Bài nổi bật

Cái Ô – K.A Abbas

RadioVn.Com – Lúc ấy mưa tạm ngừng, song trên mặt đường cái nước còn ngập đến mắt cá chân và chẳng mấy chốc sẽ thấm qua những lỗ thủng ở chỗ đế giầy sửa đi sửa lại của tôi. Nhưng ít ra cũng không có nước từ phía trên rơi xuống, mặc dù bầu trời vẫn còn bao phủ mây đen và chốc chốc lại bị những làn chớp xé toạc. Một tay cầm chiếc túi vải (túi dùng đựng bữa trưa cùng báo chí, sách vở, rau cỏ cùng thực phẩm của tôi), tay kia cầm ô, tôi bước vội vã tới chỗ ôtô đỗ, hy vọng sẽ lấy được vé đi Mahim.
Cái ô! Cái vật mà tôi gọi là cái ô đã từng có lúc là cái ô thật sự. Thậm chí ngay bây giờ, nhìn từ xa nó cũng giống một cái ô, chiếc cán gỗ đã vỡ thòi ra khỏi phần vải bạt gấp nếp và di động được. Chỉ lúc nào ô được mở ra và mảnh vải căng trên bộ gọng han rỉ thì từ một cái ô, nó biến thành một cái rây hoặc một cái sàng. Nước mưa liên tục nhỏ qua những lỗ hở, mà chỉ có nước thôi, các bạn phải lưu ý điều đó! Nước vừa sạch, vừa trong! Không phải chỉ có thế đâu nhé, nó vừa có tác dụng như một cái rây vừa có tác dụng như một cái lọc nước. Lá rụng, phân chim, cuộng rau, cỏ chuối và vỏ trứng mà các bà nội trợ ném qua cửa sổ tầng gác (ngang nhiên vi phạm “Dự luật chống rác rưởi” của bà Munsi)… không bao giờ các loại rác rưởi như vậy có thể lọt qua các lỗ hở ở chiếc ô này.
Còn chuyện mưa thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Bởi, suy cho cùng thì người ta cũng không thể chế tạo một đồ vật nhằm phục vụ mọi mục đích. Liệu một cái ô trước hết được thiết kế để ngăn rác rưởi khỏi bị rơi vào đầu anh ta đồng thời có cần giữ cho anh ta khỏi bị mưa ướt không? Hơn nữa, theo chỗ tôi đọc được ở đâu đó thì những con cá nhỏ đôi khi bị hút khỏi mặt nước khi hơi nước biển bốc lên rồi khi mây tan, trời mưa ra cá chứ không rào rào như mèo chó cắn nhau! (‘To rain cats and dogs’: mưa rào to, nghĩa đen là như mèo chó cắn nhau). Nếu một trận mưa như vậy xảy ra thì ô của tôi sẽ trở nên vô giá vì ngay con cá nhỏ nhất cũng không lọt qua được lỗ hở lớn nhất.

Hẳn các bạn phải băn khoăn tự hỏi vì sao tôi lại viết dông dài đến thế về cái ô cũ kỹ và gẫy hỏng của tôi. Nguyên nhân là vì chính cái ô ấy là vị nữ anh hùng của câu chuyện này. Hoặc giả là nam anh hùng, nếu các bạn thích, bởi vì còn một nữ anh hùng nữa. Hoặc các bạn có thể nghĩ rằng câu chuyện lẽ ra có một nam một nữ anh hùng thì lại có hai nữ anh hùng. Cái ô này là một, còn “nàng” là nữ anh hùng thứ hai. Còn tôi, tôi ở cái vị trí không ai ganh tị nổi, cái vị trí từ xưa nay của một người đàn ông lịch sự bị kẹp giữa hai người phụ nữ.
Khi tôi tự gọi mình là người lịch sự, các bạn đừng cho tôi là người xuất phát từ vẻ hào hoa của mình, mà là xuất phát từ nỗi bất hạnh. Vâng, quả là không may mà tôi là một người lịch sự, con của một ông lịch sự, cháu của một cụ lịch sự. Bởi vậy, có đến năm lần tôi vẫn không qua được kỳ thi cử nhân. Bốn năm nay tôi làm công tác sửa chữa bản in thử ở một tòa báo, song chưa bao giờ tôi cầu xin ông chủ tăng lương cho tôi. Tôi cứ để cho ông quản đốc, ông đốc công, ông trưởng ban đối chiếu viên và những người giữ bản thảo khác dè bĩu tôi. Tôi không bao giờ cãi lại, bởi vì tôi là người lịch sự. Một hôm, khi tôi đi dọc đường phố Honbi, một thằng cha căng chú kiết chẳng duyên cớ gì đã vả cho tôi một cái, có lẽ chỉ để đùa chơi. Trong khoảnh khắc tôi nghĩ cũng có thể vả cho gã một cái, chỉ để dùa chơi. Song bản năng lịch sự và sự rèn giũa đức tính lịch sự đã ngăn tôi lại, và tôi quyết định sẽ không hạ mình đến mức làm chuyện gây gổ.
Các bạn có muốn nghe thêm về những phẩm chất đáng kính của tôi không? Tôi ba mươi nhăm tuổi nhưng chưa vợ. Với bốn mươi rupi một tháng tôi không thể đủ nuôi vợ. Tôi ở chung một buồng với ba người chưa vợ khác. Thậm chí nếu tôi có vợ thì biết để ở đâu? Ba anh em tôi lui tới các tiệm ở đường phố Prorata vào ngày mồng một đầu tháng để rồi lại chờ đến kỳ lương sau. Hôm ấy là ngày mồng một và tôi biết rằng phải quá nửa đêm họ mới trở về. Trong túi tôi là chiếc ví và trong ví có bốn tờ mười rupi mới cứng, tiền lương cả tháng của tôi, không kể một ít tiền lẻ. Tôi cũng có thể tiêu vào đấy một rupi, hai rupi, thậm chí năm rupi vì mục đích đó, song tôi chưa bao giờ đi với họ để giải khát ở những nơi ngập ngụa bẩn thỉu ấy. Tôi đã chẳng nói tôi là một người lịch sự đáng kính trọng rồi sao? Ô của tôi có thể có lỗ thủng, song sự trong trắng của tôi thì nguyên vẹn.
Lúc này chắc hẳn các bạn đang nguyền rủa tôi: “Vứt mẹ nó cái ô và những đức tính đáng kính của anh đi. “Nàng đâu?”- vị nữ anh hùng của câu chuyện đâu?” Tôi xin lỗi vì để các bạn chờ đợi cô ta quá lâu. Song các bạn chờ đợi chỉ có vài phút, còn tôi đã phải chờ gần một tiếng đồng hồ ở bến ôtô cái hôm mưa gió ấy, mà ôtô cũng chẳng đến, nàng cũng không. Tôi đợi mãi cho đến khi đèn điện ngoài phố từ trong bóng tối vụt sáng và nhào vào những vũng nước nông hình thành trên mặt đường cái lồi lõm. Những người khác cùng xếp hàng với tôi chờ mãi đã chán liền chạy đi xe điện. Còn lại một mình, tôi căng mắt ra tìm bóng dáng của một chiếc xe hơi đi lại. Và rồi mũi tôi loan báo là nàng đã đến!
Mắt tôi không nhìn thấy nàng đến, tai tôi không nghe tiếng bước chân nàng. Nhưng mũi tôi đã ngửi thấy sự có mặt của nàng, một thứ mùi thơm nhè nhẹ thoang thoảng, một thứ tổng hòa của nước hoa, phấn sáp, mồ hôi, nước mưa và tuổi trẻ. Khi quay đầu lại, tôi thấy nàng đứng ngay phía sau, hầu như chạm vào tôi. Nàng có một chiếc túi màu xanh lá cây lủng lẳng nơi vai. Chỉ có thế! Nàng không có dù, cũng chẳng có áo mưa. Ngay lúc đó ôtô đến, một chiếc xe hai tầng, tầng trên không mui. Tầng dưới xe đã chật ních. Nàng xếp hàng sau tôi nhưng tôi đứng tránh sang một bên nhường nàng lên xe trước để nếu còn chỗ thì nàng sẽ được ngồi. Tôi có thể chờ xe khác… Một người lịch sự, tôi là một người lịch sự.
Song sự hy sinh của tôi tỏ ra không cần thiết, người soát vé quát lên rằng tầng trên còn trống, bất kỳ khách nào mới đến cũng phải lên tầng trên, vì rằng có sáu, bảy người sợ mưa đã đứng chật phía sau xe và phía dưới cầu thang. Song nàng không để ý, đôi giầy cao gót của nàng đã lạch cạch lên thang, theo sau là tôi. Người soát vé nói đúng, ngoài chúng tôi, chẳng có ai ở tầng trên, chỉ có nàng… và tôi. Nàng ngồi vào một chiếc ghế băng phía bên trái, còn tôi chiếm chiếc ghế phía sau, về bên phải. Tôi mua vé đi công viên Sivagi, nàng mua vé đi Mahim. Tôi cảm thấy một sự hồi hộp khó tả khi thấy rằng chúng tôi sẽ cùng làm một cuộc hành trình dài như thế. Sau đó, tôi không biết người kiểm soát vé biến đi đâu, hoặc là anh ta ngồi vào một trong những chỗ phía sau hoặc đã xuống tầng dưới, hoặc mặc nhiên tan biến vào khoảng không khí loãng. Dù sao thì tôi cũng không thấy lại anh ta suốt cả quãng đường đến công viên Sivagi.
Khi ôtô vừa đến Bori Bănđơ thì một hạt mưa lẻ to rơi ngay vào trung tâm vùng hói trên đầu tôi. Tôi ngước nhìn lên và thấy bầu trời tối đen như mực, lờ mờ mạng lưới dây điện ướt lấp lóe ánh sáng yếu ớt trong khoảng nhập nhoạng. Song giọt mưa đó rõ ràng chỉ là một kẻ du hành lạc lối và nghịch ngợm, bởi vì chẳng thấy giọt nước nào rơi theo nó. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có nhiều triển vọng đến được công viên Sivagi mà không bị mưa ướt.
Khi xe đỗ gần rạp chiếu bóng Capitôn, ngay gần phía dưới một ngọn đèn đường, tôi nhìn mặt nàng lần đầu tiên. Nàng đẹp và có một màu hồng tỏa sáng hai bên má, đôi môi đỏ và một mái tóc hung tỏa ánh hào quang vàng rực. Tôi nghĩ: “Những cô gái Âu này mới đẹp làm sao!” Nhưng hình như ánh sáng đèn cũng soi vào mặt tôi, bởi vì nàng vội liếc về phía tôi rồi quay mặt đi như muốn nói: “Bọn Ấn Độ này mới xấu xí làm sao!”
Giây phút ấy tôi nhận thức về đôi giầy cũ rích, chiếc áo khoác vá víu, chiếc sơmi rách và cái quần không còn hình dạng, cái cằm để râu, cái đầu hói, và trên tất cả, bộ mặt da đen của tôi một cách rõ ràng và đau xót đến nỗi tôi không dám nhìn nàng lần nữa. Nhưng chẳng bao lâu, ý nghĩ đó cũng rút lui đôi chút về hậu trường của tâm trí tôi, khi mà hai giọt nước tròn trĩnh và chẳng nhỏ bé gì nện vào đầu tôi. Những của nghịch ngợm ấy có lẽ thích cái bãi trượt nhẵn nhụi và bóng nhoáng ấy, bởi vì ngay lập tức chúng gọi tất cả anh em, bạn bè cùng đến tham gia trò vui. Khi chúng tôi gần đến chợ Crophot thì trời bắt đầu mưa to thật sự.
Nhưng tôi không lo mình bị ướt lắm, mà lo cho nàng nhiều hơn. Cho rằng nàng đã nhìn tôi một cách khinh bỉ đi nữa, thì nàng vẫn chỉ là một phụ nữ, một phụ nữ đẹp. Và giờ đây, ít ra nàng cũng là bạn đồng hành tuyệt vọng của tôi. Khi tôi nhìn nàng lần nữa, tôi thấy nàng quay đầu về phía tôi, và lần này trong ánh mắt nàng không có vẻ khinh bỉ. Không hiểu tôi có tưởng tượng không, hay thực nàng đang mỉm cười với tôi?
-Tại sao anh không giương ô lên?- Nàng khuyên tôi bằng một giọng ngọt ngào và như tan biến đi. Mà làm sao tôi có thể nói cho nàng hiểu cái vật mà nàng cho là cái ô, thật ra chỉ là một cái rây hay một cái lọc nước?…
-Cái ô ấy à? Vâng, tất nhiên rồi, cái ô…- Tôi lắp bắp và miễn cưỡng giương bộ gọng han rỉ, ọp ẹp lên- Cảm ơn cô đã nhắc tôi.- Tôi cứ như thể là một giáo sư triết học đãng trí vì mãi suy nghĩ về những bí ẩn của cuộc đời mà đã lãng quên sự tồn tại của chiếc ô lòe loẹt của mình nơi tay.
Trời đang mưa và nàng đang bị ướt sũng trong khi tôi ngồi trơ trẽn dưới cái ô, hay cái rây, hay cái sàng, hay cái lọc nước hay bất kỳ cái gì mà các bạn có thể đặt tên cho nó. Song nó cũng che chở cho tôi đôi chút, còn tốt hơn là chẳng có cái gì. “Sao cô không đến ngồi đây và cùng che ô?” Nhiều lần những lời ấy đã ra đến đầu lưỡi nhưng lại đông cứng ở đó, hay đúng hơn là bị tiếng mưa rào ngày càng nặng hạt lấn át đi mất. Phải chăng đó là do tính bẩm sinh rụt rè, sợ hãi trước sắc đẹp hoặc do tôi sợ bị nàng trách mắng? Suy cho cùng thì nàng là một phụ nữ da trắng… và tôi là một người lịch sự chưa bao giờ tán tỉnh phụ nữ xa lạ. Tôi bắt đầu ngắm nhìn ra phía ngoài, ngắm những tòa building cao và mới, dọc đường phố Môhamét Ali, lờ mờ qua tấm màn mưa, như thể không biết gì về nàng và số phận của nàng…
Và rồi tôi cảm thấy, hay nói đúng hơn là ngửi thấy rằng nàng đã đến ngồi bên tôi. Sự đụng chạm rất nhẹ nhàng của thân hình mềm mại của nàng vào bắp đùi bên trái của tôi đã khẳng định điều đó.
-Xin cô, xin cô cứ tự nhiên!- Tôi cố gắng hết sức ngồi dịch vào phía thành xe, khéo léo giơ chiếc ô che đầu cho nàng, sao cho hầu hết các lỗ hở có nước dột đều ở mé bên tôi, còn nàng thì thì tương đối ổn, không bị nước rơi vào.
-Tôi cám ơn anh lắm!- Nàng nói bằng một giọng biết ơn thật sự- Nếu không có anh giúp thì tôi đến ướt như chuột!
Một khi tảng băng ngăn cách đã bị phá vỡ, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau một cách tự nhiên kỳ lạ.
-Anh làm gì cơ?
-Tôi làm việc ở một tòa báo- Không cần nói rõ là biên tập hay làm người sửa chữa bản in thử- Cô cũng làm việc chứ?
-Vâng, cũng đại loại như vậy, anh có thể gọi là làm việc.
Tôi nghĩ nàng phải là một người viết tôc ký hoặc một cô thư ký, về nhà sau khi gõ máy đánh chữ cả ngày. Người ta luôn luôn nói xấu những cô gái Âu này. Các bạn thử xem nàng tử tế với tôi biết bao.
Luc này trời không mưa mà gọi là trút nước xuống thì đúng hơn. Tôi nói:
-Váy cô sẽ hỏng mất, sao cô không dùng mảnh bạt của hãng ôtô cung cấp này mà che đầu gối?
Khi hai cặp đầu gối cùng nhét dưới một mảnh bạt thì không thể tránh ma sát đôi chút. Cặp đùi mềm mại và nhẵn như xatanh của nàng chạm vào chân tôi gây ra một làn sóng điện kích thích chuyển động qua cơ thể tôi. Tôi nghĩ đến ba người bạn đang làm những việc từ thiện, hay đúng hơn là đang chìm đắm, ở những ổ trụy lạc bẩn thỉu trên đường phố Pheratx trong khi tôi ngồi đây trên nóc ôtô, mà không, trên đỉnh của thế giới, cùng với cô gái đẹp nhất Bombay này.
Lúc này một trận gió từ ngoài biển cũng thổi vào. Giây phút nào chiếc ô của tôi cũng có nguy cơ trở thành một chiếc dù bị gió cuốn đi mang theo cả tôi nữa. Khi dùng hết sức lực để giữ chiếc cán vỡ thẳng đứng bằng tay phải, còn tay kia níu lấy bộ gọng kẻo sức gió sẽ lộn trái ô ra, thì tôi cảm thấy một bàn tay mềm mại chuyển động một cách khêu gợi gần bàn tay phải của tôi. Nàng đang cố gắng giúp tôi điều khiển cái ô. Bàn tay trái nàng và bàn tay trái tôi cùng nắm cán ô, trong khi bàn tay phải nàng vươn ra qua vai tôi như ve vuốt để giữ gọng ô ở phía bên kia. Những giây phút ấy là những giây phút đẹp nhất của đời tôi.
Tôi là một người lịch sự, hẳn thế, song tôi còn là một người lãng mạn nữa. Hoàn cảnh này đối với tôi thực là thú vị không sao tả xiết. Một người đàn ông và một người đàn bà, một người đàn bà đẹp. Mà cả hai cùng che chung một chiếc ô, thân hình họ chạm vào nhau, hầu như dính chặt lấy nhau.
 

Song, là một người làm công tác sửa bản in thử của một tòa báo hàng ngày, tôi còn chú ý đến chính trị nữa. Tự do, chủ nghĩa quốc tế, Hiệp ước Đại Tây Dương, Saint Francis, bom hạt nhân… Tôi biết viết đúng chính tả các chữ đó. Tôi dã đối chiếu hàng ngàn bài báo và bản tin chính trị. Cũng như các phóng viên được đào tạo, tôi có thể tìm thấy ý nghĩa chính trị của mọi loại thời tiết, tỉ như, nếu bầu trời đầy mây u ám thì giới chính trị tỏ dấu hiệu bi quan về hội nghị tay ba ở Ximla, song nếu mặt trời chói chang trên những đỉnh đồi Ximla thì một tia sáng lạc quan lại làm rạng rỡ bối cảnh chính trị…
Cũng như vậy, tôi băn khoăn không hiểu cái tầm quan trọng chính trị của cuộc gặp gỡ của tôi với cô gái xinh đẹp này phải nói bằng hình tượng gì? Và, như một tia chớp, hình tượng ấy vụt đến với tôi khi cái tư duy thầm kín của tôi thì thầm: “Điều đó rất rõ. Anh là người Ấn Độ, cái Ấn Độ nghèo khổ, điêu tàn, có nhiều lỗ hở ở giày anh đi và ở số phận của anh. Cô gái tóc hung này là người Anh, người ngự trị trái tim của dân Ấn Độ. Trận mưa và cơn gió này là nguồn tài nguyên nghèo nàn của Ấn Độ cần có để cứu cả Ấn Độ lẫn nước Anh thoát khỏi cơn bão dữ dội đó…”
Lúc ấy, chúng tôi đang đi qua hội chợ Bendi. Ngang đường có căng một biểu ngữ bàng vải mang hàng chữ truyền thống:
“PAKIXTAN HAY LÀ CHẾT”
Trong mưa, mực đã nhòe và làm méo mó các nét chữ. Chữ PAKIXTAN đã mọc rêu ra và chữ CHẾT càng trở nên gớm ghiếc. Hãy cho tôi Pakixtan còn hơn. Rồi đầu óc báo chí của tôi lại nói: “Anh là người Ấn Độ, còn cô gái này là Pakixtan. Còn cái ô này là dãy Himalaya che chở cho cả hai…”
Cái dòng suy nghĩ chính trị viễn vông ấy dù vậy cũng bị phá rối một cách thú vị khi tôi nhận ra rằng cơn mưa giờ đã chấm dứt, trong khi đó nàng đã ngả đầu lên vai tôi và ngủ thiếp, như một con mèo mềm mại đang “xay lúa”. Tôi trách cái tư duy thầm kín của mình vì đã theo đuổi những hình tượng chính trị. Chúng tôi chẳng phải tượng trưng cho Ấn Độ và nước Anh, hoặc cho Pakixtan và Ấn Độ mà là tượng trưng cho tình yêu bất tử. Chúng tôi là Rômêô và Juliet, là Laita và Magiơnun, là Sirin và Pharad…
Và thế là những giờ phút ngây ngất qua đi khi ôtô ùa nước xuống chạy qua Bieu, Lal Bagớ, Parel, Đađa. Lúc ấy mưa đã tạnh và tôi nhẹ nhàng cụp ô lại, không quấy động giấc ngủ của nàng. Khi ôtô rít phanh và qua cầu Tilắc thì nàng chầm chậm mở mắt, ngáp uể oải và nói:
-Cám ơn anh rất nhiều- với một sự nhấn mạnh không thể giải thích được vào hai chữ “rất nhiều”.
Tôi cảm thấy muốn trả lời “Song chính tôi mới phải cảm ơn cô vì đã cho tôi những giờ hạnh phúc nhất đời tôi”. Song nghĩ rằng như thế hơi suồng sã nên tôi lại nói nho nhỏ:
-Ồ, không có gì đâu! Cô không cần cám ơn!
Lúc này ôtô lượn vòng ở góc công viên Sivagi và tôi thấy lòng mình thắt lại vì tôi phải xuống xe ngay chỗ đỗ gần đấy. Tôi rất tha thiết muốn hỏi tên và địa chỉ nàng, hẹn gặp nàng lần nữa, song ba mươi lăm năm của cuộc đời có giáo dục đã khiến tôi im lặng.
“Hari Niva”, người soát vé quát lên ở tầng dưới, chiếc xe chồm lên rồi dừng lại, và tôi đứng dậy, lòng bâng khuâng, tay nắm chặt cái ô.
-Tạm biệt- Tôi nói nho nhỏ, và nhìn bộ mặt rạng rỡ của nàng lần cuối, tôi trèo xuống xe.
Tuy nhiên, tôi không muốn về nhà ngay lúc ấy, khi mà hiệu giải khát của một người Iran gần chỗ rẽ vẫn còn mở. Một chén trà, tôi nghĩ, sẽ làm tôi thoải mái sau khi bị mưa ướt. Hơn nữa, tôi còn có thời giờ để thưởng thức dư vị ngọt ngào của những giờ phút biết bao quý giá vừa qua, dù cho là những giờ phút ấy sẽ chẳng bao giờ trở lại.
Nước trà âm ấm, và tôi uống một hơi cạn chén. Cầm lấy ô, tôi đứng dậy ra đi.
-Này ông- người bồi khách sạn quát- Ông không trả tiền à?
Tôi thẹn đỏ mặt, tự nguyền rủa tính đãng trí của mình. Liệu người bồi này sẽ nghĩ về tôi thế nào? Thế là tôi quyết định sẽ thưởng thêm cho nó một anna (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, bằng 1/6 rupi). Hơn nữa, đêm nay là một dịp đặc biệt và tôi cảm thấy muốn phân phát lòng hảo tâm của mình…
Tay tôi sờ vào túi trong áo khoác, nhưng không còn cái ví ở đó, ví chẳng còn ở túi nào.
Bên tai tôi còn dư âm của một giọng nói ngọt ngào “Cám ơn anh rất nhiều!” với một sự nhấn mạnh không thể giải thích được vào hai chữ “rất nhiều”. Và rồi cũng giọng nói đó: “Vâng, anh có thể gọi đó là công việc”.
Một người lái xe taxi đang ngồi uống trà ở bàn bên. Xe của anh ta còn nổ máy, đỗ bên lề đường. Nếu muốn, tôi có thể nhảy lên taxi của anh ta, bắt kịp chiếc xe hơi nọ, trước khi nó đến Mahim và nhờ người bắt cô gái kia, và lấy lại chiếc ví đựng tất cả của cải trên đời của tôi. Song, tôi không lên taxi. Vì sao? Vì nàng là một phụ nữ da trắng, và tôi… là một người lịch sự. Tôi đã chẳng nói với các bạn rằng cái tính khí lịch sự của tôi là nguyên nhân thất bại của tôi, có lẽ đó cũng là nguyên nhân thất bại của đất nước tôi sao?
Tác giả: K.A Abbas – Diễn đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *