Bài nổi bật

Diểu Nương – Trương Vân Ngọc

Truyện đêm khuya – Câu chuyện về tình yêu, lời hứa, về tham vọng và sự tha hóa được tác giả Trương Vân Ngọc tái hiện bằng những lát cắt ngang qua từng khoảnh khắc đời người. Diểu lên chuyến tàu quá khứ, trở về từng chặng thanh xuân, đau đáu lời hứa hẹn với Nương – mối tình đầu trong sáng. Vì tham vọng đổi đời nên Diểu đã phản bội lời hứa năm xưa, đập tan chiếc ly pha lê tình yêu, chạy theo những cám dỗ vật chất. Năm tháng qua đi, Diểu đã nắm trong tay tiền bạc, địa vị, công danh, nhưng thứ quý giá nhất là hạnh phúc thì liệu anh có thể kiếm tìm…

Lang thang ở bờ suối, tìm hoài mà chẳng thấy bông Diểu Nương nào. Ôi loài hoa dành dành ngày xưa nơi đây nhiều lắm. Mỗi lần vào rừng lấy củi, hai bên bờ suối hoa nở chi chít, trắng xóa tha hồ hái. Thời gian làm đổi thay tất cả, ước chi có chuyến tàu quá khứ, tôi sẽ đi ngay sáng nay, sẽ về ga Mười sáu, kệ không cần biết có trở lại ga hiện tại được hay không. Bỗng cảm thấy cô đơn kinh khủng. Dành dành ơi, Diểu Nương ơi, em đâu rồi? . . .”
– Cô áo xanh ơi . . . Cô bán vé ơi . . .
– Gì thế anh, muộn quá rồi, sao anh lại ở đây?
– Còn chuyến nào về quá khứ, cho xin một vé, tôi muốn đi ngay chiều nay . . .
– Anh muốn đi ga nào? Giờ này chỉ còn tàu tới ga Mười lăm, Hai mươi, Hai lăm và Ba mươi thôi.
Gì cơ, ga Mười lăm ư? Ga cuối? Tôi có nghe nhầm không đấy, làm gì có ga cuối. Anh nên nhớ, về ga đó là không có cơ hội trở lại hiện tại đâu, anh hiểu không? Anh không nên đi xa như vậy. Thôi cầm lấy vé đi, tôi cố gắng đưa anh về ga Hai mươi.
– Vâng cảm ơn cô, à kìa tàu tới rồi, tôi đi nhé. Tạm biệt.
***
– Này ông bạn, ngồi xê ra một chút, chỗ rộng như vậy hà cớ gì cứ sán mãi vào người ta hả? Mà ông về ga nào, sao cứ ngây ra thế, bị ốm à?
Người đàn ông tóc muối tiêu chăm chú nhìn Diểu. Nhìn bộ dạng cũng cứng tuổi, ông ta có lẽ lên từ ga Năm mươi. Chuyến tàu này chỉ cho phép hành khách đi không quá hai mươi ga. Thấy dáng vẻ vội vàng, Diểu đoán chắc ông ta sẽ không đồng hành với mình lâu nữa. Im lặng một lúc lâu, người đàn ông tóc muối tiêu lại nói:
– Hình như ông có chuyện gì buồn lắm thì phải, những vệt bánh xe thời gian hằn in trên mặt. Kìa, không, không, ông không xóa nó được đâu, đừng cố. Khi nào về đến ga Ba mươi, hoặc xa hơn nữa, những vết nhăn này tự nó sẽ mất thôi.
Diểu không thể hình dung tại sao ông ta am hiểu đến vậy, sao ông ta đi một mình? Xung quanh người chật kín mà im ắng, chẳng nghe thấy tiếng động gì cả. Một lúc, người đàn ông đứng dậy vỗ vai Diểu nói như đọc được suy nghĩ kẻ đối diện:
– Vạn vật vốn tĩnh, động hay không thì tự mình cảm nhận. Ông lạ thật, ông cũng đi một mình đấy thôi. Tất cả chúng ta đều đi một mình, trên con tàu này, mọi người đều bình đẳng. Đây rồi, đã đến ga Ba mươi, thôi ông ở lại, tôi xuống đây.
Khoan đã, ông còn chưa cho tôi biết tên? À vâng, ông Hưng, nhà ở thị xã Phúc An. Nhất định sẽ gặp lại. Tạm biệt. Sao nhanh thế, thoáng cái đã hết mười ga. Con tàu thật lạ, tên các ga toàn con số. Diểu sẽ về ga thứ hai mươi.
– Anh ơi, cho em ngồi cùng với, em vừa mới lên. Em xuống ga Hai mươi. Em chỉ đi mười ga thôi, anh nói gì đi, đừng im lặng. Em sợ sự lặng im.
– Ừ, chào cô. Như vậy chúng ta sẽ xuống cùng nhau đấy. Tôi cũng sợ sự im lặng, nhưng ở đời, sự im lặng là vàng đấy cô ạ. Ngậm miệng ăn tiền, cô có thấy đúng không? Những kẻ xi xao là những kẻ dại, tôi đã rất nhiều lần nằm trong số đó. Cô sợ, tôi sợ, tất cả mọi người đều sợ. Chuyến tàu này im ắng có lẽ do vậy. Mà cô nói đi chứ, sao âm thầm thế?
– Vâng, em vẫn đang nói đấy chứ ạ, người ta nói trong im lặng, còn em lặng im trong nói. Đời là mớ bòng bong, càng gỡ càng rối. Em mới đi đến ga thứ ba mươi thôi mà đã cảm thấy bế tắc rồi. Em muốn trở lại ga Hai mươi, em muốn lấy lại tất cả, trừ tiền bạc, công danh, quyền chức. Tất cả mọi người về ga Hai mươi đều mất mấy thứ ấy. Ngoài ra, chúng ta đều như nhau. Đây rồi, tàu đã đến ga Hai mươi. Anh xuống đi, cầm tay em nhé, chắc vào. Ta cứ thẳng đường mà bước.
Nhà ga Hai mươi thật đẹp, trẻ trung đầy ước vọng. Bầu trời trong trẻo và toàn màu hồng. Những con đường trải dày hoa, thẳng tắp không lối rẽ. Thậm chí, những bụi ô zôn xanh mướt không một nhánh gai, bốn bên ngập tràn tiếng nhạc dập dìu, du dương. Ô, mái tóc của Diểu không còn bạc nữa, khuôn mặt, làn da cũng thế. Diểu đẹp trai, cường tráng, cả cô nữa, xinh xắn và hồn nhiên. Tuổi hai mươi mới tuyệt làm sao.
Cô gái mỉm cười, lặng lẽ đi về phía ánh hào quang rực rỡ. Khuôn mặt trái xoan với mái tóc dài tung bay trong gió. Bầu trời lên cao, rộng mở và thoáng đãng. Con đường thênh thang đẹp đẽ vô cùng, cái gì cũng phơi phới sắc hồng.
Dãy nhà sàn xưa hiện ra, bờ suối, ống bương nước đầu bản. Tiếng cười rúc rích của mấy cô gái đi làm rẫy về. Họ còn rất trẻ, ánh mắt, nụ cười trong trẻo:
– A anh Diểu, anh Diểu về chúng mày ơi. Con Nương đâu, ra mà đón anh Diểu.
Diểu học năm thứ 2, đúng rồi, Diểu đang hai mươi. Cả bản Sán Lìu và hai bản nữa, chỉ có Diểu học hết cấp ba. Diểu đỗ đại học, Nương mới vào lớp mười.
Vẫn là đây cái bàn gỗ cũ kỹ này, đã bao đêm Diểu dạy Nương học. Nó được chuyển hết góc nọ sang góc kia để tránh dột mỗi khi mưa. Nhà Nương sát cạnh, ới một tiếng Diểu sang liền. Cha của Nương và Diểu mất từ hồi họ còn bé. Nương có một người anh bằng tuổi Diểu, nhưng vô Nam làm ăn chẳng mấy khi về. Hai mẹ con đánh vật với việc đốt nương làm rẫy, quanh năm vất vả đói nghèo.
Đêm trăng mười sáu thật đẹp, Diểu rủ Nương đi bắt cá suối. Vào mùa mưa, dưới suối nhiều cá lắm. Những con chuối, béo to như cổ chân hễ thấy ánh đèn là lao tới. Diểu chỉ cần cầm sẵn cái vợt, bắt chúng dễ như trở bàn tay. Gần sáng mang về đầy rổ cá. Hai bên rìa suối mọc một loài hoa rất đẹp, trắng muốt, thơm ngào ngạt. Nương ngắt một nhành đưa cho Diểu bảo:
– Giá cái gì cũng đẹp và thơm như bông dành dành này anh nhỉ?
Sao lại là dành dành, chả có ý nghĩa gì cả, sao không là Diểu Nương? Phải rồi hay lắm, Diểu Nương, hoa Diểu Nương. Yêu thấy thế nào? Em cũng lấy một nhành nhé? Nhất định Diểu Nương sẽ mãi là Diểu Nương. Con suối này, nơi Diểu Nương sinh ra, lớn lên, là nơi chúng ta hò hẹn. Diểu Nương sẽ sống mãi.
Diểu dắt tay Nương lần về bản theo con chạch giữa hai ruộng lúa. Ánh trăng đã mờ dần và nghiêng xuống sát dãy núi Chân Chim. Không gian yên lặng, thanh bình. Nương ngả vào vai người yêu, lòng dạt dào yêu thương, tin tưởng.
Diểu đỗ đại học. Cái tin ấy loan đi nhanh chóng, cả bản kéo đến kín cả sân vườn. Ông trưởng bản tuyên bố sẽ cùng dân bản hỗ trợ hàng tháng cho Diểu ăn học. Đêm chia tay, dưới ánh lửa bập bùng trước nhà Chung, Diểu nói:
– Nhất định học xong trở về, con sẽ cùng các cô chú bác, các mế xây dựng thôn bản ngày một giàu mạnh, sẽ làm lại mái Chung này thật to. Con hứa.
– Được, chàng trai của núi rừng, hãy vì Giàng mà cố gắng học cho tài con nhé? – Ông trưởng bản vỗ mạnh lên đôi vai săn chắc của Diểu, giọng hân hoan, tự hào.
Cả bản tiễn Diểu ra tận đầu con suối, vẫy tay chào tạm biệt, Diểu mạnh chân bước băng băng qua những thửa ngô con gái xanh mướt, lòng ngập niềm vui.
– Anh Diểu ơi, chờ em với.
Nương đứng cạnh người yêu, tay đưa ra mấy thứ đã chuẩn bị từ lâu, cô biết ở thành phố sẽ có lúc Diểu cần đến. Giọng xúc động, Nương thủ thỉ:
– Gắng giữ gìn sức khỏe nhé anh, lúc nào rảnh hãy biên thư về cho . . . cho mế biết tin nha – Cô ngập ngừng – Anh . . . anh nhìn này, cầm lấy đi anh, em vừa qua suối hái anh ạ. Hoa của chúng mình, Diểu Nương đấy. Em sẽ chờ anh về, Diểu Nương mãi mãi nở bên dòng suối bản ta Diểu ạ!
***
– Hãy suy nghĩ kỹ, cơ hội chỉ có một. Cậu về làm gì cái thôn bản xa xôi ấy, nơi đó không sử dụng hết khả năng của cậu, sẽ lãng phí đi. Ở đây với tấm bằng khá, nếu được việc, cậu sẽ được trọng dụng, sẽ có tiền, có sự thăng tiến.
Im lặng, Diểu đứng như chôn chân trước phòng nhân sự. Những điều ông giám đốc vừa nói, không phải Diểu chưa biết. Nhưng Diểu vẫn muốn về quê, Diểu phải thực hiện lời hứa, Diểu thoáng thấy bên tai tiếng già bản lẫn mùi hoa Diểu Nương ngàn ngạt và ánh mắt đầy hy vọng, chờ đợi của Nương . . .
Mấy hôm về nhà, Diểu rầu rầu nằm dài trên chiếc chõng tre, mế mắng yêu:
– Giàng đánh nhà anh, lớn tướng rồi mà vẫn bắt mế hầu, dậy vào ăn cơm đi. Mai con lại ra Hà Nội hử, khi nào lấy bằng thì về luôn chứ? Con Nương nhắc anh suốt đấy, mấy hôm nay nó phải nghỉ học, bà Dếnh bị ốm nằm dưới bệnh viện huyện. Chiều nay con qua đó một tý. Để mế đi mượn cho chiếc xe đạp.
Diểu không nói gì, Diểu cảm thấy không đủ tự tin để gặp Nương, không đủ can đảm đối mặt với già bản, với mọi người. Diểu đã nhận lời ông giám đốc, Diểu thầm hứa rằng, sẽ kiếm lưng vốn trước khi trở về. Diểu đang rất cần tiền. Hoa và bánh mỳ, Diểu muốn cả hai. Diểu kiếm bánh mỳ trước, cái bụng đói, sao làm được việc khác?. Diểu vớ lấy ba lô rồi cắm cổ một mạch ra bến xe. Diểu muốn trốn chạy, bởi mọi việc đã quyết định rồi, không thể thay đổi. Mùi hoa dành dành như đuổi theo Diểu, dật dào, líu kéo.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Diểu được cất nhắc vào những vị trí quan trọng của công ty. Cuộc sống vàng son nơi thị thành cuốn hút Diểu. Diểu hể hả, đam mê. Mỗi lần thăng quan tiến chức, Diểu càng ham muốn, càng tự nguyện lao vào vòng xoáy tiền bạc quyền lực. Những lần về bản Sán Lìu thưa dần.
* * *
– Anh chán quá khứ rồi phải không? Vậy chúng ta sẽ cùng nhau đáp chuyến tàu đi hiện tại nhé? Đấy, ở đời thường là vậy, mải mốt kiếm tìm cho bằng được, nhưng rồi lại có giữ được nó đâu? Nào anh lên tàu đi, chúng ta sẽ trở về bắt đầu từ ga Hai lăm. Lang thang ngần ấy ga là quá đủ cho hành trình trở lại tuổi xanh. Chúng ta phải sống với thực tại, không thể ở đây lâu được. Ta đi thôi . . .
– Càng gần ga hiện tại tôi càng cảm thấy cô rất quen, trong quá khứ rõ ràng là chúng ta chưa bao giờ gặp. Sao thế nhỉ, tàu lắc mạnh quá, tôi thấy khó chịu. Cô nhìn thấy chứ, phía trước nhiều ngã ba, ngã tư quá, u ám, quanh co. Lại cả hầm hố sâu thẳm kìa. Mà sao cô lại im lặng vậy, cô nói gì đi chứ?
– Sắp đến rồi, giờ thì chúng ta đã nhận ra nhau. Mỗi lúc một rõ, anh phải đối mặt với hiện tại, với sự thật thôi. Lòng tham của con người là vô đáy, cỗ máy thời gian cuốn theo tất cả. Anh tồi lắm, Diểu ạ.
– Ừ phải rồi, anh Diểu đây, thì ra là thế, chúng ta hãy bỏ qua tất cả để làm lại từ đầu, sẽ cùng nhau xuống nhé, Linh?
– Không, nó hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố may rủi, hoặc tất cả hai chúng ta đều có cơ hội trở lại thực tại, hoặc chỉ một trong hai. Thậm chí, cả hai lại phải quay trở về quá khứ. Anh thôi ý nghĩ ấy đi, giả tạo lắm. Khi hoa tàn, người ta thường cho nó vào sọt rác, con gái tuổi ba mươi xem như đã bắt đầu tàn.
– Em nói cái gì lạ vậy, anh yêu em. Hai năm qua mà em vẫn không tin sao, đành rằng chúng ta không thể đến với nhau bằng một cuộc hôn nhân. Nhưng hôn nhân là địa ngục, anh sợ gia đình. Anh và em gặp nhau khi tất cả đã muộn. Em cũng vậy mà, chúng ta tìm đến nhau để chia sẻ, Anh mãi yêu em. Anh thề.
– Đàn ông ích kỷ tham lam, cái gì cũng muốn. Cả thèm chóng chán. Lời thề à, em nghe không biết bao nhiêu lần. Anh hãy trả em về với gia đình em, chúng ta đã vượt giới hạn, nên dừng lại trước khi quá muộn. Kìa, sao tàu giảm tốc độ nhỉ, sắp về tới nơi rồi chăng. Mà hình như nó dừng thì phải, à không vẫn chạy, nhưng hơi chậm. Thôi anh chuẩn bị xuống đi, ta chia tay nhau từ đây nhé?
Diểu ú ớ, hai tay chới với bơi bơi. Diểu cố gọi Linh, người đàn bà theo Diểu suốt chặng hành trình. Rõ ràng cô ấy xuống trước, thoáng cái mà không thấy đâu. Nhà ga lại rơi vào yên lặng, Diểu dần nhớ, đúng rồi, đêm ở Đại Lải. Linh nằm dài trên chiếc giường đệm trắng muốt, tuổi ba mươi xuân sắc. Diểu chóng thèm lại cả chán. Lúc gặp Linh, Diểu cố chinh phục cho bằng được, quyết làm của riêng, giờ lại muốn trút bỏ.
Hồ Đại Lải yên ả, mênh mông nước. Diểu bỗng muốn về ngay bản Sán Lìu, muốn thoát khỏi khối thịt kia. Diểu khao khát ở mãi ga Hai mươi, bên cạnh Nương.
Diểu đã cố gắng tìm người con gái đầu tiên đi qua đời Diểu, rồi tự nhiên biến mất. Diểu biết mình đã phản bội, đã đi ngược với lời thề. Giữa ngã ba, Diểu đã chọn ngả rẽ rộng rãi hơn. Người đàn bà làm vợ Diểu là con một vị chức sắc trong thành phố, nhờ cuộc hôn nhân này mà Diểu đã leo lên cương vị cao nhất của tập đoàn. Nhưng ở đời chả có ai cho không ai cái gì, khi Diểu nhận ra mình là con tốt thế mạng trong cuộc cờ thất trận thì đã muộn. Cuộc hôn nhân tan vỡ, để lại cho Diểu khoảng trống không gì lấp được. Lần đầu tiên Diểu khóc vì hối hận. Diểu bỗng nhớ mế, nhớ bản Sán Lìu và mùi hương dành dành bên bờ suối. Diểu muốn quay lại ngay nơi ấy, muốn xin lỗi tất cả. Đứa con lầm lỗi của núi rừng trở về trong bóng đêm, không còn ai ra đón Diểu. Diểu bảo anh lái xe dừng ở đầu bản, một mình lầm lũi vào nhà. Trên giường, mế Diểu đang ốm.
– Sao về muộn thế con? Bà Dếnh mất rồi, Giàng bắt bà ấy đi rồi. Con Nương vừa trở lại cơ quan chiều nay, nó chỉ được nghỉ phép có năm ngày. Tội nghiệp con bé, bao đám hỏi đều từ chối, ngoài ba mươi rồi mà vẫn chưa chịu lập gia đình. Suốt ngày với công việc, sao nó yêu nghề thế không biết, ai lấy được nó thật có phúc lớn. Mế thấy có lỗi quá, giá mế được đứa con dâu tốt như thế.
Diểu bàng hoàng, mẹ Nương mất rồi ư, căn nhà sàn trống hoảnh. Diểu buồn, ký ức xa xưa dội về. Hình ảnh Nương tê tái trong buổi gặp cuối cùng cứ ám ảnh tâm trí Diểu. Diểu thật tàn nhẫn và tham lam, tự tay đập vỡ chiếc ly pha lê tình yêu bởi không cưỡng lại được vòng xoáy của tiền bạc, công danh, quyền lực. Diểu biết, dù có dập đầu ngàn lần trước thần suối Viêng, cũng không gột rửa hết tội lỗi của Diểu. Thời gian cứ vùn vụt trôi, Diểu đi tìm Nương, khắc khoải vô vọng. Ngần ấy năm họ chưa hề gặp lại, Nương không tha thứ, bông Diểu Nương trở lại là khóm dành dành nơi bờ suối mọc dại, bẽ bàng, hiu hắt. Diểu bất lực giết thời gian vào các thú vui. Những cuộc tình tay ba tay tư, bao cô gái lần lượt mắc lưới. Đêm nay người đàn bà thứ en nờ đi qua đời Diểu. Nhưng Diểu vẫn buồn và cô đơn, Diểu không sao xóa được những ngày qua . . .
Bỗng mùi thơm thoang thoảng quen thuộc, phả vào căn phòng. Hương Diểu Nương? Ở đây cũng có loài hoa đó sao? Bật tung cánh cửa lao ra ngoài, Diểu đi ngược chiều gió. Bên khe đồi sau nhà nghỉ, mùi thơm lan tỏa. Mấy bông dành dành yếu ớt, phất phơ dưới ánh trăng mờ nhạt. Diểu cả mừng, vội ngắt tất cả mang về phòng đặt ngay ngắn trên bàn. Linh ngạc nhiên, vồ lấy thú vị hít hà:
– Hoa gì mà thơm vậy anh, đẹp quá nhỉ, tặng em nhé?
Hoa gì à, nghe kể rồi đừng đòi ghép tên nhé, không có Diểu Linh đâu, trừ khi là người con gái đầu tiên của Diểu. Họ nằm bên nhau, tiếng máy lạnh sè sè nhè nhẹ, tràn ngập hương Diểu Nương. Trong cơn mơ, Diểu như tìm thấy Nương, trái tim đầy ắp yêu thương, Nương nằm cạnh bên, thứ tha, dịu dàng đằm thắm như thủa xa xưa!
Chiều hôm sau, Diểu và Linh trở về Hà Nội. Đi được dăm cây số, Diểu bỗng thấy mình như bị nhấc bổng lên, toàn thân không trọng lượng, mùi Diểu Nương biến mất, khắp người Diểu toàn mùi máu, màu máu . . .
***
Phòng hậu phẫu, mùi thuốc tẩy gia – ven nồng nặc. Màu trắng bao trùm tứ bề, cái gì cũng trắng. Cả nhà xúm lại bên giường bệnh của Diểu, tiếng máy thở và điện tâm đồ tít tít, rè rè đều đều. Diểu vừa trải qua ca đại phẫu thuật. Phía trên cột màn, ống dẫn truyền dịch loằng ngoằng rủ xuống cắm chặt vào tay. Bên kia, một bệnh nhân nữ mình cũng cuốn đầy băng trắng. Người đàn ông đau đáu chầu chực, cạnh đó, đứa con gái ba tuổi liến láu, nó chưa thể hình dung được tai họa mà gia đình nó đang gánh chịu, mẹ nó đang nằm bất động.
– Ai là người nhà bệnh nhân Lý A Diểu? Xin ký vào biên bản hiện trường.
Cảnh sát giơ ra mấy tờ giấy có hình kẻ vẽ ngang dọc.
“Phúc An, ngày . . . tháng 8 năm 2017. Tại ngã tư phố Tam Giác, hướng đường đi hồ Đại Lải xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa hai xe mô tô biển kiểm soát . . . do ông Lý A Diểu điều khiển chở bà Lê Thị Thùy Linh với xe mô tô biển kiểm soát . . . do ông Hà Văn Hưng . . .”
Người nhà của Diểu là bà lão mặc váy dân tộc kia. Mế Diểu đấy, đã bao ngày ngồi chầu chực, người khô đi vì lo lắng và mất ngủ. Bà nhìn sang chiếc giường trống, nạn nhân Hưng đã xuất viện chiều qua. Gia đình ông ta thật tốt, dù con trai gây ra tai nạn nhưng họ đã không những chẳng trách phiền mà còn an ủi động viên bà. Họ nói rằng, con người ai cũng có nghiệp nợ của kiếp trước, giờ phải trả, tránh trước bị sau, thôi thì còn người còn của, hãy gắng vượt qua nạn này, giời không cấm cửa ai cả.
Trong phòng mổ, vị nữ bác sỹ đăm chiêu. Đã chục năm gắn bó với nghề, chứng kiến biết bao nhiêu nạn nhân tai nạn giao thông, nhưng với trường hợp này, chị không khỏi thương tâm. Một cơ thể thương tích đầy mình, trắng xóa bởi các lớp băng chằng chịt. Kíp mổ đã sẵn sàng. Ba tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, chị bước ra, dáng điệu căng thẳng mệt mỏi . . . Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chị thở phào trở về phòng kiểm tra lại hồ sơ bệnh án . . .
Diểu từ từ mở mắt, sao thế này, nhà ga gì mà lại trắng toát? Linh, Linh đâu rồi, cô ấy xuống tàu trước mà. Đảo mắt nhìn quanh, Diểu thấy mế đang chăm chú nhìn mình, mấy cô y tá cùng vài người bạn, tất cả đều reo lên sung sướng khi Diểu tỉnh lại. Diểu nhận ra mình đang trong viện.
Diểu nằm mơ màng, chợt thấy đôi mắt rất quen, nhưng không nhận ra được bởi chiếc khẩu trang kín hai phần ba khuôn mặt. Người đó khéo léo thay băng, rửa vết thương và tiêm cho Diểu. Một cảm giác êm ái dịu nhẹ không chút đau đớn, Diểu biết người đang chăm sóc mình là một bác sỹ giỏi. Đột nhiên Diểu thảng thốt bởi mùi hương quen thuộc thoang thoảng đâu đây. Diểu muốn nói mà cổ họng nghẹn lại, trời ơi gì thế này? Giữa bệnh viện sao lại có hoa Diểu Nương? Tươi tắn, ngan ngát! Diểu kinh ngạc, muốn bật ngay dậy lao tới khóm hoa cùng hình bóng quen thuộc xa xưa mà không nổi. Diểu chới với gắng sức gọi: Nương ơi . . .
Hôm sau, mọi người rất ngạc nhiên thấy trên giường Diểu có mấy bông dành dành xinh xắn, hương tỏa lôi cuốn. Diểu cố gắng giải thích đó là hoa Diểu Nương, mặc mọi người lắc đầu, cười Diểu. Bởi vì, chỉ có mình Diểu hiểu rõ chủ nhân của những bông hoa ấy. Diểu dáo dác, áo bờ – lu nào là Nương?
***
Một tháng sau ra viện, Diểu vội tìm Nương, nhưng mãi mà không thấy. Giám đốc bệnh viện cho biết, sáng nay bác sỹ Nương sẽ cùng hội chữ thập đỏ lên vùng cao làm từ thiện. Diểu buồn, lạc lõng xa vắng. Diểu tha thẩn khắp bệnh viện. Diểu đi tìm dấu vết người xưa. Tình cờ ngang qua khu nhà nhân viên, Diểu bỗng sững lại: Phía ngoài ban công của một căn phòng, có hai chậu dành dành xanh tươi với những bông hoa trắng muốt, thơm ngào ngạt đong đưa trước gió . . . Diểu hiểu đó là phòng của Nương, liền lặng lẽ gắn lên đó tấm biển nhỏ đề tên: Hoa Diểu Nương!
Chợt có bóng bờ – lu trắng thấp thoáng trước lối ra cổng, hình như cô ấy, Diểu vội chạy theo. Mùi hương Diểu Nương cuốn lấy Diểu, dáng hình Nương lúc ẩn lúc hiện giữa dòng người đông đúc, mờ, nhòa đi . . .
Tác giả: Trương Vân Ngọc – Giọng đọc: Sơn Tùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *