Bài nổi bật

Dốc Đá – Lục Mạnh Cường

Truyện đêm khuya – Tháng ba. Hoa mận, hoa đào như những cánh bướm rập rờn trong sương, bay ven những bờ rào đá. Những vạt nương hoa cải vàng rực chạy đến lưng chừng núi…
Tháng ba. Chị Súa đi lấy chồng. Vụ ngô đang mùa cày nương và tra hạt. Con bò cày vừa lăn núi vào tháng Giêng. Tôi ngồi bó gối nhìn từng cánh hoa đào rơi, rơi như những giọt máu chảy ra từ khắp người con bò. Bếp lửa đỏ rực đun nồi mèn mén không làm cho tôi ấm thêm chút nào. “Vản à! Từ nay một mình Vản xuống trường thôi. Tôi phải ở nhà thay con bò làm nương ngô…”
– Bác Tề à, Mảy học sắp xong rồi mà! Bác cho Mảy đi học tiếp đi…
– Nó học thế thôi. Cả cái bản này có ai học cao hơn nó đâu! Con gái học như nó sau này về không biết làm nương ngô, không biết dệt sợi lanh, không lấy được chồng đâu. Con bò nhà tao chết rồi. Nó không ở nhà, không ai cùng tao làm nương ngô…
– Bác à, Mảy đi học thì sẽ hiểu biết nhiều hơn, Mảy sẽ được đi học đại học. Mảy sẽ về làm cán bộ. Mảy sẽ kiếm được nhiều tiền, mua con bò khác cho bác làm nương, mua xe máy cho bác đi về huyện…
Vản nói chuyện với bố từ lúc bóng núi Pi Leng vừa chạm chân đến lúc nó che kín cả thung lũng. Tiếng bố quát làm tim tôi như vỡ ra: “Mày cút đi. Tao đẻ nó ra. Tao không cho nó đi học thì nó phải ở nhà…”
Vản đứng bên kia bờ rào đá nhìn tôi. Đôi mắt sáng chưa bao giờ lo lắng và đau đớn đến thế. Không thể chịu đựng thêm, tôi xua tay: “Vản đi đi. Học thay cho tôi nhé! Xin lỗi các thầy cô giúp tôi”. Tôi kéo cánh cổng gỗ. Tiếng rít nặng nề dài như một tiếng thở dài khó nhọc. Vản giữ tay tôi lại. Đôi mắt sáng bừng đầy kiên quyết. “Mảy đợi tôi nhé! Nhất định Mảy phải đi học…”. Vản quay người chạy xuôi dốc đá. Bóng Vản mờ dần rồi lẫn vào sương. Tôi thấy hai cánh cổng đang từ từ đóng lại. Cuộc đời tôi mãi chỉ là một cô gái Mông nhốt sau cái bờ rào đá mà thôi.
Thầy giáo đến nhà vào lúc chập tối. Tôi lại hi vọng. Ngày hôm nay, tôi lên nương tra ngô mà không lúc nào không nghĩ đến lớp học. Ở đó, các thầy cô đã dạy tôi bao điều hay, lẽ phải. Con người phải biết phấn đấu vươn lên. Đừng nhốt mình sau cánh cổng gỗ, suốt đời cắm mặt đi sau đuôi con bò…
– Mảy à! Bố Mảy vẫn không đồng ý cho Mảy đi học đâu. Thầy giáo về rồi. Mảy à! Mảy có muốn đi học không?…
– Tôi muốn lắm chứ, nhưng làm gì được hả Vản! Cuộc sống của tôi là ở nơi đây, sau cái bờ rào đá này rồi…
– Tương lai của Mảy là do Mảy quyết định, không ai quyết định được thay Mảy cả. Mảy nghe tôi. Mảy cùng tôi xuống trường. Thầy cô sẽ bảo vệ chúng ta, chúng ta phải học hết cấp ba, còn phải đi học đại học nữa. Đêm nay, Mảy theo tôi xuống trường nhé…
Khi bàn chân tôi leo lên cái bờ rào đá ấy, cảm giác như mình sắp ngất. Hơi thở nghẹn lại, tai ù đi và đầu ong ong. Tôi là đứa con gái hư hỏng, có phải tôi đã quá ích kỉ không khi bỏ trốn khỏi ngôi nhà đã nuôi tôi khôn lớn, bỏ bố mẹ và hai đứa em trai còn chưa biết cầm cái cuốc và những mùa ngô cằn cỗi trên mảnh nương đầy đá? Vản nắm lấy tay tôi, đỡ tôi leo qua bờ rào đá. Giọng Vản đầy rắn rỏi.
– Rồi bố mẹ sẽ hiểu! Mảy không đi tìm cuộc sống tốt đẹp cho riêng mình mà đi tìm lối thoát, để xóa đi những tập tục lạc hậu. Những người con gái sẽ theo gương Mảy mà học cao hơn sẽ không còn bị cái khổ đeo bám nữa.
Dốc Đá – Lục Mạnh Cường
Chân tôi vừa chạm đất là lúc cánh cổng gỗ từ từ mở. Bố hiện ra lừng lững như con gấu. Đôi mắt ông như có lửa. Ông giơ con dao quắm lưỡi sáng ánh thép lên. Đôi chân tôi bủn rủn. Tôi từ từ khụy xuống, tay cố đẩy Vản ra xa.
– Vản à. Đi đi! Tôi xin Vản đấy! Đi đi… Bố à. Tôi xin bố! Là tại tôi. Bố tha cho Vản đi. Tôi không dám trốn nữa đâu…
Vản đi giật lùi từng bước. Bố lôi tay tôi xềnh xệch. Cánh cổng gỗ sập lại sau lưng. Trước khi nó đóng hẳn, tôi vẫn thấy phía bên kia, Vản đứng như hóa đá.
Nửa đêm, tôi vẫn không tài nào ngủ được. Nước mắt ướt đẫm gối. Chợt bên ngoài có tiếng sáo. Tiếng sáo thổi từ xa rồi gần lại. Tiếng sáo của Vản. Tại sao Vản liều thế? Tôi run lên. Bố tôi mà gặp Vản lần này thế nào cũng chém. Con dao không có mắt. Cái giận làm mờ mắt bố tôi rồi. Tôi hốt hoảng ngồi bật dậy. Ở gian bên kia vẫn im lìm. Bố vẫn đang ngủ. Tôi rón rén mở của bước ra sân. Tiếng sáo nhỏ dần. Tôi lần lại góc bờ rào đá phía Vản ngồi.
– Vản à! Về đi! Bố tôi mà dậy là chém đấy!
– Tôi không sợ! Mảy à! Mảy không được bỏ học. Mảy phải cùng tôi xuống trường học…
– Tôi không đi được. Tôi đi không có ai giúp bố làm nương ngô. Không có ai đi lấy cỏ cho bò, nấu cám cho lợn…
– Từ trước Mảy không ở nhà bố Mảy vẫn làm được mà. Mảy đi cùng tôi đi…
– Không được! Tối nay tôi mà đi là không về nhà được nữa, với lại thế nào bố tôi cũng tìm Vản để chém. Tôi không đi được…
Nói đến đây, nước mắt tôi trào ra. Phía bên kia im lặng. Tôi bật khóc. Khóc cho mình và vì tấm lòng của Vản. Nước mắt tôi như cơn mưa trên cao nguyên đá này. Một lúc lâu, có tiếng của Vản:
– Mảy à! Hay Mảy về nhà tôi nhé?
– Về nhà Vản làm gì?
– Về làm vợ tôi!
– Không được! Vản cũng định bỏ học sao?
– Không. Tôi sẽ bảo bố mẹ hỏi cưới Mảy. Nhưng chúng mình chỉ làm vợ chồng giả thôi. Về nhà tôi, tôi sẽ xin cho Mảy đi học, được không?
– Không được đâu! Người ta cưới con dâu về là để giúp làm nương, nuôi lợn chăn bò, là để đẻ con nối dõi cho nhà người ta chứ đâu phải để nuôi đi học…
– Bố mẹ thương tôi lắm! Bố mẹ sẽ nghe tôi và cho Mảy đi học. Thôi Mảy vào ngủ đi. Tôi về nói với bố mẹ.
Cuối cùng thì Vản cũng thuyết phục được bố mẹ mình để tôi về làm dâu nhà Vản. Ngày tôi bước chân vào nhà Vản, bố mẹ Vản nhìn tôi với ánh mắt lành lạnh. Cũng đúng thôi! Không ai đổi một con bò lấy một đứa con dâu về để nuôi đi học. Tôi cúi mặt nép vào cột nhà tránh ánh nhìn ấy…
Đêm trên núi cao xuống nhanh. Nằm bên Vản mà tôi cứ thao thức mãi. Vản quay sang tôi. Ngọn đèn dầu vặn sáng cho tôi nhìn rõ đôi mắt Vản. Đôi mắt to và sáng như hai vì sao. Vản cười:
– Mảy à. Tôi không làm gì Mảy đâu. Chúng mình chỉ là vợ chồng giả thôi. Mai mình xuống trường học. Lại là bạn cùng lớp… Sau này, nếu Mảy yêu người khác, tôi cũng không giận đâu!
Tôi mỉm cười. Chơi với Vản từ bé, lúc nào tôi cũng cảm thấy thật yên tâm khi có Vản ở bên. Cũng như đêm nay, được nằm bên Vản thì dẫu ngoài kia có lũ rừng hay núi sập, tôi cũng không sợ nữa. Tôi rúc đầu vào ngực Vản. Vản vòng tay qua ôm tôi. Cái ôm thật nhẹ, nhẹ như ngoài kia đang có một cơn mưa đêm rắc mỏng trên mái lá.
Từ hôm xuống trường học, Vản rất ít cho tôi về nhà. Tôi biết vì Vản thương tôi nhưng tôi vẫn phải về. Đi xe ba tiếng đồng hồ và đi bộ non một buổi mới đến nhà. Về nhà là cắm mặt vào việc. Sớm ra xay ngô, đồ mèn mén. Nấu nồi cám to cho đàn lợn, đi cắt cỏ bỏ, làm cỏ nương ngô hay thu ngô… Tôi không ngại những việc đó vì có Vản ở bên. Chỉ có điều đôi mắt bố mẹ như có kim, lời nói như có roi quất vào tôi. Tôi cắm cúi làm như con rùa lầm lũi vì biết mình có lỗi.
Những ngày nghỉ không về nhà, Vản thường rủ tôi ra thư viện. Hai đứa mải mê đọc sách. Những lúc ấy, thời gian không thể chạm đến chúng tôi. Những cuốn sách mở rộng trước mắt chúng tôi về những chân trời mới. Chỉ có tôi và Vản trong khung trời ấy. Có lần đọc xong một cuốn sách, tôi buồn bã bảo Vản:
– Vản à! Sắp học xong cấp III rồi, chỉ còn Vản học tiếp thôi. Tôi không đi học nữa. Tôi phải ở nhà làm việc…
Vản nhìn tôi, ánh mắt ấm áp mà trang nghiêm:
– Không được! Mảy phải đi học tiếp. Không học đại học thì cao đẳng, học nghề. Tôi không cho Mảy ở nhà đâu. Nếu phải ở thì tôi sẽ ở. Mảy yếu hơn tôi, Mảy phải đi học. Nếu cần người làm thì tôi sẽ ở nhà.
Dốc Đá – Lục Mạnh Cường
Tôi không biết nói gì, cúi mặt xuống trang sách. Con gái Mông không được cãi chồng. Tôi biết Vản thương tôi lắm nhưng làm thế sao được. Con gái Mông về nhà chồng phải lo cho chồng và gia đình. Bố mẹ đã cho tôi theo Vản học hết cấp III là thương tôi lắm rồi, tôi phải biết nghĩ chứ. Bây giờ chúng tôi học nội trú còn được nhà nước nuôi chứ sau này đi học chuyên nghiệp thì ai lo cho nữa? Một mảnh nương đá, hai con bò, hai người già và hai đứa em nhỏ làm sao nuôi được hai người đi học. Một giọt nước mắt tràn trên má tôi. Vản đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Bàn tay ấm nóng ấy siết chặt lấy bàn tay bé nhỏ của tôi. Vản quả quyết:
– Chúng mình phải đi học. Dù có phải nhịn ăn cũng phải đi học. Chúng mình phải có công việc ổn định chứ không thể ngày ngày bám đuôi bò lên nương ngô, nhặt phân bò về đun bếp được.
Tôi theo Vản ra phía bờ sông. Bờ sông lộng gió trong chiều muộn. Dòng nước hiền hòa chảy. Phía bên kia sông, vài cánh cò rập rờn trên những khóm tre. Tôi ngồi xuống bên Vản trên tảng đá lớn, Vản đăm chiêu nhìn ra phía mặt sông:
– Mảy à! Người Mông mình sống trên đá, khổ lắm. Không phải Vản không quen với cái khổ nhưng Vản không muốn chúng mình cứ khổ mãi. Chúng mình phải đi học, đi làm… Không phải chỉ vì chúng mình mà còn các em, các cháu chúng mình nữa. Cả bản mình có ai xuống nổi cái chân núi đâu, chỉ thấy leo lên lưng núi làm nương ngô cao mãi. Anh Dình, anh Giáo đấy, học giỏi thế nhưng cũng có được đi học đâu. Mình phải làm cho người già thay đổi cách nghĩ, phải chứng minh cho người già thấy chúng mình làm được. Cho dù bố mẹ không nuôi thì mình đi làm thêm kiếm tiền ăn học. Mình còn trẻ, có sức khỏe thì lo gì.
Tôi tựa đầu vào vai Vản. Vản nói cái gì cũng đúng. Tôi là vợ Vản, tôi phải nghe lời Vản thôi.
Đêm tháng sáu. Vài tiếng lắc rắc hạt mưa trên tàu lá rồi lại hết. Ở lưng chừng núi này chưa có đêm nào ngột ngạt như đêm nay. Bếp lửa nhỏ thôi vì nồi cám đã sôi rồi nhưng vẫn làm tôi ngột ngạt bức bối. Ở trên nhà kia Vản đang xin bố mẹ cho tôi đi học tiếp. Còn tôi ngồi đây, vểnh tai lên nghe trộm từng lời nói quyết định khoảng thời gian sắp tới của tôi…
– Một mình mày đi học thôi! Nó còn phải ở nhà giúp tao làm nương. Tao không nuôi nổi hai đứa mày đâu! – Tiếng mẹ chậm rãi.
– Bố mẹ à, cho Mảy đi học đi. Mảy học giỏi, không được đi học thì phí lắm! Sau này học xong Mảy sẽ làm cán bộ, sẽ có nhiều tiền về giúp nhà mình mà.
– Mày nói thế là không biết nghĩ rồi! Nó đi học nhiều, học cao thì sẽ khinh tao, khinh mẹ mày, khinh mày… Nó đi học nhiều sẽ lười, không chịu làm nương ngô, cắt cỏ… Rồi nó gặp thằng con trai tốt hơn mày. Nó bỏ mày đi theo thằng khác thì sao?
– Mảy không phải là người như thế đâu. Tôi biết mà. Tôi xin bố mẹ đấy! Bố mẹ cho Mảy đi học cùng tôi.
– Không được! Trước đây thương mày tao mới hứa cho nó đi học, nhưng chỉ cho học hết lớp 12 thôi. Không nuôi nó học cao hơn nữa.
Bố nói to, giọng bực dọc. Đầu tôi ong ong, tai tôi ù đi. Tôi biết mà, bố mẹ sẽ không cho tôi đi học đâu. Tôi ngồi cúi đầu nhìn đống lửa đang cháy mà trong lòng như có lửa. Tôi muốn chạy lên nhà trên xin Vản cho tôi ở nhà, xin Vản đừng cãi bố mẹ mà không dám. Tôi đã hứa với Vản rồi. Tôi phải nghe lời Vản.
– Nếu bố mẹ không cho, tôi với Mảy cũng sẽ đi! Chúng tôi sẽ tự kiếm tiền ăn học!
– Mày đi đi! Đi ngay đi! Đi bây giờ và đừng bao giờ về nữa! – Tiếng bố quát to và tiếng ấm chén vỡ. Tôi hốt hoảng chạy lên. Vản đang đứng trơ trơ giữa nhà. Đôi mắt mẹ nhìn tôi như đốt lửa vào mặt. Vản kéo tay tôi:
– Đi! Chúng mình đi!
Tôi níu lại định giằng tay Vản ra. Tôi định nói với Vản là tôi sẽ ở lại nhưng nhìn vào mắt Vản, tôi không dám. Đôi mắt ấy cũng như có lửa. Lửa ấy đốt cháy tôi làm người tôi mềm nhũn. Tôi như mê đi. Tôi không biết mình đang theo Vản đi về đâu…
*
* *
Hai mươi ba tuổi, tôi trở về con dốc đá, nơi ngã ba về nhà tôi và nhà Vản. Đêm qua và nhiều đêm trước nữa, Vản hẹn tôi ở đó! Leo hết đỉnh dốc, tôi ngồi thở. Gió! Gió lồng lộng thổi. Cỏ voi và ngô đang lên xanh che kín màu xám đá. Lâu lắm rồi tôi không vượt con dốc này. Có thêm vài nóc nhà dưới thung lũng và ngang lưng núi trước mặt nhưng chẳng thêm vẻ trù phú. Vẫn những ngôi nhà trình tường bé như tổ chim cu nằm gọn giữa những bờ rào đá thấp. Có tiếng người từ khúc cua trước mặt. Một đôi vợ chồng dắt ngựa hiện ra. Có lẽ là đi chợ.
Lâu lắm rồi tôi và Vản không dắt ngựa xuống chợ. Vản à! Tôi nhớ Vản lắm! Tôi đã tốt nghiệp đại học rồi, Vản biết không? Tôi cúi mặt. Nước mắt trào ra. Những ngày tháng qua không có Vản ở bên thật khó. Vản biết không, rất nhiều lần, giữa đêm khuya tôi như kẻ mộng du, đuổi theo cái cái bóng mờ mờ của Vản trôi giữa bảng lảng sương dọc hành lang kí túc xá mà không sao bắt được… Sao Vản lại trốn tôi?
Dốc Đá – Lục Mạnh Cường
Những ngày tháng ấy, tôi như cái cây bị bứng khỏi đất, nhưng tôi không hề nhụt chí vì tôi biết rằng Vản yêu tôi và mong chờ ở tôi nhiều lắm… Sáng dậy từ bốn rưỡi, tranh thủ học bài rồi đi học. Buổi chiều đi bán hàng thêm, làm ở quán ăn, đi dạy kèm. Tối đi phục vụ ở quán cà phê… Nhiều lúc nhìn vào gương thấy người mình toàn xương và đôi mắt sâu hoắm. Tôi sợ mình không cố nổi nữa…
Những ngày khó khăn ấy đã qua rồi, Vản ạ! Tôi không phải là đứa con dâu tốt khi không giúp bố mẹ đồ mèn mén, trồng ngô… nhưng tôi cũng không phải là đứa con dâu xấu khi vẫn gửi tiền về giúp bố mẹ làm bể nước, lợp lại mái nhà… Tôi đã tốt nghiệp loại giỏi dựa vào chính sức học của mình, Vản vui chứ?
– Chào cô! Cô đợi ai sao?
Tôi giật mình ngẩng đầu lên sau tiếng chào. Một dáng con trai cao lớn, vạm vỡ và vững chãi. Vản! Tôi đứng bật dậy. Dụi mắt, tôi cố căng hai mí đến muốn rách toạc để nhìn lại lần nữa… Không phải Vản… đó chỉ là người có vóc dáng giống Vản trong bộ quân phục biên phòng mà thôi… Tôi gần như sụm xuống. Nước mắt tủi thân chực trào ra.
– Tôi đợi chồng tôi.
Anh bộ đội ngồi xuống cạnh tôi. Nắng đã lên cao gần đến đỉnh đầu. Cây sa mộc già chỉ tạo được một khoảng bóng râm nhỏ hẹp. Gió cứ thổi và mặt trời cứ xuôi về phía tây. Anh bộ đội im lặng ngồi bên tôi, không nói gì. Khi nắng đã đẩy bóng cây sa mộc ra khỏi chỗ tôi ngồi. Anh đứng dậy:
– Chồng cô không đến đâu! Cô về Tà Lùng hay xuôi phố huyện?
Tôi cũng uể oải đứng dậy. Phải! Vản sẽ không đến đâu. Tôi muốn khóc. Không! Tôi không được khóc. Vản vẫn muốn tôi phải cứng rắn mà! Tôi bặm môi, thở dài:
– Tôi xuôi phố huyện.
Anh bộ đội cùng tôi xuôi dốc. Cả con dốc dài cũng im lặng nghe tiếng bước chân của tôi và anh. Khi phố huyện hiện ra như một bức tranh trong thung lũng chiều nhạt nắng, anh dừng lại:
– Tôi là Dìn.
– Còn tôi là Mảy.
Anh chìa tay ra bắt tay tôi. Một nụ cười ấm áp. Ánh mắt anh nhìn tôi chân thành. Tôi sợ ánh mắt ấy. Nó hiền lành, thông minh và vững chãi như ánh mắt của Vản. Tôi đã ngã trong ánh mắt của Vản rồi. Tôi sợ… Tôi cúi đầu bước thẳng.
Đêm ấy, khi mọi người đã đi ngủ cả, Vản đến. Vản ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi. Tôi rúc đầu vào ngực Vản, thấy lòng thật bình yên.
– Mảy có giận tôi không?
– Không! Đợi bao lâu tôi cũng đợi được!
– Mảy đừng như thế! Tôi đã bảo là Mảy đừng nhớ tôi, đừng để tôi trong tim nữa…
Tôi ngước lên nhìn Vản. Ánh nhìn đầy nghiêm trang và trách móc. Vản bối rối quay mặt đi.
– Hôm nay Mảy gặp anh bộ đội, đúng không?
– Ừ! Người có con mắt của Vản. Tôi không thích thế!
– Nếu có một người yêu Mảy, tôi sẽ không giận đâu. Tôi còn yên tâm hơn…
– Không được nói thế! Tôi giận đấy!
– Ừ! Ngủ đi! Tôi hát cho Mảy nghe nhé!
Tôi thiếp đi trong tiếng hát ấm áp của Vản. Gần sáng, trời lành lạnh, tôi tỉnh giấc thì Vản đã đi từ lúc nào. Không còn chút hơi ấm nào vương lại. Căn phòng chỉ còn mình tôi đơn độc. Ngoài kia, có tiếng chim vọng lại. Một buổi sáng lạnh lẽo. Tôi thở dài đứng dậy. Ngày đi làm chính thức đầu tiên của tôi. Tôi phải cố gắng làm tốt. Tôi mở của bước ra ngoài. Phía trước mặt, khóm cúc bung những cánh hoa rực rỡ trong buổi sớm mùa thu. Váng vất trong đầu, lời của Vản xen lẫn trong bài hát đêm qua:
– Mảy à! Phải biết mở lòng ra để yêu! Đừng chỉ yêu một mình tôi. Cuộc sống còn nhiều thứ để yêu thương lắm…
*
* *
Mùa xuân. Hoa đào quê tôi lúc nào cũng đẹp. Cánh dày và nhuận sắc. Không quá thắm như đào bích và không nhạt như đào phai. Dìn bảo: Hoa đào quê mình đẹp vì nó dám đương đầu chống chịu cái rét, không cam chịu đầu hàng số phận, như em… Tôi không biết đúng không khi giờ đây mình có trong tay nhiều thứ và đã mất đi nhiều thứ. Tôi là chủ tịch một xã vùng biên đang trên đà phát triển. Không còn hộ nghèo. Những người dân quê tôi không chỉ biết trồng ngô mà còn biết trồng cỏ voi nuôi bò và tham gia hợp tác xã dệt thổ cẩm. Những đàn bò béo mập, những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ theo những chuyến xe về xuôi mang lại cho quê tôi no ấm.
Vản ít về thăm tôi hơn. Không phải Vản ít yêu tôi hơn mà vì Vản muốn tôi quên Vản. Đã bao nhiêu lần Vản nói thế. “Dìn là người tốt! Mảy phải có chỗ dựa của mình. Quên tôi đi…”.
Dìn đã hỏi xin cưới tôi làm vợ. Hai mươi tám tuổi! Tôi đã đi một hành trình quá dài để đến với cuộc sống ngày hôm nay. Dìn là người tốt và rất yêu tôi nhưng tôi là vợ Vản, cho dù chỉ là vợ chồng giả, không có giấy kết hôn như Vản nói. Dìn bảo: Anh đã nhận làm con nuôi nhà Vản. Em có buồn không?
Tôi có buồn không nhỉ? Tôi không có thời gian dành cho những nỗi buồn. Tôi đã sống hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống bằng nghị lực. Ngày tôi xuôi hết cái dốc đá ấy, tôi đã quyết phải học tập, và phải sống cho xứng đáng với những gì Vản đã làm cho tôi…
Tôi theo Dìn sang nhà Vản. Bước chân tôi run run khi chạm lên bậc đá trước cửa nhà. Vản ơi! Tôi vẫn là con dâu nhà Vản, dù bố mẹ không nhận tôi. Nước mắt chảy tràn trên má. Lâu lắm rồi tôi mới lại khóc. Khóc thật nhiều khi chạm ngõ ngôi nhà bao năm tôi vẫn mong quay lại, mong được xay ngô trên chiếc cối đá ở góc nhà, mong được đun nồi cám nóng giữa đêm mùa đông, và được thấy Vản với nụ cười rạng rỡ trên môi đứng đón tôi trước cửa. Tôi khụy xuống trước cổng. Có một bàn tay nắm vai áo tôi kéo lên. Tôi ngẩng mặt. Khuôn mặt mẹ già nua và nhăn nheo. Mười năm rồi! Khuôn mặt mẹ đầy nếp nhăn nhưng ánh mắt không hề lạnh lẽo. Không phải là ánh mắt như roi quất của mười năm về trước! Mẹ mỉm cười:
– Con dâu à! Mày về rồi. Chúng tao đợi mày mãi! Mày là đứa con dâu lớn, đứa con dâu tốt trong nhà, mày phải nhớ như thế. Mày về là tốt rồi! Chúng tao vui lắm…
Bố mẹ vui. Tôi cũng thấy yên lòng vì được bố mẹ tha thứ. Còn Vản có vui không? Tôi đã hứa với lòng mình là sẽ sống thay cả phần Vản nữa. Tôi đã làm được! Tôi nhìn quanh mong tìm thấy bóng dáng Vản. Lòng nhói lên khi nhớ cái đêm mưa mười năm về trước, trên con đường đá trơn trượt hai đứa bỏ nhà đi học, Vản đã trượt chân rơi xuống vực…
Tôi ngồi xuống bậc thềm đá. Bên cây đào cổ thụ rực rỡ hoa, tôi nhìn thấy những nụ cười. Nụ cười rạng rỡ và non trẻ. Vản của tôi trẻ mãi ở tuổi mười tám…
Tác giả:L.M.C – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *