Sự sáng tạo của nhà văn trước tiên thể hiện qua việc lựa chọn nhân vật kể chuyện trong truyện ngắn này. Đó là chú chó Fidel, một loài chó cảnh đặc trưng của nước Đức. Và chú chó được mô tả đúng như đặc tính vốn có: thân thiện, tình cảm và cũng rất hồn nhiên, dí dỏm trong cách cảm nhận những thay đổi trong sinh hoạt, lối sống của gia đình chủ nhân thời giãn cách xã hội. Từ chỗ vui mừng vì được làm việc và học tập ở nhà, họ đã chuyển sang những cảm xúc không lấy gì làm dễ chịu, ông bố bắt đầu bỏ bê bản thân và phát phì, cô con gái lớn bắt đầu làm những việc vô vị để giết thời gian, cậu út thì khóc lóc đòi đi học, giấy vệ sinh thì hết nhẵn. Cả gia đình và thú nuôi đều bệ rạc, dường như chỉ duy có bà mẹ là còn sinh hoạt đúng giờ giấc. Kịch tính truyện được đẩy cao qua trận cãi vã giữa ông bà chủ rồi sau đó cả nhà phải ăn đồ ăn nhanh vì không có ai chịu vào bếp. Hai tháng giãn cách xã hội đã khiến cuộc sống gia đình chủ nhân chú chó Fidel thực sự đảo lộn. Bên cạnh đó là những chuyện dở khóc dở cười như dịch vụ cho thuê chó để cư dân được đi dạo một cách hợp pháp, việc không ai dám mở những gói hàng giao đến vì sợ lây nhiễm Covid, những cuộc hẹn hò khi đi đổ rác hay tình trạng béo phì, da cớm nắng, nổi mụn do ít hoạt động và đeo khẩu trang liên tục. Chưa kể đến cái kết mở đầy bất ngờ. Qua ngòi bút hoạt bát, dí dỏm, những câu văn ngắn, nhiều phát hiện, so sánh, liên tưởng, sắp xếp kịch tính khoa học của nhà văn, chúng ta soi thấy một phần hình ảnh, tâm trạng của bản thân qua những chuyện tưởng nhỏ nhặt, đời thường thời giãn cách xã hội do dịch bệnh (Lời bình của BTV Võ Hà)
Tôi tên Fidel. Tôi có biệt danh này do bề ngoài rất giống nhà lãnh đạo cách mạng Cuba – cũng râu tóc nâu xồm xoàm to lớn với cái nhìn thông minh và bộ hàm chắc khỏe.
Ngoài ra, so với các đồng bọn Riesenschnauzer của mình, tôi nổi bật bởi sự khéo léo và nhanh trí: hiểu lời chủ nhân chẳng cần giải thích, đưa một chân lên, bắt chước âm thanh, hòa hợp hết mình với bọn trẻ: Kira 15 tuổi và Oleg 9 tuổi.
Tôi kiên trì chịu đựng thủ tục lau chân, đối xử trung thành với cô mèo Matilda của chúng tôi. Tôi cũng biết xoa bóp: tìm ra chỗ đau và xoa nó bằng hai chân trước. Và tôi chào đón các chủ nhân của mình ra trò! Khi họ về tới nhà, tôi mang dép từng người tới cho họ. Ông chủ nói ông thương tôi hơn tất cả những người trong nhà, bởi tôi không thể làm tâm hồn ông ấy tổn thương.
Ông ấy đúng, tôi là một con chó tử tế. Trung thành với gia đình, không gây phiền phức, không sủa vô cớ. Không như con chó sục Chicha của bà hàng xóm, chẳng biết ngậm mõm cả ngày lẫn đêm. Chủ của nó – bà Nina – cũng chẳng tốt hơn thú cưng của mình. Thay vì mua cho nó cái vòng cổ “Chống sủa”, bà ta quát lại nó đến nỗi cửa kính toàn tòa nhà chín tầng rung bần bật. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả ở lối vào đều gọi bà ta là chằn lửa.
Trong gia đình chúng tôi, như trong vườn thiền, ngự trị sự yên bình và hòa hợp. Hay đúng hơn là từng ngự trị. Cho đến khi bắt đầu chuyện này, thôi thì chớ dại mà nhắc đến: giãn cách! Matilda là kẻ đầu tiên đánh hơi thấy có gì đó không ổn.
Một, hai, rồi ba ngày trôi qua, mà gia đình bốn người ấy cứ ngồi trên những mét vuông của chúng tôi, và căn cứ tình thế mà nói, chẳng buồn chuẩn bị cho chuyện đi học, đi làm. Kêu meo meo đầy lo lắng, con mèo ném về phía tôi cái nhìn thắc mắc, kiểu như, này đồng nghiệp, chuyện gì đang xảy ra vậy? Chúng ta còn phải chịu đựng đám bát nháo trên 60 mét vuông này bao lâu nữa đây? Tôi không biết lời đáp cho câu hỏi này và chỉ căng thẳng nghe ngóng.
Sau đó hóa ra cả các chủ nhân cũng không biết vụ “quản thúc tại gia” của họ kéo dài bao lâu. Ban đầu họ vui mừng với kỳ phép bất thường, cười nhạo lệnh đeo khẩu trang, vi phạm chế độ cách ly. Và khi bắt đầu bị phạt vì chuyện đó, họ trở nên chán nản, giống lũ chó với việc bắt đầu bị thuần phục. Họ ngừng rời khỏi căn hộ, và những trận chiến khốc liệt bắt đầu để giành lấy máy tính, cái điều khiển tivi và nhà vệ sinh.
Trong nhà chỉ có hai cái máy tính – máy tính xách tay của bà chủ mà bà làm việc với nó từ 9 tới 17 giờ, và cái máy tính để bàn, xài chung, mà Kira, Oleg và ông chủ đều yêu sách. Người cuối cùng hiện nay đang nghỉ không lương, nên ông ta nằm trước tivi nhiều hơn, gây căng thẳng cho Oleg, người bị lỡ mất phim hoạt hình.
Trong khi ông bố xem bóng đá thì Kira lo chat, post những tấm ảnh về cuộc sống “tù đày” của mình trên Instagram, chơi các trò tương tác. Cô ta ném cậu em trai bám lấy mình ra xa bằng tiếng quát: “Tuân thủ giãn cách”. Oleg dỗi, cậu chỉ còn mỗi việc chơi đuổi bắt với tôi. Từ thứ hai cả hai người họ bắt đầu học từ xa. Hay thật, làm sao chúng cùng học trên chỉ một cái PC?
Lối thoát, dĩ nhiên là có. Họ mua cho Oleg qua AliExpress một máy tính bảng, người ta mang nó từ bưu điện tới và đặt trên kệ giày ngoài cửa. Chẳng ai dám mở gói hàng – sợ lây nhiễm. Ngay cả hộp dầu cù là Ngôi sao của Việt Nam mua trên eBay họ cũng chẳng mở ra, mặc dù bà chủ bị những cơn đau đầu hành hạ, còn ông chủ thì tê toàn tập cổ, vai.
Tóm lại, tôi và Matilda quyết định giúp Oleg. Hiện giờ chúng tôi đang lấy móng của mình cào cái màng bọc nhựa và chơi đá bóng với món đồ mới mua. Ông chủ không chịu nổi tình trạng vô chính phủ này nên cuối cùng cũng bắt tay vào việc cài đặt cái máy tính bảng – dù sao ông ta cũng chẳng có việc gì để làm.
Ôi! Lại bắt đầu ỏm tỏi vì cái toilet. Chỉ cần Kira đắm mình vào cái bồn tắm đầy bọt thì Oleg bắt đầu lao vào với cái bụng đau. Chỉ cần Oleg chiếm hữu cái bồn cầu thì ông chủ gõ cửa nhà vệ sinh: “Ngủ trong đó à, con trai?”. Đúng như người ta nói, độ dài của một phút tùy thuộc việc bạn đang ở phía nào của cánh cửa nhà vệ sinh.
Tôi và Matilda đã trải nghiệm sự thật này trên chính mình: khay của chúng tôi nằm ở ngoài hành lang có cửa kính, mà đằng sau đó, gài chốt lại, bà chủ đang làm việc. Bà là giảng viên, giảng bài cho sinh viên qua Skype. Và say sưa với công việc đến độ hoàn toàn quên mất những nhu cầu tự nhiên của chúng tôi.
Tôi dù sao cũng đỡ hơn Matilda. Mỗi ngày ba lần họ dắt tôi ra ngoài. Đúng hơn là tôi dắt họ. Buổi sáng là bà chủ – bà dậy sớm hơn tất cả. Buổi chiều là ông chủ. Buổi trưa là Oleg. Kira không cần dịch vụ của tôi. Cô ấy và bạn trai mình gặp nhau mỗi tối bên thùng rác – cả hai cùng đi đổ rác lúc 20 giờ.
Kể từ khi bắt đầu giãn cách, lũ chó chúng tôi trở nên quan trọng. Không chạy, không nhảy, không giật khỏi dây buộc, mà rảo bước đi kiêu hãnh. Thế thời đã đến! Trước đây, người ta bắt những con chó không có người đi kèm, còn bây giờ họ bắt những ai không có chó đi kèm. Và những ông bà chủ nịnh nọt chúng tôi. Ông chủ hôm qua đã âu yếm vỗ lưng tôi và nói: “Ngay sau khi nhà thương điên này kết thúc, chúng ta sẽ về nhà nghỉ và hội hè ở đó: cậu sẽ được chạy không có dây xích và thưởng thức những cái bánh quy chó ngon lành”. Thế đấy!
Tuần thứ ba giãn cách. Gia đình tôi bắt đầu phát điên. Mệt mỏi vì vô công rỗi nghề, Oleg khóc lóc đòi đi học. Cậu ta thề sẽ không bỏ một giờ học nào cho đến lễ tốt nghiệp. Kira cãi nhau với bạn trai và giờ không chịu mang rác đi đổ – cả ngày cô ngồi trên chiếc ghế dài, xếp bài Taro và sơn móng cho Matilda với lớp lót nhanh khô. Mỗi ngày một màu khác nhau. Nhìn bộ móng của Matilda, tôi có thể xác định được ngày trong tuần: màu đỏ là thứ hai, màu cam là thứ ba, màu vàng là thứ tư…, theo quang phổ của cầu vồng. Bản thân Matilda cũng phát khùng, cấu xé cái quần lót của Kira mà Oleg, rách việc vì ở không, đã cố mặc vào cho nó thật là vừa vặn. Hôm qua họ cân con mèo, nó tăng ba ký. Mà tại sao lại không tăng trọng chứ, khi những chủ nhân liên tục nhắm nháp, còn nó cứ quanh quẩn dưới chân, xin thêm phần ăn? Trước đó nó chỉ ăn “KiteKet”, còn giờ đây nó không bỏ qua bất cứ thứ gì, thậm chí uống cả cà phê trong dĩa – nó điên mất rồi.
Ông bà chủ cãi nhau. Bà chủ phẫn nộ vì mặc dù ở ngoài hành lang nhưng lại kiếm được tiền cho gia đình, còn ông chủ cứ nằm như liệt trên ghế, ngốn bánh ngọt và tu hàng lít bia khi có đá bóng, mặc dù đã hứa sửa chữa nhà tắm và xem xét đồ cũ trong phòng kho. Đáp lại ông chủ nhặng xị, đeo cái rọ mõm và rời khỏi nhà. Chẳng bao lâu sau ông trở lại với kiều mạch, thịt hầm và quan trọng nhất là giấy vệ sinh, vì thiếu nó mà cả nhà đã phải lau bằng tờ rơi quảng cáo cả tuần qua. Dĩ nhiên, ông chờ lời khen, nhưng bà chủ lại tỏ ra nghiêm trọng:
– Cũng kỳ tích Hercules cho tôi đấy! Phải chi mà anh kiếm được gừng, nghệ tây nghiền và dầu thì là đen thì mới là vô giá. Họ viết trên Internet rằng virus corona chỉ sợ chúng thôi.
– Chẳng thể nào đáp ứng – ông chủ xua tay – Các người phiền nhiễu quá, tôi có chạy trời cũng không khỏi nắng!
Tháng thứ hai giãn cách là sự bế tắc cụ thể. Không ai sẵn sàng cho việc chung sống tù túng với nhau như vậy. Nhiều người bỏ phế cả trong lẫn ngoài. Và không chỉ là việc về các tiệm tóc hay salon làm đẹp bị đóng cửa. Ở mọi người biến mất hẳn nhu cầu làm hài lòng người thân yêu của họ. Ông chủ đi quanh nhà trong bộ đồ ngủ cũ giãn thõng thượt, bởi không mặc vừa cái mới. Tóc bờm xờm, râu không cạo, râu mép tua tủa, râu cằm rối thành nùi – trông ông giống hệt tôi. Ông phản ứng gay gắt với nhận xét của người phối ngẫu:
– Ai thấy tôi không cạo râu, nếu tôi vĩnh viễn mang khẩu trang khi ra ngoài?
– Vậy thì về nhà cũng phải đeo nó luôn! – bà chủ bắt bẻ – Có thể, cái máy thái bánh mì sẽ ngốn ít hơn nếu bị buộc lại! Đấy cái thùng nước lèo to đến chừng nào rồi – cái sô pha võng thành hình parabol. Xấu hổ với bọn trẻ con!
– Còn cô không xấu hổ với bọn trẻ à? Giờ học với sinh viên vừa kết thúc, lập tức chạy đi rửa lớp trang điểm và thay áo choàng, như thể chúng tôi và bọn trẻ không phải con người vậy. Cứ như với người lạ – cô là nữ hoàng, còn với bọn tôi – là Nikakusha Ivanovna thoát xác.
– Tôi, khác anh, sau ca một lại đi làm ca hai, phục vụ các người. Nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp cho các người, những kẻ vô ơn…
– Ai kêu cô chứ? Đừng dọn, đừng nấu. Chúng tôi sẽ đặt giao đồ ăn. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, ủng hộ doanh nghiệp nhỏ là mục tiêu cao cả.
Bà chủ nổi khùng, chạy vào phòng ngủ, ngã ập xuống giường và bắt đầu hét vào gối:
– Tôi sẽ ly hôn! Hết cách ly rồi tôi sẽ ly hôn.
Đuôi tôi run lên vì sợ hãi. Còn Matilda chẳng chút sợ sệt nào: nó nhảy lên lưng bà chủ và ồn ào gậm gừ, bắt đầu cọ vào vai bà, kiểu như, nhổ rồi chùi đi – tất cả bọn đàn ông đều là những con chó khom lưng. Tóm lại là cô đã chọn lựa rồi.
Từ hôm đó, dĩ nhiên rồi, bà chủ không nấu ăn. Giờ đây, sau khi tiết học kết thúc, bà cùng Matilda ăn tối và uống cà phê. Sau đó, họ trở ra hành lang, đóng cửa rồi xem trên máy tính xách tay phim nhiều tập về những người đàn ông thực thụ. Họ không kết tôi vào hội của mình vì tôi chủ trương trung lập. Kira cũng có quan điểm đó, người cứ sẩm tối, để tránh xa liên lụy, đã biến ra đường. Cô nhận việc làm tình nguyện viên để cảnh báo những người dạo chơi về sự nguy hiểm của việc dạo chơi hiện nay.
Oleg chẳng thể trốn đi đâu, suốt ngày càm ràm đòi đưa cậu đến nhà bà. Ông chủ đáp: “Người già là nhóm nguy cơ, mà trẻ con với họ hiện nay là những sinh vật nguy hiểm nhất” khiến cậu sững sờ. Đó là điều kỳ cục nhất mà cậu từng nghe.
Một tuần sau căn hộ chúng tôi trông giống như khu trú ẩn gần tiền tuyến. Chung quanh là hộp, túi, bao bì hút chân không của bánh pizza, khoai tây chiên, sushi, gà chiên xù… Trên giường là vụn bánh, giấy gói kẹo, kẹo cao su dính vào vỏ gối. Trên tất cả các bề mặt nằm là bụi, dày cỡ ngón tay, trên sàn gỗ là các đốm nhớp nháp. Bà chủ, như trước, vẫn tẩy chay “những kẻ biếng nhác và ăn bám”, chỉ dọn dẹp đúng hành lang của mình. Bà chuyển đến đó cái máy pha cà phê, bàn phục vụ, cái ghế bập bênh cho mình và tấm chăn cho Matilda. Bây giờ chỗ họ là một khu tự trị chính thức, nơi họ uống cà phê, nghe nhạc và xem phim bộ.
Ông chủ bắt đầu gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Không có gì đáng ngạc nhiên với lối sống này: tỉnh giấc vào giữa trưa, ăn đồ khô nguội, gần đây còn thêm vodka vào một lít bia. Ít di chuyển. Ông kết hợp cuộc đi dạo cùng tôi với việc mua thực phẩm. Đúng, đúng, ông lại hướng mắt mình sang siêu thị giá rẻ “Pyaterochka”, bởi nguồn tài chính “để ủng hộ doanh nghiệp nhỏ” đã cất lên bản tình ca. Ở đó lần thứ hai trong tuần ông mua đồ ăn cho cả hai tuần, và sau ba ngày, cùng với bọn trẻ, ngốn hết tất cả những thức mua về. Chà, làm sao có thể không hành hạ dạ dày với chế độ ăn như thế chứ? Thế nên toilet của nhà chúng tôi luôn bận rộn. Như người ta hay nói, người nào dậy sớm, kẻ đó được giày.
Mối quan hệ trong gia đình căng thẳng đến khó hàn gắn. Thêm một tháng giãn cách nữa, có khi những người trong nhà sẽ giết nhau mất.
Tháng thứ hai của đợt giãn cách đang kết thúc. Vì căng thẳng thường trực mà lông của tôi dựng lên và mắt tôi co giật. Tôi đã sống đến mức giống con chó của Pavlov, chỉ còn khả năng phản xạ có điều kiện: ông chủ đeo rọ mõm vào, tôi chuẩn bị đi dạo, Kira vỗ vào khay: đi ăn, Oleg rên rỉ vì buồn bực, tôi chạy đến chơi cùng cậu.
Không còn ai yêu sách cái điều khiển tivi: chẳng có gì để xem trên truyền hình – từ sáng đến tối tất cả các kênh đều phát tin về sự kinh hoàng của đại dịch. Tất cả! Kể cả các kênh thể thao và thiếu nhi. Vì vậy mà bà chủ trở nên loạn thần. Chỉ cần nghe tới từ “coronavirus” trên tivi, bà ngay lập tức tắt kết nối.
Kira tìm được thú tiêu khiển mới: gọi bằng máy tính bảng của Oleg tới bọn con trai quen, đổi giọng và thông báo thẻ vàng của họ cho câu lạc bộ đồng tính ưu tú “Blue Lagoon” đã sẵn sàng và sẽ được gửi bằng bưu điện đến địa chỉ của nhà họ trong vòng hai ngày.
Không nghe thấy tiếng Chicha. Thì ra bà Nina đã cho dãy nhà kề bên thuê nó. Bây giờ những người không nuôi chó sẽ thay nhau dắt con chó săn này đi dạo. Và quan trọng nhất là mọi người đều hạnh phúc: các cư dân được không khí trong lành, con Chicha được các thức ăn khác nhau, bà Nina được khoản bổ sung vào lương hưu, còn chúng tôi được sự yên tĩnh phước lành.
Chỉ có ông chủ gặp họa: ông bắt đầu trò chuyện với chính mình. Đêm xuống, ông ra chỗ cầu thang, ngồi trên các bậc và lầm bầm gì đó về “Ngày chó”. Bà chủ nói vì nghiện rượu mà ông ta thần hồn nát thần tính. Kira thì cho rằng bố mình bị trầm uất nặng. Còn gì nữa, nếu cả hai tháng trời ông ta không mua qua AliExpress bất cứ một thứ vớ vẩn nào?
Tọng hết một hộp thịt lợn hầm và uống cà phê với rượu mùi, cả đêm Matilda không cho tôi ngủ. Say rượu, cô ả rúc vào chỗ nằm của tôi, đẩy tôi vào sát tường, nằm sấp lên bụng tôi và ngáy. Tôi suýt tắt thở – cô ả nặng bằng một tá gạch. Tôi cố chịu đến sáng. Mà buổi sáng lại là một đợt tấn công mới. Cả nhà thức giấc bởi tiếng rú lớn, dài của Kira. Sau khi cân đo, cô phát hiện sau hai tháng đã lên năm ký.
– Ngoài sân đang là mùa hè, mà con trắng như kem chua – Kira rền rĩ – và béo… như kem chua.
Ông bà chủ lao đến an ủi con gái, nhưng cô không nguôi ngoai.
– Nhìn đi, coi mặt con làm sao! Tất cả là do mấy cái khẩu trang của các người! Bây giờ con làm sao xuất hiện trước mặt mọi người?
Gương mặt cô lấm tấm mụn li ti tuổi teen. Quả thật, ngày hôm qua chúng chưa từng có. Các phương án đến hiệu thuốc kiếm thuốc bôi không làm cô yên tâm. Lời an ủi rằng bây giờ vẫn chưa dạo chơi được, còn dưới khẩu trang chẳng ai thấy mụn, càng làm Kira nổi đóa hơn.
– Con là một Frankenstein béo phì, đầy mụn – cô nức nở, quay mặt vào tường – Mọi người đi hết đi, con muốn ở một mình.
– Hôm qua mẹ và Matilda đã xem một bộ phim, trong đó người dân rừng taiga đã bôi kem chua lên vết thương rồi để cho chó liếm chúng. Trong nước bọt của chó có các enzym đặc biệt làm vết thương mau lành – bà chủ vuốt vai cô – Đâu có gì ngăn chúng ta làm thử thí nghiệm này?
Lựa chọn này phù hợp cho cả tôi và Kira: cô ấy được mát xa mặt, còn tôi được kem chua. Và thế, Matilda tha hồ ganh tị, năm lần một ngày. Sau món Pedigree như lớp băng vĩnh cửu, kem chua đơn giản là đại tiệc cho dạ dày. Ít ra trong cái giãn cách này phải có lợi lộc gì đó chứ?
Sáng nay phát thanh viên trang trọng thông báo cho chúng tôi về “lối thoát tự tin của nước Nga khỏi đại dịch”. Thông báo này được người nhà chúng tôi tiếp nhận như giọng của Chúa: “Lazarus, hãy sống lại”. Đầu tiên ông bà chủ không tin, họ bỏ tivi lao vào xem trên Internet. Hóa ra đó là sự thật. Bà chủ vui mừng sẵn sàng ra tòa đệ đơn ly hôn, nhưng thiên thần hộ mệnh đã bay qua đầu bà, rắc xuống chút não. Hơn nữa ông chủ đã sắp xếp lại đồ đạc trong phòng kho và lát một dãy rưỡi gạch trong phòng tắm. Ngày mai ông sẽ đến hiệu tóc và cửa hiệu quần áo nam để cắt tóc, cạo râu và mua quần áo. Với chuyện cuối cùng thì đúng là có vấn đề, bởi hiện giờ chỉ có… drap giường là còn quấn được trên mình ông ta. Nhưng đây là chuyện hệ trọng, mà đến cửa hàng quần áo “Bogatyr” chỉ mất hai mươi phút đi bộ lười chậm. Thế nên mọi chuyện ở chỗ chúng tôi đâu lại vào đấy, tất cả lại trở về guồng.
Chưa kịp có thời gian để vui mừng vì sự giải thoát khỏi giãn cách cho dẫu chỉ trong buổi sáng, Tổ chức Y tế thế giới đã ném một muỗng hắc ín vào thùng mật của chúng tôi: “Đừng buông lỏng, các công dân! Không loại trừ liên quan đến làn sóng thứ hai, chúng ta lại phải tiến hành giãn cách”.
Khuôn mặt các chủ nhân của tôi biến dạng, cứ như họ vừa bị phóng điện cho gia súc.■
Phan Xuân Loan
(dịch từ tạp chí Gostinaya, số 110, hè 2021)