Bài nổi bật

Giảng đường F – Tô Hải Vân

Truyện đêm khuya – Chuyện kể khá thú vị về một mảng tối của thế giới đại học và sau đại học. Người ta có thể đọc truyện rồi tham chiếu với chính thế giới ấy ở ngoài đời, qua kinh nghiệm bản thân, cũng như qua những gì báo chí đã không tiếc công điều tra, phản ánh. Nhưng văn chương có con đường riêng của nó. Nơi ấy, chân lý khoa học đã trở thành đối tượng để người ta giễu cợt, bị người ta “làm xiếc”, tất cả được đặt trong một không gian “âm u”, “vàng vọt”, “chạng vạng”..và bức tranh ấy dần dần bị lộ diện….

Giang bất ngờ quay sang tôi: “Này, ông có nhớ cái thằng cha ngồi ở góc giảng đường không?”
Phụ nữ thường đột ngột lôi một chuyện từ trên trời xuống. Nhưng trong trường hợp này, tôi biết Giang nói ai. “Nhớ. Sao?”
“Trông thấy gã ấy là thấy bất an rồi”, nàng nói.
Đúng. Thằng cha đó như cái bóng. Nhìn thật u ám.
Đó là một buổi bảo vệ luận án buồn tẻ. Bắt đầu vào lúc sáu giờ chiều. Dù máy lạnh chạy hết cỡ, nhưng trong phòng vẫn ngột ngạt. Bên trên, nghiên cứu sinh đang thuyết trình, giọng đều đều rất dễ gây buồn ngủ. Đề tài thì chán ngắt. Các thầy trong Hội đồng chấm luận án có vẻ như đang sốt ruột. Vì đói? Mệt? Những buổi bảo vệ muộn như thế này chỉ có lợi cho nghiên cứu sinh, vì thầy nào cũng muốn chóng xong để còn ra về. Tôi và Giang vì là nghiên cứu sinh năm cuối nên vẫn phải cố đi dự. Quy định là thế. Chúng tôi thường chọn ngồi ở hàng ghế cuối cùng, phía bên trái, chỗ ấy gần cửa ra vào phía sau nên thoáng hơn, cũng dễ chuồn hơn nếu thấy không thích nghe nữa. Tôi đang lơ mơ nghe câu được câu chăng thì bất đồ Giang cấu vào tay, chỉ cho tôi thấy một gã đang ngồi cũng hàng dưới cùng nhưng góc bên phải.
Nghịch lý ở chỗ, trong những buổi “trình diễn” như thế này lại có một thằng cha chăm chú nghe, thậm chí còn ghi chép vào tờ giấy đặt trước mặt. Và, lại ngồi ở một cái chỗ tối tăm nhất giảng đường?
Giảng đường F – Tô Hải Vân
Tôi nhún vai: “Kệ nó. Trong giới mình, thiếu gì những thằng kỳ quặc? Bà chẳng hạn, chắc chắn tồn tại một thằng nào đó bình luận về bà thế này: trông thấy bà là thấy bất an rồi… Hi hi”.
Chưa kịp vui thì đã bị ăn một cấu thứ hai. Lẩm bẩm: “Đã bảo bất an rồi mà”.
Tôi còn gặp gã mấy lần nữa. Lần nào cũng như lần nào, tôi đều thấy gã ngồi đúng chỗ ấy, tôi tối, và vẫn thế, nghe chăm chú, ghi chép đều đặn. Có gì mà ghi? Muốn đọc luận án thì lên Thư viện. Còn buổi bảo vệ chỉ là thủ tục, hoặc nghe các thầy phản biện cãi vã. Hình như gã cũng nhận ra tôi, kẻ chuyên ngồi hàng cuối phía đối diện, nhưng lại hay ngáp vặt. Có lần gã đã gật gù với tôi, vẻ thân thiện, ra cái điều cùng là dân thích chui vào xó giảng đường. Nhìn mãi thành quen, nhưng tôi chưa bao giờ giáp mặt được gã, vì cứ buổi bảo vệ sắp xong là gã đã biến đi đằng nào.
Lúc này, tôi và Giang đang ngồi ở quán cóc vỉa hè gần trường. Ngồi thưởng thức một ấm trà ngon bên cạnh cái cống, kể cũng vui vui. Gần đó là một lũ sinh viên đang ngốn trà đá. Tất cả đều chờ. Lũ sinh viên chờ đến tiết học muộn. Chúng tôi chờ buổi bảo vệ muộn.
Buổi chiều, Giang gọi điện: “Này, bảo vệ của tay N, có đi nghe không?” Tôi: “Không. Đang bận”. Giang: “Thôi nào, chiều phụ nữ một tý? Đi một mình buồn quá”. Tôi: “Lại gặp chuyện gì rồi à?” Giang: “Có thế mới nhờ đến bạn bè chứ”. Tôi: “Thôi được. Chờ nhau ở quán cóc mọi khi”.
Đến nơi, đã thấy Giang gọi ấm trà, mặt mày hớn hở. Bà này tính khí thất thường, không biết đâu mà lần. “Con Nhím thế nào?” – Nhím là con gái Giang. “Vẫn thế. Suốt ngày xù lông. Hôm nay gửi bà ngoại cho mẹ đi đú”. Giang ba mươi hai tuổi, không lấy chồng, biết cách niệm thần chú úm ba la thế nào đấy để có một con gái bốn tuổi. Khi con hai tuổi, nàng thét “Tự do muôn năm” rồi đi mua một căn hộ trong chung cư cao tầng ở riêng, thỉnh thoảng mời bà ngoại đến ở một tuần cho vui rồi mời bà về. Đã có đến sáu bài báo được đăng, vượt tiêu chuẩn, hiện đang hoàn thành luận án. “Viết xong chưa?” – Tôi hỏi. “Đang chán đây. Đang muốn vứt đi đây”. – Nàng nói, mặt mày vẫn hớn hở – “Nghe xong buổi này tôi mời ông đi ăn phở xào”.
Sáu giờ kém mười lăm chiều. Tôi và Giang rời quán cóc, đi về phía Giảng đường F.
Giảng đường F nằm phía sau Thư viện, Thư viện lại nằm bên rìa cái sân trường rộng mênh mông, nên khá khuất nẻo. Chẳng hiểu vì lý do gì mà năm nay trường toàn bố trí những buổi bảo vệ muộn. Cũng có thể vào cái giờ ấy các thầy trong Hội đồng mới đến đông đủ được.
Gần đến Thư viện, Giang cứ đi xán lại gần tôi. Chắc vì lúc này trời đã chạng vạng, những tia nắng còn sót lại nhuộm một màu buồn chán. Những cây to trên sân trường ngả nghiêng như những người khổng lồ, gió kêu rin rít, đèn đường đã lên nhưng nhợt nhạt. Thấy Giang cứ xán vào, tôi nghĩ bụng, bà này giời không sợ, đất không sợ, thầy không sợ, không biết có sợ ma không? Biết sợ thì vẫn còn là người tử tế. Tôi bảo: “Nghe đồn, giảng đường F có ma đấy”. Giang rúm người lại, chân nọ đá vào chân kia, tay túm lấy tay áo tôi, hổn hển: “Này, thật không đấy?” Tôi cười thầm, quyết trêu cho bà chằng này một trận. Tôi bịa: “Hồi xưa, có một thằng nghiên cứu sinh chăm lắm, học ngày học đêm, có khi qua đêm cả trong Thư viện. Thế rồi bỗng đâm ra lẩn thẩn, đi lang thang trong trường, một hôm người ta phát hiện ra hắn chết bên giá sách của Thư viện, bụng vẫn còn ôm lấy mấy quyển sách. Từ bấy giờ trở đi, thỉnh thoảng ban đêm người ta thấy có tiếng cười như nắc nẻ trong thư viện, sau đó là giọng nói rền rĩ (tôi dài giọng) ma trận nghịch đảo, xij, xij, xij…”. Đến đây thì Giang khuỵu xuống: “Thôi tôi đếch đi nghe nữa đâu. Ông đưa tôi trở lại quán trà đi”. “Không đưa. Muộn rồi. Tôi phải vào đây”. “Thôi nào”, Giang nằn nì, “Tôi sẽ cho ông ngủ với tôi một lần đấy…”. “Ai thèm bà…”. Tôi hơi hoảng, đưa Giang trở lại quán trà.
Khi chia tay, tôi nhận ra mặt nàng không còn hột máu, thấy hối hận, bảo: “Này bảo cho mà biết, tôi bịa đấy”. Nhưng Giang bảo: “Chắc thật đấy. Hình như có lần tôi thấy thầy tôi bảo có chuyện gì đó ở Thư viện…”. Tôi lại lên cơn trêu: “Ừ, hình như thầy tôi cũng có lần bảo cái Thư viện trường mình sở dĩ nó vắng teo là vì…”. “Tôi về đây” – Giang nói, rồi chạy như bay ra nhà để xe.
Các nhà khoa học là rất dễ dọa, tôi tủm tỉm cười, rồi ngược trở lại con đường tới Giảng đường F.
Lúc này ánh nắng đã tắt hẳn. Sân trường tối và âm u. Đến gần Thư viện, nơi đây lại có mấy bụi cây lúp xúp thỉnh thoảng lại ngả nghiêng vì gió thổi, dường như có người nào nấp trong đó tóc tai rũ rượi đang dán mắt nhìn, đến tôi cũng phát hoảng. Câu chuyện do chính mình bịa ra lại trở lại dọa nạt mình. Tôi tự nhiên rảo bước cho qua cái nơi này. Đi nhanh như gió. Nhưng đến gần Giảng đường F, tôi thấy lạ lẫm. Mọi khi vào lúc như thế này bên ngoài Giảng đường đã đèn đóm sáng choang, tiếng nói chen nhau, người đứng người ngồi. Nhưng bây giờ im ắng lạ lùng, chẳng có bóng người nào, có mỗi ngọn đèn trần là sáng, mà cái ánh sáng ấy cũng vàng vọt một cách rất đáng ngờ. Tôi lại gần, thấy một cái bảng mica nhỏ dựng ngay cửa ra vào. “Buổi bảo vệ hôm nay: HOÃN”.
Chuyện chưa từng xảy ra. Có cái quái gì mà phải hoãn? Chỉ có mấy khả năng: nghiên cứu sinh lăn đùng ra ốm, chủ tịch hội đồng ốm, và cả hai phản biện đột xuất cùng không đến được.
Mất thì giờ quá. Tôi rút thuốc lá ra hút.
Bỗng nhiên, có tiếng nói trầm trầm nho nhỏ phát ra ngay sau tôi: “Thèm thuốc quá, ông có thể cho tôi xin một điếu?”
Tôi giật mình. Đã tưởng chỉ có mình mình?
Quay lại. Lại chẳng thấy ai. Sợ đến thót cả tim. Nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy như bóng tối dịch chuyển, lắc lư. Tôi quăng cả bao thuốc lá xuống đất, quay người nhanh chóng rời khỏi khu quái gở này.
*
*    *
Hôm sau, Giang gọi điện: buổi bảo vệ của tay N đó bị hoãn vô thời hạn. Ông có biết vì sao không? Không. Dừng một lúc. Tôi nhờ ông một việc. Nói đi. Ông dẫn tôi đến Thư viện rồi qua Giảng đường F nhé? Không. Đang bận. Đang dở tay làm cho xong cái danh mục tài liệu tham khảo. Thôi nào, chiều tôi một chút, tôi sẽ cho ông… Thôi thôi khỏi nói, nhắc lại, bà chán chết. Vậy lúc nào nào? Bây giờ. Vậy tôi đợi bà ở quán cóc.
Khi tôi đến, Giang đã ngồi đấy rồi. Nàng đã kịp gọi một ấm trà, nhâm nhi trà thơm bên miệng cống. Nàng nhoẻn miệng cười rất tươi. Cái cười này tôi thuộc. Ấy là khi nàng muốn nịnh nọt ai đó làm cho nàng một việc gì đó. Hồi đầu tiên quen Giang, nàng cũng “phô diễn” cái cười đó với tôi khi nàng muốn mượn tập tài liệu tôi kỳ công mượn được từ một thằng đi Mỹ về. Sau này khi đã kết bạn thân với nhau, tôi bảo Giang, này bà đừng có bao giờ giở cái cười đó ra với tôi nữa nhé. Thế cười với ông phải như thế nào? Ha ha hay hu hu?
Giang là người lúc nào cũng chỉ muốn làm ngay lập tức khi có ý tưởng nảy ra trong đầu. Nếu tôi không nhầm thì Giang đã ba lần phá bỏ luận án để bắt đầu lại từ đầu. Một con người can đảm. Nhưng làm cho thầy hướng dẫn bực mình. Vậy cô muốn gì? – Ông thầy hỏi, Giang kể lại, lúc đó thầy có vẻ tức lắm rồi. Nàng trả lời tỉnh bơ, dạ thưa thầy, đến bây giờ em cũng chẳng biết mình muốn gì nữa, nhưng những cái em viết ra là không thể ngửi được ạ. Tôi đã từng phá lên cười khi nghe nàng kể như thế, và nàng bảo, ông có biết vì sao tôi chơi với ông không? Bởi vì ông và thầy ông cùng quái đản như nhau.
Lại nói về thầy tôi, giáo sư Q. Tôi nghe tiếng ông từ hồi còn sinh viên, đó là một thầy giỏi nhưng lập dị. Có lần ông từ chối hướng dẫn khoa học cho một vị đứng đầu một tỉnh cũng đang làm luận án ở trường này, một việc mà nhiều người thèm muốn. Tôi nghĩ, lập dị tôi không sợ, cái quan trọng là giỏi, vì thế tôi chọn đề tài sao cho rất gần với lĩnh vực nghiên cứu của thầy. Khôn lỏi mà. Thế là người ta phân công ngay cho thầy phụ trách hướng dẫn khoa học cho tôi.
Bọn nghiên cứu sinh các khóa trước bảo, mày ngu thế, làm nghiên cứu sinh của ông Q thì lĩnh đòn no đủ đỡ phải ăn cơm. Hai mũi giáp công, một bên ông ấy hành mày, bên kia các thầy khác sẽ soi luận án mày như soi vi trùng. Xin đổi sang thầy chủ nhiệm khoa đi, hoặc cao hơn, xin hẳn thầy hiệu trưởng hiệu phó, không ông phản biện nào dám có ý kiến. Tôi chỉ gật gù.
Sau khi thi minimum, tôi đến gặp thầy nộp đề cương sơ bộ. Tôi hỏi, bây giờ em phải làm gì? Thế là thầy cáu. Ông bảo, này thanh niên, sắp thành nhà khoa học, chả lẽ cậu không thể tự định đoạt xem cậu phải làm gì à, mà phải nhờ tôi định hướng? Thôi về. Ông đuổi. Tôi gật gù. Rồi chào thầy, vâng, hiểu, em về ạ. Ra đến cửa, ông gọi lại. Này thanh niên, tốt, vậy cậu muốn gì thích gì? Ngẫm nghĩ một lát, tôi nói, rất thật thà, em quả thật chỉ thích chơi. Vậy cậu chơi đi. Thế là tôi rong chơi suốt năm đó…
Ấy ấy, mở ngoặc nhé, đấy là thiên hạ đồn đoán vậy thôi, vì cứ thấy tôi rong chơi, giáo sư Q cũng rong chơi suốt. Dần dần tôi mới hiểu triết lý của thầy. Có lần ông bảo: chân đi, óc nghĩ, đó là đang sống; còn lúc cậu hứng lên chiêm nghiệm cuộc đời, đó là lúc cậu đang tiêu hóa để sống đấy. Giọng rất giống một ông bác sĩ khoa tiêu hóa. Vì thế, nên rong chơi, phải không ạ? Ông thầy cười, a a, cậu này nối nghiệp mình được đấy, tao có phúc rồi.
Có lần ông triệu tôi đến, tưởng có chuyện gì ghê gớm, không ngờ ông chỉ nói: Này, có một bài toán kinh điển dành cho trẻ con, tên là “Tuổi thuyền trưởng”, tôi giao cho cậu giải nhé: “Trên tàu thủy có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?” Đề bài thật tuyệt. Luận án đấy cậu ạ. Toán học ứng dụng được cả cho văn học. Thôi đi về. Đúng là ông thầy kỳ quặc.
Ông hành tôi đủ kiểu, nêu đủ loại câu hỏi mà chẳng bao giờ thèm trả lời. Có vẻ, hỏi là việc của ông, còn trả lời là việc của tôi, mặc xác mày.
Giang bảo, ông cứ thu thập đủ câu hỏi của thầy cũng đủ dùng cho đến hết đời. Tôi bảo, nếu biết thế, thế nào thầy cũng than vãn, ôi ôi tao vô phúc rồi. Giang bảo thầy nào trò ấy, quái đản như nhau. Mà này, cái chuyện hôm nọ ấy, có thật ông bịa không? Thật, tôi khẳng định. Quái quỷ. Vậy ta đi.
Tôi với Giang từ tốn đi qua cái sân trường rộng mênh mông. Một trong những yêu cầu khắt khe đối với nghiên cứu sinh là phải tìm cái mới khi xuất hiện một ý đồ. Chắc Giang đang tìm, vì tôi thấy vừa đi nàng vừa ngắm nghía xung quanh. Khuôn viên trường rất rộng. Ngôi trường vốn được xây dựng từ rất lâu, xưa kia đây chỉ là ao hồ ruộng. Đã từng có một nhánh sông Tô Lịch chảy qua, nay qua bao lần xây dựng cải tạo chỉ còn đường ống cống, người ta chỉ có thể nhận ra dòng sông qua hàng cây cổ thụ chắc mọc hai bên bờ sông vẽ thành một con đường tưởng tượng ngoằn ngoèo. Đến gần Thư viện, Giang ưỡn ngực vênh váo đi. Hai cánh tay đánh hùng dũng.
Thư viện trường ngoại trừ những ngày sinh viên lên ngồi ôn thi cuối kỳ, còn hầu như lúc nào cũng vắng vẻ. Buồn như một chén trà nguội. Cô Liên thủ thư đang đứng ngáp ở hành lang chợt thấy chúng tôi ập ngay miệng lại, rất tài là nở ngay được một nụ cười. Tôi quen Liên trong năm thứ hai, khi ấy thường xuyên phải lục lọi trong Thư viện, và cô đã tưởng là tôi tán cô, chỉ vì trong khi lục sách thấy buồn là tôi cứ tia lia cái mồm. Sau cô bảo, chán nhỉ, cái bọn nghiên cứu sinh bọn anh ấy, được tên nào hay hay thì y như rằng vào rọ cả rồi, có mỗi anh chưa chui rọ lại không muốn vào rọ…
Tôi dừng lại, hỏi Giang có vào không, nàng gật đầu rất mạnh và nhìn Liên với vẻ khâm phục rõ rệt.
Giảng đường F – Tô Hải Vân
Thư viện vắng lặng nên tiếng động như bị khuếch đại, dù nói nhỏ nhưng vẫn có cảm giác nói rất to, và mọi thứ như không thực. Tôi liếc nhìn vào sâu bên trong, thấy những giá sách đứng lặng lẽ trầm ngâm trong một bầu ánh sáng âm u ảm đạm. Một ý nghĩ chợt đến, mấy ông tác giả chán nhỉ, suốt ngày suốt đêm đứng buồn thiu. Luận án của tôi (nếu như nó được bảo vệ thành công) chắc cũng sẽ có một chỗ đứng trong đó, hai centimet bề rộng, bình đẳng như bao tác giả khác, chỉ khác nhau ở số người mượn đọc qua bàn tay cô Liên. Vậy, có bao nhiêu kẻ vô tích sự đứng choán chỗ ở nơi đây và liệu tôi ít lâu nữa có nằm trong số đó không?
Trong lúc này, Giang sau khi lễ phép xin phép cô thủ thư đã chậm rãi và cẩn trọng lần lượt đi hết giá sách này sang giá sách khác. Nhìn vào, thấy nàng trang nghiêm như một ông tướng duyệt binh. Các ông tác giả, đã khuất có, đang sống có, chắc nhìn nàng với vẻ mong mỏi bàn tay công chúa động vào. Nhưng nàng chẳng động vào ai cả. Có lúc Giang dừng lại khá lâu ở một góc nào đó, nghiêng ngoẹo đầu, rồi lại đi tiếp.
Trở ra, Giang ngoéo tay bảo tôi: “Đi uống trà”.
Trở lại ngồi ở quán cóc, Giang lại gọi một ấm trà ngon. Nàng chăm chú thưởng thức trà như một người già.
Tôi bảo: “Trầm ngâm gì thế?”
Nàng: “Nhiều vấn đề đang đặt ra”.
Tôi cười: “Về Thư viện à?”
“Ừ”.
Tự nhiên tôi buột miệng: “Bà biết không, riêng về Thư viện tớ cũng có thể viết được khối chuyên đề nghiên cứu, tỷ dụ như Bàn về những cuốn sách trên giá và những hệ lụy phi logic của nó, hay Cấu trúc không-thời gian trong Thư viện hiện đại, rồi Về năng lượng tối và vật chất tối trong không gian n chiều của Thư viện trường, hay Tái cấu trúc Thư viện và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế v.v… Hay không?”
Giang trố mắt: “Ông nói gì thế?”
Tôi: “Có nói gì đâu?”
Nàng: “Thì ông vừa xổ ra một đống đấy thôi?”
Tôi gãi đầu: “Ờ nhỉ, tự nhiên như có ai xui khiến, chứ bình thường tôi ngu lắm cơ”.
Giang nghiêm mặt, chăm chú nhìn tôi như thể đang nghiên cứu một con vi trùng to đùng quá cỡ. “Chắc đúng”, nàng nói.
“Đúng cái gì?”
Nàng xích ghế đến bên tôi, ghé tai, một mùi hương thơm thoang thoảng: “Lúc ở Thư viện ấy, tôi tập trung hết tinh thần để cảm nhận “cái thằng đó”. Chắc có đấy. Có lẽ nó ngồi chồm hổm đâu đó nhìn tôi. Có một lần hình như tôi còn nghe văng vẳng ma trận nghịch đảo, xij, xij, xij… Nhưng bây giờ tôi không sợ nó nữa”.
Tôi suýt phì cười, nhưng ghìm lại được. Chẳng lẽ, một chuyện bịa lại có thể trở thành một chuyện nghiêm chỉnh? Chỉ có mùi thơm kia là thực.
Nhìn nét mặt chắc rất khôi hài của tôi, Giang nghiêm nghị: “Thế ai xúi ông nói ra những đề tài khủng khiếp như vừa rồi? Đột nhiên bịa ra được ngần ấy thứ à?”
Một cái gì lành lạnh xuyên qua sống lưng. Nhưng tôi vẫn cương quyết: “Chuyện này không biết. Nhưng chuyện kia là bịa. Tôi bịa”.
“Cái bịa dựa trên cái thật. Đôi khi cái thật lại là cái bịa”. Giang khịt khịt mũi.
Hết tuần trà, nàng bảo, có biết vì sao buổi bảo vệ của tay N hôm qua bị hoãn không? Tối qua tôi lùng sục, mới biết chuyện này. Nàng kể, hai hôm trước ngày bảo vệ, đột nhiên trên bàn của các thầy phản biện và thầy chủ tịch hội đồng xuất hiện quyển luận án của N được chụp lại, bên trong gạch chân bằng mực đỏ đoạn nào sai, bôi màu vàng đoạn nào ăn cắp, ghi rõ lấy của ai, quyển nào, trang mấy, cụ thể cực kỳ. Đỏ lòe, vàng khè cả quyển. Sợ chưa? Trò ăn trộm, thầy cóc biết cho qua, cả thầy lẫn trò tay N hồn vía lên mây, suýt phải nhập bệnh viện.
“Vậy ông bảo đứa nào làm được chuyện này?”
*
*     *
Khi cô Liên thủ thư hỏi tôi về anh chàng N, tôi đã đùa đùa: bảo cho mà biết, ánh sáng thường đi trước âm thanh, đúng không? Vì thế có những người nhìn thì thấy thông minh cho đến khi nghe họ mở mồm. Liên phá lên cười: như anh vậy. Đúng, đó là tôi. Tránh xa tôi ra. Lúc sau, Liên bảo: Anh N suốt bốn năm đến Thư viện đúng một lần. Không mượn tạp chí khoa học hay sách chuyên khảo nào. Có biết mượn quyển gì không? Truyện cười Việt Nam.
Chuyện chưa kịp lắng thì sát ngày bảo vệ của một nghiên cứu sinh khác tên là K trên bàn ông chủ tịch hội đồng và hai phản biện có ai đó lại đặt quyển luận án photocopy của K với nhận xét cần phải xem xét lại luận án này vì hình như đã nhờ ông giáo X viết, với những kiểu viết y hệt khi so với những bài báo của ông kia, với xác suất trùng lặp rất cao.
Ở ký túc xá nghiên cứu sinh, mọi khi bẩn thỉu và bừa bộn, nhưng những ngày này sạch sẽ đến bất ngờ. Mọi người đều hết hồn. Bảo nhau, dứt khoát phải có một thằng nào đó như ma xó làm việc này. Thế là tên nào tên ấy cố mà giữ luận án như giữ ví tiền, các phòng sạch bong, không một tờ giấy nháp vương vãi. Các cửa phòng đóng im ỉm, hành lang vắng lặng, thảng có vài người đi trong hành lang thì dáng đi vội vã và chui tọt vào phòng khép cửa lại như những con gián.
Trước Giảng đường F lại treo biển: “Buổi bảo vệ hôm nay: HOÃN”.
*
*     *
Nhưng buổi bảo vệ của nghiên cứu sinh Q lại không hoãn. Vẫn tổ chức ở Giảng đường F. Vẫn sáu giờ chiều.
Trái với những buổi bảo vệ trước đây buồn tẻ và không đông, lần này giáo viên và nghiên cứu sinh đi dự đông nghịt. Như đi trẩy hội. Thấy có cả nghiên cứu sinh ở các trường khác.
Phải nói thêm, bình thường, cứ nhìn quang cảnh hội trường và những người tham dự buổi bảo vệ luận án cũng sơ sơ đoán được người đang bảo vệ là người thế nào. Có những buổi đông nghịt, người ta chẳng những ngồi chật hội trường, mà còn ngồi cả ngoài hành lang. Những nét mặt hồ hởi. Hoa tươi vài chục bó đã chuẩn bị sẵn sàng để tặng cho người bảo vệ thành công và tặng cho các thầy ngồi Hội đồng, bởi lẽ đã thành lệ, cứ được phép ra bảo vệ là thành công chắc chắn. Loại “đông” thường là quan chức, hay đại gia thích có bằng, người ngồi chờ chúc mừng đương nhiên là nhân viên dưới quyền, gia đình và bạn bè làm ăn. Cũng có nhiều buổi lèo tèo đôi ba người ngồi dự, và đó đương nhiên là nghiên cứu sinh hạng tèng tèng, vài người bạn học, người vợ hoặc người chồng kèm con nhỏ ngồi buồn thiu bên dưới, mặc cho anh ta hay chị ta nói cho Hội đồng nghe.
Thế nhưng Q không phải quan chức, cũng chẳng phải đại gia, gã chỉ là nghiên cứu sinh bình thường, cũng có tiếng là thông minh giỏi giang. Thầy gã cũng không phải loại hổ báo. Vậy mà người dự đông nghịt. Nhưng lại ít hoa.
Tôi với Giang đến sớm. Vừa thò mặt vào Giảng đường F, tôi đã phát hiện ra có kẻ “chiếm chỗ” của tôi – góc bàn cuối cùng bên tay trái. Tôi gườm gườm nhìn gã trai, lẩm bẩm, chỗ tao đấy. Tên này tôi biết, là nghiên cứu sinh năm sau, nên có vẻ ngoan ngoãn tệ, lịch sự đứng lên trả chỗ. Giang ngồi xuống cạnh tôi, lại cấu tôi một cái, này, ma cũ bắt nạt ma mới, không nên tý nào.
Ngồi ở vị trí này còn có cái thích nữa là có thể nhìn thấy hết thảy, từ các thầy trên vị trí Hội đồng chấm, nghiên cứu sinh đứng bảo vệ, điểm mặt được những người tham dự, lại còn xem người nhà đương sự chuẩn bị hoa và tán chuyện tầm phào.
Bỗng Giang lại cấu nhẹ tôi. Hất mặt về phía góc phải cuối giảng đường. Tôi nhìn theo ánh mắt nàng, lại bắt gặp cái thằng cha vẫn ngồi án ngữ chỗ đó từ bao lâu nay. Và cho dù hôm nay có đông đúc ồn ào thế nào thì cái chỗ đó vẫn như mọi khi, hơi tối, và gã cũng như mọi khi, tờ giấy đặt trước mặt, cái bút đặt ngang.
Thằng cha hình như cũng nhận ra chúng tôi. Lấp nhiều cái đầu nên không nhìn rõ mặt nhau, nhưng tôi cũng kịp nhận ra là gã giơ ngón tay cái lên chào hỏi. Buổi bảo vệ hôm nay vui thế này kia mà, không đi ngó nghiêng sao được, phải không anh bạn?
Q hôm nay bảo vệ rất khá. Ba mươi phút trình bày luận án mạch lạc, không phải nhìn giấy, chứng tỏ gã nắm rất rõ vấn đề. Phía dưới im phăng phắc. Thỉnh thoảng lại có cái đầu nghểnh lên nhìn chằm chằm vào mặt bàn hai ông phản biện, ý chừng xem có bản luận án “lạ” nào nằm ở đó không. Ai cũng hồi hộp đợi chờ. Rồi phản biện 1 đứng lên đọc bản nhận xét. Giọng ông rề rà đến sốt ruột. Đề tài là cấp bách (dĩ nhiên, không cấp bách ai cho mày làm luận án), kết cấu hợp lý, gồm ba chương (xì, cổ lỗ lắm rồi), đã tổng kết được những nghiên cứu của những tác giả đi trước (thằng đếch nào mà chẳng phải làm điều đó), có ba phát hiện được cho là cái mới (thằng trước xếp ngang, thằng này xếp dọc cũng là cái mới à?), tóm lại, khen nhiều, chê ít, thông qua. Ông phản biện 2 có vẻ hùng hồn hơn, đặt đến bốn câu hỏi cho nghiên cứu sinh, nhưng những câu hỏi ấy chẳng khác gì gợi ý trả lời. Tay Q trả lời dễ dàng. Chán ốm.
Cuối cùng, Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín. Rồi ông chủ tịch hội đồng kết luận, tốt thế này, chưa tốt thế kia, nhưng nhìn chung là tốt, biên bản kết luận sẽ ghi thế này, hội đồng nhất trí. Q xứng đáng nhận học vị. Vỗ tay.
Tôi liếc nhìn sang phía góc phải. Bắt gặp cái liếc nhìn của thằng cha thích ngồi xó như tôi. Gã lắc đầu. Mặt hình như nhăn nhó, tối nên nhìn không rõ lắm, chỉ thấy một cái hình méo xuệch xoạc. Nhưng có thể cảm thấy hình như thằng cha thất vọng ghê gớm.
Sau tràng vỗ tay là đến màn tặng hoa. Người dự nhốn nháo đứng lên. Ít hoa. Q chắc chưa vợ nên không thấy phụ nữ lên tặng hoa, chỉ có gã tặng hoa các thầy trong hội đồng và thầy hướng dẫn. Hết.
Tôi lại ngoái nhìn sang góc phải. Thằng cha kia biến đâu mất rồi. Chắc hắn không thích mấy cái trò này.
Mọi người đã tản ra về gần hết.
Bên ngoài, đêm đã buông.
Tôi chẳng muốn về. Giang chẳng muốn về. Đi uống trà chứ nhỉ, nàng gợi ý. Ừ, đi. Nhưng tôi và Giang vẫn ngồi ỳ. Mãi sau mới đứng lên, uể oải đi.
Rời khỏi Giảng đường F. Ngang qua Thư viện. Tôi dừng lại. Rút bao thuốc lá, định hút một điếu.
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy tiếng gió thoảng, rồi nghe thấy một giọng nói rất trầm nho nhỏ phát ra ngay sau vành tai tôi: “Thèm thuốc quá, ma trận nghịch đảo, ông có thể cho tôi xin một điếu?”
Tôi giật mình, đánh rơi bao thuốc, kéo Giang chạy một mạch.
Tác giả: Tô Hải Vân – Giọng đọc: Hồng Huệ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *