Bài nổi bật

Chuyến xe điện ra mặt trận – X.Jurakhôvits

RadioVn.Com – Họ gặp nhau lần đầu ở một bến xe điện. Nhiều năm sau anh nhắm mắt và hình dung lại càng ngày tháng Tám năm Bốn mốt ấy ở Kiép, cái không khí say lả vì lo âu nóng nực, và cô gái ấy, cái cô Nhina có đôi mắt màu hạt dẻ…
Một nhóm năm chiến sĩ dân quân đứng cạnh ngã ba đường xe điện. Đmitơrô là người trẻ nhất trong số họ. Và khi một cô gái choàng khăn đỏ, với cuốn sách cắp nách, tiến lại gần, thì tự nhiên anh là người đầu tiên chú ý đến cô ta. Một thân hình cân đối, rám nắng với bộ ngực thon, dáng đi mềm mại và tự tin. Đmitơrô nghĩ thầm: “Đúng như trong tranh vẽ các sinh viên công nông vào những năm hai mươi”.
Cô gái bình thản nhìn các chiến sĩ với cặp mắt to màu hạt dẻ, phía dưới viền một quầng thâm xanh thẫm, và, chẳng hướng riêng vào một ai, cô khẽ hỏi:
– Xe số mười dừng ở đây phải không ạ?
Vào thời ấy, những tấm biển trên các bến xe điện đều bị tháo bỏ. Số hiệu các toa xe thì bị phết sơn lên. Các bảng chỉ dẫn đường đi cũng biến mất. Ngay cả tên đường phố cũng không thể đọc được nữa. Tất cả đã trở thành bí mật quân sự. Tất cả đều nhằm che mắt tìm kiếm của bọn gián điệp địch.
Chuyến xe điện ra mặt trận – X.Jurakhôvits
Chiến lũy mọc lên chắn ngang các đường phố, những miệng lỗ châu mai đen ngòm. Mặt đường nhựa lún xuống dưới sức nặng của những bao cát, chỉ chừa lại một lối hẹp cho người đi bộ dọc theo các bức tường và một lối rộng hơn – ở chính giữa phố, cho xe điện.
Trên các chiến lũy mọc lên tua tủa những đám lông nhím bằng sắt rỉ – những vật giành cho xe tăng bọn phát xít, chúng sẽ nổ tung lên nơi đây dưới tiếng gầm thét của những loạt pháo bắn gần.
Suốt ngày ồn ào và đông đúc, thành phố nặng nề căng thẳng và luôn cảnh giác lắng nghe tiếng còi báo động phòng không. Âm thanh dai dẳng, khó chịu ấy mỗi ngày vang lên đến mười lượt.
Người đi đường ngẩng đầu, lặng lẽ nhìn những nấm khói của pháo phòng không nổ bốc lên như những đám mây trắng. Lũ máy bay phát xít biến mất. Đám mây cũng chậm rãi tan đi.
Người đi đường lại lặng lẽ bước tiếp. Và lúc bấy giờ trên nền trời quang mây chỉ còn nhìn thấy những khung cửa sổ khép kín. Kính cửa được dán những băng giấy. Vào những ngày đầu chiến tranh nhiều người cho rằng làm như vậy là một phương pháp tốt để chống bom…
– Xe số mười dừng ở đây phải không ạ? – Cô gái hỏi nghiêm nghị.
– Ở đây – Đmitơrô trả lời và mỉm cười độ lượng: Trong những ngày ấy không hề có mặt phụ nữ trên chuyến xe điện số mười – Nhưng cô đi đâu vậy?
– Ra mặt trận.
Nghe vậy, cả năm anh chàng đều dừng mắt vào cô gái.
Đmitơrô xốc lại khẩu tiểu liên trên vai và dịu dàng nói:
– Cô nhầm rồi, cô gái ạ, cô phải tìm xe số hai chứ.
– Tại sao lại số hai? – Vẻ ngạc nhiên thơ ngây khiến gương mặt cô ta thật trẻ con.
– Vì rằng… Cô đi ra bãi tắm phải không?
Tiếng cười rộ lên. Cô gái tái mặt, ném cho Đmitơrô một cái nhìn dữ dội và quay đi. Trên toa xe, cô ta bước tới trước và đứng ngay cạnh cửa ra đang mở rộng. Mấy người đàn ông vẫn tiếp tục cười đùa:
– Tiện quá, nhỉ?
– Đi xe điện – và ra thẳng mặt trận.
– Và tối lại về với mẹ.
Nhưng chợt Đmitơrô cau mày và ngắt lời:
– Nào, thôi đi!
Ở bến xe cuối cùng cô gái bước xuống trước hết, Đmitơrô vội vàng theo cô:
– Cô đi đâu? – Anh hỏi, cảm thấy mình có lỗi – Có thể, tôi…
– Anh yên tâm – Cô gái ngắt lời – Ở đây tôi sẽ tìm lấy đường.
Giọng cô gái không có gì giận dỗi, chỉ có sự già dặn điềm tĩnh của một người lớn khi vì tế nhị mà không nỡ nói: “Đi đi, cậu bé, đừng làm rối lên ở đây!”.
Đmitơrô đỏ bừng cả mặt.
Cô ta đi trước họ độ mươi bước và đến thẳng khu rừng Gôlôxêép, nơi bấy giờ là chiến tuyến.
Cô ta rẽ buớc một cách tự tin vào con đường nhỏ mà chính họ cũng phải đi qua. Vẫn thấp thoáng đến vài phút trước mắt Đmitơrô vuông khăn đỏ, sau đó cái thân hìnhh con gái mềm mại mất hút vào một trong những chiến hào uốn lượn giữa những hàng cây.
Đmitơrô vấp phải một cái rễ cây xù xì, cắn môi và lẩm bẩm cái gì không rõ.
Vaxili đuổi kịp anh.
– Cô ta biến đi đâu vậy? – Anh ta hỏi với cái giọng khang khác.
Đmitơrô nhìn anh. Gương mặt Vaxili vẫn giữ nét điềm nhiên bình thản quen thuộc.
Nhưng Đmitơrô đã cười phá lên:
– Một mảnh đạn trái phá xuyên thủng trái tim sắt đá của chàng công binh và bay xa rồi đấy nhé.
– Đồ ngốc! – Vaxili nói lúng búng.
Khu rừng Gôlôxêép – một nơi dạo chơi và nghỉ ngơi yêu thích của người dân Kiép – giờ đây trở thành một trại lính, có điều nó không giống như những cái mà người ta vẫn tả trong sách.
Chuyến xe điện ra mặt trận – X.Jurakhôvits
Ở đây tất cả đều đào sâu xuống đất, đều nằm khuất dưới mặt đất và sau những thân cây đổ. Ở đây, tất cả đều bất động, đều bí mật, sẵn sàng trút những trận bão lửa và sắt thép nóng bỏng xuống những cánh rừng, những ngọn đồi lân cận, xuống đầu kẻ thù.
Đmitơrô và Vaxili đều là trung đội trưởng ở các trung đội công binh thuộc trung đoàn dân quân số bốn. Cả hai, từ vẻ ngoài đến tính tình chẳng có một chút nào giống nhau, nhưng họ lại gắn bó với nhau bằng một tình bạn chiến đấu sắt son dù chưa một lần họ nói với nhau điều ấy. Đối với anh chàng Đmitơrô gầy gò, hiếu động, thì cuộc sống là thác nước trẻ trung sôi réo, là những ngày cháy bỏng kiếm tìm một điều gì bí ẩn, và chốc chốc lại bùng lên những trò đùa vô tư. Vaxili thì vụng về, có đôi vai rộng, gò má cao như tạc bằng đá.
Tối tối các chiến sĩ công binh mang mìn từ công sự đi bố trí vào những nơi xe tăng địch có thể chọc thủng, những nơi dự tính bọn Hítle sẽ tấn công. Cả cánh rừng có lẽ không còn tấc đất nào không giấu kín trong lòng những mầm chết. Và những chiến sĩ công binh vẫn luồn lỏi, luồn lỏi đi cài những bãi mìn, đào những hầm ngầm, và bằng ngón tay khéo léo họ tháo gỡ những quả mìn của bọn phát xít và chuyển chúng sang chỗ khác để gậy ông lại đập lưng ông.
Ngày hôm sau, Vaxili nói với Đmitơrô :
– Tớ thấy cô ta rồi!
– Ai?
– Nhina … cái cô hôm qua ấy mà, – Vaxili nhìn đi chỗ khác.
Nhưng có lẽ đấy không phải là tên thật của cô ta. Cậu hiểu chứ… Họ đều có bí danh…
– “Họ” là ai cơ? Đmitơrô ngạc nhiên nhìn anh.
– Lính trinh sát ấy mà, – Vaxili giải thích với vẻ bí mật và và nói thêm: – Cô ta đi về phía ấy, cậu hiểu chứ? – Anh ta giơ ngón tay vạch một đường chiến tuyến mơ hồ và cũng với ngón tay ấy anh dí vào mũi bạn: – Hừ, thế mà cậu!… “bãi tắm”!
– Nhờ đâu mà cậu biết hết mọi chuyện thế? – Đmitơrô nghi ngờ hỏi, trong giọng anh có cái gì ghen tị và bực bội không giấu được. Anh còn hiểu rằng hôm qua mình đã lâm vào hoàn cảnh khó xử và tự cằn nhằn mình vì cái câu châm chọc nông nổi không đúng chỗ.
– Tuy thế, cô ta cũng hỏi thăm cậu đấy – Vaxili lơ đễnh nhận xét, và với sự hào phòng của một người giàu có bỗng chốc ném cho kẻ ăn xin một nén vàng, anh ta nói: – Nếu cậu muốn, tớ sẽ giới thiệu cậu với cô ta.
Đmitơrô làm thinh. Anh vẫn chăm chú cúi lau khẩu tiểu liên, tựa như trên đời này anh chỉ chú ý đến mỗi cái vết bé nhỏ trên cò súng mà thôi. Nhưng tất cả các vết nhỏ ấy anh ta cũng chẳng nhìn thấy đâu vì rằng có một đôi mắt to màu hạt dẻ, đang nhìn vào anh, đôi mắt có viền một quầng thâm u ám. Đó là dấu vết không thể xoá của những lo âu vừa qua và những đêm không ngủ.
Hai ngày sau, Vaxili đã giúp họ làm quen với nhau. Anh chàng Đmitơrô mắc cỡ nhìn cô gái với cái vẻ hoảng sợ mà đến chính anh cũng không hiểu nổi. Cô gái mặc quân phục, đầu đội mũ ca-lô. Vẻ yếu ớt nữ giới và can trường thực thụ của lính tráng hoà nhuyễn làm một ở trong cô ta thật tự nhiên. Cô trò chuyện với Đmitơrô sôi nổi và giản dị như thể cả hai đã quen biết nhau từ lâu. Một tình cảm ấm áp, biết ơn lay động tận đáy lòng Đmitơrô, nhưng anh vẫn cau có, liếc trộm cô gái và đoán thầm: “Đã quên rồi ư? Hay cô nàng đã tha thứ cho mình như người ta vẫn bỏ quá cho một chú bé ngốc nghếch?”. Cảm thấy mình đang đỏ bừng mặt, anh không biết để vào đâu đôi bàn tay đang lúng túng trên dây thắt lưng đeo vũ khí, và anh cảm thấy một cách sâu sắc rằng Nhina đang chế giễu thầm anh và cô chỉ trò chuyện với Vaxili, một người thông minh, điềm đạm mà thôi.
Sau đó họ lại tình cờ gặp nhau bên một cây bạch dương cao vút thân có găm một mảnh bom.
Chuyến xe điện ra mặt trận – X.Jurakhôvits
Họ nhìn nhau, bối rối, lúng túng; ánh mắt họ đã thú nhận là cả hai đều nghĩ đến cuộc gặp gỡ này và thậm chí từ đáy lòng họ còn sợ hãi nó.
Mỗi người cố giấu vẻ bối rối và sượng sùng trong lòng mình nhưng câu chuyện của họ mới rời rạc, gượng gạo làm sao. Cô gái cau mày chăm chú nhìn Đmitơrô. Anh tựa như biến mất trước cái nhìn của cô và điều đó làm anh nổi cáu. Đã một vài lần, anh vừa trò chuyện vừa cố sức nhổ cái mảnh gang cắm sâu trong thân cây. Anh bất lực và đỏ mặt vì sự cố sức ấy.
Khi cô gái chìa tay cho anh để từ biệt, anh cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, nhưng chỉ một phút sau anh lại tiếc ngay rằng cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi. Anh càng thiết tha mong mỏi được nhìn thấy cô hơn.
Một ngày sau, họ lại gặp nhau chính bên gốc cây đó. Lần này, thì chẳng phải là tình cờ nữa.
Đấy là vào một trong những đêm cuối cùng của tháng Tám. Những vì sao sa xuống thấp như xưa nay vào mùa này vẫn thế. Trước mắt họ, trên vòm trời vút lên quyết liệt những chấm đạn đỏ lừ, rồi vụt tắt khi không đuổi kịp lũ máy bay. Lúc lúc, trên cánh rừng lại treo lơ lửng những quả pháo sáng, toả rực xung quanh cái ánh sáng màu vàng chết chóc. Chúng chậm rãi hạ xuống dưới những chiếc dù vô hình, và trong rừng, tất cả lại càng tối tăm hơn, còn trên bầu trời, càng biếc xanh rực rỡ hơn những vì sao thật, những vì sao vĩnh viễn không tắt. Nhina và Đmitơrô ngồi dưới gốc cây, cùng lắng nghe bầu tĩnh mịch và cùng nghĩ tới những ai kia chưa một lần được nhìn thấy bầu trời sao ấy.
Sau trận đánh ban ngày, cánh rừng trở lại tĩnh mịch. Bóng tối dày đặc ngỡ như có thể sờ được bằng tay. Bầu trời im lặng nặng nề đè trĩu mọi sinh vật. Xung quanh là mênh mông hoang vắng. Chẳng thể ngờ rằng ở đây, trong lặng yên và bóng đêm dày đặc lại ẩn giấu hàng ngàn cuộc sống và đồng thời là hàng ngàn cái chết.
Và sau cánh rừng kia, sau những ngọn đồi xanh, Kiep nằm trải dài, lặng lẽ với những tiên cảm trước cơn bão tố không tránh khỏi của một cuộc phong toả toàn diện. Nghĩ đến điều đó thật nặng nề.
– Dạo ấy, đã lâu lắm, lâu lắm rồi – Đmitơrô nói – Cách đây ba tháng, cuộc sống mới tốt lành, kỳ diệu làm sao – Con người nằm nghỉ ngơi trên dường, đi làm việc, và sau đó vào rạp chiếu bóng. Những cặp người yêu dạo chơi trong cánh rừng này… Những điều ấy đã xa xôi biết bao.
– Phải chăng chúng mình sẽ chết ở nơi đây? – Nhina trầm ngâm hỏi, như nhắc đến một điều gì bình dị.
Đmitơrô cúi xuống để nhìn vào mắt cô. Tối quá. Anh cúi xuống thấp hơn, choàng tay ôm lấy vai cô. Cô gái rùng mình giúi đầu vào ngực anh!
– Đmitơrích – Cô thì thầm – Anh tuyệt vời của em!
Lòng tràn đầy một niềm kiêu hãnh chưa từng biết tới, anh hôn vào mắt, vào má, vào môi cô gái và nghe vang lên bên tai cái tiếng “của em”.
– Anh từ đâu tới thế? Anh từ đâu tới thế? – Cô bồi hồi hỏi khẽ.
Họ ngồi dưới một cây bạch dương to lớn vòng ôm đến ba sải, vòm lá in lên nền trời tựa những tấm thảm nhung lộng lẫy. Gió xạc xào trong cành lá. Và chẳng còn nhìn thấy nữa cái mảnh bom sắc nhọn đang tàn nhẫn cắm vào thân cây.
Chuyến xe điện ra mặt trận – X.Jurakhôvits
– Vaxili đang ở chỗ kia phải không? Nhina hỏi.
– Phải! Đmitơrô đáp và liếc nhìn chấm sáng trên mặt hồ. Kế đấy là trung đội anh.
Cô gái đặt tay lên vai anh.
– Công việc ấy nguy hiểm lắm, phải không, Đmitơrô?
– Không đâu! – Giọng anh đầy vẻ khôi hài – Người công binh chỉ sai lầm có một lần.
– Thôi đi!…
– Các cuộc du ngoạn của em trong hậu phương địch còn nguy hiểm hơn ấy chứ, – Đmitơrô dằn giọng. Anh hỏi tiếp: – Em đang chờ nhiệm vụ mới phải không?
– Vâng… Điều đó lại còn nặng nề hơn – Chờ đợi! – Cô thở dài. Và bây giờ em giúp việc ở trạm xá của trung đoàn anh. Họ đã cho phép em.
Họ ngồi yên lặng, chụm đầu bên nhau lắng nghe tiếng lá lao xao ở trên đầu.
Đột nhiên, Đimitơrô nói:
– Vaxili yêu em đấy
Nhina im lặng một lúc, rồi trả lời:
– Em biết.
– Anh ấy là một chàng trai tuyệt diệu – Đmitơrô nói – Một con người chân chính.
Nhina trầm ngâm nhắc lại:
– Một người chân chính… Anh ấy đoán rằng em không thể đáp lại anh ấy cái điều… và anh ấy im lặng. – Cô nói thêm, khe khẽ: – Anh ấy không biết chuyện gì hết, phải không?
– Phải.
Và họ lại yên lặng.
Nhina nghĩ đến Vaxili, nghĩ đến cái sức mạnh kỳ lạ nào đã khiến người ta hạ lệnh mà không cần phải hỏi: “hãy yêu người này đi, người này, chứ không phải ai khác!”.
Cô khẽ rùng mình.
Đmitơrô ghì chặt vai cô, quay đầu cô lại để nhìn sâu vào đôi mắt, đôi mắt gần gũi biết bao, nhưng còn gần gũi hơn cả đôi mắt là cặp môi của cô.
Trong phút ấy họ quên hết mọi chuyện trên đời. Nhưng trên đầu họ, gánh nặng khắc nghiệt của cuộc chiến tranh vẫn đè nặng. Không nhìn vào đồng hồ, Đmitơrô nói rõ:
– Đến giờ rồi…
Hừng đông đang tới. Đã hai ngày đêm không lúc nào ngừng tắt cái âm thanh chết chóc, tiếng gầm rít trên đầu, tiếng bom rú như khoan xoáy vào tận hồn, tận óc. Đã hai ngày đêm lửa cháy ngùn ngụt, mặt đất vang dâỵ tiếng la hét chửi rủa của những trận tấn công và những trận phản kích, ngạt thở vì ngọn khói cay xè và cái mùi tanh nồng của mồ hôi và máu.
Hai ngày đem là mấy ngàn phút, mấy vạn giây, những giây phút vỡ tan thành những mảnh vụn mơ hồ và mỗi khoảng khắc ấy bất chợt đều có thể trở thành khoảnh khắc cuối cùng.
Hai ngày ngắn ngủi mà như hai năm đằng đẵng.
Và có lẽ bởi thế mà nụ hôn của buổi đầu gặp gỡ dưới thân cây bi thương kia đã mang mùi vị đắng cay.
– Em phải ngủ một chút. Em đến quỵ vì mệt mất. Nhina nói – Ngày mai anh lại tới chứ?
Anh gật đầu. Dễ cả hai đã im phắc đến một phút khi họ cùng ngỡ ngàng lặp lại:
– Ngày mai? Nhưng ngày mai có thể đã chẳng còn…
Cô gái rùng mình. Một ý nghĩ nhói lên sắc lẻm như mảnh bom đang cắm trên thân cây kia: “Bất cứ một mẩu kim loại bé xíu nào cũng có thể giết chết một tình yêu còn dang dở. Điều ấy còn khủng khiếp hơn cả cái chết. Chỉ một mẩu sắt vô nghĩa nào đó…”. Cảm thấy ngột ngạt, cô gái lần cởi cổ áo varơi và dướn lên để thở. Cơn mệt mỏi, đói ngủ – tất cả đều tan biến.
Trái tim hoảng sự chết lặng đi phút chốc và rồi bàn tay run rẩy của cô càng kéo mạnh cổ áo, giật tung cả những chiếc cúc. Kinh ngạc, Đmitơrô thì thào: “Gì thế em?”. Nhưng ngay lúc đó, cô đã ghì chặt đầu anh vào lồng ngực để trần, mềm mại, nóng bỏng của mình…
Không còn chiến tranh, không còn một ai quanh họ nữa hết. Chỉ còn lại những vì sao tháng Tám in trên nền trời đen thẫm.
Nhưng cả đến những vì sao ấy nữa, họ cũng chỉ nhìn thấy sau khi đã nằm bên nhau nghe tiếng con tim đang dịu dần sau phút giây điên dại.
– Anh có tin em không, Đmitơrô? – Nhina hỏi.
Anh xiết chặt bàn tay mạnh mẽ của cô.
– Ồ, đừng vội anh, hãy suy nghĩ đi! – Cô nói một cách nghiêm trang – Đó chính là điều quý giá nhất, khi mà anh tin. Em tin anh. Ngay từ phút đầu tiên. Và dù bất luận ai nói thế nào, dù ai cắt đi một phần thân em, em vẫn tin anh.
Cô hôn anh, hơi thở nặng nề, nóng bỏng, ngỡ như có ai đang nhắc cô: đây là lần cuối cùng.
Đmitơrô trở về hầm đúng lúc Vaxili đang chuẩn bị cho trận đột kích ban đêm.
Đã nhìn thấy lờ mờ trái mìn chế tạo bằng vỏ đạn trái phá. Gương mặt Vaxili âm thầm như hoá đá. Chiếc quai mũ sắt đen sì thít chặt vào cằm.
– Chúng ta sẽ lắp kíp nổ vào cái con cừu non đáng nguyền rủa này – anh nói bằng một giọng khàn khàn. Anh dừng lại một thoáng trên lối ra: – Chẳng hiểu sao mấy hôm nay mình không nhìn thấy Nhina đâu. Cậu cho mình gửi lời chào cô ấy… nếu cậu có gặp.
Có lẽ, anh muốn nói câu khác: “Nếu mình không trở về”. Ít nhất thì điều ấy cũng để nói với Đmitơrô. Nhưng hình như mãi sau này anh mới nghĩ ra.
Hai giờ sau, các chiến sĩ công binh mang Vixili về trong tấm áo bạt đẫm máu.
Đmitơrô chạy đến trạm phẫu khi người bị thương đã qua hai lần lên bàn mổ.
Từ trong căn lều quân y lớn dựng dựa vào sườn núi dốc đứng để tránh bom đạn địch, bác sĩ phẫu thuật Bôitsúc bước ra. Anh vốn là bạn cũ của Vaxili từ trước chiến tranh.
Đmitơrô lao về phía anh, nhưng Bôitsúc giơ tay ngăn lại. Tấm cửa vải bạt của căn lều đã mở rộng và hai người hộ lý, loạng choạng vì mệt, đang khênh rạ một chiếc cáng, trên đó Vaxili nằm bất động, mắt nhắm nghiền, mặt tái mét không một hạt máu.
Nhina tay cầm một cuộn băng đỏ thẫm máu, bước theo sau cáng.
Bôitsúc nói với cô câu gì đó cụt lủn, rời rạc rồi quay vào lều: các thương binh đang chờ anh. Đã ba ngày đêm anh chưa hề chợp mắt.
Nhina nhìn về phía trước với đôi mắt đăm đăm đờ đẫn. Cái nhìn ấy chỉ khẽ lướt qua Đmitơrô. Anh nhận thấy vết thâm quầng dưới mắt cô càng thẫm hơn, rộng ra. Cô ném cuộn băng đẫm máu vào hố, quỳ xuống bên chiếc cáng và đặt bàn tay mảnh dẻ, xù xì lên vầng trán ướt đẫm của người bị thương. Chính Vaxili đang chờ đợi điều đó… Anh khẽ mở đôi mắt đã mờ đi vì đau đớn cực độ và thu hết sinh lực cất tiếng:
– Nhina… anh mong được nhìn thấy em biết chừng nào!
– Chính em, em cũng thế! – Cô gái vội tiếp lời anh, như một tiếng vọng, vừa đưa khăn tay lau vầng trán cho anh. Nhưng yên lặng nào, anh không được phép nói chuyện đâu!
– Anh yêu em! – Vaxili nói thều thào trong tiếng thở dài – Anh muốn sống…
Đôi vai cô gái rung lên, mái đầu càng cúi sát vào cáng.
– Anh sẽ sống… Anh sẽ sống, Vaxili! – Cô bật lên những tiếng nức nở – Em cũng yêu anh… Em yêu mà!…
Đôi má lấm đầy đất cát của Vaxili ửng lên từng đám đỏ hồng, trong đôi mắt đầy đau đớn bỗng chói lên những tia sáng của niềm vui. Anh khép kín mắt lại như giấu kín cái tia sáng ấy vào lòng mình rồi thì thầm:
– Anh ngủ một lát nhé.
– Nhina nặng nề đứng dậy và bước đi giữa những hàng cây, chẳng nhìn một ai, chẳng thấy một ai.
Thoạt đầu, Đimitơrô định đuổi theo cô, nhưng một sức mạnh nào khác đã chèn lấy ngực anh. Anh nghiến răng lao ào xuống một con đường dốc đứng và còn nghe tiếng ai đó vẳng theo, giận dữ và hoảng sợ: “Thằng điên”.
Tối đến, Đmitơrô lại đến đợi bên cây bạch dương. Anh tin rằng cô gái sẽ không đến, nhưng anh vẫn cứ đợi.
Cô gái đến và đặt tay lên vai anh. Qua lần áo khoác anh cảm thấy những ngón tay của cô lạnh ngắt.
Một nếp nhăn khắc khổ in hằn trên vầng trán cô gái và lưu lại mãi; khoé miệng cô mím chặt, đau đớn.
Nhưng Đmitơrô cứ ngỡ rằng gương mặt tái xanh và mất hồn của cô là mặc cảm tội lỗi và xấu hổ.
– Thế mà em vẫn đến cơ à? – Anh hỏi với nụ cười khó chịu – Thú vị thật…
Cô gái đưa mắt nhìn anh rất nhanh. Anh không kịp nhận ra ánh mắt ngạc nhiên của cô, mà chỉ nhìn thấy cái quầng thâm.
– Đmitơrô!… Anh làm sao thế?
Anh dùng vai hất tay cô gái xuống và cất giọng khàn khàn:
– Người ta nói: bạn quý dù nhiều, nhưng yêu chỉ một…
– Đmitơrô! Sao anh lại có thể…
Cô không nói hết câu, ngước nhìn anh – mà lại không phải là nhìn anh – với đôi mắt nghi ngờ, xa lạ, miệng nhếch một nụ cười hằn học.
– Anh bước đi! – Cô giận dữ và đau đớn thét lên, như thể vừa bị ai quất roi vào giữa mặt – Tôi sẽ giết anh!
Và cô ngã nhào vào lùm cây.
Mãi hôm sau, lúc trời đã sáng, sau một đêm không ngủ, Đmitơrô mới lại tìm đến chỗ lều cấp cứu. Anh ngồi phệt xuống cỏ. Cái hố hôm qua có những cuộn băng thấm máu giờ đã lấp đầy cát. Anh đợi mãi.
Cuối cùng, từ trong lều, Bôitsúc bước ra. Anh lắc lư mái đầu nặng trĩu và cùng ngồi xuống đám cỏ nát nhàu.
– Anh ấy thế nào ạ? Họ đã chuyển anh ấy đi rồi phải không? – Đmitơrô hỏi.
Bác sĩ phẫu thuật nhìn anh không hiểu:
– Ai cơ?
Đmitơrô nhăn nhó:
– Vaxili.
– Sao? Anh không biết gì ư? – Bôitsúc cáu kỉnh kêu lên, giọng chứa đầy một nỗi bực tức và mệt mỏi khôn tả – Sau ca mổ anh ấy đã sống thêm được cả một giờ. Và đó là một điều kỳ diệu… Chỉ có Vaxili mới chịu đựng nổi những nhục hình khủng khiếp như vậy. Lúc bấy giờ sự thể đã tuyệt vọng. Và tôi chỉ còn hy vọng ở một điều mơ hồ nào đó…
Đmitơrô cảm thấy không khí trong lồng ngực mình đông cứng lại, – ngột ngạt, không thở nổi. Bôitsúc trong khoảng khắc trở nên mơ màng, lơ đãng:
– Vaxili luôn miệng gọi Nhina – bác sĩ nói, với ánh mắt thổ lộ. Anh ấy gọi mãi… Tôi đã đề nghị Nhina nói với anh một lời gì đó. Không hiểu cô ta đã tìm ra những lời như thế nào mà anh ấy đã sống thêm được cả một giờ đồng hồ! Thật kỳ diệu!… Cô ta nói với anh ấy điều gì nhỉ? Hình như lúc bấy giờ anh cũng có ở đấy, anh có nghe thấy không?
Đmitơrô muốn thét lên: “Tôi không nghe thấy, không nghe thấy gì hết!”. Nhưng thay vào đó chỉ là tiếng rời rạc:
– Cô ấy đâu rồi? Cô ấy đâu?
Bôitsúc nhún vai:
– Tôi không biết. Họ gọi cô ta đi đây đấy.
Đmitơrô nhẩy chồm lên và vụt chạy “Chỉ cần nhìn thấy cô ấy, chỉ cần đừng chậm quá!”.
Viên đại uý ở đơn vị trinh sát lắng nghe những tiếng lắp bắp vội vã, lộn xộn của anh, vừa nhìn chòng chọc vào Đmitơrô với đôi mắt đượm buồn. Trong ánh mắt tò mò của anh ta, Đmitơrô đọc thấy câu trả lời khắc nghiệt và vô vọng. Và chính anh cũng chẳng chờ đợi một cái gì khác nữa. Không còn hy vọng – tất cả đã hết. Anh tưởng như căn hầm bỗng chốc tối sầm, rồi lại bừng sáng lên. Đmitơrô đưa mắt nhìn và thấy sau lưng viên đại uý, giữa những thanh gỗ ghép làm hầm, một hạt cát vàng lặng lẽ trượt xuống thành một vệt nhỏ mong manh.
– Nhina à? – Viên đại uý nhăn nhó hỏi lại – Mà anh không biết thêm một cái tên nào khác của cô ta ư?.
Đmitơrô lắc đầu.
– Còn họ?
– Không rõ.
Sự thể là thế đấy. Đmitơrô không hề biết tên thật và họ của Nhina.
Khi viên đại uý biết được điều đó thì gương mặt anh bỗng dịu lại và trong mắt thoáng một nụ cười: chính anh cũng còn trẻ.
– Tôi có thể khuyên anh thế này, trung uý ạ, – Viên đại uý lại gần và vỗ vai Đmitơrô. – Hãy quên cả cái tên ấy đi. Hôm trước là Nhina, và hôm nay là Ôlêxia, Maria, Galia… mà cũng có thể là Gorơpina chứ? Một cái tên tuyệt diệu: – Gorơpina. Anh hiểu chứ. Anh sẽ được thanh thoát, trung uý ạ. Tiện thể, tôi cũng muốn nhắc nhở anh rằng ngoài kia là gió và chiến tranh…
Đmitơrô ưỡn người, bằng một động tác đột ngột co cánh tay cứng ngắc đặt ngang thái dương, quay ngoắt sang trái một vòng và bước ra khỏi hầm. Lá cây rì rào rung động trên đầu anh. Lá cây, và chiến tranh.
Anh không bao giờ còn gặp cô gái ấy nữa.
Anh đã đi tìm cô khắp nơi. Trong các đơn vị bộ đội, trong các quân y viện, trên khắp các nẻo đường mặt trận.
Một cảm giác như đinh đóng cột cứ nhắc anh rằng cô không chết, rằng cô đang ở gần gũi đâu đó, thậm chí rất gần nữa là khác: Ở mặt trận bên cạnh, phía sườn phải hay sườn trái gì đó thôi.
Chiến tranh kết thúc. Và anh đi tìm cô khắp Kiép. Anh lang thang qua các ngả đường của thành phố đã bị tàn phá, nhìn vào tận mặt những cô gái còn chưa gỡ những chiếc cầu vai chiến trận. Họ đông đảo, nhưng anh không hề gặp được Nhina.
Một bận, Đmitơrô nghĩ là nên đến khu rừng Gôlôxêép. Có thể, cô ta cũng sẽ đến đấy chăng? Vì có thể, cô ta cũng muốn nhớ lại một điều gì?
Anh lang thang ở đấy từ sáng sớm đến tận chiều hôm.
Hầm hào công sự đã bị vùi lấp và mọc đầy cỏ dại. Những thân cây gục nát không phải vì lưỡi rìu mà vì đạn pháo của chiến tranh.
Kề bên căn hầm đã bị tàn phá, nơi xưa kia các chiến sĩ công binh đã từng sống là một miếng hố hình phễu đen ngòm. Một trái bom đã rơi xuống đây. Vào những ngày tháng Tám anh chưa nhìn thấy cái hố ấy. “Lúc trái bom này rơi xuống thì mình đang ở đâu nhỉ?” – Anh tự hỏi. Và không sao nhớ được. Đã quá nhiều bom rơi trên con đường anh đi.
Khi trời xẩm tối, anh cũng nhìn thấy bầu trời tháng Tám với những vì sao sa xuống thấp, và bên tai anh lại vang lên cái giọng thổn thức của Nhina: “Em tin anh, Đmitơrô. Và dù ai cắt đi một phần thân em, em vẫn tin anh!”.
Năm tháng trôi đi.
Anh vẫn sống như tất cả mọi người. Anh lấy vợ. Vợ anh chẳng giống chút nào với Nhina.
Công việc và gia đình, ngày thường và lễ lạt. Anh vẫn sống như tất cả mọi người.
Có lần, ở bên lối ra, vợ anh bảo anh:
– Ngày mai chúng mình tới khu rừng Gôlôxêép đi.
Anh sầm mặt và lặng đi một lúc lâu. Đoạn, anh đáp:
– Tốt hơn là chọn một nơi khác.
Nhưng chính anh, Đmitơrô, cứ hàng năm, vào độ tháng Tám, lại một mình tìm tới khu rừng Gôlôxêép.
Tuyến đường này người ta đã xây dựng đường xe tơrôlâybuýt. Người ta còn đi lại bằng những chiếc ô tô buýt vừa nhanh chóng vừa thuận tiện. Nhưng Đmitơrô vẫn chỉ đi bằng xe điện. Và chính trên chiếc xe số mười, đến tận ga cuối cùng. Sau đó, đi bộ tiếp.
Với thời gian, khu rừng đã hoàn toàn thay đổi. Những công sự biến mất. Hố bom đã lấp bằng. Những rừng cây trẻ đang lên xanh. Bên những mặt hồ sâu thẳm, những cây liễu đứng reo hát lao xao.
Và chính Đmitơrô cũng đã thay đổi. Mái tóc anh đã điểm bạc. Những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt, nơi đuôi mắt.
Một lần đi dạo trong rừng, Đmitơrô đã tìm thấy cái cây bạch dương mà trên thân cây còn nhô lên cái mảnh bom sắc đã rỉ từ lâu. Anh muốn nhổ nó ra nhưng không được.
Lớp vỏ xung quanh mảnh bom đã đùn cứng lại thành một đám sẹo dày. Đmitơrô ngước nhìn lên vòm lá cây xanh. Ai biết được, lòng anh đã nguôi đau khổ hay chưa? Cũng như cái thân cây kia đứng vươn bên sườn núi suốt cuộc đời bạch dương của mình và rồi sẽ ngã xuống với một mảnh gang trong ngực.
… Chuyến xe điện vẫn kêu leng keng. Trong toa mọi người trò chuyện, cười đùa. Những người dân thành phố trở về nhà sau cuộc dạo chơi. Ở phía kia, những chuyến xe điện khác cũng đầy ắp, ồn ào.
Đmitơrô ngồi bên cửa sổ. Anh lặng lẽ ngắm nhìn những người đi lại trên đường phố và nghĩ rằng họ sẽ ngạc nhiên biết chừng nào khi biết rằng chính trên chiếc xe điện ấy, vào những ngày tháng Tám đầy lo âu, những chiến sĩ dân quân đã đi ra mặt trận.
ANH NGỌC dịch
(VNQĐ – 9-1981)

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *