Bài nổi bật

Địch Công Kỳ Án – Tập 3: Thuyền Hoa Án

Bối cảnh của “Thuyền hoa án” diễn ra vào năm 666, là cột mốc thứ ba trong sự nghiệp quan án của vị quan Địch Nhân Kiệt. Lúc này ông đang là Huyện lệnh Hán Nguyên, một huyện nhỏ hẻo lánh tọa lạc phía Bắc kinh thành. Trong một buổi tiệc trên chiếc thuyền hoa giữa cảnh sông nước sáng rực ánh đèn, vũ nữ xinh đẹp tài năng nhất bị giết chết ngay sau khi nàng thì thầm những lời nghiêm trọng với Địch Công. Vụ án này còn đang trong quá trình điều tra sơ bộ thì một vụ án khác đã được đưa lên chốn công đường: một tân nương bị phát hiện chết ngay đêm tân hôn, tân lang bỏ trốn. Bên cạnh đó, việc sống trong một huyện không có tường thành bao quanh khiến Địch Công bất an, vì ông cho rằng huyện không có tường bao khiến nha phủ không thể kiểm soát được những người ra vào, và ai biết được những tội ác nào sẽ diễn ra trong bóng tối của những khu vực xa xôi hẻo lánh. Bầu không khí nóng bức đè nặng xuống cuộc sống của mọi người, khiến Địch Công mơ hồ linh cảm về những âm mưu đen tối có khi đang diễn ra ngay dưới những mái nhà trong vùng đất ông đang cai quản.
“Thuyền hoa án” là một trong những cuốn Biển luôn giới thiệu khi có ai hỏi ‘Những cuốn nào nên đọc nhất trong bộ Địch Công kỳ án?’. Ngoài ra còn có “Bí mật quả chuông”, “Thiết đinh án”, “Tứ bình phong”. Theo ý kiến cá nhân Biển thì chỉ có hai cuốn “Hầu tử và lão hổ” + “Địch gia bát án” là kém hay trong số 16 cuốn đã xuất bản. Cũng như những cuốn “Địch Công kỳ án” khác, các vụ án trong “Thuyền hoa án” vừa mang yếu tố cổ điển quen thuộc thường bắt gặp trong các bộ phim thần thám Trung Hoa vừa mang những nét mới mẻ do sự sáng tạo tài hoa của tác giả Robert Van Gulik. Có một số cuốn thì các vụ án khá dễ đoán, nhưng trong cuốn này thì số lượng nhân vật khá nhiều, các vụ án tuy không quá thảm khốc nhưng nhiều chi tiết lắt léo đan xen nhau nên khó đoán hung thủ và động cơ. Bên cạnh yếu tố trinh thám, tác giả đưa vào những đoạn tả cảnh rất nên thơ và những câu diễn giải tâm lý con người một cách sâu sắc, khiến độc giả hơi hơi khó tính như Biển rất thích thú.
“Ta khoan khoái tận hưởng khung cảnh hữu tình xung quanh, bên tả là những cây hạnh đào nở hoa từng cụm trắng muốt, hương thơm ngào ngạt lơ lưởng trong khí trời mùa xuân ấm áp, bên hữu là mặt hồ trải rộng lấp lánh ánh bạc dưới trăng”.
Cũng cần nhớ là thời đại đó chưa hề có các kỹ thuật khoa học như lấy dấu vân tay hay xét nghiệm máu, nên các vị thám tử (Địch Công và Bao Công là hai trong số đó) phải hoàn toàn vận dụng tố chất của bản thân + các quy định theo vương pháp để tra án. Trong phần ghi chú cuối sách do chính tác giả viết, có ghi rõ rằng những vị quan án có thể “công khai và chính thức sử dụng mọi loại kỹ thuật thẩm vấn như tra tấn và các biện pháp phát hiện nói dối”. Nhưng họ không được lạm dụng những điều đó để ép cung sai trái hoặc xử án tắc trách. Nếu một vị quan huyện bị phát hiện lạm dụng vương pháp để làm việc xấu, tư lợi bản thân, không chăm lo cho bách tính dưới sự cai quản của mình, thì vị quan đó sẽ bị các cấp cao hơn xử ngay tại công đường như một thường dân.
Dù rất mê thể loại trinh thám cổ đại nói chung và bộ ‘Địch Công kỳ án’ nói riêng, khi đọc cuốn “Thuyền hoa án” lần 2, Biển mới nghĩ ra rằng vậy tất cả những vị quan trong bộ máy hành pháp của các triều đại cần có đều tố chất và kỹ năng thám tử, vì bên cạnh những việc như quan – hôn – tang – tế thì Huyện lệnh còn phải điều tra, giải quyết rốt ráo và công bằng tất cả các vụ án. Dù đã trải qua quãng thời gian học hỏi rèn luyện mọi kỹ năng XH trước khi trở thành Huyện lệnh nhưng đâu phải Huyện lệnh nào cũng có kỹ năng tra án. Làm quan thời xưa thật là khó, mà hình như nếu luôn tâm niệm câu “Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nhiều” thì làm quan thời nào cũng khó..

Xem thêm đề xuất

Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3

RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *