Bài nổi bật

Giọt phù sinh – Lê Mạnh Thường

Truyện đêm khuya – Cuối cùng thì cơn đau đẻ cũng đến với nàng. Nàng vừa mừng vừa sợ. Ban đầu nó cứ lâm ra lâm râm như kiến bò. Tiếp đến là cảm giác tưng tức, nằng nặng. Và bây giờ là đau.
Các cụ bảo “đau như đau đẻ” quả không sai. Hai tay nàng bíu chặt thành giường inox, hai chân dạng ra. Cái bụng phưỡn ra như trêu ngươi, thách thức nàng. Nàng thầm rủa “Đã đến lúc tao phải tống khứ mày ra rồi đấy con ạ!”. Từng cơn co thắt liên hồi giục dã. Khuôn mặt nàng lã chã mồ hôi. Quái lạ, tại sao nó cứ buồn buồn, tưng tức ở phía bụng dưới thế này nhỉ? Nàng vẫn nghiến răng chịu đựng từng cơn đau.
Giường bên cạnh, một cô bé trẻ măng, chắc cũng khoảng chừng mười sáu, mười bảy, tóc hoe hoe vàng đang rống lên man dại. Tiếng kêu của cô bé như tiếng của con mèo hoang bất ngờ bị tấn công. Cô bé lả dần đi rồi phều phào trong nước mắt: “Mẹ ơi, con chết mất!”. Bà bác sĩ trực xỏ chiếc găng tay vào rồi tiến lại cô bé. Một lúc sau, bà thủng thẳng nhát gừng: “Cứ chờ đấy, sắp rồi!”.
Xung quanh nàng toàn là màu trắng. Một màu trắng ởn lạnh lùng. Căn buồng được ốp gạch men trắng. Trần nhà trắng. Những bộ quần áo của y bác sĩ, những bộ váy sản phụ, những tấm ga giường nhàu nhĩ… tất cả đều màu trắng. Nó đem đến cho nàng cảm giác thật sờ sợ, kinh kinh.
Căn phòng mười sáu mét vuông này đối với nàng thật rộng lớn, trống trải. Nàng thấy mình thật nhỏ nhoi vô cùng.
Nàng nhập viện đã hai mươi mốt ngày nay rồi mà vẫn chưa được cái diễm phúc nằm lên bàn đẻ. Có nhiều người vào viện, vừa kịp mặc chiếc váy sản phụ xong là bước lên bàn đẻ. Chỉ trong tích tắc, họ phẹt một cái là xong. Tiếng khóc oe oe râm ran khắp hành lang sâu như đường ống. Rồi gia đình, người thân vây xung quanh xem mặt đứa bé. Nhìn thấy thế mà nàng cứ nuốt nước bọt. Nàng thèm.
Chiều qua, bà bác sĩ gọi nàng lên để kiểm tra rồi bấm ối cho nàng. Được một lúc thì nàng thấy khó chịu. Cô y tá dìu nàng lên phòng chờ sinh. Mẹ nàng xách chiếc làn đựng đồ sơ sinh lui cui theo nàng. Cứ tưởng lên phòng này nghĩa là bà mụ đã đứng sẵn ở cửa để gọi đứa bé chui ra. Vậy mà nằm qua một đêm rồi mà nàng vẫn không thấy nhúc nhích gì. Chán nản. Bực bội. Mệt mỏi. Nàng cứ lầm bà lầm bầm vu vơ.
Mãi đến trưa nay, cơn đau mới trở nên dữ dội. Không kìm được, nàng tru lên. Tiếng tru mỗi lúc một to. Toàn thân nàng run bần bật. Hai mắt nàng hoa lên như có hàng triệu con đom đóm bay lượn trước mặt. Bà bác sĩ tiến lại ra lệnh cho y tá dìu nàng sang phòng đẻ. “Lần này chắc ăn rồi!”. Nàng thầm nghĩ.
Mắt lim dim, tay bấu chặt vào vai y tá, nàng te tái bước đi.
Ngoài hành lang, mẹ nàng đứng ngồi không yên. Thỉnh thoảng bà lại ghé mắt vào khe hở li ti của cửa phòng đẻ nhìn vào mong sao ít nhiều xem được cái thời khắc thiêng liêng của con gái. Tiếng kêu mỗi lúc một dồn dập. Tiếng bác sĩ vọng ra: “Hít sâu vào, rặn đi!”. Bà cũng hét với vào trong để động viên con: “Cố lên con! Sắp ra rồi! Cố lên con ơi!”  Nước mắt bà thót xuống đôi gò má cao gầy sau mỗi tiếng thét của con.
“Con gái, ba cân tư, mũi mốc trắng lắm rồi, sướng nhé!”. Nghe cô hộ lý ló đầu ra cửa thông báo, bà mừng đến nghẹt thở. Lại khóc. Theo chỉ dẫn của cô hộ lý, bà lập cập chạy ra cổng mua cho con một ly sữa nóng. Dáng bà liêu xiêu trong hành lang hun hút của bệnh viện.
Ở phía cuối hành lang lộ ra một khoảng sân rộng tràn ngập ánh nắng trưa hè.
Đọc truyện đên khuya – giọt phù sinh
Nàng đẹp. Thì nàng vẫn đẹp đấy thôi. Cả làng, cả tổng này ai mà chẳng biết. Điều đó có gì đâu mà phải bàn cãi. Ấy là mỗi khi ai đó đưa sắc đẹp của nàng ra để làm quà cho câu chuyện của mình đều được người khác kết luận một câu như vậy.
Phải công nhận là nàng đẹp. Ai đời ở cái xóm bãi ven sông nghèo rớt mồng tơi, quanh năm nháo nhác vì cái đói luôn rình rập này lại sinh ra nàng. Cả xóm có hơn bốn chục nóc nhà với gần hai trăm năm mươi nhân khẩu luôn phải trầy trật với công việc mưu sinh để kiếm miếng ăn hàng ngày. Đám thanh niên đàn ông bất kể trời nắng chang chang hay ngày đông giá rét đều chỉ vận độc mỗi chiếc quần cộc nai lưng ra hút cát lên thuyền hoặc ngâm mình dưới lòng sông để cào sỏi nên ai nấy đều đen trùi trũi, tóc tai xơ tướp. Đám đàn bà con gái thì có việc xúc cát, sỏi từ trên thuyền vào thúng rồi đội lên bờ chất thành đống để những tay chủ bán cho khách hàng mua về xây dựng. Ngoài sở hữu nước da đen cháy ra thì đám đàn bà con gái ở đây còn có đôi bàn chân to bè như chiếc mo cau. Đó là hệ quả của việc quanh năm đội những thúng cát sỏi nặng trịch trên đầu đi lên bờ sông dốc, bàn chân và các ngón phải bám chặt vào đất kẻo ngã nên chúng cứ toẽ ra. Bàn chân của đàn bà xóm bãi đều to hơn hẳn bàn chân của đàn bà các nơi khác.
Những tưởng nàng phải sống ở nơi phố thị ồn ã xa hoa cho xứng với dáng vóc, ngoại hình, vậy mà cái xóm bãi heo hút này lại là nơi tá túc của mẹ con nàng. Điều đó làm cho bà con xóm bãi ít nhiều đều có chút hãnh diện. Phần nào xoa dịu đi những cái tên chua chát không kém phần mỉa mai mà người thị trấn đặt cho xóm bãi như “dân xóm lụt” hay “bọn trâu nước”. Mặc cho công việc nặng nhọc, mặc cho cái nắng cái gió như con ác quỷ luôn bủa vây xung quanh, nàng vẫn đẹp. Đẹp rực rỡ như đoá hồng nhung ngạo nghễ vươn lên toả sắc hương ngào ngạt, thách thức với những nghiệt ngã của cuộc sống.
Thực ra, nàng không phải sinh ra tại xóm bãi này. Năm nàng hai hay ba tuổi gì đấy, mẹ con nàng dắt díu nhau từ dưới xuôi lên đây. Mẹ nàng cũng là một người đàn bà đẹp. Nghe nói cuộc tình của bà bị lỡ dở, bị phụ tình nên bà quyết định ôm con rời xa thành phố để lên với cái xóm bãi ven sông của vùng trung du này.
Mười bốn tuổi nàng đã lớn phổng phao. Nước da trắng như bắp ngô non. Đôi vú chũm cau nhú lên e thẹn. Lớn lên chút nữa nàng trở thành tâm điểm thu hút những cặp mắt hau háu khát thèm của bọn trai trong xóm. Dáng người dong dỏng cao. Đôi mắt ướt long lanh. Mãi tóc đen óng ả chảy qua bờ vai mềm mại. Gương mặt thánh thiện. Nàng thực sự là một thiếu nữ rực tràn sức sống. Bà con ở đây coi nàng là hiện thân của một cô hoa hậu từ nơi xa lắc xa lơ nào đó đang hiện hữu ở thẻo đất buồn tẻ quanh năm này. Bọn thanh niên ở trên thị trấn nghe đồn nàng đẹp bèn mò xuống xem mặt. Đến nơi, chúng chỉ biết đứng nhìn nàng mà nuốt nước bọt thèm thuồng. Lão Đô chủ quán cà phê nổi tiếng đa tình trên phố huyện cũng vác chiếc Simson xanh lè chạy xuống bãi sông vờ hỏi mua cát xây nhà nhưng cốt là để ngắm nàng. Lão gật gù chép miệng: “Con bé có khuôn mặt y như nô tì Isaura. Thiên thần, thiên thần, tuyệt!”. Vậy là cái tên Nhung “nô tì” ra đời từ đó.
Ở đời, từ ngày xửa ngày xưa đến bây giờ, hễ ở đâu có gái đẹp là ở đó y như có một cục nam châm hút biết bao gã đàn ông si tình tìm đến. Nàng cũng vậy. Căn nhà tranh bé nhỏ của mẹ con nàng nằm nép mình bên khóm tre cạnh bờ sông đêm nào cũng nườm nượp khách tới lui. Họ đến với nhiều mục đích. Từ tán tỉnh, gạ gẫm lăng nhăng để thoả mãn sở thích chinh phục đàn bà, đến cầu hôn nghiêm chỉnh. Dường như quá hiểu nỗi cơ cực của mẹ thân gái dặm trường một thân một mình nuôi con nên chắc hẳn nàng đã rất cảnh giác với những lời đường mật êm tai. Nàng để ngoài tai những lời ong bướm, những cử chỉ ga lăng của đám thanh niên choai. Trong con mắt của đám thanh niên thất trận, nàng bỗng trở nên kiêu kì khác thường. Bọn họ thề sẽ chinh phục bằng được trái tim nàng. Họ vẫn tin một ngày nào đó nàng sẽ nghĩ lại. Họ vẫn nhớ câu nói ngày xưa của ông bà “Không chê mất lề con gái”.
Vậy mà nàng lại nhận lời yêu Ngạn “cháy”, gã trai cùng xóm bãi với nàng. Ngạn ngoài hai mươi tuổi nhưng đã có thâm niên làm nghề hút cát cào sỏi trên chục năm rồi. Việc hai đứa yêu nhau làm ai cũng sửng sốt vì trông Ngạn đen đúa, nhỏ thó. Nhà Ngạn cũng chẳng khấm khá gì. Đúng hơn là nghèo, rất nghèo. Nói tóm lại, về hình thức Ngạn chẳng thể nào sánh được cùng nàng. Trong lúc đó, nàng có rất nhiều kẻ săn đón, xin chết. Vậy mà, nàng lại chấp nhận yêu một kẻ khốn cùng.
Tình yêu có lý lẽ riêng. Nó thường đem đến những điều bất ngờ, khó lý giải như vậy.
đọc truyện đêm khuya – giọt phù sinh
Bà con xóm bãi lại được một phen bất ngờ. Vừa buồn lại vừa vui. Ấy là việc nàng bỏ nghề đội cát.
Đúng là hoa thơm nên nhiều kẻ dòm ngó. Thấy nàng xinh xắn, có duyên, nếu cứ theo nghề cát sỏi cực nhọc như thế này thì trước sau gì nàng cũng sẽ sớm tàn tạ  nhan sắc. Như thế sẽ phí đời đi. Bà Tuyết, chủ một cửa hàng vải lớn trên thị trấn đã để ý tới nàng từ lâu. Bà muốn thuê nàng lên bán hàng cho bà. Việc làm ăn buôn bán ngày càng tiến triển mà người làm thì không có. Hai cô con gái đều lấy chồng ở riêng. Lão chồng thì suốt ngày mải mê gà chọi, chẳng giúp bà được gì. Bà đang cần một nhân viên bán hàng. Nàng có đầy đủ tiêu chuẩn để đảm trách công việc đó. Dẫu sao thì việc phụ bán hàng vải này cũng nhàn hạ hơn nhiều so với cái việc mà nàng đang làm. Bà quan niệm, làm cái nghề này suốt ngày ở trong bóng râm. Mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Sướng thế còn gì bằng. Con bé này mà ở với mình một thời gian chẳng mấy chốc lại thêm trơn lông đỏ da. Không khéo nó lại đăng ký đi thi hoa hậu mất. Lúc đó thì mày tha hồ mà sướng nhé. Hoá ra nó lại phải chịu ơn mình vì đã có công cưu mang nó trong những ngày tháng cơ hàn chứ chẳng chơi đâu. Nếu cứ ngoan ngoãn vâng lời lên bán hàng giúp tao thì tao sẽ nhắm cho một thằng chồng tử tế, giàu có hẳn hoi chứ không phải như cái thằng cu đen như cột nhà cháy kia đâu.
Nghĩ đến vậy mà bà cảm thấy vui vui y như vừa làm phúc cứu giúp được một con người sa cơ lỡ vận.
Bà đưa cái ý tưởng đó ra bàn với chồng. Nghe đến tên nàng, mắt ông Quynh sáng rực. Nghe xong, ông gật đầu cái rộp. Ông còn hối thúc bà ngày mai xuống xóm bãi gặp mẹ con nàng đặt vấn đề. Thấy chồng hấp tấp như đứa trẻ đòi bằng được mẹ mua quà, bà trừng mắt: “Liệu đấy, ông mà léng phéng với nó là tôi thiến phăng đấy, nghe chưa?”.
Trước lời chào mời hấp dẫn của bà Tuyết, cái viễn cảnh được bà vẽ ra sáng láng (tất nhiên là sáng hơn cái tương lai của nghề cát sỏi) nên mẹ nàng đã xiêu lòng. Ừ, ai chẳng muốn cho mình, cho con mình làm một việc gì đó bớt vất vả cực nhọc. Bất đắc dĩ, chuột chạy cùng sào mới phải làm cái nghề hao tổn sức lực ghê gớm này để kiếm cái bỏ vào mồm. Đời mình coi như số phận đã định đoạt, sẽ phải gắn chặt với bãi sông này. Còn con gái, chẳng lẽ nó phải chịu khổ cực như mình sao? Không được, nó còn trẻ, đời còn dài, nó phải làm một việc gì đó nhẹ nhàng vì nó là đứa con gái xinh đẹp. Đã từ lâu mẹ nàng đã thầm nghĩ như vậy, nghĩ rất nhiều. Bà muốn làm một cái gì đó cho con nhưng lực bất tòng tâm, phận mình quá bé nên ao ước vẫn chỉ là ước ao. Làm việc cho bà Tuyết, có thể đây là bước đệm để con gái bà sẽ bước những bước tiếp theo trên đường đời. Bà Tuyết là người đàn bà giàu có, uy tín khắp vùng này. Bà ấy sẽ nâng đỡ cho con gái mình, biết đâu nó sẽ đổi đời.
Nàng nghe lời mẹ. Chộn rộn chờ ngày đi làm.
Người buồn nhất có lẽ là Ngạn. Nghe tin này, Ngạn cứ ngỡ như sẽ mất nàng. Ngày ngày sẽ không còn được cùng nàng chung bước trên bến sông, được gửi trao những lời âu yếm. Nàng đi làm cho người ta liệu công việc có được xuôi chèo mát mái không? Liệu nàng có còn yêu một kẻ bần hàn nơi xóm bãi nghèo khó này không? Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu Ngạn. Ngồi gục đầu vào vai Ngạn bên mép sông khuya, nàng thủ thỉ với người yêu của mình bằng những lời yêu thương nồng nàn. Lời nói của nàng như ngọn lửa rực lên trong Ngạn niềm tin mãnh liệt vào tình yêu. Ngạn tin vào những lời trấn an ấy.
Bầu trời bờn bợt mây. Hiu hắt gió. Nước lững lờ trôi.
*
“Bốp”! Đồ khốn nạn!
– Em..! anh xin…!
– Ông cút đi!
– Em… đừng làm to chuyện kẻo bà ấy biết được thì toi!
– Thôi đi! Ông còn biết sợ à? Hu…hu…hu!
Nước mắt nàng chảy tràn khuôn mặt. Tóc rối bời. Nàng vơ vội bộ quần áo ngủ quáng quàng mặc vào. Ánh mắt ê chề, căm hận.
Không ngờ lão Quynh đã để ý nàng từ ngay hôm mới về nhà lão. Ánh mắt rắn của lão luôn bám chặt lấy thân hình nàng mỗi khi không bị bà Tuyết để ý. Lão ước ao, thèm khát được một lần sở hữu cái thân hình tuyệt hảo của nàng. Nuôi gà trong nhà mà không ăn lại để sổng đi thì phí lắm, ngu lắm. Lão vừa nuốt nước bọt vừa lập luận như vậy. Lão luôn theo dõi và rắp tâm thực hiện điều đó.
Nàng vẫn vô tư, vẫn mải chú tâm vào công việc mới. Một tuần đạp xe về xóm bãi thăm mẹ và người yêu hai lần. Nàng vẫn yêu Ngạn. Một tình yêu đơn sơ nhưng không kém phần mãnh liệt. Cuộc sống vẫn êm ả trôi đi.
Thế mà trưa nay nàng đã bị sập bẫy. Bà Tuyết đi thăm con gái đẻ ở huyện bên. Trong nhà chỉ còn lão Quynh và nàng. Nàng ngạc nhiên vì cái tính lầm lì ít nói của lão biến đâu mất, thay vào đó là những câu nghe lạ tai. Chú chú cháu cháu luôn mồm. Đến bữa cơm lão cứ gắp thức ăn cho nàng liên tục. Lão còn bê cả hũ rượu thuốc ra làm một cốc đầy vẻ khoái chí. Lão rót cho nàng một li. Nàng không uống. Lão bảo: “Cháu uống với chú một li, có cháu ở đây cô chú vui lắm!”. Không thể chối từ, nàng nhắm mắt ực một hơi. Đắng nghét. Lão lại cười, ánh mắt âu yếm nhìn nàng. Mặc kệ lão. Nàng vẫn vô tư. Chắc là hôm nay không bị bà Tuyết kèm nên lão thoải mái. Muốn thể hiện là người chủ gia đình đây mà.
Ăn cơm xong hắn bảo:
– Cháu lên phòng đi nghỉ trưa đi!
– Dạ không ạ, cháu còn phải trông hàng!
– Ấy ấy, mặc kệ chú, hôm nay để chú trông cho. Cháu đi nghỉ đi!
Li rượu thuốc lúc nãy đã làm nàng díp mắt. Không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, nàng bước lên phòng.
– Hu…hu…hu!
Nàng liêu xiêu bước đi, những bước chân hẫng hụt trên đường về xóm bãi. Trái tim nàng nát tan như bị hàng ngàn mũi tên độc cắm vào. Đời lại khốn nạn đến thế này chăng? Vậy là thằng khốn đó đã làm hại đời ta. Biết nói sao với Ngạn bây giờ đây? Nhục nhã. Đau đớn. Ê chề. Không, ta không dám đối mặt với Ngạn. Ta đã làm khổ anh ấy. Vết thương này biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.
Hãy tha lỗi cho em Ngạn nhé!
đọc truyện đêm khuya – giọt phù sinh
Con đường từ vườn chè về nhà sao mà quá xa xôi. Sau lưng nàng, sọt chè cao chất ngất.  Nàng cắm cúi bước đi trong ánh hoàng hôn nhập nhoà ma quái. Không biết giờ này ở nhà mẹ đang làm gì? Nắng có còn gắt nữa không? Ngạn ra sao rồi nhỉ? Tội nghiệp mẹ, cô đơn vò võ một mình. Chắc mẹ đang khắc khoải chờ mong tin mình. Biết đâu, mẹ sẽ vui khi nghĩ mình đang có cuộc sống giàu sang và hạnh phúc. Còn mình, biết bao giờ mới thoát khỏi nơi đây? Hạnh phúc là một cái gì đó xa xăm, mơ hồ mà nàng không thể với tới. Đã có lúc, dường như nàng được trải qua cái cảm giác đó khi ở bên Ngạn, được nằm trong vòng tay đen đúa của anh mà ngủ. Nhưng giờ đây, tất cả đã vỡ tan giấc mơ hạnh phúc. Chính lão Quynh, con ác quỷ mang gương mặt người đã giết chết nàng, để bây giờ cuộc đời nàng mang đầy tủi hận. Nàng không đủ can đảm để gặp Ngạn. Chắc hẳn Ngạn sẽ không tha thứ cho nàng. Cái số mình sao lại khổ thế này? Mẹ ơi! Nàng thầm rên tiếng mẹ trong trong lòng. Mỗi bước nàng đi là một câu hỏi lại hiện ra trong đầu. Những câu hỏi như những hòn đá thi nhau đè xuống mảnh vai gầy của nàng làm nàng chúi nhụi. Những câu hỏi vẫn chưa được trả lời.
Ngôi nhà mà nàng đang sống nằm ở vùng Shuey-Shang. Ở đó có A Quấy, Lệ Lâm, và nàng. Trước khi lên đường sang làm dâu xứ Đài, nàng vẫn hy vọng vào một cuộc sống mới sẽ tốt đẹp hơn ngàn lần cái nơi đã làm cho nàng phải chịu nhục nhã ê chề với biết bao điều thị phi nghiệt ngã. Nàng muốn trốn chạy thật nhanh để rũ bỏ quá khứ tủi hờn vừa trải qua. Nàng trốn chạy Ngạn bởi không dám đối mặt với anh, để anh quên đi một đứa con gái hồng nhan bạc phận mà mình đã trót yêu thương. Những hình ảnh đẹp như tranh vẽ về những con phố, những nông trang, những vườn chè, cả những con người như Y Bình, Mộng Bình mà nàng đã xem trong bộ phim video dài tập trước đây luôn ám ảnh nàng. Cái ý nghĩ trốn chạy đó đã thôi thúc nàng. Vậy là nàng xuống thành phố tìm được trung tâm môi giới hôn nhân.
*
Gia cảnh của A Quấy đây ư? Anh ấy bảo với mình là nhà anh ở thành phố kia mà? Sao anh ta lại nhìn mình bằng ánh mắt như vậy? Đâu rồi cái mã hào hoa, dáng dấp trí thức, tiền bạc đầy người như trong hôm đám cưới? Thoáng chút ngỡ ngàng, nàng tự hỏi. Một ngôi nhà nhỏ nép mình bên sườn đồi của một vùng quê vắng vẻ. Điều đó nàng không bận tâm nhiều lắm vì ở quê nhà, nàng đã quen với cuộc sống bần hàn. Nhưng một sự thật nghiệt ngã đã giết chết nàng lần thứ hai khi nàng đặt chân vào ngôi nhà này, A Quấy đã lừa dối nàng. Anh ta vẫn sống chung với Lệ Lâm, người vợ cũ của anh ta. Trời đất bỗng dưng quay cuồng, nàng choáng váng rồi ngất lịm. Tỉnh dậy, nàng thấy mình đang nằm trên giường. Ngồi bên cạnh, Lệ Lâm đang đắp chiếc khăn ướt lên khuôn măt bợt bạt của nàng. Chị ta nhìn nàng mỉm cười thân thiện. Vậy là sự thật phũ phàng được phơi bày trước mặt nàng.
A Quấy và Lệ Lâm đã sống với nhau được mười năm. Họ đã có với nhau một đứa con gái năm tuổi. Hai người rất muốn có thêm con nhưng ngặt nỗi, những lần mang thai sau, Lệ Lâm đều bị sẩy. Tuổi của Lệ Lâm cũng đã gần ba lăm, khả năng sinh nở của chị ta là hết sức khó khăn. Cái khao khát phải có một thằng cu nỗi dõi ngày đêm ám ảnh A Quấy. Vậy là vợ chồng họ đã nghĩ ra kế li hôn giả cho A Quấy sang Việt Nam tìm vợ để sinh con trai và có người giúp việc không công cho gia đình mình.
Cuộc sống nơi đất khách quê người đối với nàng chẳng khác gì một địa ngục. Nàng kinh tởm cuộc sống đoạ đày này nhưng chẳng có cách nào trốn thoát được. Nàng nhẫn nhục chịu đựng với một nỗi xót xa, cay đắng. Ban ngày, nàng phải dậy từ rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi bắt đầu một ngày làm việc cật lực trên những đồi chè bát ngát. Chiều về, nàng phải tất bật phục vụ, hầu hạ vợ chồng A Quấy mọi việc. Nàng làm việc như một con trâu cày. Câm lặng và vô cảm.
Đêm xuống, đó mới chính là thời gian khủng khiếp nhất đối với nàng. Tủi hổ và kinh sợ. Từ khi đưa nàng về đây, A Quấy bắt đầu một cuộc sống trác táng, bệnh hoạn. Hằng đêm, A Quấy cùng lúc ngủ chung một giường với cả Lệ Lâm và nàng. Một vợ giả li dị và một vợ vừa mới cưới. Lệ Lâm còn động viên nàng: “ Em cố gắng chiều anh ấy, hãy đẻ cho anh ấy một đứa con trai em nhé! Chị nằm đây cùng chia sẻ và giúp em!”. Còn nỗi kinh sợ nào hơn đối với những gì mà nàng phải chịu đựng. Nàng thường xuyên bị vợ chồng A Quấy cưỡng bức phải tham gia chơi trò dâm loạn ba người trên một giường. Ngoài việc ăn các loại thức ăn bổ dưỡng ra, A Quấy còn được Lệ Lâm cho uống các loại rượu ngâm các thứ kích thích như hải sâm, cá ngựa, bìm bịp nên sinh lực luôn tràn trề, đêm nào cũng đòi quan hệ với hai người. Cứ mỗi lần vào cuộc là A Quấy lại hăng tiết như một con trâu chọi. Nàng nhắm mắt chịu đựng những cú thúc chí mạng của A Quấy vào người. Hai tay nàng bị Lệ Lâm giữ chặt để mặc sức A Quấy làm tình. Cả ba thân hình nồng nỗng quần nhau trên giường như những con rắn vừa lột xác. Xong việc, A Quấy nằm giữa ôm hai bà vợ ngáy vang như sấm. Thân hình nàng tê dại, tóc tai rũ rượi, hai bầu vú nhão nhèo, nhàu nhĩ đến thảm hại. Nước mắt nàng ứa ra mặn chát đầu môi. Nàng xót thương cho cái thân phận mỏng như chiếc lá của mình.
Không biết bao giờ về lại được cố hương?
*
Con gái. Lại con gái. A Quấy và Lệ Lâm nhìn nàng bằng con mắt hằn học. Vậy là bỏ chừng ấy tiền ra để rước cô về đây coi như bằng không. Đồ ăn hại. A Quấy rít lên qua kẽ răng. Nàng yếu ớt ôm lấy hài nhi đỏ hỏn co ro vào một góc giường. Đứa con khát sữa nấc lên ngằn ngặt. Nàng vội vàng vạch vú đút nhũ hoa vào miệng nó. Con bé im bặt. Hồn nàng chênh vênh.
Không biết đẻ thì phải đi làm gấp đôi. A Quấy gầm lên như vậy. Vậy là chỉ được nghỉ vài ngày sau khi sinh, nàng lại phải dò dẫm lên nương chè làm việc. Sức cùng, lực kiệt, tâm trí hoảng loạn, thân hình nàng giờ chỉ còn là một cái xác không hồn. A Quấy không cần quan tâm tới điều đó. Ban đêm, nàng vẫn bị kéo sang giường bên để cùng với Lệ Lâm làm thoả mãn những đòi hỏi bệnh hoạn của hắn. Hắn bảo, đó là cách hắn trả thù nàng. Nàng vẫn cắn răng nhẫn nhục chịu đựng cái cảm giác đã quá trơ lì của xác thịt. Nàng chỉ mong hắn làm thật nhanh để nàng được yên thân. Để nàng được ngủ lấy sức ngày mai lên nương chè.
Đau đớn, nhục nhã, đã mấy lần nàng định quyên sinh để chấm dứt cái kiếp sống ngựa trâu nơi đất khách của mình. Nhưng, cứ mỗi lần sờ vào đoạn dây giấu dưới chiếu, đứa trẻ lại khóc ré lên tội nghiệp. Nước mắt lưng tròng nhìn con, nỗi lòng xa xót, nàng không đủ can đảm để bỏ cái giọt máu còn đỏ hỏn ấy ra đi. Không chết được thì đành phải sống vậy, phải sống để trở về.
Nàng cúi xuống thơm nhẹ lên đôi bàn chân hồng hào xinh xắn của Tiểu Phương. Con bé vẫn say giấc ngủ trong vòng tay mẹ. Ngắm nhìn con mà nước mắt nàng lại tuôn rơi. Nàng thương đứa trẻ vô tội, vừa mới sinh ra đã bị hắt hủi, vô thừa nhận từ chính người cha tàn độc của nó. Ôi, số kiếp con người sao lại tựa hồ giọt bong bóng xà phòng? Liệu mẹ có nuôi nổi con khôn lớn được không khi chính mẹ cũng không thể định đoạt được số phận của mình? Ngồi dựa đầu vào vách tường tróc lở, nàng ôm con vào lòng. Nước mắt hoà vào giấc ngủ miên man.
Ngoài kia, tiếng gà đã tái tê cất lên tiếng gáy gọi ngày.
*
Nàng hồi hương. Vậy là ước mong được trở về bên mẹ đã thành hiện thực. Một sự thực đang hiển hiện trước mặt nàng. Nàng không thể tin điều đó. Nhưng, đó là sự thật.
Có khi, nàng lại cảm ơn vợ chồng A Quấy. Hoá ra những trận đòn giáng xuống tấm thân nhàu úa, héo hon của nàng vì cái tội không đẻ cho hắn ta một thằng con trai nối dõi cuối cùng cũng bị cảnh sát địa phương phát hiện. Những trận đòn tàn ác đó có sự giúp sức của Lệ Lâm.
Nàng đã được giải thoát khỏi cái nơi được coi là gia đình của mình bên xứ Đài thơ mộng. Dù đớn đau ngàn lần nhưng nàng cũng đành phải chấp nhận xa Tiểu Phương, đứa con gái bé bỏng dễ thương mà nàng đã dứt ruột sinh ra trong cay đắng xót xa để trở về quê hương sau bốn năm li biệt.
Chiều đất khách, gió lạnh tái tê. Lòng nàng trống trải vô bờ. Nàng bước từng bước chấp chới trong khoang máy bay, đưa mắt tìm chỗ ngồi. Lòng nàng chợt ấm lại khi bắt gặp những ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi của các cô tiếp viên hàng không Việt Nam đang nhìn nàng. Họ thật đẹp. Nàng cảm thấy như có một phần hình ảnh của mình ngày xưa trong đó. Còn bây giờ thì… nàng chạnh buồn.
Chiếc máy bay lao đi trên đường băng rồi bỗng nhiên vút lên trời xanh. Sau cái cảm giác hẫng hụt trong giây lát là sự tĩnh tại trở về. Nàng ngả người ra ghế, mắt nhìn xa xăm qua ô cửa tròn. Ngoài kia, mây trắng bồng bềnh từng lớp, từng lớp nối tiếp nhau như cánh đồng bông khổng lồ chạy dài ngút mắt. Nàng ngắm mãi cánh đồng bông ấy mãi mà không chán. Chợt nàng cảm thấy một niềm vui đang chộn rộn trong lòng. Nàng đặt bàn tay gầy gò lên bụng, ánh mắt rưng rưng khi cảm nhận được giọt máu đã thành hình của mình đang cựa quậy.
Trời vẫn thẳm xanh, mây trắng vẫn từng lớp, từng lớp nối tiếp nhau yên ả thanh bình trôi dưới cánh bay
Tác giả: Lê Mạnh Thường

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *