Bài nổi bật

Bạn Toồng – Tác giả: Bùi Thị Như Lan

Truyện đêm khuya – Còn chưa đầy hai bàn tay là cái tết đến rồi, khắp các bản xa gần xung quanh dãy núi Phja Diển hoa đào đã thắp lửa hồng gọi xuân về. Cái giá rét không châm kim tê buốt vào da thịt nữa. Tụi gió bây giờ không còn hung hãn như bầy ngựa non mới lớn, mà từng cơn, từng làn thổi nhè nhẹ, rủ muôn vàn hạt nước nhỏ li ti ẩn hiện giữa những tầng mây màu bắp nếp, ngả nghiêng trượt qua đá, lả lướt bay la đà trên ngọn cây, len lỏi trong từng đám lá, nụ hoa, rồi mới khẽ khàng trôi dạt xuống bản.
Trong thinh không nồng nàn hương thơm hoa trái, nhưng sao bụng bà Mải như có đám kiến nó đốt. Bà cầm cây chổi gậy quét mạng nhện, bụi bặm để gian nhà sạch sẽ đón tết, thế nhưng mới khua được vài đường trên đầu hồi thì bà đã ngơi tay, thả mắt ngóng xuống con đường bên kia núi. Bà ngóng thằng Ngọ nó về. Mà không riêng gì thằng Ngọ, bà thầm mong người ấy nữa. Cái người vô hình nào đó mà bà bao năm nay vẫn tưởng như họ đang quanh quẩn đâu đó thôi để dõi theo cuộc sống của gia đình bà. Cả đời bà nén chặt khắc khoải, thắc mắc trong bụng, bà không dám thổ lộ tâm sự cùng ai, kể cả với ông Sẩn, chồng bà. Không phải là bà không tin ông, vợ chồng đầu gối, má kề có gì phải giấu nhau, thế nhưng bà không muốn ông phải lo lắng, suy nghĩ. Vì thế, những câu hỏi không có lời giải đáp ấy cứ dày mãi lên trong bụng bà. Nặng trĩu, day dứt
Trong nếp nghĩ của bà, còn một chuyện nữa làm bà khó chịu, đó là sự hiện diện của hai viên đá nhiều màu tròn xoe được gói cẩn thận trong túi thổ cẩm rất đẹp. Mặt ngoài túi, thêu hai bông bjooc khày đang tỏa sắc tím quyến rũ dưới nắng vàng rực rỡ. Cái túi này xuất hiện cùng với niềm vui của gia đình bà. Bao năm tháng qua đi, nhưng hai viên đá màu sắc lạ lùng đựng trong túi thêu ấy không cũ đi, không bạc màu, mà cứ mãi tươi nguyên theo thời gian.
Hai viên đá trong túi ấy, giống như đúc khuôn hai viên đá được đựng trong túi thêu in hệt cái túi của chồng bà. Thi thoảng ông Sẩn lại mang nó ra ngắm, rồi nhìn tít lên núi cao thở dài, có lần ngắm nghía xong, ông tất tưởi, vội vã đi đâu đó cho đến nửa đêm mới về, người nồng nặc mùi rượu. Bà có hỏi thì ông bảo ông lên thăm bạn toồng.
Bà chống chổi, đứng giữa chái nhà, cách bậc cầu thang một bước chân mà mải mê nghĩ, mắt mông lung ngó về nơi xa xăm vô định, cho mãi đến lúc bà giật bắn người vì câu nói của thằng Ngọ, mới bừng tỉnh:
– Me! Me à, con đã về rồi! Nó nói thế rồi chạy ào ào lên cầu thang, ôm chặt lấy bà.
Ui chao! Thằng Ngọ của bà đây rồi, nó vạm vỡ, cao to là thế, sức vóc của nó giống như cây to, cột chắc, nếp nghĩ của nó vượt ra khỏi dãy núi Phạ Diển, đến những nơi xa xôi mà cả đời này bà chưa được đặt chân đến. Chao ôi! Nó ăn cơm của quân đội, nó mặc quần áo xanh màu lá, trên vai có những ông sao bé tí teo, nằm trong khuôn hình màu vàng rất đẹp, lại còn chiếc mũ nữa, ông sao trên mũ cứ lấp la, lấp lánh như đang cười với bà. Bà nhẹ gỡ tay nó ra, nói dỗi:
– Con trai lớn quá rồi, có còn bé dại đâu mà ôm me chặt thế? Me cứ nghĩ tết này dưới phố xa có nhiều cái vui, chắc gì mày đã về?
Nó đang hớn hở cười tươi, bỗng nhăn nhó, lắc đầu:
– Me đừng nghĩ thế, con không vui, cái cây còn có gốc rễ, con người có tổ tiên, ông bà, cha me mà…
Bà chép miệng: – Mày biết nghĩ thế là tốt, thế nhưng con đường phố xa về nhà có xe nó cõng mày, thế mà năm thì, mười họa mới đảo qua nhà một lần đấy thôi.
Ngọ lúng túng, vụng về cầm lấy đôi bàn tay chai sần, nhăn nheo của me, xoa nhè nhẹ, ấp úng nói: – Me à… là con bận quá đi, việc quân cơ lôi con đi mải miết, con có lỗi với cha, với me.
Nghe giọng nói nó buồn buồn, ánh mắt nó nhìn bà tưởng như trời sắp mưa, bà bỗng nguôi ngoai, khẽ thở dài, bảo:
– Thôi, chuyện gì nói sau, mày thì lúc nào cũng vội vội, vàng vàng như thế là cái số sẽ vất vả, me không muốn mày khổ đâu, Ngọ à.
Me nói thế, Ngọ vui như trút ra khỏi người cái gánh nặng, anh nhìn quanh quất gian nhà vắng vẻ, hỏi: – Cha đi đâu vắng thế me?
– Còn đi đâu nữa? Hai cha con nhà anh suốt ngày lo việc chung, quên việc nhà. Mà không biết cái việc chung ấy có nhiều cái hay, cái vui không mà ông ấy mải mê thế?
Là từ sáng đến giờ, bà thấy trong bụng có đàn kiến nó bâu vào đốt, lại tiện thể nhân lúc thằng Ngọ nó về thì bà nói thế, chứ cha thằng Ngọ, ông Sẩn ấy có làm gì, đi đâu thì cũng tốt thôi. Hơn hai chục cái tết làm vợ ông, bà vẫn luôn nghĩ thế.
*
*   *
Ông Sẩn ngược núi Phja Dẻn. Càng lên cao, mây càng nhiều. Những đám mây hết lớp này, đến lớp khác mang theo hơi ẩm ướt nặng trĩu bụi nước, quây lấy người, lành lạnh. Như đã thành thói quen, mấy chục năm nay, năm nào áp tết ông cũng lên trên bản Choộc Toòng thăm người bạn toồng. Là kết bạn toồng thôi, chứ thật ra ông Phái hình như ăn tết trước ông mấy năm đấy. Biết thế, nhưng cái ngày kết tâm giao, ông Phái nắm tay ông, bảo rằng, tuổi tác chẳng hơn kém nhau là mấy, nếp nghĩ giống nhau, tính tình hợp nhau như thế là bạn toồng của nhau thôi. Là ánh mắt cùng những điệu bộ, cử chỉ của ông Phái nói lên điều ấy thôi, chứ miệng ông Phái chỉ ú ớ, không nói được.
Con Noộc Thua bay trước ông, lúc thì vút lên trên đỉnh ngọn cây líu la hót, khi thì sà xuống mặt đất tí ta tí tách chộp con sâu trong đám lá mục, có lúc lại nghển cổ lắc lư giữa đám lá xanh thẫm chờ ông. Ngày nào mà nó chẳng bay nhảy đi đây, đi đó khắp rừng rậm lại đến rừng thưa ở trên núi, thế nhưng nó luôn háo hức được đi cùng ông lên thăm bạn toồng vào dịp cuối năm này, có một lý do đơn giản là nó thích được gật gù bên mâm rượu cạnh hai ông. Nó tha hồ nghênh cái cổ đeo hạt cườm, lúc la lúc lắc cái đầu rồi xòe bộ lông đỏm dáng ra múa tít mấy vòng khoe mẽ với con sóc đen trùi trũi, già nua, xấu xí suốt ngày mang bộ mặt cau có, khó chịu khi nhìn thấy bóng dáng nó xuất hiện. Cứ nghĩ đến đấy là Noộc Thua lại muốn hót vang lên khoái chí: “Tu…tu…tu…hu…huýt”.
Chẳng biết có phải trời xui, đất khiến hay không mà cái chuyện họ kết toồng không giống như những người bạn thân khác, bởi vì trong câu chuyện của hai ông, người thì nói được, người thì dùng cử chỉ thôi, nhưng họ hiểu cặn kẽ, đọc được suy nghĩ của nhau. Chuyện của họ thì trên trời, dưới bể nhiều lắm, thế nhưng dù sớm hay muộn thì câu chuyện cũng nhắc tới người thứ ba. Mặc dù đã nhiều năm qua đi, người thứ ba ấy tuy vắng mặt, nhưng trong nếp nghĩ của hai ông, người ấy luôn hiện hữu, như thể vừa đi vắng đâu thôi…
Ông Phái vừa xếp xong đôi chai mật ong rừng, vài gói thuốc trộn với bột dạ dày nhím, cho vào chiếc thạ ở góc nhà, chuẩn bị cho người bản xa đến lấy mang về cho người nhà chữa bệnh đau dạ dày, thì con Soáng đen tuyền đang ngồi gật gù quanh bếp lửa bỗng nhỏm dậy, giỏng tai lên, cái mũi trun lại khọt khịt, mồm nó dẩu ra rồi bất ngờ nhảy phóc ra ngoài cầu thang, rồi lại chạy vào ôm lấy chân ông luôn mồm kêu: “Chốc chốc…cho…cho… ốc..”. Nó kêu xong thì chạy nhảy tưng tưng. Nhìn bộ dạng nó, ông bật cười, đoán ra ông Sẩn lên chơi.
Quả thật không sai, bạn toồng của ông tuy đã gần bước sang tuổi ngũ tuần, thế nhưng bước chân chắc nịch, nhanh nhẹn, giọng cười sang sảng, tiếng nói ấm áp của người bí thư xã từ ngoài ngõ đã vang lên:
– Bạn Phái à, ngơi tay bốc thuốc, ra ngoài hóng sương thôi.
Ông Phái cười hỉ hả, giơ tay làm điệu bộ như muốn nói: – Người dưới thung lên núi hóng sương, người trên núi muốn bạn san sẻ hơi ấm đấy…
Nghe đọc truyện đêm khuya – Bạn Toồng – Tác giả: Bùi Thị Như Lan
Ông Sẩn sầm sập bước lên cầu thang, ào vào cạnh bếp, hơ hơ đôi tay vào lửa: Ô! Nhà ấm thế này mà vẫn cần hơi ấm thì ngốt vì nóng thôi! Bỗng ông Sẩn ngưng lời, nhìn ông Phái thở dài: – Bạn già à, tụi mình tóc đã hai màu rồi đấy, bạn không thể ở mãi một mình như thế này, nếu người ta nhớ bạn thì đã về rồi, đằng này bặt âm, vô tín. Hay là bạn rời nhà, xuống thung lũng ở với gia đình mình đi, nhà mình…
Chưa nghe ông Sẩn nói hết câu, ông Phái đã xua tay, đứng lên, hai tay ông đan xoắn vào nhau, rồi bất chợt mặt mũi đỏ găng như uống rượu mạnh, ra đứng cạnh những mẹt thuốc lớn, bé chỉ trỏ liên hồi. Điều này thật dễ hiểu, ông Phái muốn nói rằng: – Bí thơ ơi là bí thơ, người ấy cùng gia đình rời bản đi mãi vào trong Tây Nguyên xa xôi hơn hai chục năm, tôi không nghĩ đến nữa. Vết đứt đã liền sẹo rồi. Tôi còn nợ ông tổ nghề thuốc, nợ người bản nhiều lắm, tôi muốn hái thuốc chữa bệnh, cứu người khỏi cái đau.
– Ây! Xuống dưới nhà mình vẫn làm nghề được mà. Trạm y tế xã đang cần bạn giúp đấy, tôi lên lần này muốn bàn với bạn toồng một việc lớn, chắc bạn toồng không nỡ chối từ. Chuyện này thì ai cũng mong bạn giúp.
Như không để ý đến lời ông Sẩn nói, cái mắt ông Phái bỗng ánh lên niềm vui, ông u, ơ nhìn mãi ra ngoài xa, chỉ tay vào tim ông Sẩn, kéo đến ngang thắt lưng rồi giơ vút lên trên, ý ông Phái muốn hỏi đến thằng Ngọ. Ông Sẩn cười rổn rảng:
– Có, có, nó gọi điện thoại bảo được nghỉ trước tết mấy hôm, ăn tết sớm rồi xuống núi, đến đơn vị trực cho anh em khác về vui xuân cùng gia đình. Mà hôm nay nó về đấy.
Vừa nói, ông Sẩn vừa lục túi, tìm điện thoại, bảo:
– Để tôi gọi nó xem bây giờ nó đang ở đâu nhá, có lẽ nó cũng đã về tới nhà rồi cũng nên.
Lục hết túi trong, rồi túi ngoài chẳng thấy chiếc điện thoại đâu, ông Sẩn vò đầu, bứt tai, nói nặng trĩu: – Chẳng hiểu tôi để máy ở đâu rồi, phần thì có tuổi, đầu óc dạo này hay quên, phần vì điện thoại nó bé, thỉnh thoảng lại quên béng ở đâu đó.
Ông Phái bật cười sảng khoái, từ nét mặt, ánh mắt, đến cái cách thu người và nhất là tay ông Phái tỉ mẩn bới tìm bụi trong mẹt lá thuốc, như có ý bảo: – Cứ nghĩ bao nhiêu năm làm chủ tịch, rồi bí thơ xã thì bạn rèn được cái tính cẩn trọng, ai dè vẫn có lúc ruột phơi ngoài bụng…
Đọc được những điều bạn nói, ông Sẩn trầm ngâm: – Trong công việc thì không thể có sai sót, mình mà sai thì tai hại đấy, dân tin mình, nhìn vào mình mà.
Nói đến đấy ông Sẩn thở dài thườn thượt như là có tiếng gió sượt qua tai, rồi ông phân trần với bạn rằng, cái điện thoại này nhiều lúc thì thấy nó như thừa ra trong túi áo, túi quần, thế nhưng dùng quen rồi, nó tiện lợi lắm. Trên vùng núi này, mỗi khi triển khai hội họp hay là công việc đột xuất, không cần suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn về đường đi lối lại xa xôi, chỉ cần rút điện thoại ra thông báo ngày, giờ, thế là tụ họp đầy đủ. Bây giờ không thấy điện thoại thì thiếu vắng lắm, khó khăn nhiều.
Ông Phái thuộc tính bạn toồng, nếu để ông Sẩn mà kể lể, tâm sự thì hai ông cũng giống nhau thôi, chuyện này nối qua chuyện khác quên ăn, vì thế ông lôi mấy miếng thịt trâu ướp với quả mác thét sấy khô ra, hấp luôn vào nồi cơm vừa cạn để nhâm nhi trước đã, rồi thì mỗi ông làm thêm bát cơm chan canh cải đắng là xong, không cầu kỳ.
Vào cái lúc hai ông say sưa ôn chuyện cũ, nói chuyện mới, con Soáng cái mặt không ngơi nhăn nhó, chốc chốc lại nhảy lưng tưng vì bị Noộc Thua trêu chọc. Con chim tinh nghịch không ngồi yên chỗ, thi thoảng lại xòe cánh, nhảy phốc lên lưng con sóc, rồi vù lên đầu hồi hót véo von. Chúng nó trêu nhau chán, giờ thì hai con nép người vào nhau, hòa thuận, thân thiết.
Nhân lúc ông Phái vui chuyện, ông Sẩn nói với bạn, hơn chục năm qua, từ khi thằng Ngọ còn là đứa trẻ thò lò mũi, đang học lớp bốn, ông Phái không xuống nhà chơi, bà Mảy nhắc suốt, thằng Ngọ cũng thế. Lần này ông lên là để đón bạn xuống chơi nhà, nếu bạn ưng thì ở luôn đấy, nếu không ưng thì chơi vài ngày rồi về, như thế có được không?
Ông Phái nghe nói thế thì bất ngờ quá, rồi ngẩn ra, nắm chặt tay ông Sẩn như nói rằng, tôi mải bốc thuốc, bận quá, bận quá… tôi có lỗi với bạn nhiều. Cứ ăn uống đi đã, tí nữa mình cùng xuống núi.
*
*   *
Phía trái bản Chộc Toòng, đi chừng mấy ngàn nhịp chân là sang bản Chộc Chằm, nơi có hơn chục nóc nhà nối nhau chạy về gần rừng lim già. Rừng lim không biết có tự thủa nào mà có cây to chừng vài người ôm. Giữa rừng lim trên lưng chừng trời ấy, có một bãi đá cổ rất lớn. Đá đứng, đá ngồi, đá nằm… nhiều vô kể. Những khối đá mang nhiều hình thù kỳ lạ, giống những gốc cây, ngọn cỏ, đóa hoa, bầy ngựa, hươu, nai lớn, bé quây quần gặm cỏ, lại có chỗ tựa như đàn lợn, gà, ngan, ngỗng tha thẩn kiếm ăn… riêng những hạt li ti thì hằng hà, vô số. Chúng mang màu ngũ sắc, lấp la lấp lánh như giát vàng, giát bạc. Ban đêm, ở bãi đá phát ra ánh sáng nhè nhẹ tựa như ánh trăng. Nơi đây, có nhắm mắt lại thì ông Phái cũng có thể đi được đến đấy, đếm rành rẽ từng gốc lim già. Sự thân thuộc ấy có nguyên do đấy. Chuyện khởi đầu được bắt đầu từ ngôi nhà của Xay…
Tụi trai các bản quanh dãy Phja Diển ai cũng biết Xay đẹp. Cái đẹp tỏa ra từ dáng người giống con ong, đến làm da trắng màu bột nếp. Chúng nó đồn thổi rằng, người Xay tỏa ra hương thơm nhè nhẹ, ngan ngát, khi Xay hát, tụi chim chóc quanh rừng véo von hót theo.
Mỗi khi Xay xuống núi đi chợ mua bán, tụi trai hàng đàn, hàng lũ bám theo thả lời ong, bướm, có không ít chàng mê đắm theo Xay về dính chân trước bờ rào trúc. Cái lối vào nhà Xay cỏ không mọc nổi, nhẵn thín vết chân người. Nhiều chàng trai mê mải, đắm đuối dập dìu quanh nhà Xay suốt đêm này, qua đêm khác, sau thời gian vài ba tháng thì đành ngậm buồn, không đến nữa. Mặc chúng thôi.
Thật ra, trong tụi trai theo đuổi Xay, có một người Xay quí lắm. Người ấy không nói lời hay, chỉ im lặng đi theo thôi. Đấy là anh Phái. Xay lên nương, anh gieo hạt hộ, Xay xuống chợ, anh tong tả gánh đôi thạ đựng hàng giúp Xay. Khi Xay vào rừng nhặt củi “mạy puôn”, anh phăm phăm rẽ lối, đến một gốc cây to, ấn Xay ngồi xuống tránh nắng cho ráo mồ hôi. Loáng một cái, nhanh như là người ta thở vài nhịp lên xuống, là anh đã chặt củi từng khúc dài, bó gọn gàng thành gánh rồi. Có điều rất lạ, tuy miệng anh không nói được, nhưng anh thổi sáo rất hay. Cây sáo trúc ấy cũng lạ như anh, nó là cây sáo đôi, mỗi khi anh đưa lên môi, tiếng sáo ngân lên trong vắt như nước suối, rộn ràng như lá rừng reo vui, thánh thót, vời vợi bay tít lên vòm mây…
Dường như con người ta sinh ra có số phận. Không thể cưỡng lại, cũng không thể nói là thích hay không thích. Cha, me Xay vẫn nói, người con gái như giọt mưa. Giọt tốt thì vào vườn hoa, giọt xấu thì sa xuống hố. Cũng không biết mình sẽ là giọt xấu hay giọt tốt nữa. Không ai tự chọn được.
Mỗi khi màn đêm buông xuống, bãi đá trên núi tỏa ra ánh sáng mờ ảo, thì tiếng sáo trúc cất lên mượt mà êm ái như muốn quấn lấy Xay mà xoay, mà lắc, mà ngân nga. Rồi chuyện gì đến, tự khắc sẽ đến, nghe tiếng sáo của anh, cái chân Xay tự khắc chạy ra ngoài, đi theo lời sáo dẫn dụ, lên đến bãi đá.
Đêm đêm, không biết từ lúc nào, tiếng sáo dẫn nhịp tim hai người tan vào nhau, đôi môi họ mơn man, hai cơ thể có lửa quấn mãi, quấn mãi đưa họ phiêu du vào miền đất lạ. Xay như trôi bồng bềnh trên mây, dập dềnh trên sóng nước… Lúc này, Xay biết mình không thể sống thiếu anh Phái rồi.
Trong ánh sáng mờ ảo của bãi đá, Phái nắm chặt lấy đôi bàn tay Xay, đặt vào đó túi thổ cẩm có hai viên đá tròn xoe. Đôi tay Phái làm cử chỉ hai vòng tròn, rồi giơ hai ngón tay như muốn nói có hai túi như thế này. Từng cử chỉ của Phái nói rằng, đây là túi thổ cẩm kết nghĩa thâm giao với bạn toồng Sẩn ở dưới bản Chộc Chang. Hai người có hẹn nhau, ai mà chọn được người mình thương nhớ, muốn cưới làm vợ thì trao cho người con gái báu vật này để tình bạn mãi bền chặt. Bốn người như một đấy, ăn ở phải tròn trịa như bốn viên đá. Giờ là lúc Phái muốn đón Xay về chung một nhà…
Tháng Chín, nắng thu vàng rộm như rơm nếp, nhà Phái nhờ ông mối mang lễ dạm hỏi sang nhà gái để xin lá số của Xay về làm lễ “minh hom”, thế nhưng cha me Xay đùng đùng nổi giận, họ không muốn Xay làm vợ một người không biết nói. Cha Xay bảo, nó không nói được thì mãi là thằng trẻ con thôi. Mà trẻ con thì không làm chồng cái Xay được. Mặc cho Xay khóc cạn nước mắt, cha me Xay vẫn không nhận Phái làm con rể…
*
*   *
Chiều, bỗng nhiên trời hửng nắng. Đây là những vạt nắng hiếm hoi cuối đông để đón xuân sang. Thằng Ngọ ăn cơm trưa xong đã vào bản thăm người già rồi. Nó là đứa hiếu nghĩa. Mỗi lần về, nó chưa kịp ngồi nóng chỗ thì đã chân sáo đi khắp lượt mấy chục nóc nhà trong bản, chào hỏi người già. Mà sao nó càng lớn lại càng giống tính ông Sẩn đến thế? Cái tính thẳng thắn, cương trực mà cởi mở ấy cũng giống cha nó…
Bà Mải trầm ngâm, ngẫm nghĩ, nước mắt bỗng trào ra… Không hiểu tại sao, năm nào đến những ngày áp tết này, cho dù bà không muốn nhớ đến chuyện cũ, nhưng nếp nghĩ cứ lùi về phía sau, câu chuyện lại nhẩn nha ùa về.
…Những ngày cuối tháng chạp cách đây hai mươi bốn cái tết, trời rét căm căm. Đêm đã trôi về gần sáng, tụi gà eo óc gáy mà Mải còn thao thức không ngủ. Bên cạnh, người đàn ông của Mải thở đều đều, ú ớ nói mê. Mải khẽ khàng trở dậy, kéo chăn đắp thêm cho chồng, qua lửa bếp chập chờn, Mải chợt se sắt buồn… Mải làm vợ bấm đốt ngón tay đã gần hai năm mà chưa có con, Mải không hiểu vì sao mình lại muộn thế? Có vài ba đám cưới cùng Mải năm ấy đã con bồng, con bế rồi. Nhìn cái bụng lép của mình mà thèm được như người ta quá, ước gì bây giờ nó béo ra… nghĩ đến đấy là mắt Mải trào nước giàn giụa, rồi tỉnh hẳn, không ngủ được.
Sương đêm rơi lộp bộp từ mái cọ xuống sân, gió lạnh hun hút lùa qua phên liếp, kéo ngọn lửa bếp rời xa chân kiềng. Mải lụi cụi mang mấy ống giang ra chẻ lạt chuẩn bị gói bánh chưng. Chẻ chưa hết một gióng thì gà gáy ran ran gọi sáng. Bất chợt, có tiếng chân ngựa phi dập dồn, vọng vào vách đá, tiếng ấy mỗi lúc một to rồi ngưng hẳn, đấy là người các bản xa từ trên núi xuống chợ dưới lòng thung nên mới đi sớm thế. Bỗng nhiên, tiếng ngựa hý dập dồn, da diết như gọi, cái tiếng hý ấy nghe gần lắm, như là ngay ngoài cổng thôi. Mảy khẽ nhón chân bước xuống cầu thang, đi như chạy ra ngoài…
Trong giá rét, con ngựa khoang ướt dượt sương đêm cào móng liên hồi trước Mải, hơi thở của nó gấp gáp, cái đầu ngúc ngoắc, liên tục ngoái về sau làm cho bờm nó xù xòa, nghiêng ngả. Lạ thế, không hiểu nó muốn gì, chủ nó đâu mà để nó đứng đây thế này? Mải muốn đến gần nhưng không dám, vì Mải lo người chủ ngựa nghĩ không tốt thì lôi thôi lắm. Nghĩ thế, Mải quay gót chân, bước vào sân. Con ngựa sải nhanh, chặn bước chân Mải rồi tru lên tiếng hý dài gấp gáp, lúc ấy, trên lưng nó chợt có tiếng trẻ con ọ ọe khóc ré lên. Đứa trẻ là thằng con trai chưa đầy tháng, bọc trong nhiều lớp chăn chàm ấm, bên cạnh nó là túi thổ cẩm lọt thỏm giữa chiếc nôi bé xíu đan bằng trúc, được đặt ngay ngắn trên lưng ngựa.
Thằng bé ấy được trời trao cho vợ chồng Mải vào năm Canh Ngọ. Cho đến mấy năm sau, nuôi mãi không có ai đến nhận con, vợ chồng Mải đã làm giấy khai sinh đặt nó tên là Ngọ. Nó là người họ Lý rồi, là con của Mải với anh Sẩn thôi…
Thoắt đấy mà đã gần nửa đời người, chẳng gì thì năm nay bà cũng trên bốn mươi…cái tuổi toan về già rồi. Nhanh quá thôi, nó cứ sầm sập chạy đến trước mặt. Không biết bao nhiêu lần, bà bảo ông đi tìm một người biết đẻ cho ông những đứa con, thế nhưng ông trừng mắt lên bảo: – Tại tôi thôi, không phải tại bà đâu, cả đời này, kiếp này tôi có mình bà thôi.
*
*   *
Chiều mùa đông ăm ắp nắng ấm. Chiều đông giống hai mươi tư năm trước. Cũng những tia nắng vàng ấm áp như xua bớt cái giá lạnh của sương đang từ từ dâng lên. Núi rừng gần xa nhuốm màu tơ vàng óng ả. Con Noộc Thua ngân dài tiếng hót ríu ran từ ngoài sân, liệng một vòng rồi khẽ khàng đậu trên lưng con Soáng đen tưng tửng vào nhà. Từ dưới sàn, bước chân chắc nịch của ông Sẩn chồng bà, hòa chung nhịp chân quen leo núi sầm sập của ông Phái làm cầu thang rung lên. Ông Sẩn gọi ời ời: – Bà vợ già của tôi đâu rồi, tôi mang niềm vui về nhà ta đây.
Bà Mải mừng quá đi thôi, đôi môi đẹp của bà nở nụ cười khoe hàm răng đều tăm tắp, bà chưa kịp chào ông bạn toồng, thì thằng Ngọ cũng ào lên nhà như cơn lốc. Nó sải bước đến cái sập chỗ cha nó ngồi, cúi chào cha và cha toồng. Ông Phái bỗng nhiên mở tròn đôi mắt chân chim, mặt ngây đuỗn, hai tay khua khoắng lung tung, miệng ú ớ liên hồi. Trước mắt ông là những hình thù kỳ lạ trên bãi đá nhảy múa, hoan ca và khuôn mặt đẹp rực rỡ của Xay cứ thế xoay tròn, nghiêng ngả trong ánh sáng mờ ảo…
Ông Sẩn hóm hỉnh nheo mắt với con trai, rồi bỗng ôm chầm lấy bạn toồng, cười khơ khớ như thể chưa bao giờ ông được cười to như thế.
Khuôn mặt bà Mải từ đỏ hồng bỗng trắng bạch ra, bà muốn kêu to lên nhưng cổ họng nghẹn cứng không nói lên lời. Bà ngồi bệt xuống sàn, nước mắt trào ra giàn giụa. Bà sững sờ nhận ra sao Ngọ có thể giống cha toồng đến thế? Đôi môi bà mấp máy, thảng thốt.
Bỗng nhiên, Soáng đen xòe cái đuôi to tròn ra xoay tít theo nhịp hót trầm bổng, rộn ràng của con Noộc Thúa “tu..u..u tuy…hu..huy…huýt.. tu huýt…” trong hương thơm thoang thoảng của hoa rừng, tan vào vị rượu ngô, rượu nếp nương ngọt ngào, lẫn mùi khói bếp lan tỏa
Thịnh Đán- Tháng 12/ 2013
Truyện ngắn của Tác giả: Bùi Thị Như Lan – Người đọc: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *