Bài nổi bật

Hồi ức của một binh nhì – Nguyễn Thế Tường

Truyện đêm khuya – Chân dung người lính được khắc họa bằng những nét tính cách dí dỏm, hồn nhiên, trong sáng. Đặt trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ác liệt, mùa hè năm 1972, câu chuyện về người lính với những tình cảm rất con người được nhà văn Nguyễn Thế Tường miêu tả chân thực và vô cùng cảm động. Tình yêu lứa đôi đầu đời trong sáng đặt trong hoàn cảnh đạn bom đã khiến những chàng trai cô gái phải kìm nén mọi riêng tư, đặt trên vai nhiệm vụ cao cả. Mãi mãi tuổi hai mươi trong họ còn vẹn nguyên những ký ức ngọt ngào…

Hồi ấy, nghĩa là cách đây tròn hai mươi năm, tôi, hai mươi tuổi cùng các “chiến hữu” của tôi đang huấn luyện ở vùng trung du Vĩnh Phú, cách thị xã Vĩnh Yên 7 km về phía núi Tam Đảo. Chúng tôi thuộc số quân trung đoàn 207 xe tăng thiết giáp. Mới nghe đến đây thôi, hẳn có bạn thắc mắc sao đã gọi là “xe tăng” lại còn “thiết giáp”? Xin thưa đó là hai danh từ khác nhau để gọi hai loại xe khác nhau. Xin cung cấp với các bạn một định nghĩa rút gọn của xe tăng: “Là một loại xe chiến đấu chạy bằng xích có tháp pháo quay tròn 360 độ”. Thế nghĩa là nó khác với thiết giáp là có pháo, lại không giống với pháo tự hành là pháo của nó có thể quay 360 độ trên xe. Câu chuyện của chúng tôi hai mươi năm trước trên vùng đồi trung du Vĩnh Phú có liên quan đến cái “tháp pháo quay tròn 360 độ” ấy. Thế là chúng tôi thuộc trung đoàn 207. Tiểu đoàn và đại đội mấy thì không nhớ nữa. Đơn vị huấn luyện mà lính đến rồi đi không mấy gắn bó – chỉ nhớ rằng tham mưu trưởng trung đoàn là ông Phùng Minh, một đại úy có phong độ rất “hắc xì dầu”. Và ngay tại đây, trong mùa hè nóng bỏng năm 1972 khi tiếng nổ của đại pháo ở cổ thành Quảng Trị đang âm âm vọng về réo gọi, thì chúng tôi, trên những ngọn đồi trung du đầy bóng bạch đàn đã làm nên những chuyện tày đình, để lại những kỷ niệm “ác liệt” không kém gì trận mạc.
Chúng tôi đóng quân trong làng, tất nhiên rồi “quân với dân như cá với nước”, cá mà rời nước thì có mà ngáp. Nhưng có một điều thuộc về quân lệnh là cấm léng phéng với con gái chủ nhà. Vả lại, chúng tôi học lái suốt ngày, về đến nhà là mệt lử, đêm phải gác xe. Bãi xe lại là xe tăng, tất nhiên không thể để trong làng mà ở trên đồi. Đơn vị tôi chọn được một địa điểm rất hay. Số là, quả đồi bạch đàn ấy trước đó đã có một hàng rào kẽm gai. Hôm tìm địa điểm, ông đại đội phó bảo thằng Bá Hùng đi trinh sát. Trở về, hắn thì thầm với bọn tôi rằng bên kia hàng rào có rất nhiều “ami xinh tươi” mặc quân phục. “Mẹ kiếp! đóng bãi xe ở đấy thôi chớ đi đâu nữa”. Sau đó, chúng tôi làm mặt lạnh kéo tới gặp đại đội phó, giơ tay chào theo kiểu quân sự và báo cáo rằng, đây là một địa điểm đóng quân mang tính chất chiến lược, chiến thuật, rằng có thể tiến công phòng thủ đều tiện lợi v.v… và v.v… Khi đại đội phó hỏi: Bên kia hàng rào là đơn vị nào thì thằng Hùng báo cáo mập mờ rằng: đó là đơn vị chiến thuật, kỷ luật nghiêm, có thể là hậu phương vững chắc cho đơn vị ta. Chao ôi! Chúng tôi đâu có biết rằng bên hàng rào kẽm gai kia là cả một thế giới riêng, một đơn vị cơ yếu đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến tranh của cả nước và những bóng “ami mặc quân phục” kia chính là những chiến sĩ báo vụ cơ yếu được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Có lẽ đây là một trong ít lần ông đại đội phó được cái đám “giặc đầu bò” là chúng tôi đối xử nghiêm túc và kính cẩn, nên ông có phần cảm động mà chấp nhận đóng bãi xe ngay trên nửa quả đồi tai ương ấy. Và với quyết định đó, ban chỉ huy đại đội bắt đầu phải chịu đựng và trả giá cho những trò ba trợ của tụi tôi. Có lẽ cái lam sơn chướng khí của đất tổ Hùng Vương được tích lũy từ thời khai thiên lập địa đến năm 1972 đã xì hơi nhập vào chúng tôi mà sinh ra các chuyện nghịch ngợm ấy chăng.
Ban ngày chúng tôi phải đi tập lái xe. Lái đủ các khoa mục: Hạn chế thẳng, hạn chế chữ Z, vách hụt, vách đứng, sống trâu, cầu vệt… Đã qua các thời kỳ tậm tọe: sang số, tăng ga, xuống số, vù ga… với cái bảng cầu chì dài dằng dặc: đuôi (cầu chì đèn đuôi), hồng (hồng ngoại), hông, còi, quạt-nhờn-đồng khởi-mù pha. Tóm lại, chúng tôi có vẻ là những chú chim ra ràng đang tập bay. Chiều chiều chúng tôi xin trợ giáo được tự lái xe ra bãi, cố ý đỗ sát hàng rào, vù ga thật mạnh, ngõ hầu gây được sự chú ý của “phía bên kia”. Mất hơn mười ngày như thế mà chẳng nước non gì cả. Những bóng áo binh phục mầu nhạt bó sát những eo lưng tròn lẳn vẫn chỉ thấp thoáng sau bóng cây bạch đàn đằng xa. Một lần chúng tôi đến sát hàng rào đánh bạo gọi với vào:
– Này! Các đồng chí ơi!
… Và mừng rơn khi thấy có người đi tới. Nhưng té ra là hai gã đàn ông có súng, mặt lạnh như tiền, hỏi:
– Các đồng chí cần gì?
– À, ờ… chúng tôi xin một tý xà phòng, à quên xin ngụm nước uống, khát quá.
– Ở đây không có xà phòng và cũng chẳng có nước uống đâu nhé.
Nói xong, hai gã đàn ông có súng quay đi. Chà thật là “phí rượu” mấy cha hách gớm! Nói thật chứ bọn tôi đâu có sợ mấy khẩu AK báng xếp nơi tay bọn hắn. Gì chứ súng thì bọn tôi cũng có, có điều là hơi to một chút. Khẩu pháo 100ly trên xe đó, tôi mà khạc một cái thì… Nhưng chúng tôi cũng thừa biết là không thể tấn công bằng cách ấy được, phải tìm mẹo khác, nhất định phải “móc nối” cho bằng được một số “ami” mới nghe.
May thay, thằng Tuấn lại có một cái đàn ghi ta. Bọn tôi tất thảy đều qua vài năm ở trường đại học nên chơi đàn cũng khơ khớ, hát cũng đúng thanh nhạc, riêng tôi lại có cả cái giọng “ôpêrêt” tàm tạm. Vậy là, trăng trung tuần vằng vặc, đồi trung du lộng gió, lá bạch đàn xao xác rụng, chúng tôi ôm đàn ngồi trên tháp pháo xe tăng thả theo làn gió nam mát rượi qua bên kia hàng rào bài tình ca Nga rất “ác chiến”. “Giờ này anh về đâu hỡi người lính cũ binh đoàn… Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình… Có nhiều cô đẹp như ca khúc ban chiều”. Mất ba đêm như thế mà không thấy động tĩnh, chúng tôi nản quá. Ban đêm không nước non gì nên ban ngày chúng tôi vặc nhau luôn luôn. Mùa trăng đang qua, khóa huấn luyện sắp kết thúc, chúng tôi biết ngày lên đường vào Nam chiến đấu không còn xa nữa. Vậy mà! Ban đầu chúng tôi chỉ chơi đàn theo kiểu “gọi tình”. Ai ngờ đến đêm thứ năm, tiếng đàn thằng Hùng nghe khác hẳn, cả cái giọng “ôpêrêt” của tôi cũng rà đi lúc nào không biết.
Từ trên đỉnh núi Chi-ta xa vời, mưa tuyết vẫn rơi tuyết đầy trời. Chợt nghe tin đến chân tay rụng rời.
Người lính em yêu ngã ngựa rồi. Không may gãy tay rồi còn đâu lấy taylành vuốt tóc em dài…
Tất cả chúng tôi gục đầu xuống, mơ màng nghĩ đến một điều gì rất xa, về một kỵ sĩ nào đó ngã ngựa, về khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà tôi mới kịp gửi thân theo học hai năm, về ngày nhập ngũ, về chiến trường Quảng Trị đang đỏ lửa mùa hè, đêm trăng vàng, sương buông đồi trung du ớn lạnh. Bỗng có tiếng vọng nghe thảng thốt.
– Hát nữa đi các anh!
Lập tức chúng tôi ngẩng đầu lên, thằng Hùng buông rơi cây đàn xuống cỏ: Sát hàng rào bên kia tập hợp đủ một tiểu đội chiến sĩ gái thấp thoáng dưới trăng, huyền ảo như những nàng tiên vừa bay từ trên trời xuống…
… Các bạn cựu chiến binh thân mến! Tôi nói điều này chỉ các bạn mới hiểu và tin chúng tôi, rằng: Ngay trong đêm đó, cái đêm huyền thoại, khi tiếng đàn nức nở lặng đi và những cái bóng eo lưng mặc quân phục mầu cỏ úa nhạt hiện ra bên hàng rào. Chúng tôi đã đến, đã nói chuyện và dường như đã quen nhau từ lâu lắm rồi, đã tìm nhau lâu lắm rồi, dường như chúng tôi đã yêu nhau. Hai đội binh đều áp sát hàng rào kẽm gai, từng đôi một xoắn xuýt tâm sự – như chúng ta thường nói là không biết mệt mỏi. Tôi mạnh dạn cầm tay “người chiến sĩ gái” dành cho tôi. Mãi đến cuối buổi, tôi mới biết được tên thật của nàng là Nụ. Lạ lùng thay, Nụ không có ý định rụt tay lại. Cổ tay Nụ tròn và mát. Tôi nhìn rất lâu vào cái cổ tay ấy rồi ngước lên thấy Nụ cười, một nét cười hiền lành và say đắm, mà sau này suốt hai mươi năm qua tôi không hề tìm thấy bất cứ ở đâu dưới gầm trời này. Bên cạnh tôi lúc đó cũng đầy tiếng thì thào khe khẽ và cảm động của bọn thằng Bá Hùng, Hoàng Sâm, Quốc Tuấn. Trong ánh trăng vằng vặc diễn ra một cảnh tượng hết sức kỳ dị trông như một vũ điệu huyền ảo: Tám đôi trai gái cầm tay nhau qua hàng rào kẽm gai mắt cáo mà cứ trân trân nhìn nhau, không thể nhúc nhích được vì các vòng kẽm gai sắc nhọn như những chiếc vòng khóa chặt các đôi tay.
Đêm ấy, khuya lắm chúng tôi mới rời nhau ra, không phải vì buồn ngủ hay mệt mỏi mà vì trời đang rạng dần. Cũng phải mười năm sau tôi mới hiểu vì sao các cô gái cơ yếu đó có thể chấp nhận tình cảm nhanh chóng và nồng nàn đến thế.
Các bạn có tin được không, cái cảnh cầm tay nhau như chuẩn bị khiêu vũ ấy tái diễn đến bảy đêm. Bọn chúng tôi, ban đầu do nghịch ngợm, đến thời gian sau nghe các cô kể chuyện mới thấy thương thương và mủi lòng thực sự. Chúng tôi hôn nhau qua hàng rào. Nụ của tôi nước mắt chứa chan. Tôi loay hoay xoay xở mãi mà không có cách gì ôm được nàng. Nụ cho biết, các cô phải làm việc dưới một chế độ kỷ luật rất nghiêm, vì như tôi nói từ đầu, đấy là một công việc cực kỳ quan trọng và tuyệt mật. Mỗi tháng các cô mới được ra khỏi hàng rào một lần và phải đi cùng nhau, hạn chế tiếp xúc với người ngoài, phải về trước giờ điểm danh buổi tối. Thường thì khi xuất ngũ hay phục viên các cô được giải quyết đồng loạt và ngay sau đó Bộ Quốc phòng thay mã khóa cơ yếu để đề phòng bị lộ.
Đấy, tình yêu của bọn chúng tôi nằm trong tình thế nghiệt ngã như vậy đấy.
Tôi thì không tin rằng sẽ còn đóng quân tại đó cho đến cái buổi mà Nụ của tôi được ra ngoài hàng rào. Tình hình chiến trường đang nóng như cơn sốt. ở Quảng Trị giặc đã phản công tái chiếm thành cổ. Bộ binh chiến đấu thiếu hỏa lực đột kích nên rất gian nan. Đơn vị hối hả hoàn thành các khoa mục cuối cùng. Đến những ngày cuối cùng tôi cuống lên. Tôi khao khát được một lần, một lần thôi ôm Nụ vào lòng, quàng tay vòng qua cái eo lưng mặc quân phục nổi lên đường cong đẹp như một thiếu nữ trong hội họa Phục Hưng. Tôi giống như chú nghé con bị nhốt trong chuồng vươn cái cổ khát khao với tới đám cỏ mới nhú lên sau những đêm mưa.
Một lần thôi rồi chết cũng được. Tôi quyết định đột nhập doanh trại đơn vị cơ yếu đặc nhiệm. Nghe tin này thằng Hoàng Sâm và Bá Hùng xúm lại can, các hắn vẫn chưa quên được bộ mặt băng giá của hai gã đàn ông khoác súng dạo nọ. Nhưng chí tôi đã quyết, không ai có thể ngăn cản được. Chiều hôm ấy, tôi đánh xe về đậu sát hàng rào húc đổ một cây bạch đàn. Mặc, tôi không sợ, có húc đổ một cây chứ mười cây tôi cũng húc. Tôi hồi hộp chờ trời tối: Thằng Sâm và thằng Hùng hứa giúp tôi. Phần tôi, tôi tranh thủ xác định lại hướng tiến đến cái “ki ốt” mà đêm đêm Nụ vẫn trực ca từ 20 đến 21 giờ.
Màn đêm buông xuống, lạy trời, đêm hạ tuần trời tối đen. Tôi đang đứng bên hàng rào dõi mắt về phía sâu trong doanh trại đến chỗ có mấy ánh đèn thắp ắc quy rồi. Trong đêm tối, cái tháp pháo quay chầm chậm nửa vòng trên xe rồi lặng lẽ gác cái nòng 100 ly đen trũi, lạnh buốt ngang qua hàng rào. Tôi lẩy bẩy ôm cái ống thép dài ngoằng ấy bò lên, vượt qua trên đầu hàng rào, rồi thả tay rơi xuống. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp. Tôi đang ở phía trong bờ rào, thuộc vùng cấm địa. Thằng Sâm đang quay cái nòng pháo trở ra. Chỉ ba phút nữa Nụ sẽ ngả vào vòng tay tôi, mềm mại như một thiên thần bé nhỏ. Thú thực trong giờ phút nghiêm trọng nhất cuộc đời ấy, tôi có thoáng nhớ đến gia đình, đến kỷ luật quân đội, đến tòa án binh, nhưng tất cả đều nhanh chóng mịt mờ đi: Chỉ ba phút nữa thôi, tôi sẽ ôm đầy vòng tay một cơ thể ấm nóng và hôn nàng mà không sợ bị thép gai cào cấu.
… Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa một lần biết hôn
Tiến lên, hỡi hiệp sĩ Tankistơ! Tôi thì thầm hô khẩu hiệu. Sau lưng tôi, cả hai thằng Sâm và Hùng đều áp người vào hàng rào giục: “Nhanh lên”. Và tôi tiến lên đến gần chỗ có ánh đèn hắt ra. Trong đêm cái ki ốt trông rất kỳ lạ, ma quái. Tôi ghé mắt nhìn qua kẽ hở và chợt bàng hoàng: Nụ đang ngồi nhận mật mã giữa một vầng sáng trắng ánh điện và vô số những máy móc rất lạ mắt.
Em ngồi đó như thiên thần mất ngủ!
Tôi thì thầm nhẩm một câu thơ không biết của ai hay là tôi mới nghĩ ra, rồi thu hết can đảm gõ vào cánh cửa. Mọi việc diễn ra sau đó tôi không đảm bảo là nhớ hết, nhưng cái cảm giác thì bây giờ đã hai mươi năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ, và mỗi lần nhớ đến tôi lại ớn lạnh. Đèn vụt tắt cánh cửa sắt bật mở nhanh và mạnh hơn tôi tưởng. Nụ xuất hiện trong bóng tối với bộ mặt đen thui cùng với khẩu súng nhỏ chĩa thẳng vào mặt tôi:
– Ai? đứng im, giọng hô sắc nhọn như một mũi kim.
Tôi cứng người hoảng hồn:
– A… Anh đây… Tư… ờng.
– Trời ơi, anh Tường. Chết mất thôi, anh chạy nhanh đi không người ta bắn chết bây giờ!
Tôi lắp bắp:
– Nụ, anh yêu em, cho anh…
– Biết rồi, anh chạy nhanh đi, anh vào đây bằng lối nào, mẹ ơi, cứu anh ấy với!
Tôi hoảng cả hồn, sợ gần chết, không biết trời đất là gì nữa. Nụ đút súng vào lưng quân phục dùng cả hai tay xô mạnh vào vai tôi, nhưng đã muộn: “Báo động”. Phía đằng sau vang lên những tiếng thét giật giọng, tiếng AK lên đạn, tiếng con chó béc giê gầm lên. Tôi chạy cuống cả chân tay. Đây rồi hàng rào kẽm gai, cái nòng pháo đang quay rất chậm. Đã nghe tiếng bước chân rào rào, ánh điện đèn pin loáng thoáng. Tôi cuống cà kê định lao đầu vào hàng rào nhưng lập tức dừng ngay lại, hàng rào mắt cáo rất dày và là một thứ kẽm gai rất sắc. May thay, cái nòng pháo đã hạ xuống, tôi bật người đu lên nhưng lại buột tay. Đêm, sương xuống ướt đẫm khối thép, cái chỗ tôi đu tay vào lại dính một tý mỡ trơn nhẫy. Tôi nhảy hai lần và thở phào co người lên.
– Đứng lại, giơ tay lên! – một ánh đèn pin chiếu thẳng vào lưng tôi, thốt nhiên cái “cần trục” ngưng lại. Tôi thét:
– Quay nhanh lên Sâm.
– Pằng!
Tôi lạng người, mắt hoa đom đóm, trong tia chớp hiểm nghèo vừa vượt qua, tôi còn kịp nghĩ rằng mình đã chết và buông tay cho người rơi xuống ngay sát hàng rào.
*
**
Nếu không có lệnh cấp tốc lên đường chiến đấu ngay sáng hôm sau, chắc chắn tôi đã phải ra tòa án quân sự và lãnh vài năm tù giam. Chỉ huy đã bảo vệ tôi và ký vào tờ cam kết với đơn vị bạn rằng, đó chỉ là trò trai gái thông thường. Mặc dầu vậy, trong vòng hai tiếng đồng hồ, quân báo đã lục tung cái sơ yếu lý lịch ba đời ăn củ chuối của gia đình tôi rồi mới tạm yên tâm cho tôi lái xe tăng vào Nam. Giây phút cuối cùng khi chuẩn bị lên đường, không cầm lòng được chúng tôi đã đến bám vào hàng rào gọi toáng lên, và các em đã đến. Cơn choáng “vượt rào” còn chưa qua, nghe chúng tôi thông báo lệnh đi chiến trường, các em bàng hoàng. Nụ, nước mắt đầm đìa cầm tay tôi khóc mãi điệp khúc:
– Tha lỗi cho em, tha lỗi cho em…
Giây phút ấy tôi có nhìn thấy những chiến sĩ cảnh vệ ban đầu. Họ ý tứ đứng xa nhìn lại. Mãi sau mới đến gần chào chúng tôi và nói lời thông cảm với vẻ mặt hết sức thân thiện. Thế là chúng tôi đi, khi lái xe lên tàu ở ga Vĩnh Yên chúng tôi mới nhớ ra rằng, chưa hề biết quê hương các em ở đâu và hòm thư của đơn vị các em. Cả một lời hẹn ngày về cũng không thằng nào kịp nói – thật là “ngu lâu” cả một bọn!
… Rồi, chiến trường đẫm máu cuốn chúng tôi đi…
*
**
Hỡi các em Nụ, Quang, Lài, Bích, Lâm… hiện giờ các em ở đâu? Đang là một phụ nữ nông dân lo toan miếng cơm, manh áo cho chồng con, vui vầy với khói lam chiều, giàn mướp, mái gianh, đang là một chủ sạp hàng chợ Châu Long, Đồng Xuân nào đó hay đã trở thành mệnh phụ, phu nhân một bộ trưởng, thứ trưởng, cục, vụ, viện nào đó? Dù các em đang là ai, phục vụ đức ông chồng nào cũng xin các em một phút – một phút thôi như buổi chia tay năm nào lên đường vào Nam đánh giặc – nhớ đến chúng tôi, những chú lính lái xe tăng nghịch ngợm nhất dưới gầm trời này. Những người lính thuộc trung đoàn huấn luyện 207 đã cùng các em làm nên những chuyện động trời mùa hè năm 1972 trên đồi bạch đàn Vĩnh Phú. Chúng tôi, hai mươi năm qua như Hoa Xuân Toàn, Phùng Anh Dũng, Nguyễn Tự Chính đã ngã xuống ở chiến trường như những hiệp sĩ chết vì quê hương và người đẹp. Có người bị thương cháy hết mặt mày đã lui về làm vườn, vào hội chiến binh vùng sơn cước. May thay chưa có ai chết vì trụy lạc xa hoa. Chúng tôi vẫn là những Hoàng Sâm, Quốc Tuấn, Mạnh Tường, Bá Hùng tuyệt diệu của các em. Tuy đuôi mắt có nhiều nếp nhăn, râu ria có mọc ra rậm rạp, nhưng trái tim chúng tôi vẫn trẻ trung, vẫn nguyên vẹn đến hoang sơ những kỷ niệm ngọt ngào với các em, cả mùa hè đầy lo âu khi là Tankistơ trên đồi Vĩnh Phú.
Vĩnh biệt những người bạn gái tốt nhất trên đời, hẹn gặp lại sau hai mươi năm nữa, như thể hai mươi năm qua chúng ta đã không thể gặp nhau.
Tác giả: Nguyễn Thế Tường – Giọng đọc: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *