Bài nổi bật

Cái mặt không xài được – Nghiêm Lương Thành

Phan Hữu Nghĩa, sinh năm 1965, kỹ sư công nghệ kín khít, tốt nghiệp đại học Bách Khoa, xuất thân từ một gia đình trí thức, bố mẹ là những giáo viên thế hệ tốt nghiệp vào những năm sáu mươi. Là quản đốc phân xưởng cắt gọt của nhà máy Hữu Nghị chuyển về. Đấy là tất cả những gì Năng biết về anh chàng tân giám đốc mới hai mươi chín tuổi của nhà máy.
Quan sát, săm soi, xì xào “nghị luận”, thì thầm bàn tán, chả được cấp nào quy định, nhưng nó cứ hồn nhiên xảy ra ở bất cứ đơn vị nào khi có một thủ trưởng mới về. Cũng phải thôi, bởi đấy là kẻ đứng đầu mà tài năng và đạo đức sẽ quyết định chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong toàn đơn vị.
– Mới ngần ấy tuổi đầu mà “qua mặt”, vượt lên trên cả các bậc lão thành, chắc là phải có ô dù hay chạy chọt, vận động chi đây !
– Thà cứ để y nguyên tay giám đốc cũ, hắn no kễnh rồi, ít làm hại hơn. Tuy là có vấn đề (mà ở đâu chả thế, có gì mới lạ đâu !) nhưng hắn ăn mười cũng còn biết để lại cho anh em vài ba phần. Còn tay này chưa biết thế nào, cứ để xem …
– Không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, về nhà máy mới có hơn hai tháng đã thay ngay Trưởng phòng tài vụ. Cái lão Thịnh ù lỳ, nói năng cứ đuồn đuỗn như dở hơi ấy, ngoài cái khoản “vở sạch chữ đẹp” thì có gì nữa, liệu có kham nổi cái chân ấy không ? Nguyên tắc là thứ chỉ dùng khi phát biểu thôi, thời buổi này mà cứ khư khư cái thói ấy thì đến cám cũng chả có mà ăn !
– Nghe nói lại sắp thay cả Trưởng phòng kỹ thuật nữa đấy.
– Ai thế ?
– Thằng Hiệp !  Cái loại lúc nào cũng khôi hài, mê chuyện tiếu lâm, cười nắc nẻ như trẻ ranh, chẳng coi việc gì là quan trọng, thì thử hỏi liệu có đủ độ nghiêm chỉnh để làm cái việc hệ trọng nhất của nhà máy không ?
– …
Đấy là một trong rất nhiều những mẩu đối thoại đã diễn ra trong cái nhà máy này. Năng nghe vậy, thì biết vậy; hắn nghe không sót một tiếng nào, mỉm cười với mọi người, không tỏ ý tán thành, cũng chẳng có biểu hiện phản đối. Như thế, hắn nghĩ, luôn đảm bảo được tính “bền vững” trong quan hệ mà không bị mắc vào những xung đột không đáng có, cũng chẳng bị cuốn vào vòng nhảm nhí mà vẫn duy trì được tình cảm thân ái với các đồng nghiệp, vẫn còn có “cửa” để tiếp cận với tay giám đốc mới này và biết đâu lại chẳng vào được “cạ” với hắn. Vào được cạ mới thì cũng có nghĩa là không những tiếp tục được cuộc sống ung dung mà còn được nhiều người vị nể. Thực ra, hắn cũng chỉ học theo những người khôn ngoan và đứng đắn thôi.
Năng nghĩ, dù sao thì cũng vẫn phải tiến hành thăm dò để có cơ sở xác định và thiết lập một mối liên sinh chiến lược. Liều thuốc thử cụ thể và có hiệu quả nhất là thiết kế ra một “phi vụ” béo bở gì đấy.
Vậy là, vào một buổi sáng đẹp trời, khi nắng vàng và gió sớm rủ nhau ùa vào hành lang toà nhà hành chính, khiến những nhánh lá non trong mấy chậu cây cảnh cứ thi nhau lấp la lấp lánh khoe tươi, Năng, với tư cách phó giám đốc phụ trách tổ chức hành chính, rón rén đẩy cửa, bước vào phòng tân giám đốc.
– Thưa anh, sắp đến kỷ niệm ngày thành lập nhà máy. Như anh đã biết, đây là lần kỷ niệm thứ bốn mươi, tôi đã gửi Tờ trình và nhà máy chúng ta đã được cấp trên chấp thuận tặng thưởng huân chương. Đây cũng là dịp, là cơ hội động viên cán bộ công nhân và quảng bá cho nhà máy mình, ta không nên bỏ lỡ – Năng kín đáo quan sát nét mặt tân giám đốc.
– Cụ thể, ý anh thế nào, cứ trình bày, rồi ta bàn thêm – Ngài tân giám đốc chống hai khuỷu tay xuống bàn, người hơi chúi về phía Năng, có vẻ bị thu hút bởi vấn đề Năng vừa đưa ra.
– Thưa anh, đây là lễ trọng, Ban giám đốc nên quan tâm đúng mức …
– Biết rồi ! – Giám đốc ngắt lời Năng, háo hức – anh cụ thể công việc đi.
– Về thời gian, chúng ta tiến hành trọn vẹn trong một ngày …
– Khoan đã – giám đốc lại nôn nóng ngắt lời – tôi muốn biết … những việc như thế này, những năm trước, nhà máy thường sử dụng nguồn kinh phí nào ?
–  Thưa, quỹ phúc lợi hoặc mục tiếp khách …
– Tốt ! – Ngài ngả người tựa vào lưng ghế, hai bàn tay nhè nhẹ vỗ nhịp lên mặt bàn giấy, nét mặt ngài giãn ra với một nụ cười đặc sệt phong cách “ơrêca” – Vậy anh lo việc này đi. Chiều mai cho tôi xem chương trình và dự toán kèm theo.
Cắn câu rồi – Năng nghĩ  thầm – Biết mà, cái hơi đồng là ghê gớm lắm, chỉ có Tiên Phật mới may ra thoát khỏi được. Ta chỉ sợ anh nào không có dạ dày thôi !
Đúng hẹn, Năng đặt tay lên tay nắm cửa, xoay mạnh, bước những bước chắc nịch vào phòng giám đốc với tập dự toán trang trọng trên tay. Ngài giám đốc lật ngay trang cuối, ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:
– Như vậy, tổng cộng là năm mươi nhăm triệu ?
Năng chột dạ, khẽ khàng:
– Thưa anh, riêng khoản phong bì phong bao cho đại biểu, khách mời đã chiếm quá nửa …
– Không ! – Ngài giám đốc nở một nụ cười độ lượng – tôi muốn nói là anh đã tính hết   các khoản phải chi chưa ? … Liệu còn sót mục nào không ?
Năng thở phào, nghĩ rồi lắc đầu:
– Quả tình là tôi chưa phát hiện ra sơ suất của mình. Xin anh cứ chỉ bảo !
– Tôi thấy, về những việc tương tự thế này – ngài giám đốc nheo mắt, cười ranh mãnh với người cộng sự – ở các cơ quan khác, người ta còn mời cả truyền hình và các ca sỹ ngôi sao đang nổi về cơ quan biểu diễn nữa đấy …
– Ôi, xin lỗi anh – mắt Năng sáng lên, tràn trề tình cảm thán phục – tôi thật đoảng quá, có thế mà không nghĩ được. Tôi sẽ bổ sung ngay bây giờ.
Té ra thằng cha này còn là bậc sư phụ của mình – Năng lắc lắc cái đầu, ngẫm nghĩ – Thông minh ! Quả là thông minh, thật đáng mặt giám đốc ! Rồi ra mình cũng được ăn theo đây ! Vấn đề là phải cúc cung tận tuỵ và làm cho hắn thấy được phẩm chất trung thành và dễ bảo của mình. Chỉ cần mình làm tốt điều đó thì dẫu hắn có là mác thép crôm hay niken gì đi nữa thì cũng phải mềm nhũn như sáp ong hơ lửa.
Sáng hôm sau, họp giao ban toàn thể các lãnh đạo phân xưởng, phòng ban của nhà máy. Trước khi kết thúc cuộc họp, ngài giám đốc nói thêm:
– Còn gần hai tháng nữa là đến kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập nhà máy của chúng ta. Hiện giờ tôi đã có trong tay bản tổng dự toán cho việc này. Tổng chi phí là một trăm hai mươi ba triệu, không trăm, ba mươi chín nghìn đồng với các mục chi chính như sau …
Ngài giám đốc, sau khi công bố toàn bộ các mục chi, thản nhiên quan sát thái độ nhăn nhó của các thành viên cuộc họp, và nở ngoác một nụ cười:
– Tôi có dự kiến như thế này: Lễ kỷ niệm dứt khoát phải được tiến hành thật long trọng, chu đáo, động viên kịp thời toàn thể cán bộ công nhân viên của nhà máy. Phần kinh phí dùng cho buổi lễ sẽ chi theo các mục 1,3 và 6 là hai mươi mốt triệu đồng. Số còn lại sẽ chuyển đến tận tay chị Trần Thị Thân phân xưởng nhiệt luyện, vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng là công nhân phân xưởng lắp ráp của nhà máy ta, để chị làm lại ngôi nhà đã quá xập xệ. Ban kiến thiết cơ bản của nhà máy chịu trách nhiệm về kỹ thuật và tiến độ thi công. Hạn trong hai tháng phải hoàn thành ! Có vị nào có ý kiến khác không ?
Tức thì, cả phòng họp ồ lên và tiếng vỗ tay nổi lên rào rào, mãi không dứt. Khắp phòng họp, những khuôn mặt, chỉ vừa mới một phút trước, đang khó đăm đăm và rất mực nghiêm trọng, bỗng chuyển phắt sang trạng thái vừa hân hoan vừa ngạc nhiên. Năng ớ mặt … nhưng cái phút ấy cũng qua đi nhanh chóng để rồi cùng hoà vào với nỗi ngạc nhiên chung. Nhưng cái ngạc nhiên nhân tạo thổ tả đó, khó mà lái cho nó giống với mọi người. Cái hân hoan của Năng là một sản phẩm đã được lập trình, lúc nào cũng giắt sẵn  trong người: Cường độ thì hơn mọi người đấy, nhưng nụ cười lại không được cân đối lắm. Năng đang ở trong một cộng đồng, vậy thì Năng cũng vỗ tay (ngu gì mà không vỗ !); đôi bàn tay trắng trẻo của hắn đập vào nhau loạn xạ, tạo nên những tiếng bành bạch như âm thanh phát ra từ một dàn đồng ca có người hát lỏi. Và tất cả những điều đó, chỉ có một người nhận ra.
Căn nhà hoàn thành trước ngày lễ kỷ niệm của nhà máy một tuần. Vào ngày lễ trọng ấy, mọi người đem hoa, đem rượu kéo đến nhà chị Thân chúc mừng. Bàn thờ anh Hùng khói hương nghi ngút, Trên bàn thờ, trong khung ảnh, anh cũng đang ngậm cười. Chị Thân lúc khóc, lúc cười, chạy đi chạy lại. Vui vẻ, náo nhiệt hết cả một buổi chiều. Mấy chú thợ học việc thì thầm với nhau: Lúc bước vào nhà, nhìn thấy tấm biển đồng gắn ngoài cửa đề dòng chữ “Nhà tình nghĩa của nhà máy cơ khí số 9 …” hình như ông giám đốc có hơi nhăn mặt.
Hôm sau, đầu giờ làm việc, Năng bước ra khỏi phòng giám đốc, nét mặt không được vui. Hắn bước huỳnh huỵch dọc theo hành lang, vẫn cái lối đi chan hoà ánh nắng và có những chiếc lá non lấp lánh vui vẻ ấy, miệng lẩm bẩm: Cái mặt không xài được !
Buổi chiều, ở nhà để xe, thấy mấy cô thợ bên phân xưởng cơ điện kháo nhau:
– Giám đốc không ký thanh toán chi phí cho tấm biển đồng !
– Biển đồng nào ?
– Nhà tình nghĩa cho mẹ con chị Thân ấy !
– Ai làm cái “Êtêkét” đó ?
– Lão Năng !
– Vẽ !
– Thế là phải ! Người ta mất cả chồng còn chẳng kể lể, nữa là …
– Suỵt ! Be bé cái mồm … !
Tác giả: Nghiêm Lương Thành – Thực hiện: Lan Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *