Bài nổi bật

Cô Dâu Bé Con – Tam Mao

Nghe đọc truyện đêm khuya – Nghi lễ đón dâu, cướp dâu diễn ra vô cùng thô lỗ như một sự bạo hành. Đêm tân hôn chỉ là ngang nhiên dùng bạo lực tướt đoạt trinh tiết của một bé gái mà thôi và “chung qui chỉ là đứa bé mười tuổi” nhưng đã phải lo đến việc uống thuốc để không phải có con. Bên cạnh nhân vật chính Kukha, chúng ta còn thấy thấp thoáng nhân vật “tôi” – người kể chuyện. Nhà văn đã không ngại ngùng bày tỏ thái độ yêu ghét, sững sờ, phẫn nộ cũng như sự khát khao tự do, tình yêu thương, bênh vực kẻ yếu, với tấm chân tình, đồng cảm

Lần đầu tôi gặp Kukha là bằng này năm ngoái. Em và gia đình ở trong một tòa nhà lớn gần ngôi nhà nhỏ của tôi, em là con gái cả của ông cảnh sát Hanti.
Ngày ấy tóc Kukha còn tết đôi bím to, vận chiếc váy hoa liền áo in bông to xù kiểu châu Phi, chân để trần, không đeo mạng che mặt, cũng không cuốn vải quanh người. Em thường hú gọi đuổi theo đàn dê của em, ở phía ngoài nhà tôi. Giọng em trong, giòn và thích thú, hẳn là một cô bé nhí nhảnh.
Về sau em sang nhờ dạy học, tôi hỏi mấy tuổi rồi, em nói: “Cái đó chị đi hỏi Hanti ấy, con gái chúng em không biết mình mấy tuổi đâu”. Nó và mấy anh em trong nhà đều không gọi bố, chúng gọi thẳng tên Hanti. Ông Hanti nói với tôi Kukha mười tuổi, rồi còn hỏi: “Cô cũng khoảng mười mấy thôi chứ gì? Kukha có vẻ hợp cô thì phải”. Tôi chẳng biết trả lời thế nào, câu hỏi thật ngớ ngẩn, đành nhìn ông ta nửa cười nửa như không.
Nửa năm đã trôi qua, tôi và cả gia đình Hanti trở thành bạn tốt, hầu như ngày nào cũng uống trà với nhau. Một hôm cùng ngồi uống trà, chỉ có ông Hanti và bà vợ Côpa ở trong buồng. Bỗng Hanti nói: “Con gái tôi sắp lấy chồng rồi, nhờ cô tiện lúc nào ấy, nói với nó”. Tôi nuốt ực một hớp trà, lấn bấn hỏi: “Ông chỉ Kukha đấy ư?” Ông ta nói “Vâng, qua Ramađan mươi ngày nữa thì cưới”. Ramađan là tháng chay của đạo Hồi, lúc đó cũng sắp bắt đầu rồi.
Chúng tôi ngồi im lặng, uống thêm một tuần trà nữa. Tôi không nín được liền hỏi tiếp: “Ông không cho rằng Kukha còn bé sao? Em nó mới có mười tuổi”. Hanti trả lời rất thản nhiên: “Bé gì nữa, vợ tôi khi lấy tôi mới có tám tuổi kia”. Tôi nghĩ có khi là phong tục của người Sahara như thế, mình đừng nên phê phán chuyện này bằng lối nhìn quá chủ quan, do vậy cũng không bàn thêm nữa. “Nhờ cô nói dùm, nó chưa biết gì đâu”. Mẹ Kukha lại nhắc nhở tôi lần nữa. “Sao ông bà không nói?” tôi hỏi một cách khó chịu. “Việc này làm sao mà nói thẳng được?” Hanti thẳng thừng bác lại. Lắm lúc tôi cảm thấy họ thật là nhiêu khê.
Ngày hôm sau, xong giờ học toán, tôi giữ Kukha ở lại nhóm bếp đun nước pha trà. “Kukha ơi, lần này đến lượt em rồi” tôi vừa rót trà cho nó vừa nói. “Gì cơ?” Nó chẳng hiểu gì cả. “Ngốc ạ, em phải lấy chồng rồi” thế là tôi nói toạc ra. Cô ấy đâm giật mình, mặt đỏ bừng lên hỏi khẽ: “Bao giờ?”  Tôi bảo: “Sau Ramađan mươi ngày nữa thôi, em có biết lấy ai không?” Nó lắc đầu, đặt chén xuống rồi bỏ đi không nói một lời nào. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mặt nó có nét lo âu.
Được vài hôm, tôi đang mua sắm trên thị trấn, gặp anh của Kukha đi với một chàng thanh niên khác, anh Kukha giới thiệu: “Aputê là cảnh sát, cấp dưới của Hanti,  bạn thân của tôi, còn là chồng chưa cưới của Kukha nữa”. Tôi nghe nói là chồng chưa cưới của Kukha, bèn đánh mắt nhìn có chủ ý. Aputê nước da không đen mấy, to cao tuấn tú, nói năng lễ độ, ánh mắt lành hiền, để lại ấn tượng lần đầu khá tốt. Về đến nhà, tôi tìm Kukha, kể lại nó nghe: “Yên tâm, chồng chưa cưới của em là Aputê, trẻ, đẹp trai, không phải người lấc cấc. Hanti không kén bừa bãi cho em đâu”. Kukha nghe tôi nói xong, im thít, cúi gầm mặt bỏ đi, vẻ xấu hổ. Nhưng qua ánh mắt là biết nó đã chấp nhận cái đám cưới xin này rồi.
Theo tập tục ở Sahara, sính lễ là khoản thu nhập rất lớn của cha mẹ khi gả con. Xưa kia ở trốn sa mạc chưa có tiền tệ, lễ ăn hỏi họ nhà gái được thách bằng đàn dê, lạc đà, vải súc, nô lệ, bột mì, đường, chè… Nay văn minh hơn, họ kê đơn vẫn bằng những thứ đó, nhưng đã được thanh toán bằng tiền bạc.
Hôm nhận lễ ăn hỏi Kukha, Hasi được mời đến uống trà, tôi là đàn bà, đành ở nhà. Chưa đến một tiếng đồng hồ, Hasi về kể: “Cái thằng Aputê cho Hanti những hai mươi vạn tiền Tây, không ngờ con Kukha đáng giá thế!” (Hai mươi vạn tiền Tây tính ra hơn mười ba vạn tiền Đài Loan) “Rõ là buôn người!” Tôi nói có vẻ như không, nhưng thực bụng lại có chút ngưỡng mộ Kukha, khi tôi cưới, không lãi nổi cho bố mẹ đến một con dê!
Chưa đến một tháng, cách ăn mặc của Kukha đã khác hẳn. Ông Hanti mua cho nó mấy tấm vải toàn một màu, không đen thì xanh, thuốc nhuộm lại quá tồi, nên màu mè thôi cả lên làn da. Kukha cuốn vào người tấm vải màu xanh sẫm, bị màu thôi khắp mình thành xanh lét, trông lại thấy hay hay. Chân nó vẫn để trần, nhưng đã được lồng vào mấy chiếc vòng vàng bạc, tóc bắt đầu búi cao, thân thể được phết lên thứ hương liệu nhức mũi, trộn với mùi là lạ vì cả năm không tắm táp. Khiến người ta có cảm giác đích xác là một người đàn bà của vùng Sahara.
Vào ngày cuối của lễ Ramađan, Hanti cho hai cậu con trai chịu lễ cắt, dĩ nhiên tôi phải đi xem sự thể như thể nào. Vào thời gian đó Kukha cũng ít khi ra ngoài, tôi qua nhìn vào buồng của nó, vẫn trải manh chiếu rách lem luốc, duy có mấy chiếc quần áo của Kukha là đồ mới. Tôi hỏi nó: “Cưới rồi thì mang thứ gì đi theo, không có nồi xoong, bếp mới cũng không có sao?” Nó bảo: “Em không đi, Hanti giữ em ở lại”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế còn chồng em?” Nó bảo: “Cũng về đây ở”. Tôi thật sự thèm được như nó. “Có thể ở bao lâu mới phải đi?” tôi gạn hỏi. “Theo tục lệ thì có thể ở trọn sáu năm mới phải đi”. Chả trách Hanti thách cưới nhiều tiền thế, té ra chú rể cưới xong ở lại nhà bố vợ.
Chiếu lệ thì Kukha phải rời khỏi nhà một ngày trước đám cưới, đến hôm đám cưới chú rể mới đón cô về. Tôi cho Kukha một chiếc vòng giả ngọc làm quà tặng, cái vòng mà trước đây nó năn nỉ xin tôi mãi. Buổi chiều cái ngày phải rời nhà ra đi, bà bá của Kukha đến, một bà Sahara lão luyện, Kukha ngồi trước mặt bà bắt đầu trang điểm. Tóc nó được thả xuống bện thành ba mươi mấy cái bím con, trên đỉnh đầu đặt thêm một cái đụn làm bằng tóc giả, như đầu tóc của đám cung nữ thời cổ Trung Quốc. Mỗi cái bím tóc lại bện vào hạt cườm ngũ sắc, trên đỉnh đầu cài đầy những hạt châu ngọc giả sáng quắc, mặt nó không dùng đồ hóa trang. Chải tóc xong xuôi, mẹ Kukha đem đến bộ quần áo mới.
Chờ Kukha mặc chiếc váy trắng xếp rất nhiều nếp, rồi mới cuốn lên người cô tấm vải đen, vốn thân hình đã béo sẵn giờ lại càng sưng thêm. “Béo thế!” Thấy tôi dè bỉu, bà bá nó quay sang nói chặn: “Béo mới đẹp, đang cần béo mà lị”. Mặc xong bộ quần áo, Kukha ngồi xuống sàn nhà, khuôn mặt cô đẹp lắm, châu báu trên đầu khiến căn buồng ảm đạm cũng tỏa hào quang.
“Xong rồi, ta đi thôi!” Bà bá và bà chị họ đưa Kukha ra khỏi cửa, cô ấy phải ở qua đêm nhà bà bá, sáng mai mới được về nhà. Bấy giờ tôi mới sực nhớ ra việc này, ơ hay, Kukha chưa tắm, lẽ nào trước khi cưới cũng không tắm nhỉ?
Ngày cưới, nhà Hanti có một chút khác lạ, không thấy chiếu cói bẩn thỉu nữa, đàn dê bị đuổi ra khỏi nhà rồi, trước cổng to bày một con lạc đà đã mổ sẵn, mấy tấm thảm ả rập đỏ chót được trải trong phòng khách lớn, thú vị nhất phải kể đến một cái trống rất to, căng bằng da dê đặt ngay ở góc nhà, lịch sử cái trống này dễ đến trên một trăm năm.
Chiều rồi, mặt trời đang chạm dần xuống đất bằng, vùng sa mạc mênh mông đỏ như được nhuốm bằng sắc máu. Lúc ấy tiếng trống gióng lên rồi, tiếng trống sao mà u trầm, sao mà đơn điệu, vang xa đến thế. Nếu không được biết trước là có cưới cheo thì quả là có cảm giác rùng rợn bị bao phủ bởi những tiết tấu thần bí. Tôi vừa vận áo len vừa đi về hướng nhà Hanti. Lúc ấy tôi cứ huyễn tưởng mình đang đi vào một câu chuyện mê hồn của mênh mông chi xứ này đây.

Bước vào nhà không khí kém hẳn đi, phòng lớn ngồi chật toàn đàn ông Sahara, ai cũng hút thuốc. Không khí quá tồi tệ. Cậu Aputê cũng chen vào đám đông, nếu chưa từng gặp cậu ta, thật không nhận ra tối nay nó có điểm nào là giống chú rể.
Có một người đàn bà đen như than cốc ngồi ở góc phòng, là người đàn bà duy nhất ngồi chung với đám đàn ông. Bà không trùm đầu, khoác trên mình tấm vải đen rất rộng, đầu ngẩng lên gõ trống chăm chú, gõ đến vài chục lần thì đứng dậy, lắc lư người, miệng hú kêu, tiếng hú sắc nhọn mà mọi rợ, giống người Anhđiêng ở bắc Mỹ. Trong ngôi nhà, bà ấy là người xuất sắc nhất. “Bà ấy là ai?” Tôi hỏi anh của Kukha. “Tên nô lệ mượn từ bên nhà bà nội sang, tên này đánh trống nổi tiếng lắm”. “Đúng là nô lệ ra nô lệ!” Tôi cứ chặc chặc lưỡi tán thưởng.
Lúc đó lại có thêm ba bà lão ngồi vào trong, họ bám theo nhịp trống hát những bài ca không trầm không bổng, nhạc điệu như đang khóc rỉ rả. Cùng lúc đám đàn ông đều vỗ tay, tất cả nương theo nhịp điệu bài hát. Tôi là đàn bà, chỉ được đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Ở đấy đàn bà con gái đều đứng chen bên ngoài cửa sổ, họ bịt kín mặt, chỉ thò ra hai con mắt đẹp.
Xem gần hai tiếng đồng hồ, trời đã tối, tiếng trống vẫn không thay đổi, người vỗ tay ca hát vẫn nguyên điệu cũ. Tôi hỏi mẹ Kukha: “Như thế vỗ cho đến mấy giờ?” Bà bảo: “Còn sớm mà, cô về mà ngủ đi!” Lúc về tôi còn dặn đi dặn lại cô em út của Kukha rằng sớm mai đi đón dâu nhớ đánh thức tôi.
Ba giờ sáng vùng sa mạc vẫn còn rét run cầm cập. Anh của Kukha trò chuyện với Hasi đang lắp máy ảnh, thấy tôi mặc áo khoác đi ra, cậu ta hỏi một cách khó chịu: “Chị cũng đòi đi à?” Tôi liền nhờ vả cậu ta đưa đi, mãi mới được nhận lời. Đàn bà ở chốn này chẳng có vị trí gì cả.
Phố nhà tôi ở, đậu đầy xe jeep, có cả mới lẫn cũ, xem ra ông Hanti ở trong dòng tộc này cũng có chút tiếng tăm. Tôi và Hasi lên một chiếc xe đón dâu, xe ôtô nối thành một hàng dài bấm còi inh ỏi, đi lòng vòng trên bãi cát. Cánh đàn ông miệng tru tréo man rợ, lái đoàn xe về hướng nhà bà bá của Kukha.
Nghe nói hồi xưa họ cưỡi lạc đà, bắn súng hơi, đi rước dâu ở trong lều vải. Ngày nay lạc đà thay bằng xe jeep, súng hơi thay bằng còi ô tô, nhưng mà không khí nhộn nhạo huyên náo thì không thay đổi.
Bực mình nhất là phải chứng kiến việc đón dâu, Aputê xuống xe, cùng đám trai tráng xông vào buồng của Kukha đang ngồi, chẳng chào hỏi ai cả, đến lôi xệch cánh tay của Kukha kéo tuột ra ngoài. Mọi người cười hô hố. Chỉ Kukha mỗi mình cúi gập người giẫy giụa. Bởi vì nó béo, chúng bạn của Aputê sà vào kéo giúp, khi đó nó mới kêu khóc ầm ĩ, tôi chẳng biết nó khóc thật hay khóc vờ, nhưng, nhìn đám người kia bắt bớ nó thô bạo như thế, ai mà chẳng xúc động. Tôi cắn chặt môi xem thử tấn trò này kết thúc như thế nào, mặc dù căm phẫn quá đỗi.
Giờ này Kukha đã ở ngoài cửa, bỗng nhiên nó dơ tay cào vào mặt Aputê, cào một nhát để lại trên má mấy vết máu. Aputê cũng không chịu lép vế, nó dùng tay bẻ ngược ngón của Kukha. Lúc ấy xung quanh lặng hẳn đi, chỉ có tiếng khóc đứt đoạn từ miệng Kukha bật ra còn chờn vờn trong bóng đêm.
Hai người vừa đánh đấm nhau, vừa lôi nhau đến bên thành xe jeep. Tôi hồi hộp quá, kêu to cho Kukha nghe thấy: “Ngốc ơi, lên xe đi chứ, cô làm sao địch nổi cậu ấy”. Anh của Kukha bật cười, nói với tôi: “Không sao đâu, đây là phong tục, cưới nhau mà không vùng vằng, sau này người ta cười chê đấy. Đánh đấm dữ như thế mới là con gái nhà lành”.
“Nếu đánh đấm dữ như thế, thà đừng lấy nhau còn hơn”. Tôi thở dốc.
“Lát nữa động phòng còn gào khóc nữa, chị chờ mà xem, hay lắm”.
Hay thì hay thật, nhưng tôi không thích kiểu cưới cheo như thế.
Rốt cuộc cũng về đến nhà Kukha, lúc ấy là năm giờ sáng. Hanti đã tránh ra ngoài, còn mẹ, các em và các bạn thân của Kukha vẫn không ai đi ngủ. Chúng tôi được mời vào phòng khách rộng, ngồi cùng với bạn hữu của Aputê, bắt đầu uống trà và được ăn món thịt lạc đà. Người ta đã đưa cô dâu sang một cái buồng con khác, ngồi một mình trong đó.
Ăn được một lúc, trống lại vang rền, cánh đàn ông lại bắt đầu vỗ tay rên rỉ. Cả đêm tôi không được ngủ, mệt thật, nhưng bỏ về thì tiếc. “Tam Mao, em về ngủ trước đi, anh xem rồi về kể cho mà nghe”. Hasi bảo tôi thế. Tôi nghĩ một lát, đoạn hay nhất còn chưa bắt đầu, thôi không về nữa.
Họ hát rồi đập tay cho đến tảng sáng, tôi mới thấy Aputê đứng dậy, khi nó đứng dậy thì tiếng trống ngừng bặt, mọi người đều hướng mắt vào nó, tụi bạn bắt đầu chêu chọc nó rất vô duyên.
Đến khi Aputê bước về phía buồng của cô dâu, tôi bắt đầu căng thẳng, không hiểu sao trong lòng khó chịu thế. Nhớ lại câu nói của anh trai Kukha – “Vào động phòng còn gào khóc…”. Tôi cảm thấy những người đứng chờ bên ngoài, trong đó có tôi, thật vớ vẩn hết chỗ nói, nhưng kỳ lạ thay, cứ lấy cớ là phong tục thì chẳng ai thay đổi nó nữa.
Aputê vén rèm cửa bước vào buồng khá lâu, tôi vẫn ngồi lù rù ở phòng khách, không biết đã mấy thế kỷ trôi qua, nghe thấy Kukha kêu một tiếng “ối”, kêu như khóc, sau đó im, không động tĩnh gì nữa. Tuy rằng phong tục bắt nó phải kêu, nhưng tiếng kêu ấy đau đến nỗi, thật đến nỗi vô vọng và dai dẳng, tôi ngồi bất động, khoang mắt ướt đẫm cả rồi.
“Nghĩ mà xem, chung quy nó chỉ là một đứa bé mười tuổi, tàn nhẫn!” Tôi căm phẫn nói với Hasi. Anh ấy ngước nhìn lên trần nhà, không nói được câu nào. Hôm đó chúng tôi là hai người ngoại quốc duy nhất có mặt trong cuộc.
Chờ đến khi Aputê cầm mảnh vải trắng có dính vết máu ra khỏi buồng, chúng bạn  bắt đầu hô hoán, giọng ôi thiu khó hình dung lẫn trong tiếng ồn. Quan niệm của họ, đêm tân hôn chỉ là ngang nhiên dùng bạo lực tước đoạt trinh tiết của một bé gái mà thôi.
Đám cưới kết thúc như vậy khiến tôi thất vọng và buồn cười. Tôi đứng dậy chẳng cáo từ bất cứ ai, sải bước về thẳng.
Đám cưới liên tục sáu ngày liền, trong sáu ngày đó, cứ đến năm giờ chiều là khách khứa kéo vào nhà Hanti ăn uống, rồi ca hát gõ trống đến nửa đêm.
Vì ngày nào họ cũng diễn như thế, nên tôi không đi nữa. Đến ngày thứ năm, đứa con gái khác của Hanti đến gọi tôi: “Kukha tìm chị, sao chị không đến?” Tôi đành thay quần áo đi thăm Kukha.
Trong sáu ngày cưới xin, Kukha vẫn theo lệ bị cách ly trong căn buồng nhỏ, khách khứa không được phép nhìn thấy cô, chỉ có chú rể mới được đi ra đi vào. Tôi là người nước ngoài, cho nên mặc kệ, đến nhà Kukha vén rèm vào luôn.
Trong buồng ánh sáng yếu ớt, không khí thì hỗn tạp, Kukha ngồi trên một đống thảm ở góc tường, nó nhìn thấy tôi mừng quá, bò đến hôn lên má tôi và nói: “Tam Mao, chị đừng bỏ đi nữa nhé”.
“Chị không đi, chị lấy đồ ăn cho em ăn đây”. Tôi chạy ra lấy một miếng thịt to tướng cho nó gặm.
“Tam Mao, chị thử nghĩ xem, như thế thì em sắp có con phải không?” Nó hỏi tôi nhỏ nhẹ.
Tôi không biết trả lời nó như thế nào. Nhìn khuôn mặt mũm mĩm của nó trước đây mà mới qua có năm ngày thôi, gầy đến nỗi hố mắt trũng hẳn xuống, tôi thắt ruột, lặng cả người.
“Cho em thuốc được không? Loại thuốc mà uống vào không có con ấy?” Nó khẩn khoản cầu xin tôi. Tôi mãi không rời được tầm ngắm của mình, ngắm mãi một khuôn mặt mười tuổi.
“Rồi, chị sẽ cho em, đừng lo, đó là bí mật của riêng hai chúng ta đấy”. Tôi vỗ khẽ khẽ vào mu bàn tay bé nhỏ: “Lễ cưới đã qua, bây giờ có thể ngủ được rồi”.

Tác giả: Tam Mao – Nữ Lang Trung dịch
Giọng đọc: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *