RadioVn.Com – Tuy có lúc ngậm ngùi thân phận như “Hạt thóc lép” nhưng nhân vật cô gái xưng “tôi” đã tự nhận thức phải tìm cách vượt lên hoàn cảnh và số phận để tìm được chỗ đứng thích hợp cho mình trong xã hội.Đó là điều quyết định và có ý nghĩa nhất….
*****
Tôi nhận lương hôm qua. Sáng nay trả tiền trọ, các khoản nợ vặt rồi thu xếp quần áo, vật dụng cho vào túi xách với một tâm trạng buồn chán khi quyết định yên phận trở về chốn đồng quê nơi có mẹ già tôi, nơi tôi từ đó ra đi làm công nhân với một tâm trạng hăm hở.
Hạt Thóc Lép
Tôi lững thững trên đường phố đầy người, xe cộ nhộn nhịp mà lòng trống vắng lạ thường. Tôi đi ngang qua cổng nhà máy trong khu công nghiệp lớn. Tôi dừng lại chốc lát để nhìn lần cuối nơi sáu năm qua tôi đã làm việc ở đấy, nơi vừa cho tôi cái thiếu, vừa làm cho tôi sợ hãi tủi thân của một đứa con gái cô đơn để từ biệt.
Tôi về quê sau một ngày đêm trên ô tô thì hết đường xe. Từ đấy về nhà tôi những ba cây số, toàn đường đất. Mấy năm làm công nhân đều có xe đưa đón, chưa lúc nào tôi phải đi bộ một đoạn đường dài như thế. Được nửa đường, mỏi chân tôi tìm một bờ cây bên đường ngồi nghỉ. Ban mai mùa thu gió qua cánh đồng mát rượi, phản phất hương thơm của ngọn lúa lên đòng làm cho tôi quên đi bao ồn ào nơi phố phường nhà máy, đem lại chút bình yên sau một tuần căng thẳng vì chuyện đấu tranh, đình công rồi bị đuổi việc.
Tỉnh táo đôi chút, chuyện cũ trào dậy trong tôi.
Hồi tôi học xong cấp Hai, không đủ sức học lên cấp Ba, tôi ở nhà giúp mẹ cấy hái. Vào năm hai mươi tuổi tôi mạnh dạn ra thành phố kiếm việc. Dạo đó con trai, con gái trong làng xã lần lượt đi tìm việc làm ăn xa, không muốn ở nhà theo cha ông lăn lộn trên đồng ruộng. Bấy giờ, những đứa nào đi làm công nhân công nghiệp ở thành phố đều hãnh diện lắm. Không chỉ lương gấp ba gấp bốn làm ruộng. Mà những đứa đi làm công nhân trở về thăm nhà đều thay đổi hẳn. Đứa nào quần áo cũng gọn gàng đẹp đẽ, ăn nói khôn ngoan lưu loát, lại tỏ ta văn minh hơn những đứa sống ở quê.
Tôi được tuyển dụng vào một nhà máy may công nghiệp. Việc học nghề của tôi chỉ sau mươi lăm hôm là làm được việc. Bởi mỗi người chỉ chuyên một khâu đơn giản, đứa thì ghép tà, đứa lên lai, đứa kết thân áo.
Đi làm chúng tôi được ô tô đưa đón. Những ngày đầu thật phấn chấn. Khuôn mặt đứa nào cũng rạng rỡ vui thích như mặc áo mới đi dạo chơi ngày tết. Mà không phấn chấn vui thích sao được. Đến bây giờ tôi mới thấy, được đi những chiếc ô tô đẹp như thế. Trước đây cũng chỉ có một lần tôi nhìn thấy chiếc xe đít vuông, trần làm bằng vải bạt màu xám, lấm lem bùn đất của Sở Giáo dục về thăm trường cấp Một. Bọn học sinh chúng tôi không dám đến gần, vừa lạ, vừa sợ. Chỉ có anh trai tôi (giờ anh đã có vợ, ra riêng, làm ruộng ở làng) dám mom men đến gần và sờ vào chiếc xe rồi bỏ chạy với một vẻ tự hào, dũng cảm.
Chỉ sau tháng thực tập, lương chính thức tháng tôi được nhận bốn trăm ngàn đồng. Lần đầu tiên cầm số tiền lớn như thế, tay tôi run run. Tiền lúc ấy có giá lắm, thóc một tạ một trăm ngàn đồng. Tôi tức tốc truyền cái niềm vui sướng ấy về quê. Tôi ra bưu điện gởi cho mẹ hai trăm ngàn.
Đi làm công nhân ban đầu thật là hào hứng. Tầm mắt được nhìn ra phố phường lâu đài mới lạ, những nhà máy thênh thang hàng trăm người làm. Tan tầm, người ken nhau ra cổng như đi hội. Tôi thay đổi hẳn. Đến nhà máy mặc đồng phục, về nơi trọ mặc áo phông, quần ống hẹp làm đường nét thân thể tôi căng đầy, hấp dẫn. Không như ở quê, áo quần xộc xệch, mặt sắt lại bởi phơi mình dưới nắng mưa. Vậy mà thời gian sau. Chúng tôi là những đứa khỏe mạnh ở đồng quê, quần quật với bùn đất suốt ngày nhưng mệt đâu nghỉ đó, lên bờ phe phẩy chiếc nón, ăn củ khoai, uống ngụm nước rồi riếp tục làm. Đằng này chỉ một động tác đơn thuần, gò bó giờ giấc, cúi đầu bên máy ngày này qua ngày nọ, nhà máy lại luôn tăng ca, ngày làm đến mười hai tiếng đồng hồ, tuần nào tháng nào cũng diễn ra như thế – mà chúng tôi cũng gắng, để kiếm thêm ít tiền – đã làm nhiều đứa kiệt sức, nước da tai tái, dáng đi lom khom chậm chạp, chân nặng nề như lội bùn đặc. Về đến nhà, đi nhóm bếp, nấu gấp, ăn vội rồi lăn ra ngủ, lấy lại sức cho hôm sau vào xưởng không được lơi tay, mức khoán phải đạt. Nhỡ không đúng kỹ thuật, hỏng sản phẩm, cuối tháng trừ vào tiền lương. Những buổi tối rảnh rỗi hay nghỉ cuối tuần, thói quen, cứ trườn xác ra cho đã. Chẳng mấy đứa nghĩ đến học thêm nghề, thêm chữ, mà cách đó không xa có trường dạy bổ túc cho ai có nhu cầu. Tôi cũng ở trong số đó.
Phòng trọ chúng tôi chung bốn đứa con gái, từ nông thôn ra, sàn sàn tuổi như nhau, cùng chung xưởng nhưng không chung quê. Một hôm sau buổi làm việc mệt phờ, bên mâm cơm mà bốn đứa góp nấu chung, như thường lệ một tô canh cải nấu tép hay tôm khô, ít rau muống luộc, một đĩa bốn con cá nục kho – loại cá ướp đá, rẻ tiền nhất, chúng tôi uể oải nhai nuốt cho trôi cơm. Con Hoa có khuôn mặt sáng, dễ coi, thích tiêu xài hơn dành dụm, quê nó ở miền làm ít chơi nhiều, nói, ước gì bữa nào cũng có thêm đĩa thịt. Ăn vầy, khổ quá. Con Hiền, ở quê hắn bốn đời còn ở chung trong một nhà, tính hắn nhẫn nhục, cam phận, bảo, vẫn còn sướng hơn những ngày ở quê. Con Quyết là đứa bạo mồm mau miệng, lườm, mày lú lẩn rồi. Hèn gì có chút thưởng, tí quà là phải cảm ơn này nọ rã bọt mép. Không thể thấy con cá bát cơm mạt hạng hôm nay mà so với ngày trước lưng lẻo cơm độn khoai sắn với chút tương cà. U mê, thỏa mãn vậy là cực suốt đời. Không xí nghiệp này thì có nhà máy khác. Nơi nào lương cao, ưu đãi nhiều thì đến. Mày cứ ngồi đấy. Tao không chịu. Tôi tiếp lời, chúng mày xem giờ với lúc mới đi làm. Tôi đưa ra mấy con số: Hồi mới đi làm lương bốn trăm ngàn đồng một tháng, bây giờ bảy trăm ngàn đồng. Thóc lúc đó một trăm ngàn đồng một tạ, nay hai trăm hai mươi ngàn. Phòng trọ ngày ấy một trăm năm mươi ngàn đồng tháng, nay phải trả bốn trăm ngàn. Dạo mới đi làm ăn cơm bụi một bữa ba ngàn, hiện tại bảy ngàn đồng. Lại như chiều hôm chủ nhật ra chợ trả mười lăm ngàn đồng một kí cá nục chưa bán, ngày ấy bốn ngàn còn chê đắt. Con Quyết tiếp, tính đi tính lại chúng ta bị tụt lương. Cả bọn buồn chán, không tranh cãi thêm gì nữa.
Mấy tháng sau con Hoa thôi việc. Nó bảo không chịu với đồng lương rẻ mạt. Rồi đến con Quyết cũng bỏ đi. Nó nói lâu nay dành dụm được ít tiền, ra mở quán bán cơm. Vài ba triệu thu nhập là cái chắc trong tay. Nó dặn chúng tôi ra đấy mà ăn. Nó nấu sẽ rẻ hơn, ngon hơn các quán khác. Con Quyết ra đi từ quê làm được mười chỉ dám ăn hết ba, bốn. Tích cốc phòng cơ. Quê nó đất đai chẳng được là bao mà thiên tai năm nào cũng có vài trận tàn phá nặng nề. Thời gian sau, tôi có tìm đến quán của nó. Quán chỉ cách khu công nghiệp không xa. Bữa đấy nó đãi tôi, không lấy tiền. Hỏi nó thu nhập ra sao, nó bảo nó tính không sai, mà còn dôi ra hơn thế. Tôi hỏi nó về con Hoa. Nó nói có gặp. Hoa đi làm tiếp viên quán ba, rồi chiêu đãi luôn phần dưới lấy tiền. Bây giờ Hoa khác lắm, phấn son như tiểu thư, ăn nói uốn éo như diễn viên. Nhưng được cái bạn bè gặp nhau, nó ôm chầm mày tao như hồi còn làm công nhân. Nó tặng thỏi son, hộp kem rồi bảo dại gì không làm đẹp. Nó còn nói thêm nhiều khi cũng ê chề nhục nhã lắm. Nhưng kệ đời, miễn có tiền là được.
Hạt Thóc Lép
Tôi khác chúng nó. Người quê tôi ở vùng nắng gió khắc nghiệt. Ngó trước gặp cát mênh mông nhức mắt, nhìn sau thấy núi hun hút dài dằng dẵng. Lao động thì cần cù, nhờ trời đất, ít chịu nghĩ sâu xa. Nói như bây giờ là trì trệ, chậm đổi mới. Ăn ở với nhau thì chín bỏ làm mười. Tôi đi làm công nhân là một sự thay đổi lớn trong gia đình tôi. Công việc hiện tại dù nhàm chán, không nặng nhọc nhưng oải người tôi cũng ngại di chuyển. Tôi sợ đến nơi mới, lạ lẫm.
Lần về phép vừa rồi mẹ tôi nhắc con đã quá tuổi rồi đấy. Tôi biết, trạc tuổi như tôi ở quê đã có một hai con. Tôi cười với mẹ, bây giờ là công nhân, khác mẹ ạ! Nhưng không thể nói với mẹ nó khác là khác thế nào. Nhiều đêm tôi cũng nghĩ đến chuyện vợ chồng. Mẹ đâu biết rằng loại chúng tôi được gọi văn vẻ là công nhân lao động phổ thông. Thực chất đấy là những người không có nghề nghiệp đúng nghĩa. Người tứ xứ từ nhà quê ra, lớp lang thang ít học ở phố phường đến nhà máy. Nhà máy chỉ vẽ cho họ đôi ba tuần rồi bắt tay vào công đoạn sản xuất. Họ chẳng có vốn liếng chuyên môn gì đáng giá. Tay làm hàm nhai. Vì thế cũng tạo ra một cuộc sống bấp bênh, ăn xổi ở thì, thích thì làm, không thì đi. Đi phụ hồ, đào đất, khai mương cống rãnh. Về nơi ở, như chúng tôi thuê phòng trọ. Mỗi phòng bề ba, bề bốn mét, chỗ để áo quần, buồng vệ sinh, nhà bếp đều ở trong đó. Thường chủ trọ chỉ cho hai người thuê ở, cùng lắm là ba. Chúng tôi năn nỉ lắm mới cho ở bốn người. Chúng tôi bốn đứa con gái trải chiếu trên nền gạch men nằm úp thìa mà ngủ như bốn con cá kho được xếp trong một chiếc đĩa hẹp, đầu đuôi cứ thòi ra ngoài. Biết vậy, nhưng để mỗi đứa mỗi tháng chỉ trả hết một trăm ngàn đồng, chưa tính tiền điện nước. Lấy chồng, sinh con đẻ cái, tiền gởi trẻ, trăm thứ chi tiêu nghĩ đến đã phát sợ. Lại còn tính chất của nhà máy. Có nơi toàn con trai, nơi toàn con gái. Nhà máy tôi làm có đến bốn năm trăm công nhân mà có chưa đến ba chục đàn ông, kể cả già lẫn trẻ. Quán trọ lại là nơi hay xảy ra lộn xộn. Muốn đi chơi cũng sợ. Tôi tối đi qua hẻm khuất chuyện bị cướp giật không hiếm. Lại có khi bị ba bốn tên côn đồ bắt hiếp. Tính ra một trăm đứa con gái như tôi, hoặc tuổi dưới ba mươi có đến năm sáu chục đứa chưa có người đến tìm hiểu. May mắn lắm thì có được mươi đứa người cùng quê, tường tận gốc gác mới dám nên vợ nên chồng. Nhỡ có con thì gởi về nội ngoại. Một số ít cặp bồ với nhau, giải quyết sinh lí, nạo thai như đi phép hàng năm. Mọi bội bạc đều từ phía con trai. Con trai nó có cách giải quyết nhanh hơn con gái: về quê cưới vợ, đẻ con giao cho bố mẹ cai quản. Còn chúng tôi ư? Chẳng đứa nào kiếm chồng được ở quê. Phố phường thì cao quá, với không tới. Có tới chăng thì đấy là cái bẫy ô sin tình dục cho bọn có tiền nếm thử trinh tiết, của lạ rồi trả về nơi cũ. Tôi khiếp hãi. Dù tuổi xuân có đi qua còn hơn tổn thương cả một đời người.
Thấy nắng đã lên cao, tôi đứng dậy đi tiếp. Cánh đồng lúa rì rào như chào đón tôi tôi cũng hững hờ. Mọi chuyện của ngày qua cứ bám riết trong đầu óc tôi như đôi dép dính chặt vào chân theo từng bước đi của tôi vậy.
Tôi làm việc cho công ty may mặc của người nước ngoài tính đến nay đã sáu năm. Tôi rụt rè thay đổi. Tôi cũng ít căng thẳng đòi hỏi nhu cầu vật chất. Một số công nhân làm việc ở nhà máy này lâu năm hay mới vào đều không chịu được mọi thứ chợ búa, hàng hóa tăng vọt dù lương có tăng nhưng không đủ bù đắp đã truyền cho nhau đòi tăng lương. Tôi sợ. Sợ chủ ghét rồi đuổi việc. Nhưng có đứa vận động nói chúng ta là công nhân không chịu đựng bất công. Phải đấu tranh giành quyền lợi. Sợ gì. Trăm người thành một khối nhất định thắng. Chẳng hiểu sao tôi xuôi tai và tin rồi mình sẽ được tăng lương. Tôi cứng rắn hẳn lên. Tôi hăng hái lan truyền cho những đứa khác.
Âm ỉ cả tháng trời rồi chúng tôi quyết định đình công. Trước khi đình công, mỗi người góp năm ngàn đồng để thuê người bên ngoài hỗ trợ.
Sáng thứ hai, đúng giờ làm việc, hàng trăm công nhân chúng tôi đứng ngoài cổng công ty mà không chịu vào xưởng máy. Mãi cả tiếng đồng hồ công ty mới có người ra hỏi chúng tôi. Không đại diện công nhân nào trả lời. Một nhóm công nhân được bố trí trước căng tấm băng rôn đỏ dài ba mét với hai chữ: Tăng lương. Ông nhân sự của công ty rắn rỏi nói, tôi yêu cầu anh chị em vào nhà máy làm việc ngay. Mọi yêu sách được bàn bạc sau. Tôi hỏi ai là người đại diện, đại diện cho ai để bàn bạc. Nhiều tốp công nhân đáp lại, khẩu hiệu trên băng rôn là đầy đủ. Không cần ai đại diện, bàn bạc. Suốt ngày hôm đó không ai ra tiếp chúng tôi. Cũng trong ngày ấy, sau này tôi mới biết có rất đông công nhân không đồng tình, đã liên lạc với công ty từ xa xin xe đến đón, tráng sự xô xát với công nhân đình công đang đứng chặn trước công ty.
Ngày thứ hai, thứ ba vẫn không có gì mới. Công ty vẫn một lời kêu gọi công nhân vào tiếp tục công việc. Các anh công an đã xuất hiện. Họ tôn trọng mọi bên. Sự có mặt của họ chỉ phòng sự bất trắc, gây rối mất trật tự. Ngày thứ tư chúng tôi đòi gặp giám đốc. Chỉ có cán bộ nhân sự cùng đi với mấy người bảo vệ ra gặp chúng tôi. Ông cán bộ nhân sự nói với một thái độ hăm dọa, đình công không chính thức, không có công đoàn là bất hợp pháp. Anh chị em công nhân hãy nhớ cho bỏ việc không lí do quá năm ngày là cắt hợp đồng thôi việc theo luật lao động, không được tính tiền thưởng năm, không bồi thường. Nhóm công nhân quá hăng hét vào mặt ông ta, không bênh vực quyền lợi đồng bào máu mủ mình mà về hùa với chủ người nước ngoài ức hiếp anh em. Đồ tay sai! Ông ta giận tái người, gào lên, bảo vệ lợi ích người nước ngoài đang kinh doanh trên đất nước ta theo luật định là bảo vệ lợi ích của quốc gia. Các anh là đồ vô kỷ luật! Sẽ bị cắt việc hết. Đến ngày thứ năm thì hàng ngũ chúng tôi giao động. Thế này thì chẳng thu được kết quả gì, mà phần thiệt, bị đuổi việc là cụ thể. Đã nhiều tốp lăm le muốn vào cổng. Ngay lập tức, mấy công nhân rất lạ, mặc đồng phục như chúng tôi, mặt hằm hằm xuất hiện. Họ đi ngang qua nói, lùi bước thì liệu hồn đấy! Sau này tôi mới biết, năm ngàn chúng tôi góp là thuê những con người này đây, để họ duy trì mọi người không bỏ cuộc. Cũng chỉ được đến chiều thì hàng ngũ rối loạn. Cả trăm con người lao vào nhà máy. Họ sợ đồng lương việc làm chứ không sợ hăm dọa. Tôi cũng định lao theo, nhưng bị một cánh tay giật lại. Anh ta bặm trợn nhìn vào mặt tôi, con chó. Đồ hèn! Mày đi vận động người ta mà mày cũng bỏ cuộc. Tôi không ý thức được sự mất việc. Tôi sợ hãi thằng người trước mặt tôi. Tôi đành đứng khựng với gần trăm người.
Đình công không thành.
Tôi ấm ức. Hơn tám mươi đứa đứng lại ngoài cổng sau ngày thứ năm, có đến hai phần ba trong số đó chủ hứa tháng sau sẽ tuyển dụng lại, còn hai mươi bảy người bị đuổi việc mà tất cả số đó đều là tay nghề đơn giản, trong đó có tôi.
Những này chờ nhận lương tháng dỡ dang vì bị sa thải, vì bị sĩ nhục hăm dọa, ở nhà trọ tôi buồn chán, tủi thân. Tôi nhỏ bé quá. Tôi không tin vào mình nữa. Tôi nghi ngờ lẽ phải khi mình cho nó là đúng. Cái tốt quanh tôi hiếm quá. Có một lần tưởng sự săn đón, chút quà vào ngày lễ tôi tưởng lòng tốt, suýt bị cưỡng hiếp. Tôi sợ con người. Sợ bộ mặt hung bạo của những kẻ hỗ trợ đình công; bộ mặt sắt đá lạnh lùng của ông chủ khi tôi mở lời xin ông dừng đuổi tôi (tôi cứ nghĩ cái tình như ở quê tôi dù có phạm phải lỗi lầm gì mà biết sai trái cũng được tha thứ).
Thấy tôi ủ rủ quá, con bạn cùng phòng mới đến ở chung cùng chúng tôi khi con Quyết ra đi. Nó không tham gia đình công, chia sẻ với tôi nó nói, mình nghĩ phần đông công nhân ở đây từ lao động cá nhân, làm tùy thích, hưởng lợi may rủi. Công nghiệp khác. Máy móc không cho con người ta tự do, lương hướng đều có hợp đồng quy định, không được bên nào vi phạm phá bỏ…Nó nói chua hết lời tôi đã ngắt, đành là thế. Nhưng họ trả lương cho mình thấp quá. Họ bóc lột. Nó cười, có ông chủ nào bất kì to nhỏ, lớn bé, từ đâu đến mở công ty nhà máy này nọ mà không vì lợi nhuận? Không khai thác sức người thì lấy đâu ra lợi nhuận. Tôi nói, vậy mình đành làm trâu bò. Nó nói, không tiền, không của, không tài năng đành phải thế. Bao giờ ở đâu cũng phải đành thế. Nhưng không phải thế. Người làm thuê phải được bảo đảm mức sống. Người làm thuê có quyền đòi hỏi quyền lợi theo luật. Có mâu thuẫn phải trải qua thương lượng. Mọi thương lượng không thành mới đình công. Đình công có công đoàn cấp trên can thiệp, chấp nhận. Đằng này các cậu ngấm ngầm xúi nhau rồi bất ngờ đình công mà không thấy công đoàn. Mình có ý định can ngăn. Nhưng các cậu thuê những người chuyên gây rối làm trợ lực. Mình sợ vạ vào thân. Rốt cuộc các cậu thất bại. Tôi thực sự phục nó. Thì ra, bố nó là công nhân nghề sửa chữa cơ khí. Nó theo nghề của cha. Nó về đây làm thợ sửa chữa máy khâu. Nó đã đi ba công ty vừa làm vừa bổ túc thêm tay nghề để thi nâng bậc, lên lương. Nó đã tham gia đình công như cách nó kể. Chỉ hai ngày sau chủ phải nhượng bộ yêu cầu của công nhân. Tôi thở dài nói, thất bại mà chỉ có một số ít bị đuổi việc. Nó bảo, chủ nó khôn lắm. Có cớ là nó sàn lọc những người hay đòi hỏi quyền lợi mà làm những công đoạn đơn giản là nó đuổi, vừa ổn định nhân lực, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất của nó. Tôi hiểu. Vỡ ra nhiều điều. Xót xa, cay đắng cho việc cầu xin của mình.
Đã về đến đầu làng. Sắp được gặp mẹ. Mẹ làm tiêu tan hết buồn chán trong tôi. Không hiểu những đứa con gái khác thế nào, chứ tôi mẹ là tất cả. Niềm vui cũng dâng mẹ, nỗi buồn cũng có mẹ sẻ chia.
Thấy tôi về bất ngờ, mẹ mừng vui, buông tay sàn gạo nhặt thóc. Mẹ hỏi, con lại được nghỉ phép. Tôi lúnh túng. Chuyện dài làm sao cho mẹ hiểu hết và trong lúc này tôi không muốn mẹ lo lắng đành nói dối cho mẹ yên tâm, nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân tạm nghỉ một thời gian. Mẹ nói hôm qua đi xát gạo gần hết thì bị cúp điện, nên sót lại một ít thóc. Cứ để đấy. Mẹ ra chợ mua con cá làm bát canh.
Dẹp túi xách vào góc tủ, nhìn thấy thúng gạo còn ít chưa nhặt thóc, tôi ngồi xuống giúp mẹ.
Lơ thơ vài hạt thóc, toàn thóc lửng thóc lép, tôi cho vào một ống bơ. Nhặt hết, tôi đem thóc cho đàn gà. Tôi vãi ra sân trên nền đất cứng. Lũ gà mổ lên mổ xuống tìm hạt thóc lửng. Tôi mắng gà lại đi chê thóc. Tôi nhận ra mình ngớ ngẩn. Thóc lép chẳng làm được gì cả. Tôi biết thiếu nước, thiếu phân, kể cả chăm bón không chu đáo thì nhiều thóc lép thóc lửng. Chẳng hiểu sao những hạt thóc lép lại ám vào tôi. Cũng hạt thóc mà không thành gạo? Tôi chạnh buồn nghĩ đến thân phận. Ngày rời quê một phần vì háo hức tuổi trẻ. Sau đấy tôi nhận ra rằng vài ba sào ruộng nơi miền quê khô khát may ra không đói bữa chứ hòng gì đến ấm no sung túc. Cái thời làm được gì ăn nấy bao quanh lũy tre làng với bát cơm đĩa rau đạm bạc kham khổ qua rồi. Câu cửa miệng thời trước ông nội nhất sĩ nhì nông đã chìm nghỉm từ lâu. Đời cha tôi từng hát vang nông dân là quân chủ lực chỉ còn đọng lại trong sách sử. Tầng lớp văn minh lúa nước đang bị một trận lũ công nghiệp tràn tới. May mắn lắm có được ít người vùng vẫy lên bờ, mà bến bờ thì hạn hẹp quá. Phần đông như con cá ngộp thở, ngoi lên hớp hớp lấy chút không khí vì nước thiếu ô xi. Trong cơn lũ lụt ấy, chúng tôi những thanh niên mạnh khỏe bám vào những thân gỗ, những đám rong rều trôi vào một dòng sông lớn, dạt vào một mảnh đất lạ. Đất ở đấy không có đồng ruộng, cày bừa. Ở đấy chúng tôi như bò con lạc mẹ, như con gà rón rén đi vào vườn lạ, lại như con nai ra giữa đồng trống mà không thấy hết những đầm lầy ẩn dưới lớp cỏ non.
Sáu năm, chợt nhận ra mình là hạt thóc lép.
Sáu năm tuổi xuân dần phai như bông hoa hết thì nở rộ, sáu năm đổ hết bao sức lực để mình thành hạt thóc lép. Không thể như thế được! Tỉnh tâm mà nhận ra rằng chưa hẳn thế. Có mất mát mới biết cẩn thận giữ gìn. Có hư hỏng mới làm được cái tốt hơn. Như ở làng tôi lũ lụt không chỉ tàn phá. Lũ lụt càng lớn phù sa bồi đắp ruộng vườn càng dày. Từ một con bé nhà quê, không dễ gì đến hôm nay nó có được hiểu biết để nhận ra mình là hạt thóc lép; để tủi thân, buồn chán như u nhọt trên da thịt mình vỡ bung làm cái đau thoát ra ngoài, nhẹ hẳn! Tôi nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua: có chút ít tiền, biết được vài chuyện đây đó, chuyện dại khờ kể cả lười biếng đã giúp tôi hiểu ra rằng trở về nơi từ đó ra đi để yên phận là đi tụt lùi, là tựa như một người khó nhọc dành dụm tiền mua được món đồ quý rồi tự dưng vứt bỏ. Tại sao tôi chưa già đã lo về chiều? Không! Tôi sẽ trở lại phố phường, tôi tìm việc ở những khu công nghiệp khác dù có phải lao động phổ thông, bước vào học nghề mới. Tôi không muốn làm hạt thóc lép. Tôi không muốn khi mà miền ruộng đồng không kham nổi chúng tôi, không có mức thu nhập cao hơn buộc chúng tôi phải thay đổi.
Nghĩ đến được như vậy thì mẹ tôi về chợ. Tôi vào bếp làm cơm cùng mẹ.
Bữa cơm dọn toàn những thứ đồng quê, rau không thuốc trừ sâu, cá không ướp đá làm tôi ăn rất ngon miệng. Thấy tôi vui vẻ hào hứng, mẹ nói, hai bảy hai sáu tuổi rồi! Mẹ mong con có đôi có đũa. Nhiều đêm mẹ ngủ không yên. Tôi hồn nhiên cười, chưa muộn đâu mẹ ạ. Lần sau về con sẽ đưa một anh chính hiệu công nhân cho mẹ xem mặt. Mẹ tôi mắng yêu, nói thì phải giữ lấy lời, cô liệu cái thân với tôi đấy.
Tác giả: Trần Thúc Hà – Người thực hiện: Hồng Huệ
Từ khóahạt thóc lép Hồng Huệ Trần Thúc Hà
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …