Bài nổi bật

Dã Quỳ – Đỗ Kim Cuông

Radio Online – Chưa kịp uống xong chén nước, bác sĩ Hoàng đã bảo tôi ngay. “Có anh lên chuyến này, thật may cho vợ chồng em”. “Có chuyện chi vậy?”. Tôi sốt ruột hỏi. “Ông hỏng thiệt rồi anh à. Tụi em chịu hết nổi!”. “Hỏng! Ai hỏng? Bảy Gạo á… Sao hôm trước biểu ổng khoẻ mà…”. Tôi hơi ngớ ra hỏi lại Hoàng.
“-Sức khoẻ của ông thì nói gì. Còn ăn hết cả bơ gạo. Đi rừng đào măng anh theo chả nổi… Ông hỏng từ cái đầu kia. Càng ngày càng điên điên khùng khùng”.
Tôi ngả người trên ghế, thở mạh. Tưởng chuyện chi! Cha con nhà Bảy Gạo cãi vã nhau là chuyện cơm bữa. Trách làm chi một ông già đã bước sang sườn dốc bên kia của tuổi sáu mươi. Gần cả đời người bám lấy rừng. Vài năm trước, thương ông già ở trong núi không người lo cơm nước, thuốc men lúc ốm đau, vợ chồng Ba Hoàng rút tiết kiệm xây cho Bảy Gạo một căn nhà hai tầng ở trong khu vườn thoáng rộng quay ra Biển Hồ. Anh con rể đánh xe ô tô vào tận xóm núi đưa ông về. Đâu như Bảy Gạo ở đúng một tuần. Uống hết một can rượu 5 lít, đi thăm khắp một lượt mấy ông bạn đồng ngũ nay chuyển ngành về các cơ quan trong tỉnh. Bước sang ngày thứ tám, lừa cho con rể, con gái đi làm. Đứa cháu ngoại đi học. Bảy Gạo lằng lặng cắp chiếc túi bao gai nhảy xe ôm vô núi.
Ba Hoàng bảo tôi, “Anh nghỉ một lát cho khoẻ. Chốc nữa chồng em về, chúng em đưa anh đi ăn cơm tiệm –  tôi đã bật cười. Nhưng buồn cười hơn là cách xưng hô của cô bác sĩ mà tôi còn biết rõ từ lúc cô ta mới chỉ là đứa con nít ba tuổi, mặc chiếc xilíp màu xanh mẹ cô may cắt từ một tấm áo hoa đã cũ. Đầu tóc chân tay cô bé ghẻ lở bôi phẩm xanh, phẩm đỏ. Trong một chuyến xe hàng liên tỉnh đi lên Tây Nguyên vào những năm cuối “bảy mươi”, tôi đã liều mình gồng gánh ba mẹ con chị Nhường từ quê vào giúp anh Bảy Gạo. Đường xa dặm

thẳng đã có lúc cái cô bác sĩ ấy ngồi trên cổ tôi vừa nhai thỏi cơm lam đã cứng queo, vừa tè lên cả  người tôi. Vậy mà Ba Hoàng bây giờ đã là một cô bác sĩ, phó chủ nhiệm khoa Nhi.Tay nghề có tiếng. Đối với vợ chồng cô, tôi vừa là một ông chú, một ông anh trong nhà. Tôi gọi Bảy Gạo là anh. Vợ chồng Ba Hoàng cũng gọi tôi bằng anh. Cuộc đời đến là lộn ngược.Chồng Ba Hoàng vốn là lính của tôi ngày trước, chỉ kém tôi vài tuổi.
“-Được rồi, để mai vô trong rẫy tôi sẽ trị cho lão Bảy Gạo một trận”. Tôi cười dàn hoà, an ủi cô bác sĩ đang trong cơn hăng nói, giận bố. “Trị bằng cách nào. Nếu thành công em thưởng”. Ba Hoàng tròn mắt nhìn tôi. “Ta sẽ treo lão lên ngọn cây giống như 40 năm về trước, đến khi nào Bảy Gạo thè lưỡi ra thì thôi”. “Anh thiệt ác. Coi chừng ông già chết, tụi em bắt đền đó nghe…”. “Đùa chút thôi, chả chờ cô bắt đền. Những thằng lính ở tiểu đoàn 439 nó về đây bắt vạ tôi cũng chết…”.
Nhưng cái chuyện tôi và mấy anh lính của tiểu đoàn 439 đã từng bị Bảy Gạo treo lên ngọn cây lim già là có thật. Có lẽ nhờ cú bắt “biệt kích” ngoạn mục ấy, để tôi còn nhớ và quen gia đình Bảy Gạo đến bây giờ. Xung quanh cũng chỉ vài hột gạo. Chưa bao giờ những người lính giải phóng của K tư, K mười và cả cái tiểu đoàn 439 của Hà Nội kết nghĩa với Huế sau chiến dịch Mậu Thân chịu trận đói thảm khốc đến như vậy. Cả tháng trời không một hạt gạo. Tổ chức đánh về đồng bằng mua gạo muối của dân bị địch nhốt chặn ngay ngoài cửa rừng. Đường tuyến bị Mỹ càn, ném bom, các đơn vận tải không chuyển được gạo cho các đơn vị ở tuyến trước. Cả đại đội, cả tiểu đoàn lâm vào cảnh đói triền miên. Măng rừng, rau tàu bay, tai voi, môn thục, môn vót kiếm mãi rồi cũng cạn. Ăn mãi rau rừng, không có muối càng rát ruột. Sốt rét quật vài ba trận là đi. Đã có nhiều người lính, chiều đến tới nơi đóng quân căng tăng mắc võng, húp xong chén cháo môn vót. Đêm cơn sốt ập đến, thiếp đi và không bao giờ dậy nữa…Tổ bám đường của tôi lên miền tây Hang Đá, làng Tà xin gạo cũng rơi vào cảnh đói kém khốn khổ ấy. Mỹ đang đổ quân càn Dốc Chè, Động Chuối. Dọc theo hai bờ Khe Trăng, Khe Lu, thác đá lởm chởm từng toán quân thám báo Mỹ lùng sục, phục kích trên các nẻo đường mòn. Bị vấp phục kích lạc rừng đã hai ngày, chúng tôi không còn nhận ra phương hướng. Giỏng tai nghe tiếng bom nổ, tiếng máy bay lao xuống ném bom ngả ngoài đường tuyến, chúng tôi cắt rừng ra phía ấy, đi tới. Sang ngày thứ ba chúng tôi lọt vào một vùng núi hiểm trở, đến trưa bắt gặp giữa rừng một vùng kho được nguỵ trang kín đáo. Đó là những căn nhà đào nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất, lợp lá gồi, lá mây. Trên những giàn gỗ cao cách mặt đất chừng nửa mét xếp đầy những bao gạo, thùng gỗ. Từng tấm tăng ni lông lớn phủ kín. Sáu con mắt nhìn nhau, sáng lên. Ăn mày gặp chiếu manh! Vậy là sống rồi. Như thể đã ngửi thấy mùi cơm thơm bốc lên từ ba chiếc ăng gô đen nhẻm đã lâu ngày chưa dính mùi gạo. Chỉ có điều hơi lạ, ba gian nhà kho im lìm, không có một bóng người. Người coi kho đi đâu, ở đâu… không thấy? Hay là kho bỏ hoang, kho giấu trong rừng của một đơn vị công binh nào đấy đóng quân ngoài đường tuyến, cất giấu gạo đạn trong rừng sâu? Không đợi tôi hội ý, thằng Nuôi, thằng Đổng tiến vào cửa một căn nhà kho. Khi tôi chưa kịp định thần thì “phập” thằng Nuôi và thằng Đổng đã sập bẫy. Sợi dây dù cột võng không biết giấu ở đâu đã thít chặt chân hai đứa, kéo ngược lên cành cây cao. Ở một lùm cây nào đó vang lên một tiếng huýt gió, liền một lúc có bốn con chó to đen lực lưỡng lao ập vào quật tôi ngã xuống đất. Bốn con chó hung dữ nhưng không con nào đớp vào da thịt tôi mà lại nhè cắn vào quần áo. Một con ngoạm vào dây súng A.K lôi khẩu súng ra xa. Ba anh lính bộ binh chỉ trong một chớp mắt hai thằng bị treo ngược lên cành cây. Kẻ thứ ba là tôi trở thành tù binh của bốn con chó.
Một giọng nửa cười, nửa quát phá lên:
-Tụi bay giỏi thiệt. Dám vào kho ăn cắp. Tụi bay không sợ mất xác hả?
Từ sau một bụi lá nón ken dày, bước ra trước mặt tôi một người lính. Râu tóc rậm rạp trông chẳng khác nào Rô bin sơn trong rừng, tay anh ta lăm lăm cầm khẩu súng A.K chĩa thẳng vào ngực tôi. Lại một tiếng huýt sáo. Lũ chó nhả tôi ra, đứng vây quanh nhe hàm răng trắng nhọn, như thể chúng ta những viên cảnh sát mẫn cán canh chừng tội đồ.
-Chào đồng chí… Chúng tôi… Tôi nói lắp bắp, chưa qua cơn hoảng loạn vì thua sức ba con chó.
-Ai là đồng chí với mi. Biết mi là ta hay là địch… Ở đâu, đơn vị nào, vô đây mần chi, đi trinh sát thám báo hử?
Anh ta tuôn ra một câu lục vấn, không đợi cho tôi kịp trả lời. Giọng Bắc pha tạp với Quảng Bình thật khó nghe. Đến nước này, tôi đành thưa thật.
-Thưa anh, chúng tôi là lính K10, ở giáp ranh lên đây đi nhận gạo. Vấp Mỹ phục kích ở Rào Trăng, chạy lạc rừng tình cờ lạc vào đây… Quả thật, chúng em nhịn đói đã cả tuần nay.Không có một hạt gạo nào…
Chợt người lính vào nhà kho, lấy ra một chiếc ăng gô Trung Quốc chìa trước mặt tôi.
-Thứ ni có phải là của mấy cậu vất lại ở ngoài bãi đá lúc bị tụi Mỹ bắn phải không?
-Dạ phải! Cái ăng gô của tôi. Từ trên ngọn cây cao thằng Đổng la to.
Tôi nhận ra chiếc ăng gô của thằng Đổng đã bị ba bốn viên AR15 bắn lủng. Chính lúc  chúng tôi đang luộc nắm rau tàu bay ở bãi đá thì bị tụi thám báo Mỹ tập kích. “Tại sao anh biết?”. Tôi hỏi giọng mềm như lá chuối hơ lửa để lấy lòng anh lính coi kho. “Nghe súng nổ, tao bám ra bãi đá để lượm thuốc lá, đồ hộp Mỹ”.
Từ trên ngọn cây cao, thằng Đổng xem chừng đã oải vì cái trò bị treo ngược lên cành cây nói như van lạy. “Tụi em đói trót dại, anh tha cho chúng em… Cũng là lính tráng cả”. Người lính coi kho đi khuất vào sau bụi lá nón, mây giang. Chẳng rõ anh ta làm gì, chỉ vài giây sau cả thằng Đổng, thằng Nuôi đã được hạ xuống đất. Không rõ vì sợ hay vì đói, thằng Nuôi đã ngất xỉu. Mặt xanh tái, mồ hôi ứa ra ướt đẫm lưng áo.
Người lính coi kho ấy tên Bảy, sau này tôi quen gọi là Bảy Gạo, người gốc Mường, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Là lính cao xạ, bảo vệ tuyến đường xe. Bảy bị thương trong một trận bom ném cao điểm Dốc Mỡ, anh được đơn vị cử đi giữ kho cho binh trạm. Biết chúng tôi là lính bộ binh ở đồng bằng lên, Bảy Gạo đã ở lại chỗ anh. Đám lính đói giáp ranh đã được Bảy Gạo nuôi cho ba ngày sung sướng. Chỉ húp một chút nước cơm có muối, có đường thằng Nuôi đã tỉnh lại như sáo và xung phong ra rẫy hái rau lang. Ba ngày sung sướng ấy được nuôi bằng tiêu chuẩn là cơm ăn không biết no, không tính bát, không phải nhường nhịn nhau, sợ thiếu. Rau lang trên rẫy hái về luộc và nấu canh. Đêm đêm ngồi rình bẫy lũ chuột rừng vào kho phá hoại để sớm mai làm thịt. Ở tuổi 18, chỉ cần một bữa no, đêm sống phởn phơ không phải đi đồng bằng đánh địch, mua gạo. Ngủ không hãi pháo cối bắn vào hậu cứ là chúng tôi lại sức. Anh Bảy Gạo sống một mình, coi kho giữa rừng già. Một người nữa ở cùng anh bị sốt rét đã được đưa đi viện 94, nghe đâu người ta đã  đưa anh ta ra tận Mường Loòng an dưỡng. Kho của Bảy Gạo là kho dự phòng. Gạo, muối, thuốc nổ, kíp, dây cháy chậm có đủ. Chỉ khi nào có lệnh của trung đoàn anh mới được xuất. Cám cảnh cho đám lính đói khát từ đồng bằng lên, Bảy Gạo chẳng tiếc gì cánh tôi vài cân gạo.
“-May mà các cậu không đi vào chỗ tớ gài mìn, lựu đạn… Dính vào chỉ có chết”.
Hoá ra anh chàng coi khó này cũng cáo thật. Nhưng cái món gài mìn tôi không sợ bằng cài bẫy. Cái cách gài bẫy bằng dây qua một hệ thống ròng rọc như Bảy Gạo từng làm nguy hiểm ở chỗ, anh ta chôn sợi dây dù dưới lớp lá rừng, ít ai để ý. Một khi mắc bẫy giá có là heo rừng, gấu vào phá kho, ăn gạo dính phải cũng bị treo ngược lên cành cây chứ nói chi con người.Nhưng tôi phục nhất Bảy Gạo chính là anh đã luyện được một bầy thú vật tinh khôn mà ít có một người luyện thú nào ở cá rạp xiếc làm được. Chỉ một tiếng huýt sáo. Bốn con chó không biết núp ở đâu đã đứng sẵn hàng ngang trước mặt anh chờ lệnh. Bầy chó theo anh đi săn đã đành, đêm đêm ngồi canh chuột, nhím. Con đi ngoạm củi kéo về, con đi gác kho thay chủ. Hai tiếng huýt gió dài, mấy chục con gà to nhỏ, gà ta và cả gà rừng ăn ở đâu xa cũng về tụ lại trước khoảng sân trước nhà kho. Vào lúc 8 giờ sáng, mặt trời mới ló lên xua tan khí lạnh rừng già, Bảy Gạo cầm cây sáo trúc treo trên vách, thổi theo nhạc một bài dân ca Mường… hàng chục con sóc chẳng biết núp ở đâu đều lao về cây dâu lớn trước cửa kho, như thể tiếng sáo là hiệu lệnh gọi chúng đến. Bốn năm con duộc tụ tập trên các lùm cây cao bên bờ suối, nấp sau những tán lá, đuổi nhau trên những cành cây gương đôi mắt ngó vào khoảng sân đất. Từng con một tụt khỏi cây xuống đất đi tới rổ sắn luộc, Bảy Gạo đã đặt sẵn ở gần chỗ chiếc mũ sắt chứa đầy nước. Những con duộc vừa ăn sắn vừa vục tay vào mũ uống nước. Có một lần một đôi công còn tìm về, múa lượn trên vạt đất trống phía bên kia dốc núi. Ấy là nghe Bảy Gạo nói vậy!? Tôi phát hiện ra rằng đám chó, gà, sóc quần tụ xung quanh Bảy Gạo như là một bầy nô lệ của anh. Chúng răm rắp nghe theo lệnh chủ. Những con chó không đuổi theo bầy gà. Còn những con sóc có đuôi dài không hề tỏ ra sợ bầy chó săn nguy hiểm. Bằng cách nào mà anh lính coi kho đã làm được như vậy? Phải chăng cái tính tập thể, “quân lệnh như sơn” từ Bảy Gạo đã được anh ta truyền sang loài vật. Thật là thú vị…

Một trong số bốn con chó, có tên là con Đốm đã thay chủ đưa chúng tôi trở lại con đường trục giao liên dẫn ra kho binh trạm vào buổi sáng ngày thứ tư. Ba ngày được nghỉ ngơi, cơm thịt đầy đủ, uống rượu đoác say bí tỉ quả là quãng thời gian sung sướng. Để trả công Bảy Gạo, chúng tôi chỉ có những câu chuyện quê hương làm quà và tặng anh một tấm võng ni lông mua được từ dưới đồng bằng. Tấm võng ni lông màu xanh, nhẹ. Cánh lính công binh đường dây 559, rất thích. Bảy Gạo vào chiến trường từ những năm “sáu ba”. Hậu phương đối với anh xa mờ.Chỉ nghe đến mấy câu “hợp tác xã chia thóc, chia cơm” anh đã rơm rớm nước mắt. ở một cái bản Mường xa lắc xa lơ nào đó, có vợ anh ở đó hàng ngày ra đồng theo tiếng kẻng.
Cái người đàn bà ở bản Nậm Na ấy, gần 10 năm sau tôi sẽ gặp. Chị không xinh nhưng hiền thục. Con gái của một gia đình nông dân ở Nam Định lên rừng khai hoang từ những năm “năm tám, sáu mươi”, rồi về làm dâu trong bản. Con bé Hoàng ghẻ lở đã tròn 3 tuổi. Sau 1975, Bảy Gạo về phép được vừa đúng một tháng lại trở vào Nam. Anh ta yêu những cánh rừng và bầy thú hoang có giáo dục còn hơn yêu cả vợ con. Những năm ấy, miền Bắc lại giặc giã, đói kém. Bảy Gạo ra quân, nhưng không về quê. Anh xin chuyển ngành và kiếm một chân ở hạt kiểm lâm ở vùng Sa Thầy, KonTum.
Sau chuyến xe bão táp, Bảy Gạo nhờ tôi đưa vợ con anh vào Tây Nguyên dạo ấy phải hơn 20 năm sau tôi mới có dịp gặp lại anh.
Bây giờ, Bảy Gạo đã về hưu và giữ chân Chủ tịch Cựu chiến binh của xã. Chị Nhường, vợ anh đã trở thành người thiên cổ nằm trong nghĩa trang liệt sĩ vì có công chặn bắt bọn lâm tặc, bị chúng sát hại. Hôm đón tôi vào chơi Bảy Gạo khoe “Bờ Y sắp lên thành phố”, nhà nước đang cho rải nhựa đường lộ. Xe ủi đang san lấp mặt bằng để xây siêu thị, nhà cao tầng…Tôitheo con Đốm tha thẩn cả một buổi chiều trong rừng và vơ vẩn nghĩ. Chắc cái giấc mơ của Bảy Gạo cũng phải mất thêm vài năm nữa.
Vợ chồng bác sĩ Hoàng định thuê cho tôi một chiếc xe tắc xi để đi Sa Thầy. Tôi tiếc tiền gạt đi. Khoác chiếc túi vải, tôi ngồi sau lưng một anh lái xe ôm chuyên chạy đường rừng. Chiếc xe cóc cáy, bẩn thỉu bùn đất dính đầy trông chẳng khác nào một gã đi đãi vàng thuê mới chui lên từ miệng hang đất. Thế lại hay, không sợ cướp giật. Ngồi phía sau anh tài xe ôm, tôi mặc sức ngắm nghiá những cánh rừng cao su, hồ tiêu, cà phê bạt ngàn chạy dọc theo hai bên đường. Đang vào cuối thu, sau những trận mưa đêm, trời dịu mát. Hoa dã quỳ nở vàng trong những thung sâu. Con đường lộ trải nhựa rất vắng người và xe chạy uốn lượn qua những sườn đồi.
Càng đi sâu vào rừng, hít thở không khí trong lành thật sảng khoái dễ chịu. Trong lúc anh lái xe ôm dừng lại bên đường ngồi uống ly cà phê sáng, tôi nằm dài trên chiếc võng bạt của cô chủ quán còn ngửi thấy cả mùi hoa nhài từ ngoài vườn thoảng vào. Cánh của con ong mật đập vè vè vào dây võng. Té ra, cái ông già hâm Bảy Gạo trốn vào rừng ở lại có lý. Anh ta chịu sao nổi khi bị nhốt trong những bức tường với cánh quạt máy chạy ro ro suốt ngày. Ngay xế bên kia đường là một tiệm cà phê, tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa khiến óc lão muốn bửa ra làm đôi. Buổi sáng, trước lúc vào viện, cô con gái nấu sẵn cho cha một nồi cơm to bằng nồi cơm điện. Bếp ga Bảy Gạo không biết tắt mở. Thành thử ngày nào lão cũng phải ăn thức ăn nguội. Con gái, con rể và đứa cháu ngoại xem ngôi nhà rộng rinh rang, đầy đủ tiện nghi giống như nhà trọ. Chập tối chúng mới ló mặt về. Có vợ có khi không có chồng. Thằng cháu đi học ở trường đến khuya mới phóng xe máy về nhà. “Thì ra tôi là kẻ đi ở trông nhà không công cho chúng nó, chú ạ. Sướng thì sướng thiệt, nhưng ỉa vào nhá!”. Bảy Gạo cười khoái trá lúc nói chuyện với tôi qua điện thoại. Chẳng hiểu anh ta nhờ máy của ai để gọi cho tôi vào một chiều nọ. Văng ra câu tục tĩu, Bảy Gạo cười có vẻ khoái chí lắm.
Quãng hơn 10 giờ, anh xe ôm chở tôi vào đến nơi đã thấy Bảy Gạo mặc quần đùi, áo ba lỗ mồ hôi nhễ nhại. Đám lửa than ở một góc sân còn ún khói. Trên cây sào gác ngang hai thân cây làm dây phơi, một con dúi to bằng bắp vế đã được thui vàng, chảy mỡ. Đang mùa măng, mùa lau trổ bông, củ măng, rễ lau là món ăn khoái khẩu của lũ dúi.
Bảy Gạo nhe hàm răng đã rụng vài chiếc cười bảo tôi. “Con Hoàng điện về nói chú vô. Tôi đã chuẩn bị sẵn đồ nhậu. Chuyến này ở chơi với tôi lâu lâu một chút để nói chuyện cho đã”.Tôi đùa. “Anh không sợ thiếu gạo hử?”. “Xí… Bảy Gạo kéo dài- Lương hưu tôi ngót hai triệu mua được năm tạ gạo có mà chú ăn cả năm”.
Bảy Gạo một mực giữ anh xe ôm lại, nhậu chơi. Nhưng anh ta chỉ uống cốc nước rồi xin phép quay xe để về thành phố.
“-Chú vô tắm rửa cho mát, nằm đọc báo một lúc. Tôi sẽ đãi chú món thịt dúi nấu giả cầy”.
Tôi hơi bất ngờ nhìn một chồng báo đủ loại. “Nhân dân”, “Quân đội”, “Tuổi trẻ”, “Công an” những mấy loại xếp vuông vức, thẳng thớm như đống gạch trên đầu giường. Thêm một lô sách. Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách kỹ thuật, sách nấu ăn, sách dạy trồng khoai lang, trồng đậu, vài cuốn đồ rê mòn mất bìa chỉ còn vài trang ruột. Cứ ngỡ Bảy Gạo đi buôn sách báo cũ vì các số báo ấy đã ra cách nay vài tháng.
Bảy Gạo cười nhìn tôi. “Chú thấy tôi có khôn không? Chỉ mất có ba ngàn một cân giấy lộn cho mấy con mẹ đồng nát ngoài chợ, tôi có đủ mọi thông tin trong nước, quốc tế… Hoá ra cái tay Tổng thống Hoa Kỳ cũng đẹp trai ra phết? Anh Hoa Kỳ đứng cạnh anh Liên Xô, anh Trung Quốc, anh Việt Nam cũng hay ha… Giời đất ạ, ngày xưa bố ai dám nghĩ thế”.
Tôi cải chính với Bảy Gạo. “Bây giờ không ai gọi là Liên Xô nữa. Nước Nga… Nước Nga, anh hiểu không?”. Anh Bảy Gạo lại xì một tiếng dài “Chú cứ vẽ. Liên Xô thì cũng rứa.Nga Xô thì cũng vậy… Có khác chi nào?”. Tôi cởi áo. Chẳng buồn đi cãi nhau với một ông già tưởng mình khôn mất ba ngàn đồng bạc mua một ký báo cũ để đọc, nhưng lại không biết phải bỏ ra đến ba mươi đồng đi xe ôm từ nhà ra chợ để khuân về thứ văn hoá, thông tin siêu phẩm ế, thừa ấy! Chả dại gì mà tranh luận với một người đến năm 2007, vẫn không thèm xem ti vi. Chung thuỷ với cái đài National ba pin đại mua được của một tay bán hàng ở chợ trời Tây Lộc vào ngày Quốc khánh mồng hai tháng chín năm đầu tiên sau ngày giải phóng. Chiếc vỏ da đã cũ, đen xỉn vỏ nhựa bị nứt vẫn khen là mua được của rẻ. Lại còn khen “đồ Tư bản tốt thiệt chú à”. Đêm đêm, Bảy Gạo nghe không sót một buổi ngâm thơ, đọc truyện đêm khuya nào. Bảy Gạo còn hỏi tôi. “Cái cô Trần Thị Tuyết, cô Linh Nhâm sao lâu nay không thấy ngâm thơ chú nhỉ?”. Tôi buột miệng. “Các cô em ấy lên lão cả rồi”. Bảy Gạo tròn mắt nhìn tôi như không tin, tưởng tôi lừa anh ta. Chính tôi cũng xúc động khi nhìn thấy chiếc bao ruột tượng may bằng vải dù hoa của Mỹ, đã tặng lại cho Bảy Gạo để trừ vào những bữa ăn trong hai ngày chúng tôi lạc vào kho của anh ở dưới chân Dốc Chè năm nảo, năm nào vẫn còn được anh gìn giữ như một báu vật treo trên vách. Cạnh đấy là cây sáo trúc và tấm ảnh của chị Bảy Gạo.
Tôi đang nằm chợp mắt thiu thiu, nghe tiếng bát đũa khua lách cách, đã thấy Bảy Gạo bưng lên mâm nhậu. Độc nhất vô nhị là món giả cầy nấu bằng thịt dúi và đĩa đọt rau mồng tơi luộc chấm muối vừng. Như chợt nhớ ra, tôi buột miệng hỏi anh. “Đám gà chó của anh đâu cả rồi?”. Nét mặt Bảy Gạo đớ ra, ngỡ ngàng khi nghe tôi hỏi. Anh lặng lẽ rót chai rượu gạo ra ba cái ly nhỏ. Một ly đặt lên bàn thờ. Một ly cho tôi, một ly cho anh.
“Chúng nó bỏ tôi đi cả rồi, chú ơi”. Giọng Bảy Gạo dài ra như mếu. “Cháu nội con chó Đốm là đứa bỏ đi sau cùng. Nó ở với tôi vừa đúng được tám năm đẻ được sáu lứa. Đám chó rừng về rủ rê nó không chịu nổi, bỏ tôi mà đi chú ơi…”
Trong cái âm thanh vắng lặng của buổi trưa trong rừng, tôi nghe rõ tiếng hai chiếc ly sành chạm vào nhau sắc lạnh. Gió ào ạt thổi. Phía bên kia sườn dốc, chỉ thấy một màu vàng rực chói chang của hoa dã quỳ.
Tác giả: Đỗ Kim Cuông – Thực hiện: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *