Bài nổi bật

Cánh Chim Bạt Gió – Dương Giao Linh

Truyện đêm khuya VOV – Nhân vật Linh và Mụ – hai con người lẻ loi cô độc trước nỗi đau mất mát. Một người mất cha, một người mất con bởi dòng lũ cuốn. Nỗi đau khiến họ nhiều lúc hóa dại. Nỗi ám ảnh đớn đau chưa nguôi ngoai thì hiểm họa lại tiếp tục rình rập. Lần này kẻ gieo nỗi đau không phải là thiên tai mà chính là con người cùng những dự án. Những thân phận bé mọn từ trước tới giờ chỉ biết sống dựa vào núi rừng. Mất làng, mất rừng, mất sông họ trở nên bần cùng, như con thú hoang lạc đường, không biết bám víu vào đâu…

Mọi năm giờ này chim đã bay về gọi nhau ráo rác. Từng đàn bay đen ngang qua đồi Bạt. Cha vẫn bảo chim về đông là người làng không lo mất mùa, không lo lũ nữa. Linh thường ngày giẫm theo nốt chân to kệch của cha vào rừng tìm cây thuốc, tìm trứng chim. Tận mắt thấy chúng tha từng sợi rơm, từng chiếc lá khô về kết tổ.
Những chiếc tổ màu nâu xám ẩn trong vòm lá, nằm lọt vào giữa những chạc  trên ngọn cây. Chim bao giờ cũng làm tổ trên ngọn. Không biết vì tập tính của chúng hay vì trên ngọn cao nó dễ quan sát, dễ nhìn thấy kẻ thù hơn. Cha bảo chim là loài vật khôn, khéo nhất. Chúng biết làm tổ, biết mớm mồi cho con. Chúng biết dự báo và di cư tới nơi an toàn.
Làng nằm ven rừng, dưới chân những quả đồi. Xa xa là dòng sông Pô quanh năm đầy nước. Người dân trong làng sống dựa vào nước sông Pô, dựa vào cây trên đồi Bạt. Bao năm vẫn thế, lũ chim vẫn kéo nhau về từng đàn, từng đàn chao liệng. Chim sống cùng người. Người dựa vào chim. Đàn ông trong làng vào rừng cứ nhìn chim, nghe tiếng chim trên đầu mà tránh thú dữ. Đàn bà nhìn chim, nghe tiếng chim mà bảo nhau làng sắp có tin vui, tin buồn. Người già trông chim đoán ngày mưa, nắng. Còn lũ trẻ tìm chim như một thú chơi.
Vậy mà khi người ta kéo máy móc lên, bảo chuẩn bị cho một dự án gì lớn lắm, mang lại nhiều lợi ích cho dân làng lắm. Họ cưa, chặt. Tiếng rè rè, rầm rập, tiếng cây đổ ào ào, tiếng đì đùng vang vọng cả đồi Bạt.  Người trong làng ngơ ngác. Cha nheo mắt bần thần nhìn lũ chim nháo nhác bay đen trước mắt mình. Có cả những cánh chim sà xuống, rơi vào đất, rơi trên ngọn cây, rơi xuống dòng sông Pô… Đôi mắt đục ngầu của cha nhoèn nhoẹn… Chim bay đi rồi thì trước sau người cũng phải đi thôi. Đêm ấy cha khều lửa cháy rừng rực. Lửa hun mắt, lửa hun đôi bàn tay sần xù, hằn ngang dọc những vết sẹo trắng nhợn, đỏ lòm, cả vết còn chưa lành miệng, ri rỉ máu.
Những thân cây sần xù, nứt vỏ, bao đời như bạn với người đi rừng ngã xuống như những chiến binh trong một cuộc chiến không cân sức. Người đi rừng nhìn vào những dấu tích chằng chịt trên thân cây. Họ đã khắc lên đó lời yêu, đánh dấu tổ ong mình tìm được, vệt sâu trên thân cây bảo nhau nhớ đường về nhà, dấu tìm bạn… Giờ chính họ lại được thuê kéo, thuê chở cây lên xe, chất đầy.
“Sắp tới dân làng sẽ được chuyển tới nơi ở mới, khang trang, sạch sẽ hơn!”.
Chiếc loa phát đi phát lại như một cam kết, như một mệnh lệnh. Chẳng ai hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ biết nhà mình ở sắp bị dỡ. Nương mình làm sắp bị bỏ hoang. Gà, lợn, trâu, bò của mình sắp phải bán hết. Ai cũng buồn nhưng vẫn thì thầm vào tai nhau trong lúc ngước mắt nhìn những cánh chim xa dần… Biết đâu tới nơi ở mới cuộc sống sẽ tốt hơn, sẽ khang trang, sạch sẽ. Đó là mong ước của làng, cho đời con, đời cháu họ. Những đứa trẻ chỉ biết bám váy mẹ và tìm trứng chim trên đồi Bạt.
Nhưng người làng chưa kịp chạm chân tới vùng đất mới…
*
Linh nhìn lên bầu trời tối sẫm, chỉ trơ một khoảng trắng lờ mờ. Tiếng thở dài cố nén. Mụ ngồi bên, lầm bầm:
– Tròn tròn, be bé nhé. Vậy mà nhanh lắm cơ. Hết leo lên ngọn cao rồi lại quăng lên tàu lá chuối. Rồi lại lơ lửng giữa trời. Sao cứ một mình thế. Sao không xuống đây? Ông trăng ơi xuống đây chơi, có bè có bạn. Có bát cơm xôi, có nồi cơm nếp, có tệp bánh chưng… Há há có tệp bánh chưng. Bánh chưng nhé! Mai chị gói bánh chưng bằng lá chuối non. Ha há.
Tiếng cười sau cùng của mụ làm Linh rờn rợn.
Trăng nép phía sau những tàu lá tả tơi qua trận mưa đêm. Mưa đêm! Lẫn trong đó là tiếng kêu cứu, tiếng khóc thét. Tiếng gào, rú. Có khi nghe cả tiếng của những con thú. Hàng trăm con thú bị thương, quẫy đạp trong nước, trong bùn xình. Đỏ lòm lòm. Màu đất. Màu máu. Trộn vào nhau như một dòng nham thạch tứa ra từ thân núi, từ lòng đồi. Liếm láp, cuộn trăm mái nhà, trăm con người. Túa đi, đổ ào vào dòng sông Pô. Sông Pô cuồn cuộn, ừng ực nuốt những đứa con mình. Linh nhớ đôi mắt đỏ lừ của cha ngước lên, giữ chặt thân cây trơ trọi trong cơn nước siết. Cánh tay ông bám riết, gân cốt nổi cả trong mắt. Linh bám phía trên. Mỗi trận nước ùa vào cây lại lung lay chợt đổ. Cha như cột cái giữa dòng nước. Cho tới khi nước không cuộn chảy, mưa bớt đi thì cánh tay cha cũng mỏi. Cha trôi lẫn vào nước. Đục ngầu. Đỏ lòm lòm. Xuôi xuống dòng sông Pô ầng ậng đỏ. Linh gào lên trong tiếng khản cổ của trăm người. Người làng ôm núi. Ôm đất. Ôm nhau. Những tiếng rên ri rỉ. Tiếng gọi hờ. Tiếng lẩm bẩm khấn cầu. Người nối nhau đi dọc hai bên bờ sông Pô. Dòng sông một thời là người mẹ cung cấp nguồn sống cho cả dân làng. Chưa bao giờ sông Pô cạn nước. Cũng như chưa bao giờ sông Pô dữ dằn như thế. Cuốn phăng mọi thứ.
Người ta lôi cha lên từ một khe giữa hai hòn đá lớn. Mười đầu ngón tay cha nát bươm, như bông lau. Linh ngẩng mặt gào lên, ôm cha lạnh ngắt. Đặt bàn tay lên cho mắt cha khép lại. Sao cha bỏ con đi? Sao cha không cho con theo với? Cha ơi ời…
Người ta lôi cha ra khỏi vòng tay yếu ớt của Linh. Mang cha lên đồi Bạt cùng với rất nhiều người nữa. Những linh hồn sẽ nằm yên ở đó cho tới khi đủ một trăm ngày cúng ma thì siêu thoát. Linh chạy theo, vấp vào đá. Va vào vai người lớn. Lại đứng lên, chạy. Chạy để biết mộ cha ở chỗ nào còn biết mà mang rau, mang nước uống cho cha. Còn biết mà gọi cha, mà nhìn cha lần cuối. Người mới chết linh hồn chưa về trời. Người sống vẫn phải cúng ma, hằng ngày mang cơm và thức ăn vào mộ qua một cái ống nhỏ. Tục người làng thế.
Mưa đêm vẫn khiến Linh hoảng hốt gọi cha chạy đi. Mỗi lần như thế là mụ lại giật mình ngồi dậy. Đôi mắt mụ trợn trừng. Rồi hai cánh tay khều khào của mụ khuấy vào khoảng không trước mặt, trên đầu.
– Chạy đi! Lũ… lũ…
Linh đuổi theo mụ. Túm áo. Mụ vùng ra. Linh túm vai mụ. Tấm áo rách xoạc. Những vết xước như đường chân rết trên làn da trắng mỏng, lộ cả từng mạch máu. Linh xoa tay lên ấy. Giọng dìu dịu. Không còn lũ nữa. Lũ qua rồi. Qua rồi… Về nhà thôi.  Mụ quơ tay xuống bàn chân mình, miết đất, đưa lên mũi. Đất rắn, không phải bùn, không phải lũ. ừ, về thôi. Mụ ngửa mặt nhìn. Trăng đấy! Trăng ơi xuống đây chơi…
*
Ánh trăng tròn vạnh nằm ngang quả đồi. Gió từ đâu ùa tới mát lạnh. Cứ như gió tới từ khắp nơi. Từ đỉnh đồi Bạt. Từ đáy sông Pô. Từ mặt đất dưới chân. Lẫn tiếng rì rầm, tiếng thì thầm khe khẽ… Đôi mắt mụ đờ đẫn theo ánh trăng, miệng há ra, bàn tay xương xảu lần vào vết rách kéo xoạc. Chao ôi là ngực. Trắng ngần. Thời con gái chắc mụ đẹp lắm. Tội cho mụ. Đời đàn bà đẹp mà lam lũ thì cứ như bông hoa bị đầm xuống bùn ấy. Dù vẫn đẹp nhưng cũng chẳng thơm, chẳng đàn ông nào nâng niu. Không như kiếp sen được. Kiếp đàn bà không bằng kiếp hoa. ấy là câu nói của mẹ. Mẹ không muốn chôn vùi tuổi trẻ trong xó núi này. Gù lưng cúi mặt cả ngày mà vẫn đói. Một cơn lũ về là mất trắng. Một hạt gạo không còn. Mẹ giấu áo quần trong cỏ, mang lên chợ rồi không về nữa. Cha đi hết phiên chợ này tới phiên chợ khác. Chán rồi về uống rượu với quả xanh và muối trắng đổ trong lòng tay. Rượu ngấm vào người, ôm Linh bằng tiếng rên, ủ Linh bằng hơi rượu. Linh lớn lên trong vòng tay vừa rắn chắc vừa lỏng lẻo ấy. Cha già rồi. Từ ngày mẹ bỏ làng. Linh nhận ra trong những bó củi, những cây thuốc, con thú cha mang từ rừng cứ ít dần đi.  Sau mỗi cơn say cha nằm lịm mất mấy ngày ngoài đất. Linh không lôi cha vào được. Người làng cũng không lôi cha được. Gió, mưa không mang được cha đi. Vậy mà lũ lại cuốn cha đi được. Hay cha buông, trôi theo dòng nước lũ, vào lòng sông Pô, xuôi đi tìm người đàn bà ấy.  Nước mắt lăn trên má Linh, trong ánh trăng lấp lóa.
Mụ nằm vật ra rồi, trên chân Linh. Bàn tay vẫn đặt lên bầu ngực phập phồng. ánh trăng soi qua kẽ ngón tay, soi lên gương mặt trắng xanh xao của mụ. Mong trong giấc ngủ chập chờn lũ đừng ập đến…
Gió đẩy trăng đi, lững thững, lơ lửng. Lúc khuất vào mây, lúc trơ vơ giữa trời.
*
Khu mụ và Linh ở đã bị cấm vì nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở rất cao. Người ta cảnh báo nếu mụ và Linh không di dời tới nơi định cư mới thì khi lũ về không ai chịu trách nhiệm. Lời nói trong chiếc loa như mệnh lệnh, như cam kết.
Họ lên mấy lần, lôi mụ lên xe, quăng những vật dụng trong nhà theo. Mụ nhảy từ trên xe xuống. Máu trên đầu be bét, chảy dòng dòng vẫn chạy theo gào đòi lại đồ dùng. Mụ bảo con tao chôn ở đây, chưa thành ma. Dân làng còn ở đây. Tao không đi đâu. Không đứa nào lôi tao đi được. Không đứa nào! Mụ xé áo, xé quần, đứng tồng ngồng trước cái chòi xiêu vẹo, trước con đường đất vừa rắn lại. Linh đắp lá, buộc lên đầu mụ, kéo mụ nằm xuống tấm phản tre. Họ trừng mắt, bảo không chấp mụ điên. Linh và mụ được ở lại. Linh cũng không muốn đi. Đi thì biết bao giờ mà về thắp hương cho cha được. Ai mang cơm, mang nước uống cho cha. Nhờ máu của mụ mà Linh được ở lại. Mụ chẳng bao giờ biết Linh ơn mụ vì điều đó. Linh ơn mụ cả khi mụ lôi Linh trên mộ cha, ôm Linh, ủ Linh trong hơi ngực âm ẩm mùi bùn, mùi lá rừng. Mụ kiếm cây, cắt lá, đan thành mái, dựng nhà cho Linh ở cùng. Về ở với tao, có gì ăn đấy. Linh mang ơn mụ… Muộn, khi cơn mưa đêm kéo đến. Đặt tay lên ngực Linh, lên tóc Linh… Rồi lại cười không ngậm được mồm khi Linh khóc, ngồi một mình trên tảng đá. Máu chảy ra từ chỗ ấy, tôi sắp chết rồi. Sắp lên đồi Bạt với cha rồi… Mụ túm lấy Linh, bắt ngồi im một chỗ. Mụ sờ vào đùi Linh. Không chết được. Chỉ mấy ngày nữa là hết, là thành thiếu nữ…
*
Đêm trăng tròn mụ lại vào rừng tìm lá cây làm thuốc. Thuốc mụ chuyên chữa bệnh muộn đẻ. Mụ bảo trước mụ lấy chồng muộn đẻ. Mẹ chồng nhìn bảo, loại đàn bà chậm kinh thì lấy đâu ra mà chửa. Đàn bà mà không biết đẻ thì vào rừng ma cũng đuổi. Mụ bỏ đi vào rừng định ăn lá dại mà chết đi. Vậy mà không chết. Chồng tìm được lôi về nhà. Tháng sau mụ đẻ. Thế là mụ biết bài thuốc ấy. Mụ lên rừng hái, xao khô mang lên chợ, nhờ người ghi hộ lên tấm bìa cứng “Thuốc chữa muộn đẻ”… Đàn bà miền này làm việc cả ngày, cả đêm mà cứ hễ chồng chạm vào là đẻ. Thuốc của mụ như một thức ngớ ngẩn. Vậy mà bây giờ người dưới xuôi kéo lên chợ vùng này chỉ để tìm thuốc của mụ. Đàn bà càng giỏi càng muộn đẻ. Thế chứ! Cái trò đời hay thế chứ lị.
Có người gọi mụ là mụ phù thủy. Có người gọi mụ là bà tiên. Gọi là gì thì người ta vẫn cứ gọi là mụ. Sớm nay Linh thấy lũ chim kéo nhau về. Đông lắm. Chúng đậu lên những ngôi mộ trên đồi Bạt, trên những cành cây xơ xác. Những chú chim lông mượt như cườm. Chim không bỏ người. Những linh hồn đã gọi chúng về. Về với làng, cho những người làng quay về với nhau. Lại quây quần, lại sinh sôi. Linh bám vào tay mụ:
– Chim kéo về rồi. Chim về là người lại sống được rồi. Không còn lũ nữa.
Mụ ngửa mặt, cái miệng không sao ngậm lại được.
– Không còn lũ nữa. Dân làng ơi!
Mụ ngồi phệt xuống đất. Nắm lá thuốc trong tay mụ văng xuống. Có còn ai quay về với làng? Về nữa không? Nước mắt, nước mũi mụ dàn dụa. Mụ chạy vào trong nhà lấy ra một nắm gạo trắng, vãi ra khoảng đất trước nhà. Rồi ngửa mặt ngóng trông. Một vài con chim sà xuống. Những chiếc mỏ mổ tăm tắp. Một chú chim nhỏ tiến lại gần. Linh nhận ra trên mình nó có một vết lồi lên đen sậm, hình như vết đạn sượt. Linh thì thầm. Đôi mắt nó rất sáng, nhỏ và đen tròn như hạt đỗ. Nó vẫn quay về… Linh vãi thêm vài hạt nữa… Ôm mụ lùi ra xa. Đặt tay che chỗ vai áo rách, che khoảng ngực trắng ngần phập phồng thức thổn. Lặng nhìn đàn chim mổ từng hạt. Từng hạt. Tiếng lách tách giữa đại ngàn, giữa cây rừng và cuồn cuộn của dòng nước sông Pô như tiếng đàn trâu thở.
*
Đoàn xe kéo lên, rung chuyển cả khoảng đồi. Những chiếc xe chở đất, đá. Những cánh tay sắt dài vươn vào lòng núi, vào chân đồi, đổ xuống dòng sông Pô. ầm ầm, sầm sập. Cả núi đồi rung chuyển. Đất dưới chân như nhũn ra. Những gương mặt người từ trên những cỗ máy cao vọi sầm xì, đôi mắt họ chỉ hướng vào những hõm sâu trong lòng núi, trông vào vết nghẹn nơi yết hầu sông Pô. Đâu biết đất dưới chân rệu rã, đồi Bạt bao linh hồn chưa yên nghỉ. Lễ cúng ma còn chưa vãn.
Đôi mắt cương nghị sau cặp kính trắng, chỉ vào căn chòi. Phải di chuyển căn nhà lá này đi. Dự án phải làm nhanh. Mình mụ không thể làm ảnh hưởng được.
Mụ phớt lờ. Mụ nhổ bọt vào mặt. Mụ huơ chân, múa tay, mụ cười, mụ khóc, mụ xé áo, lăn ra đất. Mụ nằm trơ dưới trăng. Bọn chúng lùi đi. Đôi mắt sau cặp kính trắng soi vào mụ. Cuống họng nuốt khan một tiếng rồi ngoảnh đi. Linh gọi mụ dậy. Vá lại vai áo cho mụ. Cách của mụ cũng chẳng được lâu. Rồi khi họ biết họ sẽ đuổi thôi. Mụ choàng khăn lên đầu, câm lặng xao thuốc.
Mùi khói, mùi lá cây loang xa…
Đám người kéo về càng lúc càng đông. Họ làm lán trại để ở cách chỗ Linh và mụ không xa. Lũ trai tráng đen đúa, chỉ quen cởi trần, mặc quần đùi. Ngày đào núi. Đêm rủ nhau đánh bài, cười hỉ hả.
Mụ bỏ con dao nhọn dưới gối. Thêm một thanh gỗ to gài cửa. Đêm Linh giật mình thon thót, sợ cây gỗ tuột xuống, sợ mụ lẻn vào rừng tìm thuốc. Tiếng ầm ì từ lúc trời chưa rõ mặt người. Linh nghe những tiếng đập cánh loạt soạt, tiếng va chạm của cành lá, tiếng lào xào, tiếng chiu chíp của những con chim non gọi mẹ. Có cả những quả trứng còn chưa kịp nở, nứt toang dưới chân. Lũ chim nhớn nhác. Vài con một túa lên trời. Linh ngước mắt nhìn đàn chim bay ngang qua. Những cánh chim mỏi mệt. Linh nhớ đến vết lồi sậm đen. Có khi nào?
Chim lại bay đi rồi. Người rồi cũng phải đi thôi. Lời cha như âm âm từ sâu thẳm. Nhưng cha còn nằm trên kia, bao người làng cũng còn nằm trên đó. Lễ cúng ma chưa hết. Linh hồn vẫn phải ăn cơm, uống nước…
Mụ ngửa mặt nhìn trăng. Miệng không ngậm lại được. Vầng trăng lờ mờ chênh chếch phía đồi Bạt. Đêm mờ mờ ảo ảo, sương giăng ngang mặt người, lành lạnh. Những bóng người từ trên đồi Bạt nối nhau tiến về làng. Họ khóc khi nhìn lòng núi bị khoét một lỗ lớn, nghẹn đắng khi nhìn dòng sông Pô ứ nghẹn. Họ ngồi bên nhau, nước mắt đầm đìa. Linh trông thấy cha. Những tia máu trong mắt ông như bật ra. Ông lao tới chỗ những cỗ máy khổng lồ, bằng hết sức mình đẩy chúng di chuyển khỏi vùng đất này. Bàn tay cha nát bươm, như bông lau. Linh nhìn cha khóc. Cha cho con theo với. Đàn chim cuối cùng cũng bay đi rồi, không biết chúng còn quay trở lại?
Cha nhìn Linh lặng thinh không nói. Ông lầm lũi cùng đoàn người tan vào sương đêm….
Phải gọi đàn chim về mụ ạ, phải gọi chim về. Về với rừng. Về với làng thôi.
Mụ trơ mắt. Nhìn đăm đăm về phía rừng. Cây thưa lắm rồi. Còn nơi nào cho chim làm tổ?
*
Đêm nay mụ lại vào rừng tìm thuốc. Cây sắp bị chặt hết rồi. Mụ phải tranh thủ. Mụ mang theo chiếc gùi lớn. Không cho Linh theo. Mụ dặn chốt cửa thật chặt, ai gọi không mở. Khi nào về mụ gọi. Linh ngồi trong căn nhà liêu xiêu nghĩ thầm, nếu có ai muốn vào lấy cài gì đi thì hắn cũng chẳng cần cạy cửa, chỉ cần xô nhẹ là đổ. Vậy mà căn nhà vẫn nằm lại. Lạ thay.
Mưa! Không nghe tiếng xào xạc trong lá, không nghe tiếng lõm bõm trên sông. Chỉ có tiếng ào ào vào khoảng không, lộp bộp trên mặt đất, leng keng trên những mái lợp của đám người phía dãy nhà bên kia. Linh cố nhắm mắt, rồi mở mắt. Chạm tay vào chiếc then gài rồi lại dụt tay lại. Mưa rồi sao mụ không về? Mụ không còn sợ mưa đêm nữa sao? Hay mụ trốn trong rừng không dám về? Vai Linh run lên khi tiếng mưa bắt đầu to hơn. Gió sàn sạt. Không có mụ Linh cũng chẳng sống được ở nơi này.
Linh bật tung thanh gỗ gài cửa. Gió, mưa ào vào mặt. Cắm đầu chạy. Qua dãy nhà trọ bên kia. ánh đèn leo lét sáng. Một vài chiếc bóng dật dờ rồi mất hút trong làn mưa dày đặc. Những tảng đá to chắn lối, chân vấp vào đá, ngã sấp, máu từ đầu ngón chân loãng ra, thành dòng… Có tiếng rít qua kẽ răng hừ hừ, từ khe đá bên kia. Khuôn ngực tròn dưới trăng đêm. Trắng ngần. Mưa vã lên thân thể, quằn quại, nhớp nhúa trong bùn. Gió quất vào mái tóc đen dài bết trên đá. Vai áo xoạc một mảng dài, những vết cào như chân rết… Cành cây trong tay Linh răng rắc. Đôi mắt mụ đỏ ngầu, loang loáng ướt. Linh lê tới, kéo áo, đắp lên đùi, che vết xước trên vai, trên ngực mụ. Mưa ngấm vào, xót, mặn. Về thôi. Mưa đấy. Về thôi… Mụ nhìn Linh, ánh mắt đỏ ngầu. Hình như mụ vừa khóc. Linh không hiểu rõ chuyện gì xảy ra với mụ trong đêm, trong lối rừng mà ngày ngày mụ vẫn vào tìm thuốc. Con đường đã mòn bước chân mụ. Đến cả con thú trong rừng có khi cũng đã làm bạn với mụ. Vậy mà ai làm mụ ra nông nỗi này? Vết cào trên vai áo, trên khuôn ngực trắng ngần của mụ. Linh cúi mặt. Mùi âm ẩm từ đất dưới chân xộc thẳng vào tim, sâu xuống, cào từng mảng thịt. Giờ nơi này không còn an toàn với mụ và Linh nữa.
Làng đấy. Nơi Linh lớn lên, con đường in dấu bàn chân, ngọn đồi vẳng tiếng hát, dòng sông soi bóng, từng ngày…
Mụ vẫn ngửa mặt nhìn trăng. Miệng không ngậm lại được. Linh nhìn mụ. Chỉ thấy rờn rợn. Không còn thương nhiều như trước. Mụ cũng không còn gối đầu lên chân Linh nữa. Mụ nhìn đăm đăm sang dãy nhà phía bên kia…
Đôi mắt cương nghị sau cặp kính trắng chỏ tay về phía đồi Bạt. Phải di dời cả những ngôi mộ trên kia, tính thế nào cho tiện, đền bù thỏa đáng để di dời nhanh. Đoàn người kéo đến trước mặt mụ. Mụ run lên. Đôi bàn tay nắm chặt. Tiếng rít qua kẽ răng ken két. Mụ hất tung đám lá thuốc vào lũ người đang đứng trước mặt mình, khuyên bảo, đe dọa. Mụ văng cây gỗ vào chúng. Cút! Cút hết! Đồ khốn! Cút đi! Đôi mắt mụ như bật máu. Tóc mụ xũ ra, lòa xòa, nhớp nhúa mồ hôi, nước mắt.
Mụ nằm vật ra. Gương mặt trắng xanh xao, nơi hõm cổ phập phồng theo nhịp thở. Linh nâng mụ dậy. Mụ nhét nắm lá giấu trong vạt áo. Nước nhễu ra hai bên mép.
Linh giằng tay mụ. Mụ đấm thùm thụp vào bụng mình. ánh mắt mụ gàu lên.
Lũ khốn! Một lũ khốn!
Bụng mụ mỗi lúc đội cái áo mỏng cao lên dần, không sao nhỏ lại. Linh nhìn mụ. Mụ nhìn xuống bụng. Bàn tay lần sờ từng chút, ánh mắt rực lên như con thú hoang lạc đường. Khổ cho mụ chỉ chuyên chữa bệnh muộn đẻ.
Máy móc kéo lên. Tiến dần đến đồi Bạt. Những ngôi mộ được di chuyển. Cứ y như cách người ta di chuyển những thân cây trong rừng. Hàng trăm linh hồn chưa bay lên trời. Họ vẫn ở đấy, vẫn nhìn về phía làng. Nhưng giờ thì không ai được ở lại nữa. Mụ gằn lên, đấm thùm thụp vào bụng mình. Bàn chân mụ cũng mỏi rồi. Linh nhìn thấy những linh hồn bay lên. Đôi mắt nhìn về phía làng. Đăm đăm.
Những cánh chim bay ngập trời. Linh nhìn mụ. Mụ nhìn chim. Ngẩn ngơ. Đàn chim bay sà xuống ngang đồi Bạt. Những cánh chim mỏi mệt. Chúng lượn trên dòng sông Pô tắc nghẹt. Trên đồi Bạt nham nhở những vết đào bới. Vết lồi màu xám ngang người. Đôi mắt đen như hạt đỗ. Cánh chim lượn vòng trên nền trời xám ngoét… Linh nhắm mắt lại. Hình dung một cánh chim bạt gió trở về… Dù là trong giấc mơ thôi.
 
Nguồn Văn nghệ số 43/2016
Tác giả: Dương Giao Linh – Thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *