Bài nổi bật

Dư Âm – Ý Nhi

Radio Online – Anh dắt xe đi hết hai dãy phố mới thấy chiếc lốp ô tô cũ treo trên cột điện, dấu hiệu của một tiệm sửa xe. Một người mặc sơ mi ca rô đen trắng đang hí húi vặn xiết mấy con ốc của chiếc Mobilet màu xanh. Nghe tiếng động, người ấy ngẩng nhìn. Hóa ra là một phụ nữ, mặt lem nhem mấy vệt dầu mỡ. Anh rầu rĩ cất lời, ông xã đâu mà chị phải làm vầy. Người phụ nữ hất mớ tóc ngắn, làm gì có ông xã nào, tôi làm từ A tới Z mà..
Dư Âm – Ý Nhi
Chị ta xốc đảo đống đồ nghề trong chiếc hộp đạn cũ như kiểu đám nha sĩ sửa soạn chọc ngoáy vào chiếc răng sâu của thiên hạ. Anh nhớ, hồi còn trẻ, có lần, lúc ông nha sĩ đang xóc đống nha cụ sáng loáng anh đã bỏ ra ngoài rồi chạy thẳng một mạch về nhà. Anh bật cười. Chị ta quay lại, vẻ như không nghe thấy tiếng cười của anh, giọng bình thản, xe anh sao, bể bánh hả. Ba mươi giây. Anh ngồi đây. Chị ta chìa cho anh chiếc ghế sắt tròn ba chân, đoạn dưới các chân đã gỉ sét, mục rã. Anh thở dài, thôi cũng đành, đằng nào cũng trễ rồi. Nhớ đến khuôn mặt nhễ nhại của ông bầu anh vừa bực vừa thương. Trời mưa, trời nắng, giữa trưa, giữa khuya, lúc nào ông cũng khoác chiếc áo màu xanh sẫm và lúc nào cũng mồ hôi mồ kê đầm đìa. Ông ta tình cờ nghe anh hát trong một bữa tiệc cuối năm, tại sở làm của anh. Cuối buổi, ông ta lẽo đẽo theo mời anh hát đám cưới. Anh nghĩ cha này khùng và tìm cách từ chối. Nhưng ông ta không để anh yên. Ông ta nói nào là nhu cầu tự thân của ca sĩ, nào là sức lôi kéo của công chúng, nào là những khoản thù lao có thể bù vào đồng lương công sở… Anh đi hát vài lần, thấy vui vui. Rồi những hứa hẹn, những ràng buộc, anh thành ca sĩ của các tiệc cưới.
Âu cũng là số phận, anh nghĩ. Anh đã không thoát khỏi cái nghiệp cầm ca anh đã hơn một lần từ bỏ. Anh thừa kế nơi người cha, một diễn viên chèo, chất giọng ngọt ngào, chênh vênh. Anh nổi tiếng ở tiểu đội, đại đội, rồi tiểu đoàn, rồi toàn quân khu. Chính Liễu Chi, nữ ca sĩ xinh đẹp đã cầm tay đưa anh ra sân khấu lớn. Họ hát trước hàng ngàn người lính sắp ra trận, hàng ngàn người lính từ mặt trận trở về. Nỗi đau đớn, sự hy sinh, lòng quả cảm dồn chứa trong giọng hát của họ, lan tỏa trong tâm hồn những người lính. Họ hạnh phúc. Họ có con khi chưa đám cưới. Đứa con đem lại cho họ nhiều may mắn. Liễu Chi được phong tặng một danh hiệu. Anh được cử đi học thanh nhạc ở nhạc viện. Anh trẻ hẳn ra trong những ngày cắp sách tới trường. Anh viết thư cho vợ, trích một câu nói của ai đó, nghe đầy chất tiểu thuyết: cái bảng màu của đời sống chúng ta đang được sắp xếp lại, hợp lý hơn, sáng sủa hơn.
Thế rồi, anh nhận được điện khẩn của Liễu Chi gọi anh về. Gặp anh, cô kể lể không đầu không cuối mối tình của cô với một diễn viên múa. Cô khóc nức nở như đứa trẻ bị đòn oan. Cô nói cô sẽ để lại tất cả, chỉ xin đem theo bé Quân. Anh không nói được, chỉ đưa cánh tay ra trước mặt, bàn tay xòe rộng như cố đẩy một vật gì. Cô hiểu. Cô ra đi với chiếc va li nhỏ, khi Quân đang ngủ.
Anh bỏ dở việc học, xin chuyển ngành, mất mười tám tháng học hành để thành một nhân viên ngành xây dựng, chuyên theo dõi tiến độ thi công.
Dư Âm – Ý Nhi
*
Anh không đến các sân khấu, không xem các chương trình ca nhạc trên TV. Đôi khi một mình, anh bật lên một câu hát rồi lại giật mình im bặt vì cảm giác đau đớn thể chất buốt xói như đã lỡ tay chạm vào vết đau chưa lành.
Thế nhưng không biết bằng cách nào, bạn bè vẫn biết đến giọng hát của anh. Họ xúm vào nài nỉ anh hát mỗi khi có dịp. Rồi anh gặp gỡ ông bầu chuyên lo chương trình ca nhạc cho các tiệc cưới.
Lúc đầu, anh không sao hát được khi nhìn những gương mặt đỏ gay rượu bia, những cái miệng nhồm nhoàm thức ăn, những tiếng hò hét, những lời trò chuyện. Người bạn cùng nhóm bảo anh, kệ họ, họ cứ nhậu, mình cứ hát, phần ai nấy làm. Nhưng anh không thể, anh muốn bỏ việc. Giữa lúc anh phân vân, một tình cờ đã cứu anh. Trong lần thứ ba, thứ tư gì đó của đời làm ca sĩ đám cưới, anh bắt gặp ánh nhìn chăm chú của một người phụ nữ ngồi ở góc trái sân khấu. Chị mặc một bộ váy đen, không đeo trang sức. Chị chống cằm, hai tay tì lên chiếc bàn phủ khăn đỏ la liệt thức ăn, thìa nĩa, ly chén. Anh tưởng trong thoáng chốc đã bắt gặp một ánh nhìn, và anh hát, cho chính người đó. Rốt cuộc, đã có người lắng nghe anh.
Từ đó, mỗi khi ra sân khấu, anh nhìn khắp lượt và lần nào cũng tìm được một ai đó nghe mình. Khi là một cụ ông tóc bạc, mặc bộ vest màu xám nhạt, khi là một thiếu phụ trong màu áo dài nhẹ nhàng, khi là một chàng trai, khi là một thiếu nữ trong chiếc váy cắt may đơn giản như một chiếc may ô dài phủ gối. Anh hát Cô láng giềng của Hoàng Quý, Ngày về của Hoàng Giác, Xuân và tuổi trẻ của La Hối, Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ, Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước… Vài lần, có người yêu cầu anh hát các tình khúc của Trịnh Công Sơn nhưng anh từ chối. Anh thường nghĩ, trong hàng trăm cô gái xinh xắn mới có một nhan sắc, trong hàng trăm ca sĩ mới có một giọng ca đích thực. Khánh Ly là một giọng ca đích thực. Sự kết hợp của chị và Trịnh Công Sơn đã đem lại cho âm nhạc một vẻ đẹp toàn bích. Anh không muốn và cũng không thể chạm tới vẻ đẹp đó.
Ba muơi giây của người phụ nữ sửa xe kéo dài thành mười lăm phút. Anh chạy vội đến điểm hẹn. Ngay ở tiền sảnh, ông bầu đang vã mồ hôi chờ đợi, vừa đẩy lưng anh vừa luôn miệng, nhanh lên, nhanh lên nào.
*Anh gần như choáng váng vì đám cưới quá lớn. Hàng ngàn người ăn mặc sang trọng trong khán phòng rộng lớn, bài trí trang nhã. Ô, chỉ có thể nhìn thấy cảnh này ở các vũ hội của giới quý tộc trong phim ảnh mà thôi, anh nghĩ. Tự nhiên anh thấy lo âu. Anh đưa tay nắn lại chiếc cà vạt xộc xệch sau hồi chạy xe vội vã. Có người trong đám thực khách chìa tay cho anh. Anh nắm lấy bàn tay to khỏe của chàng trung niên béo tốt, đeo cà vạt màu đỏ thắm, thấy lòng như yên ổn hơn. Thỉnh thoảng, đi ngoài đường, vào cửa hàng, anh vẫn gặp những ánh mắt, những cái gật đầu chào hỏi thân ái của những người anh không quen biết. Anh đồ chừng, họ đã nghe anh ở một tiệc cưới nào đó. Đúng lúc anh cúi xuống lắng nghe chàng trung niên thì ông bầu vỗ vai, hất đầu về phía sân khấu.
Anh không có thì giờ tìm kiếm một ánh nhìn nhưng anh hát Xuân và Tuổi trẻ một cách nồng nàn trong nỗi bồn chồn không rõ nguyên cớ, tựa như những ngày đầu hát cùng Liễu Chi. Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Hồn đắm say bao niềm vui tới. Xuân về với ngàn hoa tươi thắm. Ta muốn hái bao nhiêu đóa hồng.
Khi anh hát gần hết câu cuối cùng, một bóng người bước tới và anh cúi xuống nhận tờ giấy nhỏ. Mảnh giấy dày dặn như một danh thiếp chỉ ghi hai chữ Dư âm rất lớn, màu xanh biển. Anh ngẩng lên vừa lúc bóng người phụ nữ khuất sau hàng cột trắng. Một người phụ nữ mặc áo đen. Lẽ nào vẫn là người phụ nữ ngồi bên góc trái sân khấu ấy. Không, chắc là một người khác, một người cũng thích mặc màu đen, cũng có ánh nhìn chăm chú, cũng đang chống tay trên chiếc bàn phủ khăn đỏ la liệt đồ ăn, thức uống… Liễu Chi thì bao giờ cũng mặc những chiếc áo màu sắc rực rỡ. Liệu cô có còn giữ được vẻ tươi tắn, sự linh động của ngày trước. Anh bất giác thở dài. Rồi tưởng như mọi người đều thấu hiểu ý nghĩ của mình, nghe thấy hơi thở của mình, anh đỏ bừng mặt, xoay người, chìa mảnh giấy cho người chơi organ.
Em như tiếng hát anh như lời nguyền đẹp bao ước mơ. Em như lầu vắng, anh như ánh trăng gieo muôn ý thơ. Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến… Dư âm tiếng hát vang lên trong lòng gợi bao nhớ nhung. Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung… Đưa em đến cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn…
Anh đứng im lặng giữa sân khấu, hai tay buông xuôi. Khán phòng lặng đi giây lát rồi vỡ òa trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt.
Anh ra về theo lối riêng của nhân viên nhà hàng. Bao giờ anh cũng ra về ngay sau khi hát xong.
Vừa tra chìa vào ổ khóa anh đã biết chiếc xe lại bị xẹp bánh. Anh đứng tần ngần giữa dãy phố sáng trưng đèn nến với những cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, Studio… san sát. Anh rẽ trái. Anh nhớ mang máng giữa phố này có một cửa hàng sửa xe khá khang trang. Vậy mà khi đến nơi đó, anh lại nhìn thấy một cửa hàng hoa tươi với bảng hiệu: Cánh đồng hoa kỳ diệu. Anh sững người nhìn những loài hoa đủ màu sắc, đủ hình dáng được trưng bày trong cửa hàng. Anh gần như giật mình khi nghe có người hỏi, anh cần mua hoa gì. Anh quay nhìn người thiếu phụ đang đứng bên cạnh mình, dạ không, tôi tìm một tiệm sửa xe. Cô ta nhướn cao đôi mày thanh tú, tiệm sửa xe ư, chắc chắn không có tiệm sửa xe nào ở phố này. Anh đỏ mặt, cảm thấy hết tình cảnh lố bịch của mình. Anh nói, chào chị, rồi quầy quả dắt xe băng qua đường, bước vào con hẻm đầu tiên mà anh gặp, con hẻm gần như đối diện với cửa hàng hoa. Anh ngoảnh lại. Người thiếu phụ ngồi im lặng giữa đèn hoa như một bà hoàng hậu ngồi giữa cung điện của mình. Đẹp và buồn bã, anh nghĩ. Anh nhớ, anh chưa bao giờ đến cửa hàng mua một bó hoa về cắm trong chiếc lọ nhỏ ở nhà mình. Anh không dám nói với ai về nỗi lo khi phải cầm những bông hoa tàn úa ném vào sọt rác. Chắc chắn họ sẽ cười, sẽ cho anh là cải lương, là làm dáng, là hâm hi. Anh biết, một số người vẫn gọi anh là một gã khắc kỷ. Một gã khắc kỷ hiền lành.
Dư Âm – Ý Nhi
Con hẻm nhỏ, chằng chịt đường ngang lối dọc. Anh dắt xe đi, thuận đâu rẽ đó, không xác định nổi phương hướng. Cuộc sống ban đêm của con hẻm đã có phần yên vắng. Anh đi ngang qua chỗ hai cô gái của hai nhà đối diện đang trò chuyện. Cô tóc ngắn đứng tựa lưng vào trụ cổng bên trái. Cô tóc xù một tay chống nạnh, một tay vịn vào cánh cổng sắt khép hờ bên phải. Hình như họ đang nói đến các mặt hàng giảm giá cuối năm. Họ im lặng khi anh đi ngang qua, rồi lại tiếp tục câu chuyện về son môi, phấn trang điểm, dầu gội gì đó. Anh mỉm cười, tự nhiên thấy lòng bớt u uẩn. Mấy cô gái trạc tuổi Quân. Số phận đã giúp Quân tránh xa ánh đèn sân khấu. Quân đang theo học Đại học Hàng hải. Quân bảo, thế nào rồi con cũng phải rày đây mai đó. Những lúc lên bờ, con chỉ quẩn quanh bên bố. Anh nhớ, khuôn mặt của Quân khi nói những lời ấy thật nghiêm trang. Tôi nghiệp thằng bé. Anh thở dài.
Bất ngờ, một người đàn ông gầy nhom nhem từ cái ngách nhỏ giữa hai dãy nhà xông thẳng đến trước mặt anh, tay chìa ra, miệng lẩm bẩm, cho xin hai chục ngàn, cho xin hai chục ngàn. Anh vội vàng dựa xe vào bờ tường, tự nhiên cũng thì thầm, từ từ, từ từ nào, rồi rút ra tờ hai mươi ngàn màu xanh đưa cho anh ta. Anh ta cầm tiền chạy vụt đi. Anh định thần thì chẳng còn thấy bóng dáng anh ta đâu nữa. Anh đập đập tay vào trán, chả biết là mê hay tỉnh đây. Bây giờ nhiều người tâm thần quá, đi đâu cũng gặp. Mà không chừng, nhìn một gã thất thểu, lang thang giữa đêm như mình, người ta cũng nghĩ mình tâm thần chứ chả chơi. Anh cố rảo bước, mong mau thoát khỏi con hẻm dài vô tận.
Đang cắm cúi đi anh chợt va mạnh vào một vật cứng. Hóa ra là một trụ sắt cũ, cắm giữa lòng đường. Trên cọc là một tấm bảng tròn gỉ sét, chữ đã tróc lở nhưng còn đọc được, cấm xe bốn bánh vào hẻm. Anh bật cười, không cấm thì cũng chẳng vào được. Anh nghe thấy tiếng cười khô khan của mình trong đêm vắng. Khi ngẩng lên, anh nhận ra trước mặt là cái bùng binh quen thuộc, rực sáng dưới ánh đèn cao áp. Tim anh nhói lên khi nhìn thấy bên kia đường, cái trạm sửa xe của người phụ nữ mặc áo ca rô đen trắng vẫn còn làm việc. Anh vừa vội vã đẩy xe băng qua bùng binh vừa kêu to, chị ơi, chị ơi. Người phụ nữ đang thu dọn đồ nghề lên chiếc xe nhỏ. Có vẻ như đó vốn là chiếc xe nôi của em bé. Chị cầm chiếc ghế sắt ba chân trên tay, chợt dừng lại, đặt nó xuống. Chị nhận ra ngay người sửa xe lúc chặp tối, lại sao nữa đây. Lại thủng xăm, anh đáp. Chị bảo, may quá. Anh hơi ngạc nhiên, chị bảo sao. Người phụ nữ chỉ tay vào chiếc thùng đạn đựng nước, may là chưa đổ nước đi. Anh cười thầm, gặp người tỉnh rồi. Anh giúp người phụ nữ tháo ruột xe, bơm căng lên. Chị khéo léo đưa chiếc ruột xe căng phồng rà qua thùng nước. Chị reo lên, anh xem này, đây rồi. Anh nhìn đi. Thủng chỗ khác đấy nhé. Miếng vá của tôi bảo đảm cả năm không suy suyển. Anh ngồi đây. Chị lại chìa cho anh chiếc ghế ba chân, anh đi đâu mà bây giờ mới về. Anh cười, đi làm. Chị chỉ tay về phía chiếc giỏ nhựa treo ở đầu xe, anh uống nước đi. Giờ đây anh đã quen với lối nói ngắn gọn như ra lệnh của người phụ nữ. Sợ chị phật ý, anh vội đứng dậy tìm chai nước, ngửa cổ uống vài ngụm. Nước rất ngon. Chị cười, nước mưa đấy. Anh không hiểu làm sao chị lại có nước mưa ở cái thành phố đông đúc, bụi bặm này, lại đang giữa mùa khô hạn. Nhưng anh không hỏi.
Anh ngồi xuống chiếc ghế sắt, nhìn người phụ nữ đang cặm cụi làm việc. Anh thấy lo, không biết phải trả công cho chị bao nhiêu mới phải. Anh rút chiếc phong bì nơi túi ngực xem qua. Anh có hai trăm ngàn. Anh sẽ đưa chị một nửa trong số đó. Anh cầm sẵn nơi tay một trăm ngàn. Chợt anh nghe tiếng xe máy nổ. Người phụ nữ đang dùng tay nắn nắn chiếc bánh xe vừa vá xong. Chị quay nhìn anh, ổn rồi. Anh nói cám ơn rồi chìa số tiền về phía chị. Chị ngẩng lên, gì nữa đây. Mười ngàn thôi. Giọng nói của người phụ nữ rành rọt, uy quyền đến nỗi anh không dám nài nỉ, chỉ lặp lại lời cám ơn.
Người phụ nữ đổ thùng nước, đặt cả chiếc ghế sắt và thùng đạn cũ lên nóc xe. Chị dùng hai chiếc dây thun lớn buộc chéo qua bốn góc. Chị quay lại, anh về lẹ đi kẻo bà xã đợi. Tôi bỏ ba sắp nhỏ vì cái tội thích đi lòng vòng ngoài phố đấy. Rồi không hiểu sao, chị lại nói thêm, tôi nhận nuôi hai đứa nhỏ vì sợ tụi nó mắc cái chứng đi lòng vòng của ba nó. Cứ lòng vòng ngoài đường lấy gì mà nuôi con. Nhìn thấy vẻ ngơ ngác trên mặt anh, chị bật cười, anh đi đi. Đàn bà tụi tui mà cằn nhằn là khó chịu lắm.
*Khi anh vòng qua bùng binh để rẽ về hướng nhà mình, anh thấy người phụ nữ đang đẩy xe về một hướng khác. Nhẹ nhàng như đang đưa một đứa trẻ đi dạo.
Tác giả: Ý Nhi – Thực hiện: Đình Khánh
Sản Xuất & Biên Tập: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *