Bài nổi bật

Bức Chân Dung Tình Yêu – Thiên Sơn

Truyện đêm khuya – Giang bị tật nguyền từ lúc mới sinh ra. Không hiểu sao từ khi gần một tuổi chân trái của Giang phát triển chậm dần. Mãi năm bốn tuổi Giang mới biết đứng.
Thiên Sơn
Nhưng không bao giờ Giang đứng được bằng hai chân của mình. Giang tập dùng nạng gỗ chống đi lúc năm tuổi. Cứ đêm đêm, mẹ nằm bên Giang thỉnh thoảng lại đưa tay sờ nắn chân trái của Giang. Mẹ thở dài. Có hôm mẹ khóc. Mẹ thốt lên từng lời nghẹn ngào:
– Tội nghiệp con tôi!
Đến bữa cơm, có miếng gì ngon cả nhà đều nhường cho Giang. Cô sống trong tình yêu thương đặc biệt của gia đình. Nhưng tình thương yêu ấy cũng đã khiến cô có mặc cảm.
Năm tám tuổi, Giang được mẹ đưa đến trường. Mẹ bế Giang bên hông, tay cầm chiếc nạng gỗ. Vào lớp, cô giáo nhìn Giang im lặng, buồn buồn. Lát sau cô mới đưa bàn tay vuốt nhẹ mái tóc đen mượt của Giang. Cô nói:
– Từ nay cô sẽ thay mẹ dạy con ở trường.
Giang hát hay, thường thuộc bài hát trước các bạn. Nhưng khi học múa, chơi trò đuổi bắt thì Giang không tài nào hoà nhập vào với cả lớp. Cô giáo thường để Giang ở cạnh, cùng hát và bắt nhịp cho mọi người. Song nỗi buồn vẫn không thể nào vơi được. Nỗi buồn ngày càng đè nặng lên tâm hồn thơ bé của Giang.
Từ năm Giang lên lớp một, mẹ không đến lớp đón Giang từng ngày như trước nữa. Học xong, Giang lại lóc cóc chống nạng gần một cây số về nhà. Giang học sáng dạ, luôn được cô giáo tuyên dương trước lớp. Nhưng niềm vui không ở lâu bền trong lòng Giang. Cứ ra khỏi lớp, bọn con trai lại đi lén từ phía sau giả bộ va vào làm cho Giang loạng choạng, có hôm ngã nhào xuống vệ đường. Có thằng lấy mấy ngón tay gõ vào đầu Giang. Có thằng còn giằng lấy chiếc nạng khỏi tay Giang và chuyền đi. Có thằng lại nói Giang là con què… Giang căm thù bọn con trai vì chúng đã hành hạ Giang từng ngày. Những lúc như thế Giang chỉ còn biết khóc. Còn bọn con trai thì cười toe toét như thể chúng vui sướng lắm.
Giang đòi bỏ học. Mẹ Giang rất buồn. Mẹ dỗ dành Giang. Mẹ tranh thủ từng chút thời gian để đưa Giang đến trường. Mẹ bảo:
– Con phải gắng học để có cái chữ. Không có chữ sống giữa đời cực khổ lắm con ạ.
Giang không nói gì, chỉ thấy tủi thân.
Từ ngày đó lòng Giang đã khác. Giang ít khóc mà thường ra mặt khinh bỉ bọn con trai. Chúng ngu đần vì không bao giờ hiểu được nỗi đau thầm lặng đè nặng lên tâm hồn kẻ khác. Giang có hai người bạn gái gần gũi là Ngân và Thanh. Ngân dáng người béo đậm hay đến rủ Giang đi học. Còn Thanh, dáng cao gầy không biết sợ con trai. Nhiều lần không chịu nổi việc chúng trêu chọc Giang, Thanh đã lăn xả vào đánh nhau với đám con trai.
Bây giờ Giang đã học hết lớp năm. Đã đọc được sách truyện. Đã đọc được thơ và viết thư cho Tài ngoài thị xã Long Khánh.
Từ hồi Tài đến ở cạnh nhà Giang, không hiểu sao Giang ngày càng dành nhiều thời gian để nghĩ đến Tài. Không có người bạn nào hiểu Giang sâu sắc như Tài. Không ai có thể khuyên Giang những lời dịu dàng mà làm cho Giang xúc động chân thành như đối với Tài. Mỗi lần từ thị xã về, Tài đều mua cho Giang một món quà nhỏ. Khi thì một tập truyện tranh, khi thì một tập thơ thiếu nhi, khi thì một gói kẹo… Và có lần Tài còn tặng Giang thuốc màu và bút vẽ… Lần ấy, cách đây sáu tháng. Giang nhớ rành rọt những gì diễn ra trong ngày hôm đó. Đưa cho Giang hộp thuốc đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng và những cây bút vẽ xinh xinh, Tài nói:
– Để Giang vẽ những gì em thích.
Giang đỡ lấy món quà. Lòng vui sướng. Ngay lúc ấy Giang đã nghĩ đến việc sẽ vẽ một bức chân dung của Tài.
Giang có năng khiếu vẽ từ rất sớm. Giang thích vẽ vì lúc buồn, vẽ sẽ làm cho Giang nhẹ lòng và bao ý nghĩ dồn nén bên trong, bao khát vọng thầm kín sẽ được hiện hình trên mặt giấy.
*
* *
Giang chống nạng đi sang nhà Tài. Đến sân, cô đứng lại và gọi:
– Anh Tài ơi!
Tài đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết, anh tươi cười mời Giang vào nhà.
– Anh đang đọc gì thế?
– Cuốn “Tội ác và trừng phạt”, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn vĩ đại Dostoevsky.
– Anh mới mua à? – Giang vừa hỏi vừa mân mê bìa sách.
– Anh mua mấy hôm trước…
– Khi nào anh đọc xong cho em mượn với nhé!
– Được thôi anh sẽ cho em mượn!
Tài nhìn Giang và mỉm cười. Giang ngồi trên chiếc ghế vuông nhỏ, giọng thân mật:
– Bây giờ anh kể cho em về nhà văn Dostoevsky được không?
Tài bắt đầu kể…
Khi Tài vừa ngừng lời thì Giang lại hỏi:
– Anh vừa nói rằng Dostoevsky bị ốm yếu, tù đày mà vẫn trở thành một nhà văn vĩ đại?
– Đúng như vậy đấy. Vì ông ấy đã vươn lên, biết vượt qua những đau khổ của riêng mình để thấu hiểu và nâng đỡ những tâm hồn đau khổ khác.
Giang nghe Tài nói những lời ấy một cách chăm chú. Trong thế giới của những cái thường ngày nhàm cũ, những lời ấy của Tài là cả một thứ thanh âm lạ lẫm và hấp dẫn, khắc sâu vào trong trí nhớ của Giang.
Lát sau, Giang rủ Tài:
– Tối anh sang nhà em chơi và kể chuyện ngoài thị xã nhé!
Nói xong Giang về ngay, Tài không giữ lại được.
Tài lại đọc sách. Nhưng anh bỗng thấy lòng dâng lên những ý nghĩ về Giang. Trong mắt Giang có một tia sáng khác thường…
* *
*
Sáng hôm sau, khi cái nắng tươi rói vừa lên vàng óng không gian, Giang chống nạng sang nhà Tài, tay cầm một tờ giấy bìa rộng bản. Đến đầu sân, Giang gọi:
– Anh Tài…
Tài từ trong nhà chạy ra, tươi cười.
– Em cho anh cái này… Giang vừa nói vừa đưa tờ giấy cho Tài.
– Bức tranh! – Tài thốt lên.
Giang gật đầu. Đó là bức tranh vẽ một người con gái đứng bên dòng sông, khuôn mặt hướng lên trăng. Vầng trăng sáng loá cả bầu trời và mặt nước lăn tăn sóng. Dưới bức tranh có dòng chữ: “Tặng anh bức vẽ của em – Giang”.
– Em vẽ đẹp quá! – Tài khen chân thành.
– Hôm qua em đã thức đến mười hai giờ đêm để vẽ đấy…
Chiều hôm đó Tài bắt xe ra thị xã. Anh mang theo bức tranh Giang vẽ. Anh dán bức tranh trên tường, bên cạnh chiếc giường con trong góc học tập của mình. Hai năm sau, khi tốt nghiệp lớp mười hai, vào Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn mang theo bức tranh Giang vẽ. Nhưng bấy giờ Tài không treo trên tường nữa mà anh gấp nó lại kẹp vào cuốn sổ nhật ký cũ thời phổ thông giấu xuống tận đáy hòm.
Từ hồi vào đại học Tài ít có dịp về nhà, phần vì đường xa, phần vì anh bận học lý thuyết và thực tập trên máy thường xuyên. Tuổi hai mốt đã đến với anh như một giấc mơ. Cuộc đời trôi đi, kỷ niệm tuổi thơ trong Tài dần dần lắng lại, nhạt mờ.
Tài sinh ở Hải Hưng. Sau khi đã làm trưởng đoàn kinh tế mới vào Tân Lập, bố Tài chuyển sang phòng giám đốc của nông trường quốc doanh Sông Ray I. Mẹ Tài hiện là y sĩ trưởng trạm xá của xã. Bố mẹ Tài lo cho Tài ăn học đàng hoàng. Anh học giỏi toán và phấn đấu để trở thành kỹ sư chế tạo máy.
Nhà Tài chuyển về xã Tân Lập được hơn một năm thì anh đi học ở Long Khánh. Đối với miền quê mới, ngoài bố mẹ ra, Tài chỉ có một người bạn gần gũi là Giang. Nhưng đã lâu quá Tài không viết thư cho Giang. Anh cảm thấy mình không dễ dàng cởi mở với Giang như trước nữa. Bước sang tuổi mười tám, Giang trở thành một thanh nữ… Mái tóc đen mượt đổ xuống tấm lưng trải rộng. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu ẩn dấu một nỗi buồn, làn da mịn màng. Hôm gặp lại, Tài thấy Giang trầm lặng. Cô không hỏi anh về thành phố, về chuyện học hành và những ước mơ của anh như ngày trước. Bước vào nhà, Tài thấy mẹ Giang nằm trên giường, người gầy xọp đi. Bà ngồi gượng dậy, trông bà như già đi hàng chục tuổi. Bà nói với vẻ mỏi mệt:
– Ba tháng nay bác cứ thấy sức yếu dần, đau khắp người. Bác không đi làm rẫy được nữa. Thầy thuốc bảo cần phải đi khám bệnh ở Long Khánh nhưng điều kiện còn khó khăn, bác chưa muốn đi.
Nói rồi bà nằm xuống. Bố Giang cũng nói là có việc phải sang hàng xóm và vội khoác áo ra đi. Bố Giang ít nói hơn. Da ông đen như cột nhà cháy. Em trai Giang bây giờ là lao động chính trong nhà. Nghe nói nó khó tính, hay cáu gắt với Giang và cả bố mẹ nữa. Cứ tối lại là nó đi chơi. Nó đang tìm hiểu một cô gái ở ấp Bốn, cũng khá xinh. Giang đã trở thành người lớn, không còn đi học nữa. Cô nghĩ, đã mười tám tuổi, phải làm cái gì đó để có miếng ăn, khỏi phải nhờ vào sức lực còm cõi của bố mẹ. Bố cô đồng ý cho cô mở một chiếc quán nhỏ bán hàng tạp hoá.
Giang rót nước mời Tài. Chỉ có hai người với nhau. Gần thế mà sao xa thế! Những nỗi niềm quá khứ lặng lẽ lùi xa. Cuộc đời thực, cuộc đời nghiệt ngã và trần trụi ngày càng hiện rõ. Qua mất những đau khổ, mặc cảm nặng nề của tuổi học trò, và những huyễn hoặc của ước mơ cao xa hướng về thị xã Long Khánh, về Thành phố Hồ Chí Minh nơi có những ngôi nhà chọc trời, bóng điện sáng loá.
– Bây giờ em có còn hay vẽ tranh nữa không?
– Em ít vẽ…
– Hàng quán khách khứa ra sao?
– Cũng tàm tạm được anh ạ!
Câu chuyện có vẻ rời rạc. Giang như đang nghĩ ngợi điều gì. Đôi mắt cô hướng nội. Cô ngồi, bàn tay ấp vào bên má, cùi tay chống xuống bàn.
Tiếng gió động lào xào trên tàu lá ngoài sân, ánh trăng bạc chảy thành dòng vào khung cửa.
– Ta ra sân ngắm trăng nghe ! – Tài nói, Giang với tay cầm chiếc nạng gỗ chống xuống nền nhà, đứng lên, bước chậm rãi ra sân.
– Anh có còn giữ bức tranh em tặng không?
– Anh… Anh vẫn giữ.
Đôi mắt Giang sáng lên một tia kỳ lạ. Tia sáng ấy làm cho Tài giật mình. Anh đã nói một câu hoàn toàn giả dối, còn Giang lại tin là thật. Có lẽ Giang chờ đợi câu đó đã rất lâu. Bốn năm trước! Từ ngày Giang tặng anh bức tranh vẽ trên giấy bìa cứng! Dường như cô đã gửi gắm vào đó những tâm sự sâu kín… Tài nhận ra mình đã khác xưa. Anh xa dần với nỗi đau nhức nhối trong lòng Giang. Một cái gì vô hình ở chốn thị thành dường như đã ăn mòn con người xưa cũ trong anh.
Bàn tay phải của Giang lần tìm tay Tài. Anh muốn co rụt lại nhưng có một sức mạnh vô hình nào đó đã giữ nó lại trong bàn tay Giang nóng ran.
Hai người vẫn bước đi. ánh trăng bạc như bị khuấy động, huyền ảo trong mắt Giang. Im lặng… Một sự im lặng nặng nề chưa từng có trong cuộc đời của Giang. Bất giác Giang loạng choạng, cô vừa vấp phải một vật gì, ngã nhào về phía trước. Tài vội đỡ lấy vai Giang. Cô buông rơi chiếc nạng, tựa hẳn vào ngực anh. Đôi bàn tay Giang run rẩy từ từ đưa lên rồi vòng qua cổ Tài, hơi thở dồn dập…
Tài đứng lặng. Sững sờ. Giây phút đó anh chạnh nghĩ về Lan, người bạn gái Tài mới quen sáu tháng trước. Lan học Khoa vật lý năm thứ hai trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Lan ở Biên Hoà. Bố mẹ Lan giàu có và rất cưng chiều con. Cô hồn nhiên, hay cười. Cô chú ý nhiều đến y phục thời trang. Không biết e sợ, gìn giữ, không biết cảnh giác lòng phản trắc của cánh con trai…
Cặp môi nóng bỏng của Giang chạm vào môi Tài. Anh quay mặt đi, vùng vẫy muốn thoát ra khỏi vòng tay Giang. Nhưng hai tay Giang càng xiết chặt. Tất cả sức lực của trinh nguyên đời con gái, tất cả những khát vọng dồn nén của mười tám năm cô độc hoá thành mãnh lực tình yêu trong hai cánh tay Giang ghì chặt, vít cổ Tài xuống. Toàn thân Giang lẩy bẩy áp tựa vào Tài. Đôi mắt Giang đờ đẫn như người vừa thoát xác. Khuôn mặt đầm đìa ánh trăng.
– Em yêu anh! Em yêu anh vô cùng! Em yêu anh từ ngày em mới gặp anh, từ ngày em còn là cô bé tuổi mười hai… – Giang thều thào.
Tiếng gió động rì rào. Một chiếc lá vú sữa rơi đậu trên mái tóc Giang.
– Em yêu anh! Chính vì anh không khinh bỉ em. Anh là người đầu tiên đã sẻ chia với em những niềm vui, nỗi buồn. Anh không thương hại em một cách lộ liễu khiến em bị tổn thương mà biết làm cho em có niềm tin vào cuộc đời, biết làm cho em hy vọng…
Từ nãy Tài vẫn câm lặng. Bây giờ anh mới thốt được nên lời:
– Anh không được như em nghĩ đâu… Anh sợ rồi em sẽ thất vọng về anh mất.
– Anh! Em yêu anh! Em yêu anh hơn tất cả trong cuộc đời khổ đau này. Chính vì anh mà em muốn sống. Chính vì anh mà em phải sống. Anh!… Anh nói với em đi. Nói rằng anh cũng yêu em. Anh nói đi…
Tài thấy một luồng lạnh tê buốt kéo từ đỉnh đầu xuống sống lưng. Anh rã rời. Trái tim anh như bị co thắt lại, buốt nhói.
– Anh… – Tài ngập ngừng – Anh…
– Anh nói đi! Anh cũng yêu em, phải không anh?
– Anh… Anh… kh…ô…n…g… y…ê…u… e…m…!
Khuôn mặt Giang như thể biến dạng đi. Đôi mắt cô tối sầm như hai hòn than đỏ bị dội nước. Cặp môi Giang giật giật.
– Em không tin!… Em không tin!… Anh nói dối em!… – Đôi mắt Giang lại sáng bừng lên như hai hòn than đỏ.
– Anh nói thật đấy! Giang… em tha lỗi cho anh! Anh không thể… Anh không thể… Lúc nào anh cũng coi em là một người em gái gần gũi của anh. Anh có thể làm bất cứ điều gì cho em vui. Nhưng… tình yêu thì không…
Giang nấc lên một tiếng thật mạnh. Nhưng tiếng nấc bị khựng lại trong thinh lặng. Cả người Giang đổ ập vào Tài rồi từ từ khuỵu xuống…
* *
*
Cả ấp náo nức lên vì tin Giang sắp lấy chồng. Người ta khen rằng thật đẹp đôi. Nồi méo thì úp vung méo. Trời đất cũng không đến nỗi vô tình để cho những người khuyết tật phải chôn mình trong quạnh hiu, đơn lẻ một thân, một mình suốt cả đời. Đi đến đâu trong ấp Giang cũng nhận được những lời chúc mừng chân thành. Đối với dân vùng này, ngày cưới của Giang quả là một ngày vang động khác thường. Bố mẹ Giang ra sức chuẩn bị. Mẹ cô muốn bù đắp phần nào cuộc sống đã quá vất vả, buồn phiền của Giang suốt mười tám năm trời ở với bà.
Ngân và Thanh thay nhau đi chọn vải may quần áo cho Giang. Ngân nói: “Trong ngày cưới Giang phải thật tươi vui mới được”. Thanh cũng nói: “Làm sao để ngày cưới thật sự là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời Giang”.
Rồi đám cưới được tổ chức vào một ngày đẹp trời. Dân trong ấp đi khá đông. Tiếng đàn, tiếng hát ngân vang khắp cả một vùng.
Tài không về! Anh gửi quà cưới về. Đó là chiếc đồng hồ bàn hình quả tim mạ vàng óng ánh. Anh cũng viết cho Giang một lá thư dài tâm sự nhiều điều. Giang đọc mãi lá thư. Và cô khóc. Khóc gần thâu đêm trước hôm cưới. Những dằn vặt, giằng xé trong tim Giang. Bao câu hỏi cuộn xoáy cô không thể nào trả lời được. Thế là cô sắp phải dứt bỏ Tài ư? Sắp phải dứt bỏ vĩnh viễn với một con người thân thuộc, một tình yêu mãnh liệt đã chiếm lĩnh tâm hồn cô từ ngày ấu thơ để đến với một người xa lạ – một người câm. Một người không bao giờ nói với cô một lời thân ái suốt trong cả quãng đời sắp tới. Cô phải từ bỏ Tài rất đỗi thương yêu của mình để đến với Duy – người chưa từng làm cô rung động.
Từ hôm xảy ra chuyện không vui giữa Giang và Tài, bố mẹ Giang ra chiều suy nghĩ. Không khí trong gia đình trở nên nặng nề, tịch lặng hẳn lên. Hai tháng trước mẹ Giang đột ngột ốm nặng. Bà bảo bệnh của bà không biết sống chết lúc nào. Bà muốn nhìn thấy Giang nên cửa nên nhà rồi có nhắm mắt bà mới yên lòng được. Mấy hôm sau, không hiểu ai mối lái mà nhà ông Quý ở ấp Hai cho người lên bàn chuyện với bố mẹ Giang. Nghe nói đến chuyện cưới xin, Giang đành tránh mặt mọi người, lặng lẽ đi ra vườn vú sữa sau nhà.
Lúc sau, bà gọi Giang vào. Không còn vị khách nào nữa. Khuôn mặt bà tỏ vẻ nghiêm trang. Bà nói:
– Bố mẹ đã nhất trí gả chồng cho con. Năm nay con mười tám tuổi, bố mẹ thì cũng già yếu… Hôm nay đại diện gia đình ông Quý vừa lên đây, ngỏ ý xin con cho thằng Duy.
– Mẹ!… Con không muốn lấy chồng. Con không muốn lấy chồng… Con sẽ ở bên cạnh bố mẹ suốt đời.
– Giang này! – Bố cô trừng mắt – Con nghe đây: trai khôn dựng vợ, gái khôn gả chồng. Không ai lại có thể ở một mình suốt đời. Bố mẹ đã quyết định rồi. Thằng Duy tuy có bị câm và hơi điếc nhưng là một người hiền lành, khoẻ mạnh, làm ăn được. Lấy nó con không phải lo đói nữa. Bố mẹ cũng thấy yên lòng.
Từ hôm đó, Duy thỉnh thoảng lại đến nhà Giang. Hai người ít ngồi với nhau. Chỉ có vài lần Giang kể chuyện cho Duy nghe. Duy cứ gật gù, thực tình Giang cũng không biết Duy nghe được nhiều hay ít.
Mọi thủ tục cho đám cưới đều được lần lượt tiến hành một cách thuận lợi. Trong ngày cưới Duy mặc áo sơ mi trắng muốt, quần bò xanh đậm, xơ vin. Trông điệu bộ Duy rắn rỏi, gương mặt tươi tắn lạ thường. Giang mặc áo sơ mi màu xanh đọt chuối. Quần Tây màu trắng sữa. Đôi mắt thẳm sâu ưu tư. Hai người tựa vào nhau chụp hình rồi dìu nhau đi chúc tụng mọi người.
Đêm tân hôn!
Giang thấy bồi hồi khôn tả. Khi ở nhà ngoài ai nấy đều đi nằm thì Duy mới từ từ mở cửa bước vào căn phòng dành cho đôi vợ chồng trẻ. Căn phòng nhỏ. Trong kê một chiếc giường mộc. Đôi chiếu hoa mới tinh trải úp mặt lại với nhau. Giang ngồi ở góc giường. Khuôn mặt hơi cúi xuống. Hai tay vòng phía trước ngực. Chiếc nạng gỗ dựng trong tường cạnh những món quà tặng ngày cưới.
Duy mắc màn rồi thổi tắt ngọn đèn dầu trong phòng. Đêm tối trùm lên giữa hai người. Lúc lâu vẫn không thấy Giang nằm. Duy kéo Giang nằm xuống cạnh mình. Duy chợt rùng mình bởi làn hương bay ra từ thân thể Giang. Bàn tay Duy chạm vào ngực Giang. Tiếng cô thở mạnh dần và tim cô đập vô hồi… Nhưng, bàn tay Duy đã thôi không động đậy nữa, nặng dần trên ngực cô. Duy ngủ từ lúc nào Giang không rõ. Không kìm được lòng, hai dòng nước mắt từ từ chảy ra ướt đầm khuôn mặt.
Từ ngày đó trong Giang có thêm một nỗi đau thầm lặng vò xé tâm can cô, đẩy cô vào tình trạng bế tắc, không lối thoát. Niềm khát vọng tàng ẩn trong muôn người, niềm khát vọng được làm vợ, đích thực được sống trong hạnh phúc làm vợ của cô tan vỡ một cách tàn nhẫn làm cô bàng hoàng. Duy không bao giờ có thể làm cô hạnh phúc. Duy là một cơ thể đã hư hỏng, một tâm hồn bị phong bế. Anh là một thế giới chỉ có bóng tối của sự câm lặng thống trị. Thế mà số phận đã đẩy anh và cô, hai khối cô đơn khổng lồ lại với nhau.
Một ngày đầu tháng bảy. Hôm ấy Duy đi làm đến tối khuya mới về. Anh không vào phòng ngủ của hai vợ chồng mà trải một chiếc chiếu trên bộ phản ở nhà ngoài. Anh nằm nhắm mắt làm ra vẻ ngủ rất say. Bà Quý ngạc nhiên và lo lắng, nhưng thấy con trai ngủ say thì đành để yên cho Duy. Chuyện đó lặp lại đến lần thứ ba thì cả bố mẹ Duy, cả Giang đều lo lắng không hiểu. Hỏi tại sao thì Duy chỉ lắc đầu. Có lần anh bỏ đi mấy ngày liền không chịu về.
Bà Quý khóc. Giang khóc. Ông Quý im lặng cả ngày không nói một lời. Mặt ông teo lại, đường gân trên trán nổi hằn lên, giật giật.
– Nếu em có lỗi gì thì anh bỏ quá cho em. Anh đừng làm vậy, bố mẹ buồn phiền lắm.
Giang nói đến đó, ông bà Quý liền bỏ sang hàng xóm. Lòng thấp thỏm. Duy vẫn ngồi im không nhúc nhích. Trông anh như bị đông cứng lại.
– Anh chê em không lo liệu được cuộc sống gia đình đúng không?
Duy vẫn không nhúc nhích.
– Anh căm ghét em đã làm khổ đời anh đúng không?
Duy đứng lên. Anh thất thểu bước ra khỏi nhà.
Lần ấy Duy đi năm ngày sau mới về. Anh lặng lẽ thu xếp đồ đạc của cả hai vợ chồng. Những gì của anh, anh mang ra nhà ngoài. Bà Quý đi bói rồi về cúng ba ngày liền, mời thầy làm đủ loại bùa phép vẫn chẳng ăn thua gì. Duy vẫn câm lặng như một cái bóng. Trông anh gầy xơ xác, má hóp, mắt hõm sâu. Làng xóm đồn ầm lên về chuyện ma ám Duy làm cho hai vợ chồng không thể gần nhau được. Họ kể với nhau rằng: hai đứa chúng không hợp nhau. Số chúng phải ly dị. Nếu không thì hai đứa, sao cũng có một đứa phải chết đường chết chợ. Mẹ Giang đang ốm nghe tin đó càng ốm thêm.
Một buổi tối ăn cơm xong, Giang vừa dọn dẹp dưới bếp lên, thấy ông bà Quý ngồi chỉnh tề bên bàn uống nước, nét mặt tỏ vẻ nghiêm trọng.
– Giang! – Bà Quý gọi – Con ngồi đây uống nước, bố mẹ có việc muốn nói với con.
– Dạ… – Giang thấy giọng mình run run. Từ chiều cô đã thấy ông bà Quý có cái gì khác thường.
– Con về làm dâu bố mẹ đã được năm tháng – Ông bà Quý mở đầu câu chuyện – Đức hạnh của con, công việc con làm bố mẹ không có điều gì phàn nàn cả. Bố mẹ yêu thương con còn hơn cả con gái bố mẹ dứt ruột đẻ ra nữa…
Mắt bà Quý rưng rưng. Giang cúi đầu.
– Mẹ hỏi thật con, con đã có “gì” với thằng Duy chưa?
Giang vẫn cúi đầu im lặng.
– Giang! – Bà Quý lại gọi – Con có “gì” với thằng Duy hay chưa?
– Chưa!… – Giang đáp lí nhí.
Nét mặt ông bà Quý có vẻ đỡ nặng nề hơn.
– Thật không con?
– Thật ạ!
– Bố mẹ rất đau lòng khi nói với con chuyện này – Bà kìm một tiếng thở dài – Thằng Duy nó dại, không bằng người nên đã đối xử với con thật tệ. Có lẽ duyên số chúng mày không ở được với nhau. Bố mẹ thấy nếu cứ kéo dài thì con là người khổ nhất. Chuyện đã đến mức này, bố mẹ đành để cho con ly dị với thằng Duy.
Giang bật khóc nức nở:
– Mẹ! Con không muốn ly dị anh Duy. Con không muốn xa bố mẹ…
– Bố mẹ đã thưa chuyện với ông bà bên kia rồi. Ngày mai con sẽ về bên đó. Tốt cho con hơn.
– Con xin bố mẹ hãy để con được ở lại gia đình ta, được chăm sóc bố mẹ và anh Duy.
Ông Quý im lặng từ nãy, bây giờ mới lên tiếng:
– Gia sản của bố mẹ không có gì, bố mẹ cho con một sào đất, cạnh đường lớn. Ông bà bên kia sẽ cho con khoản tiền làm nhà. Con ở đó, mở hàng quán mà kiếm sống. Sau này, may mắn trời xui đất khiến gặp được ai hợp ý thì con xây dựng với họ.
Ông ngập ngừng và dừng lại.
– Thôi! Con đi ngủ đi, sớm mai còn thu xếp đồ đạc – Bà Quý nói. Rồi hai ông bà tắt đèn đi nằm.
Mãi khuya lắm Duy mới về. Anh không thắp đèn mà sửa soạn giường chiếu trong bóng tối.
Đêm mênh mông. Đêm đen thăm thẳm. Đêm ngột ngạt và bỗng nhiên nổi gió. Những tiếng sấm inh tai. Rồi mưa. Mưa xối xả. Mưa liên hồi. Nước chảy ồ ồ xung quanh nhà. Mưa tạnh. Ngoài kia thỉnh thoảng lại thấy tiếng trở mình của Duy. Tiếng thở dài của bà Quý. Giang căng mắt nhìn vào bóng đen nhảy múa trong căn phòng.
Thế là đã năm tháng! Năm tháng kể từ ngày cô về làm vợ Duy. Tại căn phòng bé nhỏ này đã gìn giữ những kỷ niệm đau buồn trong cuộc đời của cô và Duy. Giang hiểu những nỗi đau không thể nói thành lời của anh. Bao nhiêu lần anh đã cố gắng làm cho cô hạnh phúc. Nhưng anh đã thất bại… Một cái gì bí ẩn chen vào giữa hai người! Giữa anh và cô như có một vực thẳm ngăn cách. Đến cái đêm cuối cùng này không hiểu sao, Giang thấy nhớ bàn tay thô ráp rụt rè của Duy chạm nhẹ lên ngực cô cái đêm Giang mới về… Nhớ tiếng thở đều đều và mùi mồ hôi ngai ngái từ tóc Duy. Và dù anh không nói được với cô một lời, dù anh cố tình tránh xa cô trong những ngày vừa qua, cô vẫn tin rằng anh yêu cô thực sự. Ngày mai cô sẽ phải xa vĩnh viễn căn phòng này ư? Và cuộc sống sẽ ra sao?
Cô không yêu Duy! Từ lâu cô vẫn tâm niệm như vậy. Nhưng lúc này cô thấy nghi ngờ điều đó. Cô thấy buồn! Buồn vô cùng… Một nỗi trống vắng, hụt hẫng khủng khiếp đang đến với cô, đè nặng lên cô. Giang thấy khó thở, trong màn đêm hiện lên những ánh xanh đỏ ảo huyền, cho đến gần sáng, cô ngủ thiếp đi.
Sáng mai Giang tỉnh dậy, khi mặt trời đã cao quá cây sào ở đằng Đông. Cô sắp xếp đồ đạc rồi đến bên ông bà Quý, nghẹn ngào:
– Con đã là vợ của anh Duy, là con dâu của bố mẹ. Duyên số chúng con không thành vợ chồng trọn vẹn, con không được gần gũi sớm hôm bên bố mẹ lúc tuổi già nhưng con không bao giờ quên bố mẹ và anh Duy.
Nói xong Giang đưa mắt tìm Duy. Anh vừa dưới nhà bếp lên. Cô lặng lẽ đến bên anh. Cô đứng trước mặt anh, ráo hoảnh. Duy nhìn Giang. Anh đứng sững như trời trồng. Cả hai người đứng thế một lúc lâu. Bỗng Duy như người giận dữ, hung tợn. Anh quay mặt đi, bước ra khỏi nhà, đi như ma đuổi về phía ngõ. Cứ như thế, anh đi mãi, đi mãi… Cả xóm làng nhoè động sau hai hàng nước mắt của anh tuôn chảy như không bao giờ dứt.
* *
*
Em trai Giang cưới vợ được một tháng thì cô từ nhà Duy trở về. Hai tuần sau Giang ra ở riêng tại căn nhà nhỏ bố mẹ Giang mới làm trên mảnh đất ông bà Quý cho cô. Căn nhà thưng gỗ, lợp tranh nhìn ra đường lớn, trông khá xinh xắn. Từ ngày ở riêng, Giang trở nên ưu tư hơn. Cô hay đắm chìm vào kỷ niệm của mọt thời đã qua. Và mỗi lúc như thế, Giang lại có khát khao cầm bút vẽ. Cô càng ngày càng say mê với thế giới của hình ảnh, sắc màu. Cô đọc thêm các sách về hội hoạ mà ngày trước Tài đã mua cho cô ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cô thử nghiệm trên rất nhiều chất liệu. Cô vẽ cả lên giấy bìa cứng, trên vải thô, trên lụa và khắc trên gỗ… Giang đã có gần hai mươi bức tranh… Các bức tranh được sắp xếp kế tiếp nhau như kể lại bằng hình ảnh câu chuyện cuộc đời của Giang từ tuổi ấu thơ.
Từ ngày Giang ở riêng, cô lại nhớ đến Tài. Có một điều đã ám ảnh cô rất lâu. Nó thể hiện trong sự u uẩn từ đôi mắt sâu thăm thẳm của Tài, ở những giây phút sững sờ câm lặng trong vườn vú sữa sau nhà khi Giang nói yêu anh. Và sự biết lỗi… Sự biết lỗi tội nghiệp của Tài từ ngày Giang xỉu đi trong vòng tay anh.
Năm tháng và cuộc đời đã trôi đi. Đắng cay đã làm cho Giang dạn dày, cứng cỏi. Cô khao khát được làm vợ, được làm mẹ trong gia đình đầm ấm tình người. Cô không sợ. Quyết không sợ sự đói nghèo. Sự đói nghèo đã đến với cô từ lúc cô trong nôi. Sự đói nghèo đã đè nặng lên cuộc đời cằn cỗi và lam lũ của tổ tiên, ông bà và ngày nay là của bố mẹ Giang, của em Giang và cả của Giang nữa. Song sự đói nghèo không ghê gớm bằng sự cô độc. Bố mẹ Giang đã từng phải sống qua ngày đoạn tháng mà chỉ có cám ăn thay cơm. Nhưng tình yêu đã vực họ lên. Đức hy sinh đã vực họ lên. Còn Giang! Giang thấu hiểu sự cô độc làm nghẹt thở tâm hồn. Sự cô độc không giết chết con người trong một thời gian ngắn ngủi nhưng nó huỷ hoại con người từng tí, từng tí một. Nó gây ra nỗi đau âm ỷ không bao giờ dứt trong từng tế bào, trong xương tuỷ… Giang kinh hoàng khi nghĩ rằng không biết đến bao giờ mình mới thoát ra khỏi tình trạng nặng nề này.
Cho đến một buổi chiều… ý tưởng khắc tạc một bức chân dung tình yêu trỗi dậy trong tâm tưởng cô, lay động đến tận tâm can cô, như đẩy cô lạc vào một biển xúc cảm dậy sóng.
* *
*
Tài vừa tốt nghiệp Đại học bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Anh thấy lòng mình nhẹ nhõm. Mười sáu năm ngồi trên ghế nhà trường rồi cũng qua đi. Những năm tháng tiếp theo anh sẽ được sống, được tung hoành vượt ra ngoài khuôn phép, quy tắc gò bó của trường học. Xe chạy đều đều. Rừng cao su bạt ngàn xanh đậm hàng nối hàng thẳng tắp lùi mãi về sau. Lần về này anh sẽ dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho thoải mái đầu óc. Anh sẽ tắm mình trong lòng con suối Thề huyền thoại lượn quanh những khu dân cư, ẩn hiện dưới những lùm cây rồi chảy về rừng đại ngàn. Anh sẽ cùng một vài người bạn đi săn và dạo chơi trong những khu rừng nở đầy hoa dại, sặc sỡ sắc màu và sực nức hương thơm… Giá Lan cũng về với anh, chắc là Lan sẽ thích…
Từ ngày gặp nhau và quen nhau, có mấy lần Tài đã định đưa Lan về thăm gia đình và miền quê mới nhưng rồi anh lại lần lữa. Anh không hiểu lắm tình cảm của anh với Lan. Tài như thấy có một khoảng cách giữa anh và cô. Lan hồn nhiên quá, trong trẻo quá. Lan không biết đến những đau khổ. Cô vô tình với tất thảy. Nhiều lần anh đã tìm cách thay đổi Lan, nhưng vô hiệu. Tài buồn. Anh thấy tình yêu của anh và Lan có cái gì vô hình ngăn trở, bế tắc.
Đêm ấy, Tài sang thăm Giang. Đã hai năm kể từ ngày Giang xỉu đi trên cánh tay Tài ở vườn vú sữa sau nhà cô. Bao nhiêu điều đã xảy ra… Giang đi lấy chồng, rồi lại chia tay chồng. Tài muốn an ủi cô, muốn tìm lại những gì thân thương trong quá khứ giữa hai người.
Nhà Giang cánh cửa khép hờ. Chiếc đèn Hoa kỳ vặn to để trên bàn sát tường. Giang ngồi xoã tóc kín bờ vai, đổ bóng che tối cả lối vào nhà, che lấp cả gương mặt Tài khi anh cố bình thản bước vào. Hai tay cô dang rộng ra phía trước, giữ chặt lấy một tấm gỗ hình chữ nhật cỡ lớn. Mặt cô hơi ngửa lên. Đôi mắt cô mở to như dâng cả tâm hồn trút vào tấm gỗ. Không! Đó không phải là một tấm gỗ đơn thuần. Trên nền của các đường vân cuộn hình sóng đại dương như vồng lên trong thớ gỗ, là những đường nét khắc tạc cực kỳ cẩn trọng, làm hiện lên hai khuôn mặt hướng về nhau, như trùng khít, lồng vào nhau. Một khuôn mặt đàn ông na ná giống như Tài. Khuôn mặt phụ nữ na ná như Giang. Trên nét mặt của họ hiện lên niềm xúc cảm bí ẩn vừa hạnh phúc, vừa khổ đau, vừa đắm say… Trên đầu họ vầng trăng toả sáng. Góc dưới bức hoạ đề dòng chữ: “Chân dung tình yêu”.
Tài bước vào thật nhẹ. Anh đứng lặng sau lưng Giang, nhìn găm vào bức tranh. Giang vẫn giữ chặt bức tranh, bất động. Tài bỗng cảm nhận được một cái gì thiêng liêng choán cả căn phòng. Bóng Giang cao lồng lộng. Anh quay người đi về phía cửa. Giang thôi không giữ bức tranh nữa, ngoái lại và cô bắt gặp tấm lưng Tài sắp khuất sâu vào bóng tối. Vừa lúc ấy, Tài cũng ngoái lại. ánh mắt họ gặp nhau. Bóng Giang xê động, một mảng sáng lọt ra phía cửa chiếu vào gương mặt Tài. Anh từ từ bước vào nhà. Giang đứng lặng.
– Giang! – Tài thốt lên, xúc động.
– Anh vẫn còn đến đây với em ư?
– Anh có lỗi với Giang…
Đôi vai tròn của Giang run rẩy trong khi tiếng khóc bật ra sau một khắc im lặng.
– Anh đã không biết làm gì để em vơi bớt đau buồn – Tài nói nhỏ, xúc động – Anh đã không xứng đáng với tình cảm cao quý em dành cho anh.
– Đừng nói nữa anh… – Giang gạt nước mắt – Không phải suốt gần mười năm qua anh đã từng làm cho em được hạnh phúc đó sao!
– Em…
– Anh Tài! Em vẫn yêu anh vô cùng. Dù em có phải hy sinh cả cuộc đời em cho anh cũng không xứng đáng được với những gì anh đã dành cho em. Không bao giờ em có thể giận, hay trách móc anh…
– Giang! Cảm ơn em… Tấm lòng của em bao dung biết bao. Trước em, anh thấy mình bé nhỏ – tiếng anh lọt thỏm vào căn phòng tắt lặng.
– Anh! Không phải em sinh ra đã biết rộng lượng, biết bao dung. Ngược lại, em là người có tâm hồn thương tổn, mang trong lòng những mặc cảm nặng nề. Chính anh đã làm cho em thay đổi. Anh đã làm cho em hiểu được sức mạnh và chiều sâu thăm thẳm của những rung động trong tâm hồn và sự kỳ diệu của tình yêu. Vì vậy cho nên, lòng em không bao giờ có thể oán trách anh. Sau những gì đã xảy ra, nhiều đêm em nghĩ lại và thấy thương anh thật nhiều…
Giọng nói của Giang đã chùng xuống, buồn buồn. Tài đặt tay lên vai cô. Im lặng lại trùm lên. Lát sau, mặt Giang như xám lại. Cô nói rắn rỏi, lạnh giá:
– Bây giờ em là gái đã có chồng, giữa anh và em đã khác xưa. Em không có quyền đòi hỏi anh điều gì cả. Không thể ràng buộc anh vào cuộc đời đau khổ của em… Nhưng… Em muốn anh giúp em một điều…
– Điều gì?
Im lặng.
Giang lao vào anh. Cô nói nhanh:
– Em xin anh một đứa con!
Người Giang như một hòn than đỏ thiêu đốt anh. Quấn riết lấy anh. Cả hai người dần dần như mê lạc vào một thế giới của mộng mị, của đắm say. Họ như trôi trong vũ trụ bồng bềnh xa lắc với trái đất, với thế giới thường ngày nhàm chán đau buồn. Đó là giờ phút gặp nhau của hai cực sự sống! Của sự yếu đuối phi thường! Của sự mạnh mẽ vô biên! Của sự huỷ hoại và tái sinh bất diệt!
* *
*
Giang thấy sung sướng! Có một niềm hy vọng mãnh liệt và bền vững đến với cô. Niềm hy vọng được làm mẹ. Cái thai trong bụng cô cứ lớn dần lên. Thỉnh thoảng lại chuỗi đạp. Cô quên hết những buồn khổ nhọc nhằn, cô nghĩ đến một đứa con. Không biết nó là trai hay gái. Giang không câu nệ điều ấy. Nó là đứa con cô, do máu thịt của cô và Tài tạo thành, do cô nuôi dưỡng từ trong bụng và dứt ruột sinh ra. Đứa con của tình yêu. Đứa con của niềm hạnh phúc và khổ đau tột cùng trong trái tim cô.
Từ cái đêm ấy, cô không gặp lại anh nữa. Tài đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể Giang sẽ vĩnh viễn mất Tài. Nhưng đứa con! Dòng máu của Tài đã ở trọn vẹn trong cô. Nó sẽ lớn lên bên cô. Sẽ tập đứng, tập đi, tập nói, tập cười. Sẽ bi bô gọi mẹ, gọi ba. Rồi nó sẽ đến trường học chữ. Nó sẽ giỏi giang không thua kém con cái những gia đình giàu sang trên thành phố. Nó sẽ học văn chương, học vẽ, học đàn. Nó sẽ là một nghệ sĩ. Sẽ đi tiếp con đường khát vọng bị chặn đứng của Giang. Cô sẽ làm bất cứ điều gì để cho con đạt mục đích.
Mẹ Giang biết cô có thai thì vừa vui vừa lo. Bà muốn cô trở lại với Duy. Bà bảo:
– Mẹ sẽ sang nói chuyện với ông bà Quý và thằng Duy. Con là gái có chồng, đứa con sinh ra phải có sự đùm bọc của người cha. Dù cha nó khôn hay dại, điếc hay sáng.
– Đừng mẹ! – Giang như dẫm phải lửa – Con không thể quay lại gia đình bên ấy nữa đâu. Mẹ đừng lo cho con quá.
– Con đừng cứ khăng khăng như thế. Mẹ nghĩ, gia đình người ta chắc chẳng để cho con bụng mang dạ chửa mà phải sống trong cảnh như thế này đâu. Thằng Duy mà biết nó có con, chắc cũng sẽ rất mừng…
Bà ngỡ như đã thuyết phục được Giang. Nhưng bỗng bà thấy cô đỏ bừng mặt như tức giận. Cô nói dằn từng tiếng:
– Con làm gì có chồng.
– Con không sợ đứa bé sinh ra phải sống trong cảnh thiếu cha hay sao? Tục ngữ có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Con phải suy nghĩ cho kỹ đi.
– Nhưng đứa bé không thể nhận nhầm cha…
– Con nói gì lạ thế? – Bà tròn xoe mắt vừa kinh ngạc vừa sợ hãi bởi một dự cảm chợt đến.
– Đứa bé trong bụng con không phải là giọt máu của anh Duy.
– Không thể như thế được! – Bà cứng rắn – Con không được nói dối mẹ – Miệng nói như thế nhưng lòng bà đang trải qua những giây phút bàng hoàng. Bà nghĩ đến Tài. Có thể lắm… Có thể lắm chứ… Chúng thân nhau từ bé…
– Đứa bé là con của anh Tài.
Vậy là dự đoán của bà đã không sai. Bà biết Giang đang nói thật. Bà biết Giang yêu Tài đã từ rất lâu. Có lúc bà đã nói xa xôi cho Giang hiểu… ở tuổi ngoài sáu mươi bà đã trải hết những đau buồn, vui thú của cuộc đời. Bà hiểu được giới hạn của tình cảm con người, kể cả tình yêu. Bà biết trước sau Giang cũng sẽ thất vọng khi đặt quá nhiều hy vọng vào Tài… Nhưng bà cũng biết là Tài rất tốt với Giang, không có gì đáng trách cả.
Khi biết được sự thật, bà cảm thấy cần phải im lặng. Không thể để cho ai biết chuyện này, kể cả bố và em trai Giang. Đó là cách tốt nhất để bảo toàn danh dự cho Giang, cho Tài và cho cả đứa con sau này nữa.
Khi cả xóm đồn ầm lên về chuyện Giang có thai thì ông bà Quý bàn nhau đưa Giang về chăm sóc. Song Giang đã từ chối! Bà Quý không thuyết phục được Giang. Bà nghĩ, Giang từ chối cũng đúng. Nhưng vì bà là mẹ của Duy, bà nội của đứa bé trong bụng Giang nên nhất định bà sẽ tìm cách để giúp đỡ cô.
Giang nhận được thiếp cưới của Tài và Lan khi cô đang chuẩn bị cho việc sinh nở. Và có một điều thật kỳ lạ, đúng ngày cưới của Tài và Lan, tại trạm xá xã Tân Lập, Giang trở dạ sinh con. Bà đỡ nói rằng Giang sinh khó. Cô bị đau bụng liền sáu tiếng đồng hồ. Môi cô cắn chặt, không một tiếng rên. Mồ hôi lã chã trên gương mặt Giang hơi gầy, những đường gân xanh giật giật hai bên cổ, đôi mắt trũng sâu nhắm lại. Mọi người lo lắng. Căng thẳng. Mẹ Giang cũng căng mắt bên bà đỡ, hồi hộp theo dõi từng biểu hiện rất nhỏ trên cơ thể Giang. Ngoài sân của căn nhà hộ sinh ngập đầy bóng tối, có một người lầm lỳ đứng lặng, bất động như một gốc cây. Cho đến ba giờ sáng, bà đỡ vui mừng thốt lên:
– Được rồi!
Ngay sau đó là tiếng khóc oa, oa… yếu đuối và đứt đoạn của đứa con. Con người lầm lỳ bất động kia như sực tỉnh, ngọ nguậy lao vội đến cửa nhà hộ sinh. Nhưng ngay sau đó người ấy sững lại. Đột nhiên quay gót và biến mất.
Giang từ từ mở mắt. Cô thiếp đi một lúc lâu vì quá mệt. ý nghĩ đầu tiên đến với Giang là phải nhìn xem đứa con của cô thế nào, nó có khoẻ mạnh không? Nó có giống Tài không? Tức khắc, một ý nghĩ khác chen vào: Đêm nay! Đêm nay là đêm tân hôn của Tài với Lan.
Cô bỗng bâng khuâng, bâng khuâng kỳ lạ… Giang thều thào:
– Cho tôi được nhìn mặt con tôi.
Một người y tá mặc đồ trắng lại tiêm cho Giang liều thuốc trợ sức. Chị im lặng. Lát sau chị nói khẽ:
– Bà ngoại đang tắm cho cháu ở phòng bên.
Giang gượng cười. Nụ cười sao mà đẹp. Nụ cười của một người khổ đau được hạnh phúc giống như bông hồng tươi thắm nở trên mảnh đất cằn cỗi. Nó có một vẻ quyến rũ tội nghiệp, gợi lên những cảm xúc rất mạnh trong lòng người y tá. Chị đành quay mặt đi. Có một điều vừa xảy ra, chị đã không nỡ nói với Giang lúc này…
Đứa bé thiếu tháng, lại được sinh ra một cách khó khăn. Lúc đầu, vừa sinh ra nó còn khóc được mấy tiếng nhưng sau, nó đuối sức dần và hiện đang được cấp cứu ở phòng bên.
Giang thiếp đi lần nữa. Khi tỉnh lại cô vẫn không thấy con bên cạnh. Người y tá trẻ dịu dàng đến bên Giang:
– Con tôi đâu?
– Chị Giang! – Người y tá ngập ngừng – Chị cứ nằm yên. Mẹ chị sẽ bế cháu vào cho chị nhìn. Cháu quá yếu. Sợ rằng…
Giang bỗng hiểu điều gì đến với đứa con yêu bé bỏng của cô. Điều mà từ tối, tự nhiên trong những cơn đau Giang cứ linh cảm rằng hình như đứa bé sẽ không ở lại với cô, không ở lại lâu trên thế gian lắm nỗi ưu phiền này. Vừa lúc ấy, mẹ Giang bế đứa bé ủ trong tấm chăn màu tím hoa cà đến bên Giang. Mọi người trong phòng lo lắng nhìn cô, sợ Giang sẽ ngất đi hoặc hét lên thật lớn.
Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Đôi mắt đen thẳm và hoang vắng của Giang nhìn găm vào gương mặt đứa bé đang xám dần đi, bất động. Bàn tay cô sờ nhẹ lên ngực con. Tim đứa bé vẫn đập, lúc nhanh lúc chậm không đều. Hơi thở dường như không còn nữa.
Khi đứa bé được bế đi, Giang lại nằm xuống giường. Cô không nói một lời, không nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng làn da cô biến sắc, bạc thếch. Cô nằm xuống ngoẹo đầu sang bên, người như xọp xuống dán vào mặt giường.
Một luồng băng giá dội xuống căn phòng.
* *
*
Lại đầu mùa mưa. Mấy ngày nay thỉnh thoảng trời bỗng đổ mưa lớn, ngập cả đường đi lối lại. Con suối Thề chảy quanh năm đang trong vắt bỗng trở nên ngầu đỏ, cuồn cuộn. Người dân gốc xứ này nghĩ đến ngày giỗ của chàng Han và nàng Mơ huyền thoại. Chuyện cổ kể lại rằng: Ngày xưa con suối này chưa có tên. Đất đai rừng rú ở một vùng rộng bao la chiều dài hàng trăm, chiều rộng hàng chục dặm đều nằm trong tay của một ông chúa đất. Hàng ngàn gia đình ở trong vùng đất ấy đều là tôi tớ của ông. Nàng Mơ là con gái út thông minh và xinh đẹp của ông chúa đất. Tóc nàng như mây, da nàng như tuyết, mắt nàng như mắt hươu sao. Năm mười sáu tuổi, khi ông chúa đất định gả nàng cho con một người bạn ông ta thì cũng là lúc nàng Mơ đem lòng yêu chàng Han, một tá điền khoẻ như gấu, hiền như hoa mai rừng. Hai người bị ông chúa đất ngăn cấm không cho gặp nhau. Một lần họ đang lén lút tình tự thì bị ông chúa đất phát hiện. Chàng Han bị bắt, bị đánh chảy cả máu mắt. Hôm sau, chàng Han được nàng Mơ tìm cách cứu thoát. Khi chạy qua con suối này, nàng Mơ chỉ xuống làn nước trong vắt thề: “Nếu không lấy được chàng, thiếp sẽ nhảy xuống dòng suối này cho xác trôi theo dòng nước”. Chàng Han thề theo: “Nếu không lấy được nàng, ta cũng sẽ nhảy xuống dòng suối này. Xác đôi ta sẽ quấn lấy nhau trôi vào rừng sâu”. Vừa nói xong, hai người đã thấy hàng trăm tên lính vây chặt. Biết rằng nếu lọt vào tay bọn chúng, chàng Han sẽ bị chém đầu. Hai người bèn ôm chặt lấy nhau, nhảy xuống dòng suối. Trời tự nhiên mưa lớn, lòng suối mở rộng, nước cuộn đỏ che dấu hai người. Từ ngày đó, con suối thiêng này có tên là con suối Thề, nhắc về một mối tình đau thương nhưng bất tử.
Buổi sáng!
Đó là một buổi sáng lạnh sau cơn mưa đêm như trút nước vừa ráo tạnh. Khắp xóm ấp xôn xao lên về cái tin Giang mất tích. Người y tá trực kể lại: lúc gần sáng cô vừa chợp mắt được một lúc, khi tỉnh dậy thì không thấy Giang đâu cả. Bố Giang, em trai Giang, mẹ Giang, ông bà Quý và Duy đều chia nhau mỗi người một ngả đi tìm.
Ba ngày trôi qua! Vẫn chẳng thấy Giang đâu. Thế là có người đã nghĩ đến chuyện Giang nhảy xuống suối Thề tự vẫn.
Trên chiếc cầu gỗ đơn sơ bắc bằng những tấm ván bìa đóng vào hai thân cây gỗ lớn nằm ngang dòng suối Thề có một người lầm lỳ câm lặng, đầu chúi xuống mặt nước đỏ ngầu cuồn cuộn. Người đó là Duy. Khuôn mặt anh bạnh ra, méo đi và vỡ tan thanh hàng chục mảnh trong ánh nước nổi sóng ập đổ về phía cánh rừng xanh thẳm ở đằng xa. Lúc sau không ai còn thấy Duy đâu nữa.
Tại căn nhà của Giang, Tài thấy bức tranh: “Chân dung tình yêu” đã được ai đặt lên bàn thờ. Phía dưới bức tranh là một bát hương cháy từ lâu, thân hương cuốn lại thành hình bó hoa. Trên giá vẽ, một bức hoạ truyền thần đang dở dang. Người trong tranh chính là Tài. Giang mới vẽ xong một nửa mặt, nửa kia mờ nhạt, chưa đủ đường nét. Tấm hình Tài tặng Giang ngày trước để một bên. Tấm hình ấy đã úa cũ do thời gian. Trong ngăn kéo của chiếc tủ đứng xếp đầy những vật kỷ niệm cùng các bức thư của Tài. Dưới đáy của ngăn tủ là cuốn tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” của văn hào Đoxtôiepxki.
Tài thấy tay chân như muốn rã rời. Anh vừa chạm vào quá khứ… Một quá khứ với biết bao kỷ niệm mà anh đã cố gắng để có thể lãng quên. Cho đến tận lúc này, điều nghiệt ngã nhất làm cho anh bàng hoàng không phải là tình yêu của Giang dành cho anh mà chính là anh đã yêu Giang.
Tại sao? Tại sao anh lại lảng tránh? Tại sao anh lại không trung thực thừa nhận tình yêu của anh với Giang. Và một điều day dứt nữa… Đứa con… Nó đã chết. Nó đã chết từ lúc vừa sinh ra… Căn nhà bỗng làm anh sợ. Mối tình lớn nhất, khổ đau lớn nhất đã rời bỏ anh rồi ư? Giang ở đâu? Em có còn sống trên đời này nữa không?
Ở cánh đồng hoang sát bìa rừng, mẹ Giang ngồi cạnh nấm đất mới là mộ của con Giang. Bó hương nghi ngút khói. Bà chắp tay. Hai dòng nước mắt trong vắt rỉ từ khoé mắt vào kẽ miệng bà.
Không gian chiều tịch mịch, tịch mịch như thể sự sống đã bỏ quên chốn này.
Tác giả: Thiên Sơn – Thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *