Bài nổi bật

Câu chuyện dở nơi mái hiên

Thấy tôi xịu mặt, bác vuốt tóc an ủi và nhẩn nha kể tiếp: “Nhưng nhờ thế mới đến lượt bác trai. Và cũng do thế bác hãi thêm những đận hạn hán. Vào trong này chả có ruộng để làm mà vẫn còn hãi. Hãi nắng lại đâm quí mưa, là thế đấy”. Bác vừa nói vừa cười. Cười rất tươi. Hàm răng đều tăm tắp và đen nhánh của bác ánh lên trong cái ẩm đục của không gian mưa. Nom đẹp đến lạ lùng…
****
Tai nạn xảy ra với tôi hồi tháng ba năm chín sáu. Bị chấn thương cột sống do ngã, tưởng là nhẹ không ngờ lại nặng đến thế. Đã tưởng liệt, suốt đời phải ngồi trên xe lăn. Chữa trị cật lực là thế mà có gần hai tháng sau, tôi mới có thể vịn tường đi lại quanh nhà. Thêm vài tuần nữa, tôi mới lết bết ra được biển. Lần đầu hãi quá, nhất là lúc sang đường. Phải nhờ người giúp và cứ thế mà bấu lấy họ bất kể là đàn ông hay đàn bà. Cứ vai rụt, vai co. Chân xiêu, chân xọ. Người co rúm lại đến là thảm. Bạn tôi có lần gặp, bảo: “Để tao chở mày về. Đừng làm tao phải khóc”. Tôi cười: “Nếu mày rảnh, đi kèm hộ nhưng nhớ là chỉ hôm nay thôi đấy nhé! Mai tao đi một mình”. Thế là hôm ấy nó đưa tôi đi. Đứa trước, đứa sau. Đứa trước dòm chừng đứa sau. Đứa sau trông đứa trước mà bước tới. Không cần đi sóng ngang mà vẫn nói chuyện được đấy. Nó vốn hài hước. Tôi vốn tiếu lâm. Thế là cười. Cười quá thể. Cười và nghĩ vài lần là ra đến biển ngay ấy mà.
…………………
Ở biển suốt nửa tháng liền, tôi chỉ đi lẫm chẫm dọc mé nước. Ngán nhất là đoạn băng qua bãi cát để đến gần hơn với sóng. Lần nào cũng ngã. Ngã chúi đầu chúi óc. Có hôm uất quá, ngồi phịch xuống giữa bãi khóc như trẻ con. Nghĩ bố mẹ đẻ mình ra tay chân đâu có… “dở hơi” như thế này. Thế là cố gượng dậy và tập bước tiếp. Thích lắm khi được đi trở lại và thích hơn khi đặt cả bàn chân của mình lên cát ẩm và nghe mát rượi mỗi lần dẫm vào sóng. Đi lẫm chẫm như thế, nghe ra, cũng là quá sức với một người vừa khỏi bệnh như tôi và cũng do cố quá nên đâm ra mất thăng bằng. Có lần không làm sao nhấc nổi cái chân mà cơn co giật lại ập đến. Tôi đứng luống cuống, run rẩy giữa cát và nước. Chỉ sợ người mình đổ sụp xuống và sóng cuốn ra mãi ngoài khơi. Cuống quá, tôi quơ đại một người đi ngang, không ngờ cả mình và người ấy ngã dúi vào nhau. Ngã, nhưng tôi vẫn được giữ chặt và ôm cứng. Qua lúc hoảng loạn, tôi nhìn lại và giật mình: thì ra là một bà cụ, chắc tuổi cũng cao lắm rồi. Tôi ngao ngán cho tình cảnh của mình nhưng rất sung sướng vì được giúp đỡ kịp lúc và mừng hơn vì đó là đàn bà. Cứ hình dung là một ông nào đấy thì… dị hợm biết là dường nào. Có mà ngượng chín cả người ra ấy chứ! Tôi đang định nói lời cảm ơn, cụ đã vội nói trước:
– Cháu có làm sao không? Khổ thân! Chắc cháu ốm?
– Vâng ạ! May quá lại có bác, không thì… Cháu làm cho bác cũng bị ngã theo.
– Có hề gì. Chỉ sợ cháu có làm sao. Thôi thế này. Bây giờ thì hết co giật rồi, bác buông cháu ra nhé. Gượm đã rồi gượng mà đứng dậy cháu ạ! Để bác đỡ cho.
Trong câu chuyện sau đó giữa hai bác cháu – lúc tôi và cụ đã lên được trên bãi và ngồi cạnh nhau – tôi mới biết cụ quê cùng huyện và tỉnh với tôi ở ngoài bắc. Chỉ có khác xã. Cụ kém mẹ tôi dăm tuổi. Mẹ tôi tuổi dậu, còn cụ tuổi dần. Cách đây mấy năm, cụ bị tai biến mạch máu não. Liệt nửa người bên phải, đành nằm một chỗ. Sau, thuốc thang và châm cứu mãi mới đỡ. Người ngợm, tay chân hãy còn xiêu xọ lắm nên cứ phải ra biển mỗi sáng để tập tành thêm. “Bác đi hãy còn yếu nên cháu đụng vào là lăn quay ngay thôi”. Cụ bảo thế và cười rõ to nhưng chùng giọng ngay, có vẻ ngậm ngùi:
– Bác nhìn mày bước như thế là biết ngay cháu ốm. Lúc mày đang co giật, bác có thấy đấy chứ! Cũng gắng mà đi nhanh lên xem có giúp được gì chăng?
– Thì bác đã giúp cháu đấy thôi.
– Giúp gì… Nếu khỏe, bác đã đỡ được cháu rồi. Có đâu phải ra nông nổi thế.
– Chuyện… Bác đi đứng đã vững đâu cơ chứ!
– Phải. Tôi đi chân xiêu, chân xọ. Còn chị thì đi thẳng thớm chắc?
– Vâng. Bác thì chân xiêu, chân xọ. Còn cháu thì chân rụt, chân co. Nhưng cứ phải là cố đi thẳng cho kỳ được thì thôi, bác nhỉ?
– Có mày thì còn phải cố, cháu ạ! Cũng còn trẻ. Cũng được người. Chân tay như thế thì có khác nào kẻ tật nguyền. Nó phí đi cả đời, tiếc lắm. Bác già rồi, cứ cốt đi được như thế này là quí hóa lắm rồi.
Sau hôm ấy, sáng sớm nào hai bác cháu cũng gặp nhau ở biển. Cùng đi lẫm chẫm với nhau dưới mé nước. Do tuổi tác chênh lệch, việc tập tành giữa tôi và bác không thể như nhau được. Tôi tiến bộ thấy rõ. Bác cứ phải nhắc chừng: “Khiếp! Sao mà mày liều thế hả cháu?” khi thấy tôi bước nháo nhào lên phía trước, bất kể lúc đang rất mệt. Còn bác thì cứ túc tắc vậy thôi. Thật ra thì cũng có nhích lên một tí nhưng chẳng đáng kể gì. Tôi cứ phải luôn khuyến khích, giục giã: “Đi thêm một chút nữa đi bác. Đi với cháu mà. Đi nhanh lên bác”.
Những lúc mồ hôi ướt đẫm hết cả áo xống, mệt đến bã cả người vì phải quay cuồng, vật lộn trong những giờ tập tành như thế này mới thấy cái việc đi thẳng thớm như trước đây và bình thường như mọi người, là khó nhọc đến đâu. Từ đó mới thấm thía được nhiều điều và vỡ ra lắm lẽ đời mà bấy lâu nay tôi chưa thấu hết. Mới biết đến giá trị của những chuyện xem chừng như rất đổi tủn mủn, cỏn con… Nghĩ lại hồi còn nằm một chỗ. Nóng quá, khát nước đến khô cả họng mà chẳng dám chiều cái xác vì sợ uống vào, lại phải đi tiểu làm phiền người nhà. Thế là chỉ dám nhấp nhấp vừa đủ ướt môi. Uống nước mà cũng phải uống… tiện tặn, mới đến là khổ thân và nhọc lòng. Có một buổi trưa nắng nóng dữ dội, thấy đứa em bê nguyên một ca trà đá to tu ừng ực. Thèm quá khiến nẩy sinh nỗi ước ao. Một ước ao thật hết sức nhỏ nhoi: giá mà… giá mà… Có phải trải qua mấy lúc ấy, mới thấy những ai còn tự mình bước đi và được uống nước đến thỏa thuê là sung sướng đến ngần nào. Mới cảm thông sâu sắc cho những ai phải rơi vào cảnh ngộ như mình. Như trường hợp của tôi và bà cụ.
Thường lúc nghỉ ngơi, hai bác cháu hay ngồi trên bãi chuyện trò. Bà cụ nói chuyện rất có duyên và áng chừng ngày trẻ cũng đẹp. Bây giờ cái tinh nghịch, hóm hỉnh của cụ xem ra cũng còn quyến rũ lắm. Khi tôi nói ra điều ấy, cụ cười với đôi mắt nhấp nháy:
– Ừ, ngày trẻ bác cũng xinh. Bằng gái quê thôi! Nhưng khối người mê đấy.
– Như vậy chắc bác trai cũng phải…
– Ối giời! Bằng cái duyên số nó gắn vào nhau. Ông ấy cũng đường được. Đậm người, chắc khỏe cứ tưởng phải đi sau thế mà… Có ai ngờ!
– Bác trai mất đã lâu chưa ạ?
– Mới ba năm. Ngày ấy bác ốm lắm cơ! Cứ phải nằm một chỗ, chứ được như thế này đã đỡ…
Bác trai lo tất tần tật. Bác trai chăm vợ thì chả ai bằng.
Khi tôi nắm vội tay bác như một cách chia sẻ, bác đã xiết lấy rất chặt. Những ngón tay thô ráp của bác luống cuống trong tay tôi cho biết bác đang rất xúc động. Phải một lúc lâu sau, bác mới nói tiếp:
-…Rồi lại còn mê con, ghiền cháu nữa chứ! Thật chưa thấy một ai… buồn cười như thế!
– Chắc bác đang ở chung với con trai?
– Ừ! Bác hiếm con. Chỉ có hai đứa: giai đầu, gái sau. Ngày trước mà đẻ như thế là ít lắm đấy!
– Ối giời! Cháu lại thấy cái sự đẻ ít của bác là rất hay.
– Nói thì thế nhưng có được dăm, bảy đứa túm tụm, xúm xít lẩn quẩn quanh mình vẫn là hơn chứ! Mà lại có cả con gái thì còn gì bằng. Ái chà!… Giá mà con gái bác không phải theo chồng, vào sống ở trong nam, thì…
– Thì nhất bác rồi.
– Phải. Nhất. Mà đúng là nhất thật vì cảnh nhà bác còn hơn chán vạn cảnh những nhà khác nhưng con người ấy mà. Vẫn là có máu tham. Tham tiền, tham quyền. Tham cả đường con mới đến là tệ. Cháu nhỉ?
Câu chuyện của hai bác cháu còn tiếp tục cả trên đường về. Bao giờ cũng thế. Đến ngã tư Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn thì chúng tôi chia tay. Tôi đi bộ để về nhà mình. Còn bác thì đi xích lô, vì: “Nhọc lắm với lại bác cũng có tiền. Của các con nó biếu. Bảo để mẹ ăn quà và đi xe”. Bác bảo nhà bác ở xa lắm. Còn trên cả cây xăng ông Tề.
Hôm tôi chạy được hẳn hoi là một ngày vui và rất đáng nhớ của hai bác cháu. Chẳng là trước đó cả tuần, ngày nào tôi cũng tập chạy thử, nhưng chỉ được dăm bước lại ngã. Tôi buồn và thất vọng ghê gớm. Trong lòng cứ nghĩ chẳng lẽ từ đây về sau, mình không thể chạy được nữa hay sao? Đã đành từ chỗ nằm liệt mà đi lại được là tốt lắm rồi, nhưng tôi vẫn ao ước được chạy nữa cơ! Chạy băng băng như bao người vẫn chạy bình thường trên bãi biển này. Họ chạy được tại sao tôi lại không? Tức chết đi được. Bác an ủi: “Mày ương lắm cháu ạ! Cũng phải từ từ chứ! Cứ thư thư đã”. Bác lại còn dỗ tôi cứ như là dỗ trẻ con: “Nghe bác đây! Mày khí trái tính nhưng đã có lòng kiên quyết như thế thì ắt phải được. Chẳng việc gì mà lo”. Bác hứa hôm nào tôi chạy được một quãng kha khá mà không ngã, bác sẽ khao tôi một bữa điểm tâm – cà phê sáng ra trò. Hôm ấy đúng là một ngày khó quên. Hai bác cháu đang đi từ từ bên nhau, bỗng tôi rụt cổ, xoãi chân rồi bung người chạy tới. Đang sẵn đà, tôi lao lên luôn. Chạy được một đoạn hơi xa, tôi thấy đôi chân mình tự nhiên như bị nhũn xuống nên lập tức dừng lại. Tôi dùng tay làm loa, hét toáng lên bằng tất cả sức bình sinh cùng với nỗi sung sướng choáng ngợp: “Cháu chạy được rồi. Bác ơi! Cháu chạy được rồi”. Còn bác? Bác cũng quáng quàng, vấp lên ngã xuống khi cố đi thật nhanh đến chỗ tôi đứng. Nhìn vào mắt bác, tôi thấy tràn ngập trong đó những niềm vui. Hai bác cháu đứng ngây ra nhìn nhau thật lâu rồi chẳng hiểu vì sao, bỗng dưng tôi bật khóc. Tôi ngồi hẳn xuống nền cát ẩm, ngồi ngay trên những con sóng đang vỗ đập và khóc. Khóc đã đời. Khóc thỏa thuê. Bỗng có người kéo tôi đứng dậy. Thì ra là bác. Thêm một lần nữa, hai bác cháu lại ngã chúi vào nhau. Giữa lúc ấy một con sóng lớn ập vào làm bác và tôi ướt như chuột lột. Quần áo như thế này thì làm sao có thể ra quán ăn bún riêu ốc được, nên đành phải vào một cửa hàng ở gần biển. Nơi này lại chuyên bán nước giải khát. Đồ ăn sáng chỉ có mì gói và bánh mì ốp la. Bác bảo gọi cho bác bát mì: “Cái ngữ ốp la, ốp liếc thì chịu”. Tôi nhìn bác ngạc nhiên:
– Sao thế ạ?
– Chẳng sao cả, nhưng cứ thấy trứng sống sít như thế là phát kinh. Từ thuở bé đến giờ, bác chả ăn thứ này bao giờ.
Không ăn được món điểm tâm ấy nhưng bác lại hơn mẹ tôi ở chỗ uống được cà phê. Mẹ tôi thì chịu. Bà bảo: “Uống vào là nhức đầu, tim cứ đập nhoi nhói, khiếp lắm!”. Hôm ấy tôi thích chí do chạy đựợc một quãng dài mà không bị ngã, vui quá nên đã tán phét hơi nhiều. Bác chỉ nhìn tôi cười thương yêu. Đến cái đoạn tôi bảo sẽ đi bơi lại trong mùa hè năm ấy thì bác đưa tay ra ngăn:
– Thôi! Cho bác xin. Cũng còn phải liệu sức cháu ạ! Mày hay nói bông phèng. Hay thật đấy! Chả bù cho con gái của bác…
– Chị ấy làm sao cơ?
– Nó kín đáo thâm trầm lắm chứ chả tếu táo vui tính như mày đâu. Nó cũng khoảng tuổi cháu đấy.
– Và đẹp người như bác?
– Cái to cao thì giống bác trai. Thằng anh nó cũng thế, chứ giống bác nhỏ thó, lẹt đẹt có ra làm sao. May mà bác cũng còn được cái khuôn mặt. Nhưng chỉ dễ nhìn khi trẻ thôi. Chứ giờ già rồi.
– Bác cứ nói khiêm nhường, chứ đẹp lão như bác, giờ vẫn còn lắm người ưa.
– Có mỗi mình chị ưa thì có. Tôi đây biết thừa, nhé! Chả phải nịnh.
– Chịu bác thật đấy. Cháu chỉ khen bác hơi quá một tị, chứ nào có dám nịnh. Thế con gái bác có hay về thăm không ạ?
– Nói là trong nam nhưng có phải ở Sài Gòn, Long Khánh, Biên Hòa… gì đâu. Tít mãi dưới Cà Mau. Lại mẹ chồng ốm quanh năm. Con thì lít nhít, chồng vắng nhà luôn nên muốn lắm đấy nhưng kể ra cũng khó. Có phải người nào đi xa cũng “ăn nên làm ra” cả đâu hả cháu!
Giọng bác chùng hẳn xuống. Đó là lần đầu tôi nghe bác nhắc đến con gái mình với giọng buồn buồn, ngậm ngùi. Cái buồn của bác như lấn sang cả bên tôi, khiến cho quen láu táu là thế mà tôi bỗng trầm hẳn. Cứ lặng thinh nghe bác nói. Hôm ấy bác kể nhiều. Đủ cả. Con cái rồi là cửa nhà. Bác bảo cái nhà của bác ở trong hẻm có phần phức tạp nhưng dân trong xóm – ngõ thương quí nhau hơn và luôn gần gũi. Chứ cái anh sống ở mặt tiền với lại cửa sắt ngăn cách, thêm nữa vướng vào cái chuyện bán buôn, sao tránh khỏi cạnh tranh. Tiếp đấy bác nói đến chuyện quê: cảnh quê, người quê rồi là tết quê. Bác thủ thỉ: “Cái tết hay nhất là ở khí hậu. Tết thì phải rét mới ra tết chứ! Vừa dễ cho cánh nam nữ ăn diện và thức ăn chả phải lo gì cái chuyện hư, thiu. Mà tết thì có bao nhiêu là các thứ. Ngày thường làm gì được nếm qua. Nhà bác tết năm nào cũng nấu nha, gói giò, vét ao… Khiếp, cá quả nhà bác to phải biết. Còn cá diếc sao mà béo thế. Nhà làm sẵn vại tương từ trong năm. Để ngâm giò nây ngày tết với lại kho cá ăn dần”. Bác cứ chép miệng nhắc đi, nhắc lại: “Cái tết bắc, rồi là miếng giò ở quê, bác cứ nhớ mãi, thèm mãi…” khiến tôi có cảm giác nước bọt trong mồm mình đang tứa ra tận kẻ răng và thoang thoảng đâu đó mùi tương quê thơm lựng trong những cơn gió sắt se. Gió cứ như gió ngoài nhà, theo lời bà nội tôi kể.
Rồi cơn mưa đầu mùa cũng đến. Mấy hôm trước đó, trời chuyển nhiều. Bác rên xương xo nghe chừng rớt hẳn ra. Còn cái lưng của tôi cứ như là cái lưng đi mượn. Thế mà chẳng có hôm nào bác cháu tôi chịu vắng mặt ở biển đâu nhé! Tôi đã kịp nhận ra việc tập tành đi lại nào phải là nguyên cớ duy nhất cho điều này. Thì đã hẳn… Bác và tôi chẳng phải là những người say chuyện đấy sao! Chuyện đâu mà lắm chuyện thế chẳng biết. Sáng nào cũng nói thế mà chưa bao giờ hết được. Những câu chuyện cứ ngày một dài ra. Chuyện ngày hôm sau chập vào chuyện ngày hôm trước. Chuyện ngày hôm trước có gì thiếu sót, bẵng quên thì ngày hôm sau bổ sung. Cứ thế! Hai bác cháu tha hồ thủ thỉ và rầm rì. Đấy cũng vì mãi mê chuyện trò mà một tí nữa cả hai đã bị mắc mưa. Chẳng là hôm đó, đã đến lúc chia tay rồi mà bác và tôi vẫn còn chưa rồi câu chuyện nên cứ dùng dằng thêm bớt mãi không dè mưa ập xuống: “Khiếp thật cho cái anh mưa đầu mùa”. Bác bảo thế sau khi đã được tôi kéo vào một mái hiên gần đấy rồi nói thêm, sau khi hai bác cháu đã kiếm được chỗ ngồi:
– Cháu ở thành phố từ bé, thế thì chả biết đến cái hạn ở quê đâu nhỉ?
– Cháu có nghe mẹ cháu kể. Mẹ cháu bảo ngán lắm cơ!
– Ừ! Cây chết khô, đất nứt nẻ. Tranh nhau từng gầu nước tát ruộng nhà. Ngán thật! Ngoài nhà khổ là vậy. Năm nào cũng hạn rồi lụt. Cháu bảo thời tiết làm ra thế, tránh sao khỏi cái nghèo.
Bác còn kể tiếp. Giọng rủ rỉ, rù rì trong tiếng mưa dữ dội bên ngoài tạo thành một sự hòa trộn âm thanh hết sức đặc biệt. Bác bảo nhớ mãi cái đận hạn hán năm ấy. Khi ấy bác mới mười sáu tuổi và đã có người đánh tiếng. Cái bếp nhà bác cũng bị cháy trong đợt này. Bác đã lớn bằng đấy nhưng mà hãy còn tồ lắm cơ! Đang ở ngoài sân đình, nghe tin, chạy đường tắt về, xộc thẳng vào buồng, vơ vội cái áo bông mẹ mới mua cho, rồi chạy ngay ra. Vội quá, chả nhòm ngó gì. Mắt mũi để những đâu đâu, thế là bị những người đến chữa cháy tông phải và ngã ngay xuống ao.
Bác kết lại:
– Thế mà hay, cháu ạ!
– Sao thế hả bác?
– Thì cũng bởi vậy, mà cái người đánh tiếng bác mới thôi ngay. Bảo: “Cưới gì cái đứa ngã ao.
Bằng hâm tất”.
– Buồn cười nhỉ?
– Mẹ bác cứ bực mãi. Người ta là con trai một. Nhà lại khá giả. Lắm gia đình trong làng để ý.
– Thế là bác bị hụt mối rồi. Đã mất áo bông lại còn mất cả…người ấy. Tiếc thật bác nhỉ?
– Thương yêu gì đâu mà tiếc. Có biết gì? Còn cái áo, mất thế nào được. Bác cứ giữ riệt vào trong người. Một tay giữ. Một tay hua hua. Người ta thấy thế là cứu.
– Bác trai cứu, có phải không ạ?
– Bác trai nào? Chị thì chỉ được cái hay đoán mò là tài.
Thấy tôi xịu mặt, bác vuốt tóc an ủi và nhẩn nha kể tiếp: “Nhưng nhờ thế mới đến lượt bác trai. Và cũng do thế bác hãi thêm những đận hạn hán. Vào trong này chả có ruộng để làm mà vẫn còn hãi. Hãi nắng lại đâm quí mưa, là thế đấy”. Bác vừa nói vừa cười. Cười rất tươi. Hàm răng đều tăm tắp và đen nhánh của bác ánh lên trong cái ẩm đục của không gian mưa. Nom đẹp đến lạ lùng.
Sau khi tiễn bác lên xích lô, vì bác cứ sợ “chúng nó chờ và lo”, tôi bước thấp bước cao vịn tường lết bết trở về nhà mình. Lòng háo hức cứ như trẻ con khi được đi trong mưa. Nhúc nhắc có mỗi một mình. Một mình với cuộc chuyện trò nhiều thú vị với bác vừa rồi dưới mái hiên nhà người. Tôi cười thầm, tự nhủ: “Cháu chưa tha bác đâu. Để rồi cháu còn phải xoay bác thêm, về… Về cái gì nhỉ?… Ơ, thì về cái ông đã chê bác hâm bởi ngã ao nên không chịu cưới ấy…”. Mưa suốt ngày hôm ấy và cả đêm. Chỉ ngớt có một lúc khi đã khuya lắm rồi. Mưa miền trung dai dẳng và dầm dề, chứ chả phải như mưa trong nam, còn có khi tạnh lúc ngớt bởi từng cơn, từng cơn một. Mưa, tôi bị nhốt trong nhà nên tận dụng hết thời gian để tập những động tác mới. Nhờ vậy, tôi đã đi lại cứng cáp hơn nhưng làm sao có thể ra biển? Tôi thèm được gặp lại bác để chuyện trò biết bao! Lúc nhớ bác quá thể, tôi mới thấy mình thật vô tâm khi chưa biết nhà của bác. Chỉ nghe nói là ở xa, mãi trên cây xăng ông Tề. Địa chỉ mơ hồ như thế thì làm sao mà tìm cho ra được. Khổ một nỗi là tôi chưa có lấy một lần mời bác đến nhà mình chơi. Tôi ngồi trong khung cửa, chết lặng. Nhìn ra màn mưa trắng xóa bên ngoài, ân hận về sự vô tình của mình và cảm nhận được mối quan hệ hết sức lạ lùng giữa bác và tôi. Thời gian gần gũi với bác đâu có dài. Nhà của nhau còn chưa biết. Tên của nhau còn chưa hay mà sao lại thương quí, thiết thân và gắn bó đến ngần này. Tôi ngóng trông mau đến mùa hè vì tin chắc mùa hè năm sau thể nào bác cũng ra biển.
Rồi mùa hè năm sau cũng đến. Rồi năm sau nữa… Chân tôi đã hết rụt, hết co. Đã bước đi thẳng thớm đàng hoàng. Tôi còn chạy được rất nhanh và đã bơi trở lại mà bác vẫn biệt tăm. Có những buổi sáng ở biển tôi đã giật thót cả người, khi chợt nhìn thấy ai đó, có vóc dáng và bước đi chân xiêu, chân xọ như bác trước đây. Ngay sau đó khi biết mình nhầm, tôi đã buông rũ cả người, nằm sóng xoãi trên bãi trong tâm trạng chán nản tột cùng. Tôi cũng đã lên vùng cây xăng ông Tề hằng mấy lần, để tìm nhà bác nhưng chỉ lớ ngớ một lúc rồi lại về. Biết phải hỏi thăm như thế nào đây? Lòng bần thần và hoang trống, tôi đạp xe rất chậm trên đường. Nhớ đến một vòng ôm già nua yếu đuối, đã cố giữ mình thật chặt, trong cơn co giật dữ dội ngày nào. Nhớ đến một bàn tay gầy trơ và nhăn nhúm, đã gắng đỡ mình đứng dậy, giữa những con sóng xô đập mùa hè năm ấy và nước mắt ứa ra lúc nào chẳng hay…
Tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ – Người thực hiện: Đình Khánh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *