Bài nổi bật

Bốn Nữ Ký Giả – Nguyễn Thị Diệp Mai

Tôi Trần Hòa An, được cấp trên cử về tòa soạn. Quyết định bổ nhiệm được thông báo trước chắc các bạn đã biết. – An dừng lại một chút nhìn năm mươi sáu nhân viên tòa soạn đang ngồi im dọc hai dãy ghế. Cách xưng hô “bạn” lạ tai hơn tiếng “đồng chí” dùng thường ngày nên họ nhìn An với vẻ dò xét.- Tất cả mọi người ở đây là người làm báo, vậy xin mạn phép xưng hô là bạn đồng nghiệp. Kể từ hôm nay, tôi chính thức là người chịu trách nhiệm cao nhất ở đây.
Nhiều tiếng xầm xì nổi lên. Một nửa số đôi mắt liếc về phía An đầy lo lắng. Sếp mới, dĩ nhiên bộ sậu mới. Chắc lẻm rồi. Ai phải cuốn gói ra đi, ai được xếp cất nhắc sẽ được biết rất nhanh thôi. Bây giờ vịn vào cớ cần tinh giảm biên chế, cần chuẩn hóa bằng cấp, việc cho một nhân viên nghỉ việc chỉ đơn giản chỉ bằng một chữ ký. An giơ tay ra hiệu mọi người im lặng tiếp tục nói:
– Các bạn chắc đã biết tôi phụ trách mảng thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo tỉnh, nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên lâu năm của tòa soạn.
– Nữ ký giả chuyên viết chính luận.
Người phụ nữ dáng người cao lớn, mày rậm, cắt tóc đuỗi, mặc nguyên bộ đồ jean nói lớn như đang phân loại bài viết. Một chị mặc áo sơ mi xanh mực, tóc búi cao, tiếp luôn:
– Làm tuyên giáo chỉ viết được loại này thôi, cán bộ đường lối mà.
Câu nói của chị ta nửa cạnh khoé, nửa bất cần. Phòng họp vang lên nhiều tiếng cười. Có tiếng đàn ông châm chọc:
– Chị Triệu Thanh từng làm tuyên giáo, quá biết rồi phải không ?
– Đúng. Đó là sở trường của tôi. – An điềm nhiên. Tiếng cười im hẳn. An không cười, đưa mắt nhìn khắp lượt hội trường. – Người cầm viết ai cũng có một sở trường. Tôi muốn thông báo chính thức môït việc: sẽ không có bất kỳ thay đổi nhân sự nào. Mong mọi người làm tốt phần việc của mình là được. – Một loạt người đứng bật dậy vỗ tay reo hò. Đợi họ lắng xuống An tiếp – Từ nay tòa soạn thay đổi cách làm việc. Trừ bộ phận hành chính, còn lại lấy hiệu quả công việc làm thước đo, không chấm giờ hành chính. Phòng hành chính quản trị trình tôi dự thảo qui chế mới của tòa soạn vào tuần sau. Giờ mời tất cả trở về làm việc !
Cuộc họp giải tán. Năm mươi con người đứng lên tiếng bàn luận, tiếng cười tiếng nói rộ lên như ong vỡ ổ. An phải cúi xuống mi-crô nói lớn:
– Trừ trưởng phòng hành chính, trưởng ban chính sách xã hội đi công tác, còn các trưởng ban khác lên phòng gặp tôi.
An về phòng của mình, ngồi vào bàn làm việc. Hồ sơ chất đống trên mặt bàn. Cô đẩy chúng sang bên, cầm tập lý lịch trích ngang của nhân viên tòa soạn xem tiếp. Có tiếng gõ cửa phòng. An mời vào. Đi đầu là một phụ nữ ngoài bốn mươi, cao lớn dềnh dàng như vận động viên điền kinh. Tóc bớ ngược ra sau, áo sơ mi xanh mực, quần âu, đóng “thùng” nghiêm chỉnh. Chị ta chính là người nói câu cạnh khóe lúc nãy. Tiếp theo sau là một cô gái dong dỏng cao, da trắng hồng, mắt đeo kính cận gọng vàng. Gương mặt xinh như tranh tố nữ với đôi mắt lấp lánh thông minh. Hai người này đến cùng một bên, kéo ghế ngồi xuống.
Sau cùng là người phụ nữ cắt tóc đuỗi, một mình kéo ghế ngồi bên này bàn. Vừa ngồi xuống, đặt như ném cái ví da hiệu Italia lên bàn, giọng nói trong cao vút cất lên từ chiếc miệng xinh xắn, đỏ màu son De’Bon 320:
– Trương Bạch Kim, trưởng ban tin tức thời sự. Tốt nghiệp Đại học Havart khoa báo chí. Từ Thời báo Kinh Tế chuyển về tòa soạn này đã năm năm.
An gật đầu, đưa mắt nhìn sang cô gái đeo kính cận.
– Tống Gia Gia, người Việt gốc Hoa. Phó ban kinh tế thương mại. Trưởng ban vừa xin nghỉ hưu tháng trước, nay tôi kiêm nhiệm vẫn lãnh lương phó ban. An đưa tay ra hiệu cho cô ta ngưng. An đã nghiên cứu khá kỷ lý lịch của các vị đang ngồi ở ghế chủ chốt của tòa soạn. Chị Bạch Kim này tên thật là Liễu Kim. Khi bắt đầu làm báo, chị ta liền vứt luôn chữ Liễu thế vào chữ Bạch. Tên đúng như phong cách người. Tiếng Khmer, tiếng Anh thạo như tiếng mẹ đẻ. Tốt nghiệp về nước làm ở tờ báo danh tiếng, nhà cao cửa rộng ở thủ đô không ở, bỗng nhiên xin về cái tỉnh giáp biên phức tạp này năm năm nay. Chị ta được bạn bè đặt cho biệt danh “Nữ quái phóng sự”. Cô gái kính cận kia trông yếu đuối vậy chứ không phải là người dễ “nuốt”. Tốt nghiệp đại học ngoại thương và báo chí. Tiếng Anh và Hoa nói như gió. Bài viết của cô về kinh tế chính xác đến từng tên gọi tiểu mục thuế. Chị phụ nữ búi tóc tên Triệu Thanh, trước từng là cán bộ lãnh đạo một cơ quan lớn. Cha là người có công lớn đối với tỉnh này. Mỏi mệt với những cuộc tình tẻ nhạt, đột nhiên chị yêu mê mệt một anh chàng họa sĩ đã có vợ ba con. Chấp nhận kỷ luật chuyển cơ quan, chấp nhận mỗi tháng chi nửa tháng lương cho người vợ lớn nuôi dưỡng ba đứa nhỏ, chị có được anh chàng hoạ sĩ. Giờ họ có một con trai. Ngoài công việc, chị cúc cung tận tuỵ làm người vợ tốt, người mẹ hiền. Chị ta có khả năng viết rất tốt về các bài tuyên truyền chính sách, đường lối, loại bài gương sáng. Chị có thể nói, cười, khóc bất lúc nào, với bất kỳ ai. Nếu ai tinh ý sẽ thấy được ánh mắt ráo hoảnh không chút cảm xúc. Cả tòa soạn ai cũng e ngại tính thâm trầm của chị ta. Không ai dám làm bạn thân trừ Gia Gia. Về làm tòa soạn gần chục năm nay mà cố mãi chỉ mới lên được trưởng ban.
Kim rất tự nhiên rút một điếu thuốc, bật lửa châm hút. Những vòng khói tròn tròn vương vít ở đôi mày đen đậm như mực tàu. An quay sang Kim lạnh ngắt, bảo:
– Tôi có hai yêu cầu, chị phải chọn. Một, ra khỏi phòng hút thuốc xong trở vào làm việc. Hai, tắt ngay điếu thuốc kia đi.
– Ở đây không để bản cấm hút thuốc. – Bạch Kim thản nhiên thả khói. Dắt chéo chân đưa đôi giầy “khủng bố” lên.
– Đây là phòng của tôi. Tôi có quyền yêu cầu.
Kim lờ đi như không nghe, buông một câu tiếng Anh giòn như đập đá:
– I will knock-out you !
Mắt An long lên phát ra một thứ uy lực khiến người khác phải khiêng nể. Cô đáp lại một câu chuẩn không kém:
– I want you say: Yes, madam !
Gia Gia che miệng cười thích thú. Thanh nhếch miệng cười đắc ý. Từ trước đến giờ chưa ai dám thẳng cánh độp lại Bạch Kim như vậy. Kim hơi sửng sốt trước người phụ nữ mới hơn ba mươi, làm việc ở một cơ quan Đảng tỉnh lẻ lại có thể siêu tiếng Anh như vậy. Kim nhún vai: “OK, sếp”. Dụi điếu thuốc vào đế giày, Kim búng vèo điếu thuốc vào sọt đựng giấy. Thanh liếc xéo Kim, trong bụng rủa thầm: “Đồ thứ giả cầy nhát chết !”.
An bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bắt đầu bàn kế hoạch làm việc tháng này với ba vị chóp bu. Cô yêu cầu họ từ nay phải tự mình chịu trách nhiệm mảng thông tin mình phụ trách. Tất cả các bài viết của phóng viên dưới quyền phải được các trưởng ban biên tập phê duyệt trước khi trình tổng biên tập. Giờ đọc, biên tập, duyệt bài sẽ được tính vào khoảng tiền làm ngoài giờ. Một số chế độ chính sách về công tác phí, định mức nhuận bút sẽ được nâng lên. Ba người lúc đầu có vẻ lơ đễnh, sau như bị hút vào từng chi tiết An đang trình bày. Một cuộc cải cách qui trình làm việc của tòa soạn được ra một cách hoàn chỉnh, khác hẳn cách thức xưa nay.
Khi An được gọi lên phòng phó bí thư tỉnh để nhận quyết định chuyển về tòa soạn. Việc này chỉ cần ban tổ chức trao là được nhưng ông muốn đích thân gặp An. An ngồi im nghe ông dặn dò về nơi cơ quan ngôn luận đó cần phải như thế nào. An biết ông lo cô nhỏ tuổi, kinh nghiệm chưa có khó đảm đương được công việc mới. Tòa soạn đó nổi tiếng là toàn những người có sừng có mỏ, nói chính trị không cần học nghị quyết. Xong, ông hỏi:
– Vậy con muốn chú giúp gì không ?
Ông vẫn quen gọi vậy. Cha mẹ sanh An trong căn cứ của R. Từ hồi An bé tí tị, mỗi lần ông đi công tác về là ẳm cô tung lên trời, cười: “Con ơi, con à !” Riết thành quen. An đặt lên bàn bản kiến nghị và đề án do cô nghiên cứu suốt từ khi có thông báo về tòa soạn để viết ra. An khẽ cười:
– Con sẽ nói ngắn gọn để đỡ mất thời gian của chú. Xin cho tòa soạn sử dụng ba mươi phần trăm từ nguồn thu quảng cáo để tăng thêm một số chế độ, chính sách. – Phó bí thư cầm sấp tài liệu lên xem. An tiếp – Chú Hai đừng lo. Con đã nghiên cứu rất kỷ, không có gì phạm luật cả. Viết báo không thể tính giá trị bằng cách đếm chữ được. Đề án cải cách này thì nhất định chú phải ủng hộ con.
– Bạo tay quá không con ? – Ông có vẻ lưỡng lự.
An nhìn thẳng ông:
– Các chú giao cho con đẩy cổ xe của tòa soạn chạy, thì phải cho con điểm tựa để lấy sức bật chứ.
An nhận được ý kiến thống nhất của Tỉnh ủy về kiến nghị và đề án trước khi về nhận công tác mới.
An phát cho ba cộng sự mỗi người một bản đề án cải cách qui trình thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ. Xem xong Thanh lên tiếng hỏi:
– Tôi nghĩ đồng chí đã nghiên cứu rất kỷ mọi hoạt động của tòa soạn rồi phải không? Vậy đề án này không có gì phải bàn nữa. Nhưng thay đổi cả một cơ cấu tổ chức, tôi yêu cầu phải thông qua chi bộ. Chi bộ thống nhất có ý kiến chỉ đạo lúc đó triển khai thực hiện cũng chưa muộn.
– Đây là chuyện nghiệp vụ chuyên môn không liên quan gì đến hoạt động của chi bộ đảng. – An kiên nhẫn giải thích. – Tôi sẽ báo cáo chi bộ việc này vào cuộc họp gần nhất.
Thanh mím môi không nói thêm gì. Kim ném sấp giấy lên bàn:
– Tôi cho rằng từ giấy đến công việc thật không giống nhau. Cô khó thực hiện được lắm.
An mỉm cười, không một chút tức giận:
– Vì vậy tôi mới cần sự cộng tác của các chị. Tôi biết ba chị đều là ký giả chuyên nghiệp, yêu nghề, thích viết. Tôi cũng vậy. Nếu mọi người thấy đề án này tốt thì bắt tay cùng thực hiện.
An chìa tay ra. Thanh đứng lên đập tay mình vào tay An. Kim không nói gì thêm, nhún vai đứng lên chập tay vào. Gia Gia nãy giờ mới lên tiếng:
– Thu nhập tăng gấp đôi. Xứng công vừa sức. Không dại gì phản đối.
– Vậy mọi người về làm việc đi ! – An nhìn vào bốn bàn tay đang chồng lên nhau, rành rẽ từng câu – Không tin vịt. Không bài đẻ ra bài. Không phóng sự bàn giấy. Không doanh nghiệp ma. Lập tức nhập liệu tất cả thông tin tồn đọng.
Kim nheo mắt có vẻ thích thú, hất mặt:
– OK, sếp.
Thanh cười rất tươi mừng cho tòa soạn từ nay đã có hướng để khởi sắc. Ba người kia mãi xiết chặt tay nhau không thấy được tia sắc lạnh trong mắt Thanh lóe lên như tia chớp: “Già đời, cứng cựa như lão sếp trước còn bị đạp xuống. Để chống mắt coi con ranh mới nứt mắt này trụ lại được bao lâu”. Trên gương mặt tươi cười rạng rỡ, ánh mắt ấy tắt nhanh như khi xuất hiện.
An nhìn khung chỉ ngày giờ trên màn máy tính. Hôm nay đúng ba năm ngày cô về tòa soạn. Vất vả khỏi phải nói. Tòa soạn giờ đâu vào nếp nấy. Tờ báo ngày càng được nhiều người hoan nghênh. Số lượng phát hành tăng gấp đôi, bán được cả ra ngoài tỉnh. An đang lập một kế hoạch xin thử nghiệm xuất bản phụ trang nhưng chưa được duyệt. Tiếng gót giầy nện cồm cộm phía ngoài. An biết Kim lên phòng mình. Chắc là đang nổi cơn tam bành vì bài phóng sự bị cắt thành một mẩu tin. Mới từ Kampốt về mà đã tới thẳng đây. An quay quay lại bàn chờ. Sau tiếng gõ cửa cồng cộc, không đợi mời vào, Kim đã đến trước mặt An, vứt xoẹt tờ báo lên bàn:
– Tại sao ? – Ngồi đi. – Kim đá ghế ngang ngồi xuống. An cầm tờ báo, chậm rãi – Bài hay, thông tin chính xác nhưng không đăng được. Khâu công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa là phần nhạy cảm nhất trong chính sách của tỉnh. Cá nhân tiêu cực có, biển thủ tiền quỹ có. Nhưng đánh vào đó mạnh như vậy sẽ làm người dân mất lòng tin.
– Báo mà không dám nói thật. Cầm viết làm gì ? Sợ mất chức hả ?
– Chị thấy em giống vậy sao ? – An xuống nước. – Xin lỗi chị, chỗ này không được ! Em chỉ vì chuyện chung mà làm vậy.
– Đồ… ! – Kim kềm lại được.
– Đồ cộng sản chứ gì ? – An cười. – Em là cộng sản đỏ từ gót chân đến đỉnh đầu ruồi ai mà không biết.
Kim phì cười. Cơn giận xẹp xuống nhanh như lúc trào lên. An công khai ủng hộ những bài viết thông tin chính xác, đưa ra vụ việc với mục đích phê bình để sửa chữa. Kim biết vì một số bài phóng sự của mình mà An đã không ít lần bị Tỉnh ủy gọi vào để giải trình, phê bình lên xuống như vê lúa. Ở tòa soạn mệt không kém. Một số đảng viên có trình độ lý luận cao bao giờ cũng khó thuyết phục hơn người khác. Những đảng viên có thâm niên nghề nghiệp lâu như Triệu Thanh lại càng khó gấp bội. An một mình nhận tất cả trách nhiệm, không một lời trách móc lại người dưới quyền.
Gia Gia và Thanh hé cửa bước vào. Thanh đi sau cẩn thận đóng cửa lại. Thấy hai người cười, Gia Gia đặt cái túi lên bàn:
– Tưởng đâu không được ăn sầu riêng Kampốt và xoài xanh Thái Lan rồi chứ. – Cô tinh nghịch giơ đồng hồ lên. – Hết giờ làm việc, thưa sếp. Chia lãi cho cổ đông được chưa ?
An mỉm cười, đẩy ghế bước ra bàn ngồi với ba người.
Thanh cười vã lã với Kim:
– Bài phóng sự công phu vậy thế nào cũng gây được tiếng vang lớn. Vậy mà phải cắt bỏ, còn mỗi cái tin chóp. Tiếc quá trời !
Kim nhún vai, liếc An cười trêu:
– Ý sếp là ý trời. Sếp nói đúng, em cũng thấy đúng. Viết lại đề tài khác, có gì đâu mà tiếc.
Sau mấy tháng làm việc chung, tự nhiên bốn người kết lại với nhau thành bạn thân. Tình bạn của họ rất thật. Thứ tình đó có được bởi sự nể trọng lẫn nhau chứ không hề liên quan vì đến việc vụ lợi trong công việc. An thích ăn xoài xanh. Cô lấy cây dao trong ống để gọt xoài. Mấy trái xoài xanh dài đuỗn hơn một gang, chỉ lớn chừng ba ngón tay, héo quắt, nhăn nhúm hết. Có lẽ Kim mua cách đây đã mấy ngày rồi. Nhìn An cứ lựa đi lựa lại mấy trái xoài héo. Kim cầm một trái lên ngắm nghía rồi bật cười:
– Nhìn trái xoài tao thấy giống quá tụi mày. – Ba người kia ngước nhìn xem Kim định nói gì. – Tao nhớ câu của Phạm Thị Hoài: “Trí thức Việt Nam như một cái dương vật buồn thiu”.
Kim và Thanh phá lên cười khanh khách.
– Chị nói bậy quá đi ! – Gia Gia kêu ầm lên. – Cắt lưỡi chị !
– Mụ ấy nói, tao không có nói.
An thản nhiên lấy trái xoài trong tay Kim, đưa dao lên gọt. Cô chậm rãi:
– Sao chị không nói hết ý. “Phải nhúng qua ba lần dung dịch văn hoá mới cứng lên được”. Bà ta hết thuốc chữa rồi. Chỉ toàn nói xấu đất mẹ đẻ ra mình. Bà ấy quên mình chui ra từ đất mẹ, mang đầy đủ những xấu tốt mẹ ban cho.
– Oao ! Chị cũng đọc những thứ đó nữa sao ?
Gia Gia tròn xoe mắt nhìn An. An gật đầu:
– Không đọc sao biết người ta viết gì, nói gì mà so sánh, mà nói. Trên mạng thiếu gì. “Thiên đường mù”, “Thiên thần”, “Mari Sến”, “Mặt trời đen”… bao la luôn. Nhưng em đừng lo, chị không giống bà ta đâu. Chị từ mẹ đất chui ra. Biết hưởng cái tốt của mẹ. Hiểu cái xấu của mẹ để sửa đổi thành cái tốt hơn cho mình và cho người khác. Không nên bội bạc hột cơm nuôi mình lớn.
– Thôi, miễn tranh luận chính kiến cá nhân. – Thanh giơ tay lên. – Kim đi Kampốt có thu hoạch gì không ?
– Được cả việc chung và riêng. Một phóng sự ba kỳ: “Trôi nổi sầu riêng”. Chuyện riêng là có chút tin tức của người đó.
Kim chỉ bật mí cho mọi người là mình bỏ tất cả về xứ giáp biên này cốt để tìm một người. Chỉ thế thôi, không cho biết người ấy thế nào, có mối quan hệ gì với mình. Kim nhìn hàm răng trắng như ngọc trai của Gia Gia cắn múi sầu riêng vàng óng mà phát thèm. Kim hỏi:
– Chuyện thằng cha chủ xưởng tàu của mày sao rồi ?
Gia Gia chợt sầm mặt như cắn phải lưỡi. An đưa mắt ra hiệu cho Kim đừng hỏi nữa. Tháng trước, vào một đêm mưa như xé lá, Gia Gia lạnh đến xanh móp méo lê từng bước đến nhà An. Ba má đã đi ngủ. An lôi tuột Gia Gia vào phòng, cởi bỏ bộ quần áo ướt sủng, lấy mền lông quấn lên. Gia Gia gục vào lòng cô khóc mãi, khóc mãi đến lịm đi. An nằm ôm chặt giữ cho Gia Gia ngủ yên.
Đến gần sáng, Gia Gia tỉnh giấc bắt đầu kể lể chuyện của mình. Gia Gia yêu một ông chủ doanh nghiệp tài năng, tuổi gấp đôi cô. Ông ta không hào hoa, phong nhã, không mồi chài dụ dỗ. Rất đứng đắn. Rất đàn ông. Gia Gia đã có một loạt bài viết về công ty của ông ta. Không hiểu sao cô lại yêu ông ta mà thẳng tay gạt bỏ hết những chàng trai quay xung quanh như đèn kéo quân. Ông ta đã có vợ con đàng hoàng. Gia Gia không dám nói năng gì cả. Đêm nay, cô hẹn ông cùng đi uống cà phê. Lấy hết can đảm Gia Gia thú nhận mình yêu ông. Yêu không đòi hỏi ông bất kỳ trách nhiệm gì đối với cô cả. Người đàn ông im lặng rất lâu. Ngoài trời mưa sầm sập đổ. Cuối cùng ông ta trả lời không chấp nhận tình yêu của cô. Ông không thể làm hại cô, cũng không muốn làm tổn thương người vợ đã bạc tóc cùng ông. Gia Gia nhìn thấy trong mắt ông ta một sự kìm nén đến gần như vỡ tung lồng ngực. Ông quay người bỏ đi. Cô đuổi theo ông. Ôm xiết lấy ông. Cô ghì hôn ông cuồng nhiệt như thứ tình cảm trong lòng cô đang trào dâng. Ông đã hôn lại cô. Rồi dưới ánh sáng nhạt nhoà của ngọn đèn cao áp bị lấp trong mưa, mặt ông rắn đanh: “Không”. Tay cô rời rã buông ông ra. Gia Gia quay đầu bỏ chạy. Cô chạy mãi, chạy mãi dù không biết chạy về đâu. Bước chân không chủ định tự đưa cô đến trước nhà của An. Từ sau hôm đó, Gia Gia ít cười nói hẳn. Cô không một lần nhắc đến người đàn ông đó, cũng không muốn nghe ai nhắc đến.
Kim biết mình lỡ lời, đẩy múi sầu riêng vừa tách về phía Gia Gia:
– Chị xin lỗi ! Bỏ qua đi !
Thanh bỏ cái hột sầu riêng vừa ăn hết thịt xuống, chỉ vào cái hột bảo:
– Gia Gia nè, em cứ xem tình yêu đó như hột sầu riêng này đi. Ăn hết phần thịt ngon ngọt, béo thơm bên ngoài rồi, cái hột bên trong chát đắng lắm. Không ăn được nữa đâu.
An gom mấy hột sầu riêng lại:
– Đừng bỏ uổng. Chịu khó tốn củi lửa, luộc lên ăn cũng ngon lắm.
Gia Gia cười sặc cả sầu riêng. Dưới đường thấp thoáng một người đàn ông với chiếc Wave Anpha màu xanh dương. An biết Thái đã đến đón cô đi ăn mừng ba năm ngày nhận việc mới. Gia Gia bỉu môi bảo An:
– Chị đi mà luộc hột sầu riêng của chị. Chưa thấy ai trung thành như vậy. Mười mấy năm rồi luộc mãi không chín.
An đứng dậy phủi tay, cầm túi xách bước ra cửa. An chợt quay lại:
– Ai không chồng con thì theo tôi đi ăn mừng ba năm về làm ký giả chuyên nghiệp.
Kim và Gia Gia đứng bật dậy vớ lấy xách tay: “Dzé !” Ba người kéo đi, bỏ mình Thanh thu dọn đống vỏ hạt ngổn ngang. Thanh đợi ba người ra khỏi cửa, bấm điện thoại gọi tạp vụ lên dọn dẹp. Chợt nhìn thấy tấm ảnh bốn người chụp chung. Tấm ảnh được An lồng trong khung rất đẹp đặt trên bàn. Thanh cầm lên ngắm nghía. Kim ôm cổ An cười hết cở thợ mộc. Đặt bộp khung ảnh xuống bàn, chỉ vào hình hai người, Thanh nhếch cười: “Cười đi ! Xem cười được bao lâu ”.
Kim nhảy chân sáo vào phòng của An. Vừa đóng cửa lại Kim phải hạ ngọn ngay vì gương mặt tối sầm như sắp bão của An. Bốn năm qua, Kim chưa bao giờ thấy An giận đến vậy. Kim nhẹ tay kéo ghế, ngồi xuống chờ. An không nói năng gì, kéo hộc tủ lấy ra mấy tờ giấy đẩy đến trước mặt Kim. Một biên bản có đại diện chính quyền Việt Nam lập tại Kampốt. Một biên bản cuộc họp lấy ý kiến về việc Kim vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Biên bản đề nghị hình thức kỷ luật Kim là đuổi việc và người lãnh đạo trực tiếp phải bị kiểm điểm nghiêm khắc. Người ký tên đề nghị là Triệu Thanh. Một công văn yêu cầu An ba ngày sau phải lên giải trình trực tiếp với cấp trên. Kim đọc lướt qua, cười khẩy:
– Nhanh vậy. Đồ rắn độc !
– Thôi đi ! Chuyện gì đây Kim ? Em tin tưởng chị và Thanh như vậy sao hai người lại làm ra nông nổi này ?
– Chị mày bỏ đoàn đi ngủ với trai được chưa ? – Kim vò nát sấp giấy ném vào sọt. – Xin lỗi đã làm ảnh hưởng đến em !
– Nói đi !
An gần như quát. Kim ngồi xuống ghế định rút thuốc châm hút, nghĩ sao lại nén điếu thuốc vào sọt rác. Tuần trước Kim và Thanh được phân công theo đoàn lãnh đạo của tỉnh sang Kampốt ký kết một số thỏa thuận để phát triển thương mại hai tỉnh theo sự ủy quyền của chính phủ. Tình cờ Kim gặp lại người đàn ông mà mình cất công tìm kiếm suốt mười mấy năm nay. Từ nhỏ Kim theo ba má qua Nam Vang làm ăn. Kim và người ấy cùng lớn lên bên nhau. Cùng yêu thương, hò hẹn đính ước. Năm Kim hai mươi tuổi, Khmer Đỏ lên nắm quyền, ra lệnh tàn sát tất cả những Việt kiều đang sống ở đây. Người đàn ông đã giúp gia đình Kim chạy khỏi Nam Vang. Gia đình Kim chạy về tỉnh giáp biên này để sinh sống. Từ đó bặt tin nhau. Dù bốn mươi rồi, cay đắng ngọt bùi đã đủ, đàn ông Tây, đàn ông Ta chán chê nhưng Kim không thể nào quên được mối tình đầu. Chỉ có người đàn ông đó là người cô yêu suốt đời. Vì tìm kiếm người ta mà cô quay lại Việt Nam làm việc. Từ bỏ tất cả đô thị phồn hoa về đây cũng chỉ với hy vọng này. Kim đã tìm được. Người ấy giờ là viên chức cao cấp của chính phủ Campuchia. Tình yêu của họ vẫn còn nguyên vẹn như thời hoa mộng. Hai người đã hẹn hò nhau, bí mật rời đoàn đến khu nhà riêng của người ấy thỏa bao năm xa cách. Kim vui quá đã kể hết cho Thanh nghe. Giờ chuyện đã đổ bể từ đơn tố giác của Thanh. Lãnh đạo tỉnh phải lên tiếng. An dịu lại, thương hại:
– Sao chị không nói sớm cho em nghe ?
– Nói cái gì ? Anh ấy chết vợ, chị bỏ chồng lâu rồi. Trai trên gái dưới có cần phân biệt quốc tịch không ? – Kim gằn giọng như sắp đánh nhau.
– Không. Nhưng chị đang là phóng viên theo đoàn đi làm việc. Chuyện nào cũng phải có nguyên tắc giới hạn. Chị là người Việt Nam, chuẩn mực đạo đức không cho phép làm vậy. Huống hồ chi chị là ký giả đại diện cho tỉnh để làm công tác thông tin tuyên truyền.
– Chị không cãi với em nữa. – Kim giơ tay lên trời. – Gần hai chục năm rồi. Đêm nào chị cũng mơ thấy anh ấy. Ngủ với người đàn ông nào chị cũng nghĩ đến anh ấy. Xin lỗi, chỉ vì thoả mãn tình cảm riêng của mình chị đã hại em !
An không nói gì nữa. Kim cũng im lặng cầm túi xách đi ra khỏi phòng. Tiếng đế giầy nện xuống nền nhà nặng nề khác hẳn lúc vào.
Sáng hôm sau Kim cầm tờ đơn xin thôi việc lên gặp An. An ngồi lặng hồi lâu. Mặt cô rắn lại, cương quyết:
– Không cần phải như vầy. Để em giàn xếp cho chị.
Kim bật lửa đốt thuốc, rít một hơi dài. An không nói gì. Những sợi khói tròn tròn bay là đà lên lên chỗ quạt hút gió. Kim lật đế giầy dụi tắt, ném điếu thuốc vào sọt:
– Thôi bỏ đi An. Không làm tòa soạn, chị sẽ làm ký giả tự do. – Kim cười buồn. – Mệt mỏi rồi. Xong việc này, chị sang Kampốt tìm anh ấy. Bọn chị sẽ kết hôn, nối lại khúc chỉ hồng đã bị đứt. Chúc mừng chị đi !
– Chị sinh ra để làm ký giả. Đừng bỏ nghề !
– Ừ. Chị sẽ gởi bài cộng tác. Đừng có đổi thể loại bài của chị nghe.
An cười, mắt ướt rượt. Kim quảy túi xách lên vai, đi ra cửa. Dáng đi như thỏi kim loại xuyên vào không khí của Kim thật cô độc. An nói với theo:
– Em mong chị mãi là bạch kim. Đừng rỉ sét nghe !
Kim quay lại hất mái tóc bờn xờm, đưa hai ngón tay lên gật chào:
– OK, sếp. – Hai ngón tay đó chỉ xuống đường – Già rồi, đừng có mà cao giá. Làm khổ Thái vừa thôi, mất rồi hối không kịp.
An cố không để rơi nước mắt:
– Đám cưới em sẽ mời anh chị về dự.
Kim đi thật.
An làm đơn xin chuyển công tác khác. Không được chấp thuận, tiếp tục ở lại tòa soạn.
Thanh không còn lên phòng An nói chuyện riêng nữa. Họ cũng không còn chuyện riêng gì để nói với nhau.
Gia Gia làm đơn xin đi học hàm thụ ở Úc. Đơn được chấp thuận. Chỉ một tuần là phỏng vấn, Gia Gia bay luôn. Đi một tháng, Gia Gia gởi email cho An một bài viết về cuộc sống của các chủ thuyền đánh cá người Việt ở Úc. Cuối bài Gia Gia thêm một câu: “Em nhớ cái mặt cộc như dấu chấm của chị !”. An phì cười, gởi thư trả lời: “Ảnh ?” Chắc chắn ngày mai cô sẽ nhận được ảnh minh họa cho bài báo. Trong nghề nghiệp Gia Gia cẩn thận đến từng dấu phẩy.
An tắt điện, đứng lên cầm túi xách ra khỏi phòng. Người đàn ông của cô đang đợi dưới sân./.

Rạch Giá, ngày 9-6-2003
Tác giả: Nguyễn Thị Diệp Mai – Diễn Đọc: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *