Bài nổi bật

Chim Trời Lạc Lối – Nguyễn Thị Mai Phương

Truyện đêm khuya – “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” – Đó là hai câu cuối trong bài thơ “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính. Chân quê không chỉ là ngoại hình mà còn là tâm hồn mang vẻ đẹp quê hương của một con người. Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ của hai người bạn gái Phượng và Cúc. Sau 20 năm xa cách, Cúc từ một cô gái thôn nữ ngây thơ, trong sáng , tinh nghịch đã thay đổi hoàn toàn. Những ảo vọng về cuộc sống giàu sang đã biến đổi bông hoa Cúc xinh đẹp năm nào trở thành một người đàn bà thủ đoạn, đam mê vật chất. Nhưng khi đã trở nên giàu có thì Cúc thấy ân hận vì những gì mình đánh mất, ân hận vì đã bỏ đứa con đi. Một câu chuyện cảnh tỉnh những con người lạc lối không nhận ra điều gì mới là giá trị đích thực của cuộc sống….

Tôi tìm theo địa chỉ mà Cúc ghi trong thư điện tử mất trọn một ngày mới đến nơi. Ngôi nhà hai tầng nhỏ xinh cất ngay bên cái đầm nước lớn. Màu sơn xanh nhạt làm không gian quanh ngôi nhà dịu dàng hơn. Phía xa, bóng lũ sâm cầm vút trên mặt nước gợi vẻ hoang dã. Từ đây về thành phố cũng mất gần trăm cây số. Tấm biển “Khu du lịch sinh thái Cát Vàng” ngay trước mặt dẫn tôi vào một lối đi nhỏ, rải cuội trắng. Có tiếng chó sủa từ phía ngôi nhà.
Tôi bỗng thấy hồi hộp, dễ đến hai mươi năm tôi và Cúc chưa gặp lại nhau. Hồi đó, bọn tôi là hàng xóm trong cái làng nghèo nằm chênh vênh ven sông. Bố mẹ đi làm đồng từ sớm, bọn tôi rủ nhau chơi tha thẩn ở bãi bồi, mò cua, cào hến, tắm táp, chọc ghẹo nhau suốt ngày. Tóc tai bết lại, cháy khét, người sực lên cái mùi hoi hoi đặc trưng của đồng đất. Cúc lặn rất giỏi, lần nào tắm, nó cũng lặn tận đáy sông, tay móc lên một nắm cây tóc tiên hay mấy viên sỏi, miệng cười ranh mãnh. Cúc da đen nhưng duyên, hai má lúm đồng tiền. Mỗi lần Cúc đi chơi, đều có cậu bé Thiện sát nhà làm “vệ sĩ”. Lần ấy, Cúc làm rơi cái vòng bạc đeo tay dưới bến tắm, cậu bạn dầm nước mò suốt từ trưa đến chiều mới thấy. Cúc đứng trên mấy phiến đá xanh, một chân gác lên cái hàng rào thấp đầy hoa bìm bìm, cười tươi, xòe tay ra cho cậu bạn ướt như chuột lội đeo cái vòng vào cổ tay. Tôi ngồi từ xa nhìn lại, Cúc giống như một nữ hoàng vậy, thản nhiên nhận sự cung phụng từ cậu bạn. Cúc vui sướng nhảy tót lên lưng Thiện. Thiện vui vẻ cõng Cúc một đoạn dài. Cả bọn nằm trên cỏ rồi nhắm mắt lăn từ từ xuống sông. Tắm chán, chúng tôi rủ nhau đi ném trám để ăn. Tôi và Thiện hì hục tìm những hòn ngói nhiều góc cạnh lia lên chùm quả. Cúc ngồi vắt chân bên mỏm cát lim dim nhìn trời. Cúc lười thật, chả muốn tự làm gì. Bố Cúc mất sớm, mẹ Cúc làm mấy sào ruộng, thi thoảng lên thành phố làm thuê. Cúc ở nhà đi học rồi trông nhà với bà ngoại, tha hồ tự do đi chơi, không giống tôi, ngoài đi học phải ra đồng làm cùng mẹ. Cúc lớn trước tuổi, sớm biết điệu đà. Có lần, tôi thấy Cúc mặc thử cái váy mẹ vừa mang về từ thành phố chạy quanh sân. Một chiều, năm lớp bảy, sau khi đi bộ từ trường về, Cúc hỏi tôi:
– Sau này mày thích làm nghề gì?
Tôi chợt thấy khó mà trả lời, nhà tôi nghèo, bố mẹ cho đi học đến đâu hay đến đó, biết sẽ làm gì, có thể, tôi sẽ làm cô giáo, bởi tôi rất thích trò tay cầm cái que chỉ trỏ, dạy mấy đứa em chữ o chữ a. Tôi ngập ngừng nói:
– Làm cô giáo. Còn mày?
– Tao sẽ ra thành phố, ở đấy người ta ăn mặc đẹp lắm.
– Nhưng làm gì mới được? – Tôi hỏi.
– Ở thành phố làm gì cũng sướng, mẹ tao nói, người ta làm gì cũng kiếm được nhiều tiền.
Tôi ngạc nhiên, sao Cúc giỏi thế, đã biết nghĩ đến tiền, trong khi đó tôi hầu như quanh năm không nhìn thấy tiền, mọi thứ bố mẹ lo, cũng chẳng được cầm tiền bao giờ, càng không biết nghĩ ra điều gì để kiếm tiền. Mỗi lần được mẹ cho tiền, Cúc đã biết cất riêng những đồng tiền đó để mua nơ buộc tóc và gương soi dán vào lòng nón. Mỗi khi đội nón đi đâu đó, lâu lâu, Cúc lại giơ nón lên, soi mặt mình vào gương cười tủm tỉm. Thiện và Cúc có vẻ thích nhau, hai đứa tách đi chơi riêng. Tôi cũng bị bố mẹ quản lí chặt hơn, giao cho nhiều việc vặt trong nhà, không còn dịp đi cùng Cúc nhiều như trước. Năm tôi lên lớp chín thì mẹ con Cúc chuyển nhà ra thành phố. Xóm nghèo làm một bữa cua cá, kẹo bánh chia tay. Nhưng cuộc chia tay này người đi háo hức lắm, không thấy buồn. Tôi cũng thấy trống trải, không biết khi nào gặp lại Cúc. Thiện thì ngồi khóc. Có vẻ nó không muốn rời xa Cúc. Mấy người đàn bà lam lũ, trong đó có mẹ tôi thì lạnh nhạt, ăn mấy cái kẹo lấy lệ rồi về. Đêm ấy, mẹ xoa xoa vào lưng tôi rồi bảo. “Con đừng tưởng có nơi nào tốt hơn nhà mình, ở thành phố không có chỗ cho người nhà quê đâu con ạ.” Chả hiểu sao mẹ nói thế rồi thở dài, chắc mẹ sợ tôi đi theo Cúc. Mãi sau này, hàng chục năm, khi tôi đã thành đàn bà có con, tôi mới hiểu tâm trạng đêm đó của mẹ mình. Mẹ đã dự cảm được những giông tố của mẹ con Cúc. Tôi lên cấp ba rồi chật vật vào đại học, trở thành luật sư, suốt những năm tháng ấy không hề gặp Cúc. Cũng không nghe được tin gì về Cúc, bởi bà ngoại Cúc đã mất, họ hàng thì mỗi người mỗi ngả. Thiện vào miền Nam làm kinh tế mới với gia đình. Mẹ tôi kể, hình như Thiện và Cúc định lấy nhau nhưng trục trặc không thành.
Làng nghèo của tôi xưa giờ thành phố huyện khá sầm uất, tôi về mở văn phòng luật sư cho gần nhà, tiện chăm sóc bố mẹ. Chồng tôi là đồng nghiệp nên hiểu công việc và biết chia sẻ. Nhiều lúc thấy tôi băn khoăn muốn tìm lại Cúc, anh đã bảo: “Em tìm sao được cánh chim trời, giữa em và họ chỉ là tình bạn thời thơ ấu.” Tôi bỗng buồn thế, có lẽ đúng là vậy, nhưng quả thật, tôi chỉ có Cúc là bạn gái hàng xóm hồi ấy, chúng tôi đã chơi chung nhiều trò, đã lớn lên bên nhau. Càng có tuổi, hình như người ta càng nhớ thời thơ bé. Tôi từng gục mặt vào vai chồng thổn thức bởi cái cảm giác bơ vơ không có bạn hiểu mình. Tôi đã reo lên khi văn phòng của vợ chồng tôi nhận được thông tin một khách hàng có nhiều điều giống Cúc. Hôm Cúc nhắn lên facebook: “Mình Cúc đây”, tôi mừng rỡ, ríu rít khoe với chồng. Anh lặng lẽ đứng ở thềm nhà cười khẽ. Tôi biết, anh cười vì tôi luôn có niềm tin thơ ngây về con người.

Và chuyến đi này tôi đã âm thầm chuẩn bị nhiều ngày. Tôi lái chiếc xe ô tô bốn chỗ cũ của chồng đi theo chỉ dẫn Cúc viết trong email. Vất vả ngày trời mới thấy. Tiếng chó sủa làm tôi thoát khỏi kí ức.
– Ê, lên đây Phượng ơi, tớ ở đây mà.
Tiếng gọi từ phía người phụ nữ đeo kính đen, mặc váy, tóc xoăn đứng trên tầng hai ngôi nhà. Đúng là Cúc rồi, vẫn dáng vẻ ra lệnh như ngày nào. Tôi vui vẻ đi tới.
Tôi từng tưởng tượng nhiều đến cảnh gặp gỡ, hai đứa sẽ ôm lấy nhau mà khóc. Tôi và Cúc sẽ tha hồ hít hà hơi ấm của nhau, sẽ nói về những năm bặt tin tức. Nhưng không, tôi bỗng khựng lại, mùi nước hoa từ Cúc làm tôi thấy xa lạ. Chúng tôi đứng rất gần nhưng không ôm lấy nhau. Tôi xòe tay ra nắm bàn tay Cúc. Những ngón tay mềm, móng sơn đỏ chót bỗng làm tôi thấy ngại, tôi muốn giấu đi bàn tay một bà mẹ ba con của mình. Như nhận ra ý nghĩ của tôi, Cúc cười nói để khỏa lấp, kéo tôi đến bộ bàn ghế sát lan can.
– Lâu quá rồi Phượng nhỉ, cậu có chồng con vậy là sướng nhất.
– Thế Cúc thì sao? Những năm qua Cúc làm gì. Xây chỗ này từ bao giờ? Nếu Cúc không liên lạc thì mình cũng chịu, biết tìm cậu ở đâu.
– Ừ, thì cũng qua công việc mà mình biết một nhân viên ở văn phòng của cậu. Uống nước đi, rồi cùng nhau ăn trưa, hàn huyên.
– Cúc vẫn trẻ đẹp, không như mình, con cái mệt hết người.
– Thì cậu đã có con. Còn mình thì…
Cúc bỏ lửng câu nói, im lặng một lúc. Khi đã thân mật hơn bởi những câu chuyện thời bé, tôi nằm dài ra ghế nghe Cúc tâm sự.
“Tớ háo hức đi cùng mẹ ra thành phố lắm, cậu không biết đâu. Hai mẹ con trọ một căn nhà bé xíu ở xóm liều, cạnh một khu đô thị. Bà đi giúp việc nhà theo giờ còn tao đi làm thuê cho một hiệu gội đầu. Mẹ nó chứ, cuộc đời khốn nạn, mọi thứ không dễ dàng như mẹ tao đã bảo. Bà đi làm quần quật, lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo suốt ngày, tháng được vài đồng sống tằn tiện. Tao ngày ngày gội đầu cho khách, chỉ được ăn cơm, tiền công coi như nộp phí học việc. Tay bị rộp, ngứa vì hóa chất nhuộm tóc và dầu gội. Mỗi ngày gội mấy chục cái đầu, có thằng, nằm dạng háng gội đầu rồi quờ tay ra sau sục vào ngực mình. Không dám hét lên, lần sau nó lại quen mui thế. Sợ mất việc mà cam chịu. Có khách đòi bóp đầu lâu hơn, kĩ hơn, vừa làm vừa nghe những lời ong bướm. Rồi họ cũng boa tiền, mỗi ngày được vài chục, chủ biết nhưng không nói gì. Sau này mới biết đấy là bài của nó cả…”
Cúc dần trở thành nhân viên ruột của quán vì vừa xinh đẹp lại nhanh nhẹn. Ngày được nhận tháng lương đầu tiên, Cúc chạy như bay về nhà, chết sững khi thấy mẹ lõa lồ, rên rỉ dưới tấm thân lão thợ sơn đầu phố.  Cúc cầm cái chổi cùn đập lia lịa vào hai người. Mẹ Cúc ôm mặt khóc, còn lão thợ sơn nói sẽ đưa mẹ con Cúc về quê trên vùng Tây Bắc. Cúc không thèm theo, mặc kệ mẹ đi làm vợ hai cho lão ta. Mẹ bảo khổ nhiều rồi, giờ phải sống cho mình nhưng Cúc nhất quyết ở lại, đành thế. Cúc chuyển đến ở hẳn trong quán, bà chủ ngày càng cưng chiều, bởi có Cúc là quán đông khách đàn ông. Đàn ông mới đến dễ moi tiền, tính thêm vài chục một lần gội đầu thấm tháp gì, miễn là họ được tán tỉnh, trò chuyện và ngắm Cúc. Cúc cũng thấy được lợi thế của mình, tùy đối tượng mà thả mồi bắt bóng. Chả ai biết quán đổi thành gội đầu – mát xa từ bao giờ. Cúc trở thành chuyên gia. Và Cúc biết, không thể kiếm tiền theo cái cách hì hục làm thuê cho bà chủ, Cúc muốn có tiền, nhiều tiền để sau này có riêng một cửa hàng. Và Cúc chấp nhận chung đụng xác thịt một vài lần với mấy gã giàu. Nhưng đêm đó mới là đêm thay đổi cuộc đời Cúc. Tin mẹ mất làm Cúc thấy choáng váng, dù xa cách, ít về thăm mẹ, nhưng lúc này Cúc thấy ân hận, xót xa. Đã khuya, Cúc ngồi ri rỉ khóc trong xó tối. Bà chủ bảo: “Biết thế cũng phải mai mới về được, muộn thế này, một hai giờ sáng xe nào nó đi xa thế.” Vừa lúc đó một người đàn ông to béo đi vào quán muốn xả hơi. Chủ quán hất cằm về phía Cúc. Gã đàn ông cất giọng khê nồng hỏi: “Sao thế cô em?” “Mẹ nó chết đại ca ơi, muộn thế này lấy đâu ra xe mà về xa thế được.” “Về đâu?” “Tây Bắc.” “Mẹ kiếp, thôi được, anh sẽ đưa cô em về, đợi điện thoại cái đã.” Người đàn ông gọi điện thoại một lúc thì có một thanh niên lái ô tô đến. Cúc thoáng chột dạ, bởi không quen gã đàn ông nhưng tình thế lúc này không làm khác được, cứ đi, có người giúp là tốt rồi, mình sẽ trả tiền xe là được chứ gì. Nghĩ thế, Cúc lặng lẽ nhét tư trang vào ba lô leo lên xe. Trời tối, đường xa lắc lư, gã đàn ông nặng nề kia không biết rồi ra sao. Cúc ngồi nép vào một bên ghế khóc.
– Anh tên Thành, Thành béo. Em ngủ một giấc đi, anh không ăn thịt em đâu mà sợ. Để anh điện cho mụ vợ là đi vắng mấy ngày, lấy hàng luôn thể. Gã đàn ông tỏ ra thân thiện. Cúc dường như đã làm chủ được tình thế, nhận lấy cái khăn giấy gã vừa đưa và bắt chuyện.
– Anh chưa đến quán em bao giờ đúng không? Phiền anh quá, nhưng mẹ em có một mình ở nơi xa nghĩ thật khổ.
Cúc thút thít kể về hai mẹ con. Người đàn ông tỏ ra từng trải, quan tâm và lâu lâu lại nói: Em ngủ đi cho khỏe. Cúc không ngủ được, trò chuyện với ông Thành. Người đàn ông cho hay, nghe tin quán có em Cúc xinh đẹp lâu rồi nhưng bận làm ăn quá. Làm chủ một công ti sản xuất gỗ ép đâu có nhiều thì giờ. Bà vợ và bốn cô con gái cũng tai mắt khiếp lắm, chẳng dễ mà sơ sểnh, nhất lại trong cái thành phố bé tẹo. Gần hai giờ sáng Cúc về đến đám tang của mẹ, người đàn ông dặn Cúc lúc nào về thì gọi, ông ra thị xã ngủ và gặp bạn hàng. Cúc thấy yên tâm như có một chỗ dựa vững chắc. Cúc theo chân mọi người đưa mẹ nằm lại quả đồi gần nhà ông thợ sơn. Có thể lúc này Cúc mới biết, mẹ cũng từng được hạnh phúc với cha dượng, người mà Cúc chẳng mấy khi nói chuyện. Hai hôm sau, cúng ba ngày cho mẹ xong, Cúc gọi điện cho ông Thành. Người đàn ông đến, thành kính đặt cái phong bì lên bàn thờ mẹ Cúc rồi vái mấy cái, chào cha dượng Cúc rồi đưa nàng về. Nhiều ánh mắt ngạc nhiên, tò mò đổ theo. Cúc không quan tâm, đưa cho dượng ít tiền rồi lên xe.
Từ đấy, mối quan hệ của Cúc và Thành béo cứ tự nhiên mà khăng khít, mà gần gũi. Chẳng xa ngày mẹ mất bao lâu, hai người chính thức ăn ngủ với nhau mấy ngày trong một nhà nghỉ ngoại ô thành phố. Thành béo ghen, ra lệnh Cúc chỉ được gội đầu mà không được mát xa hay làm gì thêm cho khách. Hàng tháng, ông chu cấp tài chính cho Cúc hậu hĩnh, ở mức nhiều người làm cán bộ nhà nước phải mơ. Chả biết có phải có tiền, có đàn ông chăm sóc thường xuyên mà Cúc ngày càng đẹp ra hay không. Quán ấy hôm nào Cúc nghỉ coi như vắng. Nàng trở thành biểu tượng sống của quán. Nhưng chuyện với ông Thành thì nàng phải giấu. Cúc sợ mụ vợ ông ta kéo đám con gái mắt xanh tóc phi dê đến xé xác mình ra. Chủ quán đương nhiên phải đảm bảo cho Cúc, vì không có nàng thì quán chẳng mấy mà đóng cửa. Có ngày, Cúc ngồi sơn vẽ mười cái móng tay, bả lả nói cười, còn đọc cả hò vè để giữ khách. Chỉ cần đôi ba phút nàng đi lại, khẽ chạm cơ thể hay xoa tay véo má, là mấy ông khách cứ rề rà cả ngày trong quán.
Có những ngày Thành béo đi biển với vợ con, Cúc nằm rên rỉ một xó ghen ngược. Bà chủ mách kế là có thai đi, đẻ lấy thằng cu con là giữ chân được lão đó ngay, đàn ông tính thế nhưng lão nào chẳng thích con trai. Cúc âm thầm lên kế hoạch. Nhưng thất bại. Dân chơi đồn đến tai vợ Thành béo, mụ thuê côn đồ đem xăng đến đốt quán mát xa. Chủ quán gọi công an đến. Nhân viên chạy tán loạn. Cúc mặc mỗi cái quần chíp chui qua lỗ tường thủng sang nhà bên tẩu thoát. Vụ ấy ầm ĩ, rồi vợ Thành béo phải đền tiền cho xây quán mới. Cúc muốn thoát cảnh sống chui rúc dơ dáy trong quán nên vòi tình nhân mua nhà. Căn nhà hai tầng nhỏ ở cuối thành phố trở thành nhà Cúc, người tình của Cúc lâu lâu lại trốn vợ con đến đó ở mấy ngày. Cúc mở tiệm làm tóc, sơn móng nghệ thuật. Cũng dần có khách đủ duy trì cuộc sống. Sau khi gả chồng hết cho mấy đứa con gái, lão Thành bỗng gắn bó hơn với Cúc, mọi chi tiêu, mua sắm của Cúc đều được chu cấp. Cúc sửa nhà, tuyển người làm. Cửa hàng cũng tấp nập hơn khi khu công nghiệp có hàng ngàn công nhân nữ gần đó đi vào hoạt động. Vùng đất trước kia là chỗ trôi dạt đủ thứ rác rưởi  của thành phố bỗng chốc được san ủi, giải tỏa xây lên nhà máy may công nghiệp. Tiệm gội đầu làm móng của Cúc thành trung tâm. Bà chủ xinh đẹp, biết ăn mặc và trò chuyện lại càng nhanh thu hút khách hàng. Người tình năng đến tiệm hơn khi bà vợ già chán chường mệt mỏi buông xuôi. Con cái lấy chồng hết, tiền bạc dư lão Thành dồn cho Cúc. Chẳng mấy chốc Cúc thành bà chủ một spa chăm sóc sắc đẹp nhất nhì khu vực. Cúc ăn trắng mặc trơn, bước chân vào thế giới của những người lắm tiền. Trong tay Cúc cũng có đến hàng chục người làm thuê. Cúc hãnh diện vì điều đó lắm, và nàng cũng biết rằng, Thành chính là mỏ tiền lộ thiên, dù mỗi tuổi lão ta một xấu xí khó nhìn.
Người ta chỉ ngạc nhiên nhất là sao giàu có thế mà Cúc không có con. Người tình cũng muốn Cúc đẻ cho thằng con trai nối nghiệp. Nhưng Cúc bảo, Cúc muốn giữ gìn nhan sắc, khi nào muốn sẽ đẻ, lo gì.
Một lần, lão Thành trúng quả vụ buôn gỗ sưa đi biên giới, mua hẳn mấy quả đồi hoang ở vùng quê hẻo lánh làm khu du lịch sinh thái. Cúc tức điên khi lão mua mà không bàn với Cúc. Lão bảo, đấy là việc của gia đình lão. Thế hóa ra lâu nay, Cúc chỉ là trò chơi, là chỗ gá gẩm của lão, bên lề cuộc đời lão hay sao. Lúc ân ái mặn nồng, Thành béo đã từng bảo, yêu Cúc nhất trên đời, có vợ con là chuyện đã rồi, nhưng trong lòng lão, Cúc là niềm vui là hạnh phúc của lão. Thật sự mà nói, Cúc đã không biết tự bằng lòng, cả một tiệm chăm sóc sắc đẹp trên hai lô đất rộng như thế còn gì nữa. Một mình Cúc chơ vơ giữa đời thì biết đến bao giờ có được cơ nghiệp ấy. Nếu Cúc đẻ được một thằng con trai cho lão thì chắc mọi chuyện sẽ khác. Dằn dỗi chán không xong. Cúc ngồi im khi lão quát: “Giỏi thì đẻ lấy một thằng đi, tao cho hết, đã nói bao lần không nghe, giờ muốn chắc gì có được…”
Đêm xuống nhanh, tiếng côn trùng rỉ rả. Tôi và Cúc ăn tối xong nằm dài trong căn phòng lớn. Mùi hương trầm lan tỏa. Bóng tối cứ loãng ra, chảy dài trên bức tường. Tôi thấy mọi thứ bỗng nhòe nhoẹt. Hình như có một cơn buồn ngủ ào đến khó cưỡng lại. Trong mê sảng, tôi thấy Cúc bỗng đứng bên một cái ao, quần áo ướt đẫm, dưới ao là thằng bé con đỏ hỏn, người đầy rong rêu bùn đất cố ngoi lên mặt nước kêu cứu. Nhưng Cúc đã không vớt thằng bé lên, Cúc nhất quyết bước đi sau khi khoát tay một cái thật mạnh xuống nước. Một vùng loang đỏ. Máu bê bết từ cái váy mỏng tang của Cúc. Vệt đỏ kéo dài xuống chỗ thằng bé. Hai cánh tay thằng bé con như hai đốm sáng rồi mất hút. Cúc ôm bụng lảo đảo đi về ngôi nhà phía xa. Không gian nhuốm màu đỏ như máu…
Mồ hôi vã như tắm, tôi mở bừng mắt. Cúc mặc váy trắng đứng bên cửa sổ nhìn xuống hồ. Hú hồn. Đúng như cái váy trong mơ.  “Này Cúc, sao thằng bé lại ở dưới ao?” Tôi đánh liều hỏi Cúc. “Cái gì cơ?” Cúc giật thót người hỏi lại.
– Cúc ơi, đừng giận nhé. Sao thằng con Cúc lại ở dưới ao? Cúc nói thật đi. Tớ thấy nó về. Thương lắm.
Cúc ngồi xuống:
– Thật không? Cậu thấy à? Thấy thật sao?
– Chuyện đời khó giấu lắm, chỉ trừ mình không làm thôi, Cúc hiểu không?
– Ừ, hồi ấy, chuyện lâu lắm rồi…
– Vậy sao ông Thành không biết?
– Không, không phải của lão ta.
– Nghĩa là…
– Thì đấy, cậu biết đời tớ ba chìm bảy nổi, ai nghĩ mình gắn bó với ông béo này đâu, nhục nhã đủ đường.
– Sao cậu không tính mà lấy chồng?
– Nói vậy chứ không dễ đâu, đã mắc nợ người ta khó dứt lắm cậu ơi.
– Đứa bé ấy con trai đấy Cúc. Bao năm chẳng lẽ cậu không hề thương xót nó sao?
Cúc im lặng. Đôi mắt vô hồn. Hai giọt nước trong veo rỉ ra. Cúc kể về mối tình với một chàng trai định kéo Cúc ra khỏi cái quán mát xa ấy nhưng không thành vì gia đình anh ta đã bắt anh cưới cô gái khác. Sau lần ốm xanh xao vàng vọt ấy, không ai khác là Thành béo mang cơm đến viện nuôi Cúc. Cúc không thể tính ăn đời ở kiếp với Thành béo mà lại sinh ra thằng bé ấy được. Cúc hận gã đàn ông bỏ rơi mình đi cưới người khác. Cúc hèn kém đến mức chẳng dám sinh ra đứa con của mình trên đời. Cúc cô độc bon chen kiếm sống và ngụp lặn trong biển sân si đến mức chưa khi nào nhớ đến cái sinh linh nhỏ bé kia.
Cúc buột hỏi:
– Chẳng lẽ…?
– Tớ chẳng muốn biết đâu, nhưng cứ chợp mắt là thằng bé đòi tớ bế lên, người nó ướt và lạnh. Cậu nên đến chùa cầu siêu cho con. Và dù muộn, cậu nên sám hối đi…
Một khoảng im lặng. Hồi lâu thì Cúc khóc. “Tớ đã nghĩ chuyện này chỉ tớ biết, và trời  đất biết thôi. Đời tớ lạc lối mãi cậu ơi.”
Tôi chưa bao giờ đủ can đảm ngồi im nhìn ai khóc, nên ôm lấy Cúc. Thật sự lúc này, tôi nghĩ mình đang ôm cái con bé Cúc chân đất ngày xưa, chứ không phải một thiếu phụ lưu lạc gió sương. Dưới đôi vai khẽ rung lên ấy, tôi thấy được nhịp đập của nỗi cô đơn tột đỉnh. Cuộc sống vùi Cúc vào mê trận của ái tình, tiền bạc và những nỗi cô đơn. Có lẽ, chính Cúc cũng nhận ra sự dan díu với Thành béo chẳng phải là tình yêu như Cúc vẫn mong chờ. Nhưng có ai trên đời này lo cho Cúc, yêu thương Cúc như ông Thành đâu. Đám đàn ông xâu xé Cúc, rồi phới đi bặt tăm. Họ chỉ coi Cúc là món hàng, trao tiền là xong, nhưng thật buồn, Cúc lại không nghĩ thế. Cúc đã vô tư tưởng rằng, mình có giá trị, mình xinh đẹp, mình làm ra tiền, cần tiền để sống… Và Cúc có thể tiêu khiển họ… Tôi biết, Cúc đã chối bỏ làm mẹ, xông cái thai ấy ra, khi nó đã thành người, rồi vùi nó xuống ao, phi tang cuộc tình đau khổ. Tôi dìu Cúc ngồi ra cái ghế, nhìn mặt đầm xa xa. Cúc nói như hụt hơi:
– Giá mà tớ được gặp cậu sớm hơn, tớ có khi đã khác. Mai tớ đi chùa.
– Ừ, cậu nói cái việc đã hẹn với tớ đi.
– À, tớ định nhờ cậu tư vấn, làm thủ tục sang tên khu đất này cho tớ.
– Sao? Tưởng chung với ông Thành? Cậu còn nhà trên thành phố nữa?
– Ừ, chung, nhưng muốn là của mình.
– Để làm gì?

Cúc im lặng. Tự nhiên tôi thấy Cúc không hề đẹp. Cứ như có một đám mây đen đóng khung toàn thân Cúc lại. Vầng trán và đôi mắt không có ánh sáng.
Cúc rủ tôi xuống thành phố ăn bún ốc rồi chơi đâu đó, nhưng tôi phải về. Ngủ một đêm ở nơi lạ tôi thấy mình lạc lõng. Tôi quen vùi mặt vào vồng ngực ấm của chồng và cạnh các con.
Cúc thất thần pha ấm trà thảo dược. Cúc bảo, Cúc đã chợt nhận ra một điều quan trọng, mai kia có thời gian, hai đứa sẽ nói về nó. Tôi chỉ dặn Cúc, khi nào nghĩ cần phải thay đổi cuộc sống thì gọi cho tôi.
Ánh sáng tràn vào cửa xe. Tôi buông tóc đổ dốc chầm chậm. Tự dưng muốn nghe bản nhạc lãng mạn Love is blue. Lòng tôi nhẹ đi khi nói được với Cúc những lời chân thật. Qua khúc cua, tôi nhìn lên ngôi nhà Cúc. Cúc đứng ngoài lan can, giơ cả hai tay lên miệng. Có vẻ Cúc đang ra sức gọi tôi hoặc nói gì đó. Gió thổi tóc bạt qua một bên má. Tôi giơ tay chào rồi đi tiếp, làm cuộc đồng hành với gió. Tôi vừa có một thương vụ làm ăn thất bại, thân chủ không thuê văn phòng luật của chồng tôi nữa. Vậy mà tôi lại không thấy buồn, thậm chí thấy vui. Nhưng trong lòng thì day dứt mãi về cái dáng đứng cô độc lẻ loi giữa nền trời của Cúc.
Đêm ấy, tôi giật mình thức dậy bởi điện thoại bỗng rung. Cúc gọi.
Tác Giả : Nguyễn Thị Mai Phương / BTV Hoàng Hiệp

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *