườn trên cỏ như những con thằn lằn, bắt chước những chiến sĩ trinh sát Hồng quân trong phim chiến đấu của Liên Xô tiếp cận mục tiêu. Sương buông lành lạnh. Không gian vàng đẫm ánh trăng. Tiếng nhạc từ phía phòng thầy Đoàn buông vào thanh vắng. “Sô-nát ánh trăng”! Thứ âm thanh sóng sánh như vàng chảy, chầm chậm rót từ không trung khoáng đạt xuống trần. Cả ngôi trường đắm trong huyền ảo mơ màng. Thầy Đoàn chầm chậm cúi xuống khuôn mặt ngời trăng của cô Hoan… Bỗng một tiếng hực đau đớn phát ra từ bụi cây cúc dại. Cảnh ảo huyền vụt biến. Tất cả giật mình vội vã ngẩng lên kinh ngạc nhìn theo một bóng áo trắng vùn vụt ẩn hiện dưới những bóng cây loang lổ. Thầy Đoàn hẫng người từ từ ôm đầu đổ xuống cỏ. Cô Hoan cuống quít nói gì đó rất dài, rất nhỏ. Giọng nói run rẩy như một tiếng vĩ cầm…
*         *
*
Thầy Đoàn có quyết định gọi về Ty Giáo dục. Cả lớp lặng đi trong giờ học cuối cùng. Mắt thầy Đoàn như có khói. Thầy bắt nhịp cho lớp hát để xua tan không khí nặng nề. Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên. Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn … Bài hát trầm hùng thầy dạy, sao hôm nay hát lên lại thấy ngậm ngùi.
Giờ sinh vật, cô Hoan hướng dẫn giải phẫu ếch. Thằng Đông pha vụt kêu:
– Thầy Đoàn kìa!
Bốn mươi lăm cặp mắt trẻ thơ đồng loạt hướng ra cửa sổ. Thầy Đoàn một mình dắt xe ra khỏi khu tập thể vẫy tay chào. Cô Hoan vừa cắm chiếc kim vào đỉnh đầu con ếch gây mê liền tuột tay gục đầu vào bảng. Con ếch mang chiếc kim trên đầu nhảy loạng choạng trong phòng học. Chúng tôi ào ra cửa tiễn đưa, nhưng một tiếng hắng dội chúng tôi trở lại. Thầy Khởi tấp tểnh chạy vào lớp, xấp ngửa vồ con ếch đưa tận tay cô Hoan, tỏn tẻn cười. Viên phấn trên tay cô Hoan rơi xuống nền đất vỡ vụn. Chúng tôi bấu chặt tay vào song cửa sổ. Những cặp mắt đỏ hoe nhìn không chớp cho đến khi bóng thầy Đoàn nhỏ như một nốt nhạc cô độc cuối cánh đồng.
Thầy Khởi cưới vợ. Lớp tôi đóng mỗi đứa năm hào mua được một chiếc chậu nhôm mỏng tang làm tặng phẩm. Cô Hoan mặc áo trắng, quần lụa đen, mắt mọng nước sánh vai cùng thầy Khởi khập khiễng đi từng bàn tiếp khách. Khi nhận tặng phẩm, thầy Khởi tránh ánh mắt tôi. Cô Hoan cắn môi nhìn tôi bằng cặp mắt giàn dụa nước. Ruột gan con trẻ rối bời. Gió đông thốc những giấy pháo tả tơi. Đôi bồ câu giấy trên phông uốn éo…
*         *
*
Tháng ba trên thành phố cao nguyên, nắng cuối mùa khô vàng tươi màu mật ong. Gió phơi phới thổi tung áo váy đủ sắc màu thổ cẩm. Hội đua voi bước vào vòng chung kết. Những thớt voi cuồn cuộn cuốn trên đường đua làm cồn lên một cơn lốc đỏ bụi ba dan. Khi chú voi đầu tiên cán đích huơ vòi kiêu hãnh chào khán giả thì một điệu nhạc rộn rã tấu lên. Những chiếc chiêng tròn vành vạnh ánh lên màu nắng, bung biêng theo nhịp nhảy. Những đuôi khố tua rua bay phần phật trong tiếng reo hò. Tôi ngỡ ngàng nhìn giàn chiêng, không để ý đến chú voi thắng cuộc, không để ý đến cả mấy chục thớt voi đang còn rầm rập tướt về. Cách đánh chiêng của người Tây Nguyên khiến tôi vụt nhớ tới dàn kèn cong cóc ngày xưa. Mỗi chiếc chiêng chỉ có đúng một âm, vậy mà những chàng trai Ê Đê đã tấu lên một bản nhạc tưng bừng.
Tôi về phép lần này với tâm trạng bâng khuâng. Tôi mang chuyện dàn chiêng trong ngày hội đua voi về kể cho bè bạn một thời. Ngang trường cũ, thấy các em đang ríu rít vui đùa. Những em bé xinh tươi trong đồng phục kia ơi, có em nào chơi kèn cong cóc nữa không?
Tin tôi về lan nhanh. Trong nhà Tú rê, nơi chúng tôi gặp nhau, bất ngờ có cô Hoan. Hai mươi lăm năm cô Hoan luôn đồng hiện với thầy Đoàn trong ký ức, nhưng tôi không bao giờ mong gặp. Tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Những thằng bạn một thời lấm láp tay bắt mặt mừng không làm tôi vui lên được. Cô Hoan ngồi thu mình một góc. Cô vẫn đẹp. Tóc cô vẫn đen, búi một búi cao dầy sau gáy. Mắt cô nhìn chúng tôi vẫn chứa chan ấm áp nhưng không giấu nổi những nét hoang vắng u hoài. Tôi biết cô đã nghỉ hưu, sống âm thầm một mình trong ngôi nhà nhỏ cạnh trường. Cô và thầy Khởi… chuyện tế nhị, không tiện nói chỗ này. Sự có mặt của cô Hoan khiến không khí buổi họp mặt nặng nề. Đã mấy lần cô Hoan định nói với tôi một điều gì đó, nhưng thấy tôi lanh lánh, lại thôi. Tú rê kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:
– Ông làm sao thế? Cô Hoan đến để hỏi tin thầy Đoàn. Ông có biết thầy đang ở đâu không?
Tôi bắt đầu công việc kiếm tìm từ Sở Giáo dục. Tỉnh cũ chia hai, hồ sơ tản mát không xác định được. Tôi còn hỏi nhiều nơi nữa, nhưng càng hỏi càng thấy mông lung. Một thầy giáo ở thị xã Hà Đông bảo:
– Tôi biết một thầy giáo tên Đoàn, bị điều vào Tây Nguyên cùng đợt với tôi. Nghe nói đã lấy một cô vợ người dân tộc Ba Na và ở luôn trong ấy…
Một nhạc sĩ người Hà Nội thì ngờ ngợ:
– Hồi tu nghiệp bên Nhạc viện Tchaikovsky tôi có nghe nhắc đến một nhạc sĩ tên Đoàn, học khóa trước, rất hay nằm co quắp như tôm luộc. Không biết có phải Đoàn mà anh hỏi không…
Một vị đại tá quân đội lại nói:
– Đơn vị tôi có một tay tên Đoàn, lính tái ngũ. Hắn chơi đàn hay lắm, cả sư đoàn đều mê. Hắn hy sinh cuối năm bảy chín ở biên giới Tây Ninh…
Trời ơi, tôi biết nghe ai bây giờ?
Thầy Đoàn ơi, nếu đọc được những dòng chữ này xin thầy liên hệ với em ngay theo số máy 0912.288.506. Chúng em và cô Hoan rất mong thầy!
Đại Lải, tháng 3 năm 2005
Tác giả: Đỗ Tiến Thụy – Giọng đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *