Bài nổi bật

Con gà rừng

RadioVn.Com – Lần thứ bao nhiêu không thể nhớ được, tôi xuống chuyến ô tô buýt và thong thả đi tới phố Félix Mottl, rồi xuôi dọc xuống tận công viên Thổ Nhĩ Kỳ phía dưới.Không phải đầu óc lão già gần bảy mươi lẫn cẫn không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần qua đây. Nói đúng ra, không ai muốn nhớ lại những lần mình tháo chạy khỏi cuộc đối mặt với lòng hổ thẹn. Hay hớm gì mà nhớ. Con phố nhỏ dẫu rất yên tĩnh nhưng nó đã như một thách thức, một sự trừng phạt và luôn đẩy tôi tới nơi này cùng nỗi đau đớn khôn tả. Hãn hữu một đôi lần bàn chân tự động đưa dắt không chủ định, như thể chỉ để tôi được nhìn tòa nhà khiêm nhường vẫn nằm giữa phố, lá cờ đỏ sao vàng vẫn treo trước cửa: sứ quán Việt Nam!
Nhiều năm qua sống giữa thành phố Viên, một khung trời thơ mộng tựa miền cổ tích, tôi ngỡ đã ru ngủ được mảnh tâm hồn khốn khổ. Thật ảo tưởng. Nó là con thú sống ngoài ý muốn của ta. Thuở thanh xuân tâm hồn ấy giống vườn địa đàng đầy hoa thơm trái ngọt tình yêu, mảnh đất được Chúa ban phép lành. Rồi vườn thiêng biến thành nơi chiến địa ác liệt giữa thiên thần với quỷ dữ trong cuộc mưu sinh. Cuối cùng giờ đây những lão già tuổi tôi chỉ còn lại mảnh tâm hồn khô cằn sỏi đá, hoang vu, đến chim bay qua cũng không buồn ỉa xuống. Rồi cứ thế nó dần chìm vào bóng tối lạnh lẽo cõi vĩnh hằng.
Tuy vậy nằm ẩn đâu đó trong con người ta lại có một khối ung nhọt giống ngọn núi lửa đang âm ỉ. Không biết lúc nào nó giở quẻ, sẵn sàng bùng nổ hủy diệt anh. Hạnh phúc thay người nào chung sống hòa bình được với nó tới tận giây phút nhắm mắt lìa đời.
Suốt dọc đường tới phố Félix Mottl tôi thường dành cho mình những suy nghĩ miên man, triết lý vặt lẩm cẩm như thế. Hoặc giả tôi để mặc kỷ niệm tha hồ ùa về. Những ngày thanh bình bên dòng sông Cầu, mẹ thắt lưng bó mạ cắm cúi tát nước thửa ruộng tôi đang bừa vỡ. Khuôn mặt tươi rói của Huệ khi em gánh cơm ra đồng cho bố. Em chạy sang kín đáo dúi vào tay tôi đùm khoai luộc. Lòng tôi rướn bay theo gót chân em. Trời lồng lộng trên đầu xanh thẳm…
Một tối lượn lờ qua ngõ nhà em, tôi nghe tiếng em hát lảnh lót với những ứ hự, ối a khiến tôi mê mẩn. Đứng nấp nghe bên bờ giậu cúc tần tới tận khi trăng đứng đỉnh đầu tôi mới về. Đúng là con gái đất Quan Họ…
Được đơn vị cho về phép một tuần cưới vợ trước khi hành quân vào chiến trường B, nào tôi đã kịp quen hơi bén tiếng em đâu. Ấn tượng duy nhất đêm tân hôn suốt đời chập chờn trong tôi là thân hình đầy đặn như ngọc chuốt, ướp mùi thơm hương nhu nồng nàn của em. Mấy ngày trăng mật, tôi tự nhủ lòng hãy uống cho thật đầy đủ tình yêu em hiến dâng tôi, đủ cho cả cuộc chiến tranh xa cách trước mặt. Ai biết cuộc chiến tranh ấy với tôi lại kéo dài tới tận bây giờ!
Con gà rừng
 
Tôi thường kết thúc cuộc hành hương về miền kỷ niệm ở công viên Thổ Nhĩ Kỳ cuối phố. Công viên đầy bóng lá rợp mát. Mùa hè ở Viên cũng tựa mùa thu Việt Nam, hôm nay có gió se lạnh. Thoảng mùi nước hoa nhẹ nhàng của một cặp trai gái đi dạo. Ngồi trên cái ghế gỗ, tôi ngắm những con thiên nga bơi nhởn nhơ dưới nước xanh ngắt. Những con thiên nga không có kỷ niệm! Kiếp sau xin chớ làm người, cụ Nguyễn Công Trứ đã nói vậy.Nhắm mắt lại, tôi lắng nghe tiếng lá xào xạc. Tiếng lá gợi nhớ mùi cỏ lác trên bờ sông… Chúng tôi vừa bơi qua làn nước sóng sánh trăng thượng tuần, tràn lên một trảng cát. Máy bay trinh sát vè vè suốt từ chập tối, nhưng đơn vị chúng tôi vẫn quyết tâm hành quân khẩn cấp xuống địa bàn, theo kế hoạch lập trận địa phục kích đánh địch từ khu quân sự nống ra.
Quế quay trở lại tìm tôi, dúi cho miếng lương khô ngấm nước. Nó là thằng bạn nối khố cùng làng với tôi. May mắn sao vào chiến trường hai đứa được điều về cùng đơn vị, chưa rời nhau nửa bước. Nó vẫn cậy sức lực hơn hẳn tôi nên lúc nào cũng ra điều chăm sóc như đối với một đứa em.
Nhưng chúng tôi chưa kịp vượt tới đường quốc lộ, bỗng từng loạt pháo kích dội khắp tứ phía, từ xa tiến lại gần. Bị lộ rồi. Chạy tản ra! Tản ra! Trong tai tôi bùng nhùng tiếng quát khe khẽ. Bọn máy bay trinh sát bất thần xuất hiện quần thảo trên đầu. Pháo sáng rực trời. Tôi thấy mình rơi giữa một trảng cát trắng. Tiếng trực thăng phành phạch. Thoáng thấy Quế đang lủi vào bụi lác bên cạnh bụi cây tôi nấp. Sao chỉ còn tôi với Quế ở đây nhỉ? Anh em tản đi đâu cả rồi?
Chợt giọng tên chiêu hồi ra rả từ trên trực thăng vang vọng xuống. Thôi chết, thằng Hoàn! Nghe nó xưng danh tính, đơn vị, rồi kêu gọi anh em đầu hàng, tôi bàng hoàng cả người. Nó là em họ tôi. Sao có thể như thế Hoàn ơi?
– Thằng Hoàn đấy! Đ. mẹ nó!
Tôi nghe tiếng Quế rít lên bên cạnh.
Cũng không kịp nghĩ ngợi gì nhiều. Một thằng cán gáo, loại máy bay vồ mồi xuất hiện trong chớp mắt rà xuống ngay sát trên đầu. Tôi với Quế cùng vùng dậy một lượt. Hai khẩu súng chúng tôi đều chĩa lên trời, nhả đạn liên hồi khiến thằng cán gáo quay cuồng tránh đạn không dám sà xuống. Từ trên cao đạn vãi chiu chíu chung quanh chúng tôi. Nhưng khẩu súng trên tay tôi bỗng nhiên câm bặt. Trời ơi, súng hóc hay tôi đã bắn tới viên đạn cuối cùng ư?
Sau này hàng ngàn lần trong những giấc mơ tôi thường sống trở lại giây phút kinh hoàng đó. Đến nỗi trong đêm tôi bật dậy trên giường, mồ hôi vã đầm đìa… Trước mắt tôi, Quế bị một tràng đạn xối xả găm thẳng vào ngực, gục tại chỗ. Tôi cũng dính một viên xé nát tay phải. Rồi tự nhiên không gian im lặng rợn người. Cái thang dây thả đung đưa chạm vào vai tôi bật ra. Tôi rút trái lựu đạn ném thẳng vào tên lính bám trên thang dây. Không có tiếng nổ nào cả. Tên lính nhảy xuống kèm với cú báng súng trời giáng dộng thẳng vào đầu tôi. Tôi ngất lịm…
Trái lựu đạn tại sao không nổ? Tôi rút chốt không kịp hay nó bị thối? Không thể biết với số phận. Đó là điều duy nhất tôi mãi băn khoăn day dứt. Giá nó chịu nổ tung, sự thể may mắn biết bao.
Tôi tỉnh dậy trong một quân y viện của địch.
– Nếu không có cái bớt đỏ dưới vai con, khéo chú cháu không thể nhận ra nhau. Con hốc hác, ngó lạ quá chừng.
Ai có thể ngờ trời đất sắp xếp tôi gặp lại chú ruột tôi. Chú Cồ làm bác sĩ quân y Cộng hòa, cấp hàm thiếu tá. Ông là em út mẹ tôi, trốn nhà di cư vào Nam năm năm tư, theo một cô gái họ đạo trong làng. Cánh tay phải cụt đến khuỷu, tôi được ông chú săn sóc tận tình. Cô gái họ đạo giờ là bà thiếu tá Cồ buôn bán đảm đang tận Sài Gòn. Nghe tin tôi, bà tức tốc lên thăm, dúi cho một nắm tiền. Tiếc rằng chú thím tôi không được mụn con nào, bà đang hết sức ngăn ngừa chuyện ông chồng bồ bịch.
Hoàn đôi lần cũng đến thăm. Khi chỉ có hai anh em, nó tức tưởi khóc.
– Nghĩ ngợi sao mày lại thế hở Hoàn?
– Thì cũng như anh thôi. Chúng vồ được em trên đường trinh sát bị phục kích, đưa về đây… Em nghĩ thương mẹ em. Sau này hết chiến tranh em sẽ chịu bất kỳ kỷ luật gì, miễn là em được sống về Bắc nuôi mẹ… Đành vậy. Nghĩ nhục lắm chứ anh ơi.
Tôi không hỏi gì nữa. Nhà một mẹ một con, nếu nó không tình nguyện, đâu được vào bộ đội. Hồi ở nhà, nó nổi tiếng đầu bò đầu bướu đấy. “Thì cũng như anh thôi…”
Nhưng Hoàn không sống được tới ngày hết chiến tranh. Nó bị tai nạn xe máy trên đường đi Nha Trang, sau khi tôi ra viện ít lâu.
Tôi về Sài Gòn ở với bà thím, trông coi một cửa hàng buôn bán máy lạnh. Hàng tuần trình diện, khai báo quanh quẩn nhọc nhằn, mặt cúi gằm, không muốn ngẩng nhìn ai… Cứ vậy lòng rối tung bồi hồi nghe tin mặt trận tiến về gần Sài Gòn từng ngày một. Sang năm bảy lăm, đường phố nháo nhác dân các tỉnh chạy bom đạn. Chú Cồ nắm chặt bàn tay còn lại của tôi, thuyết phục:
– Đừng bỏ đi đâu. Giờ con là đứa con duy nhất của chú thím. Sau này sống chết chú thím đều trông cậy con cả. Chẳng phải thế sao?
Tôi cùng gia đình chú Cồ di tản, lênh đênh nơi này nơi kia. Những ngày trôi nổi như trong cơn mộng du buồn. Sang đến Canada chú bỗng nhồi máu cơ tim đột quỵ. Thím làm góa phụ ba năm cho phải đạo rồi chung sống cùng một cựu sĩ quan Cộng hòa cũ. Tôi xin phép thím sang Áo ở từ đó.
Những ngày đơn độc xứ người, tôi không sao quên được hình ảnh Huệ. Giờ em ra sao? Em có còn nhớ những lời hứa hẹn thổn thức của tôi đêm chia tay không?
Một lần tôi đánh bạo nhờ anh bạn Việt kiều tìm về tận quê dò la tin tức. Khi trở lại Viên, anh đưa trả món tiền tôi gửi và cho biết: mẹ tôi mất đã lâu, em đưa con ra Hà Nội kiếm sống, ở quê người ta làm lễ báo tử cho tôi trước ngày hòa bình rồi.
Mừng lẫn tủi nghẹn ngào. Thế ra tôi kịp để lại một giọt máu ở quê nhà ư? Con trai tôi! Tính ra giờ nó phải gần bốn chục tuổi. Tôi đã có cháu nội chưa biết chừng. Nhưng cha con, ông cháu bao giờ mới biết mặt nhau đây? Liệu có ngày cha kịp nói lời xin tha tội với hai mẹ con con không? Con có biết lâu nay dành thêm một đồng nào, cha đều thầm nghĩ: “Dành cho con tôi đó”.
Trời đầy mây. Cái công viên yên tĩnh bỗng mang vẻ man mác buồn. Trước mặt tôi hai con thiên nga bơi sát cánh, vươn những cái cổ thanh tú rỉa lông nhau âu yếm. Sóng gợn nhẹ. Hai con thiên nga bập bềnh tựa như chúng chỉ là những nắm bông trắng trên mặt nước…Kiếp sau xin chớ làm người…
Bỗng tôi nghe văng vẳng một giọng hát chèo thập thững từ phía giữa công viên đang vọng tới gần… Con gà rừng… Con gà rừng mày ăn lẫn với công kia, kia, kia… Đắng cay đâu có chịu được ức… Mà để xóm giềng… mà để xóm giềng…
Tôi ngẩn ra, định thần lại. Tôi đang mơ chăng? Nhưng tiếng hát rõ ràng có thực không thể mơ được. Tại sao nó cất lên ở nơi này? Giữa đất khách quê người, tiếng hát chèo cứa vào lòng dạ. Có thể ngay ngoại ô Viên cũng đầy gà rừng, nhưng chắc chả có con gà rừng nào ăn lẫn với công…
Rồi chẳng mấy chốc tôi thấy hình hài người đàn bà hát đang tiến tới gần. Đi bên cạnh, ông chồng trạc tuổi tôi thỉnh thoảng đưa tay đỡ lưng vợ. A, ông bà Túc, cặp vợ chồng người Việt tôi đã gặp nhiều lần tại công viên Thổ. Chúng tôi thường chuyện trò thăm hỏi nhau mỗi khi gặp gỡ. Nhà họ ở gần đây, các con cái đều có gia đình riêng, mải làm ăn không mấy khi rảnh rỗi thăm nom bố mẹ. Ông bà lấy công viên Thổ làm nơi thư giãn nghỉ ngơi. Nhưng lạ quá, sao bữa nay bà vợ lại hát hỏng điên dại như thế?
Mà để xóm giềng ai hay? Bông bông dắt, bông bông díu… Xa xa lắc, xa xa líu… Ấy bởi vì đâu?
Bà Túc là con gái một cô đào chèo Hà Nội xưa, di cư theo chồng vào Nam. Từ bé bà đã được mẹ truyền dạy những làn điệu cổ, có lần bà kể vậy. Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng bà hát. Giọng hát run rẩy của một bà già, nhưng vẫn đầy xao xuyến cảm xúc.
Tôi đứng dậy đón họ. Ông Túc rầu rĩ dìu vợ ngồi xuống cái ghế gỗ cạnh tôi. Bà Túc im bặt tiếng hát. Nhìn gương mặt vẫn còn ngơ ngẩn thất thần, tôi hiểu bà chưa thật tỉnh táo. Ánh mắt bà đang chìm tận đâu đâu và tôi ngỡ bắt gặp một nét cười mơ hồ trong đó. Những nếp nhăn nheo thiểu não mọi khi vì vậy như được làm cho giãn nở, xóa mờ ít nhiều.
– Khổ quá ông ạ, một năm đôi ba lần bà nhà tôi bị vậy đấy. Sợ để ở nhà sẽ gây phiền hàng xóm, tôi phải đưa bà ấy ra đây. Cứ được hát một chặp sẽ tỉnh lại… Chao ôi, cái khao khát chỉ là được nhìn thấy đình làng giếng nước quê hương, tôi biết thế chứ… Bao nhiêu lần tôi tự nhủ sẽ thực hiện cái ước nguyện này sớm nhất, kẻo lỡ không kịp. Ai biết đâu được…
Tôi chua xót cười gượng. Giá biết hát chèo, chắc tôi cũng sẽ gào lên để có giây phút được quên hết thực tại, bay bổng về tận cây đa đình làng.
– Ông ngồi chơi nhé! Xin phép ông, tôi phải đưa bà ấy về sớm, kẻo sau những lúc thế này nhà tôi dễ mệt. Uống thuốc ngay mới có tác dụng ông ạ.
– Cần tôi tiễn ông bà tới nhà không?
– Cảm ơn ông. Nhà tôi đang tỉnh dần rồi.
Ông Túc dìu bà vợ đứng dậy. Tôi ngậm ngùi nhìn theo đôi vợ chồng già, hai cái bóng liêu xiêu đi về phía cuối công viên.
Trong óc tôi ngôi biệt thự giữa phố Félix Mottl bỗng hiện ra tựa một dấu hỏi lớn. Nó ở rất gần đây, phía sau tôi, đang chờ đợi. Tại sao tôi cứ đi vượt qua nó trong nỗi khiếp sợ? Không, phải thực hiện cái ước nguyện này sớm nhất kẻo lỡ không kịp. Ai biết đâu được…Tôi rùng mình vụt đứng dậy.
Từng bước thật chậm, tôi quay trở lại. Tôi tưởng mình đang đứng trước một bàn giấy trong tòa nhà sứ quán. Người đàn ông nào đó cầm bút nhìn tôi chằm chằm chờ đợi. Vâng, thưa ông, thời chiến tranh tôi đã là một người lính, từng chiến đấu lăn lộn ngoài chiến trường. Sở dĩ bao lần tôi không dám tới đây xin một tấm hộ chiếu về lại quê hương vì tôi trót đã phản bội nó. Nỗi day dứt trước tội đầu hàng địch nhục nhã, trước sự hy sinh của anh em đồng đội, trước cái chết của Quế, tôi luôn đứng giữa phiên tòa vô hình đáng sợ suốt quãng đời vừa qua. Không có lời biện minh nào cho mình cả.
Dù vậy, giờ tôi nhất quyết xin được trở lại quê nhà, mục đích tìm vợ con thân thích thất lạc. Cũng là dịp tôi đối mặt với quê hương, đồng đội, vượt qua mặc cảm lẫn nỗi khiếp sợ để nhận tội với họ.
Liệu phải khai tất cả như thế không? Thì đã sao? Chẳng có gì lắt léo. Ít nhất tôi cũng có quyền của một con người cơ mà!
Có tiếng chân bước theo tôi. Tôi ngoảnh nhìn và gặp đôi mắt một bé gái chừng tám chín tuổi, ngây thơ tươi cười nhìn tôi bắt quen. Phải rồi, tôi nhớ vừa gặp nó tại công viên khi nó tò mò đứng sau tôi nghe bà Túc hát. Gương mặt bầu bĩnh trắng hồng, hai bím tóc đen. Tôi ngờ ngợ nó là dân châu Á gì đó.
– Hêlô!
Tôi mỉm cười chào nó trước.
– Cháu chào ông. Thỉnh thoảng cháu vẫn gặp ông qua đây mà.
Con bé khiến tôi ngạc nhiên khi bất ngờ nó trả lời tôi bằng tiếng Việt lưu loát.
– Ô, hay quá, ta là đồng hương à? Cháu đi học về sớm thế?
– Hôm nay lớp cháu không phải học. Cô giáo cho đi tham quan bảo tàng thôi.
– Nhà cháu gần đây ư?
– Vâng. Cháu ở trong sứ quán Việt Nam kia kìa. Bố mẹ cháu làm việc tại đó.
Tôi bỗng như người bước hụt. Chả lẽ thượng đế đã phái xuống thiên thần nhỏ bé đúng lúc này để ép tôi vượt qua ranh giới của sự đớn hèn đó ư? Tôi choáng váng, phải dừng bước vịn vào thân cây bên đường.
– Ông sao thế ạ?
Con bé nắm vội tay tôi. Đôi mắt tròn đen nháy ngước nhìn tôi dò hỏi, ân cần.
– Cảm ơn cháu bé. Ông không sao cả, chỉ bỗng dưng hơi mệt một chút thôi.
– Bây giờ ông về đâu ạ?
– Có thể ông cũng muốn vào sứ quán. Ông có chút việc. Cháu đưa ông vào với nhé!
– Thế thì sắp tới kia rồi. Cháu sẽ đưa ông vào chỗ chú Chiến thường trực.
– Tốt quá. Cháu giúp ông với.
Tôi mừng rỡ không buông rời tay đứa trẻ. Giữ chặt bàn tay nhỏ xíu ấm nóng của bé trong bàn tay mình run run, tôi ngỡ như đang được một ân sủng thiêng liêng dắt dẫn đi. Đây sẽ là lần cuối cùng hoặc không bao giờ kịp nữa!
Tác giả: Đoàn Lê – Người thực hiện: Vân Ạnh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *