Truyện ngắn được viết với giọng văn mộc mạc, chân chất đúng phong vị người nông dân Nam Bộ. Câu chuyện buồn vui nhiều cảm xúc của người phụ nữ tên Sáu Cam gắn bó với mảnh vườn của mình. Mở đầu truyện ngắn là câu hỏi “bán hay không bán”. Câu hỏi trong lòng nhân vật Sáu Cam có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của không ít người nông dân trước đổi thay của cuộc sống. Trong hoàn cảnh lao động vất vả chăm bón cả năm mà lại gặp điệp khúc “được mùa mất giá” thì không ít người đã đã bán mảnh vườn cha ông để lại hoặc nhiều năm gây dựng để thay đổi cuộc đời. Nhưng bà Sáu Cam đã không làm như vậy. Dù mọi người đều khuyên nên bán khu vườn đi, làm thuê, làm mướn, buôn bán cho đỡ cực nhưng bà vẫn giữ khu vườn của mình. Trải qua mấy năm cơ cực khi trái cây mất giá thì bà Sáu Cam cũng thu hoạch hoa thơm trái ngọt. Bà Sáu Cam không còn bán hoa quả cho thương lái mà thực hiện mô hình kinh doanh vườn cây ăn trái theo kiểu “bán bụng”. Việc thay đổi phương thức kinh doanh giúp vườn cây của bà mang lại lợi ích kinh thế gấp nhiều lần. Vườn cây của bà trở thành địa điểm dụ lịch, vui chơi nghỉ ngơi của rất đông khách. Ước mơ có một căn nhà mới của bà Sáu Cam đã trở thành hiện thực. Lồng ghép trong câu chuyện giữ đất, giữ vườn của nhân vật bà Sáu Cam, chúng ta thấy cuộc sống của người nông dân Nam Bộ trước tác động kinh tế thị trường. Nhiều người nông dân bán mảnh vườn, mảnh ruộng nhiều năm gắn bó thay đổi nghề, thanh niên cũng không làm ruộng, làm vườn mà làm công nhân trong các khu công nghiệp. Vườn cây ăn trái cũng thay đổi phương thức kinh doanh sao cho hiệu quả. Nhiều đổi thay đã diễn ra nhưng có lẽ tình người, tình đời của những con người chất phác thì luôn được lưu giữ. Tình cảm hàng xóm láng giềng giữa Bà Sáu Cam với ông Tư Bận hay tình cảm mẹ con của nhân vật Sáu Cam tuy được miêu tả giản dị nhưng ấm áp tình thân. Nhân vật tuy chỉ là người nông dân lam lũ nhưng tốt bụng, trọng tình trọng nghĩa thật đáng mến. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu được phần nào những đổi thay của làng quê Việt Nam thời hội nhập kinh tế thị trường. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu Sáu Cam. Hễ đêm nằm xuống là câu hỏi cứ xoáy trong đầu, nhưng sáng ra nhìn vườn cây Sáu Cam lại thôi ý định. Cứ như vậy, suốt mấy mùa rồi, cái nhà tuềnh toàng vẫn chưa thay được cái nóc, cái nền đất mỗi mùa mưa nước ngập ngụa lênh láng cũng chưa lót được tấm gạch tàu.
“Bán hay không bán?”. Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu Sáu Cam. Hễ đêm nằm xuống là câu hỏi cứ xoáy trong đầu, nhưng sáng ra nhìn vườn cây Sáu Cam lại thôi ý định. Cứ như vậy, suốt mấy mùa rồi, cái nhà tuềnh toàng vẫn chưa thay được cái nóc, cái nền đất mỗi mùa mưa nước ngập ngụa lênh láng cũng chưa lót được tấm gạch tàu.
Vườn cây trái Sáu Cam sạch đến nỗi muốn tìm một cọng cỏ cũng khó. Cây trái mùa nào cũng xum xuê nhưng cái điệp khúc được mùa mất giá của thương lái thì năm nào cũng y vậy. Ở xóm Đình heo hút này người ta bán đất, bán vườn lên đường mua đất cất nhà, cất quán buôn bán gần hết, chỉ còn có mình Sáu Cam cặm cụi chăm bón, tỉa trồng. Dân tình thấy Sáu Cam vất vả cứ bàn tới, nói lui, xui Sáu Cam bán đất lên đường ở. Họ nói làm nông thời giờ càng làm càng khổ, thú điền viên giờ là trào lưu của người thành phố.
Tối qua mơ, Sáu Cam thấy Tư Thêm về. Tư Thêm nói Sáu Cam đừng bán mảnh vườn…
***
Tư Thêm – chồng Sáu Cam về với đất tính ra cũng đã hai chục mùa sầu riêng. Tư Thêm chết vì bệnh xơ gan cổ trướng. Người đời hay nói câu ba mốt bước qua, ba ba bước lại rõ đúng không sai. Nhiều khi ngồi nghĩ lại hồi ba mốt của mình, Sáu Cam còn rùng mình, tưởng như lúc đó không cách nào vượt qua nổi.
Lúc đó khổ quá, có bữa Sáu Cam đâm nghĩ quẩn, tính lôi ba đứa con ra sông Hàm Luông nhảy xuống cho xong. Xóm làng thấy Sáu Cam một mình một nách ba đứa con thơ dại bèn xúi, biểu Sáu Cam coi ai được được chấp nối đại cái cho nhà có “cột”, có “nóc”, để mà chèo chống qua cơn khổ. Lao đao, lận đận khổ sở vậy mà vèo cái cũng qua mười mấy năm, cuối cùng người ta thấy Sáu Cam vẫn một mình với ba đứa con lớn tổng ngổng tồng ngồng hồi nào hổng hay.
Hồi đó, cũng có lúc đàn ông trong xóm, có người cũng tới lui kiếm chuyện sửa dùm cái mái nhà, hốt phụ cái mương nước rồi dèm dèm buông lời bóng gió với Sáu Cam. Nhưng hễ thấy ai có tình ý thì Sáu Cam thẳng tưng: “Tui nguyện rồi, khổ cách mấy tui cũng sống vậy cho trọn tình, trọn nghĩa với Tư Thêm. Tui tình thiệt để mấy anh khỏi dông dài tốn thời gian mất công, rồi mai mốt mất tình cảm xóm giềng”.
Năm đó, đám giỗ bà Ba Lục, Tư Bận về Bến Tre sau một năm bỏ xứ lên Bình Dương lập nghiệp. Gặp Sáu Cam, chẳng những không trả lại hai chỉ vàng đã mượn hồi năm nào như đã hứa mà Tư Bận còn biểu vầy: “Mấy chỉ vàng tui mượn của cô Sáu hồi năm đó giờ nằm hết trong miếng đất. Tui định lên đó mần kiếm tiền sắm về trả lại cô, chứ có dè đâu mới vừa chân ướt, chân ráo lên đó mấy đứa nhỏ rủ nhau vô xí nghiệp mần hết, bỏ mình tui với miếng đất cỏ rác mênh mông.
Hồi tui mua miếng đất bảy chỉ vàng, trong đó có của cô mày hai chỉ. Giờ tui tính, hay cô lên đó tui chia miếng đất ra làm hai, tui một nửa, cô mày một nửa, hai chị em cùng mần, đến chừng nào có dư thì cô mày đưa tui thêm một chỉ. Tui tính vậy, cô mày về bàn với tụi nhỏ coi thấy được thì qua đám giỗ theo tui lên đó luôn một thể”.
Đám giỗ về dọc đường Sáu Cam suy nghĩ. Con Hai lấy chồng thì ở bên nhà chồng rồi, còn thằng Được với con Út Đậu. Ba má con mấy năm nay cứ loay hoay với miếng ruộng chỗ này, mỗi năm mần được hai, ba vụ lúa. Thằng Được vừa làm ruộng vừa đi hái dừa mướn bữa đực, bữa cái. Bữa nào không ai kêu đi bẻ dừa thì vác bình bọng đi chích cá để đỡ tiền chợ được bữa nào hay bữa nấy.
Con Đậu thì làm nghề dệt chiếu thuê, công việc cũng tạm bợ qua ngày. Sống chỗ này không khá nhưng tính ra cũng không đến nỗi khổ, chỉ có điều miếng đất tỉa trồng không đã tay mà nghe Tư Bận nói đất trên đó bỏ không nghe thấy tiếc.
Sáu Cam nghĩ hay là cứ theo lời Tư Bận, ba mẹ con cứ lên đó thử một phen, được thì ở không thì về coi như một chuyến đi chơi. Mồ mả ông bà với Tư Thêm và miếng ruộng dưới này giao cho vợ chồng con gái Hai coi sóc, lâu lâu về. Còn mấy chỉ vàng lận lưng tính sửa cái nhà trước mùa mưa hay là mang lên dựng một cái chỗ ở tạm trên đó.
Sáu Cam nghĩ Tư Bận tính thấy cũng hợp tình hợp lý, chứ đất mua rồi mà bỏ không trên đó thì phí quá. Đâu chứ Bình Dương thì thiếu gì người ở xứ này dắt díu nhau lên đó lập nghiệp. Tối đó, Sáu Cam kêu thằng Được với con Đậu lại bàn tính rồi ba má con quyết định đi một cái rụp. Năm đó, Sáu Cam chẵn tròn năm mươi, thằng Được hai mươi hai, con Út Đậu thì mười chín tuổi lẻ.
Tư Bận với Sáu Cam là xóm làng lâu năm chứ tính ra cũng chẳng bà con, họ hàng gì với nhau. Vậy mà người của hai gia đình từ đó giờ gần gũi, thân tình như ruột thịt. Chẳng là một năm trước đó, một dịp Tư Bận lên Bình Dương ăn giỗ nhà một người bà con ở chợ Cũ, Tân An.
Nghe thiên hạ bàn tán qua lại với nhau xứ này giá đất ruộng, đất vườn đang rẻ, chừng mấy chỉ vàng cũng mua được miếng đất rộng cả chục ngàn mét vuông. Là dân trồng trọt, nghe đất rẻ thì ham, nên Tư Bận quyết định nán lại chơi thêm vài bữa. Hôm sau, Tư Bận nhờ thằng cháu chở đi tìm coi đất. Một ngày chạy lòng vòng ba, bốn xã ở Bến Cát, Tư Bận quyết định mua miếng đất triền thoải ở cuối con đường dẫn ra ruộng, nằm sát con rạch ở xóm đình Bến Liễu.
Miếng đất cỏ mọc cao lút đầu người, bỏ hoang đã nhiều năm. Nghe đâu người chủ miếng đất đã dọn nhà lên đường buôn bán gần ngã tư chợ. Chủ miếng đất kêu bán bảy chỉ vàng không bớt. Thấy vừa ý nên Tư Bận hất vạt áo, thò tay gỡ kim gút miệng túi quần lấy ra hai chỉ vàng đặt cọc liền. Hai chỉ vàng còn mới tinh, bóng loáng mà Tư Bận sắm được hồi thu hoạch vụ đông xuân cùng lúc với Sáu Cam. Kiểu giữ của của người quê coi vậy mà tiện. Đi xa, gần cũng mang theo “tài sản” khư khư bên mình. Dạo đó, Tư Bận cũng đâu có nghĩ mang theo vàng là để chồng cọc mua đất!
Đặt cọc đất xong, bữa sau về quê Tư Bận gom của ba người con được thêm ba chỉ, còn thiếu hai chỉ Tư Bận qua nhà Sáu Cam hỏi mượn. Sáu Cam xuống bếp lôi mấy chỉ vàng cất trong lon sữa bò, nhét tuốt trong hốc gạc-măng-giê đưa cho Tư Bận. Lần đó Tư Bận cũng rủ Sáu Cam lên Bình Dương lập vườn trồng trọt nhưng Sáu Cam không tính đi.
Lúc đó Sáu Cam nghĩ ở đây làm ruộng, lên đó làm vườn, kiểu gì thì cũng là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì ở dưới này làm chứ mắc gì lên đó cho xa xôi, mất công. Vậy rồi năm đó cả nhà Tư Bận dắt díu nhau lên Bình Dương lập nghiệp. Hẹn sang năm về quê sẽ trả lại mấy chỉ vàng đã mượn của Sáu Cam. Vậy mà hồi về thì không có được phân vàng nào để trả.
Quyết định chớp nhoáng vậy rồi sau bữa đám giỗ bà Ba Lục, ba mẹ con Sáu Cam đùm túm theo Tư Bận làm cuộc di cư lên miền Đông. Miếng đất chẵn một héc- ta Tư Bận mua năm trước được phân ra làm hai để “cấn nợ”. Ranh giới là một rảnh mương vừa y cái sải chân người lớn.
Vừa lên Bình Dương được hơn tuần lễ thì thằng Ròm, con Tư Bận rủ thằng Được lên Mỹ Phước đi làm xí nghiệp gỗ. Ròm nói với thằng Được ở đây đi làm xí nghiệp kiếm tiền nhanh hơn, chứ mà cắm mặt vô miếng đất đầy cỏ đó biết chừng nào mới có tiền. Đi làm tới tháng lãnh lương có tiền mua gạo, mua mắm. Đất thì để đó cho hai bà già với con Đậu nhổ được cọng cỏ nào hay cọng cỏ đó, từ từ rồi hẵng tính.
Được nghe thằng Ròm nói chí lý nên Được theo lên Mỹ Phước làm xí nghiệp. Với lại Được cũng khoái mần thứ gì mới mới, lạ lạ, chứ từ đó giờ toàn loanh quanh chuyện ruộng vườn riết rồi giờ lên đây kêu làm nữa nó nghe cũng ngán. Mà nghe làm tới tháng lãnh lương được cọc tiền thì càng ham, chứ ở dưới quê từ đó, đi bẻ dừa ngày nào thì được trả công ngày đó, mỗi lần cầm được có mấy chục ngàn đồng bạc chứ có khi nào biết đến tiền triệu. Mà miếng đất để đó thì còn đó chứ có mất đi đâu mà lo.
Từ bữa Được theo thằng Ròm, dân xóm đình thấy hai mẹ con Sáu Cam ngày nào cũng còng lưng, lui cui dọn dẹp thửa đất thì bàn. Họ nói dân tình ở đây ngán làm nông nên mới bán đất đi chỗ khác, còn má con Sáu Cam ở xứ mô tê nào tới đây lại nhào vô cho khổ. Hai má con Sáu Cam mặc thiên hạ nói ra nói vô, ngày nào cũng trùm nón áo, xắn quần ra vườn phát cỏ, xắn mương.
Út Đậu ở nhà phụ Sáu Cam được vài tháng thì cũng “bon chen” đi làm xí nghiệp may. Nó lý lẽ với Sáu Cam rằng người trẻ ở xứ này đâu thấy ai đi làm ruộng làm nương nữa mà biểu nó phải làm. Chẳng thà để nó đi mần xí nghiệp tới tháng lãnh lương đem tiền về thấy còn nhanh hơn cuốc đất, trồng cây rồi ngồi chờ hái trái. Mà đến hồi có trái nó lại sợ nghe cái điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa của mấy tay thương lái lắm!
Nói tiếng trước, tiếng sau vậy rồi Út Đậu phủi rẹt hai cái lai quần đi vô xí nghiệp làm thiệt. Vừa vặn đúng một năm sau thì đi lấy chồng luôn. Hai vợ chồng Út Đậu làm cùng xí nghiệp may. Hôm Út Đậu về nhà chồng, Sáu Cam không có một phân vàng trong túi cho con làm của hồi môn. Gia đình bên chồng con Đậu được cái không nề hà, họ biểu chỉ cần cưới được con dâu tánh nết hiền lành là đủ. Đám cưới xong Út Đậu ở luôn bên nhà chồng.
Út Đậu lấy chồng được chừng nửa năm thì thằng Được cũng dắt “ghệ” về ra mắt Sáu Cam, “ghệ” Được cũng là người miền Tây, làm khâu chà nhám trong xưởng gỗ. Mười con người của hai gia đình Sáu Cam với Tư Bận xúm xít ăn chung bữa cơm đạm bạc rồi “ghệ ” Được thành người trong gia đình. Sau bữa cơm ra mắt, vợ chồng Được dắt nhau lên Mỹ Phước thuê nhà trọ sống. Vậy là coi như thằng Được với con Út Đậu yên bề gia thất. Còn lại mình Sáu Cam trong căn nhà lá tạm bợ, tuềnh toàng với miếng đất hơn một năm vẫn chưa thấy ra hồn ra vía…
Mỗi kỳ lãnh lương về thăm nhà, vợ chồng Được với Út Đậu cũng phụ trợ cho Sáu Cam tiền gạo, mắm, thuốc men. Vậy nhưng nhiều năm người ta vẫn thấy Sáu Cam sống chật vật. Đến nỗi mỗi khi ra chợ, bà Năm thịt heo chỉ cần nhìn thấy mặt Sáu Cam là lia dao cắt một phát mười ngàn… da heo mà khỏi chờ Sáu Cam lên tiếng! Mười ngàn bạc da heo, Sáu Cam luộc chấm nước mắm ăn được ba ngày cơm chứ đâu có ít.
Lần nào Tư Bận qua nhà thấy Sáu Cam ăn uống thiếu thốn cũng lằng nhằng. Nói riết không được, bữa Tư Bận canh ngày cuối tuần, vợ chồng thằng Được, con Đậu về, qua méc: “Mai mốt tụi bây về, coi thứ gì ngon ngon thì mua về cho bả ăn, chứ bây đừng cho tiền bả nữa. Bây đưa nhiêu tiền bả cũng ” đập” vô vườn cây chứ đâu có dám mua thứ gì ăn đâu. Một tháng ba mươi ngày tao thấy bả toàn cơm với da heo chấm mắm, bữa nào sang lắm thì mới mua được cái đầu gà nấu canh chua đó”.
Mấy bận vợ chồng Được với Út Đậu cho tiền, Sáu Cam tính mua mấy tấm tôn để lợp lại cái nóc nhà cho đỡ dột, rồi kêu thợ hồ tới tráng cái nền xi măng cho sạch sẽ, nhưng tính tới tính lui mấy bận rốt cuộc rồi nhiều năm người ta vẫn thấy Sáu Cam sống trong cái nhà rách nát.
Mùa khô thấy Sáu Cam đã te tua, khổ sở vậy rồi tới mùa mưa thấy Sáu Cam còn tả tơi hơn nữa. Trong nhà ngoài sân gì cũng như nhau, cứ hễ mưa xuống là sình bùn chèm nhẹp, nước lênh láng. Cũng tại Sáu Cam nghĩ ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu, nên tiền con cái cho Sáu Cam bao nhiêu cũng thành phân tro đổ hết vô mảnh vườn. Lúc thêm cây giống, lúc kéo phân cút, phân bò, tro trấu, diêm, urê…
Sáu Cam lập vườn cây nhưng sống nhờ vào công việc khác. Là vì nhiều bữa người ta thấy Sáu Cam cắp thúng men theo mấy bờ mương, con rạch ven sông Thị Tính để bẻ rau móp, hái đọt choại về bỏ mối cho mấy người ngoài chợ.
Thứ Bảy, Chủ nhật thì thấy Sáu Cam đi rửa chén thuê ở mấy chỗ đám tiệc kiếm thêm tiền. Tiền kiếm được Sáu Cam để đong gạo nuôi mình và mua phân bón để “bồi bổ ” cho vườn cây. Mà xóm làng nói đúng chứ cũng đâu có sai, kiếm được đồng nào Sáu Cam đùn hết xuống… đất! Cứ vậy mà biểu Sáu Cam không khổ triền miên từ năm này sang năm khác sao được.
Miếng đất bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc cao lút đầu người qua bàn tay cần mẫn của Sáu Cam sau năm năm đã thấy ra hồn ra vía. Nửa héc ta đất được Sáu Cam lên luống trồng mấy loại cây ăn trái như dâu, chôm chôm, xoài, mít…Vườn cây bắt đầu cho trái chín cũng là lúc có trộm rình ngó. Có bữa, mới buổi chiều còn nhìn mấy trái xoài lủng lẳng thì sáng ra đã bị vặt mất toi. Sáu Cam bực mình quyết bắt cho được thằng ăn trộm. Mà Sáu Cam có kiểu bắt trộm vui nhất xóm. Dân xóm Đình vui miệng cứ nhắc hoài chuyện Sáu Cam bắt thằng trộm xoài.
Chuyện là bữa tối đó, linh tính thằng ăn trộm sẽ vô vườn cây nên Sáu Cam xách đèn pin đi mai phục. Rình chừng được mười lăm thấy có bóng người đi từ ngoài ruộng vô tới con rạch bắt qua vườn cây nhảy vô. Sáu Cam ngồi dưới gốc dâu um tùm lá nghe tiếng xoài rớt bịch… bịch…
Thằng trộm lia đèn lên ngọn xoài chuẩn bị chọc đến phát thứ ba thì nghe tiếng người lảnh lót: ” Thôi, hái hai trái đủ nhậu rồi con, mai mốt muốn ăn xoài lại ban ngày nói Sáu bẻ cho, đừng có đi ban đêm rắn rết nguy hiểm nghen con!”. Sáu Cam dứt tiếng thì thằng trộm tắt phụt đèn pin, phóng ba bước ra khỏi vườn cây biến mất, quên luôn hai trái xoài xanh trên đám lá khô.
Đám con nít xóm Đình hay nhắc đi nhắc lại chuyện cái lần đi hái trộm chôm chôm vườn Sáu Cam. Bữa đó Sáu Cam đi đám giỗ xóm ngoài, về tới nghe đám con nít chí chóe sau chái nhà. Sáu Cam đi ra, tỉnh bơ: ” Tụi con tìm bịch ni lông đựng chôm chôm hả, để bà Sáu vô nhà lấy cho nhe…”. Đám trẻ trâu chưng hửng đứng ngó nhau, cứ tưởng cả đám sẽ bị bắt cột tay vô gốc cây, không cũng bị chửi một trận té tát chứ có đâu mà còn được bà Sáu cho bịch đựng chôm chôm ăn cắp đem về. Đã vậy bà Sáu còn dặn mai mốt muốn ăn trái chôm chôm cứ tới bà Sáu hái cho ăn…
Xóm Đình ai nghe chuyện Sáu Cam “xử” ăn trộm cũng tức cười. Họ biểu Sáu Cam nhân từ chứ gặp người khác là tụi trộm bị đập nhừ tử chứ chơi. Gì chứ trộm, cắp là phải oánh cho một trận nó mới bỏ tật. Người ta hỏi Sáu Cam sao tốt với tụi trộm thì Sáu Cam tỉnh queo: “Ui, con nít ở quê thì đứa nào mà không khoái cái món đi hái trộm trái cây nhà người khác. Mình tốt với nó thì nó không phá nữa, chứ chửi nó phá còn hơn. Hồi nhỏ tui cũng như tụi nó mà…”.
Tâm lý với tụi trộm vặt vậy nhưng thiệt bụng thì Sáu Cam nghĩ, cả vườn cây tụi nhỏ có hái chút đỉnh cũng có thấm tháp gì. Chẳng bằng thương lái vô trả rẻ bán cũng có được mấy đồng bạc. Mà con nít đứa nào hỏng khoái nhỏ nhẹ, vui vẻ với nó thì nói kiểu gì nó cũng nghe lời chứ mà chửi bới hay hù dọa nó phá còn bạo hơn. Bởi vậy cứ tới xóm Đình hỏi Sáu Cam là từ trẻ tới già ai cũng biết. Họ nói Sáu Cam hả? Bà đó một chữ bẻ đôi cũng không biết chứ cái tình thì đầy bụng !
Tư Bận thì ấm ức trong bụng chuyện Sáu Cam tiếp tay cho thằng trộm vác mất cuộn lưới rào B40. Số là bữa thấy vườn Sáu Cam bị trộm vô nên Tư Bận ra tiệm bán vật liệu ngoài ngã tư mua về một cuộn lưới rào B40 định khoanh rào miếng vườn lại. Ác thay, cuộn lưới mới mua về hôm trước sáng hôm sau đã biến mất.
Tư Bận tức tối nhảy mấy con mương qua nhà Sáu Cam để trút giận. Dè đâu nghe Sáu Cam kể chuyện chiều qua nhìn thấy một thằng thanh niên vác bó lưới rào ngang qua nhà. Lúc bước qua khúc cây bắc qua con mương thì thằng thanh niên bị trượt chân té. Sáu Cam nhìn thấy lật đật chạy ra đỡ lên phụ, còn hỏi thằng thanh niên vác kẽm rào đi đâu thì nghe thằng đó trả lời vác từ bên nhà ông chú về để rào chuồng nuôi gà… Vậy ra Sáu Cam tiếp tay cho thằng ăn trộm vác bó lưới rào B40 bên nhà Tư Bận mà hổng hề hay biết!
Mà cũng tại sống thiệt bụng kiểu người miền Tây nên Sáu Cam nhìn kẻ gian cũng như người bình thường. Mà chắc cũng nhờ sống rộng bụng nên đám trộm vặt không béng mảng tới vườn nhà Sáu Cam nữa. Đứa phá phách ngang tàng có tiếng nhất xóm như Hùng ngọng mà vô vườn Sáu Cam trộm xoài một lần mà còn không thấy quay lại lần hai. Dân xóm Đình thì than vãn cái xứ này giờ toàn dân nhập cư nên sinh phức tạp đủ thứ, nhà nào cũng mua lưới kéo rào lại. Chỉ có Sáu Cam thì tỉnh bơ để mảnh vườn tênh hênh tứ phía chứ không thèm rào chắn.
Mấy mùa trái chín, mùa nào ngang qua vườn cây nhà Sáu Cam nhìn cũng thấy đã mắt vì cây nào cây nấy trái đặc nghẹt từ gốc lên đến ngọn. Mà cũng mấy mùa dâu rồi, Sáu Cam dự định sẽ sửa lại cái nóc nhà, mấy mùa chôm chôm Sáu Cam định tráng cái nền nhà. Tính vậy nhưng đến hồi thương lái vô vườn coi thì kêu mua giá chỉ hai, ba ngàn đồng một ký. Khuya sớm thức dậy trèo hái, đóng bịch sẵn chờ thương lái tới cân xong Sáu Cam chỉ thu được hai, ba trăm ngàn bạc, cũng bằng như tiền công đi hái thuê. Đã vậy còn bị chê tới chê lui.
Có năm, Sáu Cam không thèm bán cho thương lái. Bốn giờ sáng, Sáu Cam thức dậy lọ mọ ra vườn trèo bẻ chôm chôm rồi sáng mang ra chợ ngồi bán. Bán được một ký khi tám ngàn, khi mười ngàn. Được đâu ba, bốn bữa thì chôm chôm chín rộ, mấy nhà vườn khác cũng hái rồi mang ra chợ. Vậy rồi đụng hàng nhau, kẻ chê mắc, người chê chôm chôm xấu, trả giá xuống cũng bằng giá thương lái vô mua tại vườn, mà hễ không bán thì qua bữa sau râu héo đen thui có đem cho người ta cũng không thèm…
Mùa trái cây năm nào, ai nhìn vườn cây cũng “quở” năm này Sáu Cam sẽ trúng mánh. Vườn cây năm nào cũng sai oằn vậy mà mùa nào người ta cũng thấy cái nhà rách nát Sáu Cam vẫn chưa sửa nổi. Sáu Cam cứ lần lựa hẹn từ năm này sang năm khác.
Bán được bao nhiêu Sáu Cam lại kéo phân tro đắp vô gốc. Coi như tiền bán trái Sáu Cam trả lại hết cho vườn cây. Bán rẻ chẳng bằng bỏ không, bao nhiêu mùa trái chín qua là bấy nhiêu mùa người ta thấy Sáu Cam hái trái cây mang đi biếu bà con khắp xóm làng. Sáu Cam nghĩ bán được nhiêu hay nhiêu, còn thì mang biếu xóm làng vậy mà có tình nghĩa…
Nhưng buồn là hễ mang trái cây tới biếu nhà nào Sáu Cam cũng nghe người ta xui bán quách cái vườn lên mặt đường mua miếng đất gần xí nghiệp, cất cái nhà cho đường hoàng để ở rồi mua xe nước mía bán cho công nhân ngày kiếm trăm ngàn bạc sống cho khỏe. Chứ mười mấy năm cứ bám vô cái vườn cây, tiền không có mua gạo nuôi thân mà hễ kiếm được đồng nào cũng đun hết xuống đất nuôi cây. Đến hồi có trái bán cũng chẳng được mấy đồng bạc, vậy mà cứ cắm mặt với đất, còng lưng với cây cỏ để làm gì.
Người ta còn tính dùm Sáu Cam rằng miếng đất hồi đó chia lại của Tư Bận có ba chỉ vàng giờ bán cũng được năm, bảy cây chứ đâu ít, vậy là lời lắm rồi bán đi chứ còn tiếc gì. Mặc thiên hạ kêu bán vườn, bán đất. Sáu Cam vẫn cứ ngày ngày cắp thúng ra sông, ra rạch hái rau móp, rau choại về bán. Ngày hái được chục ký rau móp Sáu Cam kiếm cũng được năm sáu chục ngàn. Bữa nay đi hướng này, mai Sáu Cam đi hướng khác…
Vậy rồi sau hơn mười năm làm chuyến di cư từ miền Tây lên miền Đông lập nghiệp, cuối cùng Sáu Cam được đưa thẳng vô… diện nghèo của xã. Tưởng Sáu Cam mừng ai dè người ta thấy Sáu Cam lội bộ một nước lên xã để xin… không nhận! Sáu Cam trình bày “hoàn cảnh” với cán bộ xã rằng mình còn sức lao động, ngày đi bẻ rau, rửa chén kiếm cũng được mấy chục ngàn đủ nuôi bản thân thì nhận tiền trợ cấp của nhà nước coi sao đặng. Thiên hạ người nói Sáu Cam nghèo mà có lòng tự trọng, kẻ thì nói Sáu Cam đã nghèo mà còn bày đặt chảnh! Trong khi người có điều kiện còn thèm muốn chết, tìm đủ cách để xin xỏ được vô hộ nghèo mà còn không được. Ai nói gì nói, Sáu Cam cứ một kiểu sống thiệt bụng như người miền Tây như tự nào giờ.
***
Tối qua, Sáu Cam lại thấy Tư Thêm về. Cũng như những giấc mơ lần trước, Tư Thêm nói Sáu Cam đừng bán mảnh vườn, nhưng lần này Tư Thêm còn nói, từ giờ Sáu Cam hết khổ rồi…
Vùng sâu, vùng xa nên ngày nghỉ đám công nhân nhà trọ chẳng biết đi đâu, bèn rủ nhau ra vườn cây nhà Sáu Cam. Ban đầu họ vô mua vài ký dâu, chôm chôm xách về phòng trọ ăn, lần sau đến họ xin ra vườn hái rồi “đặt vấn đề”… ăn bụng. Sáu Cam thỏa thuận “ăn” một bụng tính giá bằng một ký lô. Từ mười đến mười lăm ngàn đồng một bụng, điều kiện muốn ăn bao nhiêu thì ăn, nhưng không bẻ nhành cây, không vặt trái non là được! Khách thèm ăn xoài xanh Sáu Cam “khuyến mãi” chén nước mắm đường.
Khách nào đói bụng Sáu Cam nhóm củi nấu cơm, chiên cá khô bưng ra đãi. Trà đá, Sáu Cam đãi uống miễn phí vô tư. Khách mua về thì thoải mái cân ký hai, ký rưỡi tính tiền cũng như một ký! Từ một, hai nhóm công nhân ở trọ gần, thông tin vườn trái cây “bán bụng” của Sáu Cam được “loan truyền” nhanh chóng đến mấy khu công nghiệp xa hơn. Cứ chủ nhật là con đường đất ngoằn ngoèo dẫn ra vườn cây nhà Sáu Cam, khách đông như quân Nguyên.
Thời buổi công nghệ thông tin, mùa trái cây kế tiếp ” mô hình kinh doanh” vườn cây ăn trái theo kiểu ” bán bụng” của Sáu Cam được một tờ báo ở tận Sài Gòn tìm đến lấy hình ảnh, đưa tin. Năm đó vườn cây của Sáu Cam đón thêm một dòng khách mới đến từ thành phố. Cán bộ Sở Văn hóa Thông tin Du lịch đến để tận mục sở thị. Có người mang theo tờ báo để vừa đi vừa hỏi thăm đường. Họ bảo không quản ngại đường xa chỉ vì muốn được gần gũi, tận hưởng thiên nhiên. Họ bảo chủ yếu là muốn được trèo cây hái trái, muốn được cái đón tiếp nồng hậu chân tình của người miền quê, chứ ở thành phố thì trái cây có thiếu thứ gì…
Thiên hạ bàn tán vườn cây trái Lái Thiêu rộng lớn vậy mà khách còn thua xa khách đến vườn cây Sáu Cam. Rằng năm nào người dân An Thạnh, Hưng Định cũng dựng chòi, ráp kệ tổ chức lễ hội mùa trái cây um sùm để lôi kéo khách đến vườn vậy mà năm nào cũng thấy đìu hiu như năm nào. Còn mảnh vườn ở tận nơi heo hút của Sáu Cam khách nườm nượp.
Năm đó, Sáu Cam được xã tuyên dương. Suốt một tuần lễ, sáng nào người dân xóm Đình cũng nghe truyền thông xã đọc đi, đọc lại bài viết về Sáu Cam – hộ nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên từ mô hình kinh doanh vườn cây ăn trái, làm tiền đề cho những hộ dân khác tại địa phương hứng thú quay lại với công việc tỉa trồng sau nhiều năm bỏ đất đai hoang vu. Những nhà vườn lân cận như Tư Bận, Bảy Te, Mười Thỉnh bắt chước theo mô hình “bán bụng” của Sáu Cam, mở cửa cho khách vô vườn cây. Chủ vườn nào cũng hồ hởi, nói nhờ Sáu Cam miệt này giờ có lại sinh khí!
Giờ hễ cứ đến mùa trái cây tháng năm, là ngày nào điện thoại của Sáu Cam cũng réo inh ỏi. Khách gọi để hỏi thăm dâu chín chưa? chôm chôm chín chưa? có cho vô vườn chưa…? Mấy năm rồi, mỗi khi vườn trái cây chín rộ, chỉ cần qua hai, ba cái chủ nhật là vườn cây của Sáu Cam sạch sẽ không còn một trái. Người ta hay nghe Sáu Cam nói “bán bụng” kiểu này vừa sướng mà vừa vui muốn chết! Tình dân xóm Đình thì nói qua nói lại với nhau rằng: “Thương lái giờ là không có cửa bước vô vườn cây của Sáu Cam à nghen!”.
Tối qua Tư Thêm lại về. Giấc mơ Sáu Cam thấy chồng đứng nhìn căn nhà mới với nụ cười thiệt hiền…
LÊ NGỌC HẠNH