Bài nổi bật

Độc Thân – Trịnh Minh Hiếu

RadioVn.Com – Hắn hay phàn nàn về tư duy quá cũ cho thiết kế khu nhà. Phòng đã chật. Trần lại quá thấp. Hành lang thì chật chội, lại còn thi nhau đua ra. Người này thò ra. Người kia thụt vào. Bên dưới thì lốc xốc đủ các thể loại chậu hoa cây cảnh. Bên trên thì chằng chịt dây phơi như mạng nhện. Một ngày đẹp trời, ai mà vô tình ngước lên ngắm mĩ quan thành phố. Ôi thôi! Đám quần áo ba lăng nhăng đập vào. Cụp mắt vội!

Nhà hắn ở tầng ba. Chung căn hộ với một bà già đã về hưu. Tên “bà Lan” được đánh dấu trên công tơ điện nên hắn nhớ. Chồng bà đã mất. Cô con gái đang ở trời Tây. Hắn nghĩ cô ấy thế là sướng! Điên mới về! Cái phòng tù mù hơn chục mét vuông. Không gian thì trông ra mấy dây phơi quần áo. Chấm hết!
Mấy năm ở trời Tây, hắn đã quen cuộc sống tự do. Vì thế, hắn không thích sự ràng buộc hay quan tâm của người khác. Có khi lợi dụng để móc thối nhau. Với hắn, không có chuyện ấy. Song cứ thấy mặt hắn là mọi người lại xoắn chuyện lấy vợ: “Lấy vợ đi!”; “Trai ba mươi tuổi đang xoan. Trai bốn mươi tuổi thì…”. Có người khơi khơi: “Để em mối lái cho!”. Hắn thầm chặc lưỡi: “Không thích đấy! Hâm đấy! Đơ đấy! Sao phải xoắn?… Lấy vợ!?”. Mặc cho mọi người vồn vã, hắn vẫn lạnh thinh. “Tạnh” hẳn, hắn mới hất nửa cái mặt lên: “Thế à! Lấy hộ anh một đứa?!”. Tư duy quá cũ! Sao cứ phải hôn nhân? Cưới nhau. Ôm nhau. Vài bữa, tòi lít nhít mấy đứa trẻ con. Quần với lũ quỷ đầu đen ấy, với đám gạo, tiền, sữa, bỉm. Đến đoản mệnh! Có lão vợ đẻ, rây nguyên cái mùi cài cài của nước đái em hĩm đến cơ quan. May! Không ai có quyền bắt hắn phải lấy vợ. Có bố mẹ thì cả hai đã chết trong một tai nạn khi hắn mười lăm tuổi. Hắn ghét sự quan tâm kiểu ấy. Độc thân, tự do là một thứ lý tưởng với hắn. Vậy mà, sau một tháng đi công tác về, cuộc sống hắn đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Hôm ấy, khi chợt ngước mắt lên khu nhà, hắn sững lại ngay!? Góc nhà hắn ngàn ngạt quần áo, tã lót, xanh, đỏ, tím, vàng! Bà già? Không thể! Cô con gái? Gặp phải Tây đểu lừa tình rồi vác cái bụng về cũng nên! Chân hắn như tụt lại. Đời ảo thật!
Hắn nhớ lại một cuộc viếng thăm bất đắc dĩ vợ anh bạn cùng phòng lúc mới đẻ. Bố vác con ra khoe. Chị em thay nhau bế bồng quý hóa. Đúng lúc tới cơn – “Phẹt”! – Một phát như súng thần công! Mọi người giật nảy. Theo phản xạ, mẹ ấy giằng luôn cái tã lót. Kịp ngay một bãi tóe tràn vuông gạch nền. Ị xong, ngẩu lại vươn cái cần cẩu cong vót phun nước rải đều. Các mẹ rũ ra cười sung sướng rồi xúm vào bãi vàng vàng ấy khen lấy khen để: “Phải hoa cà hoa cải thế mới phổng!”. Lần đầu tiên, hắn được thưởng thức cái “nhuệ khí” hoa cà, hoa cải ấy. Liên tưởng đám tã lót kia cũng đã hứng những bãi cà cải ấy, hắn thấy cợn lên trong cổ. Khoá cửa hành lang xong, hắn bịt miệng đi thẳng về phòng. Đúng là cực hình!
Cả buổi tối, hắn đóng chặt cửa ngoài. Cơm nước xong, vừa ngồi vào bàn đã thấy oe, oe một hồi. Chắc lại đái ỉa! Hình như “nhuệ khí” hoa cà, hoa cải đang bốc thơm ra ngoài. Hắn liền đứng dậy đóng cửa sổ lại và đi pha cà phê. Mặc dù hắn không thích cà phê đêm.
Sáng hôm sau, vừa mở cửa đi làm, bà già đã sang gặp hắn trình bày. Bà xin lỗi về việc thằng cu chưa rụng rốn nên vẫn đau mới quấy khóc. Cô cháu hoàn cảnh vất vả. Chồng chết. Đơn thân vượt cạn. Thương cháu, bà đón về chăm. Hắn cũng bực. Phần vì cà phê. Phần, tiếng lục đục cả đêm vọng sang làm hắn không ngủ được. Tuy nhiên, cố tỏ ra là người không khó tính lắm, hắn nhệch miệng vui vẻ: “Miệng quan trôn trẻ mà bác!”. Những ngày sau, đi làm về muộn nên đám quần áo tã lót đã được cất từ lâu. Vậy mà, đi qua, hắn vẫn cảm giác tanh tanh, thêm mùi gây gây từ trong nhà phởn ra. Thằng bé có đỡ khóc hơn. Nhưng chỉ ba bảy, hai mốt ngày lại đột xuất tình hình. Đêm ấy, nó lại khóc dữ. Ngằn ngặt hết cơn này sang cơn khác. Hắn ung cả đầu vì không ngủ được. Vợ con kiểu này… thần kinh!
Sáng hôm sau, bà hàng xóm tốt bụng lại sang cốt thông báo thằng cháu khóc đêm vì đau mũi tiêm phòng. Ngầm ý, từ đêm nay sẽ không làm ảnh hưởng đến hắn nữa. Trời! Tịt thế nào được miệng quan trôn trẻ? Hắn nói toẹt luôn cho đỡ tức: “Con khóc không biết dỗ! Đàn bà gì mà vụng thế!?”. Lời ấy đã lọt đến tai… Từ đêm ấy, người mẹ đã ru rín con. Gió thổi qua bức liếp. Không muốn nghe nó vẫn đập vào tai. Hay ho gì? Khó chịu thêm! Bật nhạc lên tự khắc nó sẽ nín. Ở nước ngoài, thai nhi nghe nhạc từ tháng đầu tiên trong bụng mẹ. Thời này mà vẫn hát ri rỉ thế! Hết bài Cò lại bài Trâu. Quay đi quay lại. Nghe nực cười! “Con cò, con vạc, con nông/ Ba con cùng béo vặt lông con nào?… Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao… Cái cò là cái cò Quăm/ Mày mà đánh vợ, đêm nằm chết co…”. Cái thằng bé tí hin, chưa vỡ bọng cứt đã nghe chuyện vớ vẩn, xào xáo, vặt lông kẻ khác, toàn lừa nhau, giết nhau. Nhồi nhét toàn thứ ba lăng nhăng. Tư duy quá cũ! Đến mệt!
Hắn là người không quá cầu toàn. Song, mỗi khi bất chợt hình dung đám tã lót, dây rợ lủng lẳng trước nhà, tiếng trẻ khóc oe oe, tiếng hát ri rỉ, tiếng lịch kịch chai lọ, hắn lại thấy bí bách, luẫn quẫn. Đang yên đang lành, giờ không khác gì “con mọn”. Quấy quá ba thứ lăng nhăng ấy, hắn không còn tâm trí làm việc. Suốt thời gian đi công tác về, chưa làm ra hồn một cái gì. Quá oải. Quá mệt mỏi!
“Sống chết có số! Thôi cứ liều! Ít nhất là thoát được hậu trường “gái đẻ!”. Nghĩ vậy, hắn xin đi suất chuyên gia sáu tháng ở Trung Đông. Nói đến chiến sự, ai cũng sợ chết. Ai cũng biện gánh đời đang đè lên đầu: Vợ dại. Con thơ. Cha già. Mẹ héo (Vẫn kịch bản trốn thuế thu nhập cá nhân). Hình như, đàn ông cả nước này đều éo le, hoàn cảnh thế! Mỗi hắn, trơ trọc, ung dung một thân một mình. Chết là hết. Chẳng dính đến ai. Đi cho lành!
Sáu tháng, bao nhiêu sự kiện ác liệt xảy ra nơi chiến sự ấy. Có lần, hắn chết hụt bởi quả bom nổ cách có mấy trăm mét. Được toàn thây về nhà là hồng phúc lắm. Vì thế, hắn quên sạch những phiền hà, toan tính trước khi đi. Chân khấp khởi, mắt ngước lên góc nhà. Trời! Vẫn đám quần áo, tã lót đang bay phần phật. Bực điếng người! Biết thế, xin ở lại. Về kiểu này còn ác liệt hơn chiến sự Trung Đông. Khỉ thật!
Lên đầu cầu thang, hắn nghe có tiếng cười trẻ con. Hòa cùng đó là tiếng ú òa, tiếng giậm chân, tiếng cười như nắc nẻ. “Chẳng lẽ thằng bé đã lớn thế? Rồi lại leo trèo, quăng quật đồ chơi, la hét ầm ĩ. Giặc giời!”. Hắn lắc đầu ngán ngẩm!
Thằng bé được thả vào cái xe ba bánh ở thẳng cửa phòng hắn. Mẹ nó vừa lấy que gạt gạt, dàn đều đám quần áo, vừa đùa với con. Bà già đang bình thản xem báo. Hắn cứ giữ nguyên bộ mặt lạnh lùng mệt mỏi để mở cửa hành lang. “Cá! Cá chào bác kìa! Bác đã đi công tác về!” -Vừa nói, bà già vừa nhỏm dậy để kéo xe thằng “Cá” về cửa nhà mình. Người mẹ quay ra phía hắn vẻ bất ngờ, mồm lí nhí chào rồi thụt luôn vào nhà. Thằng bé nhoài theo bóng mẹ, miệng “pà, pà, pà”. “Giống người nuôi cũng nhanh! Trước còn oe oe khó chịu. Giờ đã toe toét, sởn sơ thế này. Cá! Cũng hay! Cái mặt bụ bẫm. Hai tai tròn vo. Mắt khau kháu. Cũng không ám lắm!”. Tỏ ý thân thiện, hắn cúi xuống nắm lấy tay nó. Thằng bé nhìn hắn ngác ngơ, mồm mệu mạo rồi khóc ré lên. Mẹ nó lại thò ra, chìa tay đón. Thằng bé quẩy mạnh cái xe rồi nhao lên lòng mẹ một cách sung sướng. Vừa bế lên, nó đã quậy ngay. Nó hí hởn trằn ngang. Cái đầu rúc ráy đòi ti. Một tay bám mẹ, một tay túm túm dứt dứt làm cúc áo ngực mẹ nó bị bật toang ra. Hắn liếc nhanh. Khe ngực trắng nhễ. Hai bầu sữa căng to như hai quả dừa nước. Mặt mẹ nó đỏ bừng xấu hổ. Tỉnh bơ như không để ý vặt, hắn vội về phòng nhưng hai chân cứ ríu lại. Đã cài cửa chặt, thấy không tiện, hắn lại mở hờ nửa cánh ra.
Ngày đầu tiên về nhà cũng tạm ổn. Thằng bé ban đêm không quấy khóc nữa. Đôi khi nhoé lên một hai tiếng rồi im thít. Nhưng mấy đêm liền hắn không ngủ được. Tâm trạng bâng khuâng như kẻ hồi hương. Nhiều thứ lạ lẫm. Cảnh gia đình ba người bình yên, vui vẻ ấy luôn ám ảnh. Lần đầu tiên, hắn thấy nhột nhoạt đến tức thở khi thằng bé mệu mạo sợ hãi, mắt ầng ậc nước. Sâu thẳm, một điều gì đó quá đỗi quen thuộc nhưng mang mang, mơ hồ như thuộc về quá khứ hay trong một tương lai nào đó. Hắn thần thã cả người. Sự xuất hiện của hắn như người đàn ông trung tâm gia đình ấy. Như bày đặt, trớ trêu của Tạo hóa. Bình thường, ở tuổi hắn lẽ ra đã phải có một gia đình như thế. Người mẹ quá trẻ, lại còn đẹp nữa. Đúng là phận hồng nhan. Đêm thanh vắng, nghe tiếng ru con thấy chạnh lòng. Cứ “à ơi” mà mỏi mòn, da diết: “Gió mùa Thu/ Mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày/ Mẹ thức cả năm/ Hỡi người! Người ơi!/ Em nhớ thương chàng!/ Ơi chàng!/ Chàng ơi!…”.
Sau lời ru ấy, chắc hẳn lại thút thít, giọt ngắn giọt dài. Hình như, ngày xưa, mẹ hắn cũng hát bài này. Đó là thời gian bố hắn đi C hay đi B gì đấy. Ru con hay ru mình? Khóc chồng hay khóc mình? Hay đang chống cự yếu ớt sự tuyệt vọng vĩnh viễn? Tội nghiệp thằng bé. Mồ côi bố từ trong bụng mẹ. Cùng phận mồ côi nhưng hắn đã đủ lớn để biết. Nghĩ đến hai nấm mộ song song quá thưa thớt hương khói, mưa nắng bạc phếch, hắn đau lắm. Đau nhưng không khóc nổi. Có người bảo hắn vô cảm. Có thể đúng! Hắn chỉ có công việc. Ngập trong đống đề tài, đề án. Chưa xong cái này đã hay cái khác. Làm tối mặt. Đều đặn. Hết ngày này sang ngày khác.
Hắn quan niệm: “Công việc là mục đích của sự tồn tại. Mỗi người là một cá thể độc lập nên bất khả xâm phạm”. Có thời gian, hắn trót với cô bạn gái rồi chia tay luôn. Đàn bà, hay ở chỗ: Đã yêu thì rất say, như vặt mình cho trai. Nhưng tật xấu đàn bà khi yêu là hay vòi cưới. Cứ thủ sẵn cái chốt rặt cạnh sườn, sơ hở là sập luôn, đàn ông không giãy ra được. Từ đó, hắn không còn cảm hứng yêu đương gì nữa. Hắn ghét cay ghét đắng loại đàn bà hay bả lả, hở hang, chỉ chực đong giai. Cuộc sống bên cạnh hàng xóm già bao năm nay đã củng cố thêm sự ổn định gần như cố hữu. Như mặt nước không một gợn tăm. Vậy mà, sự có mặt của người mẹ trẻ và đứa con nhỏ như bình minh chói lòa đã khuấy đảo cái mặt phẳng bình lặng ấy.
Lúc đầu còn chói chang, bức bối. Sau dịu dần, ấm áp. Hắn đã nhận ra sự không phải với đàn bà, con trẻ. Họ không có lỗi. Nhưng sống bên cạnh hàng xóm là hắn, họ luôn thấy mắc lỗi. Mọi nhất cử, nhất động, họ đều cố gắng để không bị phiền lụy đến hắn. Vậy mà, hắn vẫn chấp nhặt, chối trả và tìm cách truồi thoát khỏi mớ nhỏ nhặt ấy. Ba người, ba số phận thiệt thòi nhưng đã gồng gánh nhau cho bớt khổ. Thằng bé là hiện thân của bố nó. Nối liền hệ dòng tộc. Mỗi nhân mạng sinh ra đều phải gánh những trách nhiệm và bổn phận. Riêng hắn, không bị quẩy vào gánh nặng ấy.
Nhà hắn ba đời độc đinh. Đời hắn, đặt dấu chấm hết chi họ Quang Tự, bôi đỏ chữ “Tuyệt sinh” trong gia phả thế tộc. Không biện hộ hoàn cảnh. Chỉ là thái cực tự do. Hắn thích sống thế. Đời, chắc được vài thằng quả cảm, bản lĩnh như hắn? Từ lâu, hắn đã mặc định bằng một dãy số không: Không quá khứ! Không tương lai! Không gia đình, vợ con! Không họ hàng thân thích! Không thân sơ bạn bè! Không chơi bời, cờ bạc, gái gú…Nhưng giờ đây, những cú va đập đời thường, vô hình như thòng bản dây gai bố vào chân hắn. Càng gỡ, càng thít chặt làm tức chân hơn. Song nó lại có tác dụng như garô khi bị rắn cắn. Hắn đã ngộ ra. Lập thể dãy số không vô hồn, trống rỗng ấy đã hoại tử ham tục. Hắn sống như diệt! Sống mà không sinh. Không trách nhiệm, bổn phận! Trẻ trồng cây, già hái quả. Rồi đời hắn sẽ ra sao? Thật quá kinh khủng!
Hắn không còn tin vào hắn nữa. Sức lực, trí tuệ, tài năng, hay gì gì đó của người đàn ông ngoài bốn mươi giờ như tàu lá rũ. Không ngờ, đời hắn có lúc lại huơ hoác, u ám thế này! Hắn chưa bao giờ ốm. Vậy mà, hắn đã đổ ốm bệt bã. Thỉnh thoảng, tiếng ầm à, tiếng đi lại, mùi xào nấu thức ăn của nhà bên lại đánh thức hắn. Biết. Nhưng hắn không cất nổi đầu dậy, nằm bẹp trên giường, li bì, mê man mất hơn một ngày. Tỉnh dậy, hắn như người đãng trí. Không biết ngày hay đêm? Đang ở đâu? Sao lại thế? Chợt có tiếng lách cách gõ bát, tiếng trẻ đòi “măm măm”. Hắn mới sực nhớ. Bụng tự nhiên cồn cào, nôn nao. Nghĩ đến cơm, hắn thấy thèm vô cùng. Giá có ngay một tô cơm đầy, hắn sẽ hà hít để phả khắp mặt hơi nóng, mùi ngòn ngọt đậm đà của thứ cơm gạo ấy, rồi rưới mắm tép chưng thịt, ăn thật đã. Ăn xong, hắn sẽ khoẻ hẳn.
Hoá ra, chỉ khi nào khao khát, ước mơ thì những điều nhỏ nhặt, tưởng như rất bình thường ấy mới trở nên đẹp đẽ, cao siêu. Mọi thứ đều phải nâng niu, khó khăn, vất vả. Nhặt từ bàn tay người, đặt sang bàn tay mình, mới là của chính mình. Nghĩ suy, đấu tranh, cuối cùng, hắn cởi lòng, xỏ dép đi nấu cơm. Song, vừa thò tay vào thùng gạo, hắn đụng phải một nắm xôm xốp. Bốc cả lên, gạo đã mọt thành từng mủn. Hắn lại nằm phịch xuống giường.
Nghỉ mấy hôm liền, hắn mới khật khừ đến cơ quan. Vừa thấy hắn, lão trưởng phòng đã lên nước, hầm hầm ra oai. Lão đưa một cặp tài liệu. Yêu cầu làm ngay. Báo cáo sớm.
Đã quen với cái mặt ám sạm, cái nốt ruồi to tướng ở cằm, bụng lúc nào cũng đầy amoniac, nhưng hôm nay, nhìn lại, hắn không thể chịu nổi. Hắn quật mạnh đống tài liệu xuống bàn, mặt nổi xung lên như muốn gây sự làm lão trưởng phòng chuồn vội. Hắn quay ra sập hai cánh cửa phòng lại, hai tay ôm lấy ngực trái đang đau nhói. Hình như, hắn có vấn đề về tim mạch hay huyết áp. Mấy tháng nay hắn hay bị những cơn kích động, thở gấp thế này. Nhìn lại căn phòng, chỗ nào cũng chật chội bức bối. Chỗ nào cũng ngồn ngộn sách vở, tài liệu. Gầm bàn, nóc tủ, khe, kẽ, chỗ nào cũng nhét đầy tài liệu. Cửa sổ thì rèm đã đóng cứng lại. Ngày tối hơn đêm vì chỉ có ánh sáng điện. Bàn làm việc thì la liệt giấy tờ, tài liệu, bàn cạo râu, cốc nước, giẻ lau, kính, thuốc… Một nửa bàn, đống tài liệu cao ngất. May chưa ụp xuống đầu hắn.
Không thể chịu được nữa. Hắn nghiến răng, nghiến lợi, cố hết sức đẩy, hất roạt cả đống xuống đất. Cái cặp da chềnh ềnh, lớp chỉ khâu đã te tua, lỗ thủng lòi ra cái đầu bút. Hậu quả của lần hắn bị rạch trộm ở sân bay. Ngứa mắt! Hắn quăng luôn ra cửa. Rồi cái cốc uống nước Singapo vẽ hình năm con bướm… Choang một phát! Cốc vỡ làm mấy mảnh. Nước dàn khắp nền nhà. Cái cà vạt lũng lẵng đu theo người. Hắn túm lấy rồi giật mạnh tưởng như đứt phựt. Nhưng nó chỉ thít chặt cổ hắn lại. Hắn cầm luôn hai ve cổ áo giật phanh ra rồi hất ngược cà vạt qua đầu. Hai cúc đứt liền. Vẫn thấy vướng, hắn giật tiếp nhưng mãi không dứt ra được. Hóa ra, cúc thứ ba đã bị rơi từ lâu và được ghim chặt bằng kim băng, giặt nước nhiều lần, đầu kim bị gỉ lở đầy miệng, không kênh ra được. Giằng không được. Xé không ra. Điên tiết, hắn nhảy chồm qua bãi nước rồi vọt ra ngoài.
Không gian đường phố mát mẻ. Mặt hắn đã dần hết tím gắt, song hắn vẫn thấy tấm táy khó chịu. Chưa đến giờ ăn, hàng quán đã tấp nập. Đang nghễnh, hắn chợt đứng ngớ lại trước nhà hàng “LẨU DÊ 36 MÓN” bởi mấy tiếp viên sấn ra chặn. Đáng tuổi cháu mà cứ ngon ngọt anh anh, em em, quần thì hở hang, ao lởm rốn, nhìn đã nóng mắt. Hắn giằng đi. “Anh vào đi! Toàn cỡ quan sếp như anh vào nhà hàng chúng em mà!”.
Đột nhiên, hắn quay ngoắt lại vẻ sừng sộ. Mấy cháu non gan nhìn hắn rúm vào sợ sệt. Nhưng ngay lập tức, hắn thoắt đổi thái độ. Mặt hắn nghênh lên vẻ độ lượng của “sếp”. Lần đầu tiên, hắn được quát nhặng. Được chiều hơn lên giá cô đồng. Các cháu vừa ve vuốt, vừa tiếp rượu, vừa bón thức ăn cho hắn. Hết chai này, quăng chai khác. Hết dê món này thay dê món khác. Hắn cũng được bữa “thả cửa”. Thỉnh thoảng lại đập bốp vào cái đùi non ngon mởn cho hả sướng hoặc hôn roẹt một cái vào má. Có lúc, mắt đờ ra ngây dại, tay rê rê mảng trắng trên ngực rồi thộp sâu một cái rất hả hê. Tửu, sắc làm hắn quên sạch.
Càng uống càng hăng, càng lê lết. Khi người oằn ra, chủ quán hỏi địa chỉ để tống hắn về, hắn cũng không nhớ nổi. Chủ quán tức quá gầm lên: “Nhà ông ở đâu?”. Hắn ngửa hàm, tay dứ dứ trỏ ra phía ngoài: “Kia… kììa… đầy tã lót kia kììa!”. “Kia là chỗ nào? Đưa số điện thoại của vợ đây!”. “Ơ! Ngu thế!… Xinh mà ngu! Ngu mà xinh! Đã bảo: Độc thân! Không vợ! Không nợ mần (nần) ai! Mà… cứ hỏi? Xinh mà… ngu!”. “Hỏi gì cũng không! Điên ruột! Ra để khóa cửa!”. “Thế đớới! Đời là một số không!… Em xinh… là xinh xinh xinh wáa!…” (mồm hắn hát, tay hắn múa, đầu vũ công theo nhịp). Chủ quán dí đầu, giằng tay hắn, ấn cái bút vào: “Cắm địa chỉ vào đây!”. Hắn nắm hờ cái bút ngoạc một nguệch dài rồi lẹt dẹt như giun ỉa vãi rơi trên mặt giấy. Xong, hắn quăng bút, cố nhấp người, mặt hởn lên theo hướng chỉ tay ra ngoài phía cửa: “Chỗ đớới! Nhà có đầy tã lót!.. Ơ! Thằng cu con kia kìa!”. Cả người hắn tung hớn lên rồi sệu ngửa ra ghế song tay vẫn chới với, mồm vẫn gọi tên thằng bé: “Cá!… Cá!… cho tôi về nhà với mẹ con bé Cá…”.
Tác giả: Trịnh Minh Hiếu – Thực hiện: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *