RadioVn.Com – Tháng ba, cây gạo bắt đầu nở hoa, những bông hoa chúm chím rồi đỏ rực như những ngọn đuốc sáng cả một khu không gian, lũ chim bồ các không biết bay từ đâu tới đậu trên ngọn kêu nháo nhác. Cây gạo già nua, đứng trơ trơ trên bãi sông, cành cây khúc khuỷu, gốc to chừng ba người ôm và nổi lên những cái u sần sùi như mặt quỷ, dưới gốc những ngọn cỏ gà đang đua nhau mọc lên xanh mơn mởn, lũ cào cào châu chấu thi nhau vỗ cánh kêu tach tách, đậu vào những cái trôn thuyền phơi ra như mông con gái trắng hếu.
Nhà tôi nằm ở ngay đầu làng, bố tôi làm nghề xe ngựa. Vào mỗi dịp hoa gạo nở là bố tôi lại đánh xe ra bến sông chở cát, mua cát của các thuyền rồi chở về bán cho các toán thợ xây nhà. Ngày nào cũng thế, bố tôi dậy rất sớm, xúc cám cho ngựa ăn, rồi đánh xe thẳng ra bến mua cát, lúc đã xúc xong đầy xe cát trời vẫn còn tờ mờ, ngựa kéo xe về ngang ngõ dừng lại, bố tôi vào nhà ăn cơm.
Đồng quê xào xạc – Trần Đức Tĩnh
Tôi không có mẹ, dì Hoa là mẹ kế của tôi. Sau khi bố tôi đi rồi, bà nội tôi nằm ở trong buồng đánh tiếng hèm hẽm là dì Hoa biết hiệu lệnh phải dậy nấu cơm sáng. Nhà tôi có sáu miệng ăn. Bà nội tôi ghê gớm lắm. Bà bảo nhà có sáu người chỉ cần nấu ba bò gạo, mỗi bò được ba lưng, tổng cộng thành chín bát cơm. Bữa sáng bà ăn một bát, hai em tôi mỗi đứa cũng một bát, những người phải đi làm thì được ăn hai bát. Một ngày công việc của tôi bắt đầu từ sau bữa cơm sáng, ăn xong tôi cắp tải đi, đi đến đâu là tùy, miễn sao trưa về có đầy gánh cỏ cho ngựa ăn là không bị bà mắng. Chính vì bà hay mắng như thế nên tôi mới không có mẹ, mẹ của tôi bỏ đi từ khi tôi mới lên năm. Tôi nhớ lắm, cái đêm hôm trước bố mẹ tôi nói chuyện thì thào với nhau ở trong buồng, lúc đó tôi đang còn nhỏ nên không biết họ nói cái gì, chỉ nghe tiếng mẹ tôi khóc. Sáng hôm sau mẹ tôi dậy sớm, khẽ khàng hôn lên trán tôi rồi mang túi quần áo ra ngõ. Mẹ đi đâu tôi không biết. Lúc tôi tỉnh dậy thì mẹ đã đi rồi. Tôi nhảy vội xuống giường không kịp xỏ dép, nước mắt chảy dòng dòng xuống hai gò má, chạy theo bờ mương. Con mương bắt đầu từ bãi Trước, đi qua làng tôi rồi chạy một mạch thẳng tắp qua chân đường tàu, sau đó mất hút vào cánh đồng xa. Vừa chạy tôi vừa cố thét lên: “Mẹ! Mẹ ơi!” Tôi cứ thế mà thét cho tới khi giọng lạc vào trong gió. Ra đến ga Cẩm lý, đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, tiếng động cơ xình xịch! Xình xịnh!. Từng toa tàu xa dần, xa dần để lại phía sau hai vệt đường ray còn nóng hôi hổi. Tôi cố bám theo hai vệt đường ray mà chạy, những viên đá giăm thi nhau cắm lạo xạo, hai gan bàn chân tôi nát bươm. Tôi gục xuống thiếp đi…
Làng tôi có nghề đốt gạch, ngoài cánh đồng thi nhau mọc lên những cái lò to xù xụ. Mùa đốt gạch khói từ các lò đụn lên trắng như mây, những đám mây lớp lớp tỏa khắp trời. Đúng lúc ấy cây gạo đã xanh rì, những cành lá sum xuê thi nhau nở bung những chùm bông trắng muốt trút xuống bãi cỏ gà dưới gốc, bố tôi thôi không xuống bến sông nữa mà ra đồng chở gạch. Thường thường bố đánh xe đi từ khi gà gáy, lúc về đến nhà mặt trời đã xế bóng. Tôi thích nhất vào lúc đó, bố tháo ngựa ra khỏi xe, rồi trao cho tôi dây cương dắt ngựa ra bãi thả. Tôi đạp vào kheo con ngựa, nhảy phốc lên lưng thúc nó chạy thẳng ra ngõ. Con ngựa kéo xe nhà tôi là ngựa đực, hai hòn dái xăn xăn, cái chim của nó thòng lõng xuống đất như tên lửa đang bổ nhào, bốn chân nó dong dỏng cao, bộ lông rực hồng như lửa, phóng nhanh như gió nên tôi đặt tên cho nó là con Chinh Phong. Tôi rất hãnh diện được ngồi trên lưng con Chinh Phong. Ra khỏi nhà con Chinh Phong đứng lại, nó dựng bờm lắc lắc, chồm hai chân trước, duỗi mạnh hai chân sau, lao vun vút trên bờ đê, đến gần gốc gạo nó đứng sững, tôi tụt xuống tháo dây cương. Hình như con Chinh Phong cả ngày bị gông xích nên trong người nó rất bức bách! Trên bãi cỏ gà, nó lăn kềnh xuống đất, chổng bốn vó lên trời lăn qua lăn lại vài lần giữa đám bông gạo trắng muốt rồi đứng dậy hí vang như ngựa của Thánh Gióng, bỗng chốc nó đã hòa nhập vào cùng lũ trâu ngựa của làng.
Tụi trẻ làng tôi nghịch ngợm lắm, da đứa nào cũng đen nhèm đen nhẻm, tóc vàng hoe như cọng rơm. Khi đàn gia súc đã ung dung gặm cỏ, chúng thi nhau trèo lên những ngọn cây bạch đàn, đến khi sức nặng làm thân cây uốn cong xuống nước như cái cần câu là thả tay rơi đánh tùm. Con đê làng tôi được đắp lên từ đời nảo đời nào tôi cũng chưa biết nốt, khi tôi sinh ra nó đã có những vệt đường mòn chạy như một sợi chỉ ngăn cách giữa mặt sông và cánh đồng, thoai thoải hai bên là những bãi cỏ thả trâu, bò, ngựa hoặc những bãi dâu xanh ngun ngút. Dưới gốc gạo là bãi đất bằng phẳng, người ta thường hay phơi thuyền và đổ cát dần dà biến thành tụ điểm tụ họp của đám thanh niên sau một ngày làm việc. Tụi trẻ như tôi thằng nào mà chẳng mắc tính sĩ, bao giờ cũng cố gắng trổ hết mình để mua được những tràng hoan hô của đám người lớn. Dĩ nhiên là tôi cũng nằm trong con số đó, cũng tham gia vào những trò phung phí sức lực của mình. Trên đám cỏ gà bằm giặm, cứ hai thằng một cặp, đánh trần rồi bắt tay nhau vào sới vật lộn, hoặc thành từng cặp cõng nhau chơi đạp ngựa. Chính cũng từ sới vật đó mà sau này đã để lại cho tôi một bài học nhớ đời, tôi luôn luôn sử dụng món đòn uốn gọng vó đánh lừa đối phương, chỉ cần lừa khéo khi hắn đang cố gắng dùng sức tấn công, ngửa người uốn cong ra đằng sau làm hắn tưởng mình lấm lưng nên được đà lấn tới, nhân cơ hội vít vai ưỡn bụng làm cho đối phương ngã chổng bốn vó. Khi mặt trời đã chìm sâu xuống lòng hồ ở phía cuối con mương là tôi khoác áo, ngồi lên lưng con Chinh Phong thong thả rảo bước về nhà.
Đồng quê xào xạc – Trần Đức Tĩnh
Toàn bộ gia sản trong nhà tôi do của ông bà nội để lại, ngôi nhà ngói mũi năm gian xây từ thời Pháp thuộc, bộ bàn ghế, rương, sập sắm tận ở Đồng Kỵ về. Bố tôi quen thói phụ thuộc từ bé nên ít nói và không hay tham gia tính toán đồng tiền bát gạo trong nhà, hàng ngày đi kéo xe về được bao nhiêu tiền đều do bà nội tôi quản lý, đến bữa bố ngồi vào mâm ăn cơm y một người làm công. Như tôi đã nói, nhà tôi có năm gian, một gian bên phải là của bà và hai đứa em tôi nằm, gian bên trái là của bố và dì Hoa. Tôi lớn hơn thì nằm ngoài gian giữa cho tiện sinh hoạt hàng ngày. Sau vườn nhà tôi có cây chanh lâu niên, cây chanh sống tươi tốt là nhờ bởi được chôn nhiều xác chó mèo chết bên cạnh gốc. Mùa chanh nở hoa, hương chanh thơm ngát bay vào nhà khiến tôi không ngủ nổi. Đêm đêm đom đóm bay lập loè ngoài vườn, tôi đặt tay lên trán nghĩ về mẹ và ước mơ sau này. Những ước mơ của tôi thường bị phá hỏng bởi tiếng con gà mái ấp hay tiếng động ngựa gõ móng, thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì tiếng dì Hoa đánh thức bố dậy, “gớm, đàn ông đàn ang gì mà yếu lính thế, không bằng thằng đóng gạch, đẩy nốt cho em một chuyến này nữa nào”. Tôi nghe dì Hoa nói mà rớt nước mắt thương cho người mẹ của mình, mẹ không được hưởng hạnh phúc với người đàn ông mình yêu mến. ” Hay anh nhớ con đĩ đó, anh không yêu tôi chứ gì? Tôi chỉ là đứa con gái bị mẹ anh gán ghép cho có phải không?”. ” Cô có im ngay đi không nào, đừng xúc phạm danh dự người khác nhá”. ” Thôi nào…anh”. Đúng rồi! Trong lòng bố vẫn còn ghi sâu hình bóng của mẹ, bố vẫn thương nhớ mẹ mà mặc cảm với dì Hoa. Tôi chưa biết giờ này mẹ đang ở nơi đâu? Mẹ có biết trong đêm khuya thao thức con luôn nhắc đến mẹ, mẹ ơi!
Người dân làng tôi lam lũ, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, họ hay thóc mách chọc mạch vào đời sống riêng tư của người khác. Ở ngoài đồng, họ không có chuyện gì để nói nên hay mang ông này bà nọ ra kể cho nhau nghe rồi bàn tán. Bọn trẻ con trong làng biết tôi sinh ra trong kết quả của một cuộc tình ngang trái, chúng thường hay ghẹo: ” Ve vẻ vè ve tóc thì vàng khè, động tí khóc nhè, mẹ làm cave”. Mới nghe thấy thế tôi đã điên tiết, trước kia bố mẹ tôi quen nhau ở lò gạch, mẹ là một cô gái mồ, vì có nhan sắc nên bị nhiều người đàn ông lừa gạt, đến lượt gặp được bố tôi, hai người nảy sinh tình cảm. Thế mà chúng dám gọi là cave à? Tại sao chúng dám đả động đến quá khứ của mẹ tôi, không cần biết chúng là đứa nào, con nhà ai, tôi cúi xuống cầm hòn gạch tương cho mỗi thằng một củ đậu bay làm đầu nó sưng lên như quả táo. Về nhà, tôi chẳng nói chẳng rằng, dắt con Chinh Phong vào chuồng, rồi trèo luôn lên gác cỏ khô nằm khóc không dám vào nhà ăn cơm. Bà tôi không thương tôi, hình như trong đầu bà luôn nghĩ tôi là đứa con hoang của một gã trai phóng đãng nào đó, sau những trận tôi đánh nhau như thế bà lại đay nghiến bố tôi: “Ối giời ơi là giời. Hưng ơi là Hưng (Hưng là tên bố tôi). Sao mày lại rước cái con yêu tinh về nhà rồi sinh ra một thằng nghịch tử, nó đánh con nhà người ta sưng hết cả mặt mũi rồi kia kìa, ra mà đền cho họ”. Bà nói rồi vỗ hai đùi đành đạch như thể muốn ăn vạ bố tôi.
Mẹ đã bỏ tôi đi nên trong nhà ngoài bố và con Chinh Phong tôi không còn gì thân thiết hơn thế nữa. Năm tôi mười sáu tuổi thì bắt đầu theo bố đi bốc gạch. Một hôm tôi đang mải nhặt mấy viên gạch ở sát bức tường lò sắp đổ lên xe, bố đang ngồi hút thuốc lào gần đó, bỗng dưng bức tường nứt và đổ rầm xuống. Khi tôi lóp ngóp bò ra thì thấy mọi người xung quanh đang xúm lại bới xác bố nằm bẹp dúm trong đống gạch. Bố đã liều chết đẩy tôi chui vào gầm xe trước lúc bức tường chưa kịp đổ. Sau đám tang của bố, tôi hiểu thế nào là tình phụ tử, không biết bà còn nghi ngờ về lai lịch của tôi gì nữa, nhưng hành động xả thân cứu tôi đã chứng minh cho bà biết tôi có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời của ông. Và con Chinh Phong là kỷ vật thiêng liêng nhất bố để lại cho tôi. Tôi yêu con Chinh Phong và gắn bó với nó như một người bạn thân thiết, ngày nào tôi cũng dắt nó ra bến sông gặm cỏ và tắm mát. Tôi huấn luyện hiệu lệnh cho con Chinh Phong, dù bất kể nó đang ở đâu nhưng hễ nghe tiếng huýt gió của tôi là nó chạy ngay về trước mặt như ngựa chiến trung thành. Kể ra giống xúc vật sống cũng có tình cảm gắn bó với người, không như con người với con người đối xử với nhau.
Đồng quê xào xạc – Trần Đức Tĩnh
Mùa hè trên bãi sông gió thổi mạnh. Con đê thoai thoải mát và đẹp. Tôi đã bứớc vào tuổi “nam thập lục”, cơ thể phát dáng của một chàng thanh niên cường tráng, sức nóng trong người cứ rừng rực. Khát khao! Ham muốn! Mỗi khi nhìn thấy hình dáng của tụi con gái là bó đuốc trong lòng tôi lại bùng bùng phát cháy. Nghe những người đi đốt gạch kể với nhau bắt con cave ở quán gội đầu ngoài đường nhựa về ngủ suốt đêm trong lán làm tôi thấy rạo rực, họ rủ tôi có tham gia không? Một buổi chiều, khi mặt trời đã xế bóng, tôi bốc xong chuyến gạch lên thị trấn về ngang qua đường nhựa thì nhìn thấy cái biển hiệu “café- gội đầu”, chắc là cái quán mà đám thợ đốt gạch thường hay nhắc đến. Bóng hoàng hôn hắt ngang yếu ớt, mọi người hối hả không ai để ý, thời điểm này hoạt động thích hợp, nghe người ta kể làm cái chuyện ấy mà tôi chưa được thử bao giờ, đêm về tôi hay mường tượng rồi giật mình sờ tay vào đũng quần thấy ướt sũng. Làm thằng thanh niên mà phải há hốc mồm ra nghe người ta kể cũng đáng xấu hổ, nhất định phải vào thử trong đó một phen xem thực hư như thế nào. Cũng may đằng sau quán có bãi cỏ mật xanh và mượt làm con Chinh Phong rất thích, không ai phát hiện ra chiếc xe ngựa của tôi. Tôi đánh xe thẳng vào trong và tháo cương thả cho nó xuống tha hồ gặm cỏ:
– Anh tài xế ơi! Có thích thì vào đây em gội đầu cho?
Tôi nhìn trước nhìn sau không thấy ai để ý, rồi vén bức rèm bước vào cửa quán, đứng bần thần ra đấy:
– Anh uống cà phê hay gội đầu, có đẩy xe ngựa không?
Tôi hiểu tiếng lóng của cô gái muốn hỏi…
– Đẩy xe ngựa.
– Anh vào trong này, giờ này đang vắng khách em sẽ làm cho anh hết ý.
Tôi thấy người cứ run lên lật bật, nhưng phải đánh liều đi theo cô gái. Vào đến phòng cô kéo chiếc ri đô lại và lôi tuột tôi ngồi xuống đệm. Tôi bỡ ngỡ chưa bao giờ được xâm phạm vào vùng cấm địa của con gái nên chân tay lóng ngóng ra làm sao?
– Để em chiều anh nhá. Chắc là anh mới đi lần đầu phải không?
Chưa đi đến chợ tôi đã không thể kìm hãm việc tiêu tiền, nhưng trong túi tôi còn nhiều tiền có khả năng xả láng vô tận.
– Cho anh…
– Thôi được! Đây là lần đầu em mới cho đấy nhá.
Sau lần ở quán café khiến đầu óc tôi như vừa được siêu thoát bay lên chín tầng mây, vừa thúc ngựa chạy vừa huýt sáo, làm việc gì cũng nhanh nhẹn, đi đâu cũng cười thầm một mình. Mấy hôm sau tôi ra bốc gạch ngoài lò, nghe người ta đồn nhau rằng: “Dạo này ếch đã về tận làng quê”. Tôi hoang mang lo sợ cái mầm bệnh chết người vô hình dung truyền theo máu vào cơ thể mình, người làng sẽ đồn ầm lên là tôi mắc bệnh ếch và không ai dám tiếp xúc thì xấu hổ lắm. Tôi sẽ nhìn thấy cái chết đang diễn ra từ từ, bắt đầu bằng một trận sốt cao độ, sau đó cơ thể tôi sẽ gầy rộc đi và lở loét, chảy nước vàng ướt sũng những cái chiếu trải dưới giường. Ôi chao! Quả thật đáng sợ, nguời tôi nao nao sốt, tinh thần ủ rũ như con gà rù.
Cũng may năm ấy có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi đăng ký tình nguyện nhập ngũ, đi bộ đội nhất định phải trải qua kỳ khám tuyển. Vòng khám sức khỏe ấy tôi lọt qua một cách dễ dàng, kết quả thử máu tôi không mắc bệnh truyền nhiễm. A! Tôi không dính căn bệnh quái ác truyền từ cô cave sang, tinh thần tôi đã rũ bỏ được một khối nặng đè trong đầu suốt thời gian qua. Nhưng niềm vui đến với tôi chưa được bao lâu thì nỗi buồn đổ ập xuống, bà nội tôi đột ngột trúng cảm và bị liệt toàn thân, nhà thiếu người lao động chính, tôi được hoãn sẽ nhập ngũ vào dịp sau.
Người ta bảo, cây gạo có ma cây đa có thần, bãi sông năm nào cũng có người chết trôi dạt vào. Một buổi sáng tôi đánh xe ra bến sông xúc cát sớm thấy mấy chủ thuyền đang xúm nhau lại một chỗ, tôi đến xem có chuyện gì xảy ra. Đấy là một xác chết mắc kẹt dưới đuôi thuyền cát từ đêm hôm qua không trôi được, người chết trôi là một thiếu phụ trẻ, trên người mang theo cả chiếc túi đựng áo quần mới, chắc là đang đi thăm ai đó chẳng may trượt chân ngã xuống sông chết đuối. Họ đã kéo người thiếu phụ nằm trên một bãi cát phẳng, khi tôi đến nơi thì cái xác chết cứ ộc máu từ miệng ra như người ăn trầu. Dân quê tôi có tục cấm người nhà xuất hiện khi trong gia đình có người bị chết đuối, mỗi lần người nhà đến là người chết bị ộc máu ngay tức tưởi. Sự kiện đó ám ảnh mãi trong trí nhớ tôi, phải chăng người xấu số kia có mối liên quan gì đến thân phận tôi?
Làng tôi có nghề trồng mầu, hết vụ cấy là người ta không để đất nghỉ, nhà nào cũng tranh thủ gieo thêm lứa hành hay rau bán kiếm thêm tiền mua thức ăn. Mùa rau tôi không đi chở gạch và cát sỏi dưới sông vì có nhiều người đặt hàng do tôi chở đi. Tôi nhận chở hàng cho ông Luân mắm mãi ngoài thị trấn Sao Đỏ, nhà ông có nhiều cơ sở bán hàng khắp nơi xung quanh khu vực, tôi chở rau từ quê ra nhập cho ông rồi mang mắm về giao lại cho các cửa hàng bán lẻ, mỗi chuyến đi như vậy cũng kiếm được số tiền chênh lệch khá đáng kể. Nhà ông Luân có nghề buôn từ thời Pháp để lại, cơ sở của ông làm ăn phát đạt nhờ thái độ sòng phẳng không gian lận với khách hàng. Thường thường chở hàng đi phân phát cho ông rồi đánh xe quay lại ngủ luôn tại nhà ông, đợi đến sáng hôm sau tiếp tục đi chuyến khác. Nhà ông Luân khấm khá và có cả chỗ cho tôi buộc con Chinh Phong, các con ông Luân cũng quý tôi như người trong nhà, nhất là cái Liên tối nào cũng thậm thụt dúi vào tay tôi vài thỏi kẹo kéo nấu từ một thứ mật mía khiến tôi nhai dính cả hai hàm răng hàm vào nhau, có tối nó rủ đi chơi cùng tụi bạn ngoài phố nhưng tôi ngại không dám.
Một mùa hoa gạo nữa nở đỏ, những bông hoa chúm chím rồi nở bừng như ngọn đuốc sáng rực, lúc ấy các hội làng ở Bắc Ninh thi nhau mở, con Chinh Phong của tôi cũng mượt mà như đám cỏ non mới mọc đầu mùa. Một hôm nghỉ việc, tôi ở lại thị trấn không về nhà để chờ bốc chuyến hàng hôm sau về sớm, cái Liên rủ tôi đi hội đánh vật. Tôi nhớ ngày nào còn vô địch trên bến sông làng mình, chuyến này tôi cũng muốn thử sức với thanh niên thiên hạ xem sao, đồng thời cũng thích thể hiện mình là một đấng nam nhi dũng cảm không chịu lùi bước trước sức mạnh của kẻ khác. Tối hôm đó hai đứa hiệp đồng với nhau nói dối ông Luân nhà có việc bận phải về gấp rồi đánh xe đến nhà bạn cái Liên gửi, và đợi nhau luôn ở đó đến sáng mai cùng nhau đi chơi hội. Sáng sớm tinh mơ, cỏ cây căng mí, ngậm đầy hơi sương, làng quê liêm liếp trong giấc ngủ say nồng, bầu trời lấp lánh những vì sao bé nhỏ lung linh, phía chân trời xa có một ông sao sáng rực rỡ. Sao hôm sáng tối đêm tàn, sao mai sẽ sáng cho ngày hôm sau, tôi cùng cái Liên ngồi trên lưng con Chinh Phong, chúng tôi tiến về hướng có ánh sáng thầm chan chứa một niềm mơ ước đến tương lai. Tiếng trống hội vật mỗi lúc một thúc giục chúng tôi đến nhanh hơn, cái Liên ngồi trước, tôi ngồi sau nắm chặt hai dây cương, con Chinh Phong cắt hướng men dọc theo bờ mương mà đi. Tháng ba, những cơn gió thổi mát và nhẹ, cánh đồng cấy lúa đã xanh mướt như mặt biển rì rào đến vô tận, chốc chốc cái Liên quay lại nói hơi phả vào tai tôi: “Hội năm nay mở to lắm anh ạ, chúng mình cố đi nhanh lên”. Tôi ghì chắc hai bên cương, hai chân thúc thúc theo nhịp chạy rộn rã, con Chinh Phong chồm lên phi như đi trong gió. Sang đến đất Bắc Ninh thời gian đã gần tan xới vật, tôi buộc con Chinh Phong vào một bãi cỏ xanh gần đó, cái Liên dắt tay tôi chen vào giữa đám đông đăng ký người thi hội. Phải nói được đứng lên trước đám đông tôi rất hào hùng, nhất là được hàng trăm con mắt đổ xô về mình nhìn với vẻ thán phục thì tôi quên đi tất cả. Không biết cái Liên đăng ký danh sách cho tôi thi đấu với đối thủ nào? Đến lúc trọng tài gọi vào sới tôi mới cảm thấy đứng trước mặt mình là một cây gỗ lim đại thụ khó đốn ngã. Nhưng tôi nhìn thấy bàn tay cái Liên đang vẫy vẫy càng thêm phần khích, tôi cởi quần áo mặc mỗi cái quần đùi đứng trước võ đài giương hai tay cơ bắp lên khởi động. Đối phương của tôi là một đô vật có tiếng, chắc là đội chủ nhà cũng không muốn mất mặt trước bàn dân thiên hạ. Nhưng tôi đã quyết là phải dành chiến thắng, chưa bao giờ trong đầu tôi không dâng trào một quyết tâm mãnh liệt, dù làm bất cứ việc gì thì tôi luôn dồn hết tâm lực để sẵn sàng vượt qua dù bất chấp phải trả giá. Bọn trẻ làng tôi sợ nhất tính lỳ lợm, chưa lúc nào tôi chịu thất bại với bọn chúng, tôi phải làm vậy khiến cho chúng kiềng mặt không dám ăn nói xấc xược. Phía dưới thanh niên bắt đầu chú ý đến tôi, có đứa còn mạnh mồm hô: “Bẻ gẫy lưng nó đi! Cho nó biết thế nào là vật Bắc Ninh”. Tôi nghe vậy mà cay hết cả sống mũi, nhất định chuyến này phải chiến thắng. Ông trọng tài đứng giữa hai chúng tôi hô: “Chuẩn bị”. Khi cánh tay ông dập xuống là đối phương nhảy sàng xê hết bên này sang bên nọ, bất ngờ hắn lao vào chộp lấy ngang người tôi. Nhậy như hai xúc tua con bạch tuộc, hai bàn tay tôi bắt chặt hai bả vai của hắn nên thế quắp bị phá giải ngay lập tức. Hai chúng tôi hăng máu như con trâu đực húc nhau, giằng co mãi một hồi lâu tiến lùi, mấy lần hắn định bốc bổng tôi qua đầu nhưng không được. Tranh thủ thế lùi tôi uốn người cong làm đối phương tưởng mất đà, lao xấn lên đè tôi xuống. Nhưng hắn bị mắc mưu trườn cả người qua bụng tôi, rồi bị vướng vai cuộn tròn lấm lưng trắng bụng, nhân cơ hội tôi bật tôm chồm lên thành thế nằm sấp trở thành người chiến thắng trước tiếng reo hò của người xem có mặt hôm đó. Người làng không muốn trao phần thưởng cho người nơi khác tới, nhưng ngày hội có đủ các loại người từ tứ phương đổ đến thăm quan ban tổ chức đành chấp nhận trao giải cho tôi. Sau khi nhận phần thưởng, tôi tự hào dắt ngựa, ôm ngang sườn, bế thốc cái Liên lên lưng và phóng đi như hoàng tử rước công chúa về dinh. Tôi chưa bao giờ được hưởng hương vị đồng quê ngọt ngào đến như vậy, cả cánh đồng rộng mênh mông, xa vút tầm mắt, ngồi sau cái Liên giữa hương cỏ thơm ngát đồng nội, mùi tóc gội bồ kết làm tôi nhớ mãi không quên.
Đồng quê xào xạc – Trần Đức Tĩnh
Ở nhà ông Luân bị nhỡ chuyến hàng chưa bán được cộng với sự biến mất của cô con gái suốt cả ngày đâm nghi ngờ có chuyện chẳng hay xảy ra trong nhà, cuối cùng ông cũng phát hiện hai đứa chúng tôi trốn đi hội Lim từ sáng sớm chưa về. Gần đến nhà chúng tôi bị ông đón đầu ngoài cánh đồng đánh cho một trận chạy bán sống bán chết, tôi thành kẻ bị cấm vận làm ăn phải mang xe về làng tiếp tục theo nghề cũ. Năm đó gia súc làng tôi mắc bệnh nhiệt thán nhiều. Một hôm con Chinh Phong bỏ ăn rồi lăn đùng ra chết, cán bộ thú y xã về bắt mang chôn tại một khu đất nổi ngoài ven sông, tôi xót xa cho thân phận mình, thương bố, thương mẹ, không biết giờ này mẹ tôi đang ở nơi đâu? Tại sao mẹ lại nỡ bỏ tôi mà đi, mẹ có biết tôi đau khổ chừng nào? Bố có biết rằng; kể từ khi bố chết, dì Hoa đối xử với con không ra gì, dì bảo con là trụ cột trong gia đình, ngày nào con cũng phải đánh xe ngựa đi kiếm tiền về nộp cho dì nuôi em, độ này có tiền dì bỏ cả trồng màu cặp kè cùng ông chủ lò gạch mãi tận thị trấn Đồi Ngô, hôm con đi làm về bắt gặp ông ta đang ôm dì trên giường nhà mình, tại sao cuộc đời con phải chứng kiến nhiều điều ngang trái thế hả bố, tại sao bố không mạnh dạn đứng lên bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, là đàn ông bố phải cứng rắn lên chứ. Cũng chính vì dì làm những chuyện bậy bạ như thế mới gây lên cái chết của bà, bà bị liệt toàn thân không cử động được, nhưng đôi mắt của bà vẫn sáng, đầu óc vẫn còn minh mẫn. Đau xót lắm chứ! Ngôi nhà thờ tổ tông lại bị một đứa con dâu ngang tàng bôi nhọ. Vì uất ức quá bà mới phải tuyệt thực chết.
Mùa mưa những cơn mưa rào bất ngờ ập đến, cũng có khi mưa dầm dề cả tháng, họ bảo đấy là ông ngâu gặp bà ngâu, ông bà ấy thật tình cảm, gặp nhau làm mưa cho nước sông tràn trề, đất đồng tươi tốt, cỏ cây đua nhau mọc xanh um, chỉ tiếc không còn bố, không có mẹ, con Chinh Phong cũng chết nốt, hàng ngày phải bó chân ở nhà nhìn những cảnh tượng đau lòng, tôi quyết bỏ nhà ra đi nhưng ông chủ thuyền cũ gọi xuống sông làm nghề lấy cát, tôi xuống thuyền làm anh thợ hút cát. Ở trên thuyền kể ra cũng thật thoải mái, bốn bề mênh mông sóng gió, đêm đêm nghe sóng hát rạt rào, một mình nằm đó tha hồ nghĩ ngợi, tôi nghĩ nhiều thứ về cuộc sống. Một hôm, trời đổ mưa, giữa cái nóng mùa hạ mà gặp một trận mưa quả thật là mát mẻ, bất chợt tôi nghĩ đến Liên, giá lúc này có Liên ngồi bên cạnh thì hay biết mấy, chúng tôi sẽ ngồi bên nhau cho đến tận sáng, đợi cho trăng sáng tôi sẽ rủ Liên lên bờ đê ngồi. Rồi tôi sẽ ôm Liên vào lòng, nói những điều thổn thức trong tim. Ôi! Mùi tóc em sao mà thơm ngát thế! Môi em sao ngọt ngào thế! Tôi mải miết ôm ghì lấy Liên. Rầm! Ông Luân đánh gậy vào mui thuyền, nước chảy ào ào vào khoang, tôi ngước mắt lên nhìn thấy ánh điện tưởng trăng. Hóa ra tôi ngủ say, quên không cắm lại neo làm nước lũ cuốn thuyền trôi va vào mố cầu.
Tôi bò lê vào được một soi cát, đang ngấu nghiến gặm ngô non thì bị nhà chủ bắt được, mẩm chắc chuyến này sẽ ăn no đòn. Mày là ai? Con cái nhà ai mà trôi dạt vào bến này? Dạ! Thưa ông con đói quá đành làm liều. Ông lão đưa tôi vào lều và nấu cơm trắng cho ăn, tôi đã nhịn đói hơn một ngày nay rồi, bưng bát cơm mà lòng cảm thấy ấm lại. Tôi sợ họ sẽ bắt đền thuyền, may mà có ông lão cứu không thì tôi cũng chết đói mất, đang chết đuối lại vớ được cọc. Tôi nằm thiếp đi trong lều của ông lão hai ngày sau mới hồi phục, ông bảo tôi không còn nơi nào đến nữa thì hãy ở lại đây cùng ông, cuộc đời ông cũng không hơn gì cháu cả, các con ông vì tham ngôi nhà mà tranh cãi nhau, ông bực mình vì không còn cách giải quyết nên đành ra bãi sông này dựng lều làm lụng cho thanh thản, mình sinh ra từ ruộng vườn nên yêu mến đất đai, hai ông cháu ta cùng dựa vào nhau mà sống. Suốt vụ ngô đó tôi ở cùng ông lão tốt bụng, thu hoạch xong đang chất ngô đầy lều thì ông bảo: “Đời cháu còn trẻ, phải đi nơi khác mà kiếm sống, không thể ở lại lâu cùng ông cho phí tuổi thanh xuân, ngày mai bán ngô ông sẽ cho cháu toàn bộ số tiền này”. Đêm hôm đó là tháng bảy âm lịch, nước lũ từ đầu nguồn tràn vô, năm nay mưa nhiều nên lũ về to hơn, lúc tỉnh giấc hai ông cháu đã nằm trong biển nước. Trời tối đen như mực, tôi kêu cứu đến khản giọng nhưng không có ai đáp lại, nửa đêm nước dâng cao cuốn trôi cả căn lều hai ông cháu ở…
Tôi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong một chiếc xà lan chở cát, đúng là cuộc đời tôi sinh ra từ cát bụi nay được trở về với bến cát, tôi không thoát khỏi kiếp gió cát. Tất cả số tài sản định bán đi cùng ông lão đã biến mất theo dòng nước. Định mệnh đã bắt tôi phải sống cùng cát bụi, cả tuổi thơ tôi đã gắn bó với con Chinh Phong vượt qua biết bao chặng đường, tôi rong ruổi trên chiếc xe ngựa cùng nắng mưa dãi dầm, những cách đồng xanh biêng biếc ẩn hiện trong tâm trí tôi, và có những trận gió bụi táp bạt mặt tôi xao xác. Tôi nhớ đến ngôi nhà thân thuộc mình hay nằm, nhớ bến sông cùng cây gạo tháng ba nở hoa đỏ rực, màu đỏ là màu của khát khao, là máu của con tim cháy bỏng. Cái Liên có còn nhớ tôi không? Lẽ ra tôi có bố mẹ che chở thì sẽ không bị người đời hắt hủi, không đánh mất cái Liên khỏi vòng tay khát vọng. Ở trên cõi đời này không có đôi cánh nào ấm áp như của mẹ, dù đói dù no thì tình mẹ vẫn là hơn tất cả. Ông chủ xà lan cũng độ tuổi cha tôi, vợ ông mất để lại hai đứa con thơ dại, chúng tự ở nhà bảo ban nhau học hành, thỉnh thoảng ông về mua sắm đồ cho chúng sinh sống, hóa ra trên đời này còn ối người đau khổ hơn tôi! Nỗi đau của tôi chưa đáng gì! Và cũng chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào cả, chỉ có gắng sức để kiếm bát cơm manh áo thì không bị ai coi thường. Tôi làm công việc hút cát được hơn một tháng mới biết mặt con gái ông chủ, điều bất ngờ khiến tôi không thể tin vào mắt mình, cả khuôn mặt và mái tóc giống hệt người thiếu phụ chết đuối ở bến sông ngày nào. Từ ngày có thêm tôi ông chủ thêm nhàn việc, buổi tối tôi ngủ lại trông coi xà lan, ông yên tâm về nhà cùng hai đứa nhỏ. Tôi bắt đầu nhớ lại những ngày tháng trôi qua. Hằng đêm, những giấc mơ bập bềnh đưa tôi đi rồi kéo lại theo từng nhịp sóng vỗ về. Tôi chìm sâu trong tiếng ru của mẹ.
Ngày tháng thấm thoát qua đi, tôi trở thành người thân thiết trong gia đình ông chủ xà lan, ông nhận tôi làm con nuôi, hai đứa em cũng xem tôi như người anh lớn trong nhà, tôi như cây sào chống thay mặt bố lo toan những lúc ông đi vắng. Tôi chắp tay lạy trời, lạy đất, lạy bốn phương! Hãy cho tôi có một cuộc sống bình yên, cho tôi có một mái ấm tinh thần. Tôi thầm hứa sẽ coi bố nuôi như ruột thịt của mình. Tôi mong ước sẽ có một ngày nào đó được gặp mẹ. Giờ này mẹ đang ở đâu?
Ngày giỗ mẹ nuôi bnh trong chứng minh thư của mẹ tôi còn sót lại, người vợ của ố bảo gửi xà lan cho một người khác trông, cả nhà và họ hàng cùng ăn cơm, năm nay có con nuôi về nên bố làm giỗ to như thông báo mọi người biết nhà đã có thêm người. Hai bố con tất bật suốt buổi sáng, đến gần trưa đã hoàn tất ba mâm cỗ cúng. Khi bố nuôi tôi vén bức rèm bàn thờ mẹ, tôi không thể tin vào đôi mắt của mình, bức ảnh thờ đó chính là mẹ đẻ ra tôi. Nước mắt tôi cứ thế tuôn ra, tôi cúi đầu lạy như muốn rúc đầu vào ngực mẹ. Nhờ ngọn đuốc cháy rực khát khao đã dẫn đường cho tôi tìm thấy mẹ, dù không còn mẹ nhưng có dượng cũng như bến bờ hạnh phúc nhất đời. Chào đồng quê nhé! Chào tất cả quá khứ đau buồn. Đêm đêm những bước chân xào xạc gọi tôi về trong trí nhớ…
Tháng 07 năm 2008
Tác giả: Trần Đức Tĩnh – Người thực hiện: Hùng Sơn, Hồng Huệ
Từ khóađồng quê Hùng Sơn truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …