Bài nổi bật

Bản thảo lãng quên

Thường giật mình. Có ai vừa chạm vào lưng. Cảm giác tê tê chạy khắp, anh thấy mình phất phơ như những ngọn tre trên cao gặp cơn gió lành.
Làn gió xuân đầu mùa đã tràn ngập khắp cánh đồng. Thường cầm cái nỏ, chui ra khỏi lùm cây. Kìa đám mây óng mượt như hình một đàn thú hoang chạy ngang bầu trời mùa xuân cao thắm. Thường vươn vai vác chiếc nỏ đi quanh mấy thửa ruộng lấp xấp nước.
Những con chim mồi khâu mắt đứng trên bờ như có giác quan đặc biệt, chúng biết anh đang đi dạo nên những thửa ruộng giả, nên cất tiếng kêu chiêm chiếp, vừa mừng rỡ vừa vẻ căm ghét.
Chiều về trên quê hương như chiếc lá. Chiều mùa xuân lướt qua khuôn mặt của chàng, những giọt mồ hôi vẫn còn đọng lại cùng bao suy nghĩ vẩn vơ.
Anh đứng giữa cánh đồng xác xơ, nhìn đám mây trôi qua muốn cất tiếng thật to gọi nó dừng lại. Mây cứ vần vũ trôi đi. Những tiếng hoẵng tác đó đây trong tâm tưởng cũng chìm dần cùng mặt trời lặn. Sau đám mây lấp ló từng khuôn mắt thân quen của đàn hoẵng mà thời gian đã xóa nhòa chúng khỏi ký ức của cái làng nhỏ đã trở thành thị tứ. Khắp nơi đang ồn ào xây dựng, buôn bán đất đai và các vụ kiện tụng liên quan tới bất động sản. Đàn hoẵng chạy qua ngang trời cúi xuống nhìn Thường, âm thầm như thế đấy.
Bỗng nghe lá khô cành gãy sỏi đá trượt dài.
Lắm khi, Thường ngồi cặm cụi viết những kỷ niệm, về cuộc đời này, xứ sở xa vắng của chàng, nhưng rồi chẳng hiểu sao sau đêm dài thức trắng, khi bình minh hừng sáng, chàng lại thích thú đốt đi những trang bản thảo đã đầy ắp chữ. Chàng lúi húi che gió, xòe diêm đốt. Mọi ký ức, buồn vui, những nỗi đau và có thể là cả những niềm hi vọng vừa mới nhen nhóm. Cánh đồng hun hút gió lạnh, từng con chữ được hóa vàng mà bay đi. Từng con chữ lang thang khắp quê hương này, tan vào trong gió, trong đồi sim, khe Buồn, chúng bay cả lên núi cao, dính vào lưng con bê và bay la đà mặt nước khiến lũ cá chép lao lên đớp mồi. Tất cả chữ nghĩa đã vụt biến đi trong bình minh, để lại trên má chàng dấu tích là những vệt mồ hôi đen nhẻm.
Chàng muốn trả những trang bản thảo cho mảnh đất bé nhỏ này. Chàng gửi chúng cho các độc giả mà chàng tin họ hiện hữu mỗi khi hoàng hôn tràn xuống cánh đồng trong cơn gió tan tác cỏ dại. “Hãy đọc đi”, chàng lẩm bẩm, “ta viết cho các người đó, những kẻ đã biến mất khỏi xứ sở này, bởi bom đạn, thời gian, tiền bạc, sự lười nhác, ngu tối, sự mệt mỏi”. “Những độc giả! đây là những gì ta xuất bản cho các ngươi!”.

Người mẹ già nua, nhân vật trong vài truyện ngắn, nhìn chàng gật đầu mà nói: “Đốt hết đi. Tao không biết chữ”.
Những con chim mồi bị khâu mắt, nghe tiếng nói của chàng, chúng kêu chiêm chiếp. Chúng không thể đọc được gì. Chúng chỉ nghe mùi cháy khét rùng rợn. Chúng rụt cổ, im lặng. “Hãy đọc đi”, chàng gào lên trên cánh đồng cô quạnh khi ánh nắng cuối cùng trên đỉnh núi chiếu lên bầu trời vô nghĩa.
Những con chim mồi nghĩ là chàng đang hót. Điệu hót của chàng thực nực cười, nó chẳng lay động được ai. Lũ chim mang tiếng hót tìm kiếm bạn tình, người đàn ông kia lại không như vậy. Anh ta gọi ai, để làm gì? Không thể biết. Đàn chim cúi đầu trong màn đêm đen kịt. Lũ nhỏ kéo chàng vào lùm cây. Đàn cò mấy chục con lượn lờ trên cao ngó nghiêng xuống những mảnh ruộng quanh lùm tre dại xanh biếc. Đàn cò như bị hút hồn. Chúng lượn lờ, vừa muốn bổ nhào xuống ngay nhưng cũng vừa trông chừng xem có gì nguy hiểm không.
Thường nín thở. Đúng là của trời cho. Anh thở phào. Đám cò dính phải đám cây nhựa cắm chi chít trên bờ ruộng giả, chúng giãy giụa điên cuồng. Những con chim mồi cất tiếng cười the thé. Thường cũng ngả ngớn cười, hòa cùng một bản đồng ca chiều tà. Trước mặt anh, bầu trời xa rộng trống huơ trống hoác, vài cánh cò thoát chết thảng thốt bay vô phương hướng, chúng hẳn còn tiếc miếng mồi ngon nơi thửa ruộng.
“Tết này chồng em gửi tiền về xây nhà. Có lẽ em cũng thôi nghề bán vạc bán cò quay này anh ạ. Nghề này bạc lắm, sau này có nhẽ mình chết không nhắm mắt nhỉ”. Nàng thức giấc khỏi cái chõng tre trong lùm cây, thò cái đầu ra, tóc còn lõa xõa. “Gớm, hơi tí đã chiều tối rồi. Ối giời! chỉ được nhúm cò thế này thôi à”. Túy nhìn anh, đôi mắt vẫn ngái ngủ, khuôn mặt sưng sưng. Cái cổ ba ngấn của nàng, làn da trắng muốt.
“Anh mà là lão ấy thì anh không bao giờ đi lao động xuất khẩu – chàng đưa cho nàng đám cò đã buộc túm tụm – làm sao có thể tin một người đàn bà lăng loàn như em hả”. Nàng hôn vào má chàng: “Anh phải cám ơn cái dốt nát của lão ấy mới phải. Ối giời! Con cò này nó cắn lưỡi tự sát”. Nàng cười sằng sặc. Ừ nhỉ. Con cò lớn nhất đàn lúc nãy hẵng còn trương mắt ra nhìn sao giờ hộc máu thế này.

“Con cò đầu đàn, ân hận vì đã đưa cả họ nhà nó vào chỗ chết”. Chàng thở dài. “Ối giời! không chết ở đây thì sang bên kia rặng núi cũng lại chết vào tay người vùng khác. Mấy chục trận địa thế này, chạy đâu cho thoát”.
Nàng giương cái nỏ, chĩa vào yết hầu chàng. Cái nỏ đã lắp sẵn tên. Mũi tên là chiếc đũa xe đạp đập nhọn đầu hai cạnh. Chàng thường dùng nó để hạ những con chim trên ngọn cây. Chàng đứng sững. “Cẩn thận!”. Đôi mắt của người đối diện nhìn anh, toàn tròng trắng. “Bỏ xuống đi, ghê quá!”. Khuôn mặt lạnh lùng như mặt một xác chết, môi thâm sì. “Mày phải chết”. Giọng nói rít lên. Bằng linh cảm của một người từng trải, chàng thấy mùi tử khí lởn vởn.
Chàng không cử động. Mũi tên đã chạm vào yết hầu, nó truyền sang chàng cái chết lạnh giá.
“Hãy cởi hết quần áo, mi phải chết như những con vạc. Ta cho ngươi ân huệ cuối cùng đó là được chết bằng chính mũi tên mà ngươi làm ra”.
Thường cảm giác như nước mắt đã rớt trên gò má già nua. Chàng cảm giác thế thôi, chàng không bao giờ rơi nước mắt. Chàng đứng trần trụi, trên tay cầm một túm cò đã trụi lông. Cái nỏ vẫn không rời yết hầu của chàng.
“Ta không có tội”. Chàng nói.
“Mi đã ở với đàn bà có chồng. Chỉ có cái chết của mi mới làm cho chồng của ta thỏa giận”.
Chồng nàng đã về rồi ư? Nàng đẩy chàng về phía miệng giếng bằng mũi tên lạnh buốt. “Em không đùa chứ. Em sẽ bị phát hiện, sẽ phải ngồi tù”. Chàng giơ cao những con cò đang giãy giãy: “Họ sẽ tử hình em”.
Người đàn bà với con mắt của loài chim đêm hoang dại trừng trừng nhìn vào chàng như thiêu cháy mọi nỗ lực của con người ốm o bệnh tật: “Có những bí mật cần phải chôn sâu trong cuộc đời này”.
Chàng định cất lên lời nói nhưng thanh quản của chàng bị kẹt. Nó vẫn thường kẹt như thế trong những giấc mơ dài…
*
**
Làng tôi nằm dưới chân núi. Trên đỉnh núi tương truyền có miếu thờ một nữ thần rất linh thiêng, người ta cấm đàn ông lên ngôi đền ấy. Đền được xây dựng từ thời Hai Bà Trưng, đến thời Lý được trùng tu.
Mẹ tôi nói rằng những ai được thần yêu mến thì sớm muộn đều hóa điên, suốt ngày đi lang thang và nói những điều lảm nhảm. Nhiều người chết bất đắc kỳ tử. Nhưng thứ mà nữ thần thích nhất là trẻ con.
Hàng năm, theo lệ, làng thường đến cửa rừng cúng một con lợn choai chưa động đực. Mặc áo quần cho nó như người, chít cho nó khăn đóng, tô vẽ râu và kẻ lông mày. Người chủ tế trực tiếp giết nó ngay trước bàn thờ, dâng lên những bát huyết còn nóng hổi. Trong một lần làm lễ như thế, ông tôi đã kể với tôi rằng thuở xa xưa lễ vật rất có thể không phải là con lợn đâu. Những lời của ông ám ảnh tôi.
Trong lễ cúng tế bây giờ vẫn còn lưu những bài ca nói về phong tục đáng lên án ấy:
Xin dâng lên cho người, xin dâng
Một mùa xuân vừa hé
Nào, xin nữ thần hãy nhận lấy
Báu vật của chúng tôi, lòng thành kính của chúng tôi
Nó đã thuộc về ý chí của thần linh
Nó đã thuộc về sự cai quản và tùy thần sử dụng
Tôi sinh ra vào một năm hạn hán. Những con chim cũng không dễ gì tìm được nước để uống. Lần đầu tiên, khe Buồn cạn khô. Thủy thần phải lui vào vực sâu trong đáy núi. Các ông thầy phong thủy, các thầy cúng, thầy bói ngày đêm làm phép. Đình đền tỏa khói hương suốt ngày đêm. Nhưng trời vẫn hanh hao, cằn cỗi. Con kiến bò ra khỏi cái tổ của mình mà chịu chết khô.
Ông thầy cúng nói rằng “Thần bảo, các người hiến tế”. Một vài người nói có lẽ sự chào đời của tôi đã báo hiệu một điềm gở nào đó. Bởi tôi khôi ngô tuấn tú khác thường. Tôi có thể nghe được những tiếng trò chuyện và hiểu phần nào mọi sự ngay từ khi tôi còn đỏ hỏn. Sự thông thái bao giờ cũng đem đến tai họa. Thầy bói nói rằng nữ thần đã chọn gọi tôi. Cô đồng nói: “Những giọt máu tinh khiết của nó sẽ đổi lấy cơn mưa”.
Bố tôi không dám làm phật ý ai cả. Bố tôi muốn đưa tôi đi trốn. Vào rừng sâu, sống trong hang, khi nào trời mưa sẽ về. Bố tôi tính thế. Ông tôi phản ứng quyết liệt. Ông tôi vốn là thầy địa lý. Ông tôi nói với những người bạn của mình: “Thần không cần những đứa trẻ”.
Sự hiến tế thực sự đã chấm dứt hàng trăm năm. Người ta đã sống mà chỉ cần dâng lên thần những con lợn biết mặc quần. Ông tôi nói.
Nhưng rồi, trời vẫn không mưa. Chẳng còn gì để ăn, mọi thứ đã cạn kiệt sau những mùa màng thất thu. Con trâu đang đi bỗng dưng ngã lăn xuống đường, tắt thở. Những rừng cây cũng vàng vọt và bốc cháy.

Anh Cần, chàng trai có khuôn mặt thanh tú, nhưng đầu óc lại ngu đần, đã ngã quỵ trên một tảng đá giữa cánh đồng. Anh chết queo, khô như tàu lá chuối ủ rũ. Anh giang rộng vòng tay mà ôm lấy đất đá của quê nhà.
Cái chết của anh làm cho người ta tin rằng món nợ với nữ thần đã trả xong. Trời sẽ ban phát nước ngọt. Một vụ cấy trồng mới lại bắt đầu. Các loại rau ngắn ngày sẽ sớm cho thu hoạch. Nhưng, mọi sự càng tồi tệ hơn cùng với niềm hi vọng ấy. Trời vẫn không một giọt mưa.
Ông tôi bỗng mù lòa, ngồi dưới gốc cây xoài cổ thụ khẩn cầu các vị thổ thần, thủy thần và cả nữ thần nữa, đừng bỏ quên cái làng bé nhỏ xác xơ này dưới mặt trời.
Người ta lại nhìn tôi bằng cặp mắt khác. Có tin, một người tận mắt nhìn thấy con hổ từ trên núi thờ trong đêm tối đã về tới đầu làng đòi người. Ông tôi cũng không biết phải nói với các vị phù thủy như thế nào nữa. Thầy bói bảo với ông tôi: “Hết cách rồi”.  Nửa đêm, ông tôi bảo: “Chúng ta phải trốn khỏi nơi này. Họ có thể sẽ hại tất cả chúng ta để giữ mạng sống của mình”. Ông quyết định quá muộn. Mọi nẻo đường đều bị canh chừng.
Chúng tôi cảm thấy mình bị vây hãm. Mẹ ngồi ở sân mà khóc. Mẹ bảo: “Nữ thần cần gì ở những người đàn ông cơ chứ? Có nhất thiết phải như thế không?”. Bố thì bảo: “Không hiểu mặt trời cứ mọc mãi làm gì”.
Vào những thời khắc mong manh ấy, ông tôi đã nhận ra một điều gì đó, phải, ông tôi đã bảo mọi người dắt ra cánh đồng, nơi anh Cần chết khát. Ông đưa những ngón tay dài ngoẵng của mình vuốt ve hòn đá khổng lồ và gõ vào nó, bảo: “Có nước ở đây”.
Những người đàn ông trong làng không tin ông tôi. Xưa nay họ không bao giờ nghi ngờ điều gì ông tôi nói với họ. Nhưng hôm nay, họ nghĩ rằng chúng tôi chỉ tìm cách kéo dài thời gian và chờ người thế mạng. Trong lúc trời nắng như thiêu, đào đá mở giếng chẳng khác gì tự sát.
Chúng tôi đã phải bán hết mọi thứ trong nhà với giá rẻ mạt. Cuối cùng, cả căn nhà lim năm gian mà tổ tiên để lại, cũng được bán chỉ với giá của một cái lều nát. Việc đào giếng bắt đầu. Nói đúng hơn, chính những người đàn bà đã tin rằng việc tìm nguồn nước sẽ cần thiết hơn một lễ hiến tế dài ngày và tốn kém vào lúc này. Chính họ đã cứu sống tôi.
Khối đá lớn hơn một cái sân đình. Nó là một tảng đá liền, nằm giữa cánh đồng, như một viên đá từ trên trời rơi xuống vậy. Buổi tối, những người đàn ông sức cùng lực kiệt đã đục đá cho đến khi trời sáng. Đám đàn bà con gái thì nấu cháo cho họ cầm hơi. Tôi cũng được đặc cách cho ăn cháo ấy. Mẹ lại bán tiếp mảnh nương sau nhà, chỉ để lại một vườn trầu nhỏ.
Giếng đào xong, nước chẳng thấy đâu. Người ta thòng sợi dây dài xuống để kéo người lên trước khi cái nắng thiêu đốt tất cả. Suốt ngày hôm đó và ngày hôm sau nữa, giếng vẫn cạn khô. Nó là một cái hố sâu thẳm tuyệt vọng trong viên đá khổng lồ. Nó như biểu tượng của nữ thần đã chết.
Việc hiến tế được chuẩn bị âm thầm từ trước đó. Người làng theo dấu chân con hổ để đi lên đền thờ nữ thần trên đỉnh núi. Tôi được trao cho nữ thần. Ba ngày sau, gia đình tôi lên núi, nếu tôi còn sống, tôi sẽ được đưa về nhà.
Tôi sẽ không cách nào sống sót nổi dưới trời nắng như đổ lửa, trên sân đền bằng đá mà không một bóng cây. Những con hổ đói khát sẽ lập tức biến tôi thành bữa ăn ngon của chúng.
Thế đấy, đúng lúc mọi người lục tục đi lên rừng thì máy bay địch tới thả bom. Bao nhiêu lễ vật bị bom cháy hết cả. Mẹ che chở tôi bằng tấm lưng mòn mỏi của mình.
Những cuộc chiến tranh dai dẳng kéo theo vô số đổi thay. Thanh niên trai tráng trong làng chúng tôi đã đi vào chiến trường mà chẳng mấy người trở lại. Họ ra đi như những cơn gió dũng mãnh và hồn nhiên. Nơi quê nhà, những trận chiến khốc liệt diễn ra như cơm bữa, mà người hi sinh là trai tráng nơi khác đến. Người làng nói rằng “lính hi sinh đều là những chàng trai tuấn tú”.  Thế đấy, tôi nghĩ dù chiến tranh gian khổ, câu chuyện về nữ thần và việc hiến tế vẫn không bao giờ phai nhạt trong làng tôi.
Ông tôi đã nuôi tôi trong hầm sâu cho đến khi tôi trở thành chàng trai thực thụ. Tôi gia nhập vào quân ngũ theo bước những người anh của làng. Nhưng một điều không ai hay biết, tôi đã phải lòng một cô gái cấp dưỡng của đơn vị pháo binh đóng dưới chân núi Thực, núi Mơ. Thực lòng tôi muốn chiến đấu ngay tại làng hơn là đi xa nàng.
Nhà tôi có những luống rau thơm, nhiều hoa trái. Khanh thường vào nhà tôi để lúc mua, lúc xin rau thơm. Nàng thích ăn những trái dâu chín quanh hàng rào. Khanh cao ráo, nụ cười rạng rỡ, phong cách táo bạo kiểu con nhà binh. Mỗi lần vào nhà, Khanh lại chui xuống hầm xem tôi học bài. Chúng tôi ngồi bên nhau, những sợi tóc mai của Khanh chạm nhẹ vào trán tôi. Đôi khi, Khanh cầm tay tôi vào bảo: “Học giỏi nhé, mau thành kỹ sư”.
Ban đầu, tôi coi Khanh như người bạn lớn, vì Khanh hơn tôi vài tuổi. Nhưng rồi, vẻ giản dị, táo bạo, hòa đồng của Khanh khiến chúng tôi thân mật hơn. Tôi thường hái quả cho, còn Khanh tặng tôi sữa bột, đôi ba cuốn tạp chí có văn thơ. Khanh không khi nào đọc văn thơ, chẳng hiểu sao, vẫn đem cho tôi những thứ ấy.
Sát ngày tôi đi, đúng đợt máy bay địch oanh kích dữ dội. Tiễn tôi đi, chỉ có Khanh là người duy nhất. Bỗng tiếng kẻng báo động lại vang lên từ ngọn cây cao. Những trận bom mới sắp dội xuống nữa rồi.
“Chạy đi”. Khanh cầm tay tôi lôi về phía quốc lộ. Tiếng pháo gầm vang. Những trái bom hất tung tất cả. Không còn cách nào khác, tôi ôm Khanh nhảy xuống giếng làng.
Tôi uống no nước rồi. Khanh đỡ tôi bám vào những viên đá lớn quanh miệng giếng. Tôi cứ ép mình vào những viên đá, người chuội xuống. Những cành cây dại trên đầu, tôi nắm chặt lấy mà bàn tay ứa máu. Tôi không còn nhìn thấy gì ngoài những ánh lửa loằng nhoằng, âm thanh nổ bung và cả mùi khét của bom đạn. Bóng tối bao phủ. Tôi đã kiệt sức và buông mình chìm xuống đáy giếng làng.
Tôi cũng chẳng biết vì sao mà mình lại nằm được trên bờ giếng làng. Tôi đã tự thoát thân hay Khanh đã kéo tôi lên? Mở mắt ra thì trăng đã sáng rực, bầu trời xanh thẳm, những vì sao lấp lánh khắp mọi nơi. Tôi chẳng mặc gì trên người. Khanh đang sưởi ấm bằng cách xoa nóng người tôi. Tôi không thở được, không cựa quậy nổi. Người tôi như một dòng nước cuốn đi, hờ hững mà tê tái.
Bỗng nhiên, tôi giật nảy mình. Cái gì đó chạm vào nơi tôi nhạy cảm. Tôi co mình lại. Một tiếng sét chạy ngang qua tôi đã làm tôi bừng tỉnh. Tôi chợt nhận ra Khanh đang cố gắng đánh thức tôi, từ cái chỗ kín đáo nhất của tôi. Nàng ngồi miệt mài, quay lưng lại, mái tóc xõa lên rốn tôi. Khi tôi co gối lên, nàng thở phào, ngửa mặt lên, bảo: “Trời ơi! Sống rồi”.
Khanh xõa tóc, che kín khuôn mặt. Nàng rất ngượng ngùng khi tôi sống lại. Bỗng dưng, tôi thấy Khanh như một thiên thần. Mái tóc nàng, vóc dáng mảnh mai mà quyết liệt. Trong khói bom mù khét vẫn còn quần thảo trên cánh đồng, tôi cảm thấy mùi hương thơm ngan ngát từ Khanh, một bông hoa còn lại trong cuộc chiến tàn khốc này. Tôi vòng tay ôm lấy eo của Khanh. “Đừng bỏ mình lại đây, đừng bỏ mình”. Tôi kéo nàng vào lòng tôi, như kéo một mặt trời ấm áp vào cõi lòng vẫn còn buốt giá.

**
Khi Thường trở về làng, cuộc sống đã trở lại bình thường mà giặc giã bây giờ là cái đói. Người ta lấp hố bom, lấp cả các giao thông hào, trở lại trồng lúa, trồng khoai. Bố mẹ anh đều bị bom đạn làm cho nghễnh ngãng. Bố anh thậm chí còn bắt tay anh và luôn miệng chào đồng chí. Thỉnh thoảng bố bỏ nhà đi lên rừng vài ba ngày.
Mỗi lần anh đi tìm bố, phải mất cả buổi. Ông có thể nằm ngủ bất cứ đâu. Mỗi lần như vậy, anh lại lo lắng. Có lần, bố biến mất hàng tuần. Khi anh tìm ra ông sau ngọn núi, ông đã dựng lên được một trận địa giả với hàng chục khẩu pháo được làm bằng các que củi khô dài ngoẵng.
Anh đào những gốc tre đẹp nhất ra trồng quanh giếng làng làm một lùm cây để bẫy chim cò. Những cây tre đan bện vào nhau. Dưới thì anh kết chõng, trên thì anh làm thang đi lại, cắm que nhựa, đặt chim mồi. Người ta ghé vô lùm cây, giật mình kinh hãi thấy người đi lại quanh miệng giếng sâu, người leo trèo trên ngọn tre như con vượn.
Bố anh đi từ làng ra, quần ống thấp ống cao, đầu trần, tới trước cái giếng ông đứng một lúc lâu, van vái mấy cái, rồi mới lên chõng nằm. Anh sợ cụ lăn xuống giếng lắm. Hóa ra cụ có thể ngủ ngon trên một cành cây.
Thường nhìn xuống nước, mặt giếng tối thui. Lâu lâu, gió lay lùm cây, thấy giếng lấp lánh ánh sao. Thường thấy bóng cây tre chuyển động, bóng người thấp thoáng. “Khanh ơi!”. Anh gọi. Nhưng chỉ có tiếng của Túy: “Lại Khanh hả!”.
Mẹ vẫn nhắc tới Khanh. Mẹ nói: “Chưa thấy ai cười đẹp như Khanh. Khanh tươi như vậy, yểu tướng lắm”. Mẹ lại bảo: “Khanh có cái hiền hậu của thiên thần, có cái trong sáng của các nàng tiên”.
Từ những cánh rừng dìm mình trong hóa chất trừ cỏ, Thường về làng, trong mình có 15 mảnh đạn. Với anh, trở về làng đã là một niềm vui sướng lớn nhất rồi. Anh chẳng ngó ngàng gì tới những mảnh sắt trong người. Khi những năm tháng đói khổ nhất của thời hậu chiến qua đi, cơ thể đau nhức, anh vào bệnh viện và bác sĩ nói rằng đã quá muộn để phẫu thuật. “Những mảnh đạn đã gắn chặt với anh, trở thành một phần cơ thể của anh, nếu lấy chúng đi thì sự nguy hiểm thực khó lường”.
Mùa xuân, những mảnh đạn ở vai, vào mùa thu, đôi khi chúng nằm sát trái tim. Những mảnh đạn hoen rỉ tựa như ký ức của chàng về chính mình, chúng cứ lang thang trong chính chàng. Chàng không biết không nhớ bằng cách nào chúng đã trở thành một phần cuộc sống của mình như thế. Chúng di cư như chim trời.
Túy là người đàn bà đầu tiên của chàng sau chiến tranh. Khi chàng trở về, nàng hãy còn là một cô gái ngây thơ, hồn nhiên với nụ cười mơ màng, người làng gọi nàng là Cái Bánh Đúc. Nhà của nàng có cây táo dại cao lớn. Những quả táo đắng nghét, nhưng vị ngọt của nó người ta cảm nhận được mà không biết từ đâu ra.
Khi anh về làng, lang thang như người trong mộng, nụ cười hiền lành và ngơ ngác, Túy vẫn thường đi theo anh. Nàng ngắm anh bằng đôi mắt của con chim cu đất ngộ nghĩnh. Nàng dẫn anh đi giữa những hố bom bãi đạn, những trận địa bỏ hoang, đi tìm mộ của ông nội anh. Ngôi mộ nằm bên khe Buồn, bố đã trồng một bụi dứa dại làm dấu. Anh ngồi bên nấm mộ, hái những bông hoa sim cài lên tóc Túy.
Anh hỏi Túy: “Có bao giờ nghe nhắc đến một cô gái tên là Khanh làm cấp dưỡng cho đơn vị pháo cao xạ dưới chân núi Thực, núi Mơ không?”. Túy nói: “Không nghe bao giờ”.
Anh và Túy lên núi cao. Anh mang theo một khẩu súng săn với những viên đạn đồng bóng láng. Túy đeo một cái ba lô đựng những nắm xôi với muối vừng, mấy chai nước lấy từ giếng làng. Vết thương làm anh nhói đau. Nụ cười của Túy khiến anh cảm thấy có cuộc sống khác trên cõi đời này, anh lờ mờ cảm thấy như vậy. Thường không biết cuộc sống đó ở đâu, như thế nào.
Rừng dẻ nở hoa thơm ngát, nhưng con nai con hoẵng không còn nữa. Dăm bảy chú lợn rừng thảng thốt khi nghe bước chân người. Chúng chạy theo anh. Tự trên trời cao, ánh sáng mặt trời ấm áp chiếu rọi khu rừng, cây cối đâm chồi và tỏa ra mùi hương thơm dịu. Túy hỏi: “Đàn ông thường tin vào những điều huyền thoại?”. Thường đáp: “Ừ. Đàn ông không tin vào chính mình”.
Nửa đêm, khi mặt trăng chiếu rọi đỉnh núi như chiếu vào một cái sân trời cao ngút ngát, nàng đã trói nghiến anh bằng dây rừng. Nàng đã xé toạc chiếc áo sờn của anh, kéo tuột mọi thứ khỏi người anh, trói nghiến anh vào một khúc củi mục dài ngoẵng. Nàng như một con mãnh thú, cắn xé anh, cào cấu, rạch nát.
Những ngón tay búp măng của nàng làm anh tê dại, đôi môi chúm chím của nàng khiến anh như chìm trong sức nóng ngút ngát của ham muốn và tự mình đầu hàng những khao khát. Anh không muốn nghĩ gì. Quá khứ, hiện tại, tương lai nữa, anh bỏ lại chúng dưới chân núi, trong những trang bản thảo đang cháy.
Trước mặt anh chỉ có Túy, trắng nõn, cơ thể căng đầy và nóng rực, cương cứng, đi lại dưới ánh trăng, nàng siết anh bằng những sợi dây gai rừng tứa máu.
Bài hát của nàng như sau:
Kìa cánh đồng màu xanh mơn man
Kìa núi rừng những cây mục gục ngã
Kìa dòng suối quặn mình trong vực sâu
Hãy dừng lại mặt trăng thiêu đốt đêm sâu
Con hoẵng đọc bài thơ
Con chồn gặm nhấm từng hạt thời gian
Cát sỏi lăn theo bước chân và gió cũng lăn theo mặt trời
Ta xin hiến dâng lên người một mùa xuân xứ sở
Nàng vây bọc chàng bằng một vòng tròn lửa, thứ củi khô cháy nổ văng than lửa tơi bời. Ánh lửa làm cho khuôn mặt của chàng thêm ủ rũ, nhàu nhĩ. Chàng nằm đó, chờ ngọn lửa liếm vào thanh củi mục, hoặc là lửa sẽ cứu thoát chàng hoặc lửa sẽ thiêu cháy chàng.
Lửa cũng không thể đánh thức được của quý của chàng. Túy bỏ chàng mà đi. Chàng nằm đó, chờ lửa chôn cất mình như nó hằng chôn cất mọi thời gian. Bất giác, chàng nhớ đến cái giếng làng sâu biếc dưới kia.
Túy dập tắt lửa bằng lá cây tươi. Nàng và anh lấm lem than bụi, đen nhẻm, đầm đìa mồ hôi. Nàng lôi anh ra khỏi đám khói bụi vào bảo: “Người ta nói rằng anh đã làm hại Khanh, nhưng giờ đây em không còn tin nó là sự thật nữa”.

*     *
Những mùa xuân liên tiếp trôi qua. Trong những ngày như vậy, Túy lấy chồng, sinh ra những đứa nhỏ kháu khỉnh dễ thương. Chồng của nàng là một tay buôn gỗ lậu, khỏe mạnh, sống đơn giản, thương yêu vợ và có giấc mơ lớn trong việc làm giàu. Anh ta muốn mua mọi tấc đất của vùng này, đào bới những thứ châu ngọc. Nhưng công việc kinh doanh gỗ lậu đang phát đạt thì bị đổ bể, anh ta phải trốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Túy mở quán nhậu, karaoke, thu mua những con chim trời của chàng bắt được, với giá rẻ mạt. Người ta nói rằng đôi khi, nàng cũng đi khách. Nhưng chỉ với những cái giá đặc biệt hoặc là phải lúc trả tiền điện, tiền hàng mà lại làm ăn túng quẫn. Những chuyện đồn thổi như vậy bắt nguồn từ việc nàng đã đặt vòng ngay sau khi chồng xuất ngoại.
Những ngày cuối tuần nàng đem con gửi vào lùm cây của anh. Chúng rất thích chơi đùa với lũ chim trời, nghe anh thổi sáo. Con gái của nàng gọi chàng là bố. Nàng thích nó gọi như vậy.
Chàng đưa bọn nhỏ đi quanh những thửa ruộng giả, thăm những rừng que nhựa, dạy cho chúng bắn nỏ để hạ những con chim dính nhựa trên cao. Bọn nhỏ rất khoái. Chúng bảo với Túy: “Bọn con không muốn về nhà, ầm ĩ quá”. Trong những đêm tối trời, gió lạnh buốt, bọn trẻ đắp chiếc chăn làm bằng lông chim, ngủ ngon lành. Thường ngồi bên cái giếng giữa lùm cây, bên ngọn đèn bão với những trang bản thảo sắp sửa đốt để sưởi.
Câu chuyện anh viết về Khanh, cuối cùng cũng chỉ là một câu chuyện thôi.
Anh rất khó khăn khi viết về nó. Một câu chuyện riêng tư. Những cái tát của Khanh vẫn còn hằn lên mặt anh. Thường nghĩ vậy. Khanh không để lại gì, cho anh, một dòng địa chỉ hay một kỷ vật. Cái tát không phải là kỷ niệm.
Những trang bản thảo đang hóa thành tro bụi. Từng con chữ tan trong gió, trong mặt nước lặng lẽ.
Những đứa trẻ hỏi: “Sao bố viết rồi bố lại đốt đi. Cô giáo biết được sẽ phạt bố đấy”. Chúng lại bỏi: “Bố ơi, Khanh là ai hả bố. Làng mình chẳng có ai tên Khanh”. Chàng gật đầu: “Chỉ là nhân vật trong câu chuyện thôi”. Bọn nhóc lại hỏi: “Nhân vật là gì ạ? Nhân vật không phải là người ư?”. Chàng vội trả lời: “Nhân vật là người chứ”. Bọn trẻ hài lòng chui vào trong chiếc chăn ấm.
Đêm nay, chàng lại treo cái nỏ lên góc lùm cây. Cái nỏ nhẵn thín, không biết bao nhiêu con cò con vạc đã bỏ mạng vì nó. Chàng treo cái nỏ ngay cạnh lối chui vào. Từ đó, chàng dễ dàng đi ra ngoài và bắn hạ những con chim đang cố gắng vùng trên lùm cây dại cuối cùng trên quê hương.
Thường nằm cạnh cái giếng làng mà ngủ. Anh đắp trên mình chiếc áo pháo thủ.
Trong giấc mơ, anh thấy bầu trời tràn ngập những cánh chim trời. Từ trên trời xanh biếc, chúng ào xuống trận địa của anh. Theo phản xạ, Thường định chạy ra, nhưng bỗng dưng anh cảm thấy trời đất như nghiêng ngả, rung chuyển.
Một đàn cò hàng ngàn con đã đậu xuống lùm tre và dính phải vô số những cây nhựa tua tủa trên đó. Đàn chim vỗ cánh thoát thân như một cơn bão rung chuyển lùm tre dại. Tiếng kêu inh tai nhức óc khiến cho những mảnh đạn trong cơ thể anh thức dậy.
Lũ chim trời hất tung anh xuống cái giếng nước bỏ hoang giữa lùm cây. Trượt chân ngã xuống như một viên đá, chàng chìm nghỉm trong làn nước xanh rì. Thường biết bơi. Nhưng chàng cứ chìm xuống đáy nước sâu.
Ai kéo chàng chăng? Một bàn tay của ai đó đang nắm chặt tay anh. Khanh? Sao khuôn mặt nàng lạnh giá thế. Tiếng nói của nàng lao xao như tiếng chim trời.
Kìa cánh đồng màu xanh mơn man
Kìa núi rừng những cây mục gục ngã
Kìa dòng suối quặn mình trong vực sâu
Hãy dừng lại mặt trăng thiêu đốt đêm sâu
Chàng cứ chìm sâu trong làn nước xanh đen. “Anh vẫn đi tìm em”. Anh gào gọi Khanh. Tiếng gọi của chàng vang vọng trong lòng giếng nước.
Bất giác chàng muốn với tay lên lấy những trang bản thảo làm quà, nhưng nhớ ra mình đã lại đốt hết rồi. Chỉ còn tro bụi trên mặt nước kia thôi.
Trên chiếc chõng tre trong lùm cây oằn mình trong gió đêm, những đứa nhỏ đã ngủ say trong cái chăn nhẹ như một đám mây.
TP.HCM 11/2009
Tác giả: Trần Nguyễn Anh – Người thực hiện: NSƯT Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *