Bài nổi bật

Bức tranh thay đổi

Truyện đêm khuya  – Bức tranh choán gần hết bức tường. Người vẽ bức tranh là một họa sĩ mà chồng nàng quen biết, còn nàng đã không kịp làm quen với họa sĩ này. Bức tranh vẽ trên nền vải, được treo trong nhà trước ngày chồng nàng lên đường thực hiện chuyến thám hiểm Himalaya và anh không quay về nữa – nàng chờ chồng đã mấy năm nay, có lẽ nàng vẫn chờ tiếp chăng?
Trên tranh, một người đàn ông, trán hói, khỏa thân, tay cầm máy ảnh, chĩa ống kính đen về phía miệng đứa bé. Hình người được phản chiếu trong gương, cho nên bé gái độ vài tuổi với nụ cười khó hiểu trên môi đang nhìn người khỏa thân, đồng thời cũng nhìn về phía chúng ta, cái nhìn vô cùng khó hiểu. Đứa bé giống nàng một cách đáng sợ, khi nàng còn nhỏ. Liệu có khả năng Robert đã cho họa sĩ mượn ảnh nàng hồi bé để làm mẫu hay không?
Đây là một họa sĩ danh tiếng, thậm chí nàng đã nhìn thấy ông ta trên ti vi, nghe nói các nhà phê bình nghệ thuật đã liệt các tác phẩm hội họa của ông vào dòng hiện thực huyền bí. Bức tranh trụy lạc không những vì hình ảnh khỏa thân của người đàn ông tương phản với nét dịu dàng của đứa bé, mà còn là vì có cái gì đó lẳng lơ trong nụ cười của bé gái, có lẽ máu dâm dục đàn ông chỉ đợi cái nháy mắt làm hiệu của cô bé là nổi loạn.
Bức tranh làm nàng buồn, bởi nó gợi lại cái chết của chồng nàng. Nụ cười của bé gái, và việc nó giống nàng khiến nàng ái ngại, dáng vẻ người đàn ông khỏa thân chẳng ăn nhập chút nào với gương mặt dịu hiền, dễ thương của người này, một trí thức Ba Lan – giống người hình như đã bị tuyệt chủng. Đầu hói, râu thưa, hai mắt suy tư trong mục kỉnh – nàng thích những người đàn ông như vậy.
Từ ngày Robert bị mất tích, nàng không quan tâm đến đàn ông nữa. Nàng tống khứ họ ra khỏi đầu óc mình rồi. Người đàn ông duy nhất hàng ngày hiện diện trong nhà nàng là người đàn ông khỏa thân đứng trong bức tranh này.
Nàng làm việc tại một văn phòng, chẳng phải tại một cơ quan sang trọng gì, nàng nhét tham vọng công danh của mình vào ngăn kéo từ lâu rồi. Nàng sống bằng cuộc sống của chồng, bằng thành công của chồng, bằng những con số tám nghìn mét chiếm lĩnh núi cao của chồng. Chồng nàng thường đi xa. Ở nơi vừa xa xăm vừa cao ngút đó chồng nàng đã phản bội nàng, để bám theo những đỉnh núi mà nàng chỉ có thể nhìn thấy trong trí tưởng tượng, để theo đuổi những người đàn bà mà nàng chẳng thể hình dung. Nàng đinh ninh có chuyện bội tình đó, nhưng nàng chẳng cần biết cụ thể mà làm gì. Chồng nàng, người nhiều hơn nàng mươi tuổi, là người đàn ông đầu tiên và cũng là người đàn ông cuối cùng của đời nàng – là sự đê mê to lớn chẳng khác gì những ngọn núi cao với những cái lưỡi băng giá buốt. Chồng nàng là người biết lo toan, kiên định, là một người đàn ông tuyệt vời mỗi khi gặp tai ương, tuy vậy mối hiểm nguy của cuộc sống thường nhật luôn đe dọa anh. Có lẽ tại vì chồng nàng đã bỏ nhà chạy lên núi cao, và lúc anh quay về nàng cảm thấy chồng mình sao mà lạnh lùng, sao mà xa lạ làm vậy. Họ không có con, lỗi tại anh chồng chăng? Tuy nhiên, suốt đời mình, nàng nương tựa vào chồng, còn chồng nàng thường hay đi xa để rồi rốt cuộc đi xa mãi mãi.
Ngày mai nàng tròn ba mươi nhăm tuổi. Nàng đẹp, nhưng là cái cái đẹp khiêm nhường, cái đẹp không có điểm nhấn, không khoa trương. Nàng thích tranh tối tranh sáng, ánh sáng trong ngôi nhà ấm cúng của nàng là thứ ánh sáng dìu dịu, nàng chỉ sử dụng những ngọn đèn tường loại nhỏ, tỏa ánh sáng vàng rộm, hài hòa.
Chẳng bao giờ có thể tìm được thi thể chồng nàng chôn vùi dưới những tảng băng. Một khi không có thi hài thì chẳng thể có lễ an táng – nghĩa là không có những cục đất đập vào quan tài một cách dữ dằn và vô tích sự, cũng không có những vòng hoa mà khi khô héo thì chúng nói về cái chết còn nhiều hơn tất thảy mọi điếu văn trên trần đời. Biết đâu anh ấy vẫn còn sống đấy nhỉ? – Thỉnh thoảng nàng trộm nghĩ như vậy.
Bạn hữu của chồng nàng gọi điện, nhưng về sau họ thôi. Đối với họ, nàng tựa hồ sự day dứt lương tâm, họ tiếp tục đi hết cuộc thám hiểm này đến cuộc thám hiểm khác và trở về nhà sau mỗi chuyến đi như vậy.
Nàng cảm nhận, đối với nàng thế giới này là vô vị, chẳng đẹp đẽ gì. Con người ta thay đổi, tiền tài, ca cẩm không tiền, đó là đề tài chủ yếu của những cuộc chuyện trò; thậm chí người ta không còn đàm đạo về thời tiết nữa, mặc dầu đã sang xuân, mà ở Ba Lan mùa xuân là mùa có thể biến đổi cỏ cây như người ta biến đổi từ theo các cách của ngữ pháp Ba Lan, một loại ngữ pháp vốn chẳng dễ chút nào.
Mùa hè, vào các chiều thứ bảy, nàng ngự trên ghế bành, uống cà phê. Điện thoại vẫn im như mọi ngày. Nàng không còn chờ đợi sẽ có người gọi điện báo một tin quan trọng, nếu chuông reo thì chẳng qua đó chỉ là cú điện thoại gọi nhầm – đây có phải là cửa hàng bán buôn không? Nàng gắng trả lời nhã nhặn, điều chẳng dễ dàng gì.
Nàng uống cà phê bằng chiếc cốc có in hình con gấu, nom hơi giống loại cốc dành cho trẻ con, nhưng đó là chiếc cốc nàng thích. Nàng nhìn lên bức tranh – treo thế này liệu có quá cao không nhỉ? Nó đã bám rễ vào tường mất rồi, bây giờ mà động vào thì sợ lắm. Họa sĩ này có vợ, có gia đình không? Ông ta ở đâu? – Chắc là ở Warszawa, tất thảy những người nổi tiếng đều ở Warszawa. Khi ân ái với vợ mình, ông ta có để mục kỉnh sang bên cạnh hay không nhỉ? – Chắc là như vậy. Nàng nhẹ nhàng vén váy, đặt tay lên bụng, lồng các ngón tay xuống giữa hai bên đùi… Nàng khô khốc, không còn hứng thú. Mình trở thành con vật vô tính mất rồi – nàng nghĩ. Cụm từ “người đàn bà góa”, cụm từ ác độc, như một con dơi quấn chặt vào tóc nàng. Lúc đó nàng nhìn thấy một người đàn bà có “giống cái” khô khốc như vỏ bào.
Bức tranh nhìn nàng, ngạc nhiên trước những gì nàng vừa làm. Nàng đỏ mặt. Bất thình lình nàng nhìn thấy, trên tranh, ở chỗ đen thẫm dưới bụng người đàn ông… có chuyện gì đó xảy ra… Nàng nhắm nghiền hai mắt, còn khi nàng mở mắt ra thì nàng nhìn thấy cái con giống không to nhưng rõ mồn một bây giờ không còn nguyên xi như cũ nữa?
Nàng đứng dậy, tim đập thình thịch, đi ra ngoài. Tuy nhiên một lúc sau nàng quay lại. Người đàn ông trong tranh đang lên cương. Nàng định gọi điện cho ai đó để thổ lộ mối lo ngại của mình, tuy nhiên, những người gần gũi với nàng lúc này lại hóa thành xa, vì nàng sợ bị nhạo báng.
Nàng cố đọc sách, nhưng không tập trung nổi. Suốt một giờ đồng hồ liền nàng không nhìn vào bức tranh. Sau đó nàng ra ngoài đi dạo. Nàng thích mưa bụi ngày xuân, những hạt mưa xuân rơi nhẹ nhàng đến nỗi chúng làm cho cây cỏ, mặt đất và gạch lát vỉa hè dậy mùi. Nàng bước đi vô định, cho nên nàng có thể bình thản ngắm nghía tủ trưng bày trong các cửa hàng. Mấy năm vừa rồi những đường phố này thay đổi biết nhường nào. Nàng chần chừ khi đi ngang qua rạp chiếu phim gần đó, nàng không dám đi xem phim một mình. Hễ rạp chiếu phim tắt đèn là nỗi cô đơn ngồi xuống bên nàng, để gối cái đầu lạnh giá lên vai nàng, đúng chỗ chồng nàng vẫn luôn luôn gối đầu vào mỗi khi phim dở. Nàng vào một cửa hàng, như thường lệ tìm mua loại sữa chua hoa quả còn mới.
Về nhà nàng pha trà, mở sữa chua, ngồi ghế bành. Nàng liếm thìa, nhắm hai mắt lại để cảm nhận vị dừa chua chua ngọt ngọt đang mơn trớn miệng lưỡi. Nàng nhìn lên bức tranh vải – con giống của người đàn ông đã đổi dạng. Nàng dám chắc như vậy. Vậy là mối lo ngại đã trôi qua – nàng mỉm cười – chuyện này buồn cười, rất buồn cười – nàng nói với chính mình. Nàng đem chiếc ghế đẩu đặt bên dưới bức tranh, nàng đứng lên ghế, chìa tay về phía người đàn ông, nhưng nàng không dám chạm tay vào tranh, hốt hoảng rụt tay lại – nàng nghĩ – thật là buồn cười, còn ta, ta không thẹn thùng.
Bức tranh thay đổi
Nàng ngồi trên ghế bành, tay ôm cốc trà đã nguội lạnh. Nàng uống từ tốn, ra chiều thích thú, rồi nàng ăn sữa chua. Nàng với tay cầm cuốn danh bạ điện thoại. Nàng biết họ của nghệ sĩ, thì ra đây là cái họ rất phổ biến, chứ không như nàng nghĩ – tên thì nàng không dám chắc? Nàng mở cuốn từ điển bách khoa phổ thông mới xuất bản ra xem. Họa sĩ có trong ấy! Cho nên ông ta có tên và số điện thoại.
Nàng không có có ý định gọi điện thoại. Nàng sợ những người nổi tiếng, thực ra những người không nổi tiếng thì nàng sợ cũng chẳng kém là bao. Nàng khả dĩ nói gì với ông họa sĩ nhỉ? Bức tranh của ông đang treo ở nhà em, không có chồng em ở nhà, anh ấy đã tử nạn, còn ông trên bức tranh này… nếu đó đúng là ông? Lên cơn… em xin lỗi về hai từ cương lên. Cô bé đa tình này có phải là em hay không?
Nàng nhẩm đi nhẩm lại rất chuẩn xác đoạn thoại này trong đầu. Số điện thoại của họa sĩ nàng đã ghi vào sổ tay, sắp tới đây ông ta sẽ thường xuyên hiện diện trong đầu nàng. Chẳng biết động cơ nào đã khiến nàng rốt cuộc gọi điện. Mặt trời đã náu mình sau những ngôi nhà, sau những rặng cây, và như thường ngày, chim chóc kêu ríu ran lúc chiều buông, cứ như chúng sợ mặt trời lặn đi vĩnh viễn. Những tiếng chim hót cuối cùng trong ngày luôn luôn chắp cánh cho nàng.
Khi nghe giọng đàn ông trong điện thoại, nàng định đặt ống nghe xuống. Song thái độ ứng xử lịch thiệp, tính cách vốn có của nàng từ thuở ấu thơ, ngày càng phát triển như một cây lưu niên cành lá ngày càng xum xuê, đã giữ tay nàng lại. Nàng lắng nghe từng lời.
– A lô, có ai ở đó không? – giọng đàn ông, có phần sốt ruột, hỏi.
– Có em đây, em xin lỗi.
Nàng tự giới thiệu, rồi say sưa kể về bức tranh treo trong nhà nàng. Nàng cảm nhận, họa sĩ xúc động trước từng lời nàng kể, ông còn đỡ lời nàng – đúng, tất nhiên, ông nhớ, làm sao lại không nhớ cơ chứ, ông vẽ bức tranh này rất lâu, song rất nhiệt tình, đây là một bức tranh khá bạo tay, đúng không nào? Họa sĩ xúc động trước cái chết của Robert, ông đã không gọi điện, vì chẳng biết nói gì.
Giọng họa sĩ trẻ trung, chân tình, đượm buồn.
– Cái chết luôn làm tôi mất tự tin, nhưng đó không phải là lời biện minh, giá mà tôi quen biết chị, nhưng chúng ta đã không kịp làm quen… Còn bây giờ xin chị nhận lời chia buồn của tôi… Tôi hy vọng, bức tranh sẽ không làm chị đau đầu, nó có phần không được nhã nhặn cho lắm, tôi biết có một số người phàn nàn tranh của tôi, thậm chí tranh của tôi còn bị tố cáo là làm mất ngủ… Tôi và Robert cùng học với nhau thời trung học phổ thông, chị không biết hay sao?
Nàng để cho mình được chìm đắm trong ngôn từ, rất may nàng chẳng phải nói gì, còn họa sĩ tài danh không hề bực mình, thậm chí ông còn lấy làm hài lòng về việc nàng đã gọi điện. Những lời nói tốt đẹp về Robert tựa hồ một cốc sữa nóng tưới vào con tim giá lạnh của nàng. Tuy nhiên, nàng đã không tiết lộ, cái gì là nguyên do thầm kín của cú điện thoại này, họa sĩ đã chủ động khêu gợi nàng bằng những câu hỏi:
– Bức tranh của tôi hiện giờ thế nào? Cô bé vẫn còn mỉm cười, hay bây giờ đã thành một người đàn bà rồi?
– Cô bé không thay đổi gì… chỉ có người này… đó là ông phải không?
– Sao chị biết?
– Em không biết, đó là em nghĩ vậy thôi.
– Có lẽ đó là tôi, nhưng thế này… tôi, mà lại không là tôi, trong nghệ thuật thường vẫn vậy…
– Hình như có gì đó thay đổi trong bức tranh… em không dám chắc… nhưng làm gì lại có chuyện như vậy, đúng không nào?
Họa sĩ cười phá lên, vui vẻ, đúng là một chàng trai. Ông thích giọng nói của nàng, trong giọng nói đó có cái bất lực ấm nồng và nét duyên lúc lúc hé lộ giữa các ngôn từ, song duyên nhất vẫn là những giây phút nàng lặng im vì khó nói.
– Các bức tranh thay đổi, khi chúng ta thay đổi và thế giới thay đổi, thế giới này thật vô liêm sỉ, đúng không? Chúng ta thì không, chúng ta chẳng hề bận tâm đến nó. Và còn thời gian nữa, thời gian làm thay đổi mọi thứ, đôi khi nó làm việc này một cách nham hiểm, lắp những chiếc khung mới vào những bức tranh cũ. Cho nên sau nhiều năm tháng, tôi sợ gặp lại các tác phẩm của mình, tựa hồ gặp người nào đó rất gần gũi, nhưng bỗng nhiên trở thành xa lạ… tuy vậy tôi sẵn lòng xem lại bức tranh này.
Cho nên có thể nói, họa sĩ đã tự mời mình đến nhà nàng. Nàng vừa ngại lại vừa thích cuộc gặp gỡ này. Nàng nghe nói, các họa sĩ thường bực mình khi tranh của họ bị treo sai – ngoài ra, nàng sẽ làm cho họa sĩ chán, vì nàng có gì để nói đâu. Ông hẹn sẽ đến nhà nàng vào chiều ngày kia.
Nàng không nhắm mắt nổi, vì cứ nhớ hoài cuộc trò chuyện của hai người. Nàng cẩn trọng với sự bạo gan của mình. Nàng nhớ chắc chắn rằng khi họa sĩ nói về những năm tháng đã trôi qua thì lời ông như bị mây mù che phủ. Và nàng đã ngủ thiếp đi trong những đám mây như vậy.
Tiếng hót của chim chóc, những chú chim lại nuôi hy vọng, làm nàng thức giấc. Nàng tràn đầy nghị lực, một ngày chủ nhật đẹp trời. Hôm nay sinh nhật lần thứ ba mươi lăm của nàng. Khi nghĩ về tuổi tác của mình, nàng cảm thấy có cục đắng trong họng, nhưng bây giờ cục đắng này đã hòa tan trong cái bận bịu của buổi sớm mai. Sau đêm hôm qua, nàng cảm thấy mình đã lại sức, nhưng phải khi đứng dưới vòi hoa sen, nàng mới nhận ra rằng, lần đầu tiên từ nhiều năm nay nàng cảm thấy khỏe khoắn trong người.
Phủ chiếc khăn tắm trên đầu, nàng đi vào chỗ bức tranh. Không có gì thay đổi từ hôm qua, nghĩa là cái thay đổi bất nhã đã bám chặt.
– Kẻ bất nhã – nàng lẩm nhẩm và mỉm cười với ý nghĩ rằng nói vậy là nàng muốn nói tới người có tên trong từ điển bách khoa, nhưng hôm nay, không thể tin nổi, sẽ là khách của nàng.
Nàng còn phải dọn dẹp nhà cửa tinh tươm, nướng bánh. Họa sĩ hẹn đến thăm nàng vào lúc năm giờ chiều, cũng may đây không phải là giờ bắt buộc. Liệu nàng có kịp không nhỉ? Sau cái chết của chồng… (cái chết! Lần đầu tiên nàng nghĩ về sự thiếu vắng này một cách nhất quán) thời gian của nàng trôi nhanh hơn so với mọi người… Càng lúc nàng càng cảm thấy nàng là con rùa vùi mình trong cát. Lúc nàng bước vào trong bếp, dao thớt và nồi niêu xoong chảo nói – nhà ngươi sẽ không kịp đâu. Ngày nghiêng nghiêng như chiếc đồng hồ cát và nàng nghe thấy từng phút đồng hồ đang róc rách trôi đi. Tuy nhiên, sau một giờ làm việc, nàng đã biết, lần này thời gian trôi đi theo cách khác… chân tình. Đến trưa thì nàng đã làm xong món bánh ga tô pho mát. Nàng cũng đã kiếm được hai chai vang Italy, rất lâu năm.
Họa sĩ đến đúng giờ. Khi mở cửa đón ông nàng đã nhìn lên quá cao, chắc nàng sợ, mà cũng có thể tại vì họa sĩ thấp hơn nàng tưởng. Cái bắt tay của họa sĩ mới mềm mại làm sao, đúng như nàng đã tiên lượng. Họa sĩ mang bó hoa tuy líp, loài hoa nàng cực thích, đến tặng nàng. Sao ông ta lại biết được nhỉ? Ngay khi còn ở ngoài ngưỡng cửa họa sĩ đã ngửi thấy mùi thơm của bánh mới, ông hít mùi thơm này… Họa sĩ bật mí rằng, ông rất thích bánh ga tô pho mát, và đến thăm nhà ai ông cũng rất thích nhà bếp. Cho nên họ ngồi luôn trong bếp. Họa sĩ đề nghị nàng cho ông uống cà phê, trà thì nàng pha cho nàng. Mặc dầu bối rối, lần đầu tiên nàng chăm chú ngắm họa sĩ.
Họa sĩ trạc ngoài bốn mươi, tức thị nhiều hơn trong tranh chút ít, tuy nhiên ông chính là ông – ông khỏa thân cầm máy ảnh. Trong tranh bộ râu của ông vẫn đen, trong nhà bếp của nàng lúc này nó có màu bạc trắng.
Họa sĩ là người hồn nhiên, nghĩ về mình, nhưng chẳng biết mình. Ông bảo rằng, trong hội họa cái khó nhất không phải là vẽ người và vật một cách trung thực, người ngoại đạo thì cho như vậy, mà là kỹ năng biểu đạt sáng và tối. Họa sĩ vừa nhắc tới Robert, song ngay lập tức ông linh cảm, nói ít về anh bạn có lẽ hay hơn. Họa sĩ ăn liền một mạch ba miếng bánh ga tô pho mát. Nàng cảm nhận, nàng đã thành công – lần đầu tiên từ nhiều năm nay.
Miệng họa sĩ ăn, đầu họa sĩ nghĩ… nom nàng thế mà đẹp, nhưng là cái đẹp không dễ dàng… và nàng dễ thương… Họa sĩ quyết định hành động, điều không đơn giản, ông nói:
– Còn bây giờ chúng ta đi xem bức tranh của tôi, nói thật là tôi đến chết vì sợ mất thôi – họa sĩ cười to, tuy vậy trong cái vui lại có cái lo.
Bức tranh thay đổi
Nàng muốn giữ họa sĩ lại, nói trước với ông là nàng sợ – nàng nghĩ, chuyện xảy ra là tại nàng, tuy nhiên nàng nghi ngờ tột độ, hay là do nàng ảo tưởng chăng?
– Tôi treo trong phòng khách phải không? – họa sĩ hỏi, giọng giễu cợt, như muốn nhấn mạnh sự đa nghĩa của từ “treo”. Nàng giải thích, nhà em chỉ có một phòng ngủ và phòng khách nhỏ, cũng may không đến nỗi quá bé, ông vẽ toàn tranh to.
– Toàn tranh to, rất to, cho nên gây phiền toái cho nhiều người, nhất là những người có nhà nhỏ – họa sĩ nói. Nhận thấy nàng khó xử, họa sĩ tiếp luôn – xin lỗi, tôi không có ý như vậy.
Họa sĩ đứng đối diện với bức tranh, thoạt tiên ông nhìn vào bên dưới cái trán đang cúi… một cử chỉ khiêm nhường, nhưng đồng thời cũng thể hiện lòng quả cảm của nghệ sĩ sau bao năm nay mới gặp lại tác phẩm nghệ thuật của mình. Đột nhiên họa sĩ lên cơ bắp, nom ông bây giờ chẳng khác gì đô vật đang gồng mình.
Nàng đứng ở ngưỡng cửa, lấy làm lạ khi thấy mình sốt ruột một cách vô vọng và ngu xuẩn. Họa sĩ cởi mục kỉnh, lau kính, đoạn nhìn nàng. Nàng có cảm giác ông có đôi mắt ướt, phải chăng đó chỉ là lầm tưởng? Họa sĩ đeo mục kỉnh vào, đoạn bước lại gần bức tranh. Sau đó ông lùi ra xa, nhún mạnh hai vai, như muốn trút bỏ cái gì đó.
– Xin chị thứ lỗi, tôi hỏi khí không phải, liệu có người nào đó… có người nào đó đã sửa, ý tôi muốn nói… vẽ thêm vào bức tranh cái gì đó…?
Nàng cảm thấy như bị họa sĩ đấm mạnh… Nàng tựa người vào khuôn cửa.
– Vẽ thêm ư? Em xin thề, em không có vẽ!
– Lạ thật, nếu vậy thì tôi không hiểu gì hết – họa sĩ nói.
Nàng ngồi vào ghế bành, thở mạnh.
– Em chẳng biết, liệu chúng ta có cùng nghĩ vậy, thế nhưng em cũng có để ý, em nhận ra điều này hôm qua, cách đây mấy ngày vẫn chưa có chuyện gì, có gì đó đã thay đổi trong bức tranh, cho nên em mới gọi điện… em đã tìm cách nói chuyện này với ông qua điện thoại còn gì.
– Liệu chúng ta có cùng nghĩ như vậy? – họa sĩ nhìn vào mắt nàng, tuy nhiên ngay lập tức ông nhìn ra chỗ khác.
Nàng cảm thấy như đang trong giờ thi vấn đáp.
– Có lẽ ông đã thay đổi, xin lỗi, người đàn ông trong tranh đã thay đổi, em chẳng biết nên diễn đạt chuyện này như thế nào…
– Anh ta… tôi… nghĩa là anh ta đang cương cứng – họa sĩ nói, cởi mục kỉnh để lau một lần nữa.
– Có lẽ như vậy – nàng nói, thở phào nhẹ nhõm. Thì ra nàng đâu có nhầm!
Họa sĩ bước lại sát bức tranh, chăm chú dò xét, yêu cầu nàng đưa cho chiếc ghế đẩu, đoạn ông đứng lên ghế. Nàng đứng kề bên, vẻ mặt chăm chú. Mặc dầu có nhiều cái lo, song nàng đã nhận ra tính bi hài của màn kịch này. Nàng mỉm cười, để canh chừng, nàng chỉ mỉm cười trong bụng.
– Nom tôi có giống bác sĩ bệnh hoa liễu hay không nhỉ? – họa sĩ hỏi, tiếp tục xem xét chỗ bị nghi ngờ.
– Giống chút xíu thôi – nàng nói, giấu nụ cười trong khum bàn tay.
– Tôi chẳng hiểu gì cả, xem ra không có ai làm gì… còn chị đâu có đùa với tôi, liệu đây có phải là chuyện tiếu lâm hay không nhỉ?
Họa sĩ nhìn nàng chăm chú, không bực tức, mặt chỉ đượm buồn. Nỗi lo của nàng hòa trộn với nỗi mừng, nàng rất muốn khóc và cả muốn cười. Nàng vội vàng cam đoan với họa sĩ, không có kẻ nào bén mảng tới đây khi nàng vắng nhà, còn bản thân nàng thì mù tịt hội họa, có chăng chỉ là sự kính trọng đối với nghệ thuật mà thôi.
– Chị bảo rằng chuyện này mới xảy ra gần đây… song tôi dám tin rằng, lúc nào bức tranh cũng vẫn nguyên xi như vậy. Tôi nhớ, tôi đã vẽ bức tranh này như thế nào, chính chỗ này – Họa sĩ nhấn mạnh “chỗ này”, giọng có phần bi quan – chính chỗ này đã gây khó dễ cho tôi, làm tôi rất khó xử, tôi muốn chỗ này phải là chỗ kín đáo, đây là một bức tranh khá bạo tay, tôi biết điều này. Còn bây giờ nó đã trở thành bức tranh rất thô tục… – Họa sĩ nói như muốn oán trách ai đó, ông lặng im, rồi lại nói tiếp, vẻ mặt đầy ưu tư… – Như thế này là quấy rối trẻ em mất rồi, chính chị công nhận…
Họa sĩ rời khỏi ghế, ông bước mạnh đến nỗi sàn nhà kêu ken két. Ông nhìn về phía nàng, nhưng tránh nhìn trực diện vào mắt. Thay vào đó, gương mặt cởi mở và chân tình, bây giờ nàng mạnh dạn nhìn thẳng vào ông. Sao lại có chuyện không tin nàng, họa sĩ hoàn toàn không tin chính mình nữa. Nhưng mà không! Ông chắc như đinh đóng cột, ông nhớ, ông vẽ những gì hồi đó. Bỗng họa sĩ cười, như thể ông thôi không còn nghĩ như thế. Nàng nhanh chóng, sốt sắng đáp lại ông cũng như vậy. Bây giờ nàng cảm nhận, nàng không thể kiềm chế bản thân được nữa… và nàng bật cười. Họa sĩ do dự, đoạn cùng cười với nàng.
Họa sĩ đặt tay vào bụng đang càng lúc càng hằn rõ dưới áo sơ mi, ông cười khì khì, ngộ nghĩnh đến nỗi tiếng cười của ông khiến nàng không nhịn được cười. Tuy nhiên cười cũng như lửa – khi bùng lên thì vụt tắt.
Lặng im, thoạt tiên có phần khó xử. Nàng đã không cho phép mình cười từ nhiều năm nay, đến nỗi nàng cảm thấy bị choáng, như thể vừa mới ra khỏi căn phòng ngột ngạt, thiếu dưỡng khí. Còn họa sĩ cảm thấy xấu hổ với tiếng cười khì khì của mình – ông biết, ông đang tuôn ra khỏi họng những âm thanh dị thường, ông từng tập cười sao cho tiếng cười đạt thẩm mỹ cao, nhưng không thành công. Sau giây lát lúng túng, họa sĩ nói:
– Như vậy là chúng ta đã bông đùa với sự việc, tuy nhiên tôi cũng chẳng biết, sự việc có hệ trọng đến mức như vậy hay không, chúng ta đã gặp một hiện tượng màu nhiệm, mặc dầu bức tranh không liên quan gì đến Đức Mẹ… Chị có theo đạo hay không?
– Em có, nhưng theo cách của em, rất ít khi em đi nhà thờ, cho nên ông không xúc phạm tâm linh của em đâu. Ngoài ra, em chẳng tin vào phép màu.
– Tôi cũng không, thế nhưng có lẽ bây giờ đã đến lúc tôi tin…
– Biết đâu trong lịch sử hội họa đã xảy ra hiện tượng tương tự như vậy thì sao, em nghĩ… trong trường hợp các tác phẩm cực kỳ nổi tiếng…?
Họa sĩ nhìn nàng với vẻ nghi ngờ. Tuy nhiên nàng nói rất nghiêm chỉnh, cho nên ngay cả khi những lời nàng nói có ngây thơ thì cũng là những lời khen xã giao, có nghệ sĩ nào lại không xứng đáng được ngợi khen?
Họa sĩ giảng giải cho nàng như đang trong giờ lên lớp – ông chưa hề nghe nói đã từng xảy ra hiện tượng tương tự thế này, các bức tranh sống cuộc sống của mình. Trong quá khứ người ta đã từng đốt tranh, vẽ lại tranh, đục tranh. Nhưng chuyện một bức tranh tự thay hình đổi dạng thì ông chưa hề nghe nói bao giờ, chỉ có chuyện Đức Mẹ khóc, Chúa Giêsu chảy máu, nhưng đó là chuyện hiển linh của tôn giáo.
– Hay là một thời kỳ mới của hội họa đã bắt đầu? – ông nói, giọng giễu cợt – Bức họa của tôi đã mở ra thời kỳ hội họa ương bướng và ác độc. Các cơ quan sinh dục trong các bức tranh của Rubens sống lại, làm cho những đôi mông to của đàn bà trong tranh của ông đung đưa, lúc lắc, dương vật của các vị thần rừng cương lên… đây quả là vấn đề quái đản đối với các nhà sử học trong lĩnh vực hội họa, là sự kích dục trong các viện bảo tàng mà rồi sẽ phải cấm trẻ em. Thật là bi đát đối với các họa sĩ đang sống sờ sờ!
Họa sĩ lặng im để rồi nói tiếp, giọng càng to hơn:
– Biến cố trong bức tranh của tôi đúng là một sự suy đồi đối với giá trị nghệ thuật của bức tranh! Hầu như là tội ác rồi còn gì! Và tất nhiên… nhẽ ra một chuyện gì đó đại loại như vậy đã phải xảy ra đối với tôi, tôi đã có được cái may mắn chết tiệt này.
Trong cuộc sống, họa sĩ thường hay lường trước những kết cục tồi tệ và đáng buồn. Mới ngày hôm kia đây thôi, trong xưởng vẽ của ông đường ống nước bỗng dưng sôi sùng sục, như thể có con thú to đang súc miệng. Ông nhớ, có lần sau tiếng sùng sục như vậy, một ống nước đã bị vỡ, nước chảy lai láng tràn sang mấy nhà hàng xóm, còn những bức tranh ông để trong xưởng họa bị đe dọa. Khi họa sĩ hốt hoảng gọi điện cho ban quản lý nhà và hỏi, ông phải làm gì bây giờ, thì giọng một cô gái bên kia đầu dây yêu cầu ông hãy đi mà uống thuốc an thần. Điều cực tệ là ông đã làm theo lời khuyên của cô gái, cái đã xúc phạm ông. Bây giờ bức tranh này đang khiến ông liên tưởng tới những ống nước kia… Ông không nghĩ là toàn bộ câu chuyện dị thường này sẽ có thể có kết cục may mắn.
Họa sĩ đề nghị nàng hãy giữ kín chuyện bức tranh. Chuyện này mà lan ra khắp thành phố Warszawa thì sẽ là đề tài cho thiên hạ tha hồ nhạo báng. Ông có phần ngây thơ khi lo lắng như vậy. Nàng nhận ra trong họa sĩ một chàng trai đang lo ngại và nàng hoàn toàn không sợ ông nữa.
– Hay là ông uống chút rượu vang có được không? – nàng đề nghị.
Họa sĩ thích vang đỏ, ông ngạc nhiên về tuổi của chai rượu khi nàng đưa cho ông xem. Robert mang chai rượu này về nhà sau chuyến đi lên rặng Alp ở Italy, nơi anh huấn luyện thanh niên leo núi. Tuy nhiên, nàng không nói ra chuyện này. Mở chai rượu của chồng để lại, nàng cảm thấy có gì đó hai lòng, nhưng nàng cứ mở, không chút do dự.
Nàng quan sát, cẩn thận song chuẩn xác, họa sĩ xoáy cái mở nút chai vào nút li-e. Ông có đôi bàn tay khum khum hình bát, nhưng là đôi bàn tay khéo léo. Trước khi rót rượu vang, họa sĩ định giết con sâu đang bò nghênh ngang trên mặt bàn, như thể nó đã xác định mục tiêu từ trước.
– Xin ông đừng làm như vậy – nàng yêu cầu – em không giết bất cứ thứ gì còn sống, em vốn yếu đuối như vậy đó.
– Tất nhiên, yếu đuối… nhưng mà đẹp – họa sĩ nói, nâng con sâu trong lòng bàn tay đi ra phía cửa sổ, mặc dầu ông rất ghét sâu bọ.
Họa sĩ uống rượu vang nom khá vồ vập, cứ như ông là người thường hay lui tới đất Pháp hoặc đất Italy. Ông khen rượu ngon. Sau vài ly rượu, họa sĩ cảm thấy dễ chịu. Bây giờ ông liếc nhìn bức tranh của mình, bức tranh mà lúc nãy ông vẫn còn tưởng là nỗi bất hạnh, là sự nhạo báng cay độc, còn bây giờ ông thấy đây là bức tranh chọc cười.
Nàng vốn không thích rượu, uống rượu vào là nàng đau đầu, nàng biết là nàng phải thận trọng. Họa sĩ hỏi nàng về công việc. Nàng cảm thấy khó nói, công việc của nàng buồn tẻ lắm. Nàng thổ lộ, trong phòng làm việc của mình, do buồn, do chán, nàng thường thu thập tiếng cười của thiên hạ.
– Thu thập bằng cách nào vậy?
– Em nhớ nhập tâm tất thảy mọi tiếng cười, được cái trí nhớ của em rất tốt, thiên hạ ít khi cười, cho nên việc em nhớ nhập tâm chẳng khó khăn gì.
– Thế chị còn thu thập những thứ gì nữa?
– Mùi vị của các loại sữa chua – nàng nói lí nhí trong họng.
Họa sĩ gật đầu, như thể ông thông cảm với nàng, ông từng sưu tầm mùi vị của đàn bà, nhưng chuyện đã lâu lắm rồi. Mặc dầu lại cảm thấy thiếu tự tin, nàng hỏi họa sĩ về cô bé. Không, chẳng bao giờ ông có ảnh cô bé này, ông vẽ đứa bé ông đã nhìn thấy trong giấc chiêm bao đêm nọ, sau đó ông vẫn còn chiêm bao như vậy liên tiếp mấy lần liền. Cô bé này giống đứa con gái của chị hàng xóm, nhưng chỉ là giống thôi.
– Bây giờ con bé đã lớán, xấu đi – họa sĩ thở dài ngán ngẩm. Bé gái trong tranh là con gái của chị láng giềng, nàng phải hiểu ngầm như vậy.
Nàng đi vào phòng làm việc của mình để cho họa sĩ xem bức ảnh thời thơ ấu của nàng. Ông ngắm ảnh rất lâu, chăm chú.
Tất cả các bé gái xinh đều na ná giống nhau, tuy nhiên trường hợp này thì không thể tin nổi, gương mặt hai cô bé giống hệt nhau, thật đáng ngạc nhiên!
Họa sĩ lắc đầu không tin.
– Ông… rất thích hai cô gái bé bỏng này phải không?
Nàng sợ sự bạo gan của mình đến nỗi không giấu nổi chuyện này. Nhưng họa sĩ mỉm cười dịu dàng.
– Tôi không bao giờ quấy rối trẻ em, thế nhưng tôi còn biết làm gì, một số cô bé có gì đó rất gợi tình, nhưng không bao giờ tôi bị đe dọa, có lẽ không bao giờ…?
Họa sĩ đăm chiêu, cụm từ “có lẽ không bao giờ” dao động trong ông như quả lắc trong chiếc chuông. Tuy nhiên ông không nói gì thêm, ông uống cạn ly rượu tiếp theo. Hầu như vô thức, nàng đưa cho họa sĩ một chai vang nữa để ông mở nút. Mấy lần họa sĩ đi vào chỗ bức tranh của mình, như thể ông muốn giám định để kết luận dứt khoát. Bất thình lình họa sĩ nói huyên thuyên – ông nói, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, có một nghệ sĩ như ông đã phải kiên trì theo đuổi mỹ thuật, mà vải, thuốc vẽ, truyền thống và văn học là cốt lõi của hội họa. Bây giờ mỹ thuật đang vượt khung, để kiếm tìm giật gân, li kỳ, sổ toẹt truyền thống hoặc… tất cả những sắp đặt, những trình diễn chính là cuộc xâm lăng của lũ man di…
Nàng nghe ông nói cứ như đang nghe kể về tấn thảm kịch của một thế giới xa xăm, nhưng nàng dễ dàng đồng cảm, thậm chí lệ nhòa hai mắt khi con người cam chịu này mấy lần nhắc lại – công sức của tôi chẳng nghĩa lý gì nữa rồi…
Nàng được biết họa sĩ chẳng con cái gì, vợ ông là bác sĩ, mến ông, nhưng họ đã ly thân, mấy lần tính chuyện ly dị, nhưng họ luôn luôn đi tới kết luận, ở riêng thì sẽ còn tệ hơn bây giờ.
Nàng muốn đền đáp ông một cái gì đó thâm tình, nhưng không tìm được cái gì đại loại như vậy. Nàng không muốn nói về Robert, còn cuộc đời của nàng thì có gì hay ho đâu. Uống cạn một ly rượu nữa, họa sĩ nói:
– Tôi ghen với bộ sưu tập những tiếng cười và các mùi vị của chị đấy, nó choán rất ít chỗ, còn tôi đang buộc phải thu gom các bức tranh của tôi, chị thấy đấy, toàn là tranh cỡ to, cực to… – Đầu họa sĩ kêu oang oang, ông líu lưỡi – toàn bộ xưởng vẽ của tôi ngổn ngang, tầng hầm chật ních, kể cả phòng ngủ, phòng khách, đúng là bi đát. Tôi đang bán bớt một ít tranh, tôi không thích bán tranh đâu, mà thiên hạ cũng chẳng thích mua, típ hội họa này bây giờ không mốt nữa, tranh đã bán rồi thì biến mất hút con lươn, hoặc như bức tranh này, phát điên, phát rồ… Tôi đang chia ly với tranh như chia ly với con mình, vào tay người ngoài…
Bất thình lình mấy giọt nước mắt lăn trên đôi má rậm râu của ông. Nàng vội đưa khăn mùi xoa cho họa sĩ. Ông miễn cưỡng cầm khăn, cởi mục kỉnh, lau mắt. Nàng cũng òa khóc. Họa sĩ đưa khăn mùi soa cho nàng, bỗng ông cầm lấy tay nàng, nắm chặt. Nàng không cưỡng lại. Nhắm nghiền hai mắt, nàng nhấm nháp bàn tay họa sĩ, tựa hồ nhấm nháp một loại sữa chua cười, mẫu vật quý giá nhất trong bộ sưu tập của nàng. Nàng cảm nhận có gì đó bên dưới bụng… Nàng nghĩ – mình không còn là người đàn bà góa nữa rồi.
– Tôi có một đề nghị với chị, à với em… chúng mình xưng hô với nhau là anh em được không?…
– Vâng ạ – Nàng đáp. “Vâng ạ” của nàng hàm ý là đồng ý tất cả, đồng ý tuốt tuột.
Bây giờ nàng chờ đợi để bàn tay chàng đáp lại “vâng ạ” của nàng và buộc nàng phải làm sao để cho “vâng ạ” đã do dự rốt cuộc đồng ý tất cả, đồng ý tuốt tuột… Tuy nhiên chuyện đó không hề xảy ra. Nàng run bắn người khi họa sĩ nói những lời nàng không hề lường trước.
– Anh muốn mang thuốc vẽ đến đây để khôi phục bức tranh như cũ, được không em?
Nàng trố mắt nhìn họa sĩ. Trong cái nhìn của nàng có cái gì đó hết sức bất ngờ, cái trước đó ông không nhìn thấy ở nàng.
– Không được – nàng nói chắc nịch, bực tức.
Lưng họa sĩ còng xuống như muốn ngã khụy. Đôi tay ngái ngủ của ông dốc nốt chỗ rượu vang còn lại trong chai vào ly, rồi ông uống cạn một hơi. Nấc nhẹ, họa sĩ hỏi, ông có thể ngả lưng ở chỗ nào, nàng dẫn ông vào giường, giúp ông cởi giày. Họa sĩ nằm xuống, để mục kỉnh trên bàn, áp mặt kính vào tường, một cử chỉ thân tình. Từ nhiều năm nay ông cởi mục kỉnh trước khi ngủ. Nàng lấy chiếc chăn xanh đắp cho ông. Đặt lưng nằm bên cạnh họa sĩ, nàng thủ thỉ: – Anh ơi, hôm nay sinh nhật em. Nhưng hình như họa sĩ không nghe thấy, ông ôm chặt lấy nàng rồi ngủ thiếp đi.
Tác giả: Tomasz Jastrun – Người thực hiện: NSƯT Kim Cúc

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *