Bài nổi bật

Chuyện tình người lính biển

RadioVn.Com – Tôi chào đời trong một ngày biển động, vào ngày hè chói trời phượng đỏ. Tuổi thơ tôi tắm mình trong hương biển mặn mòi, nồng nàn gió nồm nam, rì rào tiếng sóng hát. Tôi lớn lên trong tình yêu của biển. Biển se duyên cho mẹ – một kỹ sư thủy sản với cha – một sĩ quan hải quân. Biển dậy sóng, đánh thức trái tim yêu của mẹ – người con gái làng quan họ có “sông Cầu làm bao xanh” yêu ba và yêu biển. Biển có mặt, chứng kiến thời khắc hạnh phúc của hai người.
Con tàu HQ rẽ sóng đưa đoàn thiếu nhi ra thăm biển. Đón chúng tôi từ cầu tàu là thuyền trưởng “Rôbinxơn” – tôi gọi thế vì chú có mái tóc xoăn bồng bềnh cùng rất nhiều chiến sĩ hải quân. Hướng dẫn đoàn là một anh lính cao ráo, dáng thư sinh. Chúng tôi theo anh lên boong tàu. Chị Tâm – phụ trách đoàn, người thấp bé đứng sát anh không nhìn thấy mấy đứa tôi đứng xa tít vòng ngoài.
Đi về phía mũi tàu, tôi lặng mình ngắm mặt biển xanh trong như một tấm gương màu ngọc bích. Cánh hải âu nghiêng nghiêng chao liệng đón bình minh biển, thi thoảng ném mình trên ngọn sóng êm. Những cánh buồm no gió, những tiếng sóng vỗ mạn tàu, những cánh buồm dơi căng phồng màu nâu đỏ đang lướt nhẹ nhàng trong mùa chài lưới, mùa biển lặng, sóng êm… Biển mang màu thu trữ tình lãng mạn.
Tôi chào đời trong một ngày biển động, vào ngày hè chói trời phượng đỏ. Tuổi thơ tôi tắm mình trong hương biển mặn mòi, nồng nàn gió nồm nam, rì rào tiếng sóng hát. Tôi lớn lên trong tình yêu của biển. Biển se duyên cho mẹ – một kỹ sư thủy sản với cha – một sĩ quan hải quân. Biển dậy sóng, đánh thức trái tim yêu của mẹ – người con gái làng quan họ có “sông Cầu làm bao xanh” yêu ba và yêu biển. Biển có mặt, chứng kiến thời khắc hạnh phúc của hai người. Đám cưới người lính biển rất đặc biệt. Lễ rước dâu trên chiếc tàu HQ, những chiến sĩ mặc quân phục xếp thành hàng trên cầu tàu. Ba nổi bật trong bộ quân phục sĩ quan, bên mẹ duyên dáng trong tà áo dài xanh. Ba tặng mẹ bó hoa cô dâu kết từ chùm phượng đỏ và cài lên mái tóc dài phủ kín tấm lưng thon chùm hoa móng rồng – hoa của núi, của biển. Biển dịu êm như lời thủ thỉ, tâm tình. Biển dào sóng chúc phúc cho đôi uyên ương. Ba mẹ ngập tràn trong niềm vui, hạnh phúc. Chưa trọn nửa tháng bên nhau, ba được lệnh đi B…
Ba nhận nhiệm vụ đặc biệt trong Đoàn tàu Không số, giấu mẹ nhiệm vụ vinh quang và cực kỳ nguy hiểm. Tàu xuất bến từ Bến tàu không số K15 dưới chân đồi Nghinh Phong. Đúng lúc ấy, mẹ cũng đang khảo sát ngư trường gần đó. Nhưng vì nhiệm vụ, tuyệt đối bí mật, ba lặng lẽ chào đất liền, lỗi hẹn với mẹ, lên tàu hướng về Nam. Sau bác Kiên – Thuyền phó tàu kể lại, mẹ mới hay ba là một chiến sĩ trong đội quân “cảm tử”. Sau rất nhiều chuyến hàng cập bến an toàn, chuyến tàu cuối cùng bị địch phát hiện. Các chiến sĩ trên tàu nổ súng cùng lực lượng bảo vệ trên bờ thu hút địch. Nhưng rất khó vượt qua, chi bộ lên phương án… hủy tàu. Chỉ có ba và chú Trung thợ máy biết vận hành kíp nổ. Chú chưa có gia đình riêng, muốn nhận nhiệm vụ này. Nhưng mệnh lệnh đã phát. Ba yêu cầu tất cả phải rời khỏi tàu. Bác Kiên nấn ná… Chỉ một mình ba trên con tàu đầy vũ khí, chiến đấu đến phút cuối cùng…Một vùng chớp đỏ thẫm bùng sáng… Một tiếng nổ lớn làm chấn động biển…Bác Kiên cùng các chiến sĩ nhìn về tàu… lặng người… Nước mắt xót muối mặn.
Mẹ thường đưa tôi ra biển. Hai mẹ con hì hụi đắp lâu đài cát. Mẹ lặng lẽ đứng trước biển. Cứ vào hè, mẹ lại thả chùm phượng đỏ xuống biển. Sóng đẩy chùm hoa ra xa, đôi mắt mẹ ậng nước. Ôm tôi vào lòng, má tôi nóng hổi giàn giụa nước mắt mẹ. Lớn lên tôi mới hiểu được lòng mẹ, mới biết nguyện ước xin ở lại nơi này, từ chối về Hà Nội khi được Bộ điều động. Mẹ muốn ở gần biển, lưu giữ tình yêu và những kỷ niệm ít ỏi về cha… Mẹ con tôi đã trở thành người con của biển…
– Các em biết không, Hạ Long có nhiều truyền thuyết…
– Bé đang nghĩ gì thế?
Tôi giật mình quay lại. Là anh lính thuỷ hướng dẫn đoàn. Bất ngờ. Bối rối. Anh cười hiền hiền. Đàn ông gì mà lúm đồng tiền xoáy tròn lũm má. Thấy anh quan tâm đến tôi, nét mặt chị Tâm không vui. Từ lúc lên tàu, tôi thấy chị cứ quấn quýt bên anh. Anh say sưa kể về biển. Quả là anh có duyên kể chuyện. Người này mà làm MC thì được lắm. Theo hướng tay anh, trước mắt chúng tôi là hai hòn núi bên nhau:
– Hai hòn núi đó gọi là hòn Trống Mái…
– Nếu cho đặt tên, em sẽ gọi là “núi chồng, núi vợ”- Anh bất ngờ trước câu nói của tôi.
Đi hết động Thiên Cung, tàu dừng lại trước.
– Chúng ta đang ở trước hang Đầu Gỗ. Tên gọi này gắn với việc chỉ huy giấu các cọc gỗ trước khi đem đóng xuống lòng sông… Nhìn lại lịch sử dân tộc, các em sẽ thấy có tới 2/3 cuộc chiến tranh kẻ thù sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Những chiến công của ông cha ta trên biển đã chứng minh sự thông minh, tài trí…
Minh họa: Hà Trí Hiếu.
Bỗng nhiên tàu chồm lên lướt trên đầu ngọn sóng, những vệt nước trắng xoá cuồng nhiệt đã trở nên tít tắp, để lại tiếng rền động hùng dũng âm âm trên vách đá. Rồi con tàu chao đảo, chòng chành. Anh lính thuỷ nói:
– Sóng lừng đấy. Các em bám chắc thành tàu nhé!
Anh chưa nói dứt câu, người tôi bỗng nôn nao, choáng váng. Nhìn nét mặt tím tái của tôi, chị Tâm chẳng hỏi lấy một câu. Anh vội vàng xin phép chú “Rôbinxơn” dìu tôi xuống khoang thuỷ thủ.
Chưa kịp đến nơi, tôi nôn thốc nôn tháo. Anh hứng trọn “sản phẩm” của tôi. Tôi mềm lả, èo oặt đổ trên cánh tay anh… Đỡ tôi xuống chiếc giường sắt, anh luýnh quýnh lấy khăn lau, nước uống… Run run, tháo mãi mới được chiếc khăn quàng đỏ. Còn áo… rây bẩn cả…nhưng anh không dám… Tôi mê man, rã rợi như tàu lá héo. Anh lấy áo đưa tôi:
– Bé mặc tạm chiếc áo này của anh! – Anh đi ra, khép cửa phòng lại.
Anh trở vào, tôi vẫn nằm bẹp, không đả động gì tới áo.
– Bé thay áo để anh giặt cho khô! Anh lại đi ra lần nữa.
– Xong chưa? Anh vào nhé? – Tiếng vọng từ bên ngoài.
Im lặng. Anh đứng chờ. Lại tiếng vọng từ ngoài:
– Anh vào được chưa? Hay anh gọi chị phụ trách giúp?
Một lát sau chị bước vào phòng. Bước chân nặng trình trịch. Chị chun mũi, đay đả:
– Em không nên nằm đây để làm phiền người khác!
Tôi bật dậy, lảo đảo. Lại ngã vật xuống… Rồi lại ngồi dậy. Tôi tỉnh lại nhờ “gáo nước lạnh” của chị:
– Chị ra ngoài, để em thay áo!
Chị trở ra. Một lát thấy anh vào. Anh xoa dầu hai bên thái dương cho tôi. Anh hì hụi dọn dẹp, lau chùi, mang đồ bẩn đi giặt.
Đỡ hơn, tôi quan sát “nhà” của anh. Ngay đầu giường là bức họa chiến sĩ hải quân bồng súng giữ đảo với dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta”. Tôi ngọ nguậy trong chiếc áo lính thủy. Mùi mồ hôi biển. Hơi con trai…Một lát sau, anh quay lại, trên tay cầm chiếc bánh mỳ. Anh đưa tôi viên thuốc:
– Bé đỡ chưa? Ngậm viên thuốc này sẽ dễ chịu hơn. Lần đầu ra biển anh cũng vậy! Chắc là đói rồi phải không?
Anh bẻ nửa bánh mỳ đưa tôi. Khi chạm đôi mắt của anh, tôi luống cuống đánh rơi. Bối rối. Ngượng nghịu… lúc nẫy… trên cánh tay anh. Tôi đỏ mặt. Cảm giác đó vẫn còn… rõ lắm…
Tôi là đứa trẻ lớn trước tuổi. Không ai đoán tôi ở tuổi 15. Chị Tâm có vẻ ghen tị với chiều cao của tôi. Đi guốc dễ đến cả chục phân, nhưng chị đứng chỉ ngang cổ tôi. Có lần Tổng phụ trách giao cho tôi nhiệm vụ dẫn chương trình giao lưu. Nhiều người khen “Chị phụ trách trẻ thế, cứ như học trò, dẫn có duyên” và những chương trình sau tôi thường được mời làm MC. Chị không vui. Hôm nay, chị lại càng không thích tôi, nhất là khi được anh lính biển quan tâm, chăm sóc.
Chuyện tình người lính biển
Mười lăm tuổi tôi đã biết làm dáng, biết mình đẹp trong mắt ai, chỉn chu vẻ bên ngoài, không ngừng làm giàu tâm hồn bằng tri thức. Tôi nghiền truyện Đông Tây kim cổ. Trái tim đã từng nổi loạn, từng thổn thức, từng rung động vì yêu (nhưng chỉ truyện và phim). Tôi thích đàn ông phớt như trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”. Say mê ông chủ Rochester vì độ lạnh và cách xưng “Tôi với em” trong “Jen Ero”. Yêu tình yêu của cha Ralph de Bricassart với Meggie – người phụ nữ có một cuộc đời kiêu hãnh trong giông bão tình yêu, dám đoạt tình yêu vĩ đại từ tay Chúa trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tôi đã khóc và yêu mối tình của Alyosha và Shura trong bộ phim “Bài ca người lính”… Anh lúng túng khi nhận ra vẻ phiêu linh của tôi – một cô gái mới lớn trong khoang tàu chỉ có hai người… Lớn lên trong ngôi nhà không đàn ông, với tôi, họ luôn là một bí ẩn. Lần đầu tôi gần con trai… Phút lặng trong một bản nhạc…Tôi và anh đều cảm biết. Phải phá “vòng vây” này…
– Anh cho em đi thăm tàu được không ạ?
Không biết có đi nổi không. Tự ái với chị phụ trách mà bật dậy, nhưng đầu vẫn choáng váng, ngất ngư.
– Được chứ! Nào mình đi! – Anh phăm phăm đi trước. Tôi cun cút theo sau.
Anh đưa tôi đi thăm “nhà”. Bước vào trước, anh mở rộng cửa và giới thiệu ngay.
– Đây là Câu lạc bộ của tàu…
Căn phòng rộng, thoáng, đẹp. Ở vị trí trang trọng là tấm chân dung Bác Hồ đội mũ Hải quân Việt Nam lồng trong khung kính, kèm lời Bác dạy. Kế bên có tấm bản đồ lớn các vùng biển Việt Nam. Anh kể về biển thạo như thuộc ngõ ngách lòng bàn tay:
– Bờ biển nước ta dài hơn 3.260 km… diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2…Bé biết không, chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01…
– Nghĩa là sao anh?
– Cứ 100 km2 đất liền có hơn 1km bờ biển…
– Vùng biển nước ta có mấy trăm đảo ạ?
– Trăm thế nào. Phải ngàn. Khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa… có vị trí quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu, bảo vệ sườn phía Đông Tổ quốc…
Tôi đang bị “thôi miên”, từ ngạc nhiên, mê muội đến cảm phục. Quả là sự hiểu biết sâu rộng. Anh đọc tinh thông vạn quyển. Hỏi tới cái gì cũng biết. Phương châm không để thời gian “chết”, tôi luyên thuyên đủ chuyện…Anh không cắt lời. Bí quá, tôi đã trích ngang lý lịch về mình, về người cha hy sinh trên biển, nhưng chỉ quên mỗi tên mình. Anh lặng lẽ, trầm tư khiến tôi sợ, tự nhiên chân tay luýnh quýnh, mong có người “giải cứu”. Bất ngờ, anh đặt lên bàn tay tôi chiếc mỏ neo xinh xắn và huy hiệu Đoàn:
– Anh tặng bé! Ngày mai bé được kết nạp Đoàn. Bé thuộc bài “Tiến lên đoàn viên” chưa? Nào “Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng. Đây thời niên thiếu…”.
Chị Tâm sầm sập bước vào, nhìn xéo anh, rồi kéo tôi ra khỏi phòng. Tôi đã từng mong có người đến, nhưng không phải lúc này…
Chiều tối, tàu cập bến. Các bạn ùa lên bờ. Bố mẹ chờ ngay cầu tàu. Mẹ đi đảo Quan Lạn cả tuần. Không ai đón tôi cả. Anh dắt tay từng bạn rời khỏi tàu. Đến tôi, chị Tâm nhận phần đó. Lưỡng lự, tôi miễn cưỡng để chị kéo lên. Bước lên đất liền, đất dưới chân tôi như chao đảo, nghiêng ngả. Tôi rảo bước rất nhanh, không dám quay đầu lại. Tiếng bước chân rình rịch phía sau. Là anh. Anh lúng túng đưa tôi một hộp bọc kín:
– Tặng bé điều kỳ diệu của biển… Tàu anh… phía Nam…
Anh ngập ngừng. Dường như vẫn còn điều muốn nói… rồi quay trở lại tàu. Đôi mắt thoáng buồn. Lúm đồng tiền trên má rung rung… Tôi thấy chị Tâm kéo anh lại. Anh đi thẳng xuống tàu. Chợt quay lại, anh bắc loa tay hét to:
– Tên… bé… là… gì…?
Tôi vừa định chạy tới, chị Tâm kéo ngược lại, xăm xoi, định giật gói quà trên tay:
– Lại xin xỏ gì đấy, đưa đây xem nào?
– Không phải việc của chị! – Tôi quay gót đi thẳng.
Tiếng còi tu…tu…tu… làm tôi rùng mình. Con tàu trở ra biển bọt tung trắng xoá. Tôi nhìn hút theo cho đến khi chỉ còn một chấm nhỏ giữa biển biếc mênh mông…
Tôi thẫn thờ như người mất hồn. Cố nhớ lại nét mặt, cử chỉ, nhưng không thể hình dung nổi. Không cho anh địa chỉ, làm sao gặp lại anh được. Tôi hồi hộp mở quà. Một cây san hô trắng muốt hình cô gái, cùng nhiều loại ốc biển. Hoàng Ngọc Sơn – tên anh cùng dòng chữ rất đẹp “Tặng người con gái tôi gặp lần đầu trên biển”. Tôi nâng niu món quà. Khi nhớ anh, tôi thẫn thờ ngắm miết. Đâu đó phảng phất giọng nói: “Bé, cô bé…”. Anh theo vào giấc mơ của tôi khắc khoải, chập chờn.
Tôi mang tình yêu biển, nỗi nhớ anh vào ngành Hải Dương học. Vẫn văng vẳng bên tai giọng nói của anh: “Anh yêu biển, chúng ta vươn ra biển, mạnh về biển, làm giàu từ biển…”. Tôi tìm về biển, tìm về những kỷ niệm có người cha đã hoà mình cho biển bình yên. Vẫn giữ cho riêng mình hình ảnh người lính đã làm trái tim cô bé tuổi trăng tròn run rẩy.
Tôi tham gia khóa huấn luyện sĩ quan dự bị. Giảng viên của Học viện Hải quân. Tôi giật mình khi thấy bộ quân phục, thót tim khi chạm mắt tới chiếc mỏ neo. Hình ảnh thao thiết về người lính biển năm xưa cứ ám ảnh da diết. Anh “ác” quá! Mới một lần gặp gỡ mà “di căn” nỗi nhớ triền miên. Cả thời con gái của tôi, anh thả neo vào trái tim thức ngủ… Nếu như có phép nhiệm màu, cho tôi xin một điều…
– Đồng chí đang nghĩ gì thế?
Người sĩ quan hải quân có mái tóc bồng bềnh lấm chấm muối tiêu đi lại bên tôi. Tôi giật mình, bối rối như cô trò bị bắt lỗi. Ông say sưa nói về biển đảo, về những con tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa xây dựng đảo Trường Sa, nhà giàn trên biển… Đặc biệt câu chuyện về người chiến sĩ trên tàu HQ do ông chỉ huy chiến đấu ngoan cường, dũng cảm hy sinh ở Trường Sa…làm mọi người rơi nước mắt… Ông luôn hướng mắt về phía tôi, mắt đỏ ngầu. Người này trông quen quen, hình như đã gặp?
– À! Chú Rôbinxơn!
Tôi thảng thốt làm mọi người ngạc nhiên. Đúng người thuyền trưởng của anh trên con tàu năm xưa. Hiệu lệnh giải lao, giáo viên trợ giảng tìm gặp tôi. Tôi cùng anh ấy bước vào Văn phòng Khoa. Chú đã ngồi đó. Vẫn mái tóc bồng bềnh, da sạm màu biển, nụ cười hiền hậu, ấm áp.
– Dạ, chú là… Chú vẫn nhận ra cháu? Cái anh…
Anh ở đâu bằng bấy nhiêu năm? Kể từ bức thư cuối cùng theo dấu bưu điện là năm 1988. Tôi chờ sự hóa giải từ chú…
Tàu nhận nhiệm vụ đặc biệt ở phía Nam. Thuyền trưởng giải quyết cho anh về quê ở Kim Sơn. Anh trả phép trước thời gian để đi tìm tôi. Thông tin mong manh, nhưng động lực của trái tim thôi thúc bước chân anh đến. Rủi thay hôm ấy, tôi vừa về quê.
Anh buột ra tiếng thở dài thê thảm nói với bác bảo vệ:
– Bác ơi! Ngày mai tàu cháu vào Nam rồi. Cháu sẽ viết thư gửi theo địa chỉ của bác. Bác lại giúp cháu đưa cô Tâm và cháu nhờ cô ấy chuyển giùm…
Chiều tối, anh vẫn tần ngần bên cây phượng gù – cây phượng mà tôi đã luyên thuyên “câu thời gian” lúc bên anh. Anh ghi địa chỉ quê nhét vội vào kẽ hốc phượng, thẫn thờ mang theo một chùm phượng đỏ cuối mùa, gói trong chiếc khăn quàng đỏ tôi để quên… Tâm trạng của anh không giấu nổi người thuyền trưởng. Chú trân trọng những cảm xúc đầu đời của người chiến sĩ trẻ với cô bé quàng khăn đỏ… Câu chuyện ấy đeo đẳng chú cho đến khi gặp tôi. Nhưng có điều gì làm chú khó mở lời…
– Sơn viết nhiều thư cho cháu. Cả nhật ký nữa. Mỗi lần có chuyến tàu ra đảo nó đỏ mắt trông. Chú thấy thư cô Tân, hay Tâm gì đấy… nhưng không có lấy một lá thư nào của cháu. Chú biết là nó rất mong thư cháu… Cháu có biết thư từ đất liền quý giá với người lính đảo thế nào không? – Chú có ý trách tôi.
– Dạ…! Cháu… chưa hề nhận được… Bức thư cuối cùng anh ấy gửi qua chị Tâm cũng từ năm 1988… nghĩa là cách đây 4 năm rồi… Cháu đã viết rất nhiều thư, viết để bù sự gián đoạn trước đó… nhưng không có lời đáp chú ạ…
– Sao? Thư không tới? Cháu chưa… biết gì ư? – Chú thốt lên ngạc nhiên.
Tôi không dám cho chú biết thư anh đã kẹt lại chỗ chị Tâm cho đến khi tôi vào đại học. Tôi đã giận dữ thật khủng khiếp, muốn quăng quả cho hả giận. Tôi gào khóc đớn đau. Tôi rủa xả chị không tiếc lời. Chị len vào giữa chúng tôi, đang tâm làm cái việc thất đức, cắt đứt tình cảm của tôi với người lính biển. Những lá thư của anh được kiểm duyệt qua bàn tay tàn nhẫn và đố kỵ của chị. Bằng bấy nhiêu năm dẫu có lúc uôi oải, vô vọng, vắng bặt tin nhau, nhưng chưa lúc nào tôi nguôi hy vọng, vẫn khát cháy niềm mong nhớ. Thời thiếu nữ rực rỡ, tâm hồn lãng mạn…là vậy mà tôi khước từ rất nhiều lời cầu hôn…để trọn tình với anh…Thương anh đến quặn lòng khi chị muốn đánh sập niềm hy vọng cuối cùng của người lính với thông tin sai lạc về tôi, rằng tôi sắp lấy chồng, cô tiểu thư ấy làm sao biết thông cảm với người lính, cô ta hững hờ với thư của người lính đảo, nhận thư mà không thèm đọc, quăng tọt vào sọt rác, chị ta lại phải nhặt lên, cất đi; rằng quên cô gái ấy đi, cô ta không phải là tuýp người của anh… Tội nghiệp Sơn của tôi. Nhận được những bức thư đơm đặt trắng trợn thế chắc lòng anh đau lắm, buồn lắm, giận và căm ghét tôi lắm…Nhưng hình như Sơn thông minh của tôi đoán được những “uẩn khúc” trong sự dối trá ấy. Những bức thư sau đó, bức thư cuối cùng, anh vẫn tha thiết lòng yêu, vẫn nhớ, chấp nhận một tình yêu đơn phương, kể cả tôi đã có chồng… Tôi ấp iu trong nước mắt những dòng chữ thương yêu ấy để muốn gào lên ngàn lần rằng “Bé đã rất nhớ và yêu anh”. Anh đã trong cuộc đời bé kể từ ngày ấy…
Tiến lại phía chú, tôi giật mạnh cánh tay:
– Chú bảo cháu biết gì cơ? Anh Sơn giờ ở đâu ạ?
Quay lại, mắt chú đỏ ngầu. Đôi vai rung rung từng hồi…
– Sơn hy sinh… năm 1988 ở Trường… Sa… Nó…dũng cảm… Chú cứ nghĩ khó tìm được cháu, nhưng Sơn khôn thiêng đã phù hộ cho chú cháu mình gặp nhau… để chú trao lại cho nhân vật chính cuốn nhật ký… Chú mở cặp lấy đưa tôi một quyển sách bọc túi nilon và hộp sắt đựng quả bàng vuông…
– Trời ơi! Sơn ơi! Bé vẫn đợi Sơn mà… – Đất trời trong tôi nghiêng ngả, quay cuồng…
Thế là chị Tâm đã biết tin anh… Có lẽ cũng vì thế mà chị dễ dàng “thả anh” về với tôi. Chị phủ phục dưới chân tôi, lê lết khóc thảm thiết, liên hồi xin lỗi, xin tha thứ… Tôi giận chị vô cùng. Nhưng nhìn bộ dạng thảm hại ấy, tôi không nỡ. Vì quá yêu anh mà chị độc chiếm tình cảm cho mình. Tình yêu muôn đời vẫn có lý lẽ riêng của nó. Trái tim mới là sự trả lời chính xác và chân thành nhất. Chị muốn điều khiển trái tim anh? Tội nghiệp. Chị xin chuyển về quê. Nhưng nghe nói chị ta rất bất hạnh…
Được chú Rôbinxơn mời ra thăm Trường Sa, bao náo nức tôi chuẩn bị cho ngày ra đảo. Lạ kỳ, chuyến đi này, sóng gió không làm tôi say. Chú “Rôbinxơn” giúp tôi thực hiện tâm nguyện với đảo, với anh. Tôi thả vào lòng quần đảo Trường Sa những viên đá mang từ đất liền. Trong đó, có một viên đá tôi đã hì hụi khắc tên tôi và anh (tin là chồng tôi sẽ hiểu mà không trách giận). Tôi thả xuống chùm hoa phượng vĩ đỏ màu máu nơi anh đã dâng hiến tuổi xuân cho biển, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Sóng dâng cao nhận hoa đỏ lặn vào biển, tôi gào thét lên cùng sóng, cùng gió: “Sơn ơi! Tên bé là Hoa Phượng. Bé đã rất nhớ, rất yêu…”. Chú Rôbinxơn lặng người, đỡ tôi dựa vào thành tàu mà nước mắt trào rơi. Chỉ có chú hiểu tình riêng của tôi. Chỉ có chú mới giúp tôi hóa giải những mong chờ, ẩn ức với người chiến sĩ của chú trên con tàu năm xưa. Tôi mang cánh phượng hồng đến bên anh, lưu chuyển làm hồng trái tim chàng trai tuổi đôi mươi đỏ máu. Anh yêu biển biết nhường nào. Biển luôn bên anh vỗ về, chở che, đùm bọc. Biển hát những bản tình ca bất diệt. Biển kể anh nghe chuyện kỳ diệu của tình yêu… Tất cả vẫn trong tôi vẹn nguyên như buổi đầu gặp gỡ…
Tác giả: Lê Thị Bích Hồng – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *