Bài nổi bật

Hoa Huê Tình Còn Thơm – Nguyễn Đức Hạnh

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh tâm sự rằng ông có một giấc mơ kỳ lạ “ở Hội Lim rất đông các nghệ sĩ tụ hội. Mỗi nghệ sĩ đều ôm một cây hoa đẹp lạ kỳ. Đó là hoa Huê tình – cây hoa bản mệnh của những người nghệ sĩ đích thực. Có một kẻ vừa hát oang oang trên sân khấu, chỉ thấy giọng khỏe mà không thấy cảm xúc gì. Hát xong ngụp lặn dưới hồ mà gào thét trả cây huê tình cho ta….”. Giấc mơ đó đã gợi cho ông cảm hứng viết truyện ngắn “Hoa Huê tình còn thơm”. Có thể thấy nhân vật Hắn trong truyện ngắn này từ đầu tới cuối luôn khao khát tìm kiếm, và bằng mọi cách để có được bông hoa Huê tình của mình – bông hoa như một biểu tượng cho tài năng, vinh quang, và danh vọng. Quá tình kiếm tìm trái tim hắn ta nặng trĩu tham sân si, lòng hắn ta luôn thèm khát những bông hoa Huê tình của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, hắn không từ mọi thủ đoạn để đạt cho được chữ Danh. (từ tham ô một số tiền lớn của đoàn quan họ, dùng pháp thuật Ấn Độ để thu các hoa Huê tình của nghệ sĩ khác về mình, đến việc cưới một cô gái mù hát hay con gái của một nghệ sĩ ….để người con gái đó nhường lại hoa Huê tình của cô cho hắn….vv…). Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh viết truyện ngắn này để gửi gắm thông điệp: Một nghệ sĩ đích thực cần hội tụ đủ hai yếu tố tài năng và nhân cách. Dù tài năng đến đâu nếu nhân cách xấu xa anh ta cũng sẽ không thể đi xa bay cao được. Phẩm chất quan trọng nhất trong nhân cách của con người nói chung, người nghệ sĩ nói riêng là lòng nhân ái và tính trung thực. Người nghệ sĩ chân chính cần cống hiến hết mình cho công chúng trước khi nghĩ đến quyền lợi của bản thân. Bút pháp kỳ ảo cũng như hình ảnh mang tính biểu tượng về một loài hoa mang tên Huê tình được tác giả sử dụng để chuyển tải thông điệp đó. Không khí truyện bảng lảng và đậm chất thơ. Tuy nhiên mạch văn đôi khi vẫn hơi rối. Điều đó cũng khiến truyện phần nào giảm sức hấp dẫn

Đêm hội Lim huyền ảo, những câu hát óng mượt và ngọt như tơ tằm tẩm mật ong bay lượn dan díu nhau trên vòm trời, trước khi lặng lẽ vào làm tổ trong trái tim người nghe. Có nhiều giọt nước mắt lặng lẽ rơi rồi lăn đi tìm câu hát. Hàng ngàn người nghe rơi vào trạng thái bị thôi miên tập thể, già thì nhìn thấy mối tình đầu thổn thức, trẻ lại được ngắm giấc mơ tình yêu của mình vỗ cánh bay trong câu hát. Hàng ngàn cây cổ thụ quanh vùng đất này như đã uống bao bài dân ca ấy trong hàng vạn đêm, giờ như có linh hồn, khẽ lắc lư, lá non xanh ôm lá vàng rồi cùng vẫy sao trời. Hắn đã đi bao nhiêu Hội. Không nhớ nữa! Cứ lang thang khắp mùa xuân, nghe hát, khóc, rồi thầm thì hỏi các bậc cao nhân khắp vùng Kinh Bắc: – Có còn cây Huê tình không? Có ai từng nhìn thấy hoa Huê tình nở không? Chỉ gặp những cái lắc đầu. Mãi rồi mới gặp một nghệ nhân tóc bạc phơ, chơi ghita với bàn tay như múa, đệm đàn cho cô gái bị mù hát trong gian trại Quan họ của của xã X. Chao ôi. Tiếng đàn của người già chắc phải trải qua nhiều bão giông tê tái mới đứt ruột nát lòng đến thế. Tiếng đàn như dòng sông nhiều xoáy ngầm chảy qua thời gian, ngân rung thổn thức, rồi chạm vào bao bờ mi đỏ hoe của khán giả. Tiếng đàn nâng niu giọng hát trong veo, run rẩy của cô cháu gái. Giọng hát tuyệt đẹp, dày và và trong vắt nhưng dấu kín trong đó một nỗi đau không thể thốt thành lời. Giọng hát ấy là lời một bông hoa đẹp đón sớm mai với cả niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng sâu thẳm trong đó có nỗi buồn của một cánh hoa đã bị sâu cắn nát.
 
Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Cầu, hắn uống với nghệ nhân già những ly rượu vừa ngọt vừa cay, vừa mặn.
– Cậu hỏi về hoa Huê tình? Ông tôi từng kể xưa hoa Huê tình nở khắp nước non này, nhưng đẹp và thơm nhất là ở vùng Kinh Bắc. Hoa và nghệ sĩ cùng tìm nhau. Mỗi nghệ sĩ lớn đều có một cây hoa “Bản mệnh” của mình. Ở Nam Bộ, người ta gọi nó là Hoa Cải lương. Miền Trung lại đổi tên thành Hoa Ví Dặm. Còn ở đây gọi là hoa Huê tình. Nhưng tiếc thay…
– Thưa Bác. Sao lại tiếc ạ? Giờ loài hoa ấy không còn nữa hay sao?
Nghệ nhân già cười buồn, quay sang bảo cháu gái:
– Mơ đốt trầm đi cháu. Có hương trầm mọi tục lụy tan đi. Lòng có trong thì đàn mới ngọt, hát mới hay. Xem ra anh ấy là người có lòng. Rồi cháu hát bài ta mới soạn lời.
Ngoài trời đổ mưa. Sông ở gần lắm. Hình như sông và mưa cũng muốn nghe hát. Cô gái mù ngồi xếp bằng trên chiếu hoa, mắt mở to nhìn vào thăm thẳm, tay cầm hai thanh gỗ nhỏ đã lên nước bóng loáng mà gõ nhịp:
– Hư hội hư
Hoa trong lòng thơm lâu
Hoa ngoài đời tàn mau
Tri âm như hương trầm tìm câu hát
Người thành sông về đâu
Hoa Huê tình giờ mầu đã nhạt
Làn hương sắp đi qua cầu…
Gần sáng đêm ấy, hắn nghe tiếng hát nhỏ, tiếng cười khẽ sau nhà, tò mò ra xem, thấy cô gái mù đang ôm cây hoa Huê tình bé xíu vào lòng và hát cho nó nghe. Đứng nép vào sau gốc cây Trắc Bách Diệp có lẽ đã trăm tuổi, hắn say mê ngắm gương mặt như búp sen hồng đang nghiêng xuống đài hoa trắng tinh khiết, những câu hát chậm như những giọt âm thanh ngọt dịu thả vào đài hoa. Hoa như đang uống từng giọt giai điệu và ca từ ấy mà lớn nhanh kì diệu. Hương hoa chảy mịn màng dưới trăng, một suối hương hoa bay lên cùng suối tóc uốn lượn, rồi ôm lấy nhau để cùng thơm. Hắn bước tới, lảm nhảm như kẻ say rượu:
– Chao ôi. Thật phi thường. Thật kì dị. Bao giờ ta mới có cây hoa của riêng mình?
Cây hoa run lập cập nép vào ngực cô gái. Sau phút xấu hổ, ngại ngùng, Mơ khẽ nói:
– Anh bước mạnh và nói to quá. Làm cho hoa sợ. Hoa và nghệ sĩ là tri âm. Trời sẽ cho gặp nhau. Không cưỡng cầu được đâu…
Mơ ôm cây hoa vào buồng, đóng chặt cửa, rồi ôm hoa mà ngủ. Hắn nín thở nhìn trộm qua khe cửa, rồi bước lùi, từng bước thật nhẹ, ra vườn nằm giang tay giang chân trên cỏ. Trong bao vì sao sáng kia, vì sao nào là của ta? Hoa Huê tình ơi, mi ở phương nào? Hắn nhớ khi tầm 10 tuổi, vào đúng rằm tháng Giêng, cha hắn ôm cây hoa Huê tình của mình, dắt tay con trai đi Đò, qua làng bên, rồi vào một căn nhà tranh bé nhỏ nằm nép sau bụi tre um tùm. Có một thiếu phụ đẹp và buồn ra đón hai cha con, trải chiếu hoa cho ngồi, mời nước mời trầu xong thì cất tiếng hát. Hai người cứ hát đối đáp như vậy suốt một ngày dài. Hắn nghe chán rồi, ăn hết đĩa xôi gấc, ngủ tít, tỉnh dậy vẫn thấy hai người hát mà mặt đầm đìa nước mắt. Cây hoa Huê tình của người phụ nữ ấy cứ nghiêng vào cây hoa của cha hắn mà run bần bật. Chiều tối ra về, thiếu phụ tiễn hai cha con ra bến Đò, hát bài hát “Gọi đò”. Hai cha con về đến bờ bên kia, ngoái nhìn lại vẫn thấy qua sương khói giăng mờ mặt sông một dáng hình bé nhỏ nghiêng nghiêng trong gió, dõi nhìn theo như muốn hát nốt câu hát cuối cùng còn bỏ dở.
Thấy hắn ngước nhìn đau đáu như muốn hỏi, cha khẽ thở dài, xoa đầu hắn: – Liền anh liền chị trong làng Quan họ không được phép lấy nhau. Tục lệ ngàn đời là thế. Con nhớ lấy.
Cha hắn mắc “tâm bệnh” chẳng có thuốc nào chữa được, ra đi khi còn rất trẻ. Cầm tay cha đang lạnh dần, hắn òa khóc mà hỏi trong nức nở:
– Cha ôi. Mẹ đâu hở cha? Sao con hỏi mãi mà cha không nói?
Cha nhìn hắn, ứa nước mắt, lắc đầu, rồi ra dấu bảo mang cây hoa Huê tình lại cạnh giường:
– Cha mất thì hoa cũng chết. Hãy chôn hoa nó cùng cha. Còn phải sống thật tốt, rồi đi tìm cây hoa của riêng mình.
Ngày đưa cha ra đồng, trời đổ mưa tầm tã. Người thiếu phụ bên kia sông đi sau quan tài mà không khóc. Khi bắt đầu lấp huyệt, người ấy quỳ xuống, bỏ cây hoa của mình xuống huyệt, rỏ một giọt nước mắt đỏ như máu, rồi thẫn thờ đi ra phía bờ sông…
Có tiếng Tắc Kè kêu ở đâu đó làm hắn giật mình. Trong phòng của cô gái mù, hình như cây hoa Huê tình đang hát ru, Giọng hát của hoa thật lạ lùng, vừa giống tiếng nước suối trong veo tận đầu nguồn lúc cuối Đông, trườn lành lạnh qua khe đá, vừa giống tiếng khóc thầm của thiếu nữ lúc đi lấy chồng, cứ nửa vui nửa buồn như thế, tiếng hát ôm một chút hương hoa, chút sương sớm đi trên sóng mà qua sông về đâu…?
Hắn khóc thầm rồi đi. Nghệ nhân già nói khẽ như gió thoảng:
– Đến phố Y, tìm gặp Cầm Hoàng thi sĩ. May ra…
Hắn đi tìm hoa Huê tình từ lâu lắm rồi. Từ khi một Cao nhân của Vùng Quan Họ bảo hắn:
– Cháu có căn cốt làm nghệ sĩ, nhưng phải tìm được cây Huê tình của mình. Cây có 10 lá, hoa trắng có linh hồn như người. Nếu có cây lá đỏ thì sẽ thành thi sĩ tài danh. Còn có cây lá tím thì sẽ là ca sĩ độc nhất vô nhị ở gầm trời này. Vinh quang tột cùng mà cô đơn tột cùng. Trời sắp đặt cháu làm nghệ sĩ. Hãy tìm lấy cây hoa của mình.
Hắn làm thơ, báo đăng tơi tới, các thi sĩ lớn của đất nước đọc rồi gật gù:
– Hay thì hay thật nhưng sao vẫn thiếu một cái gì đó. Ngọc trong đá. Tiếc thay…
Hắn hát quan họ cũng khiến hàng trăm thiếu nữ rơi nước mắt. Nhưng các bậc thầy Quan họ lại lắc đầu:
– Vẫn là cơm chưa chín tới. Có giọng mà tình nhạt. Chẳng phí hoài lắm sao…?!
…Căn nhà nhỏ của Cầm Hoàng thi sĩ nằm trong khu vườn um tùm cây lá. Cổ kính và hoang dã, cây trăm tuổi thả bộ rễ to đùng bò đi thám hiểm khắp nơi, lá nghiêng vào lá thì thầm rồi rủ nhau nghiêng xuống cỏ, cỏ thẹn thùng nghiêng vào sương sớm long lanh, sương bàng hoàng vỡ tan trong hạnh phúc. Khi hắn bước vào phòng, thi sĩ vẫn ngồi trên ghế vẫy tay chào, ra dấu mời ngồi. Ngoài 80 tuổi, từng ngã gãy cả hai chân, áo phông màu đỏ trẻ trung, quần soóc tự chế rất tiện lợi, khi có khách  chỉ xỏ hai ống quân vào, kéo xéc măng tuya là lại có trang phục chỉnh tề.
Đó là một cụ già cao gầy, gương mặt trẻ lạ lùng, đặc biệt đôi mắt sáng thông minh và đa tình sóng sánh như đôi mắt của chàng trai mới 20 tuổi, gắn vào gương mặt già nua của ông lão 80 tuổi. Thi sĩ cất tiếng nói trong, ấm, đầy nội lực làm hắn sửng sốt:
– Cháu tìm ta có việc gì? Có phải liên quan đến thơ và quan họ?
Bất chợt, thi sĩ cất tiếng hát bài “Mời trà” nổi tiếng:
Khách đến í đến chơi hự hừ nhà là chơi hự hừ nhà
Đốt than ớ ơ dậu mà quạt i nước mấy
pha trà mời người xơi i là chén có a trà này.
Vừa hát, Thi sĩ vừa thoan thoắt pha trà, rót ra 2 chén cổ màu hồng ngọc mời khách, hương trà thơm thoang thoảng như hương trinh nữ nhẹ bay qua ô cửa sổ, cây lá và khóm hoa bên ngoài bỗng tươi tắn rực rỡ, lá vươn cao, hoa nở khẽ khàng như đang uống từng giọt hương thơm, uống xong cũng ngây ngất, đê mê như con người. Bắt gặp ánh mắt tò mò của hắn, thi sĩ nói bâng quơ:
– Hoa lá đều có linh hồn. Tâm tính chủ nhân ra sao thì cỏ cây ở quanh đó cũng sẽ như thế. Khi nào hiểu được chúng đang nghĩ, đang mơ điều gì thì mới có thể trở thành một nghệ sĩ lớn:
– Thưa Bác. Ai cũng bảo cháu có năng khiếu đặc biệt, nhưng sao mãi rồi năng khiếu ấy không thành tài năng?. Cháu đam mê và khổ luyện vô cùng. Nhưng hình như vẫn cứ thiếu một cái gì đó. Mong Bác chỉ bảo cho…
Theo yêu cầu của thi sĩ, hắn đọc một bài thơ tâm đắc nhất và hát một bài quan họ. Nghe xong, thi sĩ thở dài mãi không thôi, rồi bảo:
– Cháu nhìn xem, nghe cháu đọc thơ và hát, cây lá và hoa ngoài kia ủ rũ biết bao? Vì cháu chỉ hát và làm thơ cho những uất ức, thèm khát của cá nhân mình, đó chỉ là điểm xuất phát ban đầu thôi. Một giọt nước không thể chỉ hát về mình, phải từ mình mà hát về triệu giọt nước khác đã tụ thành biển cả. Thôi cháu ngủ lại đây một đêm. Để xem, chữ DUYÊN của cháu được viết bằng nét chữ nào, màu mực nào… Còn cháu muốn ngắm xem cây Huê tình bản mệnh của Bác thì phải tắm rửa sạch sẽ, đốt trầm thơm, rồi vào phòng sách của Bác mà xem…
Chao ôi! Đó là một cây hoa Huê tình tuyệt đẹp, cao đến hơn một mét, có 10 chiếc lá với 5 lá màu đỏ, 5 lá màu tím, hoa trắng muốt vươn cao, xòe 12 cánh, nhìn từa tựa 12 tia nắng thơm tỏa ra từ một mặt trời màu trắng. Hương thơm của hoa ướp vào từ bao giờ, đến bàn ghế, sách vở cũng thơm. Hắn thử cầm cây bút trên bàn, viết chữ DUYÊN lên trang giấy Dó màu vàng ngà, mực cũng thơm ngát hương hoa, thi sĩ vẫn ngồi phòng khách bên ngoài, nói vọng vào như nhìn thấy tất cả:
– Cháu viết chữ DUYÊN rất đẹp. Nhưng chữ béo quá. Khi lòng còn nặng chĩu tham, sân, sĩ thì làm sao thoát tục…
Hắn đứng ngắm chữ DUYÊN mình vừa viết. Chữ DUYÊN bỗng nhảy múa, nhòe mờ đi, rồi biến đổi thành bao nhiêu ảo ảnh…
…Đêm hội Quan họ toàn Quốc, sân khấu rực rỡ được bài trí nằm kề biển khơi. Đến phần giao lưu cùng khán giả, MC của đêm hội cất tiếng:
– Xin kính mời quý khán giả, ai có lòng yêu Quan họ xin mời lên sâu khấu, hát và giao lưu cùng anh chị em nghệ sĩ…
Hắn cao lớn, mặt vuông chữ điền, lông mày rậm, đôi mắt trũng sâu, lúc nào cũng chiếu thẳng vào người đối diện hai tia nhìn nhọn hoắt như kim châm, bước lên sân khấu. Hắn vừa cất tiếng hát, hàng ngàn người vây quanh bỗng lặng phắc, mồm há to như muốn nuốt từng lời. Bài hát Anh hùng tương ngộ vừa kết thúc, những tràng pháo tay ròn rã như muốn thổi tung cả sân khấu. Mấy em ca sĩ xinh đẹp nhìn hắn đắm đuối. Kì lạ hơn thế, từ sóng biển nhô lên mấy nàng tiên cá, họ cũng cất tiếng hát Quan họ, sóng biển đang ào ạt cũng dịu nhẹ êm đềm. Hàng vạn con cá đủ màu sắc bỗng tụ hội về bãi biển này, thi nhau nhảy vọt lên cao như chào mừng một ngôi sao Mai vừa xuất hiện. Rồi hắn trở thành cây hát đơn ca số 1 của đoàn Quan họ. Vinh quang, giải thưởng trong nước và quốc tế, các người đẹp nổi tiếng cả nước đều ôm chầm lấy hắn. Có một đêm diễn tại Nhà hát lớn, người nghệ sĩ già và cô gái mù run rẩy tìm đến, xin được hôn chiếc ghế hắn vừa ngồi…
… Hắn gánh cá con đi rao bán khắp nơi sau khi bị đuổi việc vì tham ô một số tiền lớn của Đoàn quan họ. Sáng hôm ấy, hắn chuyển sang rao bán cá con bằng tiếng hát, may làm sao có chị chủ nhà chủ nhà phốp pháp gọi vào mua cá. Hắn đếm nhanh như máy:
– 51…52… con này dài…73…78… con này đuôi ngắn…91…95… con này lớn nhanh… trăm hai… trăm sáu
Chị chủ nhà nhìn hắn cười buồn, pha trà mời uống, trả tiền đầy đủ rồi mới khẽ khàng:
– Giọng hát của anh rất hiếm. Giờ hát để rao bán cá con càng hiếm. Về soi gương đi. Trái tim của một chú cá con dù có được đặt trong thân hình của cá voi thì cũng chả vượt được đại dương đâu…
Hắn uống cố hết ấm trà ngon cho khỏi phí, liếc trộm bộ ngực đồ sộ của chị chủ nhà, ra đến ngõ vẫn không hiểu chị ta nói thế là có ý gì…
…Hắn sang biểu diễn tại Ấn Độ, được một pháp sư truyền cho pháp thuật triệu hồi tất cả những cây hoa Huê tình của các Nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc. Một rừng không thể có hai cọp. Một triều đại không thể có hai hoặc nhiều Hoàng Đế cùng trị vị. Hàng trăm cây hoa Huê tình tuyệt đẹp bay về nằm chỏng chơ trong kho nhà hắn. Hàng loạt ca sĩ mất giọng hát nghe khào khào như vịt đực. Bao nhiêu thi sĩ tài danh kinh ngạc thấy thơ mình giờ viết ra chỉ ở tầm thơ của các cụ tổ hưu trí Phường. Hắn cho tất cả các cây hoa Huê tình kia vào nồi nấu cao, rồi mỗi ngày ăn một lạng. Trời ơi, chỉ vài tháng sau, tinh hoa thiên hạ tụ hết vào con người hắn. Tài năng của hắn vụt tỏa sáng phi thường, vươn tới tầm thế giới…
Hắn choàng tỉnh, bàng hoàng, trước mặt vẫn chỉ là chữ DUYÊN béo phị vừa viết. Điên tiết, cầm tờ giấy có chữ viết của mình ra ban công, châm lửa đốt, không cháy mới đau chứ, chữ DUYÊN của hắn nhảy múa trong ngọn lửa, hình như còn toét miệng cười và nháy mắt tinh nghịch.
Trong nhà, Cầm Hoàng thi sĩ vẫn ngồi quay lưng lại phía hắn, bỗng ngửa cổ cười 3 tiếng lớn rồi òa khóc. Cây hoa Huê tình của ông cũng khóc. Lệ của hoa trông như những giọt thủy ngân thơm ngào ngạt, rơi lặng lẽ, làm những viên gạch hoa dưới nền nhà rùng mình, toát mồ hôi lạnh.
Đêm ấy, hắn không ngủ được bởi vườn cây hát rì rầm suốt đêm, rồi vật vã bởi thèm khát vinh quang của Cầm Hoàng thi sĩ, tủi cho thân phận mình, quỵ lụy cầu thân với bao nghệ sĩ tài danh, giờ vẫn tay trắng. Không! Cả đời hắn hành động và suy nghĩ đều để đạt tới chữ DANH, đúng như Nguyễn Công Trứ đã từng viết:
Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Làm sao đây? Đã ngoài 40 tuổi, đã làm tất cả những gì cần phải làm, sao ta mãi chỉ là một thằng thất bại? Gần sáng, nghe ngóng Thi sĩ đã ngủ say, hắn rón rén mò vào phòng sách, ôm cây hoa Huê tình kia rồi bỏ trốn trong đêm. Ra khỏi nhà Cầm Hoàng thi sĩ, hắn sung sướng ngắm và cười đắc thắng rồi rùng mình: Cây hoa Huê tình đã biến thành đá đen lạnh ngắt. Từ trong vườn cây kia, một giọng nói nhẹ hơn gió thoảng, chẳng biết của cây hay của người vọng đến tai hắn:
– Mang được cây hoa đi mà hồn hoa ở lại phỏng có ích gì?
Hắn vứt cây hoa vào vệ đường, ôm mặt khóc rồi lảo đảo lao vào bóng tối.
Uớt lướt khướt, gõ cửa nhà cô gái mù lúc tảng sáng, cô gái mở cửa cho hắn ngay tức khắc như đã chờ đợi từ lâu, rồi xuýt xoa:
– Anh vào đi. Thay quần áo ngay kẻo cảm thì khổ. Ướt hết thế này. Đi đâu đêm mưa cho tội…
– Sao em biết anh sẽ về mà đợi?
– Em không nhìn thấy nhưng ngửi được mùi anh trong gió từ rất xa. Mùi anh tội nghiệp lắm.
– Mùi anh như thế nào cơ?
– Em không nói thật rõ được đâu. Có hai thứ mùi vừa đắng vừa cay trộn lẫn, giằng co nhau đau đớn lắm.
Cô gái mù đun nước nóng cho hắn tắm, còn thả vào chậu nước mấy sợi tóc của mình, nước bỗng thơm thoang thoảng mùi hoa huệ. Đêm ấy, hắn năn nỉ đòi ân ái, cô gái e lệ lấy tay che mặt. Lạ lùng sao, hắn vốn cường tráng, khỏe hơn cả ngựa đực vậy mà đêm nay không sao thực hiện được khát khao của mình. Đến gần sáng, điên cuồng vì bất lực, hắn đã dùng ngón tay đâm vào nơi thăm thẳm vốn dấu kín của người con gái trong trắng, thơm ngào ngạt ấy. Gào lên đau đớn, ngón tay hắn bị gẫy. Cô gái ôm mặt òa khóc, khoác vội chiếc váy phong phanh, chạy ra bờ sông mà trầm mình xuống nước. Sông thở dài từ chối, sóng ôm lấy cô ve vuốt rồi sóng thơm nồng nàn. Sóng đưa cô lên bờ, cứ thế, người con gái ấy ôm một nhánh hoa Lục Bình tím ngắt mà say ngủ, môi nở nụ cười bẽn lẽn đợi nắng sớm mai
Từ đêm đó, hắn xin ở lại học đàn với nghệ nhân Quan họ. Thông minh, tài hoa, hắn học nhanh lắm, chỉ sau sáu tháng đã học được hết những gì chắt lọc một đời của thầy. Nhưng khi nghe hắn đàn rồi hát, nghệ nhân thở dài rồi chảy nước mắt.  Gặng hỏi mãi, người thầy là một tài năng lớn nhưng ẩn danh ấy mới nói:
– Hay thì hay thật. Nhưng chỉ thấy TÀI mà không thấy TÌNH đâu. Tiếc thay! Đau thay! Khi chỉ có tài mà không có tâm thì đáng sợ lắm…
Dù nghệ nhân phản đối, hắn và cô gái mù vẫn yêu nhau thắm thiết và bàn chuyện làm đám cưới vào mùa thu năm ấy. Trong bữa cơm chiều nay, hắn mua rượu làng Vân chính hiệu, chuốc cho nghệ nhân say rồi mới mở lời:
– Thưa ông. Dù gì thì cháu và em Mơ cũng sắp nên duyên chồng vợ. Cháu đã ướm lời mượn cây hoa Huê tình của Mơ, mang về Đền thờ Tổ Quan họ, xin làm lễ chuyển bản mệnh của Mơ sang cho cháu. Mong ông đồng ý.
– Không được. Không có cây hoa ấy giọng hát trời cho của cái Mơ sẽ biến mất. Sau này ta chết, nó sẽ sống ra sao.
– Ông ơi. Cháu đã là cháu rể của ông rồi. Cháu sẽ lo cho Mơ cả đời. Ông đừng bận tâm nữa.
– Không. Cha mẹ của nó chỉ vì cho bạn tri kỉ mượn cây hoa Huê tình bản mệnh mà thân bại danh liệt, rồi đâm đầu xuống sông Thương mà chết trong nghèo đói tủi hờn. Cây hoa kia tự tìm cháu Mơ mà về. Ta không muốn cháu gái ta dẫm lại vết chân sai lầm của cha mẹ nó…
Than ôi. Mọi lời khuyên của người già cũng chỉ như mưa lũ, trái tim đang yêu của thiếu nữ nào chẳng giống lá khoai? Mơ đã cho hắn mượn cây hoa bản mệnh của mình với bao tin tưởng và hi vọng. Mùa xuân năm ấy, trước ngày mở hội Lim 5 ngày, hắn ôm cây hoa kia khấp khởi lên đường, mơ ước về vinh quang chói lọi cứ đốt đuốc trong đầu. Hắn không để ý đến cây hoa đang khóc thút thít. Bờ sông Thương đây rồi. Sóng nước mùa xuân sao còn lạnh thế? Gió ào ào cõng nắng qua sông. Hắn bắc tay gọi thăm thẳm:  – Đò ơi… Có con đò nhỏ vùn vụt từ bờ sông bên kia tới, hắn sung sướng lên đò, lòng còn hân hoan với bao viễn cảnh tươi sáng đang đợi chờ, không thèm để ý đến hai bóng người mong manh trong suốt như bằng mưa tụ lại thành hình hài, tóc trắng như mây đang chèo ở hai đầu con Đò. Vừa ra khỏi bờ được chục mét, hắn giật mình quay lại, nghệ nhân già thập thõm chạy đến bờ sông, gọi thảm thiết:
– Quay lại đi. Trả lại cây Hoa cho cháu ta. Anh sẽ hại nó và hại cả chính mình đấy… Ta van anh…
Kệ. Giờ có gọi có van xin cũng muộn rồi, hắn cười nhạt, quay đầu giục:
– Chèo nhanh lên. Ông bà ơi. Già rồi chèo chậm thế.
Kinh ngạc, trên đò không có bóng người, con đò quay tròn liên tục rồi lật úp. Trước khi chìm xuống, hắn còn nghe cây Hoa bỗng reo cười như trẻ con mừng mẹ về chợ. Khúc sông bỗng thơm ngát mùi hương trinh nữ. Rất nhiều năm trôi qua, dân làng hai bên bờ sông ấy vẫn hay gặp vào đêm mùa xuân một bóng người lặn ngụp ở bến sông, bóng người ngụp xuống rồi trồi lên ấy còn gào thét thảm thiết: – Trả cây hoa lại cho ta . Ta cần nó. Không có nó ta sống có nghĩa lí gì…
Mùa xuân năm ấy, Mơ lại trảy hội Lim, sau khi đạt Huy chương vàng trong cuộc thi hát Dân ca toàn quốc. Ngồi trên đò qua khúc sông Thơm, cô cất tiếng hát bài “Gọi đò” da diết…
Mơ không biết, mọi người trên đò cũng không ai biết, có một bóng người bám dưới đáy con đò, vừa khóc, vừa hát theo bài hát ấy:
Rằng a… a ru hời… rằng a a ru hời..
Một con thuyền đỗ bến mà bên kia sông… hơ,
Tang ô là tính tang… hơ… tang là tính ơi…
Nên em phải.. thời em phải nhất tâm nay a em chờ.. là ới a là thì chờ..
Còn là còn không i ới i còn không mà đợi khách… i i i
Rằng a a ru hời… rằng a a ru hời…
_______
1. Đại học Thái Nguyên
Nguồn Văn nghệ số 44/2021

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *