Bài nổi bật

CHỜ ĐÒ CÀ MAU – Truyện ngắn của VŨ HỒNG

“Trễ năm mươi sáu phút” – Tôi đáp và ngạc nhiên thấy giọng mình run run. Bất giác, tôi như sống lại cái cảm giác khi nào, thuở hai đứa mới quen nhau và lần đầu hò hẹn nơi đỉnh đồi Thủ Đức….
****
Chuyến đò Cà Mau đến tỉnh lỵ Bến Tre sẽ cặp bến vào lúc ba giờ chiều.
Kim đồng hồ chậm chạp như một con rùa chỉ đúng hai giờ mười phút. Lúc đó, tôi đang đứng trước cổng nhà thờ Tân Dân và âm thầm nhìn gác chuông tựa buồn hiu lên nền trời xám xịt. Tôi đã đánh bộ gần trọn hai vòng qua các đường phố, ngồi rất lâu trước công viên tượng đài Đồng Khởi để nhìn những cầu thủ bóng đá địa phương đi vào vận động trường nhưng rồi thời gian cứ nhích, cứ nhích từng bước, không kể gì đến sự chờ đợi của tôi.
Liên tiếp mấy ngày qua, bầu trời trông thật nặng nề, uể oải. Cả tỉnh lỵ lúc nào cũng như ướt sũng nước và ẩm thấp. Người ra đường cũng ít hơn, để lại trên những vòm cây và những mái nhà cổ kính một vẻ trầm mặc, ngái ngủ.
Tôi lững thững băng qua đường, vòng qua những bồn hoa nơi vỉa hè Hùng Vương. Phía vàm sông vẫn chưa thấy xuất hiện bóng dáng quen thuộc của chuyến đò về từ Cà Mau.
Tháng chín, con lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về miền hạ lưu với những con sóng lớn, đục ngầu trông như muốn nuốt chửng vùng Mỹ Thạnh An. Giữa dòng sông, những đám lục bình bị sóng dồi, lá rách tơi tả đang lạc lõng trôi. “Cũng không chắc Fim bữa nay về” – Tôi băn khoăn tự nhủ – “Nhưng chắc về thôi mà. Mấy lần trước nàng đều quay về. Lần này đi hơn nửa tháng rồi còn gì”. Vừa nghĩ, tôi vừa đi cắm cúi, suýt chút nữa đụng phải một gã say rượu đang bước xiêu vẹo. “Nó kìa, thấy không?” – Gã kéo tay tôi rồi cười ha hả. Tôi nhìn theo hướng gã chỉ. Có hai con bồ câu thản nhiên rỉa lông cho nhau trên nóc Nhà bảo tàng mặc cho tiếng còi xe honda kêu toe toe dưới đường. “Bắt được nó, tao nướng. Tao một con, mầy một con” – Gã lầm bầm rồi tự nhiên cất tiếng hát ư ử, nghe thật ma quái.
Tôi vùng khỏi tay gã và bỏ đi một mạch. Trời lất phất mưa. Gió lạnh thốc về từ mặt sông làm tái xanh gương mặt mấy cô gái ngồi rải rác ở lề đường bán rau tập tàng và đủ thứ hầm bà lằng khác. Phía chân cầu, mấy tay lái xe ôm đang ngồi tụm năm tụm ba dưới tấm bạt chơi đô-mi-nô; còn nơi tấm bảng cấm buôn bán, một bà già đôi mắt kèm nhèm ngồi bán chỉ có bốn trái cam.
“Con có nhiêu núm rơm, mua dùm cho con về sớm chú!” – Một cái rổ ngần ngừ trước ngực tôi.
“Thôi!” – Tôi nhã nhặn đáp.
“Có hai tờ số đẹp 99 nè bác Tám!”.
“Thôi, thôi!”.
“Anh Hai đi về đâu em chở, mưa gió vầy?”.
“Thôi, thôi, thôi”.
Rồi tôi cứ luôn miệng nói thôi khi đi qua các sạp thịt, sạp rau cải và những gánh hàng rong. Trong tôi chợt dậy lên nỗi bực dọc và sự thương cảm. Tôi chợt nghĩ tới bà già nhà quê đi bán cam đằng kia. Tôi tự hỏi rằng tối nay bà sẽ đến nhà lúc mấy giờ trong cảnh mưa gió đầy trời và liệu chồng bà ta có đánh bà vì không đủ tiền cho lão uống rượu hay không.
Len qua dòng người, tôi lần theo gờ đá sát mí sông. Đã hai giờ ba mươi hai phút nhưng bóng con đò về từ Cà Mau vẫn chẳng thấy tăm hơi. Những ngày sống trong cảm giác trống rỗng, tôi thấy sợ sệt đủ thứ. Tôi thấy sợ sệt cả bạn bè, đồng nghiệp, sợ sệt cả ông già bán cà phê hiền hậu nơi góc phố, sợ những cơn mưa cứ rả rích trong đêm cùng làn gió lạnh lẽo lùa qua ống thông hơi của mái nhà. Nỗi sợ hãi vô cớ càng ngày càng ngấm vào da thịt tôi. Sự chờ đợi vô vọng đem lại cho con người ta niềm vui hay nỗi sợ hãi tôi cũng không biết nữa. Fim có còn về bên tôi nữa không hay lần này sẽ lần chia tay vĩnh viễn? Có mấy lần tôi định đón xe đi Tắc Vân tìm nàng nhưng với bản tính cố chấp từ nào giờ, tôi không thể.
Tôi trở nên cố chấp, độc đoán từ bao giờ? Fim và tôi quen nhau từ ngày ở trường đại học. Lúc đó tôi là bí thư chi đoàn lớp còn nàng là đoàn viên. Nàng không đẹp nhưng duyên dáng. Hai năm học trôi qua nhưng tôi không hề để tâm đến nàng. Có một lần, lớp tổ chức cho sinh viên thuyết trình theo đề tài tự chọn cho quen. Tôi đang thao thao bất tuyệt về những giá trị thặng dư trong xã hội thì bất ngờ Fim từ từ đứng lên, từ từ nhìn tôi, và từ từ nhẹ nhàng phản bác những vấn đề tôi nêu ra một cách tự tin, chắc nịch. Tranh luận một hồi, tôi đuối lý, mặt đỏ tía tai. Thoạt đầu tôi đã nổi nóng nhưng không hiểu sao tôi lại cười xòa. Khi ra trường, là vợ chồng của nhau, nàng mới thổ lộ:
“Mấy lần họp trước, em ghét cái kiểu ta đây là bí thư của anh. Em chỉ thích anh từ cái cười huề vốn đó!”.
Tôi cũng thành thật:
“Hổng cười thì biết làm sao bây giờ. Hổng lẽ bí thư cãi không lại đoàn viên rồi bí thư rủ đoàn viên đánh lộn tay đôi. Anh cũng thích tính khí của em lắm. Phải vậy mới được chứ. Dự thuyết trình mà ai cũng cà gật, cà gật coi cũng kỳ. Có tranh luận, dù ngược ý nhau, mới nảy sinh thêm nhiều cái hay”.
“Thật chứ, Kim?”.
“Thì em biết rồi còn hỏi…”.
Cơn mưa rây trên bầu trời thị xã đã tạnh hẳn từ lúc nào, nhường chỗ cho tia nắng yếu ớt, mệt nhọc chui qua lớp mây dày, hắt xuống bến đò thứ ánh sáng nhòe nhoẹt. Nhưng chỉ trong phúc chốc, nước đâu đó lại đổ về làm đám mây như võng xuống, nặng chịch. Tôi định cho tay vào túi rút một điếu Era nhưng chợt nhớ tới lời nàng dặn khi nào, nên thôi. Tôi buồn bã đứng nhìn tấm quảng cáo bia Bến Thành.
“Đến đây ngồi chờ đò, anh bạn!” – Một cánh tay khẳng khiu giơ lên sau giỏ cần xé trái cây.
Đó là cánh tay của một gã đàn ông trung niên có nửa bộ mặt bên phải bị nám đen. Không nghe rõ anh ta nói gì nên tôi từ chối: “Tôi không mua chim”. “Ngồi chờ đò thôi mà” – Từ đôi mắt anh ta toát ra sự tin cậy – “Mưa sẽ lớn lắm cho coi!”. “Cám ơn!” – Tôi đáp.
Tôi bước vào, tự động kéo ghế, ngồi dưới cây dù che đã bị lủng nhiều chỗ và được vá bằng mấy mẩu vải đủ màu sắc. “Tên tôi là Na” – Anh ta tự giới thiệu rồi xăng xái nhỏm người qua đống dừa sấy gọi cho tôi ly cà phê đen. Tôi nói tôi chán cà phê, chỉ cần một ly chanh nóng. Một giây sau, tôi mới thấy lấy làm lạ tại sao anh ta lại phải đi chiều chuộng một người xa lạ như tôi. Đích thân anh ta băng qua đường đem đến cho tôi ly chanh nóng.
Ái ngại, tôi giành trả tiền nhưng Na lừ mắt bảo rằng việc trả tiền là niềm vui của anh ta trong ngày đặc biệt này. Na có ý chờ tôi hỏi tại sao là ngày đặc biệt nhưng tôi quyết không dây vào chuyện của bất cứ ai trong thời buổi này nên tôi không thèm hỏi, thành thử gương mặt anh ta như xìu đi.
“Trời, đã ba giờ năm phút rồi. Chắc đò bữa nay về trễ vì lũ” – Na tìm cách bắt chuyện sau giây phút im lặng – “Năm nay sao lũ lớn quá chừng không biết?”.
Tôi tiếp lời cho có:
“Mấy hôm trước bão lớn ở miền Trung. Thời tiết năm 2000 sao vậy không biết?”.
“Miệt Đồng Tháp nước ngập tới nóc nhà…”.
“Cầu cống chắc tiêu hết…”.
Na liếc sang tôi, có lẽ thắc mắc vì cái kiểu nói chuyện trớt quớt. Sau đó, anh ta thấp thỏm nhìn về hướng bến Lở. Trong sự chờ đợi mỏi mòn, tôi như không để ý đến gì nữa cả. Tôi chỉ loáng thoáng thấy sau lưng Na là một quầy bán chim. Trong những chiếc lồng là những loại chim màu sắc sặc sỡ đang nhảy lách chách. Chếch trên miệng cống đằng kia, một con chim chìa vôi đang giãy chết còn lũ kiến thì chực hờ xung quanh. Cạnh đó, cô gái bán chim có đôi môi thật đẹp đang ngồi tréo ngoảy giũa móng tay.
“Tôi không phải là người bán chim đâu” – Anh ta giải thích khi nhìn theo ánh mắt tôi – “Tôi chờ đò từ Cà Mau về. Chắc anh cũng vậy? Hồi nãy tôi để ý thấy anh đi qua đi lại đây mấy lần rồi”.
Tôi ờ một cách lơ đãng rồi hỏi anh ta chờ ai về từ Cà Mau. “Chờ vợ con” – Na có vẻ tự hào – “Vợ con tôi có thư báo chiều nay sẽ về đến. Tôi ở tù mới ra” – Chữ tù anh ta kéo dài, buồn bã – “Tôi ở trong ấy đã mười năm. Nay là ngày đặc biệt của đời tôi. Thì tôi đã nói là ngày đặc biệt với anh rồi. Anh là người đầu tiên tôi mời uống cà phê khi ra tù. Anh thấy tôi có gì khác người ta không? Đã lâu lắm rồi… Dĩ nhiên là cảnh tù tội dạy cho tôi nhiều điều. Lẽ ra tôi bị ngồi vài năm nữa nhưng năm ngoái tôi có cứu được mấy đứa học sinh sém bị lũ dìm ở Hàm Tân. Ồ, lâu nói chuyện với ai nên tôi nói dài dòng quá phải không? Lâu lắm không ngồi trò chuyện với ai ngoài đời, anh thông cảm! Lần lũ ấy tôi cũng sém bị nước cuốn luôn rồi nhưng nhờ mấy ông bộ đội biên phòng. Báo, đài có nói đến à? Thật tình tôi không hay. Vợ con tôi hẹn chiều nay về sống với tôi. Chúng tôi sẽ làm lại từ đầu. Tôi sẽ chí thú làm ăn. Tôi có một người bà con làm nông trang ở Bình Phước”.
Tôi buột miệng:
“Anh nên cố hòa nhập để sống cho tốt hơn”.
Na hơi nheo nheo mắt:
“Anh làm cho Nhà nước à?”.
Tôi hỏi sao biết hay vậy. Na hóm hỉnh nhìn tôi và đáp rằng, nghe có mùi dạy dỗ người ta trong đó. Tôi bật cười trước sự nhận xét ngộ nghĩnh của anh ta: “Chắc chắn vợ con anh sẽ không bỏ rơi anh, Na!”. Tôi trấn an anh ta đồng thời cũng tự trấn an mình. Những ngày không có Fim bên cạnh, tôi mới chợt nhận ra mình còn yêu nàng, thứ tình yêu mà từ lâu tôi ngỡ đã bị thui chột đi sau hơn mười bốn năm làm chồng làm vợ. Tự nhiên, tôi bắt đầu nghiệm ra những điều vô lý của bản thân mình. Tại sao cái tính khí của nàng mà tôi đã yêu được khi xưa thì giờ đây tôi lại đem ghét bỏ? Tại sao vậy? Tôi cũng không tài nào biết được. Tôi chỉ còn biết rằng, những điều tôi nói ra, tôi đều bắt buộc nàng phải xem là đúng, cho nên cái tính khí hay tranh luận của nàng khiến tôi khó chịu. Nàng đã từng nói: “Ý anh mới là một cán bộ thường thôi chứ nếu anh mà làm vua chắc chết hết người ta!”.
“Anh cười ai vậy?” – Na thổi mấy cọng rơm trên bàn cho bay đi.
“Không, tôi có cười đâu. Chuyện của anh coi vậy mà ngon lành đó, Na à! Vợ con anh còn thương anh, còn hẹn quay về. Vợ tôi thì không biết sao đây. Giận kiểu trí thức mệt lắm. Cô ấy bỏ đi không nói không rằng. Ngày nào tôi cũng ra đây chờ. Chờ một tuần rồi. Đón xe xuống Tắc Vân tìm cô ấy ư? Tôi không mặt mũi nào. Nhà vắng, buồn lắm. Hai vợ chồng chưa có một mụn con”.
Đặt một bàn tay lên vai tôi, Na nói:
“Có chờ khắc được. Chờ rất lâu tôi mới có được ngày này. Tin tôi đi, tôi học hỏi được nhiều điều từ nhà tù. Đó là sự chờ đợi, anh hiểu không? Xin lỗi, hồi trong tù tôi ở chung với một phó tiến sĩ kinh tế, ông ta chỉ cho tôi nhiều kinh nghiệm sống. Ai kiên nhẫn chờ người ấy sẽ được. Nói thật với anh, tôi phải mất cả hạnh phúc và tuổi xuân để hiểu thế nào là sự chờ” – Na nhìn sát vào mặt tôi – “Tôi thấy anh cố giấu sự chờ đợi của mình bằng cái vẻ bất cần thường thấy ở những người học cao, không hay ho gì đâu”. Và rồi anh ta thuyết giảng, vận dụng hết đông tây kim cổ để luận bàn về sự chờ đợi thật sự nơi mỗi con người. “Thế ư?” – Tôi chỉ hỏi như vậy khi anh ta dứt lời.
“Nãy giờ chưa biết tên anh? Kim hả! Hồi đó tôi hư lắm. Tôi bắt đầu đổ đốn từ ngày hai thằng con trai sinh đôi lên tám của vợ chồng tôi chết đuối. Tôi biết anh không thích nghe nữa nhưng tôi vẫn nói cho nhẹ lòng đi. Lâu lắm rồi tôi không được tâm sự với ai ngoài đời” – Na nói như van nài – “Hai đứa con chết, vợ trở nên điên dại, tôi thì bắt đầu rượu chè be bét. Một bữa khuya, không còn biết trời trăng gì nữa sau khi làm bứt gần sáu xị rượu, tôi đã đốt nhà mình, làm cháy luôn mấy căn nhà hàng xóm. Tôi ấy à? Tôi ở miệt biển Ba Tri. Công an còng tay tôi lúc nào tôi cũng không hay. Bà con thì thương hoàn cảnh gia đình tôi, xin thôi nhưng tòa án vẫn phải làm công việc của tòa án…”.
Bất giác, chúng tôi đều quay nhìn ra bến khi nghe tiếng xình xịch:
“Đò về tới rồi”.
“Không, đò Trà Vinh” – Tôi đáp mà không thèm nhìn đến hiệu của chiếc đò.
“Tiếp lúc nãy. Sau tôi, cô ấy có một người chồng nữa” – Na thở dài, không hiểu thất vọng vì đò chưa về đến hay vì vợ đi lấy chồng khác – “Người đàn ông đó đã ra tay giúp đỡ cô ấy khi cô ấy dở điên dở dại, lang thang ăn xin tuốt trong Cần Thơ. Hai năm sau, họ chính thức sống chung với nhau và vào Năm Căn lập nghiệp. Cô ấy có gởi thư vô tù báo tin cho tôi hay. Có buồn không hả? Không biết sao lúc đó tôi không có một cảm giác gì cả. Tôi thờ ơ với mọi thứ. Cách đây ba năm, tôi mới hay tin chồng cô ấy bị mất tích ngoài biển sau bão số 5. Họ có với nhau một đứa con gái lên bốn. Con nhỏ dễ thương lắm, giống mẹ như đúc. Tôi có hình của nó trong túi đây, lúc nào tôi cũng đem theo hình mẹ con nó trong túi. Năm trước mẹ con nó vào thăm tôi. Tự nhiên nó gọi tôi bằng ba, tôi ứa nước mắt luôn”.
Mắt Na như ngân ngấn nước. Giờ thì đến lượt tôi đặt tay lên vai anh ta. Cô gái bán chim nãy giờ hóng chuyện, bụm miệng cười khúc khích khi thấy một người đàn ông lớn tuổi mà còn khóc. Nếu đôi môi cô ta không đẹp cực kỳ thì tôi đã đánh cô ta. Tôi cũng không lý giải được vì sao tôi muốn đánh cô ta. Tôi giả bộ làm ngơ nhìn sang căn nhà lầu phía bên kia đường. Ở đó, một nhóm người đang tụ tập xem tường thuật trực tiếp lễ khai mạc Olympic – Sydney 2000. Tôi nhìn thấy cảnh mấy người thổ dân đang nhảy múa và la hét.
Mưa bắt đầu rơi nặng hạt.
Thoạt đầu chỉ là những tiếng lộp bộp khẽ khàng trên tấm vải dù. Chỉ trong phút chốc, dòng sông Bến Tre trở nên trắng xóa, không còn nhìn thấy những con đò đậu phía bên kia bờ. Gió giật phành phạch, cuốn phăng cả những tấm trải mái nhà, những tấm vải mủ che các sạp hàng… quăng lên không trung. Vài cây dù ngã đổ ngổn ngang khiến những bà bán hàng la lên ỏm tỏi. Dòng nước cuộn đầy rác rưởi chảy cuồn cuộn theo mí lộ trũng, tràn xuống miệng cống, nhớp nháp. Hai chúng tôi ngồi như trời trồng, mặc cho bụi mưa tạt vào, ướt sũng. Bạn sẽ thấy lạ là ở vào thời đại sắp bước vào kỷ nguyên cực kỳ hiện đại mà còn có hai người đàn ông dầm mưa chỉ để chờ đò. Một người chờ lòng tràn đầy niềm tin còn người kia thì không. Tôi không chắc chắn chiều nay nàng về. “Anh là kẻ độc đoán, Kim!” – Trước khi bỏ nhà đi, nàng đã ghi vào quyển lịch nơi bàn viết. Mọi chuyện lớn xảy ra chỉ bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt, giống như hai người dân sống nơi biên giới chỉ tình cờ đánh nhau cũng đủ để gây ra một cuộc chiến tranh thế giới. Tôi và nàng đi đến cãi nhau chỉ vì việc chọn màu để sơn lại cửa sổ. Nàng thích màu xanh còn tôi thích màu hồng nhạt. Mỗi người đều đưa ra lý lẽ chọn màu của mình, không ai chịu ai. Thường hồi yêu nhau, chúng tôi luôn kết thúc các cuộc tranh cãi bằng những nụ hôn. Nhưng lần này, chúng tôi đã gay gắt với nhau.
Từ sự không chịu nhau về màu sắc, chúng tôi bèn lôi luôn cả những vấn đề khác ra để cãi, để sỉ vả nhau. Cuối cùng, tôi nói là tôi sẽ đến khách sạn để ngủ. Tôi còn nói thêm, tôi sẽ tìm một cô gái dễ thương và trẻ trung hơn nàng bởi giờ đây nàng già quá rồi. Khi tôi quay mặt đi, nàng khóc.
Xen trong tiếng mưa rơi hình như có tiếng giảm ga của một con đò sắp vào bến. Gương mặt Na như dãn ra, tươi rói: “Chắc đò về. Đò Cà Mau về. Lũ lớn tôi lo quá!” – Anh ta bóp chặt tay tôi – “Tôi hồi hộp quá, Kim! Trễ năm mươi lăm phút hả?”.
“Trễ năm mươi sáu phút” – Tôi đáp và ngạc nhiên thấy giọng mình run run. Bất giác, tôi như sống lại cái cảm giác khi nào, thuở hai đứa mới quen nhau và lần đầu hò hẹn nơi đỉnh đồi Thủ Đức.
“Đúng là vợ con tôi đến rồi!” – Na reo lên như một đứa trẻ và lao vội ra màn mưa. Tôi níu tay anh ta bảo hãy mặc áo mưa. “Thôi kệ, bỏ đi!” – Anh ta cười toe toét, vụt chạy đi, băng theo gờ đá, bỏ lại tôi ngồi lạc lõng bên tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ.
Bến Tre, 9.2000 
Tác giả: Vũ Hồng – Người thực hiện: Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *