Bài nổi bật

Chân dung – Nguyễn Quang Thân

Truyện đêm khuya vov – Tài năng cho phép con người ta có một thứ quyền năng vô hình nhưng đôi khi chính thứ quyền năng ấy khiến người nghệ sĩ khốn khổ vì không thể nào lý giải nổi vì sao lại có thể nhìn ra những điều mình không hề mong muốn. Tài năng nghệ thuật có lúc khiến họ bất lực, ê chề…

Họa sĩ Phát tỉnh dậy lúc trời vừa sáng. Đầu ông đau nhức. Đêm qua ông vừa mơ thấy mình ngồi trên một cỗ xe ngựa, thứ xe ngựa vẫn thường thập thò ở cửa ô vào chạng vạng tối rồi biến mất lúc phố lên đèn để trốn phạt vi cảnh. Cái đuôi ngựa biến thành bút vẽ chạy trốn trước mặt ông, nổi khùng và cười cợt. Còn ông và con ngựa thì cứ đổi chỗ cho nhau sau mỗi chặng đường dài. May thay, sau khi rửa mặt xong thì ông thấy nhẹ mình, cơn mộng mị đã hòa tan vào thứ nước nhờ nhờ trong cái chậu nhỏ.
Ông điểm qua công việc ngày hôm nay. Tám giờ, đến dự khai mạc phòng tranh của nữ họa sĩ B. Tuy không giữ chức vụ gì trong chính quyền hay Hội Mỹ thuật, nhưng những dịp như thế này ông vẫn được mời để khích lệ những tài năng trẻ. Chín giờ, một cô bạn gái ít tuổi hơn ông rất nhiều, một cô bạn tâm tình – xin nhắc lại, cô bạn tâm tình, nhưng đã gây cho ông nhiều tai tiếng không hay – đã hẹn ông đi vẽ ở một nơi nào đó mà cô ta giữ bí mật đến phút chót. Có thể là một ngôi chùa hay chỉ là cái quán cà phê cách nhà ông khoảng mươi bước. Tùy theo cảm hứng thất thường của cô ta. Giá như hôm nào khác thì có thể viện cớ từ chối cuộc hẹn này, nhưng hôm nay, sau khi đã dự khai mạc phòng tranh của nữ họa sĩ B, thì không thể được. Ông tin vào linh cảm trong sáng của mình, nhưng mãi mãi, mỗi lần nhìn thấy mái tóc ngắn ốp sát vào đầu rất đúng mốt của cô ta, ông vẫn thấy tim mình se lại, trái tim độc thân run rẩy suốt một đời người.
Buổi chiều ông đã hẹn vẽ chân dung cho Huấn, một người bạn.
Có thể nói buổi hẹn này là một sự kiện trong đời họa sĩ Phát. Ông ít khi vẽ chân dung cho ai. Thành ra, mỗi lần ông vẽ về ai thì giới họa sĩ đông đảo trong thành phố ngóng chờ một tác phẩm giá trị nữa của người họa sĩ bậc thầy sẽ ra đời. Cũng vì một bức chân dung mà ông đã khổ sở bao nhiêu năm. Đó là chân dung “cô bạn tâm tình” ít tuổi. Ông đã quen cô trước đó khá lâu, đã bao lần im lặng ngắm khuôn mặt trẻ trung nao lòng người ấy, ông đã tưởng mình đếm được hết những sợi tóc đen nhánh, ngắn cũn cỡn ốp sát một mái đầu xinh tròn. Rồi ông cầm lấy bút vẽ. Bức chân dung làm mọi người sửng sốt và nhanh chóng nổi tiếng. Cô gái thì lặng người đi. Cô kể lại rằng, lúc nhìn thấy nó lần đầu tiên cô muốn quỳ xuống phó mặc cuộc đời mình cho người họa sĩ đứng tuổi. Nhưng may mà cô đủ trấn tĩnh lại được. Ai cũng ngạc nhiên vì sao cô lại không yêu ông, người cô hằng hâm mộ. Tuổi tác cách biệt chưa lấy gì làm quá đáng, vả lại, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có cô gái thì mới hiểu vì sao cô không yêu ông. Làm sao người ta có thể yêu một người quá hiểu mình, hiểu đến mức có thể vẽ lên những run rẩy mong manh nhất của tâm hồn cô lên tấm vải. Cô đi lấy chồng đột ngột. Người họa sĩ thì biết trước điều bất hạnh của mình, bởi vì, cô gái bằng xương bằng thịt của ông đã chết, chỉ còn bức chân dung là đang sống, bây giờ ông chỉ còn run rẩy trước bức vẽ ấy nữa mà thôi: “Tôi vẽ chân dung lên miếng da lừa của đời tôi”. Đúng vậy, mỗi lần vẽ chân dung cho ai là ông đang lấy cuộc sống của mình thổi vào màu và vải.
Vậy mà chiều nay, ông sẽ vẽ chân dung cho Huấn.
– Thưa bác, nước đã sôi rồi ạ.
Đứa cháu gái đặt lên bàn trước mặt ông phích nước có cái nút nhựa màu đỏ chói, cái nút phích làm vui lên cả căn phòng.
– Cháu để bác pha trà cho. – Ông nhìn cháu âu yếm. – Cháu đi học cho kịp giờ. Nhớ ăn sáng đấy nhé.
– Dạ.
– Nhớ ăn sáng đấy nhá. – Ông dặn với ra cửa khi chỉ còn vọng lại tiếng dép của đứa cháu bước xuống cầu thang.
Cái nút phích và tiếng nước reo trong lò bếp làm vui xưởng vẽ, còn đứa cháu gái, cái con Đức đáng thương là niềm vui không bao giờ cạn của chính đời ông.
Bố Đức là kỹ sư, em trai ông. Nó đi một mạch từ xưởng lắp vô tuyến vào chiến trường B2 và không bao giờ trở về nữa. Mẹ Đức đi lấy chồng hai năm sau ngày miền Nam giải phóng. Ông khóc em trai với đôi mắt ráo đờ đẫn. Rồi nung nấu hy vọng làm nó sống lại trong một bức chân dung. Ông đã thử nhưng nhiều lần thất bại. Rõ là ông không thể vẽ chân dung qua trí nhớ như một số họa sĩ khác. Đối với ông, vẽ là dùng ánh sáng của trái tim mình soi sáng người được vẽ. Ngược lại, ánh sáng của tâm hồn người mẫu đã giao thoa cùng cái nhìn của họa sĩ mà làm nên bức tranh. Sự thật hiện ra, màu và vải bỗng có linh hồn, những đường nét ước lệ bề ngoài giả dối, cái hình thể vẫn dùng để ăn, để uống, để nói những lời ngon ngọt hay cay độc rơi xuống. Sự thật của đám mây chính là cơn mưa.
Họa sĩ Phát bước ra phố. Đức đang đi một cách nhẫn nhục trên hè phố bên kia vì quá sợ những chiếc xe máy mới tinh đang vút trên đường. Ông nghĩ rằng chân dung đứa cháu mồ côi sẽ là bức vẽ cuối cùng của đời ông. Dù là một người khiêm tốn, ông vẫn tin rằng tài năng của ông cộng với nỗi đau của đứa cháu sẽ làm bức chân dung cuối cùng ấy bất tử.
*
*     *
Ông không thể chợp mắt một chút vào giữa trưa, dù buổi khai mạc phòng tranh và cô bạn tâm tình đầy quyền lực đã làm ông quá mệt. Ông căng lại toan, rửa bút, đặt lên bàn những lưỡi dao có cán bằng chất dẻo màu ngà. Ông đóng rồi mở mấy cái cửa sổ, kéo lê cái ghế mây trên sàn từ chỗ này đến chỗ kia mà vẫn chưa tìm ra được chỗ nào ưng ý để Huấn sẽ ngồi vào đó. Ông không hề đặt cho mình một nguyên tắc nào về ánh sáng khi vẽ. Ông cứ kéo cái ghế, đến một chỗ nào đó ông liền ấn nó xuống như ấn một đứa trẻ vào chỗ trong lớp học. Lúc đó, căn phòng nhỏ bề bộn – cái xưởng vẽ – đã hoàn toàn đổi khác, chan hòa một thứ ánh sáng khác, một bầu không khí khác. Cành phượng già nua vẫn thường rủ xuống cửa sổ như được ban linh hồn, sột soạt. Ông ngồi trước giá vẽ chờ Huấn tới, trầm ngâm trong cảm giác êm dịu của sáng tạo.
Ông nghe tiếng xe từ đầu phố. Một chốc sau, Huấn vào. Anh chưa một lần nào ngồi xe đến tận nhà bạn mà thường là đi bộ một quãng. Họa sĩ Phát không hiểu vì sao anh lại làm thế và ông thấy mình quả thật vụng về trong đối xử với người đời.
– Anh! – Huấn mở cửa tự nhiên, chào khẽ.
– Mời ngồi. – Ông Phát chỉ vào cái ghế mây.
Nghe tiếng một con ong lạc vào phòng đang vỗ cánh.
Huấn ngồi vào ghế. Anh chỉ thua họa sĩ Phát một hai tuổi nhưng trẻ hơn nhiều. Khuôn mặt anh dài dài, mái tóc rủ về một phía, vừa đủ phủ lên đuôi con mắt một bóng râm nhẹ, mơ hồ. Trên miệng Huấn bao giờ cũng có một nụ cười hòa nhã với hai hàm răng nhỏ và trắng. Huấn hơi bối rối vì cái ghế mây đang muốn giẫy giụa dưới thân hình bắt đầu mập ra của anh. Đây là lần đầu tiên anh ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung mình, anh không biết để đôi bàn tay với những ngón tay dài và trắng như tay con gái vào đâu. Trông anh lúng túng như một con mèo muốn thu mình lại nhỏ nhất trước khi vồ một con chuột lớn.
Anh muốn bắt chuyện, muốn nói vài câu xã giao mà anh quen miệng khi tiếp xúc với giới của anh. Nhưng ông Phát chỉ nhìn anh và tẩn mẩn gọt bút chì. Có thể ông không cần dùng đến bút chì, nhưng ông vẫn gọt cái lõi chì thật nhọn. Ông chăm chú gọt, chăm chú nhìn bạn mình và nhớ lại tình bạn giữa hai người. Vài chục năm đã qua. Hồi đó cả hai cùng ngồi một bàn, dưới một mái trường, cùng được thầy Hoàng yêu mến. Rồi thầy Hoàng biến mất trước ngày cách mạng tháng Tám nổ ra. Bạn bè cũng mỗi người một nơi trong cơn bão của chiến tranh và cách mạng. Tình cờ cơn lốc lại xô cả ba người trở lại thành phố quê hương lúc mỗi người đã có riêng phận mình. Thầy Hoàng trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp, phụ trách một cơ quan lớn trong thành phố. Huấn đi theo con đường của thầy. Do khả năng tháo vát, mềm mỏng, được thầy dìu dắt và tin cậy, anh thăng tiến khá nhanh và trước đây vài tháng vẫn làm ông phó cho người thầy cũ. Gần đây, Huấn lại đạt được đỉnh cao trong chức vụ mới. Thầy Hoàng mất đột ngột. Huấn lên thay. Mọi người ngơ ngác, cả cơ quan như mồ côi trước cái chết của thầy, nhưng không ai ngạc nhiên gì về việc Huấn được ngồi vào chiếc ghế bỏ trống ấy. Riêng họa sĩ Phát, khi nghe tin người thầy cũ mất thì hết đỗi bàng hoàng và ân hận vì đã không vẽ được một bức chân dung cho con người mà ông hết lòng quý mến. Ông cũng trách mình là đã ít đến thăm thầy, nào ông có ngờ được bước chân thần chết thường nhanh hơn mọi dự định của người đời. Mọi sự không hay không phải, chỉ vì quá miệt mài với nghệ thuật! Vì vậy, khi Huấn mời ông đến thăm ngôi nhà mới dược phân phối sau ngày anh lên chức và ngỏ ý có một bức chân dung để treo trong phòng ngủ, ông nhận lời ngay. Ông cảm thấy việc làm này có thể chuộc được phần nào sự vô tâm trước đây với những người thân cũ. Ông cũng biết rằng, một bức chân dung có chữ ký của ông là kỷ niệm có thể làm ấm lòng bạn bè, nếu một người bạn tốt, một người tốt như Huấn thì ông đâu tiếc gì thì giờ và chút tài mọn! Ông vui mừng khi nghe tin Huấn lên thay vị trí của thầy Hoàng, vui mừng thật lòng, tuy ông không quan tâm lắm đến cái thang biểu giá trị ấy. Ông đã có chút thành công trong nghệ thuật và cũng mong bạn bè trong các lĩnh vực khác đạt được điều họ xứng đáng được hưởng. Mong đừng ai bị oan trái, bị bỏ quên trong cuộc đời bận rộn, chật chội này.
Vậy mà sau ngày thầy Hoàng mất, không phải ai cũng nghĩ như ông. Lần đầu tiên lọt vào tai ông những lời bóng gió, phải rồi, đó là một buổi chiều buồn bên “cô bạn gái tâm tình” trong quán cà phê. Ở bàn bên cạnh, hai người nào đó đang trầm ngâm, to nhỏ về cái chết của thầy Hoàng và việc lên chức của Huấn. Cô bạn gái bấm ông, nhắc ông lắng nghe, nhưng ông uống một hớp hết ly cà phê và đứng dậy. Cái thói quen ghen tỵ thường mọc nhanh như cỏ trên mặt đất, hơi đâu.
Giờ đây kỷ niệm thuở học trò đang sống lại và ông vẫn gọt cái bút chì không bao giờ dùng đến của ông. Ông im lặng, gọt bút chì, ngắm bạn và nói thầm với bạn những câu tốt đẹp không thành lời.
Và ông bắt đầu vẽ.
Ông quệt phông, đi những nét đầu tiên. Từ đó là một sự câm lặng hoàn toàn. Chỉ có tiếng thở hấp hổi như họa sĩ đang đánh vật với một con rắn vô hình nào đó, đốm lửa của điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại rít lên khe khẽ. Lưỡi dao và bút vẽ lướt trên vải như một hơi thở nhẹ, ông vẫn nói đùa rằng người họa sĩ vẽ chân dung chỉ khác thợ cắt tóc ở chỗ không nói chuyện trong khi làm việc. Im lặng, đó là ánh sáng, là suy tư, là cuộc đời người mẫu in dấu với muôn vàn rối rắm phức tạp. Cả lớp ánh sáng trong căn phòng này cũng đã đổi khác rồi, đã được pha trộn cùng với phản quang của tấm vải với những nét màu còn ướt với những đường nét gấp khúc. Khuôn mặt Huấn cũng đang biến đi, đường nét làm nên khuôn mặt ấy vỡ vụn, biến sang một hình thể khác, lên dần trên tấm vải. Nó đang hiện dần lên dưới mắt ông, nó bắt đầu động cựa và phát ra thứ ánh sáng của riêng nó, cái quán cà phê một buổi chiều sa mù che phủ, cô bạn gái bấm vào tay ông, mặt cô hơi biến sắc, tiếng to nhỏ của hai người ngồi bàn bên cạnh, mắt họ mờ ảo lẫn lộn trong khói thuốc lá, ở trong quầy bà chủ quán than phiền về con mèo, tiếng ruồi vây vo quanh lọ đường… lúc đó ông đã đứng dậy và bước ra cửa, hai người đàn ông nhìn theo, chắc là họ đâu có biết ông quen Huấn.
Ông lùi lại mấy bước, nhìn chếch ngang khuôn mặt đã hình thành trên giá vẽ.
Ông bàng hoàng. Cái gì đang ở trước mặt ông đây? Đúng là Huấn. Huấn đang nhìn ông chứ không phải ai khác. Nhưng sao lại có những nét này? Cái vạt đen này ở đâu ra? Và con mắt phải của Huấn như bị vỡ ra từ bên trong, từ đó chảy xuống một vệt màu xám làm gò má bị bỏng rộp lên, chính cái vệt màu xám này đã làm thịt da trên má bị thối rữa. Ông vật vã pha một vệt dầu màu lam, ông hy vọng, ông đưa một đường dao đè lên, giá như vệt xám ấy là nước mắt? Nhưng không có nước mắt trên khuôn mặt ấy, thứ nước chắt lọc từ lòng trắc ẩn và nhân hậu. Tia nhìn độc địa từ con mắt bên phải của Huấn càng làm nửa mặt bên trái tối lại, có một chuyện cổ tích mẹ kể ngày xưa, xa lắm rồi, về con quỷ nhốt trong nhà, ông đã lỡ tay mở nhầm nút hũ và con quỷ bước ra, đang nhảy múa trên bức chân dung vừa hình thành. Ông lấy bàn tay phải bóp mạnh vào cổ tay trái như để trừng phạt nó (ông vẫn dùng tay trái để vẽ). Nhưng vô hiệu, chẳng cứu vãn được cái gì. Ông lấy hai bàn tay ôm mặt, quẳng con dao có cái cán bằng nhựa màu ngà xuống sàn, mệt mỏi ngồi xuống cái ghế thấp vẫn dùng ngồi uống trà.
Ông đẩy nhanh cái bàn nhỏ đựng đồ trà và kéo theo chiếc ghế đến sát chỗ Huấn ngồi.
– Uống nước đi, nghỉ một chút.
Huấn có vẻ sốt ruột, nhưng anh tế nhị không nhìn vào bức vẽ dở dang, vả lại bây giờ nó đang bị thân hình to lớn, cái lưng hơi gù của họa sĩ che khuất. Anh cầm lấy cái chén trà nguội tanh.
– Mãi đến giờ mình vẫn chưa quen được chuyện thầy Hoàng mất. – Ông Phát chợt nói.
– Biết làm thế nào được? – Huấn khẽ nhún vai.
– Thật không ngờ.
– Tất cả mọi người chỗ chúng tôi đều không ngờ.
Hai người cùng uống trà, nghe được tiếng trà chảy nhẹ nhàng trong cổ. Và nụ cười không thành tiếng của Huấn nở ra, kéo dài mãi ra rồi mờ đi trước mắt họa sĩ, nụ cười mới dễ mến và gây cảm giác tin cậy làm sao. Ông Phát đứng dậy, lùi một bước về phía sau, nhặt con dao lên.
Ông cạo lớp sơn chưa khô bên phải khuôn mặt với cử chỉ dứt khoát của bàn tay nổi những đường gân và mạch máu hãy còn nhịp của tim và hơi thở. Vệt màu xám biến mất ở chỗ con mắt bị vỡ bây giờ là một khoảng trống. Trộn một gam màu mát hơn, ông đi những đường dao mềm mại, không rời mắt khỏi khuôn mặt và nụ cười của Huấn, ông tái hiện lại những đường nét với sự hồi hộp lan dần. Ông miệt mài đến nỗi chiều xuống lúc nào không hay. Khi vạt nắng tắt trên cửa sổ, ông vội lùi lại mấy bước, nhìn chếch ngang khuôn mặt đã thành hình trên giá vẽ.
Cả người ông run lên. Có phải chính mắt ông vừa nhìn, tay ông vừa vẽ đấy không, hay là một ai khác? Vẫn đôi mắt như cũ, cái nhìn sắc lạnh của mắt trái, mắt phải vẫn vỡ ra, và vệt xám ông cố tình xóa đi, che lấp đi trên gò má thối giữa của người chết đuối bây giờ lại hiện ra tuy có mờ ảo hơn, nhờ vậy đó đạt đến mức tinh tế m# bất kỳ họa sĩ bậc thầy nào cũng mong muốn. Con quỷ nhảy múa trên bức chân dung bây giờ lại có vẻ ngạo mạn hơn vì ông đã chạy chữa, đã làm hết sức mà không xua nổi nó.
Trong giây lát ông hiểu rằng bức chân dung đã quá thành công, ông không phạm sai lầm gì về nghệ thuật bố cục và ánh sáng. Ông đã vẽ đúng cái cần vẽ: sự thật về một con người.
Bây giờ thì chẳng biết trách cứ ai ngoài tài năng thiên bẩm rất hiếm khi hiện ra với ông toàn mỹ như lần này. Cưỡng lại sự thật là một trọng tội, ông hoảng hốt lấy tấm vải mềm vẫn dùng để lau tay phủ kín bức chân dung, ông biết rất hiếm người thích nhìn sự thật của chính mình.
Buồn vã và mệt nhoài, ông ngồi xuống ghế. Huấn đứng dậy, nụ cười cố hiện trên môi, anh bước lại gần bức chân dung. Họa sĩ Phát khoát tay: “Đừng, chưa xong!” và trước đôi mắt ngơ ngác của bạn, ông nhấc tấm toan ra khỏi giá, úp vào tường.
Đứa cháu gái họa sĩ đặt lên bàn một phích nước mới đun, bỏ thêm chè vào ấm, phòng vẽ thoang thoảng mùi nhài dịu ngọt. Huấn đưa tay kéo Đức vào lòng mình, vuốt mái tóc mềm nhưng ken dày của nó.
– Ồ, cháu tôi, mới đó mà… – Anh nói với nụ cười dịu dàng.
Đức nép người vào anh, đôi mắt sáng ngời của nó đầy tin cậy và cảm thông. Nó nhìn bác nó như muốn nói với ông: “Bác ơi, bác Huấn tốt làm sao, dịu dàng làm sao, bạn của bác người nào cũng tốt…”. Chính cái nhìn ông Phát vừa đọc được ý nghĩ ấy đã làm ông bối rối, mất hẳn sự tự tin ông vừa có lúc nãy, sự tin tưởng vào cái khoảnh khắc mà thiên tài đã hạ cánh xuống đôi bàn tay ông. Bởi vì, làm sao cái con người ông thường nghĩ tới với những kỷ niệm dịu dàng, cái nụ cười ngọt ngào kia lại có thể hiện ra trên tấm vải như thế được. Có sự phản trắc nào đây? Hay chính ông đã phản bội bạn mình, hay đôi bàn tay khó bảo bắt đầu xơ cứng của ông đã phản ông?
– Cậu có nhớ trăm ngày thầy Hoàng, đúng vào ngày nào không? – Ông hỏi.
– Hai mươi ba tháng chín này. – Huấn trả lời qua loa, anh đang nóng ruột muốn nhìn qua bức chân dung của mình một tý. Rồi anh sẽ treo nó trong phòng ngủ, nó sẽ tâm sự với anh mỗi sáng, mỗi chiều, đó là một giọt mật thêm vào cái bình hạnh phúc trọn vẹn của anh.
– Kể ra thầy mất hơi sớm, một tài năng và một tâm hồn hiếm có. – Họa sĩ nói.
– Nhồi máu cơ tim. Cũng là bình thường ở cái tuổi của thầy. Người ta đã làm giám định pháp y rất kỹ. – Huấn nói nhanh.
Ông Phát nhớ lại buổi chiều ấy ở quán cà phê, hai người đàn ông ngồi cạnh thì thầm, cô bạn gái tâm tình thì bấm vào cánh tay ông đau nhói. Nhưng ông không nhớ được gì hết, ông chỉ nhớ là lúc đó bà chủ đang than phiền về hạnh kiểm của con mèo. Hình như những lời lẽ âm mưu của người đời không lọt được vào tai ông.
– Thầy có bị xúc động gì không? – Ông hỏi Huấn.
– Theo tôi thì không. Cả cấp trên lẫn cấp dưới đều kính trọng thầy.
– Thầy đã chết. – ông Phát nói một câu gần như vô nghĩa, ông chữa lại. – Một con người độ lượng và bao dung.
Và ông khóc với đôi mắt ráo. Nước mắt ông chảy đâu đó trong lòng ông.
– Thế này nhé – ông nói tiếp – ngày mai cậu đến Chung, nhờ anh ta chụp hộ một cái portrait, cỡ vừa thôi.
Ông nói rằng ông cần một bức ảnh chụp của Huấn để hoàn thiện bức vẽ. Chung là người bạn thân của cả hai người, là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh hiếm hoi biết đưa nghệ thuật nhiếp ảnh lên ngang tầm hội họa.
Họ uống trà và trao đổi mấy câu về người nghệ sĩ nhiếp ảnh, và bức chân dung Người Mẹ của Chung được giải thưởng cao tại một cuộc thi quốc tế. Một tờ báo nước ngoài dạo đó viết: “Tác giả bức chân dung đã biết chọn thời điểm mà tất cả tâm hồn sâu thẳm của người mẹ Việt Nam hiện ra bên ngoài cái vỏ bình thường của khuôn mặt, đó là điều chỉ những thiên tài hội họa mới có…”. Chính vì nhớ lại những lời đánh giá này mà ông Phát muốn có bức ảnh chụp của bạn ông.
*
*     *
Họa sĩ bước xuống đường. Từ lâu ông ít khi đi xe đạp. Trong những chuyến đi vẽ xa, ông thường đi xe hàng, sau đó đáp xe ngựa hay đò dọc về một vùng quê hay một công trường ở nơi hẻo lánh nào đó. Trời chưa hết nóng mà đã nghe thấy bước chân nhẹ nhàng của mùa thu. Gió thổi trên đường phố, một thứ gió pha trộn heo may và nam nồm, mát dịu nhưng làm da mặt hơi se lại. Trong gió, đường phố bao la hơn, gió tạo ra những lăng kính bụi làm mặt trời trở thành đỏ úa và những ngôi nhà cao lùi xa như đụng phải chân mây. Cái ảo giác và sự xa vời ấy làm mọi người xao xuyến, thấp thỏm chờ đợi mùa thu. Trong không gian có cái gì chưa được xác định rõ của buổi giao mùa làm họa sĩ thảng thốt. Lá cây đã bớt xanh tươi nhưng chưa trở vàng, những thảm cỏ trong vườn hoa không còn vẻ mơn mởn dễ dãi, da những cây phượng bên đường nứt nhỏ li ti màu xám. Mấy ngày nay ông Phát cảm thấy tâm trạng bất yên. Có lúc ông nghi ngờ tài năng của mình, lúc khác ông thấy mình hơi tàn nhẫn. Bức chân dung của Huấn vẫn được cất kín trong tủ, ông không giở ra lần nào vì không giây phút nào ông không bị nó ám ảnh. Cuối cùng ông tìm đến nhà Chung. Ông tin chắc rằng Chung sẽ không từ chối chụp chân dung cho Huấn và có lẽ bây giờ công việc phòng tối đã xong. Thật lạ khi một họa sĩ có biệt tài vẽ chân dung lại quan tâm đến một tấm ảnh chụp như thế.
Khác với căn gác hẹp và cao của họa sĩ Phát, nhà nhiếp ảnh có một cơ ngơi to rộng hơn với vườn cảnh, mấy gian nhà một tầng lợp ngói mũi cổ xưa, những lối đi giữa vườn rải xỉ than màu lam nhạt. Chung kê một bộ bàn ghế mây giữa sân, pha trà mời bạn. Ông Phát không buồn nhấc chén trà thoảng mùi nhị sen, hỏi:
– Ông cho tôi xem tấm ảnh của Huấn.
– Chưa xong đâu. – Chung đáp.
Ông Phát nhìn vào mắt bạn, biết chắc là Chung vừa nói dối. Ông hồi hộp nhìn vẻ bối rối của Chung. Mặt Chung tái xanh, vẻ tự tin, bặt thiệp vốn có của người nghệ sĩ nhiếp ảnh không còn nữa, anh lúng túng, chán chường như một ca sĩ lừng danh vừa hát sai bài hát tủ của mình trước những người hâm mộ.
– Ông nói dối. – Ông Phát khẳng định. – Cho tôi xem đi. Tôi cần xem mà.
Không chống chọi nổi đôi mắt nhìn như xuyên suốt của người họa sĩ nổi tiếng, Chung hạ giọng:
– Tôi làm hỏng bức ảnh rồi.
– Những nghệ sĩ thiên tài thường không phán xét được tác phẩm của mình đâu, chính Goethe đã nói như vậy đấy. Cho tôi xem bức ảnh. – ông Phát nằn nì.
Họ vào nhà. Chung rút trong tập giấy ra một bức ảnh cỡ vừa. Ông Phát tưởng như tim mình đang đứng lại. Trong tay ông, bức ảnh như được chụp lại từ tấm chân dung màu dầu đã làm ông mất ăn mất ngủ mấy hôm nay. Vẫn con mắt như vỡ ra, cái má thối rữa và vết đen không phải nước mắt mà là bóng tối âm u phủ lên một nửa khuôn mặt, một khuôn mặt tội đồ – Ông Phát nghĩ – bóng tối và tội đồ, tội đồ, những ý nghĩ này vừa mới chợt hiện ra trong đầu ông.
– Anh là một nhà nhiếp ảnh thiên tài. – Ông đặt tấm ảnh lên mặt bàn, lặng lẽ nhìn Chung.
Nhà nhiếp ảnh không biết rằng đó cũng là câu ông Phát tự khẳng định mình sau mấy ngày vật vã trong hoài nghi và do dự.
– Tôi đã làm hỏng khuôn mặt tử tế và nụ cười của anh ta. – Chung bối rối.
– Thật tiếc, nụ cười ngọt ngào… – Ông Phát tiếp. – Nhưng anh là một thiên tài. Anh đã một lần nữa chọn thời điểm đáng thèm muốn. Có những điều chỉ có nghệ thuật mới làm nổi, mới diễn đạt nổi.
– Đừng chế giễu tôi, tội nghiệp, anh Phát ạ.
– Không, anh đừng nghĩ thế, người ta thường nói Van Gogh thiếu người mẫu nên ông hay tự họa chân dung mình. Tôi cho rằng không phải như vậy. Mà bởi vì ông muốn tự thú. Thôi, tôi về đây.
Họa sĩ ra khỏi nhà bạn như chạy trốn. Đứa cháu gái mồ côi, đốm lửa cho chặng cuối con thuyền đời của ông đang đợi ông ở nhà, có lẽ bữa cơm trưa đã dọn.
*
*     *
Cuối cùng, bằng cách nào đó, Huấn cũng đã xem được bức chân dung màu dầu và tấm ảnh của mình. Cả người bạn họa sĩ của anh và nhà nhiếp ảnh đều nói rằng không hiểu vì sao họ lại có thể làm ra một tác phẩm hỏng đến thế, họ xin lỗi anh và hứa sẽ làm lại một cái khác, trong một dịp khác.
Huấn buồn bã về nhà. Anh không ăn cơm, ngồi vào bàn và thấy lòng trống rỗng. Bất chợt gió lùa qua cửa sổ thổi tung một tờ giấy đánh máy trên mặt bàn. Huấn cầm lên xem, thấy lưng mình lạnh ngắt, mồ hôi túa ra dưới chân tóc. Anh bật diêm, châm lửa đốt tờ giấy. Nhưng không khí ẩm ướt đầu thu và những ngón tay run rẩy đã phản anh: không một que diêm nào cháy lên được. Huấn đành đút tờ giấy vào chỗ cũ rồi lấy một cuốn từ điển dày cộp đè lên. Vẫn chưa yên tâm, anh lại đè lên một chồng sách nữa.
Anh thường đánh máy thư từ, tài liệu làm hai bản và tờ giấy vừa bay ra là bản lưu của một lá thư nặc danh đã dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim của người m# anh vừa thay thế.
Bỗng chốc anh hiểu ra và có lẽ anh là người duy nhất hiểu được cặn kẽ vì sao bức chân dung lại như vậy
Tác giả: N.Q.T – Thực hiện: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *