Bài nổi bật

Cây Gạo Làng Bái – Nguyễn Phước Sang

Nghe đọc truyện đêm khuya – Lão Lơ đang cày ruộng ở cánh đồng gò Gạo bỗng có anh bưu tá xã rẽ xuống ghé vào tai lão thầm thì cái gì đấy mà lão cuống lên tháo cày, thu trâu, ống thấp ống cao chạy về làng. Vừa chạy lão vừa hổn hển: “Có thật không đấy, chính xác không?”. Anh bưu tá váng lên: “Không Vũ Lểnh con nhà Vũ Lơ làng Bái thì còn ai vào đây nữa”. Bước chân lão thêm gấp gáp. Trời toàn nắng là nắng, bờ ruộng gập ghềnh làm mắt lão hoa lên, tóe hoa cà hoa cải, rồi bỗng dưng tối sầm lại. Lão không biết gì nữa. Bà con làm đồng thấy vậy đổ xô tới, khênh lão vào gốc gạo trên gò. Có tiếng ai vội vã: “Khổ, lại lên cơn động kinh rồi!”. Người ta cởi quần áo của lão, vã nước lên trán lấy nón quạt cho lão. Được năm mười phút thì lão tỉnh lại, lồm cồm bò dậy thở dốc. Mọi người tò mò chờ đợi, lão lắp bắp: “ Thằng cu Lểnh nhà tôi trúng đại học rồi bà con ơi…”. Mọi người ồ lên mừng cho lão, rồi tản mát ra về sau khi đã buộc trâu, để cày của lão chỗ gốc ruối sau miếu cô hồn. Lão Lơ nhìn trời, nhìn đất lòng vui như mở cờ, lão lẩm bẩm: “ Phải thế chứ, phen này thì chết với ông….nhục mãi rồi”. Bỗng có cái gì gồ gồ, cưng cứng thúc vào lưng lão. ờ, hóa ra cái mấu của gốc gạo, tự dưng lão bật dậy, như người ngồi phải tổ kiến lửa, lão lùi xa ra mấy bước, ngửa cổ nhìn cây gạo từ ngọn tới gốc, rồi lại nhìn từ gốc cho tới ngọn. Với bộ mặt nghiêm trọng khi không còn trông thấy ai, lão đứng sát vào gốc gạo, vạch quần nhằm đúng vào cái mấu ấy và tương vào đấy một bãi, lão thì thầm: “Đã đến lúc rồi con ạ, chết với bố rồi con ơi, mày nghễu nghện bao đời rồi”. Và để chứng minh cho sự dứt khoát của mình, lão đá vào gốc gạo một cái, một chiếc lá rụng xoay tròn trong gió…
Nỗi sung sướng quá lớn ấy làm vợ chồng lão luẩn quẩn đi ra, đi vào mất mấy ngày. Gà chết tới nửa đàn, một chó, một lợn ra bã. Lão thắp hương trước ông bà ông vải, mắt lão rân rấn nước: “Thưa cao tằng tổ tỷ, mong các vị phù hộ độ trì cho con, cho cháu, con xin…con sẽ…gốc gạo”. Đêm nằm lão không ngủ được, lão bật dậy, uống rượu suông rồi ngắm bà Mải, vợ lão, đang há hốc mồm ra ngáy. Buồn thật, bà ấy mà ngủ thì có véo vào mông cũng chẳng dậy. Bần thần lão nhớ tới mười tám năm trước, vào cái đêm mưa như trút nước sau bao ngày nắng hạn. Trời dịu mát hẳn đi, gió ràn rạt tát vào tận giường lão nằm, nổi hứng, lão trèo lên bà Mải bằng cả sức vóc thợ cày của mình. Đúng lúc cao trào, thì một tiếng sét kinh thiên động địa làm rung cả nhà. Lão khựng lại và chợt nhớ tới cây gạo ngoài gò, lão cầu cú sét ấy làm đổ cây gạo, chẻ tan nó ra như đã hạ cây đa bên làng Đống. Bỗng từ cái lỗ miệng thăm thẳm của bà Mải vọng ra: “Bố cái Tý thôi đấy hử”. Mưa sầm sập đổ xuống tàu chuối, ngoài vườn trời như rạng sáng. ý nghĩ làm lão khoái và lão thu hết sức tráng binh của mình để hoàn tất cái sự khoái cảm của người đàn ông. Sau đêm ấy bà Mải cho lão thằng cu Lểnh, thằng Vũ Lểnh, đứa con trai duy nhất sau ba “thị mẹt” đã làm lão khổ sở.
Cây Gạo Làng Bái – Nguyễn Phước Sang
Thằng Lểnh lớn lên tướng rất lạ, nó mọc râu sớm, lại râu xồm giống cụ nội, mắt lưỡng thiên, lầm lì cả ngày chẳng nói một câu. Lúc đi học bị cô giáo xếp xuống cuối lớp vì quá to lớn, con gái cấu nó, nó cũng chẳng nói gì. Về đến nhà lại chúi đầu vào sách vở, đến nỗi bà Mải giục ăn cơm mãi mới ra. Năm cuối cấp, bọn trẻ trong làng về nói với bà Mải: “Thằng Lểnh mê con bé nào ở lớp”. Bà không để ý nhưng cũng mừng. Rồi lão Lơ khăn gói lặng lẽ đưa cu Lểnh lên Hà Nội thi. Nó đỗ, đỗ đầu một trường đại học danh tiếng mới chết chứ, sau này cả làng đồn ầm lên: Nó được phân vào cái khoa gì đấy, đào tạo để chế bom nguyên tử, gớm chưa!?…
Giờ thì lão Lơ vui vẻ cày sâu, cuốc bẫm, tằn tiện gom góp nuôi thằng Lểnh ăn học. Bà Mải hai tay bợt ra vì cám bã, có lúc thần mặt ngồi nhớ con. Bà mong thằng Lểnh về làng, nó hăm mấy rồi còn gì nữa, nó tuổi con dê, bà nhằm chỗ cho nó. Biết việc ấy, lão Lơ gầm lên: “ Rõ thật đồ đàn bà, đái không qua ngọn cỏ”. Bà lặng lẽ cười sung sướng. Cả đời bà Mải không đi đâu khỏi làng. Bà tham công tiếc việc và giữ gìn mọi thứ cho nhà chồng. Có việc ra với làng xóm, lão Lơ bắt bà mặc cái áo mới, bà khoác cái áo cũ ra ngoài, đến nơi mới cởi ra, rồi cứ ngường ngượng, nghìu nghịu thế nào ấy. Bà là người cơ chỉ lam làm, chẳng ngơi tay lúc nào. Hôm lão Lơ họp tổng kết dân quân, được huyện đội thưởng cái nồi nhôm Liên Xô, bà Mải mừng quá cứ ôm nó vào lòng. ấy rồi bà đun cái nồi bị đen, xót của bà đánh nó trắng lại, để rồi đun nó lại bị đen, lại đánh trắng, cứ thế, cứ thế…Có lẽ đấy là cách giải trí duy nhất có ý nghĩa trong đời bà. Cu Lểnh mải học chẳng thư từ gì về, bao nhiêu tiền của dành dụm hết bay. Bà Mải chán thở dài thương mấy đứa chị đi lấy chồng chẳng có dấn vốn, nghèo rớt mùng tơi. Lão Lơ giờ chẳng bận tâm đến điều gì, đôi lúc hội hè đình đám lão cũng biết dùng cái cà vạt thắt chặt vào cổ, lên tới tận yết hầu, trông cứ ngồ ngộ thế nào ấy, lão tập tọng nói về đệ nhị thế chiến, về hai quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật. Người ta thường chuốc cho lão say, rồi ghé vào tai lão, hỏi rõ to: “Này chỉ cần một đầu diêm thuốc cu Lểnh chế, là cả cái gò Gạo tan thành bụi, đúng không?!”. Lão sướng, nhưng rồi khi tỉnh rượu lại thẫn mặt ra nghĩ tới cây Gạo trên gò. ở cái làng Bái này có điều tiếng gì thì thâm căn cố đế không sao gột sạch được, thậm chí nó còn truyền từ đời nọ sang đời kia, thành chuyện của làng.
Khi lão Lơ có mặt ở cõi đời này, thì cây gạo đã có rồi, có từ lâu lắm rồi. Cây gạo lừng lững đứng ở đầu làng, có lẽ đi xa tới chục cây số vẫn nhìn thấy, cành lá sum xuê, mùa hoa đỏ ối cả góc làng. Những ngày heo may rải đồng, gió thổi qua vòm lá cứ có tiếng reo “à à” không dứt. Gốc gạo chứng kiến rất nhiều chuyện buồn vui của làng, người ta bảo ông thổ địa làng Bái ở dưới gốc gạo ấy, nên cây gạo thiêng lắm. Ai sơ sảy điều gì thì lụn bại với ngài, con gái làng cũng nhờ cây gạo ấy mà có tiếng là đoan chính, nên đắt chồng. Anh nào ở thiên hạ mà khoe vợ mình là người làng Bái thì thôi rồi… (!). Cả làng quý cây gạo. ấy vậy nhưng lão Lơ không sợ, thậm chí còn muốn chặt béng nó đi, có thể mới tạ lỗi được với tổ tông, mới khỏi những lời cạnh khóe đeo đẳng.
Chuyện là thế này. Cách đây mấy đời, có lẽ đến hàng trăm năm có lẻ. Làng Bái có ông Nghè họ Chu làm chức hiển sát sứ trong triều. Bận việc triều chính, biền biệt chẳng về làng, đến một ngày quan nghè theo lệnh vua đi công cán, có dịp qua làng ghé thăm nhà. Đã lâu quan không về nên các ông thân hào, lý dịch trong làng chuẩn bị hương án long trọng ngoài đình để tiếp quan. Họ hàng con cháu nhà quan cùng bà con dân làng đến rất đông chật cả sân đình. Đến giờ Tỵ thì có tin quan về, xa xa đã trông thấy cờ lọng phấp phới. Lúc ngang qua gò Gạo sắp vào làng quan nghè đứng trên gò ngắm làng một chút cho thỏa sau bao năm xa cách. Ngày còn bé quan thường chăn trâu, tập võ, đánh trận giả ở cái gò này nên cảm thấy lòng nao nao mừng tủi. Buổi ấy, chớm sang hè, cây gạo nở hoa đỏ ối, chim sáo bay về ríu rít trên cành cao, quan mặc phẩm phục tía, mũ cánh chuồn, đường bệ đi lại dưới gốc gạo cùng mấy thầy đề lại, lính hầu trông cứ đẹp như trong truyện cổ tích. Mặt trời đã lên cao độ mấy con sào, cỏ xanh mơn mởn sau tiết xuân ấm áp. Quan ghé miếu cô hồn thắp nén hương rồi rẽ xuống bụi ruối. Ngừng giây lát, quan chợt nghĩ tới ơn vua lộc nước, chẳng có gì để thưởng cho bụi ruối ngày xưa đã che nắng cho quan khi đọc sách, lúc nghỉ ngơi ngoài đồng. Nghĩ vậy quan tiến lại phía bụi ruối rậm nhất, mọc lan từ trên gò xuống tận bờ ruộng, rồi quan vén quần, vén áo ban lộc cho gốc ruối bằng chút “nước” mưa móc của triều đình. Quan hứng chí lâng lâng…Trời mây non nước…Đầu làng gió mát…Bỗng roạt một cái, có vật gì to đen bay từ bụi lao ra, chạy thục mạng. Quan hết hồn ngã bổ chửng, cái áo tía vướng phải cành cộc xoạc ra một miếng tới một tấc, sát chỗ chữ thọ với con lân chầu. Quan ú ớ kêu không thành tiếng, mặt tái xanh, tái xám. Bọn lính thấy động chạy xúm lại. Quan hoàn hồn chỉ tay về phía con vật vừa ở bụi ruối lao ra và chỗ nó vừa mới nấp. Bọn lính tay đao, tay thước đuổi theo vật đang chạy, một tốp sục vào chỗ nó lấp. Rồi bọn chúng ồ cả lên khi lôi ra từ bụi ruối một đứa con gái, váy chưa kịp mặc, còn thỗn thện ôm mặt xấu hổ. Vừa lúc ấy bọn đuổi theo cũng tóm được thằng thợ cày quần áo chưa kịp thắt. Thế là bắt được quả tang giữa thanh thiên bạch nhật chúng kéo vào đây để làm chuyện bất chính. Phép nước, lệ làng đâu cả mà để cho cái bọn mèo mả gà đồng này nó làm loạn. Quan tím mặt: Vì sợ, vì tức, vì đau, mà đau nhất là cái áo phẩm phục vua ban mặc lúc về làng giờ đã rách, lại đúng chỗ quan trọng nhất. Cái điềm này gở lắm đây, cứ xét theo lý học thì tan cả đến nơi rồi. ức quá quan cho gọi bọn chánh tổng, lý trưởng, cùng bọn trương tuần lý dịch trong làng ra để tra xét việc này.
Hai đứa cứ thỗn thện, tồng ngồng bị trói vào gốc gạo, bác lính đã ra roi, mà roi mây bịt đồng cẩn thận, tuyệt nhiên chẳng có tiếng kêu than gì, gan thật. Mọi người trong làng túa ra gò Gạo. Lý trưởng sai người vào xem chúng là ai mà to gan đến như vậy. ồ, té ra đấy là thằng Lộng con đô Liệu họ Vũ xóm Chùa, còn con kia là cái Thắm con bà cả Bẹ bán nồi ở chợ Tổng. Các bậc chức sắc trong làng nhất loạt quỳ lạy trước quan nghè xin xá tội và hứa sẽ trị lũ mèo mả gà đồng vô phép ấy đến nơi đến chốn. Nể mặt dân làng quan lên võng, lòng vẫn không nguôi ấm ức.
Chết cha hai đứa to gan, số đen gặp đúng ngày quan nghè về lần ra đúng chỗ chúng chui rúc. Mà nó to gan thật, ở cái làng này, trai gái lớn lên cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, không điều tiếng gì, có hội hè đình đám gặp nhau, phải lòng nhau thì cũng xin bài: “Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa. Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần…” hoặc quá lắm là nhờ ông mai bà mối xe duyên, đánh tiếng. Đến ngày cung chúc động phòng mới được làm việc ấy. Đằng này giữa ban ngày ban mặt mà dám…. lại ở chỗ đất thiêng của làng, cho chúng nó chết.
Ông đô Liệu đắng mặt cứ rên hừ hừ, tự đấm vào ngực mình, lôi rượu ra uống tới say rồi đòi nhảy xuống ao tự tử, nhục nhã quá. Họ hàng phải xúm lại can vãn mãi mới thôi. Sau cái vụ trói ở gốc gạo ấy nửa ngày thì làng cho về, rồi cụ Lý sai mõ đi bêu danh và phạt vạ nhà đô Liệu. Sau cái lễ phạt vạ ấy làm nhà đô Liệu khánh kiệt, thành lớp người cùng đinh ở làng. Thằng Lộng bị ông Liệu đánh cho một trận nhừ tử, cái Thắm bị bà cả Bẹ gọt đầu, bôi vôi suốt ngày ngồi ru rú ở trong buồng.
Lộng bỏ ăn mấy ngày, ngơ ngẩn ngồi đầu hè như kẻ mất hồn. Trời sang thu héo hắt, buồn rời rợi. Tiếng chị hai Cần ru con vọng sang:  “ấy ai dắt mối tơ mành. Cho thuyền quan bến cho anh quen nàng. Tơ tằm đã vấn thì vương. Đã trót dan díu thì thương nhau cùng” Rồi là: “ Ra đi thì sự đã liều. Mưa mai cũng chịu nắng chiều cũng cam”. Thế là vào một đêm trăng khuyết thằng Lộng vơ vội bộ quần áo bỏ vào cái tay đẫy(*) của mẹ, vượt rào sang nhà cái Thắm, hai đứa băng đồng, qua sông bỏ làng đi mất. Một năm, hai năm…biệt vô âm tín.
Phải đến mười mấy năm sau, cả làng Bái ngớ ra vì có hai người lạ mặt áo gấm, xe hoa về làng, nhận mãi mới biết đấy là chàng Lộng, nàng Thắm ngày nào. Người làng kháo nhau: Có lẽ họ mang về đến mấy hũ vàng. Ông đô Liệu giờ đã chân chậm mắt mờ, vẫn còn ra mặt giận thằng con mất nết, nhưng rồi thấy con ăn ra làm nên, dần cũng nguôi nguôi.
Được vài năm sau thì ông đô Liệu mất, lúc lâm chung ông gọi Lộng vào thì thào cái gì đấy rồi cố giơ tay chỉ ra cánh đồng phía gò Gạo. Ma chay cho bố xong, ông bà Lộng bỏ tiền ra tậu trâu mua ruộng, dựng cửa, xây nhà cơ ngơi bề thế nhất làng. Ông bỏ ngoài tai những chuyện đàm tiếu khi xưa, vì ông đi nhiều, biết thiên hạ chẳng cố cựu như cái làng này. Bà Thắm thấy ông lép vế định mua cho ông chức Bang tá. Tri phủ bĩu môi: “Cho nó cái chức ấy để trai gái cả tổng này nó làm loạn à”. Ông Lộng chả thiết, ông chăm chỉ làm ăn với bà vợ tảo tần và một đàn con khỏe mạnh, trông cứ như bức tranh hội vật làng Hồ. Nhưng mà nghĩ nó cũng đau đau thế nào ấy. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ngày ông Lộng quy tiên, ông lại thì thào vào tai thằng con trưởng, lại cố gắng giơ tay chỉ ra ngoài đồng phía gò Gạo.
Cây Gạo Làng Bái – Nguyễn Phước Sang
Chuyện ấy không chép trong gia phả nhà ông Lơ, nhưng lại như cái gai của dòng họ Vũ làng Bái. Đến ông Lơ là đời thứ năm mà người làng chả ai chịu quên cái chuyện ấy, bởi cây gạo vẫn còn, nó như tấm gương tày liếp cho giai gái làng soi vào mà giữ gìn cái phẩm hạnh của mình. Khối người đã ở vậy, cô đơn thủ tiết cho tới già, khối người bỏ làng ra đi vì duyên phận chẳng thành, bởi những sắp đặt trái ngang của ông bà, cha mẹ….
Vũ Lểnh đã học hết đại học, được cử ra nước ngoài đào tạo tiếp vì Lểnh học quá giỏi. Bảo vệ luận án tiến sĩ xong, về nước được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Sau mấy năm nghiên cứu thành công một số công trình khoa học ứng dụng một cách xuất sắc, Lểnh được phong hàm Phó giáo sư. Mới ngoài ba mươi mà trông Lểnh chậm chạp, đầu tóc bù xù, cái mặt lưỡi cạo trông cứ như con vịt bị vặt lông dở. Ăn mặc tuyềnh toàng Lểnh chẳng hợp mốt tý nào: quần vải thô rộng, nhiều túi, một đôi giày thể thao đầy bụi bặm, cái mũ vải bợt bạt sờn mép như của mấy tay ở chợ lao động. Cách ăn mặc ấy làm Lểnh thua xa các tay chơi “phố phủ”. Giá như cứ bảo Lểnh đứng ở chợ huyện với cái ca táp tàng tàng, chắc sẽ có bà đến hỏi: “Thưa thầy, nhà cháu bị đau bụng vắt và không thấy tháng đều đặn, liệu có thuốc nào trị được, thầy cắt cho mấy chén”. Ông Lơ trông thấy con cũng nản, thở dài thườn thượt. Bà Mải thương con nước mắt ngắn, nước mắt dài tìm cách gom ít trứng gà, mấy bơ gạo nếp ra thăm Lểnh. Mà rồi mẹ con có mấy khi gặp nhau, hiếm lắm mới ngồi với nhau được mươi phút, bà Mải lại gặng gợi mang ý định của mình ra hỏi con, chuyện lấy vợ. Lểnh chỉ cười lẳng lặng chẳng nói gì, hoặc cố lắm thì: “U chả phải lo chuyện ấy, lúc nào cần con sẽ lấy”. Rõ chán mớ đời. Đồng nghiệp của Lểnh cho bà biết Lểnh bây giờ là người danh giá, báo chí nhắc nhiều, cả nước biết đến. Còn chuyện riêng tư thì ối ra đấy, con nhà hẳn hoi, học hành tử tế, nhưng nó chẳng ưng đám nào, cứ hời hợt làm sao ấy, chỉ chúi đầu vào công việc. Họ khéo léo giới thiệu với bà mấy cô gái, trông đẹp như tiên sa, mấy cô xoắn xít đon đả mong lọt vào mắt xanh của bà, nhưng cũng như Lểnh bà thấy họ xa lạ thế nào ấy. Hôm trở về làng bà nói với Lểnh : “Thôi con ạ, trâu ta ăn cỏ đồng ta, con đã ba mấy rồi, liệu có để cho bố mẹ có tí bế bồng chứ”. Lểnh ráo hoảnh: “ U chả phải lo!”…
Lểnh thường về làng bằng cái xe cà rịch cà tàng, trông như dân chạy chợ nông sản lên tỉnh. Bọn trai gái làng bấm nhau : “ Anh Lểnh mang “bom” về làng đấy chúng mày ơi, đứa nào có phúc thì ra mà nhận nhé”. Nhưng quả thật tiếng tăm của Lểnh thì các vị chức sắc đầu tỉnh, đến các vị lãnh đạo huyện đều biết. Lần nào về họ cũng cho xe đón Lểnh lên để hỏi ý kiến về những vấn đề khoa học nào đấy mà tỉnh, huyện đang mắc, trong công việc làm ăn với đối tác nước ngoài, tỉ như vấn đề chất thải với môi trường, hay cách xử lý vật liệu thay thế cho phù hợp với điều kiện địa phương. Những đóng góp của Lểnh mang lại kết quả rõ rệt. Người ta trọng Lểnh và tự hào về làng Bái có ông tiến sĩ tài danh. Nhưng lão Lơ không nghĩ vậy, lão nghĩ đến cái nhấc tay “gia truyền “ám ảnh bao đời nay, lão không muốn khi từ giã cõi đời này lại phải làm cái động tác hi hữu ấy, có thế mới dám mở mặt mà nhìn các cụ dưới suối vàng. Đến cái tuổi này, lão thấy gân cốt đã rão, chẳng còn ham muốn gì nữa chỉ hy vọng thằng Lểnh có vợ, xây nhà ở làng rồi nó cùng lão nghĩ cách mà hạ cây gạo xuống. Có lần nhân Lểnh về giỗ cụ, đang lúc vui vẻ cả nhà, lão Lơ hỏi ông tiến sĩ: “Này, ở làng người ta đồn, cái thuốc anh chế ra chỉ bằng đầu que diêm là cái gò Gạo tan thành bụi”. Lểnh thấy lão Lơ vui cũng đế theo”: Tan một góc làng cơ bố ạ !” . Bà Mải trợn mắt:” Bố con ông nói cái gì đấy, không sợ thành hoàng thổ địa vật chết cả nhà à?”Lểnh về rồi Lểnh lại đi, còn trơ lại nỗi buồn khắc khoải của lão Lơ với bà Mải.
Cho đến một hôm, lão Lơ có việc phải lên huyện, lúc về trời nắng gắt làm lão khát nước, thấy cái quán ven đường đề chữ “bia tươi mới về”. Lão chép miệng: “ối dào, cái thứ nước nhạt như nước đái bò, uống bao nhiêu cho bõ”. Định bỏ đi thì một tiếng phụ nữ ỏn ẻn: “Ông anh ơi vào đây đã nào, nắng nôi thế này, vào đây với em cho mát”. Thấy bùi tai, lão xuống xe rẽ vào. Cô chủ quán ngoài 30 tuổi người đẫy đà, hai mắt tít như hai sợi chỉ, kéo ghế mời lão ngồi. Nâng cốc bia lên lão dốc thẳng vào họng, một hơi….hai hơi…đỡ cơn khát, “ cũng khá” lão gật gù rồi định đứng lên trả tiền, bỗng có tiếng nói của một người ngồi ở bàn bên: “Cứ theo thiết kế mà làm bàn cãi làm gì”. Tiếng một người khác: “Thằng này chả hiểu gì cả, nếu đi theo hướng ấy thì mắc cây gạo, ai chặt cho mày? Lại còn phải vào ủy ban xã làm thủ tục xin phép chặt. Mà rút kinh nghiệm có nơi người ta ủng hộ, có nơi chặt xong người ta bắt đền, rồi kiện cáo lôi thôi lắm. Tao dự đoán việc này qua mấy tháng nữa cũng chả xong”. Thấy nói đến cây gạo, tự dưng lão Lơ dỏng tai nghe.
Sau một hồi lão mới biết đây là đội kéo đường dây điện cao thế 380V về làng Bái và các xã khác, đường dây sẽ đi qua gò Gạo, mà qua gò thì vướng cây gạo, thế thì phải hạ cây gạo rồi. Phải ưu tiên điện khí thế hóa nông thôn chứ, đi họp người ta đả thông mãi rồi. Lão dỏng tai nghe rồi lão rủn cả người. Lão làm như vô tình kéo ghế xích lại đám đông: “ồ thế ra là các bác kéo điện về làng Bái? Em ở làng Bái đây, mừng lắm, mong điện từng ngày các bác ạ. Có gì khó khăn không em về vận động bà con giúp? Gì chứ điện về làng thì khỏi phải nói”. Một người đứng tuổi chừng như đội trưởng của nhóm nói luôn một mạch: “Công việc thì thuận nhưng bây giờ kéo về làng ông phải qua gò Gạo, phải hạ cái cây ấy xuống. Làng có cho chặt không, có người giúp chúng tôi không, lại còn phải xin lệnh điều tời với cẩu xuống, gay go đấy”. Lão Lơ cuống lên “ồ, tưởng chuyện gì, việc ấy dễ như bỡn. Cây gạo chả để làm gì, hằng năm bọn trẻ con hay ra bắt chim sáo, có đứa lộn cổ xuống chết tươi. Có điện về làng là bà con mừng không có gì phải phân vân đâu các bác ạ. Bác cứ vào ủy ban nói một tiếng, em huy động người ra chặt, chẳng phải tời tợt cẩu kiếc gì đâu.”. Thấy bùi tai, ông đội trưởng nói: “Tiền bồi dưỡng chỉ độ dăm trăm thôi, liệu có xong không để tôi về báo cáo với công ty”. Thấy công việc quá thuận lợi, lão hổn hển không ra tiếng: “Chúng em chả xin gì bác, chỉ làm ít củi đun là được rồi, tiền ấy ta làm bữa liên hoan là xong”. Họ bắt tay giao kèo với lão.
Họ không biết chuyện của nhà lão Lơ, họ nghĩ người dân mong điện về như nắng hạn chờ mưa. Lão Lơ bước ra ngoài quán cứ thế cắm đầu đi, quên cả trả  tiền, quên cả xe đạp. Cô chủ quán chạy ra gọi giật lại: “Ơ bố già, bố bị điện giật rồi chắc, còn lâu điện mới về làng bố ơi”. Lão hiểu ra mình phải làm gì, trả tiền xong, lão chữa thẹn, hơ hớ cười. Lão không ngờ chuyện mấy trăm năm chỉ dồn lại có một ngày. Trên đường về, lão nghĩ ra bao nhiêu chuyện, nào là: Phải họp bí mật đầu ngành họ Vũ, phân công cho mấy đứa khỏe mạnh từng việc một, phải tổ chức tế tổ mà có khi còn phải xoay lại mộ các cụ cũng nên…Cây gạo đổ là cái ách trăm năm sẽ tan, làng hết chuyện xầm xì, thóc mách. Rồi lão sẽ lấy vợ cho thằng Lểnh, nó là tiến sĩ phải lấy vợ ở tỉnh, con gái làng này bán mặt cho đất, bán lưng cho trời không đáng một xu, rồi phải xây cái nhà to nhất làng..rồi phải…
Hôm nhận cái giấy “ Cho phép hạ cây gạo” có chữ ký của ủy ban xã, lão Lơ mừng quá tí nữa thì lạy sống tay đội trưởng kéo đường dây. Tay đội trưởng khoắn khỏa: “ Phải đả thông mãi đấy, phải đưa công văn của huyện ra, các bố ở ủy ban bảo cây gạo ấy đáng phải xếp hạng di tích, nào là: Cây gạo là địa điểm treo cờ ngày khởi nghĩa, nào là lễ xuất quân chống càn của đội du kích xã, nào là chòi gác máy bay thời chống Mỹ, nào là ông thổ địa làng Bái..Rồi lại cái gì…góp vào việc bảo vệ thuần phong mỹ tục nữa”. Lắm lý do lắm nhưng cuối cùng tôi đưa ý kiến ra là các bác có ủng hộ việc đưa điện về làng không thì các bố mới chịu. Có giấy rồi ông tiến hành sớm nhé, cẩn thận giữ an toàn đấy”. Lão Lơ lấp liếm: “Bác khỏi lo, nhà em năm đời là thợ sơn tràng, em xin sang tháng là tiến hành”. Rồi chìa hai bàn tay ra vồ lấy bàn tay của người đội trưởng. Chuẩn bị mọi việc xong, lão điện cho Lểnh về. Khi còn hai bố con ngồi với nhau, lão trịnh trọng: “Anh về đợt này là có việc, bố nhờ anh là người có học hành chữ nghĩa. Anh soạn cho bố bài văn tế các cụ sau khi bố đã hạ cây gạo ngoài gò xuống để các cụ yên lòng. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, giấy ủy ban cho phép cẩn thận. Việc có thế thôi, các việc nặng nhọc bọn thanh niên trong họ nó làm, Anh không phải động tay”. Lểnh ngó ra một lát rồi chậm rãi thưa: “Sao lại phải hạ cây gạo hở bố, điện không đi hướng này thì có hướng khác, mấy trăm năm nữa liệu làng có được cây gạo đẹp đến thế không, nó là hồn cốt của làng. Chuyện các cụ nhà mình con cho đấy là một kỷ niệm buồn nhưng rất đẹp, cái thời phong kiến cổ hủ ấy nói làm gì, mà dù sao các cụ cũng thủy chung son sắt với nhau nên mới có bố có con bây giờ, con không ủng hộ chuyện ấy đâu”. Lão Lơ nổi cáu đập bàn: “Anh là đồ bất hiếu”. Hôm ấy Lểnh bỏ đi, chẳng về ăn cơm trưa, cơm chiều. Bà Mải ngồi sụt sịt dưới bếp.
Còn hai tiếng nữa là giờ khởi sự. Lão Lơ đứng ngồi không yên, bọn thanh niên hơn chục đứa trong họ cơm no, rượu say ngủ như chết. Thang dây chão, cưa, rìu.. chất đống ngoài sân. Trời rạng dần, không gian ngột ngạt như muốn vỡ ra, lao xao một vài tiếng gà gáy trong làng, đàn lợn lục hục thúc chuồng. Bà Mải lồm cồm chui vào bếp bắc nồi. Mấy đứa con gái xin về giúp việc nhà đã ngồi dậy ngáp ngắn, ngáp dài ở góc nhà. Chỉ còn đợi thời khắc cái đồng hồ réo chuông vào lúc 5 giờ sáng.
Bỗng có tiếng chó sủa ran từ ngoài xóm vào đến nhà lão Lơ. Một người trong họ xuất hiện. Người ấy lắp bắp: “ Này ông Lơ, ra ngoài gò mà xem, hình như công an huyện bắt được một đôi hú hí dưới gốc gạo, chúng giả đò để đi ăn cắp dây điện đấy, mấy hôm nay xã bên cũng bắt được bọn nghiện đi ăn trộm dây, bọn này to gan lắm. Thôi ra ngay đi, mà cũng đến giờ rồi còn gì”. Đồng hồ réo lên một hồi chuông thảng thốt. Lão Lơ đốc tất cả dậy nhằm hướng gò Gạo xuất quân. Bầu trời cuối hạ lúc bình minh, nửa như chói gắt, nửa như u ám.
Tin ấy nhanh như điện truyền khắp làng, chả nhẽ chuyện hàng trăm năm trước lại tái hiện, họ lục tục kéo ra gò. Lão Lơ dẫn đầu đội quân lỉnh kỉnh những thứ đồ nghề ra hạ cây. Đến lối rẽ lên gò, lão hơi sững lại vì trông thấy cái xe máy của Lểnh…Mấy người đứng lố nhố, có cả bóng công an nữa. Mà kìa, thằng Lểnh đứng với con bé nào đang tựa lưng vào gốc gạo. Chết cha rồi, lại có cả tay Kiên chủ tịch, tay Bân công an xã với mấy dân quân nữa. Đúng lúc đôi chân lão khuỵu xuống thì ông Kiên chủ tịch xã tiến lại nói: “ Bác Lơ đấy hả. Công việc chuẩn bị vất vả quá hở bác. Có chuyện thế này xin bá cáo với bác. Để ưu tiên cho lưới điện về làng, chúng tôi đã đồng ý cho chặt cây gạo, nhưng huyện xét đó là vật chứng lịch sử, văn hóa của cả huyện nên cho đình lại việc làm này. Điện sẽ đi theo hướng khác, cũng thuận thôi, mong bác thông cảm và đồng ý với chúng tôi, bác nhé”. Lão Lơ ngán ngẩm thở không ra hơi: “ Còn gì mà để đồng với chả ý” . Rồi lão xăm xăm đi về phía gốc gạo túm tay ông tiến sĩ Lểnh: “ Anh đi về nhà ngay, cho tôi nhờ”. Đám đông thở phào giải tán. Lão Lơ cắm cúi đi trước như người mất hồn, theo sau là Lểnh với chiếc xe cà tàng cùng đám con trại họ Vũ lếch thếch đồ nghề như đội quân thất trận. Bà Mải đi sau cùng. Đúng lúc ấy thì người con gái đứng tựa gốc gạo ban nãy tiến lên sẽ sọt chào: “ Cháu chào bác” . Bà Mải quay lại. ồ! Tưởng ai hóa ra cô Gắng kỹ sư ở trại giống của huyện. Tự dưng bà nắm lấy tay cô gái rồi chợt nghĩ: “ Sao chúng mày gan thế, bao nhiêu năm rồi mà chả nói gì với thầy u”.
Đầu mùa hạ năm ấy chẳng hiểu sao cây gạo ra nhiều hoa lắm, từ xa trông cứ như đĩa xôi gấc đỏ ối đặt trên cái nền xanh thẫm của làng Bái. Đám cưới của anh tiến sĩ Vũ Lểnh cháu sáu đời cụ Đô Liệu cùng cô Chu Thị Bích Gắng cháu sáu đời của ông Nghè họ Chu được cử hành trọng thể, lão Lơ mặt mừng đỏ gay không biết vì rượu hay vì… cứ đi ra đi vào rối rít bắt tay hai họ. Vui thì thật là vui, nhưng người làng Bái  vẫn thầm thì với nhau: “Cưới vào mùa này, chắc là anh chị đã ăn cơm trước kẻng rồi. Dào ôi! Dòng giống nhà ông đô Liệu ấy mà.
Tác giả: Nguyễn Phước Sang – Thực hiện: NSUT. Kim Cúc

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *