Hỡi những người anti-Sherlock Holmes, Rouletabille chính là vị thám tử mà bấy lâu nay các bạn đang tìm kiếm. Hoàn toàn khác với phương châm “không suy đoán bất cứ thứ gì trước khi tận mắt tới hiện trường và nắm trong tay các chứng cứ” của ngài Holmes nổi tiếng, vị thám tử của chúng ta lại đưa ra suy đoán hoàn toàn từ những gì đọc được, và tuyên bố rằng “chứng cứ chỉ là để lắp ghép cho phù hợp với suy luận sẵn có của tôi mà thôi”. Vâng, với cách làm việc như vậy thì thật phúc bảy mươi đời khi Rouletabille chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, chứ anh mà là thám tử thật ngoài đời thì không biết bao nhiêu người đang kêu khóc vì phải vào tù oan rồi.
Quay trở lại với tác phẩm thì Bí mật căn phòng vàng được coi là một trong những tiểu thuyết về mật thất (căn phòng khóa kín) đầu tiên trên thế giới. Truyện khởi đầu hết sức kịch tính với việc tiểu thư Stangerson, người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, được vô số đàn ông theo đuổi nhưng 35 tuổi vẫn chưa lấy chồng (không phải vì cô là đồng tính nữ mà vì những lý do sẽ được giải đáp ở cuối truyện), bị ám toán trong Căn phòng vàng – phòng ngủ của cô, vốn được khóa kỹ với hai lớp khóa và cửa số có song sắt cẩn thận. Trong cái đêm định mệnh ấy, cha cô, giáo sư Stangerson lừng danh cùng lão bộc Jacques nghe thấy hai phát súng trong phòng cùng với tiếng la hét thảm thiết của tiểu thư, nhưng khi hai người chạy đến nơi thì thậm chí phải phá cửa để vào phòng – và ở đó, ngoài cô tiểu thư đang nằm chờ chết thì tuyệt không còn kẻ nào khác. Joseph Rouletabille, cậu phóng viên trẻ mới mười tám tuổi, đầu tròn như trái bi, người vốn nổi tiếng vì đã phá được nhiều vụ hóc hiểm trước đó, lên đường tới lâu đài Glandier để điều tra vụ việc cùng với người bạn đồng hành của mình, Jean Sainclair, một luật sư trẻ và đồng thời cũng là người kể chuyện. Tại đây, cậu gặp viên thanh tra nổi tiếng Frédéric Larsan đang tích cực đo từng phân đất, xem xét từng cái cửa sổ (nghe cũng biết là nhân vật này được xây dựng dựa trên hình mẫu nào), và hai người sau đó đã đưa ra hai kết luận hoàn toàn khác nhau về vụ án. Tất nhiên là nhân vật chính sẽ đưa ra lời giải thích chính xác, và viên thám tử có-thủ-pháp-nghe-giống-giống-một-nhân-vật-nổi-tiếng-nào-đó thì đã sai, phần còn lại xin mời đọc truyện để nắm rõ thêm.
Nhìn chung thì dù đã được ra mắt từ hơn 1 thế kỷ trước nhưng câu chuyện vẫn khá căng thẳng và hồi hộp chứ không quá lê thê như các truyện trinh thám cổ điển khác, dù có mấy đoạn đi nói chuyện hơi thừa thãi. Nhân vật chính, cậu phóng viên kiêm thám tử nghiệp dư Rouletabille được xây dựng hết sức thú vị, từ ngoại hình cho đến tính cách, dù cho cái triết lý điều tra thì thật không thể mê nổi. Truyện này cũng có nhắc tới ngài Doyle và ngài Poe, tất nhiên là với giọng điệu hết sức bỡn cợt, và có spoil cái kết truyện Vụ án mạng ở đường nhà xác của Edgar Allan Poe, nên khuyên bạn nào chưa đọc truyện đó thì nên cẩn thận. Tựu chung thì đây là một tác phẩm tốt, cho đến phần giải đáp bí mật căn phòng kín… khá là ngớ ngẩn và “ăn may”, mà cũng không biết là may mắn hay đen đủi mà vụ án trở thành như thế nữa. Thêm nữa, cái chi tiết một người chân yếu tay mềm có thể xô đổ cái bàn đá cẩm thạch nặng chắc phải hàng tấn trong cơn mê sảng thật quá sức superhuman đi. Nói chung là đoạn kết khiến tác phẩm bị trừ điểm kha khá, nhưng phần còn lại thì khá hấp dẫn nên đọc cũng không uổng chút nào.
Từ khóaGaston Leroux Trân Châu truyện trinh thám
Xem thêm đề xuất
Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3
RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …