Bài nổi bật

Bảy ngày trong đời – Nguyễn Thị Thu Huệ

RadioVn.Com – Mai anh đi mấy giờ? – Lụa hỏi.
– Bốn giờ sáng, bé tí ạ! – Sánh ôm lấy Lụa, người ớn lạnh. Sương giăng giăng tím đỏ mặt hồ. Chiều tàn. Ngày chớm đông lạnh tê. Phía thành phố, đèn nháy nháy sáng như sao rơi. Trên đầu, trăng mồng bốn mọc theo đảnh. Cả bầu trời có mỗi vì sao hôm.
– Đi xa, nhớ em không? – Lụa nhìn Sánh, mắt hoe đỏ.
– Hơn cả nhớ. Cái đất Hà Nội này, còn có mình em là thân thiết – Sánh nhìn ra xa.- Không có gió. Nhưng lại lạnh. Hơi lạnh trong không khí. Hơi lạnh dâng lên từ mặt hồ. Lan toả.
– Quần áo anh đâu? Cả tiền đi đường nữa? – Lụa hỏi.
– Đàn ông đơn giản lắm. Lính mà. Chỉ cần nắm lá sung và dúm muối là lùa được mấy bát cơm.
– Đấy là thời chiến. Còn bây giờ, hoà bình lâu rồi! – Lụa nói khẽ rùng mình.
– Em lạnh à?
– Vâng! – Lụa ôm ngực ho khan.
Sánh vòng tay ôm cô chặt hơn. Cả hai ngã dúi xuống bãi cỏ. Bên họ, vỏ hộp bia, Coca-Cola và những vỏ bao thuốc ngoại vương vãi. Trước đó, chắc vừa có một cuộc chơi ở chỗ này. Hai người chìm đi trong nhau. Lụa khóc.
– Có anh bên cạnh, sao em buồn?
– Em nghĩ đến sự chia tay ngày mai. Đàn ông đi xa như thuyền gặp gió. Bao sự mới mẻ chờ đợi trước mặt. Em ở lại một mình, quanh quẩn góc nhà xó bếp.
Sánh vội áp đôi môi mình lên đôi môi mấp máy của Lụa. Cả hai lại chìm đi.Trăng lên. Cong vút và kiêu bạc ở góc trời. Tối rồi. Có cảm giác tiếng sương rơi thảng thốt trong buổi chiều tàn.
– Anh xong việc, tìm em ở đâu?
– Lúc nào em cũng ở nhà, và chờ anh quay về.
Tiếng những đồ hộp va loảng xoảng khi chân Lụa đạp phải.
– Em có đau không?
– Sánh thì thầm và nhìn vào ngực Lụa. Bên vú trắng xanh của Lụa, một vết hằn của răng cắn, sâu hoắm.
– Không, không đau! – Lụa rên rỉ.
– Ừ! khi yêu đau đớn cũng là hạnh phúc! Sánh thì thầm.
Sánh chợt ôm đầu, mắt đờ dại đi trong thoáng chốc. Anh cúi gằm xuống.
– Anh sao thế? – Lụa hỏi.
– Anh bị choáng. Thỉnh thoảng nghe trái gió trở giời, nó vẫn thế. Hôm nào đau đầu quá, có cảm giác mắt lồi ra khỏi mặt.
– Anh bị lạnh rồi. Về thôi. Nếu em muốn tìm anh thì sao?
– Để anh nhớ xem chỗ nào có thể đến được nhé. À, có một chỗ là nhà cậu bạn anh. Nó là thương binh, hỏng mắt rồi. Bây giờ đang ở trong tổ vót tăm. Anh sẽ đưa địa chỉ cho em, nhưng phải cần lắm mới được tìm, còn chỉ vì nhớ anh thì không được tìm, em nhé.
– Khó hiểu quá. Nhưng bất chợt em muốn gặp anh, cũng không đươc à? – Lụa hỏi.
– Cũng không. – Sánh tiếp tục ôm chặt đầu hơn, người anh rung rung.
– Thế cũng được. Em tin anh. Em chờ anh xong việc và tìm em. – Lụa nói, giọng hơi lành lạnh.
– Ngoan lắm. Nghe anh nhé, anh sẽ quay về.
Tối thui. Và họ chui bờ rào để về. Đây là một biệt thự nhỏ ven hồ. Ngày nghỉ, những đôi trai gái đến đây để vui chơi, giải trí. Nhà Lụa cách biệt thự cái hàng rào găng.
– Nhiều lúc, em cũng chẳng hiểu tại sao lại tin và yêu anh. Nhanh như chớp mắt ấy.
– Do số phận hết. Ông Trời đã định, và mình thì làm đúng ý trời! – Sánh hơi cười, nhưng khuôn mặt anh có vẻ đau đớn lắm.
– Hâm ở đâu ấy. Lúc nào cũng số phận như ông cụ non. Thử hỏi, nếu nhà em không bị bão làm sập cái mái bếp thì anh có việc gì để đến giúp nào?
– Ừ, thì mong trời phùng mang trợn mép thổi bay cái mái bếp, nên anh mới có việc làm chứ. Chẳng lẽ anh cứ tự nhiên phăm phăm lao vào nhà em để phá nhà em và cướp em đi chắc?
– Có lẽ, là số phận thật – bất giác, Lụa thở dài khe khẽ.
Hình như anh đã nghe thấy bài hát này ở góc một cánh rừng trụi lá, bên một con suối nhỏ, trong vắt. Tiếng chim tu huýt xa xa. Thằng bé cùng đơn vị vừa huýt sáo vừa bắt kíp mìn. Rồi nó thổi lửa. Anh chợt thấy người rã ra. Anh biết là mình cũng đuối sức rồi. Mặt trời chói gắt trên cao. Anh nằm trong võng, chiếc chăn chùm qua mặt. Anh ngắm nghía những giọt nắng nhí nhách rơi qua lỗ thủng của tăng. Bỗng tiếng mìn nổ. Anh cảm thấy đấy là tiếng mìn nổ trên cạn chứ không “bục” một cái như ở dưới nước trong những lần anh đi đánh cá. Tiếng nổ đanh, khô khốc. Anh vùng dậy, tụt ra khỏi võng và chạy về phía ấy. Thằng bé đang quằn quại dưới đất, hai bàn tay nát máu. Rồi đêm xuống.
Anh chợt nhớ ra tình cảnh của mình. Lá thư của cô út đuổi theo anh suốt chặng đường hành quân. Hôm qua, thằng Thản cùng quê đã nằm lại trên khoảnh đất cao cao góc rừng. Một mảnh đạn bay qua và ở lại trong thái dương đã mang đi cuộc sống của nó. Bố anh mất được hai năm thì bây giờ đến mẹ. Cô em theo chồng về quê sinh sống. Căn nhà ngói cũ kỹ bán rồi vì anh đi chưa hẹn ngày về. Đại khái, bây giờ, bỗng nhiên anh trở thành người vô sản.
Mưa ở phía núi. Tất tật mọi thứ đều quằn quại trong gió thét. Lòng anh buốt đắng. Lạnh ngắt. Cứ mỗi ngày qua đi. Anh lại tự tôi luyện cho mình khả năng chịu đựng sự đau khổ. Thế mới hay con người nó giống sợi dây chun, kéo mãi cũng được và co lại cũng xong. Anh thì bị kéo đến bao giờ?
Mưa tạnh. Qua mảng tăng, lỗ chỗ, trăng nhỏ giọt xuống anh. Trăng cao vời vợi, cô độc, nghiêm trang.
Ngày giải phóng đến gần. Anh tự cảm thấy mình là kẻ không thức thời. Có kẻ đến và đi khỏi cuộc chiến khéo léo và khôn ngoan. Anh chạy vào và họ chạy ra. Vinh quang và may mắn đến với họ sớm. Còn anh thì không. Nhiều lúc, anh bỗng thấy mình giống một thằng cu cởi truồng chạy lông nhông trên đường phố. Không nhà. Không người thân. Người yêu xưa đã lấy chồng. Thoắt trẻ đấy lại thoắt già đấy, mà anh thì không hiểu ra thế nào nữa.
Rời quân ngũ. Anh vẫn theo con đường ấy để về nhà, dù biết chẳng còn gì, nhưng cái thói quen dẫn chân anh đến. Con đường sống trâu bụi lầm. Xao xác tiếng gà gáy trưa. Heo hút vắng. Căn nhà ngói cũ ngày xưa nay đã đỏ tươi, vôi quét lại xanh màu ngai ngái. Gà lợn đuổi nhau nhung nhăng. Cả mèo và chó nữa. Vài con ngan lạch bạch và trịnh trọng đi lại trong sân. Anh chợt nhớ đến mẹ. Nỗi nhớ nôn nao. Mẹ thèm được cuộc sống thế kia lắm. Ngày trước, khi mẹ còn sống. Lúc nào cũng “tao thích có đàn gà ấp, có vài con lợn giống và dăm ba con ngan, ít rau dền, rau ngót”. Nhưng đến khi về với đất, mẹ cũng không làm được cái mơ ước con con của mình.
Những đứa trẻ con nhọ nhem lê la gặm mía cả vỏ góc nhà, một hai người đàn ông da đỏ sậm như dân chài lưới đi ra đi vào. Anh dừng lại. Lơ ngơ đứng giữa ngôi nhà của mình. Cái giếng vẫn thế, hàng dậu vẫn nguyên. Chỉ có người là không phải của mình nữa rồi.
Có một cái gì lạ trong lòng Lụa. Ngực cô mây mẩy hơn. Phía bên phải của bụng cô có cái gì đó mà ngày càng cưng cứng. Có mang rồi. Mà Sánh thì đi từ hôm ấy chưa về. Một đêm kinh hãi trôi qua khi Lụa biết rằng “nó” ở trong mình. Buổi sáng, cô lao ra đường. Biết sẽ chẳng thấy anh, nhưng cô vẫn tìm. Những khuôn mặt trôi qua cô mờ mịt như khói phun. Mắt mũi loè nhoè, nhạt thếch Lụa lại quay về nhà, lẩn khuất như cái bóng. Mẹ bảo bố: Dạo này con Lụa thế nào ấy. Tôi nghi lắm ông ạ. Bố gầm gừ: Nghi là thế nào? Con Là nó bảo tôi hình như chị Lụa ễnh bụng ra rồi, toàn thấy ăn khế chua và chanh cả quả thôi. Mẹ cãi: Ễnh là ễnh thế nào? Nó không đi chơi đêm, không yêu đương thằng nào, có mà chửa với bò à? Ngày xưa, mẹ tôi bảo không được phơi quần áo cạnh chuồng bò, chửa ngay.
Bố cười: Bà lởm khởm. Già rồi còn luyên thuyên. Mai lôi nó ra hỏi là xong ngay. Trốn đi đâu được? Lụa đứng dậy và chui bờ rào sang bên kia. Mặt hồ dìu dịu sóng. Tiếng cá quẫy. Anh bảo: Cá vật đẻ. Lụa hỏi: Vật đẻ là gì? Anh cười, mai kia em đẻ, cũng sẽ vật như nó. Khắc biết!
Anh và Lụa luôn mồm nói chuyện với nhau, luôn hỏi và luôn trả lời. Chả đâu vào đâu nhưng không bao giờ hết chuyện. Lụa bảo: Người gì mà gian, hôn lâu không thở được. Anh cười: Anh vốn gian từ bé. Có lúc nhờ mình gian mà khối người được nhờ. Ngày còn ở lính, tất cả đều thèm thuốc mà không có. Chỉ hy vọng khi có đoàn lính mới tò te nào hành quân ngang qua là gặp nhau. Thôi thì đủ chuyện, ai đồng hương thì nhận, ai cùng quê thì mừng. Em không hình dung được bọn anh sung sướng thế nào mỗi khi gặp một người cùng quê với mình ở nơi khỉ ho cò gáy đâu. Được mùa không, nhà có gì mới không… cứ thế mà hỏi thôi. Rồi xin thuốc lào để hút. Anh toàn làm chân xin thuốc. Mồm nói, mắt tít lên cười, tay thì vê thuốc thật lực. Làm sao vê chặt lại cho vào rít một hơi rồi thì ra ngay, vê luôn điếu khác làm sao để đối phương không tập trung vào việc mình hút thuốc.
– Sao lại phải thế? – Lụa hỏi
– Chẳng nhẽ chìa tay xin, chúng nó cũng có nhiều đâu. Phải làm thế để khi chúng nó đi, mình nhặt lại những bã cũ, cạo cạo bên ngoài đi, lấy cái ruột còn nguyên bên trong ra, hút lại.
– Thế bây giờ, anh mơ cái gì nhất? – Lụa hỏi.
– Em là vợ anh. Chúng mình sẽ có những đứa con thật ngoan. Muốn có một công việc tử tế, có sức khoẻ. Anh sẽ lôi những thằng bạn cùng quân ngũ và về làm việc với nó. Tội nghiệp. Mỗi đứa một phương lơ ngơ giữa đời. Thế thôi.
Lụa chợt giật mình vì tiếng mẹ gọi bên hàng rào. Giọng nghiên nghiến. Lụa chui về. Phía sau cô, vi vút tiếng cước của chiếc cần câu cá được người câu tồi giật nhanh.
Bố lại uống rượu. Ông ngồi co chân trên cái sạp lim ở góc nhà. Mồm ông chíp chíp mút miếng mực kho nướng cháy.
– Lụa, vào đây bố bảo!
Lụa luống cuống lại gần. Cô hiểu đã đến lúc không giấu nổi mọi chuyện được nữa rồi. Cô cảm giác vì mình sắp nổ tung ra vì sự sợ hãi.
– Con ngồi xuống kia – bố chỉ tay về góc sập. Im lặng. Lụa nghe tiếng lá rụng phía sau vườn.
Rất ít khi bố nói chuyện nghiêm chỉnh bố bố con con với Lụa. Thương thì mày tao hoặc gọi tên. Bố từng bảo Lụa: Nếu hai người đàn ông chơi với nhau gọi mày mày tao tao là tử tế nhất, không thì ông ông tôi tôi cũng được. Gọi xưng tôi là hơi gay gay, gay tí nữa là thưa anh, tôi thế này, tôi thế nọ.
– Con có biết, ở đời ta có nhiều kiểu chết không? – giọng bố từ tốn, ngâm ngợi ra điều tâm đắc lắm.
– Cái ông này, cứ hay nói quẩn. Ai chẳng biết lại còn hỏi. Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật. Mẹ riết gióng.
– Bà đừng xen vào chuyện của hai bố con tôi. Có chết vùi tai nạn hay bệnh tật tôi không kể. Đây là bố muốn nói với con là người ta hay chết về những tham vọng, hay đam mê thấp kém. Ví dụ có những kẻ chết vì tiền… “Chết vì tiền là cái chết buồn phiền”.
– Ô, ông này, quay ra làm thơ từ bao giờ thế? – mẹ ngạc nhiên.
– Bố thì không chết vì tiền.
– Ông chết vì cái gì? – mẹ hỏi.
Lụa lại nhìn bố chờ đợi, người cô bớt run hơn – may ra, đến lúc nào đó, mẹ con bà làm khổ tôi quá, tôi sẽ chết vì rượu …”chết vì rượu là cái chết rất điệu”. Người mà đã say thì còn coi cái đường đời gập ghềnh đá sỏi là cái sàn diễn vũ ba lê, mà anh ta diễn viên, múa lượn như bươm bướm. Bố lại nâng chén lên khẽ khà một cái. Lụa cảm thấy cái vị cay của rượu trong không khí.
– Ông gọi con vào để dạy nó thế đấy. Bao nhiêu năm mới có một buổi tối bố ngồi dạy con, chả trách con hư là phải.
– Từ từ, nói cái gì cũng phải có bài có bản, có đầu có cuối chứ. Lụa, bố hỏi. Con biết con đang chết vì cái gì không?
– Không bố ạ! – Lụa ấp úng.
– Con chết vì tình. “Chết vì tình là cái chết bất thình lình”. Lụa cười và nhìn mẹ. Mẹ cũng cười, nụ cười như mếu.
– Bố mẹ biết mọi chuyện rồi, có nói gì thì nói đi, khi còn chưa muộn – bố gầm gừ. Lụa im lặng, người chợt nóng, rồi chợt lạnh. Cô muốn khóc. Tiếng côn trùng rả rích. Có con cú hay về đậu ngọn cây dừa ven hồ đang kêu khan. Cô thấy dâng lên một cơn buồn nôn.
– Con xin bố mẹ tha cho con. Đừng bắt con phải nói. Con làm con chịu! – Lụa vùng chạy ra sân. Ôm lấy cái cây và nôn thốc tháo.
Anh như kẻ mộng du. Lúc lơ lửng trên chín tầng mây, lúc như lử khử dưới địa ngục. Anh tự biết lúc nào anh trở thành như người khác, lúc nào thì cái chứng bệnh chết tiệt lại quay lại, những người bạn vừa 10 phút trước tít mắt lên đùa cùng anh, ngoảnh đi ngoảnh lại đã nằm im phăng phắc, hai mắt he hé mở. Vô hồn. Người chết vì sốt rét, người vì rắn cắn, người vì bom đạn. Anh là một trong số hiếm hoi của đơn vị quay trở về được nơi mình xuất phát. Ai nằm xuống cứ nằm. Ai tiến lên cứ tiến. Hình như với anh, cái gì cũng đến muộn. Khi được quay trở lại sống với cuộc sống bình yên, thì mọi ước mơ cũng tan. Xã hội thay đổi từng ngày. Hôm nay vừa quan niệm thế này thì ngày mai đã thành cũ. Nhiều lúc ra đường, nhìn đàn bà con gái mà hãi. Họ đã tiến xa khỏi cái gọi là công dung ngôn hạnh ngày xưa. Tinh những áo hở rốn, váy ngắn khoe đùi. Tất đi dưới chân không phải để ấm mà để trêu tức, rằn ri nửa đen nửa trắng. Lắm lúc anh cảm thấy giá họ cứ cởi phăng hết ra trông còn không khó chịu như vậy, nó đỡ gợi dục hơn rất nhiều.
Anh sợ. Anh chỉ thỉnh thoảng liếc trộm họ, không dám nhìn lâu, nhìn kỹ vì sợ khinh, huống hồ là đến gần. Lương lính của anh chưa chắc mua đủ đôi giầy họ đi dưới chân. Rồi bỗng nhiên, vô tình anh gặp Lụa, tốt bụng và ngờ nghệch một cách khó lý giải. Một ông bố vô trách nhiệm với con cái, lúc nào cũng say xỉn và lấy mình làm tấm gương của đạo đức. Một bà mẹ quanh năm con gà này đẻ trứng tròn hơn con gà nọ. Bà hàng xóm này chê bà hàng xóm kia. Chấm hết. Sánh gặp Lụa và hiểu rằng trời dành người con gái này cho mình. Anh đã không giấu Lụa một chuyện gì, dù hai người chỉ có sáu ngày bên nhau. Nhưng sự ra đi của anh thì phải giấu. Anh không thể nói được khi Lụa như một cây phong lan mảnh mai tựa vào anh là cây đại thụ.Lụa đang sống trong những ngày thật hạnh phúc nhưng cũng đầy kinh hãi. Đứa con trong bụng lớn dần. Cô càng lấy khăn buộc nhỏ lại thì bụng cô càng nhô cao hơn. Của anh ấy. Anh ấy bây giờ ở đâu nhỉ. Bao lần cô đến nhà người bạn hỏng mắt của anh để tìm, nhưng cứ đến cửa cô lại quay đi. Cô ngại. Đàn ông, cái sự quên nhớ của họ đều có ý thức. Họ đã không muốn cái gì thì đừng có cố mà giữ, đâu phải cứ có ba đầu sáu tay phồng mang trợn mép lên là giữ được? Anh không đến, có nghĩa là anh không muốn. Vậy Lụa tìm để làm gì?
 
Bố vẫn thương xuyên say là chính. Chửi cô đấy rồi nhưng lại khóc vì cô ngay đấy. Lụa rất sợ nhìn bố, vừa khóc vừa rên rỉ. Mẹ thì già sọp đi “Số tôi sao khốn nạn thế này. Người ta bảo tôi có quả bom nổ chậm trong nhà, mau mau mà rước nó đi. Tôi không nghe, ai dè nó nổ thật”. Bố bảo: Con nói đi. Ai là thủ phạm vụ này?
Lụa khóc: Con xin bố, con làm con chịu.
Bố hét: Mày chịu hay tao chịu? Mày biết chó gì mà chịu? Ai, thằng nào trong cái xóm này. Tao vớ được thằng khốn đó, tao thề sẽ cấu đầu nó ra cho gà đá bóng đấy.
Lụa van vỉ: Bố đừng nói thế. Anh ấy tốt lắm. Bố đã từng là người lính. Bố đừng nói xấu về họ như thế. Con và anh ấy yêu nhau. Anh ấy bảo anh ấy gửi gắm tình yêu nơi con. Và con là người giữ tình yêu ấy trong lòng.
Bố gầm lên: A, ra mày nói với thằng bố mày thế đấy hả. Thế ra, có độ trăm thằng khốn nạn nó đến và bảo muốn gửi gắm tình yêu nơi mày, mày cho chúng nó gửi vào bụng mày thế chắc?
Lụa cúi gằm mặt. Bụng cô chuyển lục đục bên trong. Tám tháng rồi. Đêm đêm, trong tiếng rơi thánh thót của những giọt nước mắt khóc thầm, cô vẫn xoa tay mình lên hài nhi bé nhỏ đó. Lúc là cái đầu gối, lúc cái gót chân. Con trai hay con gái? Anh bảo: Một thời gian ngắn nữa, khi xong việc, chúng mình sẽ lấy nhau. Em sẽ đẻ cho anh thật nhiều con, con gái giống em cái mắt và cái miệng. Giống anh cái tai và cái tóc. Tóc anh mềm và xoăn tự nhiên rất đẹp. Rồi anh trầm ngâm:
– Nhưng mà con gái tóc xoăn sẽ khổ. Không, chúng mình không thể để cho con gái phải khổ. Có anh, con và em sẽ không khổ.
Vậy mà bây giờ, bỗng dưng anh biến đi đâu. Có lẽ, anh cũng không biết rằng cô đã có con với anh. Con trai hay con gái đều tuyệt vời cả. Lụa mỉm cười, môi cô mặn chát vì nước mắt. Trước thiên hạ, cô là đứa con gái hư hỏng xấu xa, không chồng mà chửa. Nhưng với Lụa, đó là tất cả cuộc đời cô.
Đứa bé là con gái. Mặt nó giống Lụa, cái mắt và đôi môi. Tai và tóc giống anh. Mọi sự xảy ra đúng như anh nói. Thường những đứa con thiếu thốn tình cảm lại mang nhiều dấu vết của người cha nó. Tóc nó mềm từng búp như râu ngô. Nó là giọt nước to, trừ cái mắt và làn môi của Lụa. Thời gian quá là màu nhiệm, nó tửng tưng, nhấm nhách trôi qua tưởng như vô tình, nhưng thực ra, nó gắn bó với người như máu thịt và hơi thở. Nó luôn hiện bên mỗi con người. Nó nhân niềm vui và xẻ nhỏ nỗi buồn. Với Lụa, thời gian là người bạn đồng hành tốt bụng. Có những lúc cô tưởng như chết đi vì miệng tiếng đời. Nhưng rồi, mọi thứ cũng qua cả. Kể cả bố, bố chửi mắng và đau đớn vì Lụa như thế, nhưng khi nhìn thấy con bé, người bố như chùng xuống. Ông run run vuốt lên mái tóc của nó. Nó bé bỏng và yếu ớt thế, ai nỡ từ bỏ nó cơ chứ.
Con đặt tên nó là Khánh.
Ngày Khánh được một tháng.
Buổi chiều, Lụa mặc cho con gái một cái áo màu tím nhạt, quấn nó vào cái chăn con, đi xích lô đến nhà người lính mắt kém đang vót tăm để sống. Cô không thể chịu đựng được sự xa cách với Sánh nữa rồi. Giả dụ nếu không có bé Khánh, có lẽ Lụa cũng nuốt nỗi đắng cay ấy vào lòng. Bỗng nhiên, cô được làm mẹ. Cô phải chia sẻ niềm hạnh phúc đó với anh.
Người đàn ông mắt mờ lần sờ cánh cửa khi Lụa đến. Anh ấy cười, nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ. Nhìn anh ấy, Lụa nôn nao cả người.
– Em là Lụa?
– Vâng. Sao anh biết em? – Lụa ngạc nhiên.
– Anh là bạn của Sánh. Em là người mà Sánh yêu.
– Thế anh ấy đâu ạ? – Lụa nôn nóng, tim cô đập thì thụp.
– Anh ấy đang ở xa lắm! – Người đàn ông dè dặt.
– Em muốn gặp anh ấy! – Lụa nhìn quanh. Ngôi nhà tồi tàn, hoang lạnh như vô chủ. Hiu hắt làn gió đưa qua, có mùi mốc.
– Hiện giờ thì chưa được, bao giờ anh ấy về đã. Em có việc gì gấp lắm à? Bé Khánh ngọ ngậy trong tay Lụa, mắt nó nhắm nghiền, da nó đỏ au trong chiếc mũ bé xíu, ôm lấy khuôn mặt. Lụa ôm chặt con vào lòng, hút hít cái mùi thơm tho của nó.
– Em muốn gặp anh ấy ngay bây giờ. Em chờ đợi anh ấy quá lâu rồi. Em muốn anh ấy trông thấy đứa con của mình.
– Cái gì? Ai cơ , bàn tay người đàn ông thả rơi cái chén. Sao? Sánh có con ư? Con với em ư?. Nó đâu rồi. Người đàn ông cố chồm lên, với về phía Lụa. Rồi anh cũng chạm tay vào Khánh toàn thân run rẩy như điện giật. Anh nhẹ nhàng vuốt tóc con bé, rồi lấy tay nắm chặt tay con bé. Bàn tay bé như nụ hoa. Anh thì thầm:
– Tuyệt quá. Trời có mắt. Trời thương chúng tôi rồi. Sánh ơi, mày hạnh phúc hơn tao. Mày có con gái. Con gái ơi, con phải có bố. Bác sẽ đưa hai mẹ con đến gặp bố con – Người đàn ông chợt nức lên. Hai tay anh ấy ôm chặt đứa bé hơn. Lụa khóc. Cô chẳng hiểu gì cả. Chỉ biết rằng người đàn ông này với anh sống với nhau như ruột già máu mủ.
Họ đi ra đường. Người đàn ông mắt kém như bay lên mây. Lụa gọi xích lô. Người đàn ông nói với người đạp xích lô câu gì đó, chiếc xe lao vù đi. Suốt dọc đường, anh ấy nắm chặt bàn tay bé tí ti của Khánh như sợ nó tuột đi đâu mất. Đi mãi, chiếc xích lô lao thẳng vào chiếc cổng sắt to và dừng lại.
– Đến rồi đấy em ạ! – Người đàn ông nói – Anh ta rút tiền trong túi ra trả tiền xích lô và phăm phăm kéo tay Lụa đi, chứng tỏ anh ấy rất thuộc đường.
– Sao lại ở đây hả anh? – Lụa ngơ ngác.
– Cứ đi khắc gặp. Giời ơi, thằng Sánh, thằng Sánh có con. Tuyệt vời quá. Bé con ơi, mày cũng phải coi bác đây bằng bố nghe chưa con. Bố với bác đây sống chết có nhau, không ai lìa xa ai đâu con ạ, dù thế nào. Chỉ phải tội mắt bác nhìn không rõ nhưng còn sáng hơn khối thằng con ạ.
Lụa ngơ ngác nhìn. Một vườn hoa, những chiếc ghế đá. Cây đại và vài cây mít. Sao Sánh lại ở đây nhỉ.
– Em và con ngồi xuống đây. Anh đi tìm Sánh. Đừng đi đâu nhé. Người đàn ông dúi Lụa xuống chiếc ghế đá rồi xăm xăm bước đi. Anh biến nhanh vào một chiếc hành lang chứng tỏ anh rất thông thạo đường.
Lụa hồi hộp chờ đợi. Bé Khánh ấm mềm trong tay, nó ngúc ngắc cái đầu vẻ mỏi cổ.
Một lúc người đàn ông hiện ra. Sau anh có vài bóng lố nhố. Lụa thất vọng muốn xỉu xuống vì không thấy anh. Người đàn ông tiến đến bên Lụa nói nhanh: Hãy đặt con bé vào tay Sánh. Đó là liều thuốc tiên cứu cuộc đời nó đấy. Anh bảo gì, em cứ làm thế nhé.
– Anh ấy đâu? Em không hiểu gì cả – Lụa ngơ ngác.
– Sắp ra rồi.
Mấy người đến gần Lụa. Lụa trố mắt ra nhìn. Sánh của cô đang đến gần. Hai chân lệt sệt như không muốn nhấc lên khỏi mặt đường. Anh nhìn Lụa. Vô hồn, hình như anh không nhận ra cô. Lụa hét lên:
– Anh Sánh. Anh Sánh ơi!
– Ai gọi tôi thế? – Sánh hỏi rồi nhìn Lụa.
– Trời ơi anh quên em rồi sao? Anh Sánh! – Lụa khóc nức lên. Người đàn ông run run đứng cạnh cô, quàng tay ôm lấy vai cô.
– Con gái của mình đây, anh bế con đi! – Lụa khóc nức lên trao bé Khánh vào tay anh – Con gái, như anh ao ước đấy. Anh xem nào, nó giống anh cái tai và mái tóc, còn giống em đôi mắt và cái miệng – Lụa khóc nức lên và đưa đứa bé vào tay Sánh. Sánh cúi xuống. Tiếng một người đứng bên cạnh Sánh nói với Lụa:
– Anh ấy bị thương từ ngày là lính. Chấn động mạnh làm ảnh hưởng đến tinh thần của anh ấy. Vừa rồi chúng tôi phải giữ anh ấy lại để điều trị vì tác hại của những vết thương cũ tái phát. Nói chung, anh ấy phải ở trong bệnh viện. Có những khoảng thời gian anh ấy không còn nhớ gì những việc xảy ra trong quân ngũ. Thỉnh thoảng tỉnh lại, có nhắc đến em. Chị nghĩ là cuộc sống gia đình ổn định, một công việc nghiêm chỉnh sẽ làm anh ấy quên đi dư âm chiến tranh. Tại sao đến bây giờ em mới thăm anh ấy?
– Không, không em không biết gì hết. Có ai nói gì với em đâu. Thế mà, thế mà có lúc tôi tưởng mình là khách qua đường. Tôi tưởng là tôi là quán trọ để anh ấy nghỉ chân và đi mãi mãi. Ai ngờ. Sao anh luôn khổ thế, hả anh? – Lụa nức nở.
– Anh ấy rất hay nói đến những người bạn đã hy sinh ngày trước. Nói chung anh ấy cần cuộc sống yên ổn. Và tránh những cú sốc…
Sánh từ từ ôm Khánh vào lòng. Khuôn mặt anh ửng dần màu hồng. Hai đôi mắt thôi không đờ đẫn nữa. Anh nâng con bé lên cao, vùi mặt vào cổ nó.
– Con của anh. Thật không?
Lụa gật gật đầu. Cô cắn môi lại. Ngày hạnh phúc thứ 7 đến với cô. Vì cô đã tìm thấy anh. Sau này sẽ là bao nhiêu ngày nữa?
– Thật sao? Anh có con ư? Lạ nhỉ – Sánh ngơ ngác.
– Sao lại lạ hở anh? – Lụa thoáng hờn dỗi.
– Lại là con gái. Có tóc mềm xoăn như tóc anh này. Mắt giống mắt em này. Bé thế mà giống anh nhỉ, đúng không?
– Đúng anh ạ! – Luạ vẫn khóc.
– Trời ơi, sao tôi sung sướng thế này! – Sánh gào to lên, giơ tay nâng bé Khánh lên cao – Tôi có con. Có hẳn một đứa con.
Những người xung quanh đứng lùi xa, mắt hoe đỏ. Người đàn ông bạn anh loe xoe bên cạnh, sung sướng.
– Về đi, về ngay, anh sẽ bế con cho em thổi cơm. À không, anh sẽ làm tất, còn em chỉ ngồi chơi với con thôi. Nhớ anh không em bé tí? – Sánh ghé vào tai Lụa thì thầm. Nhìn anh, không ai bảo anh vừa trải qua những thử thách nặng nề của số phận.
– Hơn cả thế nữa! – Lụa thì thầm.
Đường chiều heo hút vắng. Trong không khí có mùi khói bếp. Giờ này. Mọi người đang quây quần bên mâm cơm.
Có ba người bìu díu nhau đi. Người đàn ông cao cao bế đứa trẻ trong tay. Người đàn bà xách túi quần áo, tay kia dắt người đàn ông hỏng mắt, liên xiên trên đường.
Bóng họ ngả vào nhau ở cuối đường.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huệ – Người thực hiện: NS. Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *