Cứ mỗi mùa đông, Khang hay mơ hồ lo sợ lũ trẻ trâu đốt lửa sưởi sẽ khoét sâu vào cái sẹo làm chết cây gạo gần miếu Nhị Nương chân bến đò Lăng. Sông Ghênh sẽ vắng hoa gạo tháng ba xuôi dòng về Hạ. Bà ngoại chắc sẽ buồn lắm. Năm nào bà Khang cũng lần ra triền sông mạn Hạ vớt hoa gạo bến đò Lăng. Cây gạo bến Lăng đứng quen miếu Nhị Nương dễ thường trên thế kỷ. Hoa gạo bến đò Lăng rực khoảng trời tháng ba đói kém đậm đặc trong ký ức tuổi thơ Khang. Bến đò Lăng ngày càng hiu hắt và lở lói. Từ sau trận lụt năm Sửu, dân sát bến đò Lăng chuyển khỏi bãi bồi lui hẳn vào trong, miếu Nhị Nương dần thưa vắng bóng người, càng về sau càng ít người lui tới. Chỉ dì Lụa tiết Thanh minh nào cũng gác nửa buổi đò quét dọn hương hoa. Những buổi ấy Khang thường được dì gọi đi theo. Dì Lụa hay thở dài nhìn khói hương toả miếu Nhị Nương, nhìn cây gạo bến đò Lăng lấm tấm lộc chuẩn bị mùa hoa tháng ba âm lịch. Dì Lụa là con út của bà, cách mẹ Khang mười mấy tuổi. Khi Khang mồ côi mẹ, dì thay bà chèo đò bến Lăng. Mỗi bận Khang lêu bêu theo dì sang sông bà mắng: “Mày dụ nó ham sông nước mai này nó theo dòng bỏ làng Hạ tội mày lớn lắm đó”. Dì Lụa mỉm cười: “U xem này, cậu chàng ra dáng trai bến Lăng không? Học xong thất nghiệp về bến Lăng lấy vợ dì nhường đò cho”. Khang đỏ mặt: “Cháu chèo thay dì, trai làng Thượng quẳng cháu xuống sông Ghềnh mất”. Dì Lụa im. Khang đến bên bà: “Bà ơi, cuối mùa hoa gạo con lên thành phố thi, bà ở nhà giục dì lấy chồng đi”. Bà ngoại chấm chấm hốc mắt nhăn nheo: “Cố thi tốt nghe con. Ừ, để bà giục nó”. Bà Khang năm ấy đã trên bảy mươi, là cụ cả của làng Hạ. Dì Lụa trên ba mươi, dì đẹp lắm, tóc dì Lụa dài đen nhưng nhức, sợi nào sợi ấy quấn quít chảy xuôi xuống lưng dì. Ngày bé Khang hay ngủ với dì, đúng hơn là với dì và bà ngoại. Tóc dì Lụa ấm sực, thơm mùi bồ kết những đêm đông quấn vào cổ Khang, tràn cả vào trong giấc mơ có con đò sang sông. Có hôm Khang mơ dì Lụa cưới người bên Thượng, đưa dâu bị người ta đánh đắm đò. Người chủ mưu đánh đắm là ông Tam bí thư đoàn thanh niên đã có vợ con. Khang kể lại với dì chuyện ấy, dì gắt: “Toàn chuyện trẻ con. Đã bảo dì không lấy chồng”…
Đã bao nhiêu mùa đông Khang rời bến đò Lăng đến bụi bặm thị thành, rồi lại rời thị thành lang thang nơi rừng núi. Một tấm bằng kỹ sư ngành hóa loại ưu kèm ba năm thực tế vùng đậm đặc chất đi-ô-xin đổi lại cái gật đầu mà như lắc của tay trưởng phòng tổ chức. “Cậu tạm nghỉ mấy tuần để chúng tôi xem xét. Có mấy trường hợp dưới phòng hóa nghiệm đang làm sổ hưu. Chắc cũng nhanh thôi”. Tại sao biết chắc là không thể mà con người cứ mãi nhắc lại cái điệp khúc ấy. Khang chợt thắt lòng nhớ dì Lụa, nhớ mỗi lần ngoại nhắc bâng quơ. “Chắc cũng nhanh thôi”, dì Lụa bao giờ cũng chậm chậm nhìn xuống đất, mắt bàng hoàng lạc đi trong một im lặng đến đông đặc tiếng thở dài của ngoại. Đã hơn một lần Khang tuyên bố thẳng thừng với dì Lụa: “Dì cưới chồng đi. Người ấy làm gì còn mà đợi”. Lúc ấy dì Lụa cũng chỉ cười, cái cười như những ngôi sao nhỏ li ti nhấp nháy hờn tủi ẩn chứa một mãnh lực đã tuyệt vọng. Khang biết dì có lời ước hẹn với tiếng sáo của một người bên Thượng. Hôm theo dì đi chợ phiên, đò muộn, Khang chở chuyến cuối về Hạ rồi thong thả quẫy chèo sang Thượng đón dì. Khang leo thuyền đợi. Trăng lên non con sào vẫn chưa thấy bóng dì. Khang sốt ruột nhảy lên bờ, đi loanh quanh trong triền dâu làng Thượng. Chỉ thấy dâu xanh hút hắt không một bóng người. Đang định về thuyền thì nghe mơ hồ có tiếng sáo đâu đó réo rắt lẫn trong tiếng trở mình lào xào của lá dâu. Đúng tiếng sáo của người ấy rồi? Cứ đêm nào có trăng dì Lụa cũng bảo Khang một mình chở chuyến cuối rồi leo thuyền đợi. Rồi tiếng sáo réo rắt cất lên. Khang nằm khểnh trong khoang nghe tiếng sóng sì soạp mạn thuyền hòa âm cùng tiếng sáo. Hôm ấy tiếng sáo nghe sao da diết, vương vương một điệu nhạc buồn. Bà ngoại bảo bố Khang thổi sáo tài tử nhất vùng, ngoại cũng chỉ qua tiếng sáo mà tin gả con gái. Có người còn nói sau khi bố Khang hy sinh, mẹ Khang héo hon rồi mất vì nhớ tiếc tiếng sáo tài hoa của người quá cố. Khang đi như trôi về phía tiếng sáo. Trong ánh trăng, dì Lụa ngồi dựa hẳn vào người con trai. Tóc dì sổ tung bay về phía Khang. Khang đứng sững nhìn bóng hai người lặng im chụm vào nhau rồi quay trở về thuyền, còn nghe thấy tiếng dì Lụa khóc và tiếng người con trai an ủi “… Anh đi… chắc chỉ mấy năm Lụa à…”. Tiếng dì Lụa nghẽn nghẹn: “Lỡ mà có… anh đặt tên con là gì…”. Người đàn ông vít dì Lụa xuống thảm cỏ thì thầm: “Tùy em, thế nào cũng nhất định đợi anh nhé…”. Dạo ấy đang có chiến tranh biên giới Tây Nam…
Khang ra trường xung phong liền bốn năm thực tế vùng rừng núi. Những đêm mưa rừng bao giờ Khang cũng nhớ dì. Bốn năm? Khoảng thời gian ấy so với khoảng thời gian ba mươi bảy năm nó mới được một phần chín. Một phần chín của một cậu thanh niên vừa tốt nghiệp khác lắm sự đằng đẵng chín phần thui thủi cuối bến đò Lăng lặng lẽ nghe hoa gạo rụng xuống lòng sông.
Hôm tiễn Khang đi, hoa cỏ may cuối mùa xơ xác bám đầy hai dì cháu. Khang băng xuống lòng đò. Nhịp ván chao nghiêng, dòng sông Ghênh in hình dì Lụa trong dáng chiều, tóc sổ tung chen nhau thấm bóng xuống dòng sông. Dì mỉm cười ý nhị nhìn Khang đã ra dáng chàng trai chầm chậm khua chèo về bên Thượng rồi lần lần nhìn miết cây gạo cuối bến đò Lăng, khe khẽ thở dài: “Cháu đi, nhớ về thăm ngoại và dì vào mùa hoa gạo”. “Vâng!”. Khang lí nhí bặm môi không dám nhìn dì, nhảy vội lên bờ cắm cúi lẫn vào triền dâu miền Thượng mặc bến đò Lăng cồn xiết in bóng cây gạo sần sùi ở miếu Nhị Nương…
Đã gần bốn năm Khang xa bến đò Lăng, xa bà và dì Lụa. Mỗi lần nhớ dì, Khang lại thương chú Bìa, người đội trưởng đồng thời là chủ đề án mà Khang đang cùng thực hiện. Một lần Khang bảo chú: “Chú Bìa? Chú nhận lời lấy dì Lụa, cháu về xin ngoại cho”. “Ôi da! Tao ngần này tuổi còn đèo bòng chi. Lo cái thân mày đó!”. Nói vậy mà chú Bìa sừng sững nhìn Khang âu yếm như người cha mấy mươi năm trong rừng già gặp dịp trò chuyện với cậu con côi. Lỡ đàn ông lớn tuổi rồi, nó cũng trưởng thành là đồng đội, thương diết mà không dám bỗ bã sợ con ngán mấy ông già khốt tình cảm tùm lum ủy mị. Càng ngày hai chú cháu càng thấy không thể thiếu nhau. Chú Bìa cũng mồ côi như Khang, việc vào lính của chú khá lạ lùng, chú đi thay cho người khác. Dạo ấy chú mới mười bảy tuổi, đang cày ngoài bãi thì ông chủ nhiệm Hợp tác xã đi xe đạp đến bảo: “Bìa này, cậu có thích đi bộ đội thì đi thay thằng cả nhà tớ. Tớ muốn để nó đi học”. Bìa ấp úng nhận lời, chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao nhưng thích, cứ nghĩ đến dạo bộ đội về làng tập văn nghệ với thanh niên bèn gật đầu ngay. Thế là thành bộ đội.
Dạo làm luận văn tốt nghiệp, Khang đang bí đề tài thì chú Bìa đến, lỏng khỏng bước vào một ông bộ đội râu ria lởm chởm hàm trung tá, quần áo bám đầy bụi đất đỏ. Ông trung tá khoác tay mời sinh viên, ngồi nói khào khào. “Nghe nói có bạn muốn đi thực tế làm luận án về chất đi-ô-xin. “Này” – Vị trung tá đổi giọng ấm áp – “Tớ lăn lộn với nó trên hai mươi năm nay rồi. Cậu nào muốn thì đi cùng tớ. Tớ là Bìa, 46 tuổi, chưa vợ, chưa có người yêu…”. Cả lớp cười ồ lên thích thú. Rốt cuộc mỗi Khang xin theo chú Bìa. Vào đến nơi khảo sát, khi đã hiểu nhau, chú bảo: “Cố chịu đựng vài tuần nữa nhé”. Nhìn hốc mắt sâu hoắm và dáng đi lòng khòng của chú, Khang bặm môi: “Cháu sẽ giúp chú bằng xong đề án”. Chú Bìa nắm chặt tay Khang: “Xong đề án tao xin tình nguyện theo mày về bến Lăng làm ông lái đò chở khách”. Khang nói với chú Bìa: “Chú nhận lời nhé. Cháu không còn cha mẹ. Chú là cha cháu, dì Lụa là mẹ cháu, chịu không?”. Tiếng Khang vang lên chạm vào chỗ sâu kín của người đàn ông. Sao lại không? Một cái gì cục cựa trong sâu thẳm rồi giần giật vươn lên choán ngợp tâm trí người đàn ông. Từng giọt nước mắt se sắt rời ra khỏi hốc mắt đen sạm mặn đắng thấm xuống tóc chàng thanh niên. Có giọt rơi ra chui vào lòng đất cằn cặn gan gà nứt nẻ. Người đàn ông nhìn về phía xa lẩm nhẩm. Thế mà đã ngần ấy năm, mình đã già mất rồi. Chao ôi? Sao thời gian trôi nhanh thế. Ước gì ta có gia đình nhỉ, một gia đình, nhỏ thôi, có vợ, có chồng và nhất là có con. Có con! Phải! Tại sao ta không thể có con được? Lẽ ra ta cũng có một gia đình rồi nếu không vì giận ông chủ nhiệm. Dạo ấy, sau hơn sáu năm ở chiến trường về thăm quê, đến chào ông chủ nhiệm, khi ấy cô Bống con út ông cũng đã lớn, thích anh Bìa lắm. Thế mà tan hết, mất hết cũng vì cái lý lịch đi lính thay chết tiệt ấy. Ông chủ nhiệm bảo trên giấy tờ anh là Bìa là anh cả của cô Bống, ông lại sắp lên huyện công tác nên không thể được. Cô Bống khóc. Chú Bìa khóc. Đêm ấy, chú đã quay lưng về phía làng và chạy, thề không bao giờ trở về nữa…
Chú Bìa ôm Khang vào lòng, xoay cái nhìn về phía chân trời một lúc, thốt nhiên bừng tỉnh đập vai chàng trai: “Này ông mãnh! Gì cũng phải xong đề án đã. Làm dao động thủ trưởng sẽ kỷ luật cậu trước tiên đấy”.
Khang phá lên cười, nước mắt long lanh. Ông khốt ơi là ông khốt! Lúc nào cũng đề án đề iếc. Đợi xong đề án có khi xong một đời người. Khi ấy dì Lụa lấy chồng còn đâu. Hôm tiễn Khang rời bến đò Lăng dì chả bảo: “Anh chê ngoại, chê bến Lăng hay không muốn ăn cỗ dì”. Khang giận dỗi: “Dì không lấy chồng, cháu không về bến Lăng nữa”. Dì Lụa ngân ngấn nhìn lá gạo rụng bập bềnh xuôi bến đò Lăng. Khang đế thêm: “Ai dì cũng chê người ta. Thảo nào ngoại giận”. Dì Lụa lặng im. Từ sau đêm trăng ấy Khang thấy dì hay giục các bà đi chợ Thượng về sớm. Có hôm muộn đò trăng lên dì ngơ ngẩn nhìn triền dâu xanh se sẽ thở dài. Dì Lụa ngày càng đẹp hơn nhưng cũng buồn hơn. Dì hay bắt Khang chèo đò và tranh phần nựng con cô giáo Thanh mỗi khi mẹ con cô sang Thượng. Dì ôm riết lấy thằng bé hôn chùn chụt vào cái má phinh phính của nó, mắt buồn rười rượi nhìn nước sông Ghênh. Đêm ấy thế nào trăng cũng sáng. Trong đêm, Khang sốt ruột nghe tiếng vật mình loạch xoạch của dì rồi thiếp đi, còn vẳng thấy tiếng giội nước xòa xòa ngoài giếng. Sau đêm trăng tiễn người ấy đi thỉnh thoảng dì Lụa một mình ra sông đem theo cây sáo của người con trai mà không nghe thấy tiếng thổi. Ngoại chỉ lặng lẽ ăn trầu. Một hôm dì đi quá khuya không về, tiếng trở mình gấp gáp của ngoại giục Khang ra bến Lăng. Trời gần sáng, một bóng người in trên mặt sông mờ mịt hơi sương. Khang lặng lẽ đến bên dì bàng hoàng thấy cây sáo trúc vỡ nát thành nhiều mảnh vương vãi. Thôi chết rồi! Buổi sáng dân bên Thượng tổ chức lễ truy điệu cho mấy người con liệt sĩ mới hy sinh được báo về. Dì sang bên ấy rồi về bỏ đò cứ lặng đi. Năm ấy Khang tròn mười bốn tuổi…
– Chú Bìa ơi ! Ra xem này, có sấm, có mưa rào a!
– Hừm, tao biết mày mong về bến Lăng rồi Khang. Nhớ hoa gạo, mai hai chú cháu xuống lũng dưới ngắm đã luôn Khang à!
– Thế còn dì Lụa?…
– …
Không biết là lần thứ bao nhiêu Khang đẩy người đàn ông quắt queo này vào im lặng. Đề án tưởng xong ai dè cơ quan chủ quản ép tới ép lui mấy năm không thông qua. Tổ đề án giờ trơ lại mỗi Khang và chú Bìa. Một ở diện thực tập nghiên cứu, một ở cương vị chủ đề tài. Mấy cậu bảnh bao xun xoe ngày đầu tưởng ẵm được kinh phí, sau thấy xương xẩu kiếm cớ chuồn êm. Tóc chú Bìa xác xơ lẫn vào đất đỏ bợt bạt. Chiến tranh lôi chú vào rừng, kéo chú ra giờ lại cuốn chú vào để giải quyết hậu quả của nó. Những vạt rừng trụi thùi lụi, lam nham được đánh dấu, khoanh vùng trơ khấc vô hồn ngày càng hiện rõ ràng hơn dưới sự trần trụi, lăn lóc của hai con người một già một trẻ. Hôm cơn sốt tái phát nằm mê man, Khang thấy đôi môi khô nẻ của chú Bìa mấp máy: “Lụa… Lụa”. Hôm sau tỉnh Khang trêu chú Bìa, chú đỏ mặt mắng át: “Cậu chỉ hay vơ vào, nào đã ai biết mặt ngang mũi dọc dì Lụa cậu”.
Nghe chú Bìa nói lảng, Khang càng thương hai người. Hễ rỗi rãi lúc nào là chú Bìa lại bắt Khang kể chuyện dì Lụa, kể chuyện gia đình Khang. Khang không biết mặt bố, lên sáu đã mồ côi mẹ nên chỉ biết bà và dì Lụa. Tuổi thơ Khang là những đêm theo dì xuôi bến đò Lăng chở đò đưa bà con làng Hạ sang Thượng họp chợ phiên. Vào những đêm trăng sáng, vùng sông bến đò Lăng sôi động lắm, trai làng Thượng ra đón dì tận thềm bến đò Lăng, có cậu ù lì không chịu cho dì quay mũi đò về dưới Hạ. Mấy bà đi chợ bảo: “Rồi lại mặn duyên giống chị, không ở vậy cũng góa chồng. Hồng nhan đa truân”. Khang ấm ức gắt: “Các bà biết gì. Có nhà bà góa chồng thì có”, rồi giằng lấy tay chèo của dì quẫy mạnh. Mấy bà lè lưỡi nhìn nhau. Dì Lụa cười bịn rịn: “Con xin các bà, cháu nó dại là ở con”. Mấy bà lại đon đả quệt trầu. “Cha cô… khéo léo là. Thôi, gấp tay chèo kẻo chúng tôi lỡ phiên chợ Thượng. Này cô Lụa, lại sắp kỳ giỗ vợ chồng nó rồi phỏng?”. Dì Lụa không nói, lẳng lặng nhìn hút ra lòng sông qua tấm vai gầy guộc của đứa cháu mồ côi. Lòng sông mùa nước cạn chợt cồn lên, phù sa ứa đỏ trên từng con sóng đặc quánh.
– Mày tưởng mình mày nhớ dì Lụa à! Khang?
Chú Bìa tiến về phía Khang, chìa cánh tay khô khỏng hứng những hạt mưa rào đầu hạ dè dặt rơi xuống khu rừng đen đúa. Kể từ khi mọi người lần lượt rời đi, Khang thấy chú Bìa hay lén thở dài khi Khang nhắc dì Lụa. Chắc hai người đã có một quyết định nào đó qua những bức thư. Mỗi lần có thư của dì chung cho hai chú cháu, chú Bìa toàn đòi xem trước. Sau có thư riêng, chú Bìa mỗi khi nhận thư háo hức giấu giấu giếm giếm. Khang bảo: “Trông chú kìa! Cứ như là vớ được của”. Chú Bìa nhìn bức ảnh của dì nói xa xăm: “Chà! Giống người thương của chiến hữu tao quá à Khang. Tiếc là nó hy sinh rồi, chắc cô nàng cũng đã con bồng con bế”. Khang xun xoe “dì cháu đẹp nhất làng, đẹp hơn cả mẹ cháu”. “Sao mày biết?”. “Bà cháu bảo. Bà nói ngày sinh dì hoa gạo rơi đỏ bến đò Lăng. Còn gái sông Ghênh sinh mùa hoa gạo vừa đẹp vừa duyên nhất hai vùng Thượng, Hạ”. Chú Bìa ừ hữ hỏi lảng chuyện cha Khang. Khang ậm ừ: “Chú hỏi hoài. Đã bảo bố cháu hy sinh rồi. Bà bảo bố cháu thổi sáo hay lắm chú à. Chú Bìa có biết thổi sáo không?”.
Chú Bìa mắt sáng lên nhìn Khang, cẩn thận cất tấm ảnh vô ba lô cười cười vẻ bí hiểm: “Bí mật. Bao giờ bay đưa tao về gặp dì Lụa, cho biết liền. Bảo đảm là… miết bến luôn”. “Ứ ừ. Cháu phải duyệt trước. Này chú Bìa” – Khang hạ giọng – “Dự án coi như đổ, chú làm một khúc nhạc vĩnh biệt núi rừng, xin ông Xanh về làng lạy bà ngoại cháu bằng mẹ là thượng sách”. “Khang, mày dạy khôn tao đấy phỏng?”. Nói đến đấy chợt tiếng sấm ùng ình át tiếng chú Bìa, Khang tếu táo: “Ông trời biểu quyết đồng ý đó” rồi vụt lao ra tắm mưa. Mưa đầu hạ sau lớp đầu dè dặt vỡ dần ra, phóng khoáng trút nước ồn ã. Khang nhao mình trong mưa như đứa con nít luôn miệng kêu: “Chú Bìa à? Tắm mưa trút hết mùi núi rừng về bến Lăng thôi. Hoa gạo bến đò Lăng sắp nở rồi”.
*
**
Năm ấy bến đò Lăng mất mùa hoa gạo.
Trên xe Khang xăng xái ba hoa về hoa gạo bến đò Lăng. Khang bảo: “Không giống bất cứ ở đâu chú Bìa à, cánh hoa gạo bến Lăng dày dặn chắc nịch rụng xuống lòng sông Ghênh xuôi về Hạ vẫn đỏ như máu ứa. Sợi gáo trắng của nó khô xác vẫn tinh khôi màu lụa bạch trăng mười sáu”. Thế mà đến bến, cây gạo lại trơ ra tím tái, từng cành khẳng khiu, run rẩy vẽ lên nền trời nhạt tịnh không một chấm hoa, cả nụ cũng không. Khang sững người, thẫn thờ nhìn dòng sông Ghênh mới đầu mùa mưa đã dềnh lên, ngầu ngậu phù sa chảy ầm ầm về Hạ. Chú Bìa động viên: “Thôi mà Khang. Rảo chân kẻo ngoại chờ!”. Khang gắt gỏng: “Trời với đất, mới tháng ba đã mưa đến khiếp. Chắc năm ngoái lụt nên cây gạo không ra hoa”.
Chú Bìa và Khang rời bến Lăng lúc trời đã bắt đầu tối. Làng Hạ ẩn hiện phía trước tầm mắt; từng đụn khói đùn lên thơ thới, mỏng mảnh lẫn vào dáng hoàng hôn. Bầy trâu đồng trùng trình, nấn ná rồi lục tục trở về làng. Mới mấy năm rời hợp tác xã mà lũ trâu cũng béo lẳn. Ngàn ngạt dâu xanh đuổi sóng khắp bãi bồi. Dâu tốt thế này chắc hẳn là năm ngoái lụt. Được mùa dâu mất mùa hoa gạo. Dâu nhiều chắc dì Lụa phải lên Thượng mướn người về phụ hái. Kìa, căn nhà gỗ ngay ở bìa làng chính là nơi Khang đã sống một thời thơ ấu vẫn nguyên sơ. Cả cái máng cau rêu xanh rì ngoại dùng hứng nước mưa vào bể đã mòn vẹt vẫn còn nguyên nơi đầu nhà. Khang bảo chú Bìa: “Để cháu giới thiệu chú là thủ trưởng của cháu nhé! Chú Bìa cười: “Đề án bể rồi thủ trưởng nỗi gì. Từ giờ cậu mới là thủ trưởng của tớ”.
Mọi mường tượng, tính toán của Khang lại bị đảo lộn. Đón hai chú cháu ở căn nhà gỗ không phải ngoại, không phải dì Lụa mà là ông Tam chủ tịch xã. Khang hỏi sỗ: “Ngoại cháu đâu? Dì Lụa đâu, ông chủ tịch?”. Ông Tam nói lí nhí: “Cậu mời khách vô nhà đã. Hai người lên Thượng cắt thuốc, chắc cũng sắp về”. Khang quày quả đi ra cái giếng phía đầu hồi nhà, đầu óc bung xung hình ảnh ông Tam.
Hai người đàn ông trò chuyện rõ to ở trong nhà. Khang bực dọc lầm bầm ngoài giếng. Ông so thế nào được với chú Bìa tôi? Không biết chiến tranh là gì? Suốt đời quẩn quanh ở Hạ, hết bí thư lại sang chủ tịch. Trời có mắt sinh con một bề sáu vịt giời ai cũng lùn tịt như mẹ, mới mười mấy tuổi đã tròn quay, mắt như mắt lươn. Còn chú Bìa á! Khắp các chiến trường, đánh đông dẹp bắc, nếu không phải tính ruột ngựa chịu luồn để thông qua đề án thì gì chức cái lon thượng tá cầm chắc, đâu phải nghỉ hưu theo Khang về bến đò Lăng. Khang cố nén tiếng thở dài nhìn hút ra đầu ngõ. Đúng là bà ngoại. Đúng dì Lụa về rồi, Khang lao bổ ra. Trời ơi! Mới mấy năm sao bà già nhanh thế, gầy guộc, sắt síu, lưng đã còng hẳn xuống. Khang ôm bà, nước mắt tự nhiên trào ra.
Dì Lụa len lén nhìn Khang, nhìn hai người đàn ông đang bước ra sân. Cái dáng lỏng khỏng của chú Bìa như chúi hẳn xuống. Dì Lụa giật mình, chân như vấp phải hòn đá. Ông Tam lộp bộp tiến lên trước: “Tiếc là tối nay có cuộc họp cấp ủy, anh không tiếp khách và cháu được. Em lựa nói với nó”. Dì Lụa không nhìn vào ai lặng lẽ đi về phía giếng, nơi có cái máng cau đã phong rêu lạch xạch thả dây gầu.
*
**
Tiếng sáo mơ hồ dưới đò văng vẳng lẫn vào dòng nước mênh mông, lẫn vào ngàn dâu triền sông Ghênh u uẩn. Khang đi như chạy về phía con đò. Khang đã gắt với dì Lụa: “Dì tệ lắm. Đã ngần ấy tuổi rồi!”. “Dì xin cháu…”. Dì Lụa nói như khóc. “Cháu không cần”. Khang vùng chạy ra sân: “Ai chứ lão ấy cháu không chấp nhận, thà dì ở vậy còn hơn”. Khang chạy vụt ra ngoài đi về phía bến đò Lăng, nơi chú Bìa nghỉ tạm tại đó. Cơm tối xong, chú xin phép bà xuống bến Lăng vừa tiện cho chú cũng là có ý để Khang hàn huyên sau mấy năm xa bà, xa dì. Chú Bìa đi rồi, bà chỉ thở dài không nói, lặng lẽ nhìn hai tấm ảnh bố mẹ Khang trên bàn thờ ố vàng nhoè nhoẹt khói hương. Dì Lụa ngồi ở mép giường tấm tức khóc không thành tiếng, chỉ đôi vai thon lẳn run rẩy rung lên và từng giọt nước rời ra dưới cặp mắt đen to không chớp một lần. Khang nhìn ngoại, nhìn dì, nói chậm rãi: “Thôi, mọi việc đã như vậy cháu cũng không dám trách, dì gắng ăn ở với người ta, cháu với chú Bìa lợp xong nhà cho ngoại, cháu xin dì, xin dân làng cúng giỗ cha mẹ cho cháu được ra đi”. Nói rồi Khang xin bà ra bến đò Lăng. Dì Lụa thẫn thờ quay vào, lấy từng lá thư của chú Bìa ra mân mê rồi bất thần thả vào ngọn lửa góc nhà. Mấy lá thư bắt lửa lem lém, mùi giấy cháy khét làm dì Lụa sực tỉnh vội vã đưa tay vào lửa bới mấy lá thư ra đập lộp bộp, tàn lửa bay rát bỏng mặt mày. Dì ôm mấy lá thư cháy lam nham vào lòng, mắt rân rấn nhìn những tàn lửa. Bà lặng lẽ quay mặt thở dài…
… Tiếng sáo mơ hồ lan toả bến đò Lăng chợt chìm lịm đi mất hút trên sông Ghênh. Khang dừng lại trên triền đê sát gốc gạo bến Lăng nhìn sâu vào sông tìm kiếm con đò. Đêm trăng, lòng sông mở ra lấp loáng. Muôn vạn vì sao thay hoa gạo tháng ba in nhấp nháy trên sông. Trời khuya, từng đám sương đậm đặc trôi là là trên mặt sông lạnh vắng. Khang hốt hoảng. Không thấy con đò. Hay chú Bìa bỏ đi mà không từ biệt Khang, từ biệt ngoại và dì Lụa? Khang căng mắt nhìn chỉ thấy luẩn quẩn từng đám sương dật dờ trên mặt sông Ghênh. Bên cạnh Khang, miếu Nhị Nương mờ ảo chập chờn ắng lặng. Bóng cây gạo già đen đúa xác xơ đổ trùm lên nóc ngôi cổ miếu gió chạy lạch xạch. Khang dớn dác bước hẳn xuống sát thềm nước vừa dò dẫm nhìn đường vừa tìm bóng con đò nhỏ trên sông. Sương trắng mờ mịt phủ kín lòng sông tịnh không một bóng đò, tiếng động của mái chèo khua nước cũng không mảy may xuất hiện. Khang bước thấp bước cao xuôi mãi dòng Ghênh bụm miệng gọi to:
– Chú Bìa ơi? Chú Bìa…
Tiếng gọi tràn lên dòng sông rồi vọng trở lại ập òa hút hắt vào triền dâu xanh. Khang gọi đến lần thứ ba mặt sông vẫn lì lợm mờ mờ ảo ảo. Ngồi phịch xuống thềm cát sát mép nước, Khang tấm tức hoang mang nhìn dòng sông thăm thẳm khôn cùng vẫn bình thản lặng lờ trôi.
Đất cát triền sông Ghênh ngấm qua da thịt Khang, tràn vào tâm trí người con mồ côi một thứ phù sa ấm áp. Khi đầu óc dần tĩnh tại cũng là lúc tiếng sáo trên sông Ghênh mơ hồ rạn lên rồi hằn rõ chảy đều trên sóng nước tan cả ra triền dâu vẫy gió lao xao. Khang dỏng tai. Sao giống tiếng sáo mùa trăng năm nào thế. Tiếng sáo tưởng lịm đi khuất khúc chợt rõ hẳn rồi đuổi nhau tràn qua màn sương đùng đục. Đúng chú Bìa rồi? Chú chả úp mở khoe tài thổi sáo ngày làm dự án là gì. Nhưng sao tiếng trúc buồn lay lắt như oán thán một kiếp phù sinh bèo bọt lại có ở con người yêu cuộc sống đến cỏ cây trùng kiến cũng nâng niu như chú Bìa. Tiếng sáo thong thả mà như khoan thai vào lòng Khang. Giữa sông, con đò gác mái chầm chậm hiện rõ dạt dần về phía miếu Nhị Nương. Tiếng sáo cũng theo đò thoảng réo rắt chảy tràn lên ngôi cổ miếu, nơi cây gạo đang bần thần run rẩy dưới tàn trăng. Khang chìm trong tiếng sáo buồn mê hoặc mà không nhận ra con đò đã tấp sát mép nước. Trên đò chú Bìa nằm chênh vênh trên mạn, cây sáo trúc đen tuyền lóng lánh vẫn đang đẩy ra thứ âm thanh réo rắt. Đò chạm cát lạo xạo. Tiếng sáo ngân nga mơ hồ rồi chui hút vào dòng sông. Khang sực tỉnh nhẩy xuống đò, ôm chú Bìa. Nước mắt hai chú cháu im lặng rơi xuống lòng đò, rơi xuống dòng sông.
Trong đêm, ở miếu Nhị Nương, một bóng phụ nữ khe khẽ thở dài khi đò chạm cát. Bóng người ấy ngước nhìn cây gạo không hoa run rẩy, nhìn bến đò Lăng im lặng rồi chậm chạp thất thần bước về dưới Hạ. Cánh cửa gỗ cót két rít lên. Tiếng trở mình của bà ngoại và dì Lụa như vọng rõ xuống khoang thuyền lẫn trong tiếng sáo mơ hồ bến đò Lăng.
*
**
Chú Bìa và Khang sửa xong chái nhà thì ngoại mất.
Làng Hạ tiễn người con cao niên nhất làng về cõi Phật lặng lẽ như dòng sông Ghênh chở hoa gạo bến Lăng xuôi xuống hạ nguồn. Đưa ngoại ra đồng dì Lụa không khóc chỉ chầm chậm vịn líu xe tang trong tiếng hát cầu siêu của các cụ bà. Đi cạnh dì Lụa là ông Tam chủ tịch giày Tây bóng lộn không mặc đại tang trong tiếng xì xào của dân làng Hạ. Thì cũng đâu cưới xin gì. Ông chủ tịch vẫn lấp lửng mặc sự phản đối tấm tức của lũ con ông, dù mẹ chúng không còn nữa. Ông đến đây cũng lấp lửng tư cách chính quyền và cá nhân. Khang đi sau dì Lụa. Hoa cỏ may găm đầy quần áo đám người đưa tang. Phía sau Khang, chú Bìa lỏng khỏng bước thấp bước cao, thỉnh thoảng chạy sốc lên đỡ xe tang đoạn đường xóc. Cũng như Khang và dì Lụa, chú Bìa đi chân đất. Hõm mắt sâu của chú như một lỗ thủng hun hút vô hồn. Chú nói với Khang là chú sẽ ra đi sau khi hai chú cháu lợp xong chái nhà. Hôm ấy ông Tam đi rồi bà gọi chú Bìa và Khang bảo: “Hai chú cháu đánh rạ làm xong cái mái hãy đi đâu thì đi. Nhà không có đàn ông đến khổ”. Chú Bìa vâng dạ, chặt tre, sửa máng, đánh gianh, bà tấm tắc khen. Hôm ông Tam đến đúng lúc dì Lụa đỡ dui cho chú buộc lạt, ông Tam đá con chó kêu ăng ẳng. Khang nhảy từ trên mái nhà xuống ấm ức. Dì Lụa chui chúi đi vào bếp. Ông Tam nhìn chú Bìa nói bâng quơ: “Sắp có đợt kiểm tra nhân khẩu. Anh ở đây tạm trú phải đăng ký”. Chú Bìa nói rành mạch: “Tôi ở đây vài bữa, cũng chỉ ở dưới đò là chính thôi”. “Ở đâu cũng phải minh bạch”. Dì Lụa từ bếp sấn lên: “Anh bảo ai không minh bạch hả?”. Ông Tam đi giật lùi ra cổng. Dì Lụa ném theo cái nhìn giận dữ. Đêm ấy bến Lăng tiếng sáo chú Bìa thổi muộn lắm. Dì Lụa cũng đi đâu để bà và Khang đợi cơm mãi không về.
Bà ngoại chỉ ốm qua loa rồi đi nhẹ như tiên. Hôm mất chỉ có chú Bìa và dì Lụa. Ngoại nhìn bàn thờ bố mẹ Khang, nhìn sang chú Bìa và dì Lụa mỉm cười rồi quy Phật. Hôm ấy, Khang thay chú chở khách bến đò Lăng. Chính Khang, không hiểu sao mình cũng bình tĩnh đón nhận sự ra đi của bà. Khang chỉ day dứt năm nay mất mùa hoa gạo, không Khang sẽ vớt một thuyền hoa gạo rải lên mộ bà ngoại và cả lối đưa ma.
Đắp điếm mộ ngoại xong Khang và chú Bìa rời bến đò Lăng.
Hai chú cháu đi, dì Lụa chèo đò tiễn qua sông Ghênh. Bắt đầu giữa mùa lũ, phù sa cồn cào ứa lên bám trít đỏ lịm con đò. Khang quẫy tay chèo. Chú Bìa lóng ngóng nhìn lên phía miếu Nhị Nương, nơi cây gạo cổ thụ không hoa đang dần hồi sinh hé mở từng búp non vẫy gió. Dì Lụa ngồi đối diện chú Bìa thở dài nói như nói với dòng sông:
– Hai chú cháu đi, kỳ hoa gạo sang năm giỗ ngoại nhớ về bến Lăng. Khi ấy có khi tôi cũng không chèo đò nữa.
Khang chợt hẫng tay chèo, muốn ùa vào dì như thuở lên mười. Dì khổ quá. Khang biết dì chỉ thèm một đứa con chứ cái ngữ ông Tam sao xứng với dì. Khang không muốn nghĩ đến nỗi đau ấy. Cả chú Bìa cũng thế. Mọi người cứ như muốn lảng tránh một điều gì. Ông Tam từ ngày rục rịch lên huyện cố ý ghen bóng gió chú Bìa tìm cớ ngãng ra. Mấy lần ông Tam gắt chuyện dì đem cơm ra bến đò Lăng. Ông Tam bảo: “Cô liệu hồn đấy. Cả thằng Khang nữa. Lý lịch tôi nắm trong tay”. Dì Lụa khinh bỉ nhìn thẳng: “Anh im đi. Tôi cấm anh động đến nó”. Rồi dì Lụa ra sông khóc. Chú Bìa chỉ thở dài không nói năng gì…
… Khang không ngờ tay trưởng phòng tổ chức nhìn thấy chú Bìa mặt cắt không còn hạt máu lạy chú như tế sao. Chú Bìa không nói một câu, chỉ sang Khang đang cầm tập hồ sơ và bản thu hoạch quá trình thực nghiệm. Mọi việc diễn ra chóng vánh đến ngỡ ngàng. Khi tiễn chú lên xe đò, Khang mới sực tỉnh hỏi:
– Thế là thế nào hả chú?
– À nó cùng học. Ngày trước lẽ ra phải vào chiến trường. Sợ chết tìm cách gian lận đổi tao vào. Sau bị phát hiện, tao mới làm đơn tình nguyện xung phong cứu nó. Nó tưởng tao đã chết bây giờ thấy tao lù lù ở đây nên hốt hoảng vậy thôi.
Chú Bìa đi rồi Khang đứng chết trân ở bến xe. Tiếng cậu bé đánh giày kéo Khang sực tỉnh “Đời còn dài… Phải sống, cho tốt Khang ạ!”. Tiếng chú Bìa văng vẳng bên tai. Chú Bìa ơi! Nhất định cháu phải gạt những đau buồn mà sống cho thật tốt.
Mọi công việc dần dần khuây lấp cuốn hút Khang. Đã gần một năm Khang rời bến đò Lăng. Tiếng sấm tháng ba đánh thức Khang nhớ mùa hoa gạo. Kỳ giỗ đầu của ngoại không biết chú Bìa có nhớ lời hẹn về bến Lăng không? Khang đang loay hoay tính ngày xin nghỉ phép thì chị văn thư cầm đến một phong thư.
Khang đón lá thư, cảm ơn qua quít rồi nhìn xiết vào những dòng chữ. Thôi đúng! Đúng thư của chú Bìa! Nhưng sao lại đề là “Làng Hạ – Bến đò Lăng”. Khang hấp tấp bóc lá thư, càng đọc càng bàng hoàng, giữa thư buột kêu lên thảng thốt: “Trời ơi!” rồi lần lần gục xuống.
Lá thư vẻn vẹn có mấy dòng:
“Cháu Khang!
Chú đã trở lại bến Lăng khi được tin dì Lụa sinh con gái. Nó đã sớm bạc mệnh không chịu ở cùng dì và chú. Ông Tam đã đánh đập dì Lụa và đang kiện chú ra toà. Cháu đừng nghĩ là ông ấy vu oan cho chú và dì Lụa. Ông ấy đâu biết chiến tranh nên đứa trẻ dị tật bạc mệnh ấy đúng là con của chú. Dù thế nào chú cũng không trốn tránh trách nhiệm của mình. Cháu thu xếp về bến Lăng ngay. Chú xin chịu mọi phán xét của cháu.
Bìa”
Khang run run ấp lá thư lên ngực, nước mắt ở cặp mắt mở sững từ từ lăn ra. Chữ ký của chú Bìa như những cái móc lòng khòng, run rẩy nhập nhòa trong tiếng nấc…
– Chú Bìa ơi!… Dì Lụa ơi!…
Như Quỳnh – Mùa hoa gạo