Truyện đêm khuya – Truyện viết về nhân vật Trần Khỉ – thương binh từ chiến trường Campuchia trở về quê hương. Hai năm chiến đấu với quân Pôn Pốt tại nước bạn đã rèn luyện chàng thanh niên nghịch ngợm nhất vùng trở thành một người lính điềm tĩnh, chững chạc. Thấy một số đồng đội cũ của mình tại chiến trường khi trở lại quê gặp nhiều khó khăn, Trần Khỉ đã tập hợp anh em lại. Anh mở xưởng vẽ để dạy nghề và giúp những người thương binh có thể sống tốt bằng sức lực của mình. Một câu chuyện xúc động về phẩm chất cao đẹp của người thương binh trong cuộc sống đời thường…
Gã họ Trần tên Khỉ. Đúng tên ông già tía khai trong giấy khai sinh. Cái tên ấy chẳng phải ý tứ gì mà bởi theo thứ tự: Tí, Sửu… cho dễ nhớ tuổi, tên các con, tới phiên gã đúng ra là Thân, nhưng tía gã nói đặt vậy, cả đời “cực khổ trần thân”, tội nghiệp. Thôi, lái ra là Trần Khỉ.
Tên sao nết vậy, gã loi choi như “khỉ mắc phong”, lớn tồng ngồng tật khỉ vẫn không bỏ. Có lần, khuya giao thừa, bà con bốn dãy nhà quanh khu chợ cúng kiếng, đốt pháo xong, ai nấy đóng cửa đi ngủ. Sáng mùng một anh Hải con cô Sáu Hương ở bộ đội mới về phép tối trước, mắt nhắm mắt mở ra đứng vươn vai thấy biển hiệu trước cửa giật mình la: “Trời trời! Sao nhà mình bán cà phê còn bán thuốc trừ sâu từ khi nào vậy má!” Còn ông Bảy hớt tóc thì ngạc nhiên khi tiệm của mình biến thành tiệm thuốc bắc Khương Hòa… Nói chung là cả chợ rối tung lên. Người ta biết trò này là của ai rồi, nhưng có hư hại mất mát chi nên lại cười xòa! (Chẳng lẽ năm mới đi chửi bới để giông cả năm à! Mà chửi thằng Khỉ thì cũng như nước đổ đầu vịt.)
Vậy mà hôm tiễn quân, cả chợ ai nấy đứng rớt nước mắt. Cô Bảy So ôm Khỉ cứng ngắc, khóc hù hụ: “Mày đi rồi lấy ai đâu mà phá làng phá xóm nữa Khỉ ơi là Khỉ ơi! Đi cho mạnh tay khỏe chưn rồi về mà quậy nữa nghe con!” Cả chợ xúm nhau nắm tay nắm chân, nhét tiền đầy túi gã.
Hơn hai năm sau, anh lính trinh sát Trần Khỉ từ Campuchia về cùng cái sẹo dài cả gang tay loằng ngoằng giữa bụng bởi trúng mảnh đạn cối. Chiều hôm sau gã thả bộ tới văn phòng ấp trình diện địa phương. Chẳng thấy mặt mũi cán bộ, trưởng phó ấp đâu cả, gã bước ra đàng sau thấy bốn năm du kích nằm ngoẹo cạnh mấy khẩu AK vứt lăn lóc. Một cái đầu chó trơ xương sọ giữa mâm. Cái can nhựa năm lít chỏng chơ không còn một giọt. Chắc kết quả của tiết mục uống rượu lắc đầu chó đây. Gã mím miệng cười. Chạng vạng, người ta thấy mấy anh du kích hốt hoảng hỏi thăm rồi cùng nhau thụt ló trước cửa nhà gã đứng dòm vô bẻ ngón chân ngón tay thẽ thọt. Gã vô buồng xách một khẩu súng ra không nói không rằng gí vào đầu một anh bảo: “Nếu tui là kẻ xấu thì sao?” Rồi thẩy cả mấy khẩu súng trả lại cho họ.
Họa sĩ làng – Dương Đức Khánh
Hồi đó, có cái trường bồi dưỡng cán bộ của tỉnh về đóng ở chùa Đông Ân Cổ Tự bên kia sông. Đám học viên thường đi đò qua coi phim coi hát, cà phê, nhậu nhẹt rần rần bên này. Cũng ăn mặc bình thường, nhưng đầu cổ gọn gàng, tác phong nhìn biết ngay. Thuộc loại trai có học xứ khác tới nên có phần “ưu thế” trong khâu tán gái, và quan trọng nhất, các sinh viên của trường được cấp một cái “thẻ cán bộ” rất oách. Mấy đêm chiếu phim ở sân trường, dãy phòng học tối om tối mò thường là điểm “núp lùm” lí tưởng của họ. Thỉnh thoảng du kích đi một vòng rọi đèn pin lôi ra một cặp, nhưng thường phải tha vì du kích sợ cái “thẻ cán bộ” kia. Có một đêm, cả làng đang say sưa với bộ phim truyện chiến đấu Ba Lan đang tới màn gay cấn hấp dẫn thì một người mặc quần tà lỏn, áo sọc vạt bầu từ trong một phòng học hớt hải chạy ra. Cũng lúc ấy, tiếng loa đội chiếu bóng chợt vang lên: “Xin thông báo! Xin thông báo! Chúng tôi đang giữ một thẻ cán bộ. Đồng chí nào đánh rơi xin đến khu máy chiếu để nhận lại! Xin thông báo”. Người mặc quần tà lỏn áo vạt bầu lúc nãy lom khom chạy tới, nói gì đó nhỏ xíu xin lại thẻ với… cái quần dài! Lúc đó, Trần Khỉ đứng sát máy chiếu, mặc áo lót trắng, một tay xỏ túi quần bộ đội, hút thuốc phì phà, chân nhịp nhịp nói khơi khơi: “Cán bộ hả? Cán bộ “mần ăn” dzậy mơi mốt tụi Pôn Pốt vô là đứt đầu chết mẹ rồi! Cảnh cáo nhé! Lần sau là “công khai hóa” luôn! Nhớ!” Bị “công khai hóa”, chẳng riêng anh có “thẻ cán bộ” của trường bồi dưỡng, mà bất cứ ai cũng kể như tiêu đời. Trong ấp hôm rày đưa ra mấy vụ rồi, ngay trước nhà lồng chợ. Vụ thứ nhứt là con Út Đẹt con gái Năm Đìa. Mười bảy tuổi. Út Đẹt cặp bồ với thằng Nô trong kinh xáng nhưng gia đình không chịu. Phản đối quyết liệt rồi ép gả cho một thằng tuốt trên Mương Lớn. Thỉnh thoảng Út Đẹt xin bên chồng đi một mình về thăm má rồi lén lút hẹn hò với thằng Nô trong vườn chuối. Du kích theo dõi tóm tại trận, lập biên bản. Trưởng ấp Hai Rành nói “Tội tày trời! Có chồng mà lại lấy trai/ thác xuống âm phủ cưa hai nấu dầu! Phải giáo dục, răn đe!”. Vài ba bữa sau, hai ba du kích ngồi xe lôi phát loa khắp làng. Buổi “công khai hóa” diễn ra trước nhà lồng lúc tan chợ như một phiên tòa lưu động. Cả chục bộ bàn ghế học trò được khiêng ra bày biện trên dưới. Dàn ban ấp ngồi hai bàn trên quay mặt xuống. Trưởng ấp Hai Rành vẫn mặc bộ pyjamas xám như mọi khi nhưng bộ mặt hôm ấy tỏ ra nghiêm nghị, quan trọng tuyên bố: “Nhứt trung ương nhì địa phương”. Tới dự buổi “công khai hóa” ngoài bàn dân thiên hạ còn có đầy đủ gia đình hai bên đương sự. Rồi cũng đọc cáo trạng, buộc tội, đầy đủ hết. Cuối cùng bên chồng Út Đẹt tuyên bố trả lại con dâu hư hỏng lăng loàn, đòi lại vòng vàng, phí tổn cưới hỏi. Căng thẳng nổ ra, còn náo động hơn cái chợ đang đông lúc sáng. Gần tới chạng vạng hai bên chửi nhau kịch liệt. Trưởng ấp Rành “chánh án” vỗ bàn rầm rầm không ăn thua. Tới mấy tay anh chồng em vợ cả đôi bên chửi thề giơ nắm đấm rồi chạy kiếm cây phang nhau tới tấp. Du kích phải can thiệp mới xong! Rút kinh nghiệm, mấy vụ “công khai hóa” tiếp theo, ban ấp tổ chức “bán công khai”. Cũng phát loa thông báo nhưng mở phiên trong văn phòng ấp, có lính gác. Người nhà “bị cáo” chỉ đứng ngoài không được vô. Toàn mấy vụ “rúng động” làng xóm cả: Vụ thằng Tèo Anh “chui lộn mùng” vợ Út Đực. Vụ con Bé Năm bị thằng chồng con Út Giàu vô rình “đổ lọp” giấc nửa đêm. Ban ấp giải quyết không muốn kịp. Mệt cầm canh! Hôm đó, để dọa anh có “thẻ cán bộ” kia một trận, Trần Khỉ không đánh kiểu du kích ấp nữa mà chơi theo lối trinh sát chính quy, một mình nhanh như khỉ đột nhập vô phòng học tối om. Áp sát đối tượng nín thở chờ nghe cái ghế học trò lắc cà cụp cà cụp liên hồi cùng với giọng con gái eo éo, Trần Khỉ nhón cái quần để đầu bàn học rút êm.
Lứa đánh bên Miên cùng Trần Khỉ về có một số bị thương phải cưa chân trong đó có thằng Dình. Hôm gã mượn chiếc cub cánh én chạy xuống chở thằng Dình qua Long Xuyên lãnh chân giả, hai người ghé quán cà phê kêu hai li “xây chừng” sáng giờ chưa có gì vô bụng. Cô chủ quán vừa bưng ra, thằng Dình kêu thêm li nữa. Khỉ định la khùng hả, đang đói bụng uống chi hai li… Nhưng nhìn đôi mắt như ngân ngấn của Dình, gã lại thôi. Khi cà phê mang ra, thằng Dình chắp tay trước ngực, gương mặt xuội buồn. “Thằng Mười, tiểu đội tao chết cũng vì cái tội ghiền cà phê… Cứ kiếm được hột đậu hột mè chi là nó lọ mọ bắc chảo rang với mấy hột gạo, nghiền ra làm cà phê. Hôm đó tụi tao chuyển quân, đang ngồi trong cái đền bên Xiêm Riệp, nhìn ra xa xa thấy có vạt bắp nó mừng quýnh. “Để tao kiếm vài trái tối nay mình làm chầu cà phê!” Mấy phút sau nghe tiếng nó la tắt lịm. Mọi người tới nơi thấy nó đang nằm trên vũng máu với hai nhát lê của tụi Pốt… À mà sẵn qua đây lát nữa mầy chở tao xuống ngã ba lộ rẽ tao kiếm thằng Khoái. Nó cũng tiểu đội tao, cũng cụt giò giống tao, quê dưới Giồng Riềng. Nghe nói mấy tháng nay nó lên nhập phe với đám giả thương binh bán kẹo ngay trạm ngã ba lộ rẽ. Mang tiếng mang tai lắm.”
Họa sĩ làng – Dương Đức Khánh
Hai thằng chạy theo đường làng dọc sông xuống Bắc Vàm Cống, xẹt xuống ngã ba lộ rẽ. Hóa ra, ngoài thằng Khoái bạn thằng Dình, còn hai thằng nữa cũng bị thương cụt giò: Thằng Công ở Rạch Sỏi, thằng Thăng dân Ô Môn. Trần Khỉ gật gù: “Giờ tao tính như dzầy như dzầy đó… Tụi bây đồng ý thì chuẩn bị ba lô sẵn sàng. Mấy bữa nữa tao chạy xuống “chuyển quân”.
*
* *
Xứ này sông nước kinh rạch. Xưa nay ruộng rẫy đắp đổi qua ngày, vậy mà xóm mấy năm gần đây nhiều nhà phất lên như diều gặp gió. Không phải đổi từ trồng lúa sang các thứ nông sản hái ra tiền khác mà là chuyển qua nghề mở xưởng vẽ tranh. Xuống ghe chở tranh đi bán miệt dưới, ai nấy khá lên trông thấy. Ngày trước cả xóm chỉ có chừng năm, bảy nhà chuyên nghề với những cái tên người gắn với nghề như ông Tám Vẽ, ông Tư Tranh… Thợ vẽ tranh ngày ấy là nghệ nhân có học nghề, có bài bản lưu truyền từ đời trước. Bây giờ nhờ có kĩ thuật in lụa, có người nảy ra sáng kiến, chụp bản vẽ những nét chính của bộ tranh lên bản in lụa, kéo cái xẹt ra một bản, nhanh như máy rồi chỉ việc tô phết, tán màu, dán kim tuyến phản quang lấp lánh. Nhìn mặt trái thấy toàn bôi với quệt, nhưng mặt phải sắc sảo từng nét, rực rỡ bóng loáng… Nên cả xóm từ đứa con nít mười tuổi tới chị nông dân một chữ bẻ đôi không biết đều biết cầm cọ, mần “họa sĩ”. Những bàn tay đóng phèn vàng khè muôn năm nay lại cho ra những bộ tranh có vẽ cả hoành phi, câu đối, đại tự bằng chữ nho. Rồi cả những bức tranh có nhân vật cổ tích Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn. Nói cho rõ, đây là loại tranh thờ, tranh cổ tích dân gian vẽ trên kính từ mặt trái ra mặt phải có từ hồi xưa. Ông Ba Dồ tía của Trần Khỉ năm nay ngoài sáu mươi, cũng làm chủ xưởng vẽ. Ông thường vận bộ bà ba đen trổ phèn, đầu quấn khăn rằn, miệng ngậm điếu thuốc rê bằng ngón cẳng cái phì phà đi tới đi lui trước cái sân phơi lúa nay phơi hàng trăm bức tranh rực rỡ sắc màu vừa xuất xưởng,vẻ mặt thỏa mãn, gật gù “chắc ăn như lúa đổ bồ”. Hôm có đoàn khách du lịch sông nước đi bằng vỏ lãi băng sông ghé tham quan “Xóm Vẽ”, ghé xưởng vẽ Ba Dồ. Những chàng trai cô gái ngoại quốc ngỡ ngàng thích thú chĩa ống kính vào những bàn tay từng cầm lưỡi hái, thoăn thoắt chỉ già nửa ngày xong một công lúa nay tay phải chấm màu lướt cọ nhuyễn nhừ và những cây cọ đủ màu giắt vào kẽ bàn tay trái rất chi điệu nghệ. Ngày trước người vẽ chờ khách tới đặt tranh, đa phần là những chủ nhà khá giả, nhà hương tự, từ đường quanh vùng. Giờ tranh được xuống ghe chở đi khắp xứ, từ đầu sông Tiền tới cuối sông Hậu. Từ xứ trù phú tới miệt khỉ ho cò gáy, kinh cùng nước cạn.
Hôm Trần Khỉ ngồi tâm tình với ông già tía ý định về mấy thằng bạn đồng ngũ thương binh. Ông già ngồi nghe vẻ rưng rưng. Rồi cả mấy anh em trong nhà cũng đồng ý cái rụp.
Vậy là hôm sau dọn dẹp khoảng đất trống bên hông, chặt bỏ ba cái cây tạp. Đốn mấy cây bạch sau hè làm cột kèo. Hạ cây gòn xả ván đóng vách. Chỉ mua thêm lá dừa về lợp là xong. Năm sáu cái vạt giường cá nhân được đóng bằng ván gòn, kê tạm thời bằng những khúc cây gòn. Cái lán dài hơn chục thước cấp kì được dựng lên. Hôm sau, một cỗ xe lôi thùng chở sáu anh thương binh cụt giò, ba lô chiếu gối, nạng gỗ lủ khủ được Trần Khỉ đi đón về. “Đó, lán trại nhà cửa tụi mình đó! Ngon lành hơn trên Miên chưa, hà hà.”
Cả tốp lộp cộp qua coi xưởng vẽ tranh. Hai dãy con gái gần mươi cô mặt mũi trắng nõn, những bàn tay búp măng đang thoăn thoắt lướt cọ, thấy mấy anh thương binh bộ đội vô mắc cỡ cúi đầu cười khúc khích. Trần Khỉ rốp rảng: “Đó, thấy tao chọn đúng nghề cho tụi bây chưa? Nghề nầy dễ ợt như chơi, con nít còn làm được. Mấy em đây nó nắm tay dạy cho. Học vài ngày là nhuyễn như ai. Tiền công tính theo bộ. Lúc nào đây xong hàng thì qua mấy nhà lòng vòng trong xóm, không bao giờ thất nghiệp. Bảo đảm tụi bây dư sức sống, còn để dành cưới vợ nữa!”
Khi xưởng tranh thương binh bắt đầu sản xuất, Trần Khỉ quyết định đi bán. Sau mấy chuyến thất bại, gã càng ngày càng lanh dần lên. Ghé ghe bến nào, xứ nào việc trước hết là phải bằng mọi giá “kết nghĩa” được với mấy tay uy tín, “có máu mặt” ở xứ đó. Kết được bí thư, chủ tịch xã càng tốt. Giao lưu tình nghĩa rồi phải bán cho mấy chả một bộ “giá hữu nghị”, nửa bán nửa tặng, lỗ vốn cũng được. Kì rồi gã hên, bán được cho chủ tịch xã bộ tranh nhứt, lại trúng dịp bữa sau nhà chả có đám giỗ. Chủ tịch xã một hai kéo thằng em kết nghĩa là Trần Khỉ ở lại ăn đám. Gã giả bộ xin từ chối nhưng trong bụng mừng húm. Kì này trúng mánh rồi! Khi dàn cán bộ xã bước vô nhà chủ tịch, cái đầu tiên đập vô mắt là bộ tranh sáng rực trên bàn thờ. Ông nào ông nấy đứng khen nức nở, có ông nói: Phải công nhận họa sĩ tài thiệt, vẽ quá sắc sảo! Họa sĩ vẽ bao lâu mới được một bộ dzậy chú? Gã đứng lên nói họa sĩ siêng năng cũng phải cả nửa tháng. Tới khi bà con chòm xóm, thân sơ cả làng cả xã tới, chủ tịch xã nắm tay chỉ mặt gã giới thiệu chú em kết nghĩa họa sĩ. Một ông già tướng mạo quắc thước vịn vai gã nói: Em để cho qua một bộ, nhưng chú mày phải đọc cho qua biết hết ba cái chữ Hán chữ Nho chú vẽ trong đó. Ôi dào, tưởng gì, cái này gã quá rành… nhưng gã vẫn đứng lên lễ phép: Dạ, ở đây có dượng Sáu chồng cô Thìn nó mần thầy giáo nè, dượng đọc giùm tui được hông? Ông thầy ngỏn nghẻn bảo chịu, Trần Khỉ mới lại chắp tay lễ phép nói dạ con xin phép đọc chú nghe. Ổng nói khoan khoan, để qua kiếm tờ giấy cây viết, mày ghi ra cho qua luôn. Chữ Nho chữ Tàu trên tranh Trần Khỉ đã học thuộc, rành sáu câu, nhưng chữ ta gã quên mẹ nó hết rồi, sao mà viết, mà ghi! Nhớ hồi đi học, ông thầy giáo Bường dạy gã đánh vần chữ mỡ, mờ ơ mơ ngã… Ổng hỏi dồn, ngã gì mà dì má em ở nhà hay dùng chiên cá? Dạ, mờ ơ mơ ngã… chảo! Cả lớp cười rần rần. Ổng thầy Bường cũng ôm bụng cười ngất. Gã quê quá ôm vở phóng cửa sổ về luôn. Thế nên khi nghe ổng già nói vậy, gã mới lanh trí bảo khỏi cần ghi chi mất công chú, dễ nhớ mà! Chú nghe con đọc nghe chú. Rồi gã cố nói to cho nhiều người trong đám giỗ để ý: Ba chữ trên đầu là Phước, Lộc, Thọ. Chữ nằm ngang chú phải đọc từ bên trái qua phải. Bốn chữ to dọc chính giữa là Cửu, Huyền, Thất, Tổ. Còn hai tấm liễn hai bên là hai câu đối: Tổ tiên công đức thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn sự vinh. Ổng vỗ tay cái bốp, hay quá hay quá! Đúng là chữ nghĩa thánh hiền! Sớm mai mày đem cho qua đúng ba bộ tranh thờ với ba cặp Thoại Khanh, Cúc Hoa. Nhà qua một bộ. Kiến ông già qua một bộ. Nhà thằng con lớn qua cũng phải treo một bộ. Cho con cháu sau này lớn lên phải biết công đức ông cha, hiếu thảo cha mẹ, ăn hiền ở lành… Dạ! Sáng mai coi như chú là người mở hàng. Chú cháu mình còn tình nghĩa lâu dài nghe chú! Cứ dzậy hết nhà này tới nhà khác, mấy ngày ghe tranh hết cái vèo.
Đó là trúng chuyến hên, nhiều chuyến xui đi tới trúng xứ “hẻo”, rao chào trần ai chẳng được bộ nào. Ôi dào, nhà tui nhà đá nhà đạp, te tua sắp sập tới nơi, treo bộ tranh vô ai coi. Gã nói, nghèo giàu chi chỗ thờ ông thờ bà cũng phải sáng sủa tử tế. Sắm bộ tranh xài đời đời, không bao giờ cũ. Mơi mốt cất lại nhà mới, lúc đó kiếm tui mà mua cũng không ra. Nói một hồi nghe lọt tai rồi cũng mua, thiếu tới mùa lúa. Gã chạy tiếp vô rạch gặp thằng nhỏ chừng mười bốn mười lăm bơi xuồng chở mấy bao lúa. Ê, nhà mới mần lúa hả nhóc? Nó nói tỉnh bơ, đi mượn lúa bên dì Ba tui nè ông ơi! Bộ nhà hết lúa ăn hả? Đâu có, má tui kêu mượn về để đó, mốt chở qua trả. Ngày mơi nhà trai tới “coi mắt” chị Hai tui, má tui nói nhà trống trơn không còn hột lúa nhổ râu, coi sao đặng. Vậy là gã theo thằng nhóc vô tới nhà, nói một vài câu là gã bán thiếu cái rụp một bộ liền. Treo bộ tranh lên cả hai vợ chồng cười khoái trong bụng. Ngày mai nở mặt nở mày với bên sui gia tương lai. Thấy trên bàn thờ trống lổng, gã móc liền năm chục ngàn nhét cho bà vợ, nói chị cầm đỡ mai mua gì cúng ông bà, tới mùa em xuống gom tiền tranh lấy luôn, mắt bả sáng rỡ, mừng húm. Vậy mà cũng gặp vài mối kêu trời không thấu. Có thằng cha ngoắc ghe tranh vô hỏi, mua thiếu năm bộ bán không ông? Hỏi thiệt à nghe, mấy ông bạn tui bên kinh B kinh C qua nhậu dặn lúc nào gặp mua dùm, mần lúa xong mấy chả qua lấy đưa tiền luôn. Sau đó lật đật vô bắt con cá lóc rọng trong lu chạy đi nướng trui, kéo gã làm mấy xị tràn trề tình nghĩa. Hơn tháng sau Trần Khỉ xuống, thấy nhà cửa vắng hoe, trống trơn, kêu hú một hồi không nghe ai lên tiếng, trong bụng hơi nghi nghi. Chạy qua hàng xóm hỏi ra mới té ngửa, cả hai vợ chồng lậm số đề, nợ một đống tiền, cả gia đình cuốn gói dông mất tiêu hơn nửa tháng nay rồi. Lại có nhà không bài bạc số đề nhưng “mất khả năng thanh toán” do lúa rớt giá thê thảm, tiền lãi mua thiếu phân bón thuốc sâu đội lên. Gã ghé tới hai lần đòi không ăn thua. Quá tam ba bận. Lần thứ ba gã nhẹ nhàng mời cả hai vợ chồng ra trước bàn thờ, xin phép thắp cho ông bà ba cây nhang rồi xin thỉnh hạ bộ tranh xuống, đặng đi bán cho người khác. Vậy thôi, không nặng nhẹ gì câu nào. Cả hai vợ chồng chắp tay lạy gã năn nỉ thiếu điều gãy lưỡi. Bộ tranh đã thờ hơn nửa năm nay, ông bà tổ tiên linh thiêng đã ở trong mấy chữ Cửu huyền thất tổ rồi Phúc lộc thọ trên nền đỏ sẫm thâm nghiêm nhà mình. Rồi nhứt là bà con chòm xóm qua lại nhìn vô, cắt cái mặt liệng đi à! Vậy là hai vợ chồng kéo tay ra hè xù xì. Anh chồng kéo Trần Khỉ ở lại mần gà nhậu. Chị vợ cắp nón lật đật bơi xuồng đi. Vay giật quơ quào đâu đó gần cả buổi về trả được phân nửa. Thôi thì hoàn cảnh khó khăn bắt buộc, thông cảm chỗ tình nghĩa, chuyến sau xuống lấy tiếp.
*
* *
Cái lán “tranh thương binh” của gã cứ vậy phát triển đi lên. Nhiều chị dắt tay con trai qua cho nó coi cái mền cái mùng được xếp vuông vức có góc có cạnh y như cái hộp diêm quẹt, nhìn thẳng băng một hàng đẹp mắc mê và những hàng tranh đủ màu phơi ngoài sân bảo: “Đó, nhìn đi con! Làm biếng như mầy mai mốt cho đi một khóa bộ đội mới được”. Một bữa, Trần Khỉ bê hũ rượu ngâm chuối hột bự chảng của ông già tía rót ra, tuyên bố: “Bây giờ trở đi tao làm tiểu đội trưởng, tụi bây đồng ý hông? Kể như tiểu đội mình hao hụt mấy thằng… À quên, rót mấy li cúng cho tụi nó để tụi nó chứng…” Không khí bỗng lặng xuống. Mấy đứa ngồi dụi mắt, sống mũi đỏ ké. Trần Khỉ tiếp: “Khi nào nhớ nhà, tao “kí phép” cho tụi bây về thăm. Ai hỏi lúc rày làm gì, nói học ngành vẽ, giờ mần họa sĩ vẽ tranh – “Họa sĩ làng”! Kha kha! Ngon lành không?! Dzố!!…
Trại viết VNQĐ, tháng 8/2017
Tác Giả : Dương Đức Khánh / BTV Hoàng Hiệp