Bài nổi bật

Bí Mật Của Naoko – Higashino Keigo

Bí mật của Naoko là một tác phẩm ấn tượng khác của tác giả Keigo, một trong những nhà văn mà tôi ngưỡng mộ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Higashino Keigo là một nhà văn nổi tiếng tại Nhật Bản. Những tác phẩm của ông đều có tính thời sự rất cao. Ngoài những chủ đề quen thuộc như tình yêu, tâm lý tội phạm, khoa học, Keigo còn khéo léo lồng ghép vào đó những vấn đề đau thương của cuộc sống.
Bí mật của Naoko, tác phẩm diễn ra trong bối cảnh tai nạn giao thông ngày một báo động. Hậu quả mà nó gây ra cho những người thân của người bị nạn là không thể tả xiết. Những ngày này tại Việt Nam (1/2019), khi dư luận đang sục sôi vì vụ xe container tại Long An gây tai nạn vô cùng nghiêm trọng, tông thằng vào hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, hàng chục người bị thương & ít nhất 4 người tử vong tại chỗ. Higashino đã vẽ lên một bối cảnh tương tự trong tác phẩm này, người tài xế cũng kiệt sức vì lái xe đường dài và chạy nhiều chuyến xe liên tục, cũng gây ra tai nạn thảm khốc. Tất cả hiện lên rất chân thực, cữ ngỡ như là hôm qua. Chỉ có điều cuốn sách này đã được Keigo cho ra đời hơn 10 năm rồi! Và tính thời sự của nó, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị & trường tồn mãi theo thời gian.
Mở đầu câu chuyện, một tai họa khủng khiếp đã xảy đến với Heisuke – người kĩ sư trẻ có một cuộc đời và một mái ấm bình dị: vụ tai nạn giao thông khiến vợ anh chết, đứa con hôn mê và có khả năng phải sống đời sống thực vật cả đời. Gia đình nhỏ bé mà anh gầy dựng, cũng là mọi thứ mà anh có, bỗng dưng sụp đổ trong phút chốc, không một lời cảnh báo.
Tôi biết, chắc chắn ai ở trong hoàn cảnh như anh đều phải chịu một cú sốc to lớn, nhưng với tôi, nó chỉ tựa một nỗi buồn man mác, chút đỉnh, đơn giản vì tôi đã biết trước điều đó qua phần giới thiệu tác phẩm rồi. Phần sau Bí mật của Naoko là một chuỗi diễn biến nhẹ nhàng, vẫn có những tiết lộ bất ngờ nhưng không mấy kịch tính, thế là tôi dần dần bị tác giả dẫn dắt vào một trạng thái thư giãn, thoải mái, tò mò theo dõi diễn biến câu chuyện, hồi lâu tôi quên mất lời cảnh báo ban đầu: “Đây là một câu chuyện tàn nhẫn“.
Đúng vậy, tôi hối hận, hối hận vì đã quên mất, không phải ai khác mà chính Keigo đã viết nên câu chuyện này, tôi đã quên mất tim tôi từng đập nhanh thế nào, lồng ngực tôi từng nặng trĩu thế nào khi gấp Phía sau nghi can X hay Bạch dạ hành lại. Tôi bị tác giả đánh lừa cũng nhiều lần rồi, tôi bị giọng văn ung dung, từ tốn của ông dẫn vào cái thế giới kỳ ảo, phi thực nhưng rất nhẹ nhàng, bình dị không biết bao lần, để rồi khi tin rằng mọi chuyện chỉ đơn giản là vậy, tôi bị tác giả giáng cho một cú quá bất ngờ khiến tôi không kịp trở tay, cảm xúc bị đẩy lên đến cực điểm. Trong chớp mắt, thế giới bình dị, kỳ ảo của tiểu thuyết chợt tan biến, thay vào đó là cái thế giới thực tại trần trụi, tàn nhẫn mà xuyên suốt câu chuyện chỉ ngấm ngầm hiện hữu, nay xuất hiện rõ rệt, bao trọn lấy tác phẩm và dằn xé tâm can của người đọc.
Dằn xé tâm can độc giả chính là cái tài của Keigo
“…Heisuke nhìn vào bóng tối, thầm nghĩ không biết gã vừa mất vợ hay mất con gái”. Đây là một trong những câu nói mở đầu cho chuỗi ngày tăm tối của Heisuke, nhân vật chính của chúng ta. Anh đã mất vợ hay mất con, câu này tôi cũng tự hỏi chính mình. Nếu Heisuke xem Naoko (trong thân xác Monami) là vợ, anh sẽ phải vĩnh viễn xóa đi sự tồn tại của con gái mình ra khỏi tiềm thức, nhưng bản thân anh cũng không thể đối xử với Naoko như với một người vợ được, vì đó vẫn là thân xác của con gái anh, vậy anh được gì? Ngược lại, nếu Heisuke chấp nhận Naoko như con gái mình và đi bước nữa, liệu cuộc sống mới của anh có được suôn sẻ không? Naoko có đủ cao thượng để nhìn cha mình, à không, chồng mình chứ, hằng ngày cười nói, ôm ấp, ngủ với một người phụ nữ khác không phải là mình không? Liệu cô có thể gọi người phụ nữ đó là mẹ không? Tóm lại, tôi đã nghĩ đủ mọi lẽ, dù anh chọn con đường nào, anh cũng sẽ đánh mất cả hai, đó chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng Keigo, bậc thầy tạo ra những hoàn cảnh trớ trêu, cay đắng, đã quyết định để Heisuke phải nhận cái kết cục tàn nhẫn nhất, đau đớn nhất có thể…
Tình nghĩa vợ chồng và cơ hội sống lại một cuộc đời thứ 2?
Sự lựa chọn nào là đúng đắn? Heisuke là người cao thượng hay ích kỷ? Những câu hỏi đó, tự tôi đã có câu trả lời rồi. Và trong tác phẩm này, thực sự tôi không ghét ai cả, vì tất cả mọi thứ diễn ra đều là tất yếu, là tương lai có thể nhìn thấy trước. Tôi đã nghĩ nhiều và nhận thấy, không có một cái kết viên mãn nào cho câu chuyện này. Đúng, tôi thương cho số phận của Heisuke (và nhiều nhân vật khác nữa), nhưng tôi không ghét Naoko, nếu có thì chỉ là trách chị ta đã không chọn một cách thức ít tàn nhẫn hơn, nhưng ai biết được, lẽ ra mọi chuyện đã không diễn biến theo chiều hướng như vậy nếu không có sơ sót vô lý đó, lẽ ra sự thật sẽ mãi mãi được chôn vùi.
Tôi không thích truyện tâm lý Mỹ, vì dù mô tả kỹ tới đâu, có cơ sở khoa học tới đâu, khi đọc nó, tôi hiểu được nhân vật, nhưng vẫn có cảm giác chỉ là người ngoài cuộc, tôi thấy những nhân vật đó cũng khổ đấy, cũng dằn vặt đấy, cũng đấu tranh nội tâm khốc liệt đấy, nhưng tôi biết đó chẳng phải là mình. Còn đối với văn học Nhật, điển hình là các tác phẩm của Higashino Keigo, không một dòng nào phân tích chi tiết, chuyên sâu về tâm lý nhân vật cả, đôi khi chỉ bằng một hành động nhỏ của các nhân vật thôi, thế nhưng tôi như bị cuốn vào thế giới nội tâm của họ, nó khiến tôi tự đặt bản thân vào hoàn cảnh của từng nhân vật, khiến tôi nếm trải được phần nào những đau thương, mất mát của họ.
Lúc nào cũng vậy, không chỉ xoay quanh những nhân vật chính, truyện của Keigo luôn soi chiếu những góc khuất trong số phận con người qua hình ảnh các nhân vật phụ, đặc biệt là những con người bị xã hội lên án. Mỗi khi đọc xong một tác phẩm của Keigo, tôi luôn rút ra một bài học chung: chúng ta không có quyền phán xét ai cả, đơn giản vì chúng ta không thể nào hiểu hết được bản chất của một con người. Cái chúng ta thấy hằng ngày, trên báo đài, trên tivi hay trực tiếp qua những người mà ta gặp gỡ, hết thảy chỉ là bề nổi thôi. Con người là một thực thể phức tạp, nếu bạn nghĩ có thể đánh giá một người cách toàn diện chỉ qua quan sát thì tôi xin cam đoan, bạn đã lầm. Ai đã đọc Naoko rồi, chắc hẳn đều có cùng chung suy nghĩ với tôi, không phải Heisuke là người cao thượng nhất, hy sinh nhiều nhất trong tác phẩm.

Xem thêm đề xuất

Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3

RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *