Bài nổi bật

Cỏ thơm găm gối tìm về – Thu Trân

Truyện đêm khuya – Chúng ta có vô tư quá không, có vô tình quá không khi chỉ biết tới cá nhân mình mà bàng quan với bao lặng thầm, hy sinh, nhẫn nhịn của người lính. Ngày họ trở về đã không được chào đón mà còn mắc phải trái ngang từ sự ích kỷ, hiếu thắng, lưu manh – thứ tội ác vốn đang tồn tại, đang ẩn nấp ở mọi ngả đường con phố. Ác mà không biết là mình đang ác thì hậu quả của nó rất nghiêm trọng, khó lường…

Đêm đầu tiên đặt chân về xứ sở, lòng Bình rộn lên những cảm giác lạ. Như được sinh ra lần thứ hai, anh nhìn lên trời sao nhấp nháy, trăng lưỡi liềm bàng bạc trôi. Nhớ bức tranh thằng bé đu trăng thuở nhỏ, Bình luôn luôn ước mình là nó, để được chu du khắp thế giới diệu kì. Trên mảnh trăng chênh vênh như chiếc thuyền cong cong ấy, anh cũng thấy một vì sao của mình. Vì sao chiếu mệnh hên xui. Mà thôi, hên xui gì, bây giờ Bình đã toàn vẹn trở về, trong khi hằng hà đồng đội anh còn nằm lại bên kia. Bình ngoái nhìn lại phía sau, hàng thốt nốt ngọn cao vút chỉa lên trời, vẫy vẫy lá như nói lời từ biệt.
Khi Bình đòi xuống xe đi bộ từ biên giới Tây Ninh, anh lái xe nhún vai lắc đầu: “Ý nghĩ chi kì cục vậy? Thiệt hết thuốc rồi, cha nội! Ừ thì cứ đi đi. Tui còn chút tiền Việt nè, cầm lấy mà xài. Đi đường cẩn thận nha!” Chiếc xe ào đi trong đám bụi đỏ mù. Những đồng đội ngồi phía sau xe vẫy tay nhìn anh cười buồn.
Bình bước đi thong dong trong chập chùng gió bụi. Đêm tháng tư vẫn nóng rát mặt người. Thị trấn biên giới vàng vọt những ánh đèn. Có tiếng mời chào:
– Ăn cháo khuya anh ơi, cháo khuya…
Bình cười hiền hòa:
– Tôi chỉ thèm tí cà phê thôi, chị có không?
Chị bán hàng cười đon đả:
– Lính K mới về phải không? Không bán cà phê, nhưng có cà phê, anh ngồi xuống đi, tui pha chiêu đãi.
Ngụm cà phê đầu tiên sau mấy năm dãi dầu súng đạn và cái chết khiến Bình tỉnh hẳn. Lúc này anh mới thong thả gỡ ba lô sau lưng xuống, rồi nhìn quanh quất:
– Có cái ghế nào cao cao không, chị?
Chị bán hàng nhanh nhảu:
– Anh để ba lô hả? Trên cái cột chỗ anh ngồi có cây đinh đó, treo nó lên cũng được mà.
– Thôi, tui ôm cũng được, dây ba lô mục hết rồi, treo lên nó sụm bà chè thì rách việc.
– Anh người đâu?
– Tui Đồng Nai.
– Qua bển lâu chưa?
– Bốn năm chớ mấy.
– Hên ha, được trở về vầy là hên rồi, có thương tích gì hông?
– Không, bạn tui hứng cho hết rồi.
Mồi điếu thuốc rít một hơi, khói thuốc làm lòng Bình lắng lại. Lao xao đời lính một dặm dài, đôi khi anh không định thần được thời gian không gian. Tai anh đến giờ vẫn ong ong. Tiếng súng ùng oàng suốt ngày đêm, làm sao mà toàn vẹn được. Đêm đầu tiên về đến quê nhà, gặp người mau mắn lẹ làng như chị bán cháo khuya này, Bình cảm thấy như một điềm lành. Nhấp hết ngụm cà phê còn váng vất dưới đáy li, anh chậm rãi đứng lên:
– Cảm ơn chị rất nhiều. À, nhà mình có toilet không chị?
– Toilet là gì, anh?
– Là… nhà vệ sinh đó.
– À, không. Bên kia đường tối thui, anh cứ qua bển mần. Đờn ông con trai đâu có đứng lên ngồi xuống như đờn bà đâu mà ngại ngần.
Bình mỉm cười thay câu từ chối làm cái việc theo lời chỉ dẫn, cám ơn và chào chị chủ quán bước đi. Được mấy bước chân, Bình đã nghe từ những bàn nhậu trong quán tiếng hằm hè:
– Đ.M, lính tráng mà bày đặt toilet!
Bình quay lại, nhìn lướt qua thằng râu xồm xoàm vừa phát ngôn. Thôi kệ, không thèm chấp. Anh muốn giữ vẹn nguyên cảm giác miên man của người lính vừa rời cuộc chiến. Xốc ba lô lên vai và bước tiếp, ánh đèn vàng vọt của thị trấn biên giới buồn hiu hắt rải dài theo anh.
– Ê, thằng kia, mày nhìn ai láo vậy! Bộ tưởng ở bển về ngon hả? Chết mẹ nghe con!
Quá điên, Bình xoay người lại tung một cước vào ngực thằng râu ria xồm xoàm cố chạy theo anh gây hấn. Nó kêu hự lên một tiếng, người loạng choạng, nhưng đã kịp lấy lại thăng bằng. Và phản công. Hai người quần nhau rát rạt. Thằng râu ria có võ nên đấm anh cú nào như trời giáng cú đó. Bình không có võ, nhưng được cái lì đòn của thằng lính trận chín phần chết một phần sống nên xoay xở kiên cường. Sau những cú dính đòn đau, đã mấy lần Bình điên tiết đưa tay sờ túi quần có khẩu súng ngắn mà anh cố tình giấu lại để phòng thân, nhưng rồi lại thôi. Lại đánh nhau huỳnh huỵch. Đám đông ăn nhậu với thằng râu ria xồm xoàm cũng đứng lên. Khi thấy đôi bên cân sức, tất cả chỉ khoanh tay đứng nhìn. Được dăm phút, một làn sáng quét ngang. Công an thị trấn. Đám đông giải tán. Cả hai bị đưa về đồn.
Minh họa: Phạm Minh Hải
Sau khi công an hỏi han hai bên vài điều, thằng râu ria xồm xoàm được cho về. Bình bị yêu cầu ở lại viết tường trình.
– Tui chẳng có gì phải tường trình. Thằng ấy kiếm chuyện gây hấn trước với tui.
Người công an trực nghiêm giọng:
– Nhưng anh không phải người địa phương, đang đêm đang hôm, chúng tôi cần biết rõ anh!
– Tui là lính trung đoàn pháo binh, chiến đấu ở mặt trận…
– À, bển về hả, hèn gì…
– Hèn gì sao?
Biết mình lỡ lời, người công an lảng đi:
– Anh có giấy tờ gì chứng minh là lính không?
– Không, tan tác hết rồi, tui chỉ còn cái ba lô với vài vật dụng cá nhân. Anh muốn gì về đơn vị tui mà hỏi!
– Vật dụng cá nhân mà cái ba lô to đùng vậy hả, có hốt vàng của dân không cha?
– Qua bển mà hốt lựu đạn!
– Thôi được rồi, lính vùng chiến sự mới về nhìn biết liền. Bây giờ anh ngủ lại đồn, sáng mai đi, hay bây giờ đi tiếp?
– Tui đi tiếp!
– Ừ, thôi chiều, chúc thượng lộ bình an!
“Công thần mới về đã đánh lộn.” Bước ra khỏi cồng đồn, Bình nghe tiếng người công an lầm bầm. Thôi kệ, kệ nhiều lần đi, cho bình an.
Bình đi qua những xóm làng dằng dặc bóng cây, anh vươn vai hít thở khí trời dễ chịu. Thỉnh thoảng có tiếng chó sủa ran. Bình cảm thấy thanh bình lạ. Mấy năm rồi Bình chỉ toàn nghe tiếng súng.
Đi được một đỗi, nghe thèm thuốc, Bình dừng lại bên một căn chòi trống ven đường, chừng là nơi người ta bán hàng vặt ban ngày. Bình ngồi bệt xuống, thả lỏng người và đốt thuốc. Lim dim tựa đầu vào cột chòi, Bình nghe tiếng ai đó gọi mình. Cho tao hút với, tao lạnh! Giọng thằng Cang. Bình đốt một điếu thuốc cắm vào vách chòi. Hút đi cha nội, mày là đứa ghiền thuốc nhứt đám đó, tập cai thuốc từ từ đi, ung thư phổi thì…, ụa, mà mày chết rồi mà. Tiếng cười cà hước cà hước láu cá của Cang cũng đều đều vang lên. Tao nữa. Giọng thằng Tường. Bình cười, mày cũng hút à. Định nói thêm điều gì đó, nhưng thôi, anh sợ bạn mình đau, dẫu nó cũng đã ra người thiên cổ. Trong trận bị tấn công bất ngờ đó, Tường hi sinh, mặt nát bét, không còn nhìn ra nhân dạng. Bình nhận nó về chôn chung với Cang và Tiến ở góc vườn thốt nốt nhờ một hàng nốt ruồi son dưới ngực. Tường vẫn khoe bạn bè điều đó và bảo rằng số nó sẽ sang cho đến chết. Còn Tiến thì không nghe nói gì, thằng ít nói nhứt đám. Chắc mày cũng ngồi đâu đó với hai đứa kia phải không, ừ, nhớ phò hộ cho tao trở về bình an.
Gần như trong vô thức, từ ngày đầu tiên đánh trận cho đến trận lần thứ bao nhiêu không nhớ nữa, Bình và cánh lính của anh cứ âm âm dương dương như thế. Có nghe người chết nói thật, lúc rõ ràng lúc mơ hồ lúc cảm giác, nhưng cơ bản là bắt được cái nhịp sống nhịp chết của nhau và hiểu nhau đến tận đường tơ kẽ tóc. Khi nhận thức lại thì thấy dường như mơ. Nhưng có còn hơn không. Nơi sự sống và cái chết đan xen khốc liệt hàng ngày hàng giờ, người ta không chấp nhận sự mất đi, mà bắt buộc mọi thứ phải tồn tại, bất chấp ở hình thức nào. Để những người lính còn lại không phải khủng hoảng giữa chiến trường khói lửa mà trở thành những cái xác sống. Anh lính chiến trường nào ở K cũng đều quen tập tính âm dương đó, kể cả Bình, kể cả khi anh đã về đến nơi bình yên nhất, như đêm nay, trên đất nước mình. Nhún vai, thở một hơi dài, Bình móc túi áo, rút ra tấm giấy đôi học trò nhàu nát, lẩm nhẩm, cũng là một tập tính âm dương.
…Một ngày thảnh thơi hiếm có sau mùa chủ động tấn công ráo riết bọn Pol Pot, bốn đứa chung tiểu đội của Bình đã ngồi lại. Tiến viết chữ đẹp, nắn nót ghi địa chỉ nhà bốn đứa lên bốn tấm giấy đôi học trò rồi chia nhau ra. Đứa nào còn sống có nhiệm vụ về nhà mấy đứa chết báo tin và an ủi gia đình. Tráng sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng là đây. Phải thế thôi, đã vào đường sinh tử rồi, tiếc thân chỉ càng thêm nhục. Đời mà, ai chẳng một lần sống chết, tụi mình chết trong lửa đạn cho nó oai. Cang, trình độ sinh viên năm thứ hai, triết lí như thế. Đêm đó, bốn đứa yên tâm ôm nhau ngủ, dạt dào tin yêu rằng, sẽ có đứa còn sống về nhà báo tin mình chết.
Cái cảm giác trở về sau chiến tranh của Bình bềnh bồng lắm. Anh muốn mọi thứ lắng lại hơn, chậm hơn, sâu hơn, để biết chân mình chạm đất sau bao biến cố cuộc đời, nên chọn con đường đi bộ hàng trăm cây số về nhà, mà Bình nói đùa với anh lính lái xe là, muốn đi bộ để tìm cảm giác lạ. Cảm giác lạ cái khỉ gì, đôi chân mỏi nhừ, chưa kể vừa qua một trận tỉ thí dọc đường với thằng du côn. Nằm lăn ra nền chòi sặc mùi ẩm mốc, Bình xoay người ôm ba lô vào lòng, như hồi còn nhỏ ôm gối ôm vậy, cảm thấy yên tâm hơn.
Cảm giác bềnh bồng của Bình trôi trong nhập nhằng khói lửa, trôi trong máu của đồng đội và kẻ thù, trôi trong nhầy nhụa thịt xương người chết không trọn hình hài. Trôi và không bao giờ được quên. Bài học huyền nhiệm làm người, để biết hận thù, để biết yêu thương, để biết sẻ chia, mà không phải tuổi trẻ nào cũng được trải qua. Đó cũng là lí do Bình muốn nghiền ngẫm và níu giữ mọi thứ một cách thuần khiết trước khi giã từ áo lính. Anh muốn đẫm mình trong cảm giác lạ quen với chặng đường cuốc bộ hàng trăm cây số. Ít nhất là đêm cuối, cũng còn lại chút hơi huớm của cuộc chiến mà anh đã trải qua. Có lúc đứng giữa hoang tàn thịt xương sau chiến trận, Bình bỗng thấy ơ hờ tất cả và muốn đi tu. Nói ý này với ba thằng bạn thân, tụi nó cười phá lên. Thằng Cang nổ phát súng đầu tiên:
– Tu hú thì có! Bình, mày qua đây đâu phải để đánh Pol Pot, mà là muốn vượt biên sang Mĩ sống cho nó khỏe đời kìa.
Bình chống chế:
– Thì mới đầu cứ nghĩ vậy. Nhưng giờ tao chán đời lắm rồi! Ngày nào cũng thấy người chết chất chồng, còn thú gì nữa mà mơ sô cô la với xúc xích nữa bây ơi.
Mà thật, Cang nói đúng. Chẳng là mấy thằng đã tâm sự với nhau hết rồi. Sáng tâm sự sáng, sợ trưa không còn thấy mặt nhau. Trưa tâm sự trưa, sợ chiều có đứa đi theo ông bà ông vải. Chiều tâm sự chiều, sợ tối Pol Pot lẻn vô cắt bụp là không còn cái thủ cấp mà về ăn nói với mẹ cha. Thật tình, ai sao không biết, nhưng trường hợp Bình là cá nhân tình nguyện đi chiến trường K thật sự. Chẳng phải lí tưởng gì. Anh sang K là để tìm đường đi Thái, mong được “biên chế” vô trại tị nạn cho Mĩ nó vớt. Không phải một mình Bình có mục đích này, ít nhất vài người trong đại đội cũng thế. Ngày đẹp trời nhất trong số những ngày xấu trời lửa đạn, đại đội trưởng đã dắt cả đám ra hàng rào biên giới và bảo: “Đó, biên giới đó, các anh bò qua đi là tới thiên đường.” Nhìn đám mìn, lựu đạn treo gài dày đặc, thằng nào cũng lắc đầu le lưỡi. Thế là tan tành mộng đi Mĩ. Bình phải tập thích nghi với ý tưởng là lính chiến thứ thiệt vất vả hơn ba thằng bạn thân nhiều. Tụi nó đơn giản hơn Bình, chỉ mong mau kết thúc chiến tranh để về nước. Cang sẽ tiếp tục năm thứ ba sinh viên để trở thành kĩ sư chế tạo máy. Tường sẽ tiếp tục yêu con bồ đang học lớp mười hai mà đẻ chửa và đang nuôi con cho nó vò võ nơi quê nhà. Tiến sẽ học lái xe tải, thay ba nó gánh vác cái xe tải già hơn trái cà để nuôi tám miệng ăn cả nhà. Còn Bình, hết chiến tranh, về nước, anh sẽ làm gì. Chưa biết. Mộng đi Mĩ tan tành, thành ra chơi vơi. Cang bảo: “Tao sẽ tập cho mày yêu nước để khỏi chơi vơi! Sẽ bắt đầu bằng câu chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt cầm roi sắt đánh tan tác giặc Ân.” Bình bĩu môi: “Xưa rồi mày, muốn nghe tao kể chuyện Lê Lợi mười năm kháng chiến chống quân Minh hay vua Quang Trung ba lần đại phá quân Thanh không.” Tường reo lên: “Chết mày chưa, muỗi, chọc nhầm thằng giỏi sử.” Thế là bốn thằng quay nhau đấm thùm thụp, rồi xúm lại kể chuyện quê nhà, xúm nhau chăm sóc cái bệnh viêm xoang sụt sịt suốt ngày của Tiến. Cang lại lanh chanh nói gỡ: “Chăm sóc khỉ gì, bùm cái là xong hết.”
Lúc lỡ mồm lỡ miệng là lúc bốn thằng yêu nhau dạt dào bến nước. Thấy cuộc sống tày gang, không yêu nhau thì làm cái gì. Để có một ngày, Bình hân hoan báo cáo với cả nhà rằng, mình đã yêu nước. Tiến chất vấn bằng cái giọng nhà quê trớt trớt miệt Bình Dương lu gốm và heo đất: “Yêu nước là yêu cái gì, mày nói cụ thể tao nghe coi?” “À, cụ thể là, tao không thấy thích nước Mĩ nữa, mà chỉ thấy nhớ nhà, nhớ món bầu luộc chấm mắm nêm má hay làm vào những chiều mưa; nhớ mái trường xưa ê a giọng hát; nhớ cả con bồ mẹ trẻ con của thằng Tường nữa…” Cang ôm bụng cười ha ha: “Mày yêu nước gì khôn tổ mẹ vậy trời. À, mà này Tường, chừng đánh giặc xong về, mày bắt thằng nhóc ở bên nhà kêu ba đứa tao bằng ba luôn nha. Vậy là con mày có đến bốn ba lận, đã nha!” Xong, bốn thằng sẽ được kêu bằng ba lăn ra ngủ ngon lành. Có ai biết ai ngờ, trận đánh úp của Pol Pot sáng sớm hôm sau sẽ san bằng cứ điểm…
…Có tiếng động là lạ, Bình xoay người nghe ngóng. Trộm rình khách lữ hành phải không. Có gì đâu mà rình. Không vàng bạc chi hết nha, rình uổng công anh bạn à. Bình đánh tiếng. Lại sột soạt sột soạt. À không, chắc là bọn cắc ké thằn lằn đuổi nhau trên mái lá. Lại tiếng động là lạ. Có thích không, tui còn vài trăm ngàn lẻ thằng lính lái xe mới cho nè. Đó, tui liệng ra ngoài rồi đó, lượm lấy mà đi cho tui chợp mắt chút nha, cảm ơn nhiều…
…Trận đánh cướp mất ba thằng bạn thân của Bình cứ quay lại như phim. Nó dằn vặt, ám ảnh, thử thách anh bất kể ngày đêm. Đang đêm, giặc tấn công bất ngờ, đơn vị của Bình tổn thất lớn. Khi quân chi viện đến, xử đến thằng lính Pol Pot cuối cùng trong cứ điểm, cũng là lúc chiến trường đẫm máu. Cùng đồng đội làm công tác thu dọn tử thi, Bình dành phần góp nhặt ba thằng bạn. Anh chôn xếp hàng tụi nó bên mé rừng, dưới cây thốt nốt cao to nhất. Lấy mảnh pháo o lại cho láng, cắt tỉa gọn gàng, anh khắc tên ba đứa lên ba mảnh, rồi gắn lên gốc cây thốt nốt theo thứ tự chôn. Cang nằm giữa, bên trái là Tiến, bên phải Tường. Sau đó Bình còn ở lại chiến trường đến hai năm. Trên đầu mộ mỗi người, anh trồng một cây sim tím, như ngày xưa lúc rảnh rỗi, bốn đứa hay ngồi với nhau gõ thùng bập bùng hát bài Màu tím hoa sim. Khi ba cây sim bắt đầu ra hoa tím rịm cả một khoảng trời thì bộ đội Việt Nam được lệnh rút quân. Đêm trước hôm về nước, Bình bồn chồn quanh quẩn mấy gốc sim. Anh cứ thương thương nhớ nhớ cây như thương thương nhớ nhớ những ngày bốn đứa còn quấn quýt bên nhau. Cây đã có hồn tự bao giờ khi cây từ nấm đất bạn lớn lên…
…Miên man như thế mà Bình quên mất tiếng sột soạt sột soạt vẫn tiếp diễn. Rồi, vụt cái, chiếc ba lô trong lòng Bình bị giật biến. Anh chồm dậy như điện. Bóng đen chạy chấp chới dưới ánh trăng nhờ nhờ giữa hai rặng tre dày đặc hai bên. Chó sủa ran xóm làng. Bình vừa tri hô vừa phóng người đuổi theo. Tóm được cổ áo tên cướp từ phía sau, Bình giật mạnh. Nó té bật ngửa xuống nền đất đá lổm chổm đường làng và nằm im bất động. Bình vội vàng nhặt lại chiếc ba lô, cũng là lúc đội dân phòng, công an kịp đến. Người ta lại lập biên bản về anh lần thứ hai, nhưng lần này không phải là gây rối trật tự công cộng, mà là vô ý gây chết người. Phải, cú giật quá mạnh làm tên cướp ngã đập gáy xuống đường…
*
*    *
Bình bị tòa án quân sự buộc tội vô ý gây chết người. Luật sư cho biết, tình tiết giảm nhẹ tội cho Bình rất nhiều ở cái khoản anh bị cướp. Nhưng dù gì đi nữa, gây chết người vẫn là có tội.
Ngày Bình ra tòa cũng không có gì xôn xao. Một vụ vô ý gây chết người do bị cướp là bình thường, thậm chí rất bình thường ở quy mô nhỏ. Ngoài thành phần tố tụng, phiên tòa chỉ có thêm ba má Bình. Hai ông bà đến dự trên tinh thần rất hân hoan. Gặp gỡ trước cổng tòa án, thư kí phiên tòa hỏi má Bình:
– Ủa, thiệt sự là lâu lắm rồi, bác chưa gặp bị cáo sao?
Má Bình ngớ ra:
– Bị cáo nào?
– Con trai bác ấy!
– À, nó đang là bị cáo à, thôi kệ, ở tù trả nợ đi rồi về với mẹ cha. Cô biết không, lâu lắm rồi, không nghe tin tức gì về nó, tưởng nó chết, nhà lập bàn thờ rồi. May quá, nhận được cái giấy mời về dự tòa này, tui với ổng mừng như mơ. Giờ tù tội sao cũng được, miễn con tui còn sống trở về là quá mừng cô à.
Phiên tòa diễn ra rất chóng vánh. Vì người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm thứ nhất của vụ cướp thì đã chết, đã nằm sâu dưới hai mét đất, cho nên tòa cũng không cần quan tâm tài sản bị cướp có đáng giá hay không. Bị cáo, cũng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm thứ hai trong vụ cướp đã thành khẩn nhận hết tội, không chối cãi một li nào, chỉ hơi tự biện minh chút xíu ở cái phần nói tại mình vô ý kéo mạnh tay quá.
Đến lúc được nói lời cuối cùng trước khi nghe tuyên án, bị cáo mới lôi mọi thứ trong ba lô ra. Một cái áo may ô đã ngả màu cháo lòng, hai cái quần xà lỏn cũ rì cũ rích, một cái khăn rách tả tơi không còn là khăn nữa, cục xà bông trầm xài còn mỏng dính khô cong như con dao cạo, chỉ có bàn chải đánh răng là còn mới cáu. Má của bị cáo nhìn con trai trâng trâng, nước mắt lã chã rơi. Ba của bị cáo quay mặt nhìn ra sân tòa mênh mông vắng lặng dưới những tán phượng rực hồng, tiếng ve kêu ran ran đầu hè nghe buốt lòng buốt dạ. Mắt cô thư kí tòa ầng ậc nước. Phiên tòa im lặng dễ sợ, một con ruồi bay qua cũng nghe tiếng đập cánh. Tận đáy ba lô là một bọc nhựa to gồm ba gói nhỏ được buộc giằng lại với nhau bằng những dây những nhợ. Hai tay run run ôm chiếc bọc bềnh bồng, bị cáo im lặng một giây rồi nói nghẹn ngào:
– Thưa quý tòa, cho tui được phép gửi lại cái bọc này cho ba má tui đem về. Đây là hài cốt của ba thằng bạn thân cùng sống cùng chết với tui ở chiến trường, dù muốn dù không, nghĩa tử là nghĩa tận, tui không đem được hài cốt tụi nó về giao tận nhà, thì… ba má…
Bị cáo quay sang hai đấng sinh thành đang ôm nhau sụt sùi ở hàng ghế bên cạnh:
– Thưa ba má, con có lỗi với ba má nhiều, có lỗi với ba thằng bạn của con nhiều khi không đi đến nơi về đến chốn. Con gửi mấy gói hài cốt bạn con cho ba má, ba má đem bạn con về quê tụi nó giùm. Đứa Sài Gòn, đứa Bình Dương, đứa Phan Thiết. Địa chỉ nhà tụi nó con có ghi kèm theo hết ở đây rồi. Không được giao hài cốt này cho ai nghe ba má, phải đưa tận tay cha mẹ tụi nó, tụi con đã hứa với nhau như vậy rồi. Được vậy, con mới yên tâm mà thọ án…
Đến lúc này thì không kiềm lòng được nữa, cô thư kí tòa ôm mặt khóc rưng rức. Bất chấp luật lệ của tòa án, ba má bị cáo chạy ào đến ôm lấy con mà khóc hu hu. Người mẹ sờ tay nắn chân vuốt mặt con trai như thể bà vừa hạ sinh nó lần thứ hai. Hai người lính cảnh vệ giữ trật tự phiên tòa giãn ra, họ đứng khoanh tay hai bên phòng xử, cúi đầu như mặc niệm. Vị luật sư đưa tay nới lỏng cravat liên tục. Hội đồng xét xử ngồi im như hóa đá. Chỉ có cánh quạt trần trên cao quay đều quay đều quay đều…
*
*     *
Nghĩa trang biên giới chiều vắng lặng thênh thang. Những đám mây đùn đẩy trên cao chiếu vợi vời tia sáng ngũ sắc cuối ngày khiến cảnh vật càng thêm hư ảo. Gã râu ria xồm xoàm ôm bó nhang cháy ngun ngút đứng khấn trước một ngôi mộ cỏ đã xanh rì:
– Tẻn, mày bỏ qua cho tao nha. Dù gì thì cũng cố gắng siêu thoát nha. Mày là thằng nghe theo, tội ít. Tao là thằng xúi mày ăn cướp, tội mới nhiều. Chỉ vì căm ghét cái thằng lính chiến cà nghinh cà bật đó thôi. Mẹ, ngó cái bộ tưởng không võ vẽ gì mà đấm cú nào đau thấu ông trời cú đó. Mẹ, tưởng nó qua Miên hốt vàng trong ba lô đem về mới giữ khư khư thấy ghét vậy, ai dè hài cốt bạn nó không hà mày ơi. Mà nghĩ đi nghĩ lại thấy bủn rủn quá. Mày chôm hài cốt bạn bè nó chạy phăm phăm vậy, cho nên chết là phải rồi. Thôi, phần số mày đến đây là hết, đừng giận tao nha Tẻn. Có gì mai mốt tao xuống dưới nói chuyện sau. Giờ tao hứa, để chuộc lỗi, năm nào cũng cúng giỗ mày ha, hai hay ba xị đế Gò Đen gì đó nha. Mà nè, hôm qua nghe kêu án rồi. Nó bị một năm tù treo, hai năm thử thách nha mậy, thôi vậy cũng được đi. Nguyên do là tại tụi mình hết Tẻn à, dưng không gây sự với con người ta mần chi…
Tháng 3/2017
Tác giả: Thu Trân – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *