Bài nổi bật

Hậu duệ của Da Gama – Bích Hương

Truyện tiếp nối nguồn cảm hứng “Vợ Đông chồng Tây” trong hầu hết sáng tác những năm gần đây của Kiều Bích Hương. Ta gặp trong đó những câu chuyện của thời đại hôm nay – Chuyện trải nghiệm mới trong cuộc sống khi lấy chồng ngoại quốc, chuyện các gia đình có điều kiện đưa con ra nước ngoài gửi gắm người thân, chuyện làm du lịch, làm kinh tế ở Tây, ở ta. Nhà văn Kiều Bích Hương gửi vào câu chữ hiểu biết về thế giới, đất nước Bồ Đào Nha, về lối sống ưa chuyển dịch với một văn phong thông suốt, liền mạch. Trong những dữ liệu có vẻ toàn cầu và to tát ấy, ta bắt gặp những chi tiết rất đời thường về tình thân, tình chồng vợ, về tính cách con người, về hoài bão, mục đích sống không ai giống ai. Nhân vật xưng “tôi”, người dì trong truyện ngắn này, trong tâm thế là công dân toàn cầu, một phụ nữ hiện đại với lối suy nghĩ đầy tư tưởng giải phóng cá nhân. Thế nhưng trong sâu thẳm vẫn là những nét tính cách và bản chất truyền thống Việt Nam: dịu dàng và nữ tính, coi trọng gia đình, các giá trị làm nên con người tử tế. Những đứa trẻ dẫu có cách hành xử ra sao cuối cùng vẫn mong sống trọn trong tình yêu thương của bố mẹ. Và ta cũng bắt gặp hình mẫu phụ nữ làm kinh tế liều lĩnh, táo bạo, vươn tầm nhìn ra thế giới qua nhân vật “Chị Nhung” với mô hình đầu tư khách sạn trong nước. Mỗi người một lựa chọn, một nhu cầu, một đam mê sống. Tác giả không quy kết cách sống nào là đúng, là sai. Đọng lại trong câu chuyện nuôi nấng hai đứa con chị gái của cặp vợ Đông chồng Tây là những phát hiện, mách bảo về tình yêu thương, về sự trao quyền, trao tự do, khích lệ hòa nhập. Quả thật, khi cuộc sống đặt ta vào sự đã rồi, ngay trong những hoàn cảnh chính bản thân cũng không mong muốn, một số niềm vui và hứng khởi lại đến thật bất ngờ khi trưởng thành trong hoàn cảnh ấy…(Lời bình của BTV Võ Hà)

“Cứ cho nó thời gian bình tĩnh lại. Sau đó làm bạn với nó. Nhờ nó làm chứ đừng sai làm. Chỉ sợ em không thực sự muốn chia sẻ thời gian của mình cho nó thôi”…
Tôi cùng Fabio tận hưởng cuộc sống vợ chồng son giữa mùi bánh Nata ngọt thơm vị quế, quán xá nỉ non tiếng Bồ Đào cầm và rầm rập bước chân du khách. Tuổi trẻ được sống trong khí hậu quận Alfama này thật lý tưởng. Nhưng mọi thứ đảo lộn từ khi chị Nhung xuất hiện, đề nghị “Chị sẽ giúp chi phí tu sửa nhà, trông hai con cho chị một thời gian, nhé”.
Thực ra chị cũng rào trước đón sau chán mới dám đưa ra đề nghị đó. Tôi vẫn sốc. Fabio còn hoảng hơn. Anh không hiểu nổi cuộc sống nhà chị Nhung ở Hà Nội đang tiện nghi như thế, bỗng đùng đùng mua cái nhà to vật vã ở Lisbon để đấy mấy năm. Rồi gần đây bốc hai đứa con chín tuổi và mười bốn tuổi non bấy sang học. Ở được vài tháng chị đã đòi về, giao con cho hai đứa còn lâu mới có ý định làm cha làm mẹ như chúng tôi.
Tôi là em út, kém chị Nhung mười lăm tuổi. Chị coi tôi như trẻ con, chuyện làm ăn giời bể phất lên nhanh chóng chị chẳng bao giờ kể. Mà có kể tôi cũng chẳng cho vào tai. Tôi học dược, chị đề nghị trợ vốn cho mở hệ thống nhà thuốc, kiếm tiền tỉ như chơi. Tôi không nghe, lại bén duyên Fabio trên một chuyến bay, rồi theo anh nay đây mai đó. Cứ kiếm được chút tiền chúng tôi lại khám phá thế giới. Nửa năm nay chúng tôi mới tạm trụ lại trong căn nhà nhỏ ở phố Rue da Graca này. Lúc đó vừa hết sạch tiền sau chuyến từ Matxcơva tới hồ Baikal, từ rừng Taiga tới vùng giáp Mông Cổ. Bố mẹ Fabio gọi chúng tôi về. Họ không chịu nổi tiếng ồn ào ngày đêm của đám khách du lịch chinh phạt Alfama nữa. Họ chuyển về Benfica cho dễ thở, giao nhà cho chúng tôi tu sửa thành nhà trọ, lợi nhuận chia đôi. Chi phí sửa chữa chúng tôi phải tự xoay. Vừa lúc chị Nhung đưa ra đề nghị giúp đỡ.
Tiền đúng đang cần thật. Nhưng tôi đồ chị Nhung đầu tư mua nhà cửa, chuyển con cái sang đây là có âm mưu nhờ cậy chúng tôi chuyện này từ lâu rồi. Chị bảo đều vì tương lai các con. Ừ thì muốn tránh cho lũ trẻ bụi mịn, thủy ngân, nước bẩn sao không sang hẳn Mỹ, Úc, Anh mà định cư, đến xứ Bồ Đào Nha làm gì? Chẳng qua chị muốn đặt tôi và Fabio vào chuyện đã rồi. Chị chép miệng: “Dì không biết đâu. Muốn vào Ireland phải quyên góp cho chính phủ bốn trăm nghìn EUR, chưa kể các loại phí khoảng năm mươi nghìn EUR nữa. Úc khó lắm, lại tùy luật từng bang. Ít nhất phải đầu tư một triệu rưỡi đô Úc và phí khoảng năm mươi nghìn. Bồ tương đối đơn giản hơn, theo chương trình mua trái phiếu ba trăm nghìn EUR và nộp phí hai mươi lăm nghìn EUR nữa là xong”.
May Fabio không thạo tiếng Việt. Anh nhận diện và ê a đọc tiếng Việt khá tốt. Nhưng giỏi đến mấy mà nghe hàng loạt con số trăm nghìn triệu kia anh cũng ù tai hoa mắt. Chỉ nghe việc đầu tư tiền cho chính phủ mắt anh đã long lên cảnh giác: “Cái gì mà mua trái phiếu với cả đầu tư ủy thác? Mỗi năm họ ban hành cả trăm luật mới và luật sửa đổi. Trong vòng năm năm người ta thay luật, bảo các anh các chị không hoàn thành đủ điều kiện, chẳng gia hạn được thẻ cư trú mà chắc gì tiền đầu tư đã rút ra được?”. Chị Nhung được thể, giơ ngón tay cái lên gật gù: “Chuẩn ngôn. Bạn bè làm ăn của chị bây giờ rủ nhau sang Cyprus, Malta, Hungary, Slovakia… đầu tư để kiếm thẻ cư trú đông như trẩy hội. Mình đi trước, kinh nghiệm hơn, thế nên họ gọi về giúp, trả công cao. Tội gì không kiếm ăn lúc tranh tối tranh sáng. Chứ sang đây ở có mấy tháng thấy xứ này kiếm tiền nhỏ giọt sốt ruột kinh lên được. Ở nhà anh rể các em đam mê đầu tư khách sạn, chỉ biết làm ngày làm đêm, tiền nong giấy tờ giao cho người ngoài chị không yên tâm được, có mà nó rút ruột hết. Thôi, các em giúp chị nhé, bảo trợ trông nom các cháu. Cho hai con chuyển sang ở tạm với các em chị mới yên tâm về được”.
Bố mẹ tôi cũng gọi điện sang nỉ non sẩy cha còn chú sẩy mẹ bú dì, vợ chồng con Nhung đã nghiện kiếm tiền thế, chẳng lẽ dì ở đó bỏ mặc cháu. Fabio để tôi quyết định. Hai đứa trẻ là gia đình của tôi ở Việt Nam. Đồng ý có nghĩa tôi sẽ phải hi sinh nhiều hơn, chứ không phải anh. Và tiền chị Nhung giúp tu sửa nhà tính thành tiền đầu tư riêng của tôi, chia lợi nhuận Fabio cũng để tôi giữ phần hơn. Đã kết hôn nhưng tôi với Fabio rạch ròi về tài chính và sở thích. Cũng hiếm khi cãi nhau vì tiền. Việc quyết định tiếp nhận căn nhà ở phố Rue da Graca cho khách thuê, thoạt đầu tôi lo cuộc sống bị xáo trộn: “Nhỡ đông khách, bọn mình mải kiếm tiền cứ ở lì đây mà không đi được hết những nơi phải đi trong năm năm đầu tiên thì sao? Rồi em căng thẳng, rồi anh cảm thấy tù túng. Chúng mình quay ra bẳn gắt nhau”. Fabio xếp những tấm bản đồ mapa oficial de Lisboa, Castelo S.Jorge… lên bàn trong phòng cho khách trọ, điềm tĩnh bảo tôi: “Quan trọng chúng mình biết thế nào là đủ, lúc nào nên dừng. Nếu không đi được cùng nhau, chúng mình sẽ thay phiên. Em đi Tanzania, anh ở lại trông nhà trọ. Em về, đến lượt anh đi Amazon. Cứ ưu tiên những gì mình thích nhất em ạ. Sau này có con, nơi nào dễ đưa cả con đi, mình cùng đi, nơi nào khó thì lại trông con cho nhau đi”.
Nhắc chuyện có con, đúng là tôi chưa sẵn sàng. Hồi ở nhà, thỉnh thoảng sang chị Nhung chơi đùa với các cháu bầu bĩnh thơm tho chốc lát thôi, rất vui và thoải mái. Nhưng bây giờ, khi chúng kéo vali bước vào căn nhà nhỏ ở Alfama, tôi sợ hãi, chân tay thừa thãi, miệng không biết chào mừng thế nào. Thằng Tít (trời ơi tôi quên tên thật của nó là gì rồi) chân trổ dài như gióng tre, mặt nặng vì kính cận, tóc undercut. Con Bống cũng cận, gầy như mèo hen, mớ tóc dài buộc dối bằng sợi chun. Trông chúng buồn thảm và ngơ ngác. Fabio dẫn Tít vào phòng riêng, hỏi nó có muốn chùm cá gỗ sơn xanh, đỏ, vàng tự tay anh đẽo gọt treo lên cửa sổ cho đẹp mắt không. Tít phẩy tay “Whatever!” rồi đóng sập cửa lại. Tôi ngượng với Fabio, gõ cửa “Tít, dì bảo này”. Con Bống kéo tay tôi lại, nói khẽ: “Anh ấy không thích gọi Tít đâu, tên anh ấy là Tân”. À, Tân chứ không còn là Tít nữa. Còn Bống, cháu tên gì? Bống khúc khích: “Cháu tên Hạnh, mà dì cứ gọi Bống cũng được”.
Bống bám víu chúng tôi ngay. Nó chẳng quan tâm có phòng riêng không, ngủ giường hay sofa, nó reo lên nhận chùm cá gỗ Fabio tặng, hỏi gió lùa cá có phát ra nhạc không? Nó chạy vào bếp lẩm nhẩm đọc tấm bảng gỗ nhỏ Fabio nắn nót ghi I don’t want a perfect life. I want a happy life. Nó nhấc chiếc túi vải in dòng chữ Home and Garden xem bên trong là cây Lan Ý thật hay giả. Tấm ảnh chiếc xe điện cổ số 28 của Lisbon treo giữa phòng khách cũng làm nó thích thú. Xem ra, Bống đánh giá cao công việc trùng tu căn nhà cũ của Fabio. Mọi thứ xinh vừa vặn không gian nhỏ. Bống như vị khách thuê nhà đầu tiên của chúng tôi. “Chú dùng nhiều đoạn dây thừng nhỏ này để làm gì?”, Fabio kéo nó ngồi xuống bàn cùng anh, hướng dẫn cách bện những mẩu dây thừng thành hình mỏ neo, bánh lái, các lớp sóng vỗ thân tàu. Bện xong, hai chú cháu lấy keo hồ đính vào một bìa cáctông dày, lồng khung kính, treo tường. Tôi rất thích ngắm Fabio trong khung cảnh tập trung tĩnh lặng. Nhiều khi anh tì hẳn người vào chiếc lan can sắt nhỏ xíu, nhòm xuống nhà hàng đối diện xem ông chủ quán nắn nót tô dòng chữ Hôm nay có Fado như một món chính trong bảng thực đơn. Fabio quay lại, mắt anh lấp lánh nước “Đang ở nhà thế này chính là lúc anh nhớ nhà nhất, em ạ”.
Giờ thì Bống làm cho nhịp sống của Fabio rộn cả lên. Nó thích được cùng chú sáng tạo tác phẩm bằng dây thừng, gỗ, khuy áo, hạt sồi. Vừa làm hai chú cháu vừa trò chuyện “Chú có bện được ông tổ của chú không?”. “Ai cơ?”. “Ông Vasco Da Gama ấy. Chính ông ấy khám phá đường tới Ấn Độ đấy, không phải Columbus. Columbus nhanh nhảu đoảng, đi sai đường, may mà tìm ra châu Mỹ chứ không thì chết với hoàng hậu Tây Ban Nha. Cháu thích ông Da Gama hơn, ông ấy tính toán chín chắn, xuất phát chậm hơn nhưng lại đến đích”. “Bống giỏi quá, chú sắp vỡ mũi vì ông tổ được khen đấy”. “Thì đùng cái mẹ bảo sang Bồ ở, cháu phải tìm hiểu về Bồ chứ. Chỉ có anh Tân tẩy chay mọi thứ về Bồ thôi. Anh ấy đang tức đấy. Bọn cháu đang yên lành học trường quốc tế ở Hà Nội mẹ lại bắt sang đây”.
Gay go rồi. Tân đang tức. Tân đang tẩy chay. Bây giờ Tân lại phải loay hoay trong không gian chật hẹp của căn nhà cổ này thì chịu sao nổi. Tân gầm lên. Thoạt tiên nó sững sờ nhìn cái bồn chỉ đủ chống chân nằm tắm chúng tôi vừa sắm. Góc nhà tắm kê cái giá inox đựng khăn và giấy vệ sinh, Tân bệ luôn mấy đôi giày Nike Air, Lacoste mới đánh xi của nó lên đó. Tôi nhắc mang giày để tủ cạnh cửa, Tân không nói gì, đặt lên giường. Chị Nhung bảo “Nó quý giày hơn người. Ở nhà hai bà giúp việc không bà nào đụng được vào giày của nó đâu. Nó còn ngủ với giày mới cơ. Dì cứ kệ nó”.
Whatever. Tôi cũng chỉ muốn buông câu như thế. Nó không thích nói chuyện, không thích ra ăn cùng bữa, tôi cũng chiều. Cơm để phần trong bếp. Cần gì tôi viết giấy, dán tủ lạnh. “Quần áo, giày dép Tân thay ra tự Tân giặt. Dì giặt không đúng kiểu sẽ hỏng đấy”. “Trong tủ lạnh có đồ ăn ghi tên khách trọ trên đó. Tân đọc kỹ, đừng lấy nhầm đồ nhé”. “Hôm nay dì nấu cơm với thịt kho. Hết tôm khô rồi. Mẹ Nhung không chịu gửi tôm khô, bò khô sang nữa. Bà ngoại và mẹ Nhung không cho ăn mấy thứ không đảm bảo an toàn thực phẩm này nữa”. Học về Tân ở lì trong phòng ôm máy tính. Đêm khuya mới nghe nó lạch cạch ra vét cơm. Thấy giấy bóc đi biết nó đã đọc. Fabio bảo cho Tân thời gian thích nghi. Đừng can thiệp nhiều, đừng nói nhiều. Ngày xưa bị bố mắng Fabio bỏ nhà đi hẳn một tuần. Ôi, thế thì tôi sợ lắm.
May còn có Bống làm cầu nối chúng tôi với Tân. Con bé cũng lãnh đủ hậu quả. Có lần mặt nó tái xanh vì bắt gặp Tân xem phim. Tôi hoảng lên hỏi Fabio nên làm gì. Fabio nhún vai cười “Tuổi ấy cũng phải cho nó xem chứ, cấm sao được. Để anh tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng và hướng dẫn nó tìm hiểu giới tính, quan hệ tình dục an toàn”. Fabio và tôi còn chưa biết tìm cách tiếp cận thế nào để nói chuyện, Bống đã bị Tân tát cho sưng mặt. “Tại Bống mách dì anh xem phim à?”. Không phải chuyện đó. Tân gọi Bống vào thông báo bố bọn trẻ đang ngủ trong một siêu khách sạn mới xây ở Ibiza, chỉ cách Lisbon khoảng ba giờ bay. Bỏ tiền đi ngủ trong đó xem họ làm khách sạn kiểu mới thế nào còn học tập. Tiếc không đủ thời gian bay sang thăm bọn trẻ vì hôm sau phải về gấp động thổ khách sạn mới. Bống thút thít “Cháu bảo cũng chẳng sao. Bố sang mà gấp thế cháu cũng có kế hoạch cùng chú Fabio thăm mộ Da Gama trong tu viện Jeronimos rồi. Thế là anh Tân tát cháu. Anh ấy nói cháu bây giờ cứ mở miệng là Fabio thế này Fabio thế kia. Fabio có phải bố mình đâu? Fabio chẳng qua chỉ là thằng lái tuk tuk kiếm tiền xu”.
Tôi ngồi chết lặng. Chợt nhận ra con Bống vẫn đứng đó, thút thít. Tôi ôm vội nó vào lòng. Chắc tôi không đẻ con nữa, tôi nuôi con Bống luôn thôi. Con Bống giờ là của tôi. Còn thằng Tân, tôi trả về bố mẹ nó. Con Bống ngừng khóc, hỏi tôi “Chú Fabio là kiểm toán viên hay tiếp viên hàng không, hay lái tuk tuk mới là nghề của chú ấy, hả dì? Anh Tân bảo mấy lần thấy chú Fabio đội nón ngồi tuk tuk chờ khách du lịch dưới chân lâu đài S.Jorge”. Tôi gỡ sợi chun làm tóc con bé rối tung ra, lấy lược chải và bện đuôi sam cho nó “Chú Fabio làm tất cả những nghề ấy Bống ạ. Nhưng chú biết thế nào là đủ, biết lúc nào cần dừng. Làm kiểm toán suốt ngày ngồi đau đầu với con số hay mua tuk tuk tự lái, muốn nghỉ là nghỉ, thích về nhà là có thể về nấu ăn, làm tranh, đẽo cá cùng Bống, Bống chọn nghề nào?”. Bống khúc khích “Cháu chọn chú Fabio lái tuk tuk ngay và luôn. Cháu yêu dì và chú Fabio lắm”.
Đúng là trẻ con, ngấn nước mắt còn chưa tan trong khóe mắt, má còn lằn đỏ các ngón tay, Bống đã quên ngay buồn phiền rồi. Nó ôm cổ, rúc đầu vào ngực tôi kêu thơm quá, ấm quá. Bao hờn giận chị Nhung trong lòng tôi bỗng tan đi. Lại thấy thương chị biết bao. Giờ chị đang ở phương trời nào, tài khoản đã đầy thêm mấy chục tỉ rồi, có thấy tiếc những phút giây êm ái ngọt ngào như thế này cùng con gái.
– Trả Tân về cho bố mẹ nó? Em điên à? – Fabio đang đánh răng, suýt bẻ gãy cần bàn chải.
– Em hết chịu nổi nó rồi. Nó còn đánh con Bống nữa. Đằng nào nó cũng chẳng thích ở đây – Tôi mở vòi nước thật to để nói cho thoải mái.
– Em làm thế khác nào mấy ông chính phủ kêu gọi dân nước ngoài mua trái phiếu, đầu tư chung rồi lại đổi luật – Fabio tếu táo ngay được – Anh nói thế không phải bọn mình trót nhận tiền của chị ấy rồi. Mà vì em đã đồng ý thì phải làm hết sức chứ.
– Em hết sức rồi còn gì. Anh cũng phải chịu nhiều bất công không đáng có kể từ khi thằng Tân về đây ở. Em xấu hổ với anh lắm. Thật đấy.
– Anh chịu đựng sao bằng em chịu đựng? Nhưng cách này không xong phải tính cách khác. Chúng mình đều trải qua tuổi ẩm ương này mà chịu thua nó à?
– Còn cách nào nữa?
– Cứ cho nó thời gian bình tĩnh lại. Sau đó làm bạn với nó. Nhờ nó làm chứ đừng sai làm. Chỉ sợ em không thực sự muốn chia sẻ thời gian của mình cho nó thôi.
***
Người bán vé ở ga Santa Apolónia nhìn Tân, hóm hỉnh “Chúng tôi có bảo tàng âm nhạc Fado chỉ cách đây chục phút đi bộ, chứ không có vé tàu đi Fado. Nếu cậu mua vé tàu đi thành phố Faro thì có đấy”. “À, Faro, xin lỗi tôi phát âm nhầm. Cho tôi ba vé đi Faro”.
Cho đến khi cùng Bống, Tân yên vị trên chuyến tàu từ Lisbon xuôi về miền nam ấm áp, tôi vẫn nghĩ mọi chuyện như giấc mơ. Tân không những chịu ra khỏi phòng mà còn đồng ý cùng tôi và Bống đi nghỉ cuối tuần ở Faro. Không đi cùng nhưng người chỉ huy hành trình này là Fabio. Cứ thấy Tân bước vào nhà là tôi kêu ca đau đầu mệt mỏi, muốn đi nghỉ đâu đó vài ngày mà nhà lại kín khách trọ. Tiếp theo, con Bống phàn nàn mấy tuần nữa tết Việt rồi, không trùng lịch nghỉ học mà về, bố mẹ dịp đó cũng bận bịu dịch vụ càng không thể sang. Tân xì một tiếng “Tết thì báu bở gì mà về”. Bống nài “Tân ơi em muốn đi chơi. Nhà dì chật quá, hay mình ra ngoại ô, hay đi đâu ấm hơn? Em muốn được đi chơi với Tân”. Thỉnh thoảng lại ca cẩm thế. “Tân ơi, dạo này đến chú Fabio cũng bận rồi, chẳng có thời gian cho em đi chơi. Chán”. Tân không nói gì, nhưng có vẻ để tâm. Fabio ra bài chót. Anh viết thư dán lên tủ lạnh “Tân thân mến. Chú bận quá, muốn đưa dì với em Bống đi đâu đó chơi mà chưa sắp xếp được. Dì cần nghỉ ngơi rồi. Phụ nữ không dai sức chịu đựng như cánh đàn ông chúng ta đâu. Bống chắc cũng nhớ mẹ lắm, thèm không khí cả nhà đi đâu đó với nhau. Chú nhờ Tân sắp xếp toàn bộ hành trình, đưa hai người phụ nữ này đi chơi mấy ngày cuối tuần được không? Mọi chuyện nhờ Tân cả đấy. Ký tên: Fabio”.
Tôi và Bống đi đâu, làm gì mấy ngày này theo chỉ đạo của Tân. Có một thứ Tân không biết, tôi cũng chưa được mở ra, đó là gói quà lạo xạo Fabio bọc kín giấy đỏ, dặn đúng sang năm mới theo lịch âm mới được bóc. Tự Tân chọn đi Faro, có lẽ nó nghĩ về phương Nam ấm hơn, nhiều nắng hơn, tốt cho sức khỏe và tâm trạng của chúng tôi. Được thôi. Nhưng tôi thích thuê căn hộ hoặc trọ cùng nhà chủ, giá vừa rẻ vừa có bếp tiện nấu nướng. Tân lại chọn khách sạn sang trọng, bồn tắm to và dài. Tôi thích ăn món đường phố, Tân thích vào nhà hàng. Tôi và Bống muốn vào bảo tàng nghe nhạc Fado. Tân bảo “Dì thích thì vào, đây không tiêu hóa nổi tiếng hát não nề đó”. Xem xong, chúng tôi tìm Tân mất nửa tiếng. Hóa ra nó đang tít trên đỉnh Arco da villa – chiếc cổng thời Trung cổ biểu tượng kiến trúc Tân cổ điển của vùng Algarve – để chụp ảnh tổ cò. Trước khi chiều kịp tắt còn kịp hắt lên tường trắng, mái ngói nâu hình ống những dải ánh sáng vàng đậm, ấm. Ngay chân cây thánh giá, cò mẹ đang đảo trứng trong chiếc tổ dày cành kín lá. Vài khóm cúc dại trổ hoa từ kẽ bờ tường gạch dưới chân Tân. Tân như đang cố chờ để chụp được cảnh cò bố tha mồi về tổ. Nó muốn có bức ảnh đoàn viên. Bống định gọi, tôi ngăn lại, cùng ngắm Tân trong niềm đam mê bất chợt đến của nó.
Thế là muộn cơm tối. Nhà hàng gần đó xin lỗi món paella không kịp làm nữa, chỉ có thể phục vụ pizza, khoai tây chiên với bánh mì bơ tỏi. Tôi mệt nhiều hơn đói, không thích mấy món khô này. Tân giận. Nó và Bống muốn pizza, tôi tỏ vẻ không thích nghĩa là chẳng coi nó như người chịu trách nhiệm toàn bộ chuyến đi này. Ân hận, định xin lỗi nó thì Tân bảo “Hết hứng, về thôi”. Tôi và Bống lếch thếch theo Tân. Về phòng khách sạn mới biết điện thoại để chế độ câm khi vào nghe Fado. Bao cuộc gọi nhỡ. Nào là bố mẹ, chị Nhung, anh rể, Fabio nữa. Chắc gọi chúc mừng năm mới. Đã tám giờ tối, qua giao thừa ở nhà lâu rồi. Nghe bây giờ cũng chẳng để làm gì. Trời lạnh dần về đêm, bụng đói râm ran. Tôi nhớ ra gói quà của Fabio, hối hả bóc. Ba hộp mì ăn liền chắc Fabio xin được hoặc mua lại của khách du lịch Việt. Trên mỗi hộp đính kèm phong bao đỏ. Chắc chắn Fabio tự làm những phong bì này. Anh cẩn thận cắt hoa đào bằng giấy hồng dán và tô chữ lên từng phong bao. Bống cười ré lên lúc đói “Chúc hay ăn chóng lớn. Con có phải baby đâu mà chú Fabio chúc như thế”, Fabio viết cho tôi Chúc ăn ngon mặc đẹp. Chỉ vỏn vẹn Chúc vui chắc dành cho Tân rồi. Tôi lao ra bàn cắm bình đun nước. Nước sôi, tôi và Bống hối hả đổ vào hộp mì, thìa cà phê lăm lăm trong tay chờ mì ngấm. Tân bỗng thò đầu ra “Kiếm đâu được mì tôm thế? Thơm quá. Cho Tân ăn với”. Tôi đổ nước nóng vào hộp mì còn lại. Ba dì cháu chụm đầu vào nhau xì xụp bữa tiệc tân niên ngon nhất trần đời.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *