Truyện đêm khuya – Năm Đào lên mười, một chiều Đào cùng ba đứa con gái bằng tuổi thả trâu sớm bên đầm Đơn. Nắng mới đầu hè, bốn đứa con gái bức bối cởi quần áo tắm. Đầm Đơn rộng đến hàng trăm mẫu, vốn là khúc quanh của con sông Cái xưa. Cái đầm lầy thụt mọc đầy cỏ năn, cỏ bồ lùng và cây cườm cườm. Duy một góc đầm gần làng là có nước, chỗ đó nền đất rắn chắc, dốc thoai thoải.
Năm trước Tây thả bom khoét một hố rộng, giết chết một thằng con trai đang thả lờ tôm, tạo thành một cái vực ngầm. Bốn đứa tắm mải đùa nghịch, không ngờ sa chân xuống vực. Người làng ngủ trưa mê mệt, đến khi phát hiện ra thì ba đứa trẻ đã chìm, chỉ còn Đào nửa nằm nửa ngồi trên mặt nước i ỉ khóc. Người đầu tiên chạy đến bế thốc Đào lên bờ cảm thấy như có một bàn tay trong nước vừa nâng vừa giữ chặt lấy Đào.
Ngay lúc ấy mọi người còn mải lặn ngụp tìm ba đứa chìm, Đào trên bờ khóc chán thì tự đi về. Sau bố mẹ hỏi lúc các bạn chìm có thấy gì, Đào bảo: “Có một thằng con trai nhe răng, sợ lắm”. Ông bà thất kinh đi xem bói, thầy bói phán: “Con bé bị mất hồn, phải chuộc hồn về. Nếu không sẽ bị ngẩn ngơ, khổ đến ba đời”. Bố mẹ Đào gọi thầy cầu cúng gọi hồn mấy ngày đêm. Nhưng lớn Đào vẫn thành người ngơ ngẩn. Dân làng gọi Đào là cô Phều, ý là nổi lều phều không bị chìm.
Ấy vậy Phều lại xinh, nước da trắng nõn, đôi môi đỏ như máu, làm cánh trai làng rỏ nước bọt, nhưng đôi mắt hoang dại và vẻ thất thần khiến không ai dám cưới Phều làm vợ. Suốt ngày Phều chạy nhảy tung tăng, như con bướm sặc sỡ thoắt đậu thoắt bay, con bướm đẹp nhưng đụng vào thì ngứa.
Phều chả biết giữ ý tứ và sợ là gì, đêm nóng chạy một mạch ra đầm tắm thùm thùm. Trong ánh trăng, da thịt Phều sáng lên loang loáng. Khi hai mươi tám tuổi Phều có chửa, dân làng tha hồ đồn đoán ai là bố đứa trẻ. Đang chiến tranh, đàn ông, trai tráng ra hồn đã ra trận cả. Ở làng chỉ còn người già, những ông tật nguyền. Tra hỏi Phều thì Phều trỏ ra đầm: “Nó ngoài ấy. Có râu!”.
Gặng người ấy hình dáng ra sao Phều chỉ xoa tay lên má nhắc đi nhắc lại: “Râu, có râu!”. Chín tháng mười ngày Phều sinh được cô con gái. Tuy ngẩn ngơ nhưng Phều chăm nuôi con rất khéo, chỉ có điều Phều không biết hát ru. Thay vì ru con thì Phều chửi, nhưng lại chửi như hát.
Bố mẹ Phều phần vì tuổi già, phần vì buồn phiền về cô con gái nên nối nhau đi sớm. Chả biết bằng cách nào mẹ con Phều nuôi được nhau. Một điều lạ là Phều đặc biệt giỏi môn thuốc chữa sâu quảng, ung nhọt, nước ăn chân. Mà người dầm mưa dãi nắng quanh đầm thì trong đời nếu không sâu quảng cũng ung nhọt dăm ba bận, còn bị nước ăn chân, sâu nước thì quanh năm. Ai đến nhờ, Phều chỉ chống cái bè ra đầm rồi lên đồi một lúc, bệnh gì cũng chỉ nắm lá ấy, ai cũng biết, là một nhúm rau ngổ, mấy cái lá muồng, vài chiếc lá vai cơm và nắm lá bướm, tất cả cho vào cái bát, rắc mấy hạt muối giã nhỏ đắp vào là khỏi.
Bài thuốc giúp Phều có đồng ra đồng vào nuôi con. Từ ngày đẻ, lam lũ, Phều không còn xinh nữa, có phần bẩn thỉu đi, nhưng vẫn ngẩn ngơ như trước. Thế lại may cho đàn ông, đêm ngủ với vợ khỏi nghĩ linh tinh, những lúc nhìn thấy Phều đỡ phải thở dài, nuốt nước bọt. Bài ru con thì thành bài chửi tràng giang đại hải, dần dần thành thú vui của Phều.
Con lớn không cần ru nữa nhưng Phều vẫn chửi. Chiều nào Phều cũng chửi một bài, như người ta hát, bài chửi cũng không nhằm vào ai, chỉ là kể lể con gà, quả mít, cái cối xay, thúng mủng dần sàng, trời nắng trời mưa. Người làng không ai khó chịu vì bài chửi của Phều, họ còn thích thú như một thứ giải trí đỡ buồn. Hôm nào không thấy Phều chửi lại đoán già đoán non chắc cô Phều, chị Phều, sau thành bà Phều, ốm.
Con gái Phều được ông Quỳ đội trưởng đặt tên. Ban đầu ông định đặt luôn là cái Đầm nhưng hơi khó nghe, thế là ông bỏ dấu đi, thành ra là Đam. Phều già đi thì Đam lớn lên. Đam giống mẹ ở vẻ xinh và khác mẹ là khôn lanh, sành sỏi. Biết thân biết phận, biết mẹ thiệt thòi, Đam thương mẹ lắm. Phều ốm, trên đường đi học Đam khóc. Ông Quỳ hỏi: “Mày khóc cái gì?”.
Đam bảo: “Hôm qua mẹ cháu không chửi được”. Ông Quỳ trợn mắt lên: “Ô hay, không chửi thì tốt chứ sao. Hay là mày thích ăn chửi?”. Đam khóc òa: “Không phải! Tại mẹ cháu ốm!”. Ông Quỳ lặng đi một lúc, bảo: “Xưa có thầy Tăng Tử bị bố mẹ đánh, thấy không đau, lo bố mẹ yếu thương quá thì khóc. Mày dễ cũng hiếu đễ như Tăng Tử chắc?”.
Chiều chiều ông Quỳ sang nhà, thấy Phều sốt, người nóng như hòn than, tiện có nắm lá chữa sâu quảng ông giã đắp lên trán Phều, một lúc thì đỡ. Ông Quỳ hoảng lẩm bẩm: “Cái nhà chị này bị bùa ngải gì của thuồng luồng Hà Bá ở đầm thật. Cái thuốc chữa sâu quảng ở chân mà đắp lên đầu lại đỡ sốt thì thật là tài!”. Ông bảo Đam: “Mẹ mày đỡ thôi, muốn khỏi hẳn phải sang Núi Cấm mua thuốc. Giờ tối rồi, chả ai dám qua đầm. Để mai, nếu mày bận học tao đi mua cho”.
Núi Cấm là thị trấn bên kia đầm Đơn, ngoài ấy có trạm xá to, chỉ có một con đường vòng vèo quanh cái đầm, lại vượt qua một quả núi nữa mới đến nơi, đường chim bay chỉ vài cây, nhưng vòng vèo như thế thì đi mất cả buổi. Gần nhất là chống mảng qua đầm Đơn, nhưng đêm hôm người làng sợ không ai dám qua đầm.
Cái Đam bảo: “Nhờ bác trông mẹ cháu với, cháu chạy đi đằng này một tí”. Con bé ra đầm chống mảng đi. Bỗng trời đổ mưa, ông Quỳ sốt ruột đi ra đi vào muốn về mà mãi không thấy cái Đam. Quãng chín giờ nó mới về, mặt mũi tái nhợt, ướt lướt thướt, xách một túi nilon đựng lủng củng mấy loại thuốc. Ông Quỳ trợn mắt: “Làm sao mày dám qua đầm?”. Cái Đam bình tĩnh: “Mẹ cháu ốm thì làm thế nào? Cháu chống mảng đi nhanh cứ như có người đẩy hộ ấy”.
Phều khỏi nhưng bị mất tiếng, giọng khản đặc. Chiều chiều Phều vẫn ra đầu hè ngồi chửi một hồi nhưng chỉ lào phào không ai nghe rõ.
Mười lăm mười sáu tuổi Đam học cuối cấp hai, lớp học dột nát hôm nào mưa gió không học được. Nghĩ đến cảnh phải bỏ học hoặc phải sang Núi Cấm trọ đi học bên ấy, nó bảo ông Quỳ: “Sao bác không xin huyện chữa trường lớp cho chúng cháu học?”. Ông Quỳ bảo: “Chiến tranh, lấy đâu ra tiền làm trường. Công thì mình có nhưng đào đâu ra gỗ?”. Đam bảo: “Bác làm cái đơn đóng dấu đỏ xin kiểm lâm, cháu đi xin cho”. Ông Quỳ mắng: “Ranh con bàn chuyện triều đình. Ai người ta tiếp mày?”. Đam bảo: “Bác cứ làm đi. Cháu mơ thấy xin được đấy. Nếu không được, cháu biếu năm cây xoan, bác xin thêm các nhà khác, sợ gì thiếu gỗ?”.
Ông Quỳ làm đơn, Đam mang đến kiểm lâm. Ông cán bộ kiểm lâm có cái nốt ruồi to trên má, một túm lông đen mọc ra ở đấy đọc đơn xong bảo: “Sao người lớn không đến đây lại sai cái đứa oắt con này?”. Đam trừng mắt làm ông kiểm lâm chột dạ: “Thế cháu con nhà ai?”. “Cháu con mẹ Đào”. “Đào Phều phải không?”. “Vâng!”.
Ông kiểm lâm tái mặt: “Rừng ở đây có mỗi chòm Núi Cấm này, nhiều nhặn gì đâu. Là rừng phải giữ chứ không phải rừng khai thác. Cho mày người ta biết thì khổ tao. Có cây dẻ to sườn núi bên này bị chặt trộm trên đỉnh, làm thế nào mang về bên ấy được thì tao cho”. Đam bảo: “Miễn bác cho là bên cháu lấy được”.
Đam xui ông Quỳ sang thị trấn móc nối dân làm mộc bên ấy, chặt cây dẻ bán cho họ, lại cho người tranh thủ tìm sườn bên này chặt luôn mấy cây lớn kéo qua đầm Đơn về xẻ. Xóa kỹ dấu vết chặt và dấu lao gỗ, qua mấy ngày mà mưa một trận là yên. Thế là vừa có gỗ làm trường, vừa có tiền mua những thứ cần thiết khác. Ông Quỳ vỗ đùi đen đét: “Mày giỏi! Mày giỏi! Con này rách giời rơi xuống, nứt đất chui lên”.
Mấy tuần sau, lớp học được sửa khang trang, ông kiểm lâm sang xem, ngạc nhiên: “Sao làm nhanh thế? Mà gỗ dẻ gì vàng như kháo ấy?”. Ông Quỳ nhanh nhảu: “Kéo qua đầm, ngâm ở đầm mấy ngày làm gì nó chả vàng”. Ông kiểm lâm gật gù: “Phải, cái đầm này lạ lắm. Mà dạo này không biết đám nào ăn cắp mấy cây to trên núi, chúng tôi đang cho người đi tìm”.
Đam học xong cấp hai, xin đi sơ cấp thủy lợi. Đam đi chào một vòng người làng, qua nhà ai cũng nhờ trông mẹ giúp. Đến nhà ông Quỳ, Đam ngồi lâu hơn. Cô bảo: “Cháu năm nay gần mười bảy tuổi, chưa lớn nhưng cũng không còn bé. Cháu định không đi đâu ở nhà với mẹ, nhưng giờ mẹ cháu còn khỏe, nếu cháu không tranh thủ đi thì chả bao giờ đi được nữa. Cháu coi bác như bố, mặc dù không biết bố là ai. Bác lại ở gần, trăm sự ở nhà cháu nhờ bác trông nom giúp. Cháu đi học, cuối tuần lại về”.
Ông Quỳ bảo: “Tao cũng thương mẹ con mày. Còn bố mày… Thấy mẹ mày vẫn chửi thằng có râu thì giờ thấy một thằng rồi đấy… Nhưng chuyện ấy không quan trọng bằng việc của mày. Mày đi, tao mừng một thì cũng lo một”. Đam vén tóc vẻ cương quyết: “Bác đừng lo gì cho cháu”.
Ông Quỳ ngẫm nghĩ một tí, bảo: “Thôi tao cứ nói với mày một lần. Cái gì mày nghe được thì suy ngẫm thêm, không nghe được thì để ngoài tai”. Đam giục: “Vâng, bác cứ nói”. Ông quỳ bảo: “Mày giỏi giang, khôn ngoan, hiếu đễ. Đó là cái được của cháu. Nhưng cái yếu của mày cũng từ đấy mà ra”. Đam thắc mắc: “Thế là sao ạ?”.
Ông Quỳ ngần ngừ: “Vì… để học hành thì như thế là tốt, nhưng để sống thì rất gay. Tao ít chữ nghĩa, không biết nói với mày thế nào. Đàn bà thông minh phát tiết thường khổ nhiều hơn sướng, nhất là trong quan hệ với đàn ông. Mày giỏi thì phải giấu cái giỏi đi, thành người không giỏi, thế mới giỏi”. Đam lắc đầu: “Bác nói cháu chả hiểu gì”.
Ông Quỳ bảo: “Mai kia mày sẽ hiểu. Mày là con gái, học gì, làm gì rồi cũng phải lấy chồng. Chưa lấy chồng thì có bạn trai. Nhưng như mày đàn ông con trai nó sẽ sợ. Thằng đàn ông có ba thứ để tự hào, một là lòng can đảm thì mày có thừa. Hai là đầu óc giếng khơi thì mày có phần hơn. Thế là mày tước hết vũ khí của đàn ông. Họ thấy cái để họ nương tựa, hãnh diện với đàn bà, qua đó chỉ huy đàn bà không còn thì sẽ trở nên yếu ớt, nhỏ bé so với mày.
Đàn ông thích lấy vợ đần hơn mình, ngu hơn mình. Chúng nó sẽ yêu mày, nhưng chỉ là yêu thôi. Chúng không thích lấy người như cháu làm vợ, dù đáng lý đấy là cái chúng nó phải mơ. Mày xinh đẹp, sẽ có nhiều người nhòm ngó, nhưng mày phải thận trọng”. “Thế còn điều thứ ba là gì ạ?”. “Cái này hơi bậy nhưng là sự thật. Ấy là cái chim. Thằng đàn ông tự hào đái đứng vẽ rắn vẽ rồng chứ không đái ngồi”.
*
Đam đi rồi bà Phều lặng lẽ hẳn đi, ra vào như cái bóng, chỉ cuối tuần con gái về bà mới tươi lên. Nhưng vui lắm bà mới chửi mấy câu chứ không chửi thành bài dài như trước. Bỗng mấy hôm liền chiều tối bà chửi tròn vành rõ tiếng.
Ông Quỳ chột dạ sang thì bắt gặp ông kiểm lâm đang hí húi làm mấy quả pin nước chạy cái đài Orionton. Ông kiểm lâm ngượng nghịu: “Tôi có việc đi qua tạt vào xin chén nước”. Ông Quỳ cười: “Tôi nói gì đâu. Anh có túm râu đẹp nhỉ?”. Ông kiểm lâm sờ lên má như muốn che cái nốt ruồi và túm râu: “Tôi cả đời hết làm lâm trường khai thác gỗ lại đến làm kiểm lâm ở Núi Cấm này, ông lạ gì mà hôm nay lại khen râu tôi?”. “Tại vì bà Phều hay nhắc đến râu”.
Ông kiểm lâm đờ người ra hấp tấp: “Thôi chào ông, tôi đang vội”. Ông ta vội vã nhảy lên cái mảng chống lấy chống để khuất vào bóng chiều. Một lúc sau kêu cứu rất to, tiếng kêu đứt đoạn mấy lần như bị sặc rồi tắt hẳn. Ông Quỳ và mấy người soi đèn đuốc chống mảng ra đến nơi thì ông kiểm lâm chỉ còn thò hai cánh tay lên lớp đất bùn lõng bõng. Cái mảng không có dấu hiệu bị lật. Mọi người xúm lại kéo ông ta lên, đưa vào bờ rửa ráy thì phát hiện hai cổ chân tím bầm như có bàn tay nắm chặt một lúc lâu.
Nghe ông Quỳ kể lại, Đam không buồn không vui. Cô cầm mấy thẻ hương ra đầm thắp cho ông kiểm lâm, người mà ông Quỳ ý tứ bảo có thể là bố cô. Nhân tiện Đam chống mảng đi một vòng đầm, ra tận rìa ngoài về phía sông Cái. Đam chợt phát hiện ra điều gì, cô quan sát rất lâu toàn cảnh cái đầm, đi lại ước lượng khoảng cách từ đầm ra sông Cái.
Lần sau về, cô rủ theo một người trung niên, hai người chống mảng quanh đầm suốt cả ngày, mang theo cả thước dây, đo đạc, ghi số liệu vào sổ, tính toán. Cô đưa người đàn ông đến nhà ông Quỳ, giới thiệu: “Đây là bác Sinh, kỹ sư thủy lợi chuyên thiết kế công trình thủy lợi, cũng là thầy giáo của cháu”. Người đàn ông nói luôn: “Chưa hết năm đầu nhưng cháu Đam học rất giỏi, có nhiều ý tưởng. Cháu biên thư mời tôi về có chuyện thế này, nhân tiện cũng xin tham khảo ý kiến bác”.
Ông Quỳ “Thế à” một tiếng, thất vọng vì mình đã đoán sai. Ông tưởng đó là bố người yêu của Đam. “Đam đề nghị tôi về cho ý kiến sơ bộ, ý kiến cá nhân về việc cải tạo cái đầm. Đây thực sự là một ý tưởng lớn, khả thi, nhưng vấn đề lớn quá nên lại không phụ thuộc vào tôi”. Ông Quỳ không hiểu gì, nhưng tin rằng Đam đã mời được ông cán bộ cỡ này thì không phải là chuyện nhỏ.
Đam và người đàn ông nói mãi ông cũng hiểu một chút. Đại để, Đam nảy ra ý định đào một con mương lớn, sâu từ đầm ra sông Cái. Con mương sẽ hút kiệt nước cái đầm, sau đó tiến hành khử chua, cải tạo đất, có thể mang lại mấy trăm mẫu ruộng màu mỡ cho địa phương. Khi nền đất ổn định, làm một con đường thẳng từ làng qua đầm về Núi Cấm sẽ phá vỡ thế kẹt của làng, nối làng với thị trấn sôi động ngoài kia. Làm được như vậy làng có cơ hội đổi đời. Cái đầm khét tiếng với những chuyện quỷ thần bao nhiêu đời sẽ không còn tồn tại.
Vấn đề là để làm được điều đó phải lập được một dự án tiền khả thi, sau đó dự án phải được phê duyệt, lúc ấy người ta sẽ đo đạc, tính toán cụ thể cách thức, quy mô của dự án, nguồn vốn. Tuy nhiên, hiện chiến tranh đang ác liệt, miền Nam sắp được giải phóng, bản thân các viện nghiên cứu cũng phải dồn sức thực hiện nhiệm vụ thời chiến. Nhất là nguồn vốn thì đặc biệt khó khăn, nên mặc dù ý tưởng tốt nhưng dự án khó có thể thực hiện trong thời gian gần.
Ông cán bộ nói thêm, về đây rồi, qua quan sát thực địa ông thấy có thể lập thêm phương án mới, đó là đắp một con đập ngoài cửa đầm, nâng cao mực nước đầm lên vài mét thì sẽ biến đầm thành một cái hồ sử dụng nước cho tưới tiêu, sinh hoạt vùng dưới và nhất là có thể phục vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản. Có điều đó lại là một dự án lớn hơn nữa, và vì thế chắc chắn sẽ khó thực hiện hơn.
Hôm sau ông cán bộ đi, Đam vạch ra giấy phác thảo ý tưởng, cách tính của cô cho ông Quỳ, bấy giờ ông mới hiểu hoàn toàn và thấy nó hay quá. Theo Đam, chẳng cần phải lâu la nhiều công sức tiền nong đến thế vẫn có thể cải tạo được đầm. Chỉ cần huy động bà con đào con mương, vài chục người vài tháng là xong. Sau đó tự con mương sẽ khiến cái đầm kiệt nước. Bấy giờ khô đến đâu đào mương đến đấy, vào chỗ sâu nhất của đầm, còn giọt nước nào nó sẽ rỉ suốt ngày đêm. Lúc ấy khoan nói đến con đường, hẵng cứ cải tạo khu đầm thành cánh đồng đã, đắp bờ vùng bờ thửa, cũng coi như làm được con đường tạm thời ra Núi Cấm, nhanh hơn nhiều con đường vòng vèo hiện nay. Phương án này cũng tốt hơn đắp đập làm hồ, nếu như vậy cả làng sẽ bị ngập phải chuyển lên chỗ ở mới cao hơn hoặc phải đi nơi khác.
Ông Quỳ nghe vậy thì rất thích, nhưng không quên dặn: “Việc của mày trước mắt cứ phải học tốt đã. Vấn đề lớn quá mày không làm được ngay thì phải làm dần, không nóng vội được”. Đam ngoan ngoãn bảo: “Vâng”.
Nhưng từ đấy, ý tưởng cải tạo cái đầm chiếm hết suy nghĩ của Đam. Năm nào cô cũng đưa cán bộ, bạn bè về đo đạc, ghi ghi chép chép, nhưng không thấy dự án nào được triển khai. Có lần ông Quỳ hỏi thì Đam cười buồn: “Vẫn chưa có ý kiến cuối cùng bác ạ. Người ta bảo đang chiến tranh, phải dồn lực cho nhiệm vụ ấy. Giải phóng miền Nam rồi, giờ lại chiến tranh phía Bắc”. Rồi cô bảo ông Quỳ: “Bác đưa ý kiến ra bàn với xã, bàn với bà con, nếu được nhất trí thì bác huy động sức dân làm dần. Chờ được Nhà nước duyệt thì lâu lắm. Công sức đào mương của bà con trừ vào công lao động xã hội của họ, ngoài ra ghi công điểm cho bà con”.
Ông Quỳ đưa ra bàn với chính quyền, ban đầu người ta còn lưỡng lự. Năm sau ông lại đưa ra bàn tiếp. Bắt đầu có ý kiến tán thành. Năm thứ ba thì xã ra hẳn một chủ trương cải tạo đầm, nhưng việc đào mương rất chậm. Mỗi năm chỉ đào được độ một trăm mét. Khó khăn nhất là qua đoạn đá vỉa, phần chạy dài của chân Núi Cấm, trong khi cả chiều dài cần đào tới hơn cây số. Năm sau, mùa huy động dân công thì đoạn mương đào năm trước đã bị bồi lấp gần đầy. Phần Đam, lẽ ra học xong sơ cấp cô sẽ về, vì nóng lòng cải tạo bằng được cái đầm, cô học lên trung cấp rồi học lên tận đại học. “Chỉ là nhân viên sơ cấp, trung cấp thì nói không ai nghe bác ạ”, cô bảo ông Quỳ.
Đam tốt nghiệp đại học trở về. Cô được phân công về Sở Thủy lợi. Từ đây cô nung nấu hoàn chỉnh dự án tổng thể cải tạo đầm Đơn. Dự án được duyệt, một đơn vị quân đội được đưa về thi công công trình.
Bà Phều khỏe mạnh suốt những năm Đam đi học, nhưng khi con gái ra trường lại sinh ốm đau. Đơn vị bộ đội đào thông con mương thì bà yếu hẳn. Dạo này bà không còn chửi nữa, chiều chiều ngồi to hó ở cửa, ơ hờ nhìn ra xa xăm. Chỉ khi con gái đi làm về chào “Mẹ” thì ánh mắt bà mới có chút sinh khí. Lâu bà không còn chửi, dân làng dần quên sự hiện diện của bà.
Đam cùng ban chỉ huy suốt ngày ngoài công trường, công việc hối hả lôi cuốn cô. Đam đề xuất lao động địa phương hỗ trợ thêm cho bộ đội để đẩy nhanh tiến độ công trình. Tảo, đại đội trưởng đơn vị thu dung tìm mọi cách tiếp cận cô.
Đơn vị thu dung. Bản thân Tảo cũng là một sĩ quan bị kỷ luật. Tảo cao lớn, luôn kè kè khẩu súng bên hông, điệu bộ oai phong, hách dịch. Người ta bảo Tảo chiến đấu rất giỏi, rất mưu trí, đánh đâu thắng đó, nhưng cứ lên một hạt lại rụng một hạt vì gái. Lần sau cùng Tảo bị kỷ luật đưa về phụ trách đơn vị thu dung này cũng là do vướng gái, rủi cho Tảo đó lại là một cô con nhà có cỡ.
Thoáng thấy Đam đi đến, Tảo quát lính: “Tập trung vào. Thằng kia làm đi!”. Thỉnh thoảng Tảo lại gọi một anh ra phạt, hô: “Nghiêm!”, làm anh lính phải đứng ngay đơ một tiếng. Có lần trước mặt Đam, Tảo tát một anh lính đến chảy máu mồm. Đam bực lắm, cự nự đôi co Tảo một hồi. Tuy vậy, công việc được tiến hành rất nhanh. Vỉa đá chạy từ chân Núi Cấm, trở ngại lớn nhất được bộ đội giải quyết gọn gàng bằng thuốc nổ. Con mương hoàn thành, khối nước đen sì đổ từ đầm chảy suốt ngày ra sông Cấm, chỉ sau vài tuần đã khô kiệt chỉ còn ri rỉ. Cái đầm khô đi rất nhanh, chẳng mấy chốc người ta đã đi lại được khắp khu đầm.
Bà Phều sút cũng nhanh như mực nước đầm. Cả người bà trong veo, không còn sức sống. Một tối Đam đi làm về kinh ngạc thấy bà ngồi trong góc tối hướng cái nhìn sáng rực ra ngoài. Đam sợ hãi chạy vào rờ rẫm khắp người bà xem có nóng sốt gì không. Cô cứng người khi thấy mẹ gọi: “Con ơi” với vẻ tỉnh táo lạ lùng. Đam khóc ôm chầm lấy mẹ. Bà Phều bảo: “Mẹ sắp đi rồi. Con nhớ giữ gìn thân mình. Còn khổ nhiều con ạ”.
“Mẹ nói linh tinh, hay con đưa mẹ đi viện”, cô gắt. “Không cần đâu, mẹ muốn nói chuyện với con”. “Vậy mẹ nói đi”. Bà Phều thở hắt ra, ánh mắt lại xuội lơ, ngây dại, nhưng lời bà thì không lảm nhảm như mọi lần, dù vẫn lộn xộn, khó hiểu: “Mẹ phải đi theo người ta. Cái đầm cạn rồi, hết rồi, đầm cạn thì bát đầy, dây oan cũng hết. Mẹ phải đi, có tiếng gọi mẹ. Con nghe có tiếng gọi mẹ kìa. Mẹ phải đi, phải đi…”. Đam đặt mẹ lên giường, vội chạy lên nhà ông Quỳ nhờ ông xuống trông giúp để nhờ đưa bà đi viện. Nhưng quay lại bà đã tắt thở, vầng trán xanh mệt mỏi giãn ra với một nụ cười thanh thản trên môi.
Bà Phều đi cũng vào một ngày nắng nóng đầu hè tháng năm. Trước đó đơn vị bộ đội đã hoàn thành công trình cải tạo đầm, rút đi. Tảo chích máu viết đơn đi chiến trường phía Bắc lúc đang hồi ác liệt và được toại nguyện.
Đưa tang mẹ xong, Đam nằm mấy ngày. Cô nhắn ông Quỳ xuống nói chuyện. Chưa kịp nói gì thì cô khóc. Ông Quỳ bảo: “Mẹ mày đi thế là mát rồi. Ai cũng một lần chết cả. Mày phải cứng rắn lên”. Đam gạt nước mắt bảo: “Vâng, cháu biết. Nhưng có chuyện này nữa bác ạ. Cháu có thai rồi!”.
Ông Quỳ nghe như sét đánh bên tai, ngồi ngẩn ra không thốt được lời nào. “Mẹ cháu ngẩn ngơ nhưng cứ như người giời bác ạ. Mấy lần mẹ cháu bâng quơ bảo cháu phải giữ mình, không thì khổ. Cháu nghĩ mẹ cháu nói linh tinh như mọi lần. Vậy mà lại thật”. Ông Quỳ vẫn lặng im, lòng yêu mến, tin cậy của ông nơi Đam khiến ông sợ nói điều gì cũng trở thành bất nhẫn.
Hồi lâu, Đam nói: “Đó là Tảo bác ạ”. “Mày tính thế nào với cái thai?”. “Cháu suy nghĩ kỹ rồi, cháu sẽ giữ nó. Nó là con cháu, như mẹ cháu đẻ cháu năm xưa”. “Còn công việc?”. Đam nghẹn ngào: “Chắc phải thôi bác ạ. Hủ hóa, chửa hoang là tội to lắm… Nhưng cháu đã hoàn thành việc lớn nhất đời là cải tạo cái đầm cho làng mình. Giờ với cháu chẳng còn gì quan trọng nữa”. Im lặng rất lâu, ông Quỳ khẽ bảo: “Mày quyết vậy cũng được. Lại về làng mày ạ. Người ta cười một ngày chứ ai cười ba năm. Ở đây vẫn còn tao với dân làng…”.
Ông Quỳ ra về. Đam đứng dậy bước ra cửa nhìn về phía đầm. Đêm tháng năm ngột ngạt, bức bối không một cơn gió. Cái đấm đã khô đất, hắt lên một dải dài trăng trắng dưới trăng.
Tác giả: Dương Quốc Hải – Giọng Đọc: Hải Yến
Sản Xuất – VoV