Bài nổi bật

Cây đại học – Nguyễn Trọng Luân

Câu chuyện chúng ta vừa nghe nằm trong bối cảnh Trường Sơn năm 1971, những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính của truyện là trung đội trưởng Nguyễn Kháng, người nhận nhiệm vụ quản lý một trạm xăng dầu giữa rừng Trường Sơn và đặt các đường ống dẫn xăng dầu ẩn mình dưới rừng già. Hai nhân vật nữ xuất hiện sau nhân vật chính là Phượng và Dịu, hai cô gái được bổ sung từ hậu phương vào, giữ nhiệm vụ lắp đặt và sửa chữa cơ khí. Chính hai cô gái đã tạo ra một bầu không khí sinh động, tươi tắn, mới mẻ cho cả trạm xăng dầu, cũng là tạo nên vẻ đẹp cho truyện ngắn này. Giọng điệu trần thuật của tác giả cũng thay đổi kể từ khi xuất hiện hai nhân vật nữ. Người đọc sẽ còn nhớ thật nhiều những đoạn tâm sự giữa hai cô gái, những câu nói đùa, những phút thẫn thờ, và cả những tình huống dở khóc dở cười của Phượng và Dịu. Trong sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, những cô gái vẫn không nguôi ước mơ sau này được tiếp tục đi học, tâm hồn họ vẫn trong trẻo như suối rừng, vẫn lãng mạn và đẹp như những đóa phong lan treo đầy quanh trạm. Trở lại với nhan đề của truyện ngắn, đây thực sự là một cách gọi tên gây nhiều bất ngờ và ấn tượng. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, rồi để lại những ký ức, những nỗi nhớ và cả bao mơ ước của mình khắc lên vỏ cây giữa rừng già. Biết bao người trong số đó đã ngã xuống, để lại phần khắc tên như những dòng chữ cuối cùng trong cuộc đời. Phần kết của truyện gây nhiều xúc động khi Phượng trúng bom hy sinh, tay vẫn ôm mảnh gỗ từ thân “cây đại học” để kê vào đường ống dẫn dầu. Chi tiết những sợi tóc của Phượng mắc vào vỏ gỗ mà không ai nỡ gỡ ra là một chi tiết đầy ảm ảnh. Cái kết của truyện tuy buồn thương nhưng nó không làm người ta yếu lòng, trái lại, sự hy sinh ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người đang sống để tiếp tục chiến đấu kiên cường. Chính họ sẽ viết tiếp những ước mơ cho bao đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mùa khô khiến Trường Sơn đẹp hơn rất nhiều so với lần đi vào tháng 8 năm 1966, đi trong mưa.
Nguyễn Kháng quay ra học kĩ thuật đường ống khi đang là B phó 12 li 7 bảo vệ đường dây 559. Chàng trai người Quảng Bá, Hà Nội chưa kịp thực hiện ước mơ của cha mẹ là cưới vợ thì lại quay vào Trường Sơn. Cái mác lính sinh viên gắn vào anh chuyến hành quân lần thứ 2 ấy.
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân
Tối đầu tiên khi về đơn vị của mình ở gần trạm X là mùa khô. Đơn vị mới, lính mới, cán bộ mới, mọi sự hoạt động đều dựa vào đường dây 559. Lúc còn ở miền Bắc, Nguyễn Kháng cũng về thực tập ở trạm đường ống Bãi Cháy. Ở đó Kháng thực sự ngạc nhiên về những cô gái đường ống xăng dầu vừa xinh xắn vừa dũng cảm. Chiến tranh giặc giã khiến con gái cũng ra trận, lăn lóc cả với những nghề da chì rụng tóc. Nguyễn Kháng không dám nói ra mồm nhưng cứ nghĩ, sao nhà nước lại mang các cô gái này nhúng họ vào xăng dầu, cái nghề dễ bề tịt đẻ. Ngày ấy những đêm ở đông bắc nghe các học sinh Trung cấp Vật Tư hò đêm. Kháng cũng hơn một lần đi hò.
Hò:
– Ơi em cô gái xăng dầu
Có về Hà Nội làm dâu thì về.
Anh chỉ đùa thế thôi, lập tức có cô gái đáp lại giọng lờ và nờ lẫn lộn. Đáp lại rằng:
– Bao giờ Mỹ cút Ngụy thua
Em về anh có đón đưa không “lào”?
Đừng chê má thắm mùi dầu
Tóc thơm “ná” xả xăng “lào” thơm hơn…
Tiếng cười của các cô gái đường ống trường Vật Tư lan vào đêm. Trời đông bắc có mùi gió biển từ vịnh Hạ Long mươn mướt.
Hôm nay trên đường đi trinh sát tuyến ống. Nguyễn Kháng lại nhớ đến những cô gái đường ống ấy. Ngoài kia đường ống đã vươn gần hết đất Trị Thiên. Cấp trên nóng lòng đặt trạm đẩy cho lối ngã ba về Quảng Nam của Nguyễn Kháng. Cán bộ binh trạm cùng đi với Kháng nói:
– Không có cách nào khác là tuyến trạm này phải cho ống leo qua chỗ cây Đại Học anh Kháng ạ.
Kháng ngạc nhiên.
– Cây Đại Học? Chỗ nào?
– Chỗ suối đá, lối tắt lên trạm đó. Dốc, nhưng tránh qua vực sâu. Chỗ ấy bộ đội chỉ hành quân mùa khô thôi. Mùa mưa lại tránh, đi đường khác.
Nguyễn Kháng cùng bộ phận trinh sát tuyến đến suối đá cây Đại Học. Hôm ấy mùa khô. Buổi sáng trời trong veo veo. Cái suối đá là một khe lõm đầy đá tảng ngược lên núi. Đây chính là đoạn đường hành quân của bộ đội đi vào. Bao giờ đến đây họ cũng nghỉ giải lao để vượt dốc. Chính chỗ bộ đội hay ngồi nghỉ khiến những phiến đá nhẵn bóng ấy có một cây cao mọc từ giữa suối vươn lên trời. Cây gì chả biết, vì nhìn ngước lên mệt lắm. Lần đầu tiên thấy một cây cổ thụ giữa rừng nguyên sinh đầy những vết khảm vào thân cây tên người tên trường học khiến Nguyễn Kháng lạnh toát người. Kháng sờ tay lên những dòng chữ trên thân cây sám nâu túa nhựa thâm đen lại. Đã hai lần đi Trường sơn Kháng không lạ gì những tên người tên quê hương khắc vào thân cây trên đường. Nhưng hôm nay Nguyễn Kháng chỉ thấy tên người và tên trường đại học trên gốc cây này. Những dòng tên cao lên đến 2 mét thì dừng lại. Chắc những người lính vì vội hành quân không thể công kênh nhau lên cao nữa mà ghi tên mình. Theo ngày tháng khắc trên thân cây Nguyễn Kháng tìm ra một chi tiết, đó là cái tên khắc sớm nhất là “Trần Khắc X… Đại học Kinh tế Kế hoạch.” Kháng nhận ra hầu hết các trường đại học miền Bắc đều có tên ở đây. Mỗi tên trường mỗi khác về kích cỡ chữ. Kháng nhận ra trường Sư phạm thì chữ khắc nghiêm túc chân phương, trường Kiến trúc thì bay bướm đẹp đẽ, trường Bách khoa thì viết tắt tài hoa… Tay anh dừng lại ở cái tên “Quốc Yên… Đại học QS.” Đây rồi, trường của mình đây rồi. Nước mắt trào ra hệt như ngày trở về từ Trường Sơn lần trước, khi anh xuống ga Hà Nội.
Đêm hôm ấy anh trở lại suối đá có cây Đại Học. Quì xuống gốc cây anh nói một mình.
– Các bạn ơi! Các anh ơi! Những cái tên này liệu ai còn trên mặt đất, ai đã nằm trong lòng đất. Hãy chứng giám cho tôi. Tôi có nên đặt đường ống leo qua dốc đá này không? Nếu đồng ý cho tôi tắc kè chẵn. Không đồng ý thì cho nó kêu lẻ. Tôi Nguyễn Kháng đại học QS đây các anh ơi.
Đúng lúc ấy rừng như im gió có tiếng tắc kè khô khốc vang lên. Nó kêu đến 6 tiếng thì dừng lại. Nguyễn Kháng ngửa mặt lên giời, những chòm sao li ti màu tim tím. Lần đầu tiên Nguyễn Kháng nhận ra những vì sao và cả ánh trăng nữa ở Trường Sơn có mầu tím.
***
Mùa mưa. Trạm xăng dầu đóng trên đỉnh núi nhìn xung quanh như biển, mù mẫm những sương như mây xám. Hôm nào loe nắng lên là bồng bềnh mây, mây bở ra như hơi nước trong nồi cơm sôi. Chỉ có phong lan là nở hoa chả cần mùa mưa hay mùa khô. Nó cứ nở theo bản năng của nó, tinh khiết và chân thành, lặng lẽ. Loài hoa nào cũng vậy không bao giờ nở vội, nở ép. Mặc cho đạn bom mặc vầy vữa tác động của giống động vật bên cạnh, nó cứ nở đúng mùa và thơm hương như vốn có. Bom hay đạn chả làm nó thay đổi đơm nụ khoe hoa. Trường Sơn có nhẽ từ triệu triệu năm mới thấy tiếng nổ và khói lửa. Bản thân Trường Sơn không có khói, không có nổ, chỉ có hoa bướm và suối đẹp hoang, đẹp hoải vậy thôi. Trường Sơn là nơi bắt đầu cho những dòng sông nước Việt chảy về phía biển và Trường Sơn cũng là ngọn nguồn cho những dòng sông chảy về hướng Tây qua đất nước Lào.
Có người nói Trường Sơn là người cha nằm dang tay cho hai đứa con của người nằm gối đầu hai bên. Người cha Trường Sơn yêu thương hai đứa con hệt như nhau.
Khi đường ống xăng dầu lúc chìm lúc nổi lúc chui qua suối, lúc chìm vào rừng cây, vươn qua dốc có cây Đại Học thì cũng là lúc đường hành quân của bộ đội phải đi lối khác. Đã qua một mùa mưa dòng suối tóe tung bọt đập vào thân cây Đại học reo vu vu suốt mấy tháng trời. Sang mùa khô con suối lại trơ ra trắng phơ phơ đầy những bướm vàng bướm trắng bay rối tung lên. Nguyễn Kháng vẫn qua lại đây kiểm tra đướng ống mặc dù đường ống cách cây Đại Học cả trăm mét ẩn mình dưới rừng già. Mùa khô năm 1972 địch đánh dữ dội cả đêm cả ngày. Chúng quyết băm nát đường cung cấp xăng dầu từ miền Bắc vào đến cực Nam Trung bộ của quân ta. Lúc ấy trạm của Kháng bổ sung hai cô gái lắp đặt và sửa chữa cơ khí ở hậu phương vào. Một cô tên Phượng, một cô tên Dịu đều là dân Nam Hà. Khỏi phải nói cả trạm thích thú như thế nào. Chỉ có Nguyễn Kháng là lo. Chịu chả thể biết anh lo về cái gì. Có một thứ của quí mà các cô gái mang vào là 2 cuốn truyện Mẫn và Tôi và Dấu chân người lính vừa ra đời năm 1972. Cũng không hiểu ai mách cho các cô gái mà trong ba lô mỗi cô có nửa cân thuốc lá sợi Đình Bảng. Lính Trường Sơn thì bảo, thuốc lá hay thuốc gì gì nữa cũng không bằng hình bóng các cô gái nơi đây. Chiến chinh nó làm cho các chàng tráng sĩ hiểu ra rằng một nửa khác giới mới quan trọng nhất cho những chiến công.
Trạm tiếp sức xăng dầu của Nguyễn Kháng là một loạt những căn hầm trên đỉnh điểm cao. Hầm quan trọng nhất là hầm đặt máy nổ và hầm chôn dầu nhớt phụ kiện cho máy. Tất cả hầm đều nửa chìm nửa nổi. Có những lúc hầm của trạm lẫn vào trong mây. Có những lúc lại đầy tiếng chim hót và cả những chú khỉ nghịch ngơm nhảy vờn trên tán lá rừng. Hầm họp tập trung của trạm to bằng bốn cái chiếu đôi, có ảnh Bác Hồ. Hầm cho hai cô gái được đào sâu hơn và có vài chùm hoa phong lan treo ngoài cửa. Hầm mấy anh đàn ông thì ở cùng với trung đội trưởng Nguyễn Kháng. Ba cái hầm này làm thành kiềng tam giác vây xung quanh hầm máy.
Một chiều, máy bay đánh vào suối cây Đại học. Bốn chiếc F105 quăng đủ 16 quả bom phá xuống đoạn suối đá này. Chúng tưởng là phá tung đường ống leo lên núi ở đây. Nhưng không, không quân Huê Kỳ nhầm. Đường ống đâu có đi dọc suối. Bom của chúng chỉ làm đá vỡ xô ầm ầm xuống chân núi. Ngớt bom, Nguyễn Kháng dẫn hai chiến sĩ đến kiểm tra đường ống. Trong nhập nhoạng dáng chiều khét lẹt thuốc bom Kháng thất thần khi nhìn thấy cây Đại học đổ gẫy gập cành lá tung tóe tan tành. Gốc cây Đại học tước ra từng mảnh. Nguyễn Kháng bới một mảnh thân cây vỡ ra như cái mảnh thuyền đập lúa vẫn đầy những cái tên trường đại học mang về. Anh vác cái mảnh thân cây ấy trong một đêm mùi khói bom và mùi lá rừng ngai ngái ngược dốc lên trạm.
Đêm ấy những vì sao trên đỉnh núi cũng lơ thơ tim tím. Đêm Trường Sơn có ngàn vạn con ve kêu lúc khuya. Càng những đêm mùa khô Nguyễn Kháng càng cảm giác đỉnh núi nơi trạm anh đóng quân gần với những vì sao hơn. Nguyễn Kháng có thói quen định vị các trọng điểm đường ống của tuyến mình theo những chòm sao. Cái chòm Hùng tinh ngay trên đầu cây muỗm cổ thụ là hướng cây Đại học. Cái chòm Thần nông ngay trên cụm phong lan trên cây trám chua ấy là phía trạm giao liên Z của đường dây 559…. Trong đêm chỉ nhìn sao trời thôi là lính trạm xăng dầu có thể đi ra chỗ lấy nước, đi về phía các binh trạm bạn hay là đi ra chỗ nhà vệ sinh thật chính xác.
Nguyễn Kháng ngồi trên rễ cây kơ-nia lồi lên mặt đất như một cái ghế dựa, bên cạnh anh là mảnh vỡ thân cây Đại học. Mùi khét thuốc bom không át được mùi thơm nhựa cây toát ra từ mảnh cây kì lạ ấy. Bỗng tiếng ve im bặt. Kháng nghe thấy tiếng hát rất nhỏ mà rõ như tiếng cào mảnh vỡ của hai cái bát sứ vào nhau. Chói gắt, chỏi lỏi vào màn đêm. Đó là tiếng hành quân, lộn nhộn, cả tiếng gọi nhau, rồi sau đấy là tiếng trống như trống khai trường… Nguyễn Kháng bỗng hát theo như có người cầm nhịp, bài hát lúc anh lên đường… “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn đá mòn mà đôi gót không mòn…”
Có một lần trong lúc đi quan sát trạm vào ban đêm, nghe tiếng khóc từ hầm con gái. Dù không cố tình Nguyễn Kháng cũng phải lắng nghe. Anh là người quan tâm tình trạng tinh thần chiến sĩ của mình.
– Mày chưa gì đã khóc, tao đây này cũng thế chứ riêng gì mày à. Mày mới 4 tháng chứ tao thì 6 tháng chả thấy hột nào. À ừ nhỉ, sao cái nhà chị Mẫn cũng đi bộ đội như mình mà chị ta nhiều thế. Đến phải giã cả rổ rau răm lấy nước uống. Èo ôi hay là cái ông Phan Tứ ấy nói điêu nhỉ. Tao thèm có nhiều cái ấy như chị Mẫn mày ạ. Rồi lại thấy tiếng cười rúc rích. Nguyễn Kháng mơ hồ hiểu ra chuyện của lính mình. Đêm ấy anh soi đèn pin đọc lại đoạn cô Mẫn giã rau răm lấy nước uống trong cuốn “Mẫn và Tôi” giấy đã nươm màu đất mà các anh giữ như báu vật trong hầm.  Đọc xong anh ra đứng trong đêm nhìn về miền Bắc. Chòm sao Hùng tinh nhấp nháy.
***
Cái cô gái tên Phượng người cầu tõm rất hay tọc mạch hỏi Nguyễn Kháng:
– Anh Kháng ơi! Trường Đại học Mỏ là trường gì? Sao đại học lại có mỏ? Các cô bụm miệng cười.
Kháng cười nhưng tưng tức.
– Anh Kháng ơi, đây lại có cả cái trường Công nghiệp Nhẹ? Vậy là trường này kém trường Công nghiệp nặng hả anh? Cái công nghiệp của anh Kháng nặng hay nhẹ? Nói rồi hai cô Phượng và Dịu lại ôm nhau cười.
Mảnh thân cây Đại Học đặt dựng đứng như cái bảng đen gần chỗ bàn ăn cơm trên cửa hầm của trạm. Cái trạm “tiếp sức” cho đường ống treo đầy hoa phong lan từ ngày có hai cô gái miền Bắc vào. Quái lạ, có nhiều chùm Phong lan đã vài năm không chịu nở hoa rồi bỗng ra hoa kể từ ngày trạm có 2 cô gái. Cô Dịu khoác lên cái mảnh cây vỡ ấy một dò phong lan đuôi chồn. Một hôm cô để ý thấy Nguyễn Kháng ngồi thẫn thờ rất lâu bên mảnh thân cây có những cái tên trường đại học này. Dịu hỏi:
– Trung trưởng ơi. Bao giờ hết oánh nhau, trung trưởng cho em mang cái mảnh cây này ra Bắc nhé. Em sẽ nhớ anh chị em trạm của mình lắm đấy.
Đã từ lâu nay Kháng quen nghe cái tên Trung đội trưởng của mình thành Trung trưởng. Tiếng nói của các cô gái giữa Trường Sơn nghe lạ lắm. Mọi câu nói của con gái ở trên Trường Sơn này như khắc sâu vào cây vào đá vào hang sâu vào suối thẳm tới muôn đời sau. Họ bảo nơi thâm sơn cùng cốc mà có tiếng gái trinh thì nó sẽ lưu lại đến vài trăm năm. Tiếng gái trinh thấm vào cây cỏ và hoa rừng. Con suối nào các cô gái đã từng tắm gội đời sau họ bảo đó là suối tiên. Những tảng đá nơi các cô thay áo quần là những tảng đá nó mềm về đêm và nó lại là đá cứng vào lúc ban ngày khi mặt trời lên. Mỗi khi nghe tiếng cười của họ là Kháng thấy mình hết mệt. Tiếng cười của họ làm cho mưa cũng chóng tan, ve kêu cũng chóng lặng, đói khát cũng bị quên đi.
Dừng lại hồi lâu Dịu nói tiếp.
– Trung trưởng khắc tiếp tên trạm mình vào mảnh thân cây này đi. Mình không đại học rồi cũng cố mà học trung trưởng nhể. Em sẽ lại treo hoa phong lan vào mảnh cây này cho nó bám rễ lên những cái tên kia. Bám lên tên mình anh nhé.
Dịu cười bẽn lẽn. Rồi tiếp:
– Em mà có con em sẽ cho con em học lên đại học dù ăn đói, ăn rau khoai nước, đánh dậm mò cua em cũng sẽ cố cho con em đi học đại học như các anh…
Lần đầu tiên từ hôm cây đại học gẫy nát vì bom Mỹ, Nguyễn Kháng rơm rớm nước mắt vì tâm sự của một đồng đội gái của trạm mình.
Kháng nói:
– Ừ rồi chúng mình sẽ trở về và các em sẽ vào đại học sẽ nhớ mãi ước mơ đại học từ đỉnh Trường Sơn.
Nguyễn Kháng mở lớp học cho trạm. Hai cô gái chăm học hơn mấy chàng đàn ông, cô nào cũng lấm lét nhìn Trung đội trưởng. Nguyễn Kháng dạy cả văn cả toán. Gì chứ chương trình toán lớp 10 thi vào đại học với chàng kĩ sư Đại học Quân sự thật nhẹ nhàng. Kháng bảo mọi người, sau chiến tranh nếu giời để cho mà về thì ai cũng phải sống bằng thực lực trình độ của mình, đừng hi vọng vào sự ưu tiên đâu các cô các cậu nhé. Ngồi dựa gốc cây cổ thụ nhiều lúc các trò phải cố dỏng tai vì tiếng ve kêu rối ren như tơ vò trên cao. Những con ve kêu là đái. Trang giấy có nhưng giọt nước li ti. Một buổi trưa đang chụm đầu vào nghe thày Nguyễn Kháng giảng bài thì máy bay ò è bay qua. Cũng như mọi lần nó bay chán rồi cút. Nhưng hôm nay nó quay vòng lai hai lần. Kháng hô to chạy vào hầm đi. Bom nổ, đất đá cành cây văng tối tăm mù mịt. Chỉ một loạt bom rồi thôi. Cả trạm chui ra rũ rượi. Cái Dịu kêu lên, ối quần áo chúng em bay hết lên cây rồi trung trưởng ơi. Nhìn lên cao thôi thì những tấm áo cánh quần lính rách tung toang phấp phới. Cái Phượng đập vai Dịu.
– Ối giời ơi nhìn kìa. Tiếng kêu tịt ngắc lại. Phượng chỉ lên ngọn dây gắm có cái nịt vú treo lủng lẳng. Hai cô ôm rúc đầu vào nhau. Rồi quay ra nhìn Nguyễn Kháng. Kháng bám vào dây gắm to như cổ tay loằng ngoằng trèo lên ngọn cây ám khói bom. Anh leo lên. Tay vờn vờn mãi mới tới cái “quang treo”. Anh lấy được cái của quí ấy vòng khoác vào vai rồi tụt xuống. Một vết thủng oái oăm của mảnh bom bé như cái cúc áo xuyên qua cái chóp nhọn khiến cái quả núi có một lỗ thủng. Các cô bần thần nhìn nhau. Nguyễn Kháng an ủi, thôi lát anh cho cuộn chỉ màu thêu móc lại thành bông hoa cho càng diện. Hai cô gái đấm nhau thùm thụp. Diện với ai hả trung trưởng ơi? Tối hôm ấy hai cô gái đốt nhựa trám trong hầm móc móc khâu khâu khuya lắm.
Có những con suối Trường Sơn cheo leo ngay lưng chùng núi đá cũng có những con suối chảy vòng vèo chân núi rồi đổ vào một cái hang đá rồi mất hút. Nó bắt chợt ló ra ở một vách núi nào đó mà không ai biết rồi nó tìm đến với ánh sáng và hoa lá véo von chim muông. Hoa ở rừng Trường sơn cũng vậy. Bao nhiêu kì thú ở Trường Sơn là ở loài hoa. Có những bất chợt người lính thấy hoa ở vách đá, ở hốc cây ở ngọn cây cao vút trên ngọn cổ thụ. Ở những chỗ hố bom đào vào vách núi cũng vô số những loài hoa mà không biết tên nó là gì. Cũng có lúc những đóa hoa đá nằm đáy suối long lanh đùa rỡn với những con cá bé ti ti đủ màu sắc. Vào mùa mưa có trăm ngàn con suối nhỏ trên đỉnh núi tưới nước trắng xóa xuống chân núi. Lúc ấy cả ngọn núi reo ầm ào tiếng nước va vào đá tiếng những đàn vượn đàn khỉ và chim muông ra kiếm ăn sau cơn mưa vừa tạnh.
Mùa mưa cũng là lúc măng lồ ô măng le nhú mầm. Trạm tiếp sức của Nguyễn Kháng năm nào cũng phải bóc măng phơi khô, nhặt trám rừng muối chua cho vào các ống bương làm thức ăn dần.
Một buổi trưa Nguyễn Kháng đi kiểm tra đường ống về gần trạm. Sau mấy trận mưa hôm trước cái vách đá cạn sau trạm thành cái thác nước nho nhỏ trắng ngần. Anh dừng lại nghe tiếng vượn tí hủn tí hủn. Quái sao hôm nay đàn vượn đến gần trạm thế. Kháng nâng súng lên định bắn. Giống vượn tinh lắm. Nó ngửi thấy mùi súng mùi người liền tru lên. Kéc ke ke rồi nhảy rào rào. Có tiếng người rú lên. Kháng chạy nhào xuống suối. Trung đội trưởng Kháng đứng sững như trời trồng. Phượng khỏa thân ôm ngực ngồi dưới nước mặt tái mét. Kháng quay lên nép sau bụi chuối rừng đợi Phượng mặc áo quần. Phượng luống cuống mãi mới lên được chỗ Kháng:
– Anh ơi em tắm mà mấy con vượn nó ngồi trên cây nó nhìn em. Phượng khóc nức nở… nó nhìn thấy em…
Kháng luống cuống, e hèm mãi rồi buột miệng.
– Tại anh cũng nhìn thấy em. Nói rồi trung đội trưởng Kháng bỗng thấy mặt mình nóng ran. Tay muốn giơ ra dắt Phượng lên khỏi suối thì lại cứ bẻ gẫy cổ cây chuối rừng có đọn hoa đo đỏ.
Đêm ấy Nguyễn Kháng ghi vào nhật kí.
… “Mình phải cương quyết không hữu khuynh tư tưởng, nơi đây tất cả trạm đều trông chờ tin cậy ở mình. Không thể làm mất thanh danh người chiến sĩ cách mạng. Dù mình biết mình cũng đã hiểu ánh mắt đồng chí mình nói lên điều gì… hãy giữ cho trái tim chúng ta thật khỏe để truyền xăng dầu đên tận mặt trận đánh quân thù… ”.
Khuya rồi Phượng và Dịu ra ngồi cùng Kháng ở khúc rễ cây cơ nia lồi lên như cái ghế tựa bên cạnh là mảnh cây đại học. Phượng nói:
– Đêm nào em cũng thấy tiếng cười, tiếng thày giáo giảng bài lại cả tiếng đàn tiếng hát ở mảnh vỡ cái cây đại học trung trưởng ạ.
Dịu nói tranh vào:
– Em cố nghe xem có tiếng con gái không mà không thấy. Chỉ thấy họ hát. Họ hát hay lắm, em nghe rõ mà… ta vượt trên triền núi cao trường sơn đá mòn mà đôi gót không mòn.
Những ngôi sao như sà xuống ngay trên đầu họ. Những người lính trên trạm tiếp sức xăng dầu trên đỉnh núi hay bảo với nhau như thế. Rằng họ rất gần với những ngôi sao Trường Sơn.
Mùa khô năm ấy lúc quân ta chuẩn bị mở màn đánh lớn vào Tây Nguyên. Máy bay quần thảo dọc tuyến xăng dầu dữ dội. Các trạm tiếp sức đều bị bom phá bom bi bom cháy. Hôm ấy Nguyễn Kháng không có nhà. Anh đi kiểm tra tuyến ống mình phụ trách. Trạm anh dính bom. Đường ống gẫy gục xuống nhưng chưa vỡ. Phượng và Dịu cùng các chiến sĩ lao vào sửa chữa.
– Phượng ơi, chị vác cho em hòn đá kê ống lên để em khóa cô li ê.
Không thấy Phượng trả lời. Dịu quay lại thấy Phượng ôm mảnh gỗ đại học kích ống lên. Máu dàn dụa trên thân gỗ, Dịu vội ôm Phượng ra giằng tấm gỗ ghé vai kê kích ống dầu. Một nắm tóc của Phượng bám vào mảnh gỗ đầy những máu dứt soàn soạt. Khi Nguyễn Kháng chạy về đến trạm thì Phượng đã chết và Dịu thì khóc ngất đi bên mảnh cây đại học đầy máu. Trạm vẫn thông. Xăng dầu vẫn chảy.
Cho đến ngày Nguyễn Kháng rời đi đơn vị khác khi chiến dịch năm 1975 bắt đầu. Anh vẫn cho để tấm gỗ vỡ từ thân cây Đại Học kê dưới đường ống nơi cái Phượng nằm chết. Cả những sợi tóc của cái Phượng mắc vào vỏ gỗ mọi người trong trạm cũng cứ để nguyên đó không ai nỡ dứt những sợi tóc gái trinh nhuộm máu trên cái vỏ cây mốc thếch. Họ bảo đừng làm đau cái Phượng. Họ bảo cái Phượng tới lúc chết vẫn mơ một ngày được vào đại học.
Cái Dịu bảo Nguyễn Kháng:
– Anh ơi em mang chùm Phong Lan này để vào chỗ tóc cái Phượng được không anh?
Nguyễn Kháng quay mặt đi chỗ khác. Anh khóc.
NGUYỄN TRỌNG LUÂN

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *