Bài nổi bật

Cô dâu bé nhỏ – Tagore

RadioVn.Com – Apơcbô vừa thi đỗ tú tài ở Cancơta, nay trở về làng.
Con sông nhỏ chạy qua đây cứ hết mùa mưa là cạn khô, nhưng lúc này đang độ gió mùa tháng bẩy, những trận mưa to làm sông đầy nước, bao quanh toàn bộ luỹ làng tới tận những bụi tre. Mặt trời lại xuất hiện trên bầu trời quang đãng sau những trận mưa xối xả kéo dài mấy ngày liền.
Nếu đọc được tâm trí thanh niên ngồi trong thuyền, tôi sẽ thấy dòng suy nghĩ của anh ta cũng giống như dòng nước con sông đầu mùa mưa, cũng lấp lánh dưới ánh sáng, cũng xao động theo mỗi cơn gió thổi.
Con thuyền chở Apơcbô đã ghé sát các bậc bến đò, từ đó, qua vòm lá dày của lùm cây có thể nhìn thấy mái nhà anh. Không ai được biết tin anh về nên không có người ra bến đón. Người chở thuyền ngỏ ý mang giúp anh cái túi nhưng Apơcbô xách lấy và vui vẻ lên bờ. Bờ sông trơn, anh ngã sóng soài trên bậc đầy bùn, kéo theo cả cái túi.
Liền đó vang lên một tiếng cười dễ thương làm cho đám chim đậu trên cây đa gần đấy hoảng sợ. Apơcbô hơi xấu hổ, anh đứng ngay dậy, trấn tĩnh rất nhanh, nhìn xung quanh xem ai đã chế nhạo chuyện không may của mình. Anh thấy ngồi trên một đống gạch vừa mới bốc ở dưới thuyền lên một cô gái đang cười khanh khách. Apơcbô nhận ra Mrinmayi, con gái bác hàng xóm. Bố mẹ cô bé xưa kia ở làng này, bên một con sông lớn, nhưng con sông đổi dòng, do đó bố mẹ Mrimayi phải đến cư trú ở làng anh khoảng hai, ba năm nay.
Cả làng chỉ bàn tán về cô bé Mrimayi. Các ông thì gọi cô là “con bé rồ dại”, các bà mẹ gia đình thì luôn lo lắng cái tính nết quá quắt của cô. Cô bé chỉ chơi với bọn con trai và rất khinh thường bọn con gái cùng tuổi. Trong vương quốc các trẻ em, Mrinmayi là một tai hoạ, như chiến binh Marat trong vương quốc các hoàng đế Môgôn.
Là thần tượng của bố, cô bé có thói quen của một đứa trẻ được nuông chiều. Bà mẹ vẫn thường phàn nàn với hàng xóm là chồng bà không biết dạy con, làm hư đứa bé. Nhưng vì biết nếu thấy con gái khóc ông sẽ vô cùng buồn phiền và nghĩ đến lòng thương yêu con của người chồng đang làm việc ở xa bà không nỡ lòng phạt Mrimayi.
Gương mặt Mrinmayi với nước da roi rói của người sống nhiều ở ngoài trời giống mặt con trai nhiều hơn. Mái tóc cắt ngắn, quăn thành búp chỉ rủ xuống đến vai, dôi mắt to đen , không lộ vẻ gì là sợ hãi hay là e thẹn. Vóc người cao và cân đối, mềm mại và khoẻ mạnh, cô có vẻ lớn hơn so với tuổi, khiến người ta có thể trách bố mẹ sao chưa cho con gái đi lấy chồng.
Một hôm, khi con tàu đưa vị lãnh chúa làng từ một cái xứ lạ trở về, cô không thấy sợ sệt như mọi người trong làng, và trong khi các bà phụ nữ lấy vạt xải trùm kín đầu, che mặt đến tận chỏm mũi, thì Mrimayi, mái tóc búp đu đưa, tay ẵm một đứa bé trần truồng chạy ra bến trước tiên để đón ông.
Cô gái như một con nai trong một vùng không có người đi săn. Chẳng chút sợ hãi tò mò nhìn người mới trở về, rồi đi kể với các bạn – toàn con trai – cung cách của con người kỳ lạ ấy.
Apơcbô của chúng ta trước nay mới chỉ gặp Mrinmayi hai ba lần, những khi anh về nghỉ hè. Vậy mà vào những lúc rảnh rỗi, thậm chí có khi cả trong lúc đang làm việc, anh đã quen nghĩ đến cô gái có tính cách độc lập ấy.
Ở đời, người ta gặp biết bao gương mặt, trong đó có một số in sâu vào đầu óc mà ta gần như không hay biết. Không phải vì đẹp chúng ta nhớ lâu mà vì một đức tính nào đó thì đúng hơn. Phần nhiều, bản tính con người không lộ rõ trên mặt, tuy nhiên, có những gương mặt trên đó cái tính cách bí mật, sâu kín bên trong cứ tự nhiên thể hiện ra. Trong trường hợp như vậy, gương mặt ấy nổi bật giữa đám nghìn vạn gương mặt khác và đột nhiên in sâu vào đầu óc ta.
Cho nên, nhịp cười giòn giã của Mrinmayi dù êm tai đến đâu vẫn khiến cho chàng Apớcbô tội nghiệp thấy buồn buồn. Anh vội đưa cái túi cho người chở thuyền xách lên hộ, còn anh, mặt đỏ lên vì xấu hổ, chạy một mạch về tận nhà. Xung quanh Apơcbô cảnh vật thực lãng mạn – bờ sông, bóng cây, nắng mai, chim hót – và trong anh là thanh xuân với tuổi hai mươi. Duy chỉ có đống gạch là khó hoà hợp được với quang cảnh trên, nhưng cô gái ngự trên đỉnh đã toả cái duyên dáng lên chỗ ngồi cứng lạnh ấy.
Còn gì độc đáo hơn là biến cái thơ mộng thành hài kịch ngay từ bước đầu trong khu vực này, trên cảnh trí này?
Với chiếc khăn quàng vấy bùn, Apơcbô đi trong bóng cây vội vã về nhà, bên tai vẫn văng vẳng tiếng cười lanh lảnh cất lên từ đống gạch.
Cô dâu bé nhỏ – Tagore
 
Mẹ Apơcbô, một bà goá, thấy con trai bất chợt về mừng rỡ vô cùng. Bà liền cho người đi khắp làng lùng sữa tươi, sữa đông và mua cá, mua rui (người Bengan rất thích món này). Cả những nhà hàng xóm cũng nhộn nhịp.
Sau bữa ăn trưa, bà mẹ mạnh dạn nhắc con trai chuyện lập gia đình. Apơcbô đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón cuộc tấn công này, vì nó đã từng xảy ra trước đây, nhưng cho đến nay anh vẫn đẩy lùi được, lấy cớ còn đang bận học thi. Giờ đây, anh đã thi đỗ, không còn cớ gì để tránh được. Cho nên, Apơcbô nói với mẹ nếu bà tìm được một ý trung nhân hợp với anh thì anh sẽ sẵn sàng quyết định làm lễ cưới.
Bà mẹ đáp là đã tìm được rồi, anh không cần phải suy nghĩ nữa. Nhưng Apơcbô thấy vẫn cần phải suy nghĩ, anh năn nỉ đòi ít ra cũng được nhìn cô gái bà chọn trước khi ưng thuận cuộc hôn phối bà xếp đặt. Bà mẹ chấp nhận, theo bà, yêu cầu này xem bằng thừa.
Tối hôm ấy, Apơcbô sau khi tắt đèn, ngả mình nằm trên giường trong buồng, không sao ngủ được. Trong cơn thao thức, anh luôn luôn nghe thấy tiếng cười vui vẻ, giòn tan, át cả mọi tiếng động nổi lên trong cái đêm yên tĩnh của cái mùa mưa này. Anh nghĩ nhất thiết phải xoá đi nỗi xấu hổ do bị ngã lúc sáng nay, bụng bảo dạ, cô gái nhỏ này hẳn không biết mình là Apơcbô Kritxna, một người thông thái, đã sống nhiều năm ở Cancơta và nếu có ngã chẳng qua chỉ là chuyện ngẫu nhiên, sự thực anh đâu phải là một gã cha căng chú kiết nào đó.
Tuy nhiên, hôm sau, Apơcbô vẫn tiến hành cuộc đi thăm cô gái đang chuẩn bị cho cuộc cưới xin. Nhà cô không ở xa nhà anh. Hôm ấy Apơcbô ăn mặc rất cẩn thận, vận một tấm đhoti, một chiếc vét tông lụa gọi là chapkan theo kiểu Hồi giáo và một cái khăn choàng to, cuối cùng, đội lên đầu chiếc khăc xếp choàng to. Anh cũng không quên mang đôi giầy da đánh xi bóng loáng và chiếc ô lụa.
Cuộc tiếp đón ở nhà ông bố vợ tương lai diễn ra thân mật. Cô dâu sắp cưới tắm rửa sạch sẽ, tô son điểm phấn, quấn một chiếc xari màu được dẫn ra, run bần bật trước mặt Apơcbô. Cô lặng lẽ ngồi vào một xó nhà, vạt xari choàng trên đầu rủ xuống tận cằm, cúi khom người đến mức đầu gần chạm đầu gối. Một người ở gái đứng tuổi ngồi đằng sau động viên cô bé. Chú em trai ngồi ngay cạnh, tò mò quan sát Apơcbô từ cái khăn, cái dây đồng hồ cho đến bộ râu mới lún phún mọc.
Sau khi vuốt ria mép một lúc, anh trịnh trọng hỏi cô gái :
– Ở trường cô đã học hết những sách gì?
Cái khối hình e lệ mặc quần áo, đeo đồ nữ trang ấy không thốt ra một câu trả lời nào.
Sau khi câu hỏi được nhắc đi nhắc lại hai ba lần, và chị ở gái mấy lần hích khẽ vào lưng để động viên, cô gái đọc một mạch các tên của tất cả các cuốn sách cô đã học.
Cùng lúc đó có tiếng chân người chạy gấp ở bên ngoài và Mrinmayi, tóc bay xoã sau lưng, hổn hển lao vào căn buồng. Cô không hề để ý đến Apơcbô Kritxna mà nắm ngay lấy tay chú bé Rakan định kéo ra ngoài. Nhưng Rakan đang quá mải miết chú tâm trau dồi năng khiếu quan sát nên không chịu nhúc nhích. Chị ở gái cự Mrimayi nhưng vẫn cố giữ giọng ôn tồn trong giới hạn phép lịch sự cần có trong những dịp như thế này. Apơcbbo vẫn bình tĩnh và đĩnh đạc ngồi điềm nhiên, ngón tay mân mê cái đồng hồ.
Khi Mrinmayi đã cố gắng hết sức để kéo Rakan đi mà không được, cô phát đánh bốp một cái vào vai chú bé rồi vén luôn cái mặt của cô dâu tương lai và chạy vụt ra ngoài như cơn lốc nhỏ. Người ở gái càu nhàu, lầm bầm, còn chú Rakan phá lên cười rất to khi thấy cái mạng che mặt chị gái bị vén phắt lên lẹ làng. Rõ ràng chú không hề bực tức vì bị phát, hai bạn vẫn thường xuyên trao đổi những cử chỉ thân mật như vậy. Hồi trước chẳng hạn, Mrinmayi có mái tóc dài chấm ngang lưng, một hôm Rakan lấy kéo cắt, nhưng cu cậu vụng tay quá, khiến cô gái bực mình giật lấy kéo, rồi tự mình hoàn tất công trình phá hoại, bỏ lại một mớ những búp đen như một chùm nho chín mọng lẫn trong lớp bụi đường.
Sau cuộc đột nhập của Mrinmayi, cuộc “sát hạch” ngừng ngay lại. Cô gái khó nhọc đứng dậy cùng người ở gái đi vào phòng trong. Apơcbô cũng đứng dậy, tay vân vê chòm ria mép. Anh sắp sửa đi ra thì thấy đôi giầy da bóng anh để lại trên thềm cửa lúc bước vào nhà theo tục lệ đã không cánh mà bay, tìm khắp nơi không thấy. Apơcbô đành phải mượn ông chủ nhà một đôi dép cũ, nom thật thảm hại bên cạnh bộ quần áo anh đang mặc.
Khi Apơcbô ra tới con đường nhỏ về phía ao làng, anh lại nghe thấy cái tiếng cười lanh lảnh hôm qua vang lên, như thể trong vòm cây có một nữ thuỷ thần tò mò, không nhịn được cười khi nhìn thấy đôi dép lạc lõng không đúng chỗ. Trong lúc anh còn đang lưỡng lự, đứng nhìn khắp chung quanh thì tên thủ phạm nhỏ trơ tráo nhô ra từ lùm cây, ném đôi giầy da bóng xuống đường ngay trước mặt anh, rồi định chạy mất. Apơcbô đuổi theo rất nhanh, tóm được cổ tay cô gái. Mrinmayi vùng vằng giãy giụa, nhưng không sao giằng ra được. Một tia nắng xuyên qua kẽ hở trong đám cành cây trên đầu, rọi vào gương mặt nghịch ngợm của cô. Anh vừa nhìn chăm chăm vào cặp mắt lấp lánh như sao, vừa cúi xuống như một người khách lữ hành tò mò nhìn xuống đáy dòng suổi trong, náo động, lấp loáng nắng. Anh dường như ngập ngừng không dám đi tận cùng cuộc phiêu lưu, từ từ nới tay để cô gái chạy đi. Giả sử như trong cơn tức giận, Apơcbô có véo tai thì Mrimayi hẳn không lấy làm ngạc nhiên, nhưng cái hình phạt lặng lẽ này, trên quãng đường vắng này, cô thấy nó chẳng ăn nhằm gì cả.
Tư lự, anh chậm rãi đi về nhà, trong lúc bầu trời còn vang vang nhịp cười giòn giã như tiếng lanh tanh chùm nhạc đeo nơi mắt cá chân của Thiên Nhiên tưng bừng nhảy múa vậy.
Suốt ngày hôm ấy viện cớ nọ cớ kia Apơcbô tránh không gặp mẹ. Anh dùng bữa bên nhà một người hàng xóm đã mời anh. Thực khó mà hiểu được tại sao một chàng trai có văn hóa và học vấn cao như Apơcbô lại háo hức đến thế muốn phô trương hết giá trị của mình với một cô bé nhà quê. Nếu như do sự dốt nát đáng thương hại, cô bé coi anh chàng Apơcbô thông thái chẳng đáng kể vào đâu mà đi chọn chú bé khốn khổ, ngu dại Rakan làm bạn thì phỏng có hại gì kia chứ? Tại sao anh lại muốn nói cho cô ta biết là anh vẫn thường viết bài điểm sách đăng trên tờ nguyệt san Visvadip và hiện đang có một tập bản thảo khá đồ sộ để dưới đáy hòm cùng với mấy lọ nước hoa, một tập giấy màu sang trọng để viết thư, mấy cuốn sách tự học đàn acmônium? Tập bản thảo ấy chỉ đợi có dịp là được xuất bản. Song tự an ủi đâu phải việc dễ dàng mà Apơcbô Kritxna thì đâu có sẵn sàng chịu thất bại trước cô bé nhà quê tính khí thất thường ấy.
Đến tối, bà mẹ hỏi anh : “Thế nào, con có ưng cô dâu mẹ kén cho không ?”
Apơcbô hơi ngập ngừng đáp : “Vâng, con thích một cô trong đám thiếu nữ”, bà mẹ ngạc nhiên kêu lên : “Một cô trong đám thiếu nữ!!! Anh nói thế nghĩa là thế nào?”
Bà cố gắng hỏi đi hỏi lại mãi mới phát hiện ra là con trai đã chọn Mrinmayi làm ý trung nhân. Một thanh niên có học vấn như anh mà lại chọn thế thì kỳ thật.
Lúc đầu, Apớcbô rất mắc cỡ, nhưng về sau, khi hiểu ra rằng mẹ anh chống lại dự định của anh thì anh gạt đi hết nỗi xấu hổ và quả quyết nói : “Thưa mẹ, con sẽ không lấy ai ngoài Mrinmayi”. Càng nghĩ đến cái cô kia ngồi sững sờ như tượng Apơcbô càng gớm cái ý đồ hôn nhân ấy.
Sau đó là cuộc đấu tranh trường kỳ giữa bà mẹ và cậu con trai, rốt cuộc, Apơcbô đã thắng. Bà mẹ tự nhủ Mrinmayi cũng không đến nỗi hoàn toàn không thể tiến bộ được. Bà bắt đầu hiểu ra gương mặt cô gái có cái duyên thầm riêng biệt, nhưng chỉ một phút sau, bà lại hình dung thấy cái đầu cắt tóc ngắn của cô và lại thấy gớm ghét. Song, bà cũng thừa nhận là mái tóc còn biết điều hơn bản tính con người.
Cô dâu bé nhỏ – Tagore
Lễ đính hôn được tiến hành.
Cha của Mrinmayi, bác Itxhan Mazuđa, nhận được tin có người dạm hỏi con gái bác. Bác là nhân viên của một công ty tầu thuỷ ở tỉnh xa trên sông. Bác bận rộn suốt ngày, nào bán vé cho khách, nào xếp dỡ hàng. Bác Itxhan Mazuđa ở trong một túp lều lợp mái tôn uốn. Nhận được thư báo tin bác ứa nước mắt. Nỗi xúc động ấy bao nhiêu phần vui, bao nhiêu phần buồn, thực khó mà nói được.
Bác Itxhan làm đơn gửi lên văn phòng chính ở Cancơta xin phép nghỉ. Dưới mắt lão người Anh giám đốc Công ty, lý do cưới con gái không đủ để được phép nghỉ, do đó đơn của bác không được chấp nhận. Bác liền viết thư về nhà yêu cầu lui ngày cưới lại đến kỳ nghỉ thu sắp tới. Nhưng bà mẹ chú rể trả lời năm nay ngày lành lại rơi đúng vào tuần cuối tháng này, nên không thể đợi được. Thành thử bác Itxhan đành cứ tiếp tục bán vé và coi xếp dỡ hàng cho các tàu buôn, lòng nặng trĩu vì yêu cầu của bác bị cả hai phía bác bỏ.
Sau đó, bà mẹ của Mrinmayi và tất cả các bà mẹ trong làng bắt đầu giảng giải cho cô nghe về bổn phận sau này của một người phụ nữ tề gia nội trợ. Người ta răn bảo cô không được ham chơi, không được chạy nhảy ầm ầm, không được cười đùa ầm ĩ, không được đàn đúm với bọn con trai, không được vô tâm quên mọi phép tắc khi ăn, những thiếu sót này nhà chồng sẽ không tha thứ. Các bà đã hoàn toàn thành công trong việc làm cho cô gái thấy cuộc đời người phụ nữ có chồng là một sự trói buộc chặt chẽ khủng khiếp và Mrinmayi nhận lời cầu hôn như người ta nhận một bản án tù chung thân với cuối cùng là xử giảo.
Như con ngựa non nhát sợ, cô gái lồng lên nói :
– Tôi không muốn lấy chồng!
Nhưng cô vẫn cứ phải lấy chồng.
Và thế là các bài học bắt đầu. Toàn bộ vũ trụ thu hẹp lại trong phạm vi ngôi nhà của bà mẹ chồng. Bà liền đảm nhiệm ngay công việc cải tạo. Mặt đanh lại, bà bảo : “Này con ơi, giờ đây con không còn là một đứa con nít nữa. Những cung cách thô lỗ, ầm ĩ của con không hợp với gia đình nhà mẹ”. Điều Mrinmayi rút ra được từ bài học ấy là phải có một chỗ riêng của mình, và suốt buổi chiều hôm ấy người ta không thấy mặt cô đâu hết. Tìm hoài công và hẳn là sẽ không có cách nào truy lùng ra được nếu cậu bạn Rakan không giở trò phản bội mách bảo chỗ cô trốn: dưới một chiếc xe bằng gỗ gẫy nát bỏ đi ở gốc cây đại, chiếc xe trước kia vẫn dùng để chở tượng thánh vào những ngày lễ. Thực dễ dàng hình dung thấy Mrinayi bị các bà hàng xóm trách mắng nghiêm khắc. Hôm đó trời nổi dông và đến chiều tối thì mưa.
Apơcbô lại gần Mrinmayi đang nằm trên giường, thì thầm hỏi:
– Mrinmayi, em có yêu anh không?
– Không, tôi không yêu anh và sẽ chẳng bao giờ yêu anh, Mrinmayi cáu tiết đáp.
Câu trả lời như một tiếng sét giáng xuống đầu Apơcbô với tất cả nỗi hờn giận, tức tối trong lòng cô.
– Nhưng anh có làm gì em đâu?
– Tại sao anh lại lấy tôi?
Thực khó mà giải thích được cho cô gái nghe ra, nên anh tự nhủ : “Mình phải khuất phục trái tim ngang ngược này”.
Hôm sau, nhận thấy những dấu hiệu bực dọc trên mặt con dâu, bà mẹ chồng liền nhốt cô vào trong buồng. Khi Mrinmayi biết là không thể ra ngoài được, cô liền nổi giận, dùng dằng xé tan mấy cái khăn trải giường rồi gieo mình xuống đất, nức nở và đau đớn cất tiếng gọi: “Bố ơi, bố ơi!”
Vừa lúc đó, có người bước vào, đến ngồi bên cạnh Mrinmayi. Người đó vuốt mái tóc rối bù của cô trong khi cô lăn lộn khắp phía. Cô gái giận dữ nguẩy đầu, hất bàn tay thân ái kia. Apơcbô – người đó chính là anh – ghé mặt vào sát tai Mrinmayi thì thầm : “Anh đã bí mật mở cửa, chúng mình có thể trốn ra cửa sau” .
Apơcbô đưa tay xuống dưới cằm, nhẹ nhàng nâng mặt cô gái lên nói : “Em hãy nhìn xemai đến kia kìa”. Qủa thật, ngoài cửa, Rakan đang đứng, vẻ ngờ nghệch nhìn Mrinmayi. Không ngẩng đầu lên, cô vợ trẻ đẩy tay anh ra. Anh bèn nói : “Rakan đến chơi với em đấy, em không muốn ra à?”. “Không” cô đáp. Và Rakan nhẹ hẳn người thấy mình có thể rút lui.
Apơcbô ngồi xuống, im sững, lặng lẽ. Mrinmayi khóc mãi cho đến lúc quá mệt ngủ thiếp đi. Anh liền nhẹ nhàng đi ra, đóng cửa lại.
Ngày hôm sau cô gái nhận được thư bố. Bố cô tỏ ý tiếc là đã không thể có mặt trong lễ cưới của con gái yêu. Cuối thư, bác gửi lời chúc phúc cho con. Mrinmayi tìm gặp mẹ chồng, nói rằng cô cần phải đi thăm bố đẻ.
Cô gái liền bị la mắng: “Bố cô? Đi thăm bố cô, đòi hỏi gì vây? Ai biết bố cô ở đâu? Cô làm thế nào mà đi đến đấy được?”
Mrinmayi thất vọng, trở về buồng riêng, đóng cửa lại và trong cơn buồn tủi luôn miệng nói : “Bố ơi, bố mang con đi xa khỏi nơi này. Ở đây không có ai yêu con hết. Nếu cứ ở nhà này mãi con sẽ chết mất”.
Nửa đêm, đợi khi chồng ngủ say, cô khẽ mở cửa không một tiếng động và ra khỏi nhà. Trời vẩn mây, nhưng trăng đủ sáng để soi rõ mọi lối đi. Song Mrinmayi hoàn toàn không biết đi đường nào để đến được với bố, cô vẫn tưởng con đường mà người phu trạm vẫn đi hẳn sẽ dẫn đến chỗ ở của tất cả mọi người trên thế giới này. Cho nên, cô cứ theo ngả ấy cất bước, đi mãi đến lúc mệt nhoài thì đêm hầu như đã tàn.
Khi Mrinmayi tới đầu đường, gần bờ sông, nơi có cái chợ to, thì bầy chim dậy sớm đã cất tiếng hót líu lo chào ánh ban mai. Giữa lúc ấy, nghe thấy tiếng vòng sắt do bác phu trạm lắc kêu leng keng cô liền chạy bổ lại phía bác, giọng mệt mỏi, năn nỉ nói to : “Cháu muốn đi đến chỗ bố cháu ở Kusigan. Bác đưa cháu đi với.” Bác phu trạm vội vã trả lời là bác không biết Kusigan ở đâu và tức thì đánh thức người lái chiếc thuyền chở thư rồi nhảy xuống. Bác không có thời giờ để thương hại hay để hỏi lại cô bé.
Trong lúc đó, Mrinmayi đi xuống mấy bậc bến đò gọi một chiếc thuyền. Lúc này, chợ và bờ sông đã rất nhộn nhịp. Người lái thuyền chưa kịp đáp lại thì đã có ai đó ở trong một con thuyền đậu gần đấy gọi to : “Ơ này, cô Mrinu, làm thế nào mà cô đến tận đây được?”. Cô mừng rỡ trả lời người nhận ra mình : “Bác Banomali, cháu phải đến chỗ bố cháu ở Kusigan, bác làm ơn chở cháu đến đấy với”.
Bác lái thuyền này là người làng và biết rõ Mrinmayi với cái tính cách kỳ quặc của cô. Bác ta bảo : “Cháu muốn đi đến chỗ bố cháu ư? Được, bác sẽ chở cháu đến đấy”.
Cô bé liền nhảy xuống thuyền. Trên trời, mây mỗi lúc một dày đặc, mưa trút xuống như thác đổ. Nước sông dâng to bởi những trận mưa lớn và gió mùa làm con thuyền tròng trành mạnh. Mrinmayi quấn mình trong tấm xari, và cô gái hiếu động ngủ thiếp đi như một đứa trẻ con, rất bình tĩnh, được thiên nhiên nâng niu cô ngủ trong thuyền như trong một cái nôi.
Lúc tỉnh dậyMrinmayi lại thấy mình nằm trên giường của chính mình trong nhà chồng. Vừa thấy cô bắt đầu thức giấc, người ở gái bắt đầu cự nự. Sau đó bà mẹ chồng đến. Lúc bà bước vào cô gái mở to mắt lặng lẽ nhìn bà. Nhưng bà vừa đả động đến cách giáo dục bậy bạ của gia đình cô thì Mrinmayi liền chạy bổ ra ngoài, vào gian bên cạnh, khoá trái cửa lại. Apơcbô đến gặp mẹ và nói : “Thưa mẹ, con thấy để cho Mrinmayi đi thăm bố vài ngày cũng chẳng sao”.
Bà mẹ mắng anh rất thậm tệ về tội đã chọn con tiểu yêu thần nanh mỏ đỏ này trong số biết bao nhiêu cô gái khác anh có thể lấy làm vợ. Hôm ấy trời mưa, dông nổi ngoài trời và cả trong lòng nhiều người.
Nửa đêm, Apơcbô đánh thức Mrinmayi dậy và bảo : “Mrinu, em có sẵn sàng đi thăm bố không?” Cô bé cầm lấy tay anh và nói : “Có”. Apơcbô thì thầm: “Vậy em đi theo anh, chúng ta cùng trốn khỏi nhà này. Anh đã chuẩn bị một cái thuyền sẵn sàng ở bến. Đi nào”.
Cô đưa mắt đầy lòng biết ơn nhìn chồng, đứng dậy, mặc quần áo và chỉ một lát sau đã sẵn sàng.
Apơcbô viết một bức thư để lại cho mẹ, đoạn cả hai người tay nắm tay rời khỏi nhà.
Họ đi dọc đường làng vắng lặng trong đêm khuya. Đây là lần đầu tiên Mrinmayi đặt tay vào tay chồng với ý thức nương tựa rất tự nhiên, và niềm vui trong trái tim cô qua sự tiếp xúc êm dịu ấy truyền sang trái tim chồng.
Ra đến bến hai người bước xuống chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn và mặc dầu trong lòng rạo rực phấn khích, Mrinmayi lăn ra ngủ ngay. Nhưng hôm sau, cái cảm giác được tự do mới thú vị làm sao, ôi niềm vui khó nói nên lời! Họ đi qua nhiều làng, nhiều chợ, những cánh đồng đã trồng cấy, những tốt thuyền bè bỏ neo, cắm sào đậu gần những bến có bậc thang dẫn xuống nước. Cô gái dồn dập hỏi chồng về từng chi tiết gặp trên đường đi. “Những con thuyền này từ đâu tới?”, “Những thuyền ấy chở gì?”, “Cái làng này tên gì?” … Biết bao nhiêu câu hỏi mà lời giải đáp lại không có trong những cuốn sách Apơcbô học ở trường. Bạn bè anh hẳn sẽ thấy tức cười nếu nghe thấy những câu anh trả lời không phải bao giờ cũng khớp với thực tế. Anh không hề ngập ngừng gọi ngay những hạt đay đựng trong bao tải là hạt vừng, gọi làng Râinya là Pôtbia và chỉ vào toà án huyện, bảo là văn phòng của ông lãnh chúa địa phương. Apơcbô trả lời thế nào thì Mrinmayi cũng tin ngày không một chút nghi ngờ.
Hôm sau thuyền tới Kusigan. Bác Itxhan đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu ở cạnh bàn giấy trong túp lều le lói ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu hình vuông. Bác đang mải mốt tính toán, quyển sổ để mở trên cái bàn con trước mặt thì hai vợ chồng trẻ bước vào.
Lập tức, Mrinmayi gọi to: “Bố!”
Tiếng ấy thốt lên bằng một giọng ngọt ngào đến thế, trước nay chưa từng vang lên dưới mái tôn này. Bác Itxhan khó khăn lắm mới cầm được nước mắt, ngồi đấy sững sờ, không tìm được lời nào để mừng đôi trẻ. Con gái bác cùng chồng nó hiện ra trước bác như một nàng công chúa và một ông hoàng; giữa đám bao tải gai này bác biết kiểm đâu ra cái ngai cho phù hợp với họ.
Rồi lại còn cơm nước ra sao? Con người tội nghiệp này xưa nay vẫn phải nấu nướng lấy, bữa ăn đạm bạc thường chỉ có cơm và rau muống. Chả lẽ đãi các vị khách quý như thế sao? Mrinmayi nói: “Bố ơi, cả ba bố con ta cùng làm bếp”, Apơcbô cũng hăng hái xắn tay cùng làm. Thế là trong túp lều nhỏ bé, chật chội, thiếu tiện nghi này niềm vui của họ nảy sinh từ cảnh nghèo nàn, eo hẹp, như một tia giếng phun, miệng càng nhỏ càng vọt lên cao gấp bội.
Ba ngày trôi qua như vậy. Tàu bè đậu ở bến suốt ngày với đám người ồn ào; nhưng tối đến bờ sông trở nên vắng vẻ, và như vậy là tự do. Mấy cha con chuẩn bị bữa tối, trong khi nghệ thuật nấu nướng thì chưa đạt đến trình độ hoàn hảo. Thật vui biết mấy! Nào bông đùa, nào vờ cãi cọ về những thiếu sót giả định, cứ nhộn nhạo cả lên. Tất cả những cái đó thực ngớ ngẩn và dễ thương!
Nhưng mọi sự đều có lúc kết thúc, Apơcbô không dám kéo dài đợt nghỉ. Mrinmayi năn nỉ đòi ở lại thêm ít lâu nhưng bác Itxhan cũng thấy hai vợ chồng nên trở về thì hơn.
Hôm từ biệt, bác ôm con gái và một tay đặt lên đầu con, bác dặn: “Con phải hiền hậu, mang lại hạnh phúc cho gia đình mới của con. Đừng để ai có điều gì chê trách, dù là nhỏ nhất về con Minu của bố”.
Vậy là Mrinmayi cùng chồng trở về, cô khóc hết nước mắt, còn bác Itxhan quay lại túp lều nhỏ bé, buồn gấp đôi trước và ngày qua ngày, tháng qua tháng, bác tiếp tục làm công việc đếm các bao tải tàu bè chở đến.
Khi hai cô cậu trốn nhà đã trở về, bà mẹ lặng thinh, vẻ hờn dỗi. Bà không hề mắng cả hai lấy một câu về việc họ đã làm, thành thử họ cũng không có dịp thanh minhg hành vi của mình. Cái im lặng u ám ấy, cuối cùng, trở nên không sao chịu nổi, cho nên một hôm Apơcbô nói là trường sắp khai giảng và tỏ ý muốn trở lại học tiếp khoa luật. Bà mẹ làm ra vẻ thờ ơ, hỏi anh định thu xếp cho vợ như thế nào.
Anh đáp: “Nhà con sẽ ở lại đây”.
“Không, không”, bà mẹ kêu lên “Anh phải mang nó đi theo”.
Apơcbô tuy rất bực mình nhưng vẫn làm theo ý mẹ. Họ chuẩn bị lên đường ra tỉnh, nhưng tối hôm trước khi đi, lúc sắp ngủ, anh thấy Mrinmayi mắt đẫm lệ. Anh cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm và kêu lên : “Cô không muốn đi Cancơta với tôi ư?”, “Vâng” Mrinmayi đáp lại. Anh bèn hỏi: “Thế em không yêu anh à?”, nhưng cô gái không trả lời gì cả. Có những lúc trả lời những câu hỏi như vậy thực tế rất đơn giản, nhưng có lúc chúng lại quá phức tạp, khiến một người trẻ như cô bé không trả lời được.
Apơcbô gặng hỏi: “Hay em không muốn bỏ Rakan lại một mình?”, cô liền đáp “Đúng thế”. Trong một thoáng, chàng trai vốn rất hãnh diện với cái bằng tú tài của mình cảm thấy mũi nhọn của ghen tuông cắm sâu vào tim. Anh nói thêm : “Anh sẽ còn lâu lắm mới về được nhà”. Mrinmayi lặng thinh không đáp. “Hai năm, có thể hơn”, anh nói tiếp. Cô bèn lạnh lùng bảo: “Lúc về anh nhớ mang cho Rakan con dao nhíp ba lưỡi nhé”.
Apơcbô ngồi xuống giường và hỏi : “Em muốn nói là em sẽ ở lại đây phải không?”, “Không”, cô gái đáp “Tôi sẽ về bên nhà mẹ tôi”.
Apơcbô thở dài nói: “Thôi được. Anh sẽ không trở về nhà chừng nào em chưa viết thư gọi anh đến với em. Như vậy em bằng lòng chứ?”
Mrinmayi nghĩ câu đó không đáng trả lời, cô lăn ra ngủ. Về phần Apơcbô cả đêm đó anh không sao chợp mắt được. Ánh trăng trải xuống giường và giữa đêm khuya, chàng trai nhìn vợ trong vùng sáng đó. Anh tưởng như có ai đã dùng chiếc đũa thần bằng bạc phù phép cho nàng công chúa của anh ngủ thiếp đi. Anh chỉ cần chạm chiếc đũa vàng vào nàng để đánh thức và lấy nàng làm vợ. Chiếc đũa bạc là tiếng cười, chiếc đũa vàng là những giọt nước mắt.
Cô dâu bé nhỏ – Tagore
Trời gần sáng, Apơcbô đánh thức Mrinmayi dậy và bảo: “Đã đến giờ đi rồi. Để anh đưa em về bên mẹ”. Khi cô vợ trẻ đứng dậy, Apơcbô cầm lấy hai tay vợ nói: “Anh xin em một điều này. Anh đã giúp em nhiều lần, bây giờ anh đòi thưởng công đây”. Cô bé rất đỗi ngạc nhiên hỏi: “Thưởng gì?”. “Em hãy thưởng cho anh một cái hôn đích thực của tình yêu”. Khi nghe lời yêu cầu kỳ lạ ấy và nhìn gương mặt chồng rất nghiêm trang, Mrinmayi phá lên cười. Cô chìa mặt ra để hôn nhưng rồi lại bật cười. Sau mấy lần thử nữa cô gái tiếp tục cười và giấu mặt sau vạt xari.
Apơcbô khẽ véo vào tai vợ gọi là phạt rồi đi đến một quyết định cứng rắn. Anh không muốn giành bất cứ cái gì bằng vũ lực, như vậy nhục nhã quá. Anh không muốn chìa tay ra lấy mà muốn người ta tự nguyện dâng đến cho anh như dâng lễ vật trước một vị thần.
Mrinmayi không cười nữa. Apơcbô đưa vợ về nhà mẹ đẻ của cô vào lúc tảng sáng trên con đường vắng ngắt. Trở về nhà anh nói với mẹ: “Con nghĩ đưa vợ theo ra Cancơta sẽ chỉ vướng víu cho việc học hành mà nhà con cũng không có bạn. Vì mẹ không muốn để vợ con ở đây nên con đã đưa sang bên ngoại”.
Hai mẹ con chia tay đều không bằng lòng nhau.
Khi Mrinmayi về ở nhà mẹ, cô thấy tất cả giờ đây đã khác hẳn với những gì còn giữ lại trong ký ức. Như thể tất cả đã thay đổi. Dường như thời gian không hề trôi. “Làm gì đây? Đi đâu? Đến thăm những ai?” cô không biết nghĩ ra sao nữa.
Thốt nhiên, cô gái thấy ngôi nhà và cả làng nữa vắng tanh vắng ngắt. Cứ như là có nhật thực giữa trưa. Mrinmayi không thể hiểu điều gì đã xảy ra và muốn đi Cancơta ngay hôm đó. Cô bé không biết rằng trong cái đêm cuối cùng ấy, quãng đời quá khứ non trẻ của cô, cái cô cứ níu lấy, đã thay đổi dạng vẻ mà cô không hay. Giờ đây, Mrinmayi có thể dễ dàng rũ bỏ đi những kỷ niệm như cái cây trút lá khô.
Trong truyền thuyết có câu chuyện về một người thợ đúc khí giới lão luyện, có thể làm những thanh gươm sắc đến nỗi người bị chặt đôi vẫn không hay biết, nhưng khi lắc mạnh, hai phần thân sẽ rời ra. Giờ đây, do một cái lắc mạnh, hai mảnh cuộc đời cô đã rời ra khỏi nhau và cô bé vừa ngạc nhiên vừa buồn.
Cô gái trước kia cũng ở trong căn phòng cũ kỹ của ngôi nhà này nay không còn nữa. Tất cả những hồi ức của cô bây giờ lảng vảng quanh một ngôi nhà khác, một căn phòng khác, một cái giường khác.
Người ta không gặp Mrinmayi ở ngoài nhà, người ta không nghe thấy tiếng cô cười. Rakan cũng thấy sợ vì giờ đây cô không thiết đến các trò chơi nữa.
Một hôm, cô tìm đến mẹ đẻ và nói với bà: “Mẹ ơi, xin mẹ đưa con trở lại nhà mẹ chồng con”.
Về phần bà mẹ chồng cũng thấy não lòng mỗi khi nhớ lại gương mặt buồn bã của con trai lúc ra đi. Giận mẹ lắm, nó đã để vợ ở bên ngoại, ý nghĩ đó khiến bà khổ tâm.
Cho nên, một buổi sáng, khi thấy Mrinmayi lại phía bà, cúi người, trán chạm vào chân bà để chào, thì bà rất ngạc nhiên. Bà mẹ chồng liền nâng con dâu dậy, ôm vào lòng, nước mắt rưng rưng. Trong một lúc hai mẹ con hoàn toàn hoà hợp. Bà ngỡ ngàng nhìn mặt con dâu. Cô đã thay đổi hẳn. Một sự thay đổi như vậy không phải diễn ra ở tất cả mọi người. Phải có sức mạnh bên trong rất lớn mới chuyển biến như vậy được.
Trước đây, bà mẹ chồng đã định lần lượt sửa dần những thói quen xấu của Mrinmayi. Nhưng một nhà cải tạo vô hình, bằng một phương sách bí mật và ngắn gọn, đã cho cô gái một cuộc đầu thai mới.
Giờ đây, cô bé hiểu tấm lòng mẹ chồng và bà cũng hiểu con dâu. Hai mẹ con gắn bó không rời nhau như hai cành trên cùng một cây.
Khi bản năng phụ nữ hiền dịu, sâu sắc, rộng lớn đã nhập vào thể xác và tâm hồn Mrinmayi, cô cảm thấy đau.
Như đám mây tháng tám đầy nước mưa, một thứ oán giận mênh mông đầy nước mắt dâng lên trong lòng cô gái. Nỗi oán giận ấy còn rủ xuống một bóng tối dầy đặc hơn lên cặp mắt cô vốn đã u tối sẵn. Trong tâm trí Mrinmayi nói với chồng: “Chính em cũng không hiểu em? Tại sao anh lại không trừng phạt em? Tại sao anh lại không bắt em phải làm theo ý muốn của anh? Khi em từ chối không đến Cancơta, tại sao anh lại không buộc em phải vâng lời? Tại sao anh lại nghe theo em? Tại sao anh đã chấp thuận cho em ở lại đây? Tại sao anh đã nhượng bộ em?”
Cô nhớ lại cái hồi con đường nhỏ, mặt trời ban mai và đôi mắt nhìn sâu thẳm của Apơcbô buổi sáng hôm ấy, khi anh nắm tay cô ở gần chỗ cái ao làng, rồi khi anh nhìn vào mặt cô không nói năng gì. Thốt nhiên, Mrinmayi hiểu ra ý nghĩa của tất cả những cái đó. Và sau đấy là chuyện cái hôn. Cái hôn ấy, sau khi đã đến sát gần mặt Apơcbô, lại rút ra xa. Cái hôn dở dang đó ở trong cô như một con chim khát nước bay về phía một ốc đảo, nhưng cơn khát vẫn còn ở đấy. T hỉnh thoảng cô lại nghĩ thầm: “Nếu ta xử sự khác đi, hẳn mọi sự đã khác đi”.
Về phần Apơcbô, anh thấy buồn khi nghĩ Mrinmayi đã không hiểu anh. Và Mrinmayi hôm nay tự hỏi anh đang nghĩ gì về cô. Cô gái buồn vì vừa tiếc vừa xấu hổ. Apơcbô chỉ biết ở cô một cô bé ngốc dại, tính khí bất thường, tai ác, chứ không phải là một người phụ nữ có thể thoả mãn tất cả nỗi thèm khát yêu thương ở anh với chất mật nhuỵ từ đáy tim cô. Cái gối là người bạn tâm sự để cô giãi bày tất cả những gì cô muốn nói với anh Apơcbô. Tình trạng đó kéo dài mấy ngày.
Rồi Mrinmayi chợt nhớ ra là Apơcbô đã nói là sẽ chưa trở về chừng nào cô chưa viết thư cho anh. Cô liền vào buồng đóng chặt cửa lại, ngồi viết một bức thư. Cô bé lấy ở hộp ra một tờ giấy màu, có mép thiếp vàng và hết sức cẩn thận bắt đầu viết, nét bút vụng về, chữ to chữ nhỏ, mực giây đầy ngón tay. Cô đi thẳng vào vấn đề không hề mào đầu cũng không ghi địa chỉ Apơcbô. Cô gái viết: “Tại sao anh không viết thư cho em? Anh có khoẻ không? Em xin anh hãy về nhà đi”.
Mrinmayi không thể nghĩ thêm được được gì để nói. Tuy tin quan trọng đã viết rồi, nhưng trong xã hội con người phải tinh luyện tư duy của mình hơn nữa, do đó cô cố vắt óc nghĩ để viết thêm mấy câu vào những điều cô đã viết: “Lần này anh nhớ phải viết thư cho em và cho em biết sức khoẻ của anh ra sao. Anh về nhé. Mẹ rất khoẻ và các chú em cũng vậy. Con bò cái đen nhà ta đêm hôm qua đẻ một con bê”. Và với tất cả tấm lòng yêu thương cô nắn nót đề tên anh: “Srijukhu Babu Apơcbô Krixna Roy”. Cô gái không biết là còn phải viết thêm nữa mới trọn vẹn địa chỉ. Tuy cô đã viết bức thư với tất cả tấm lòng yêu thương, các dòng chữ vẫn không được thẳng, vẫn nhiều chữ sai chính tả. Mrinmayi gọi một đứa ở gái nhờ bỏ thư hộ vì sợ bà mẹ chồng hay một người khác phát hiện ra. Khỏi phải nói là lá thư của cô không bao giờ tới tay người nhận và Apơcbô đã không trở về nhà.
Dạo này là kỳ nghỉ hè, bà mẹ nghĩ con trai không về vì nó giận bà. Mrinmayi cũng nghĩ anh giận cô và lấy làm xấu hổ vì bức thư cô viết vụng về quá. Cô gái như bị một mũi tên xuyên qua người khi nghĩ rằng bức thư nọ tẻ nhạt quá, trong đó chẳng nói gì hết, rằng cô chưa diễn đạt được ý của mình, rằng đọc thư Apơcbô hẳn sẽ càng coi cô như đứa trẻ con và sẽ chẳng thèm đoái hoài đến. Vì thế, cô bé luôn luôn hỏi người đầy tớ gái xem nó có thực sự bỏ lá thư vào thùng cho không. Để cô yên tâm, đứa ở gái bảo rằng chính tay nó đã bỏ bức thư vào thùng ở trạm bưu điện và ông chủ nó đã nhận được thư từ lâu. Một hôm, bà mẹ chồng bảo con dâu: “Apơcbô vắng nhà lâu quá, mẹ muốn đi Cancơta để thăm nó. Con có muốn đi với mẹ không?” Mrinmayi sốt sắng gật đầu đồng ý, rồi chạy về buồng đóng cửa lại. Cô buông mình xuống giường, ôm chặt cái gối vào ngực và thả sức cho niềm phấn khởi trào tuôn vừa cười khanh khách vừa múa lên vì mừng rỡ. Dứt cơn vui cô trở nên nghiêm trang và buồn, ngồi trên giường lặng lẽ khóc. Không báo trước cho Apơcbô biết, hai mẹ con đầy hối hận đi Cancơta để xin lỗi anh. Bà có một chàng rể ở Cancơta nên bà đến ở nhà anh ta. Cũng chiều ấy, Apơcbô bởi lời tự hứa với mình viết thư cho Mrinmayi. Nhưng anh không nghĩ ra được những lời lẽ yêu thương khả dĩ nói lên tình yêu của mình và đâm buồn vì cảm thấy tiếng mẹ đẻ có phần nghèo nàn. Chính lúc đó, anh nhận được mấy chữ của người anh rể: “Mẹ vừa ra, cậu đến ngay ăn cơm chiều. Mọi sự đều tốt đẹp”. Mặc dầu có mấy chữ cuối trấn an Apơcbô vẫn cảm giác sờ sợ, anh vội vã đến nhà chị gái ngay. Gặp mẹ đầu tiên anh hỏi là cả nhà có khoẻ mạnh không? Bà mẹ nói cả nhà đều khoẻ mạnh và bà ra đây để đưa anh về thăm nhà. Apơcbô nói anh nghĩ cũng không cần thiết phải mất công như vậy vì anh đang sắp phải thi luật. Lúc ăn, chị gái hỏi tại sao khi trở lại Cancơta anh đã không đưa vợ cùng ra. Lần này nữa, Apơcbô cũng lại bắt đầu với vẻ hơi trịnh trọng về những kỳ thi anh phải lo chuẩn bị, nhưng người anh rể mỉm cười ngắt lời: “Tất cả những cái đó chỉ là viện cớ, còn lý do thực là cậu ấy ngại vợ chồng mình đấy”. Người chị đáp: “Anh quả thực là một con người bộ dạng dễ sợ, cô bé tội nghiệp ấy mà trông thấy anh khéo chết ngất đi được”. Những tiếng cười, những câu nói đùa cứ vậy tiếp diễn nhưng Apơcbô rầu rầu và lặng lẽ. Anh trách thầm mẹ đã không nghĩ đến chuyện đem Mrinmayi đi theo. Rồi anh nghĩ có lẽ bà cũng đã rủ nhưng không được vì cô khăng khăng không chịu. Thành thử Apơcbô sợ không dám hỏi mẹ. Tất cả cuộc sống con người và tất cả vũ trụ anh thấy dường như đầy những sai lầm. Ăn xong, trời bắt đầu mưa, chị anh bảo: “Đêm nay, cậu sẽ ngủ lại đây”. Apơcbô đáp: “Không, em cần phải về nhà, em có việc phải làm”. Anh rể xen vào: “Cậu có việc gì phải làm ban đêm này? Ở đó có ai để quở trách cậu đi vắng đâu, vậy cậu không việc gì mà phải lo ngại”. Người chị gái bảo nom anh có vẻ mệt, nên tốt hơn là cứ đi ngủ trước, để mặc mọi người. Sau nhiều lần chị gặng ép, Apơcbô bất đắc dĩ phải nhận lời. Anh lên buồng, thấy bên trong tối om, người chị nói: “Gió vừa thổi tắt đèn”. Chị hỏi anh có muốn thắp đèn lại không. Apơcbô bảo thích để tối thế hơn. Khi người chị gái quay xuống, anh mò mẫm đi tới giường, chuẩn bị lên nằm. Thốt nhiên, hai cánh tay êm ái với tiếng vòng xuyến lạnh tanh ôm quàng lấy cổ anh và một đôi môi dịu dàng như hai cánh hoa làm anh gần như nghẹt thở với những cái hôn đẫm nước mắt. Thoạt đầu, Apơcbô rất đỗi ngạc nhiên, nhưng sau đó anh hiểu ra rằng những cái hôn đó ngày trước bị tiếng cười chặn đường, giờ đây đã theo nước mắt đến được với anh.
Tác giả: Tagore – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *