Nghe đọc truyện đêm khuya – Gia đình ông Hộ ở thị xã thượng du, có một cuốn gia phả đựng trong ống tre, viết không theo quy định thông thường, mà cứ mỗi khi có việc hệ trọng thì ghi lại bằng thứ giấy, mực hiện có. Tuy mang tính tư liệu, nhưng tờ nào cũng ghi chữ “gia phả”.
Có một tờ viết bằng mực tím, trên loại giấy viện trợ, có dòng kẻ to của Liên Xô. Dòng chữ chỗ đậm, chỗ nhạt. Đồ rằng, viết bằng bút lá tre.
Gia phả: Nước lụt lên to, ngập lưng nhà. Nước rút, các cột đều lệch khỏi tảng, nhưng nóc và mái vẫn nguyên, nên không làm lại. Một đêm, có khách lạ đến nhà…
Chiều nay, Hộ nghỉ buổi phụ vữa, ra bến xe khách thị xã, dáo dác tìm kiếm một người đàn ông…
Bến đò, bến xe là nơi dân tứ chiếng tụ hội, làm gì chẳng kiếm được người vừa ý. Chọn một hàng nước ở cửa nhà chờ xe, Hộ gọi một chén nước chè và điếu thuốc Sông Cầu, ra vẻ nhàn tản nhâm nhi, nhưng mắt như đóng đinh vào đám người đang xếp hàng rồng rắn trước cửa bán vé. Cái lão tóc hoa râm kia, vẻ từng trải, nhưng khoẻ đâu đến già, tinh như nước rãi mà thôi. Tay cán bộ cắp ca-táp thì có vẻ phong lưu, nhưng môi mỏng như lưỡi dao xây, chắc hay hớt lẻo, có khi gây hoạ cho người, khác nào đổ nhà, sập bếp. Gã thợ cưa thì vâm chắc như gấu, nhưng vai u, thịt bắp. A, cái người khoác ba-lô, mặc quần áo bộ đội, nhưng sao không đeo quân hàm, quân hiệu? Tay trái anh ta lại luôn đút trong túi quần. Người hay đút tay vào túi, hẳn là loại người cẩn thận.
Bỗng cả đoàn người ồn ào hẳn lên như vỡ chợ, dồn sít vào nhau giữa hai hàng ke sắt, nom như thể gắp cua. Bà hàng nước lẩm bẩm: “Bán vé rồi đấy.” Nhưng chưa giập miếng trầu, cuộc bán vé đã rã. Hết vé. Mấy người cuối hàng uể oải xếp cục gạch xí phần, rồi tản ra các hàng nước để mai phục cuộc sau. Anh bộ đội vẻ mãn nguyện, đút vé vào túi áo ngực. Hộ cất tiếng hỏi để làm quen:
– Mấy giờ rồi, đồng chí?
Anh bộ đội vẫn đút tay túi quần, khẽ ghếch cổ tay lên nhìn, buông sõng một câu: “Ba rưỡi”, rồi toan bỏ đi. Hộ vội giơ tay lên vành mũ lá, chào kiểu quân sự:
– Báo cáo đồng chí, tôi muốn có tý việc.
Anh bộ đội nhìn Hộ ngờ ngợ, như thể gặp người quen cũ mà chưa nhớ ra, nên từ tốn:
– Có chuyện gì? Tôi còn đi tìm chỗ nghỉ, kẻo nhà trọ quốc doanh hết chỗ.
– Cứ ngủ đâu là nhà, ngã đâu là giường. Nhưng tôi muốn báo cáo…
Hộ chỉ tay ra chỗ ghế đá, gần bờ sông. Anh bộ đội cảnh giác, nhưng vẫn phân trần như trước “con phe”, muốn mau qua chuyện:
– Tôi chả có hàng họ gì đâu. Bộ đội trả phép thôi mà.
Thế thì đúng tổ con chuồn chuồn rồi. Hộ xởi lởi dốc bầu tâm sự, về gia cảnh và bệnh tình của mình, khác nào gặp lại cố nhân. Ban đầu, anh bộ đội tỏ vẻ nhạc nhiên, nhưng rồi thấy giọng chân thành của Hộ, nên cũng cảm thông. Cuối cùng, Hộ đánh liều van xin:
– Báo cáo đồng chí, đêm nay, đồng chí cho vợ chồng tôi xin một đứa con.
Anh bộ đội nghe vậy thì ngớ người, như kiểu không tin vào tai mình, hồi sau, hiểu ra vấn đề nghiêm trọng, liền sừng sộ:
– Định khiêu khích hả? Định đặt bẫy hả? Coi chừng! Nhìn đây.
Anh bộ đội tháo tuột cái đồng hồ Sla-va mạ vàng ra khỏi tay và lật lên, chỉ cho Hộ xem cái hình mũi tên vòng cung, con dao găm và khối bộc phá. Hộ nghệt mặt ra. Anh bộ đội lên giọng đe nẹt:
– Đặc công, luồn sâu đánh hiểm!
Dưới sông, cánh đi bè đang í ới gọi nhau cập bến lâm sản. Tiếng dây song vật mình, tiếng tre, nứa chèn vào nhau, nghe răng rắc như thể rút xương, khiến cả hai ắng đi. Một lúc, Hộ như sực tỉnh, lại vò đầu, bứt tai, chỉ thiếu nước quỳ xuống mà lậy. Nhưng rồi, xem chừng anh bộ đội đã hiểu ra tấm lòng chọn mặt gửi vàng của Hộ, bèn hạ giọng:
– Thì cứ cho là anh thật lòng. Nhưng một người bình thường cũng không cho phép mình vi phạm phẩm chất đạo đức như thế, huống hồ tôi lại là quân nhân. Mà kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt.
Hộ cảm thấy hẫng hụt, như thể bị cánh thợ khác hớt tay trên công trình, mặt thuỗn ra như ống điếu. Dưới sông, cái bè dài ngoẵng như một con giải khổng lồ bị trôi tuột. Bọn trên bè cãi chửi nhau ầm ĩ, hốt hoảng cố sức neo hãm. Những sợi dây song căng lên như dây đàn. Hộ ứa nước mắt, ngậm ngùi:
– Ông trời bắt tội tôi mới bị vô phúc như thế, chứ trần đời, có thằng đàn ông nào lại rước giai về nhà bao giờ.
– Thế, cả cái thị xã này, không còn thằng đàn ông nào đáng mặt nữa hay sao?
– Báo cáo đồng chí, không phải là không có, nhưng cái thị xã bé như bàn tay thế này, rồi sau phức tạp chuyện con anh, con tôi…
– Việc hệ trọng như vậy, nhưng anh lại đặt vấn đề với người xa lạ, tôi cảm thấy cũng đã phần nào hiểu được ý anh. Nhưng anh cũng thông cảm, tôi đã có vợ rồi. Tôi không thể phản bội cô ấy được.
– Đàn ông tôi còn lạ gì. Có anh còn đóng cửa đụn đi ăn mày ấy chứ. Anh nói thế, tôi càng cảm thấy việc tìm người của mình quả không lầm. Trông mặt mà bắt hình dong chứ.
Anh bộ đội tủm tỉm cười. Hộ nhác thấy, phỉnh thêm:
– Đồng chí đã từng chinh chiến, còn lạ gì đời.
Anh bộ đội thở dài, lơ đãng nhìn ra dòng sông. Cái bè đã vạ vào dưới bến. Yên bình trở lại bến bờ. Anh bộ đội ngập ngừng:
– Thế, ý vợ anh thế nào?
Hộ mừng rỡ, sấn vào:
– Báo cáo đồng chí, tôi bị bệnh như vậy, nhưng vẫn giấu cô ấy. Nếu đồng chí quan tâm chiếu cố, tối nay, tôi sẽ phục rượu cho cô ấy say, rồi đồng chí…
– Phức tạp quá đi mất.
Hộ sợ hãi, vội thanh minh:
– Báo cáo, sở dĩ phải làm như thế là để cô ấy vẫn tưởng con tôi, khỏi áy náy về sau. Chuyện này cơ mật, chỉ có tôi với đồng chí biết thôi.
Anh bộ đội thấy Hộ có vẻ cẩn thận, lo trước tính sau, nhưng vẫn lưỡng lự:
– Việc này mà lộ ra, cấp trên kỷ luật, không cho tôi ra chiến trường thì nhục…
Hộ khấp khởi mừng thầm, coi như công việc đã được bảy, tám phần rồi:
– Tôi đã trù liệu kỹ lưỡng cả rồi, chứ có phải trẻ người non dạ mà xốc nổi đâu.
Anh bộ đội lại thở dài, không nói gì thêm, coi như cũng đã miễn cưỡng chấp thuận. Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã đến giờ phát buổi chiều. Tiếng loa công cộng ở bến xe, vang lên rộn ràng bản nhạc hành khúc và bản tin chiến sự miền Nam. Hộ dấn thêm bước cuối cùng, như thể trát lại lỗ giáo trên tường nhà, coi như phần xây đã xong.
– Báo cáo đồng chí, khí không phải, nhưng xin gửi đồng chí mấy hào ăn tối cho có sức. Rồi độ chín rưỡi, mười giờ đêm, tôi ra đón ở đây.
Anh bộ đội vẫn đút tay túi quần và lại ghếch lên nhìn đồng hồ. Chợt nhìn thấy những mười đồng đang xoè trước mặt, thì vội ấn trở lại, thảng thốt kêu lên:
– Tôi ăn đại táo chỉ có sáu hào tám. Thủ thưởng tôi thượng tá mới ăn tiểu táo đồng hai. Thế này, quá đặc táo.
*
Lại một tờ gia phả, nhưng bị nhoè, không đọc được, có lẽ là do ẩm mốc sau trận lụt.
[…]
Hộ khẽ lay lay vợ, thì thào gọi:
– Mình, mình ơi…
Nụ vẫn nằm bất động. Hộ yên tâm chạy ra cổng, gọi anh bộ đội:
– Đồng chí ơi…
– Đúng phương án chứ?
– Phải, này, uống chén rượu nhá. Rượu bổ…
Hai người đàn ông nâng chén. Anh bộ đội có vẻ ngượng nghịu. Còn Hộ thì không dám nhìn thẳng vào anh bộ đội nữa, khẽ nhấp một ngụm, suýt bị sặc, tưởng như chén rượu đoạn hồn, giành cho kẻ lĩnh án tử hình, trước giờ ra pháp trường.
Anh bộ đội kín đáo quan sát xung quanh. Vách nhà còn ngấn nước lụt. Chắc chỗ này nước lên to, chảy mạnh, nên tảng đi đằng tảng, cột đi đằng cột. Trên vách, treo một bức tranh vẽ đứa trẻ bụ bẫm đang ôm con gà trống cưỡng. Góc nhà, có mấy cái bay, dao xây và thước gỗ dính vôi vữa. Trên bàn thờ, thấy có cái ống tre đã nứt, viết hai chữ “gia phả”, theo lối in hoa, đủ dấu.
Trong khi đó, Hộ vào buồng, bật đèn ngủ và lẩy bẩy cởi quần áo ngủ cho vợ, rồi phủ lên tấm vỏ chăn hoa đào. Lúc lập cập đi ra, va phải cái cột, đau nổ đom đóm mắt. Hộ nói như mếu: “Vào đi…”
Hộ tựa cửa canh chừng hàng phố. Phố lao động, ngủ sớm. Trên núi xa xa, ánh lửa đốt nương lập loè như ma trơi. Bỗng có tiếng khoá thắt lưng lách cách, Hộ tưởng như búa tạ giáng xuống đầu. Hộ nhích ra cổng, dỏng tai nghe. Ngoài đồng, phía cuối phố, mấy người đang đi soi ếch, chốc chốc lại reo lên: “Một đôi này…”, khiến Hộ giật mình tê tái. Bây giờ, chắc chắn đang… Sao lâu thế nhỉ ? Chỉ chốc nhát như xếp kiêu gạch là cùng, thế mà lâu như đánh cối vữa ba-ta thế này.
Trong khi đó, anh bộ đội ngập ngừng bước vào buồng, cảnh giác nhìn quanh, không thấy động tĩnh gì nghi vấn, mới khẽ kéo tấm ri-đô hoa xanh ra. Anh đột ngột nhìn thấy trên giường, có một người đàn bà còn trẻ, độ hăm ba, hăm bốn gì đó. Cô ta nằm nghiêng, mặt quay ra ngoài, mớ tóc buông tràn trên cái gối đôi trắng tinh, má hồng, mày cong, mắt khép hờ… Anh hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, rồi lúi húi cởi giày vải, thong thả mở khoá thắt lưng, cởi quần áo dài vắt lên thành giường rẻ quạt. Khi anh chạm tay vào người đàn bà, tự dưng, cả hai cùng cảm thấy như bị điện giật.
Lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy đàn bà khoả thân dưới ánh đèn ngủ. Vợ anh chưa bao giờ cho anh ngắm nhìn thân thể. Vợ chồng khi chung đụng, đều phải tắt đèn. Không biết có phải do chén rượu kích thích hay do người đẹp lồ lộ trước mặt, đầy khêu gợi, mà trong lòng anh có ngọn lửa bốc lên bừng bừng. Anh hấp tấp lột áo may-ô qua đầu. Cái dải nút quần đùi bị rối, anh nóng nảy giật đánh “phựt” một cái và quần đùi, rộng thùng thình như một cái váy, rơi tụt xuống nền xi-măng. Anh sà xuống. Hình như người đàn bà run lên trong cơn sốt. Anh chỉ kịp thì thầm: “Yêu…” và khẽ lật người đàn bà đã mềm nhũn vào giữa giường…
Anh ngồi dậy, vừa chăm sóc, vừa ngắm gương mặt kiều diễm, phảng phất nụ cười. Ra đến cửa buồng, nghĩ thế nào, anh lộn lại, thấy người đàn bà lại nằm nghiêng, quay mặt ra ngoài. Mắt vẫn khép hờ, nhưng đôi lông mày như vừa dãn ra. Anh lặng lẽ tháo chiếc đồng hồ, đặt bên gối, thì thầm nói qua hơi thở: “Kỷ niệm…”, rồi mạnh bước, khoác ba-lô ra cổng. Chợt có tiếng hỏi, làm anh giật nảy cả người:
– Đưa ra bến nhá?
– Nhớ đường rồi. Trinh sát mà.
*
Một tờ gia phả viết bằng thứ mực xanh Hồng Hà, trên loại giấy của nhà máy Hoàng Văn Thụ, nét chữ đều đều như thể viết bằng bút máy.
Gia phả: Tiếp nối truyền thống tu thân, lập nghiệp của cha anh, Hộ vừa lập gia đình đã xin ra ở riêng, không phiền luỵ đến bậc sinh thành.
Trong thị xã miền núi này, nhà Hộ tuy không giàu, nhưng cũng vào hàng danh giá. Bố lái xe ca, mẹ có sạp hàng ngoài chợ. Hộ lại là con một. Người ta bảo, con độc cháu đàn. Mẹ Hộ kỹ tính, đã chọn Nụ làm nàng dâu, nết hiền thảo, mình trắm, mông vại. Tạng con gái như thế, cứ gọi là đẻ sòn sòn. Khi Hộ còn là học sinh, bố mua cho cái xe đạp Fa-vô-rít, nhưng Hộ chỉ đi bộ đến lớp. Bố bảo: “Mày cứ đi hỏng, tao lại mua cái khác.” “Con để giành, mai sau lấy vợ thì bán đi, mua đất, làm nhà”. Mẹ cho tiền ăn quà sáng. Hộ lại bỏ ống tiết kiệm, sáng thì rang cơm nguội ăn lót dạ. Bởi thế, lấy nhau được ít ngày, vợ chồng trẻ đã quầy quả xin ra ở riêng. Hộ phân bua: “Nhà của bố mẹ là của trời. Trời cho cái này, ắt lấy đi cái khác.” Rõ là lý sự của anh đần. Nhưng không ai biết thâm ý của Hộ, muốn sắm nhiều dinh cơ cho con cháu sau này. Bố định kiếm việc cho bên công ty vận tải ô-tô, mẹ cũng xin cho làm thương nghiệp. Nhưng Hộ lại đi làm nghề thợ xây cực nhọc. Hộ tính, sẽ học việc cho thạo, rồi tự xây nhà mình, cả nhà bố mẹ nữa, sợ thuê bọn khác làm ẩu, không đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra, mà đời con cháu lại mất công, tốn của tu sửa.
Sau ba, bốn năm lấy nhau, hai vợ chồng đã làm được nhà ngói, vách toóc-xi và sắm được tủ buýp-phê, giường rẻ quạt quang dầu bóng loáng. Nhưng phiền nỗi, vẫn là vợ chồng son. Bố mẹ có ý lo. Nụ đi khám, thấy hoàn toàn bình thường, luôn túc trực sẵn sàng chửa và đẻ. Nhưng cô vẫn cắt thuốc uống thêm và đi kêu cầu các đền. Hộ thì khác nào lực sỹ, bê chồng gạch cao từ háng đến cằm, mà vẫn chạy băng băng lên thang. Nhưng để cho chắc, Hộ vẫn đi bệnh viện thử khám xem sao. Cô bác sỹ đưa ra cái phiếu xét nghiệm, rồi liếc vào bộ phận liên quan chính, trong việc phát triển giống nòi của Hộ, lạnh lùng hỏi:
– Anh có bị bệnh quai bị bao giờ chưa?
– Báo cáo bác sỹ, bị mỗi lần, từ hồi còn mười lăm, mười sáu cơ.
– Bệnh này chỉ mắc một lần, rồi miễn dịch cả đời. Nhưng liệu có bị chạy hậu không?
– Không, vẫn nguyên…
Cô bác sỹ đỏ mặt, cười:
– Bị thì cũng vẫn nguyên, chứ có tụt vào như ba ba đâu. Nhưng mà dễ bị biến chứng, viêm tinh hoàn. Tỷ lệ vô sinh không phải là nhỏ.
Hộ hẫng người như bước hụt thang, lập cập hỏi:
– Liệu có cách nào chữa không ?
– Lúc mới bị, theo bài thuốc dân gian, chỉ cần đắp miếng cao gấc là khỏi. Bây giờ, y học tuy phát triển cao, nhưng còn bó tay.
Hộ thở hắt ra, đau đớn, thất vọng ê chề, y như thể xây nhà bị sập. Cô bác sỹ hiểu ý, động viên:
– Thì xin con nuôi, con nuôi tốt có khi còn hơn con đẻ, mà bà xã lại giữ được eo, không bị rạn bụng, càng sướng.
– Muốn là muốn con mình ấy chứ, vợ tôi thì có nề hà gì gian khổ.
Cô bác sỹ lưỡng lự một lúc, rồi nửa đùa nửa thật:
– Nghe nói, vùng đồng bào ở trong động, chồng mà tắc tịt thì cho vợ thả cỏ. Cá vào ao ta là của ta.
Không con, thế thì công lao gây dựng của mình để cho ai. Không con, căn cơ tằn tiện cũng bằng thừa. Nụ mà biết thế này thì… Hộ không dám nghĩ xấu về vợ. Trên đời, Hộ không thể có người đàn bà nào hơn được Nụ. Xin con nuôi, khác máu tanh lòng. Hay là thả cỏ thả rả… mới nghĩ mà Hộ đã điếng người như bị hoạn.
Mới có mấy hôm mà Hộ lo lắng rạc người, nom như hạc thờ. Nụ gặng hỏi nguyên do làm sao, thì mấy Hộ cũng không nói. Tính đi, tính lại, Hộ quyết giữ kín, không cho ai biết, trừ một người cần nhờ vả. Thế là Hộ đi ra bến xe đón người ta.
*
Một tờ gia phả, đánh máy chữ, trên giấy pơ-luya xanh.
Gia phả: Hai vợ chồng ăn ở hoà thuận, lại chịu khó thuốc thang và cầu tự, nên đã sinh được con trai, đặt tên là Thuận.
Đủ chín tháng mười ngày, sau cái đêm hôm ấy, Nụ sinh con trai. Vừa xổ xong, cô đã cố gượng dậy, nhìn chằm chặp vào bàn tay trái, thấy chỉ đúng năm ngón… Cô cười rơi lệ.
Ai cũng mừng cho vợ chồng cô, người thì cho là thuốc đã kiến hiệu. Kẻ thì bảo là có cầu có ứng nghiệm, Trời có mắt. Hộ thì dở khóc dở cười. Mọi người trêu là ông bố trẻ mừng quá hoá ngộ. Mong ngày mong đêm, nay có con lại đâm ra lầm lầm lì lì như chì đổ lỗ. Thỉnh thoảng lại cáu gắt, làm um cả lên một cách vô cớ, khiến cho cu Thuận giật mình khóc ré lên, Nụ cũng lã chã nước mắt.
Tuy tính khí thất thường như vậy, nhưng Hộ vẫn chăm ra chợ, mua chân giò về ninh để Nụ có nhiều sữa cho con bú. Mỗi khi bế con, Hộ cảm thấy như bê chồng gạch có đàn kiến bò ra, vứt xuống thì vỡ, mà bê thì nổi rôm cả người. Liệu thằng cha ấy có giữ lời hứa ? Hắn trở về đột ngột nhận con, thì mình mất mặt. Một lần, thằng bé bị ốm, phải nằm bệnh viện. Hộ đã lén xin xét nghiệm máu. Thấy cùng nhóm máu với mình, Hộ mừng húm như bắt được vàng. Thế là có cái “khoa học” đảm bảo, vững như móng trên đất đá ong còn gì. Lo xa vậy thôi, chứ đêm ấy, tối như bưng, đường ngõ quanh co ra tận cánh đồng, dân cố thổ có khi còn lạc nữa là người lạ. Nhưng hắn bảo, hắn là trinh sát cơ mà. Trinh sát thì trinh sát đồn địch, chứ chả nhẽ lại trinh sát đồn ta à? Nghĩ quẩn rồi, mình thuận lòng rước về cơ mà. Nhưng chắc anh ta cũng chả dã tâm gì đâu…
Hôm đi làm giấy khai sinh và bữa đầy tháng cho con, Hộ cười như mếu. Ai cũng xì xầm, chắc là tính gàn dở từ bé, nay đốc ra thế. Có hôm, đi làm về, thấy thằng bé bị sốt, Hộ vội vạch tã ra xem, nhưng vừa thấy “quả ớt” của nó, Hộ đã giật bắn cả người, ngỡ như thể thấy nòng súng lục đang chĩa thẳng vào mình. Ấy vậy mà xung quanh nhà, Hộ trồng đầy những gấc. Những quả gấc lúc lỉu ngoài giàn và trên gác bếp.
*
Một tờ gia phả, viết bằng bút bi, trên giấy Tân Mai.
Gia phả: Thuận lớn lên khoẻ mạnh, thông minh, ai cũng quý mến. Một bận, bị bọn côn đồ xông đến đánh, may có anh thương binh tên là Chiến, ở cùng phố, đã gánh nạn cho.
Anh thương binh Chiến, sau khi ở chiến trường trở về, đã chuyển nhà từ làng quê ra thị xã, ở cùng phố với Hộ.
Anh bị thương vỡ cả quai hàm, nên giọng nói ngọng nghịu. Một bên má lại bị bỏng na-pan. Lúc mới về nhà, vợ anh còn phải ngờ ngợ, mãi mới nhận ra ánh mắt, dáng người, cái tật xỏ tay túi quần và mùi mồ hôi dầu… Hai vợ chồng có một đứa con gái, học cùng lớp với Thuận. Hai đứa cùng ngày sinh, tháng đẻ, nên thân nhau lắm. Gia đình anh Chiến quý thằng Thuận, tháng nào cũng cho năm, bảy đồng để mua giấy, bút.
Vợ anh Chiến tốt bụng và tần tảo, buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Buôn bán lâu ngày, rồi cũng biết cách làm mới những cái rau cũ, nhưng với thằng cu Thuận, thì vẫn chăm chắm nỗi niềm… Anh Chiến cũng chẳng có nghề ngỗng gì, nhưng chịu khó, chân trong nhà, tay ngoài đường, ai thuê việc gì cũng làm thêm.
Một lần, anh mổ lợn thuê cho ông chủ hiệu đồng hồ, để làm thượng thọ. Thấy anh cẩn thận lại khéo tay, ông ngỏ ý truyền nghề cho, để nối nghiệp căn chỉnh máy đo thời gian cho đám thị dân phố núi này. Từ đó, thay vì dùng dao phóng chọc tiết lợn, anh lại dùng vam để mở nắp đồng hồ; thay vì dùng dao ba tấc để cạo móng giò, anh lại dùng tuốc-nơ-vít để vặn những cái vít nhỏ li ti như những hạt vừng và thay vì dùng mẻ để làm lòng, anh lại dùng dầu máy bay để bôi trơn những cái bánh xe răng cưa bé xíu… Bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem tiết và mỡ lợn đã được thay bằng cái áo ghi-lê gọn gàng, nom có vẻ phong lưu hơn. Trong tủ hàng, bày la liệt các loại đồng hồ, nào là của tư bản, nào là của xã hội chủ nghĩa sản xuất, nhưng để ý, không thấy có cái nào loại sla-va mạ vàng. Anh có ý chờ đợi, xem lại cái sla-va mạ vàng độc nhất vô nhị ấy. Đấy là cái đồng hồ do vợ anh bán lợn nghĩa vụ mới mua được, để kỷ niệm cho anh trước ngày lên đường ra chiến trường. Anh đã tỷ mẩn khắc hình quân hiệu binh chủng lên nắp. Và rồi, khi trở về, không thấy anh đeo trên cổ tay, vợ anh đã có ý hỏi và anh đã thực thà kể hết lại sự tình. Sau mấy ngày vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, vợ anh lại khuyên anh đi dò hỏi xem sự tình ra sao. Việc ấy, với ngón trinh sát của anh là quá dễ dàng. Anh về, kể lại sự lạnh lùng của bố đứa trẻ và vợ anh đã khuyên chuyển nhà xuống phố đó, có gì còn đỡ vực người ta. Mình không phụ người thì trời không phụ mình. Nhưng phải cắt ngón sáu đi, kẻo người ta phát hiện ra thì phiền.
Không biết do âm đức mai một hay do tay thợ cả bớt xén vật liệu thế nào, mà nhà xây cho người ta chưa kịp trát áo đã sập ban-công, làm chết người. Toán thợ sợ hãi trốn biệt. Bọn côn đồ xông đến nhà Hộ, đánh Thuận để trả thù.
Bữa đó, anh Chiến đang soi đồng hồ, thấy vậy, bèn vứt kính lúp vào quầy, xông đến can ngăn, liền bị một gậy vào đầu, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chả ai bảo ai, nhưng cả hai nhà đều vào bệnh viện chăm sóc.
Vợ anh Chiến, hàng ngày, cứ độ ba giờ sáng là phải ra “chợ âm phủ”, cất rau của cánh ngoại thị mang vào hay cánh Thổ Tang chở lên. Thế là, Nụ lại phải túc trực thay. Ngửi thấy mùi mồ hôi dầu, lòng dạ Nụ nôn nao lạ thường. Ngón cái tay trái kia có vết sẹo nhỏ, khiến Nụ phân vân lắm… Thế thì thằng Thuận có mấy bố, hai hay ba đây? Bố đẻ, bố dưỡng, bố thế mạng? Nghĩ vậy, Nụ sụt sùi khóc thương cho thân phận mình. Không phải cứ đẹp người, tốt nết mà có phúc có phận đàng hoàng được đâu.
*
Lại một tờ giấy Hoàng Văn Thụ, viết mực Hồng Hà.
Gia phả: Vợ chồng Hộ, Nụ đẹp đôi, thương yêu nhau như sam. Có lần, hai vợ chồng cùng uống rượu thù tạc, khiến Nụ bị say mèm…
Nụ không thể nào quên được cái đêm hôm ấy.
Mấy ngày trước đó, Hộ đi khám bệnh về, bảo rằng không sảo không sao, nhưng lại ủ ê như tàu đu đủ héo. Người thật thà thì nỗi buồn hiện lên mặt, đố có giấu được như kẻ gian ngoan. Nụ lấy làm nghi lắm, bèn lén đến bệnh viện hỏi xem sao, nhưng cô bác sỹ nhất quyết không nói, bảo là về nhà hỏi chồng ấy. Thế là rõ rồi còn gì.
Một buổi chiều, Hộ đi đâu đến chập tối mới về, rồi lại sốt sắng mổ gà, mua rượu để hai vợ chồng cùng thù tạc. Hỏi, thì bảo là vừa hồi công thợ, được lĩnh món tiền thưởng, làm bữa ăn tươi. Hộ chẳng mấy khi uống rượu, Nụ lại càng không. Chỉ có hôm làm lễ hợp cẩn, Nụ uống một chén hạt mít đã thấy say say. Vậy nên nghĩ mới thấy sự lạ. Nhưng các cụ đã dạy, chuyện không có con là lỗi ở như đàn bà. Thời xưa, đàn bà không con, còn phạm vào tội “thất xuất”, chồng bỏ cũng phải cam chịu. Nên nay thấy sự lạ mà vẫn phải chiều chồng. Nhưng Nụ khôn ngoan, chỉ uống lấy lệ, rồi lén bưng bát cơm lên mà nhả vào. Hộ vô tình không để ý, cứ ngỡ vợ đã quá chén…
Đêm. Hộ dẫn về một người đàn ông. Nghe nói chuyện mấy câu, Nụ tinh ý, biết là có sự thoả thuận gì đó rất hệ trọng, nhưng không hiểu là chuyện gì mà có vẻ bí mật. Tới khi Hộ cởi quần áo ngủ của mình, Nụ ngỡ chồng say, làm điều khó coi, trước mặt khách lạ, toan vục dậy. Nhưng Hộ lại kéo chăn lại và khi người lạ xuất hiện sau tấm ri-đô mỏng, Nụ đã thấy rõ một anh bộ đội đang đứng, xỏ tay trái vào túi quần. Nụ run bắn lên, hiểu cơ sự, định vùng dậy la lối, nhưng lại nghĩ, chồng sắp đặt ắt hẳn là để kiếm đứa con. Nhưng sao không bảo mình trước một câu, lại giở trò ép rượu. Khinh mình quá như vậy, coi như vật đẻ thuê à? Thì khinh được khinh này. Đàn bà chỉ nông nổi như cơi đựng trầu thôi…
Kể ra cũng thật trớ trêu, nhưng đã đâm lao thì theo lao. Kêu lên, hàng phố đổ đến thì còn mặt mũi nào. May mà lại được người lịch sự, biết ý, chứ không phải kẻ phàm phu tục tử. Biết nói lời âu yếm, lại còn biết chăm sóc đàn bà… Khi đột nhiên anh ta quay lại, Nụ bực tức, nghĩ là sự tiệc rẻ của kẻ gian tham. Nhưng người ta chỉ để lại cái đồng hồ làm tin, khiến cô suýt trào nước mắt. Một thoáng nhìn như tia chớp, Nụ đã kịp thấy bàn tay trái của anh có sáu ngón. Ngón thứ sáu nhỏ như hạt đỗ… Mùi mồ hôi dầu rất đậm. Chắc đã có vợ rồi và chắc cũng mới gặp vợ thì phải? Người ta thật nhẹ nhàng âu yếm, cứ như hái hoa, chứ không hùng hục làm cho xong việc, rồi bỏ mặc, nằm lăn ra, há hốc mồm mà ngáy. Đời Nụ, chưa bao giờ có một cuộc tình vừa tội lỗi lại vừa sung sướng, mãn nguyện như thế này. Đúng là chữ trinh cũng có hàng ba, bảy đường. Sự sung sướng tột cùng, trong nỗi sợ hãi rưng rưng, đã làm cho Nụ thấy mình như bước sang một quãng đời khác lạ. Cô muốn hát lên, cười vang lên cho thoả, mà không dám. Sự kìm nén, nhẫn nhục là đức tính trời ban cho đàn bà.
Khi nghe tiếng Hộ đóng cửa đánh “rầm” một cái, Nụ mới giật mình, giấu vội chiếc đồng hồ. Đêm ấy, Hộ ngồi uống rượu một mình và say bí tỉ, rồi ngủ lăn lóc cả ngày hôm sau. Và cũng từ đêm ấy, Hộ dọn ra nằm giường cá nhân ở phòng ngoài. Hai vợ chồng không bao giờ đi lại với nhau nữa…
Thỉnh thoảng, Nụ lại nắm nắn ngón tay cái thằng cu, xem có bị chồi lên hay không. Đến tuổi trưởng thành, thì mùi mồ hôi dầu của Thuận càng đậm. Có con là có phúc, nhưng không phải nòi giống nhà chồng, Nụ cảm thấy bẽ bàng. Có con, lẽ ra, vợ chồng càng phải mặn nồng hơn, ai ngờ lại mất chồng trong nhà thế này. Nhưng Nụ không dám hé răng, Hộ còn biết để nước mắt chảy vào trong nữa là…
*
Một tờ gia phả đánh chữ vi tính, kiểu chữ VnTime, cỡ chữ mười bốn, trên giấy Bãi Bằng.
Gia phả: Thuận yêu cô con gái rượu nhà ông Chiến từ lúc nào không hay. Nhưng gia đình ông Chiến lại chuyển vào miền Nam sinh sống.
Từ khi bị bọn côn đồ gây hoạ, ông Chiến điếc hẳn. Tiếng búa máy đóng cọc mố cầu phía bến xe, ông cũng không nghe thấy. Tiếng máy ủi gầm rú san lấp cánh đồng cuối phố để làm khu công nghiệp, ông cũng không hay. Nói chuyện với ông, cứ phải ra hiệu, như thuỷ thủ đánh moóc trên tàu. Ông xem ti-vi bằng mắt, nhưng nghe ti-vi bằng răng… Khi bà Nụ đến nhà, thấy ông đang cắn răng vào một đầu cây trúc, bé bằng cái đũa, còn đầu kia cắm vào góc ti-vi. Những lúc vắng khách, ông thường “câu” ti-vi như vậy.
Bà Nụ lúng túng mãi mới lấy ra được cái đồng hồ Sla-va mạ vàng, đưa cho ông Chiến lau dầu. Vừa nhác nhìn thấy chiếc đồng hồ, ông Chiến đã tái người và lập cập lật lên, nhìn thấy biểu tượng khi xưa khắc trên nắp, thì ông đờ đẫn cả người.
Cả hai im lặng hồi lâu. Chợt ông vỗ vỗ lên trán, đi lấy tập giấy trắng và cái bút bi Bến Nghé. Ông ra hiệu bút đàm. Ông viết:
– Vẫn chạy tốt chứ, bà ?
Rồi ông đẩy tập giấy và cái bút cho bà Nụ. Bà thấy ngồ ngộ, thưở học trò mới nghịch thế này. Bà bật cười và khẽ thở dài, viết câu trả lời:
– Chết từ lâu rồi, ông ạ.
Cứ thế, hai người lần lượt viết cho nhau.
– Bà để lại cho tôi, nhá.
– Vật kỷ niệm, dù có đắng cay cũng không mua bán được đâu.
– Lòng tốt cũng có khi vô tình nên tội.
– Thôi, không nói chuyện đồng hồ nữa. Có chuyện này, muốn hỏi ý ông: thằng cháu Thuận với cháu gái bên này, có ý với nhau…
Ông Chiến đọc câu này, trợn mắt lên nhìn bà Nụ, luýnh quýnh thế nào, gạt rơi cả cái đồng hồ xuống nền gạch hoa. Hai người cùng cúi xuống nhặt, vô tình cầm phải tay nhau. Bà Nụ vội nắn nắn vào ngón tay cái bàn tay trái của ông Chiến, thấy có mẩu xương cứng chồi lên. Bất giác, cả hai cùng nảy lên như bị điện giật. Mùi mồ hôi dầu của ông Chiến làm cho gương mặt bà Nụ ửng hồng trong tuổi hồi xuân.
Mấy hôm sau, hàng phố tiễn gia đình ông Chiến đi Nam. Ông bảo, bạn chiến đấu cũ mời vào để cùng làm ăn. Vả lại, hồi ở chiến trường, anh em đã hứa gả con cái cho nhau, để vẹn tình đồng đội. Nên đi một chuyến cuối đời, mà tiện cả đôi đường.
Tác giả: Vũ Xuân Tửu – Thực hiện: Vân Anh