Bài nổi bật

Hương dẻ – Nguyễn Ngọc Chiến

Giữa không gian, hoàn cảnh và công việc, quý vị thính giả dường như đều ủng hộ cho mối tình đẹp của đôi bạn trẻ trong truyện ngắn “Hương dẻ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến mà chúng ta vừa nghe. Bảo là bộ đội và Quế là cô giáo. Tình yêu giữa hai người nảy nở khi Bảo ra quân đi tìm việc làm. Và, cái kết quả “một đêm” đã xảy ra, trước lúc hai người chia tay khi Bảo bất ngờ nhận được tin mẹ ốm nặng, đang hấp hối, anh phải gấp gáp trở về quê hương, cũng là chuyện đương nhiên. Rồi đứa con trai “có hiếu”, muốn làm vui lòng mẹ trước lúc bà lâm chung, bằng việc cưới một cô gái không hề quen biết, không hề yêu thương, cũng là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm sau đó, Bảo phải sống bên người vợ “không yêu”, dư dả tiền của, nhưng tính tình quá quắt, chua ngoa. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Vợ chồng Bảo chia tay sau bao năm chung sống không hạnh phúc. Như chim sổ lồng, Bảo quyết định quay trở lại chốn xưa tìm người yêu cũ. Về phía Quế, quả là người phụ nữ tuyệt vời. Cô bất chấp dư luận để nuôi con, dù chưa một ngày làm vợ. Sỡ dĩ Quế không nhận lời yêu ai, vì cô hiểu mình hơn ai hết. Cô không thể sống hạnh phúc bên bất cứ người đàn ông nào, khi trong lòng không thể quên được Bảo. Bởi trái tim tươi xanh thiếu nữ đã khắc sâu một bóng hình đầu đời đậm nét. Quế đã chờ đợi để nuôi hoài một hình ảnh đẹp của quá khứ, chứ không phải nuôi một hy vọng sẽ có ngày Bảo trở lại. Dù rằng tác giả không trực tiếp miêu tả cuộc hội ngộ của hai người sau bao năm cách xa, nhưng người nghe tin là Quế sẽ chấp nhận sự trở lại của Bảo. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chi tiết Bảo phải lấy một cô gái theo sự sắp đặt của gia đình hơi đơn giản, chưa thực sự thuyết phục. Dẫu vậy, tình yêu của Quế và Bảo như hương thơm hoa dẻ, ngọt ngào, đằm thắm, lúc nồng nàn, khi phảng phất, cứ quấn quyện lấy hai người. Hoa dẻ là loài hoa dân dã, nhưng hương thơm của loài hoa này rất bền lâu, thơm cho đến lúc khô rồi vẫn còn thơm. Tình yêu của Quế và Bảo cũng vậy. Gian nan, thử thách rồi sẽ qua. Mất mát, chia ly rồi có ngày tái hợp. Quế và Bảo sẽ có những năm tháng chung sống hạnh phúc bên nhau. Chúng ta tin như vậy!

Chiếc xe thồ dừng lại, Bảo bước xuống, một tay xách va ly, một tay móc túi lấy tiền trả cho người lái xe, rồi cứ như thế anh đứng nguyên một chỗ đưa mắt nhìn quanh. Vào giờ này thị trấn vùng trung du thật vắng vẻ, yên tĩnh. Mặt trời đã khuất từ rất lâu bên kia những quả đồi hình bát úp. Ánh sáng yếu dần và thay vào đó là một màn đêm mờ đục đang từ từ buông xuống.
Bảo vừa từ thị trấn huyện lỵ đi tắt lên đây. Nói là đi tắt vì anh biết từ dưới ấy lên đấy vẫn còn có một tuyến đường khác là đường sông đi thuyền. Đi thuyền tuy chậm hơn đi xe thồ rất nhiều nhưng được cái lên đến tận nơi mà không phải lếch thếch cuốc bộ thêm một quãng đường nữa. Biết vậy, nhưng vào tầm ấy thuyền đã giã bến từ rất lâu. Cũng còn may ở đây bây giờ phương tiện xe thồ đã trở nên phổ biến, ai cần đi đâu, vào bất cứ giờ nào, người ta đều sẵn lòng phục vụ.
Cũng con đường năm nào Bảo từng qua lại như cơm bữa, nhưng giờ đây không còn gồ ghề, cong qua, ẹo lại, đất bụi mù mịt như ngày xưa nữa, mà đã là một con đường rải nhựa phẳng lỳ, óng mượt. Ngồi sau chiếc Deram II, Bảo thích thú nhìn ra hai bên đường. Phong cảnh ở đây cũng đã khác xưa nhiều lắm rồi! Chẳng còn gì là dấu tích của một thời đạn bom. Trước mặt Bảo tất cả đã là một màu xanh của cây lá. Và cả màu ngói đỏ tươi, màu tôn trắng xóa…Những sắc màu ấy tạo nên một không gian yên ả thanh bình.
Vượt qua một ngôi làng, chiếc xe bỗng rẽ vào một con đường đất sỏi chạy mấp mé bên bờ sông. Bất giác, Bảo nghe trong gió một mùi thơm gì đó rất xa xôi nhưng quen thuộc như là mùi thơm của hoa dẻ chợt dậy lên đầy quyến rũ. Anh nhấp nháy hai cánh mũi và quay mặt nhìn lại phía sau. Rồi lại nhìn ra hai bên, nhìn lên phía trước. Mùi thơm vẫn cứ thoang thoảng, ngất ngây đuổi theo anh. Đúng là mùi thơm của hoa dẻ thật rồi! Bây giờ đã là tháng năm ta, tháng của mùa dẻ nở hoa đây mà. Thật là trớ trêu khi anh bắt gặp lại chúng ở đây, ngay từ những giây phút đầu tiên này. Bảo đã từng ao ước, ao ước đến cháy lòng trong một ngày nào đó được trở lại nơi đây. Có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh quyết định thực hiện một việc gì đấy mà anh phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng như lần ra đi này. Anh biết rất rõ chuyến đi này sẽ có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc đời anh ra sao. Và dù chưa biết sẽ là thế nào, thâm tâm Bảo vẫn hằng tin có một điều gì đó rất tốt đẹp đang đợi anh ở phía trước. Cách đây vài ngày khi còn đang ở quê, thằng bạn thân nhất của anh trong lúc ngồi nghe anh giãi bày, tâm sự chuyện riêng đã chồm dậy vỗ vai anh một mực động viên: “Tốt nhất là cậu cứ đi đi một chuyến xem sao, đi đi một chuyến cho toại nguyện…”. Và thế là sau một trận xung đột nữa diễn ra giữa hai vợ chồng anh, một trận xung đột mà anh nhận ra thế là từ nay cái gia đình nhỏ bé của anh đã hoàn toàn đổ vỡ, một sự đổ vỡ không thể có cách gì hàn gắn được, anh đã quyết định giải phóng mình và ra đi. Ra đi mà không một chút mảy may lưu luyến, ân hận gì.
Hôm nay, khi ô tô tốc hành vào đến thị xã huyện lỵ, lúc ấy đã quá chiều, anh định nghỉ lại một đêm ở đấy rồi sáng mai mới đi tiếp. Nhưng anh cảm thấy rất sốt ruột, nên đã thuê xe thồ đi ngay. Bây giờ thì anh đã có mặt ở nơi anh cần đến, gặp lại con sông, gặp lại những triền đồi và gặp lại cả cái hương vị nồng nàn của hoa dẻ năm nào.
Đây là một xã vùng trung du vừa được nâng cấp lên thị trấn. Cái thị trấn còn quá nghèo nàn, tạm bợ, nhưng lòng người thì thật rộng mở, mến khách. Tạm biệt người lái xe thồ, anh vào một quán trọ nhỏ nằm bên rìa thị trấn xin nghỉ nhờ. Anh muốn tắm rửa thật sạch và ngủ một giấc thật ngon trước lúc anh đi tìm gặp lại người ấy. Nhưng anh đã không tài nào ngủ được. Căn phòng anh trọ có một ô cửa hướng về phía ấy. Anh ngồi dậy nhìn qua ô cửa. Trước mắt anh là một trời đầy sao. Những ngôi sao cứ lấp lánh như mắt ai đợi chờ. Và cả gió nữa. Gió ùa vào phòng. Lạ thay, trong gió đêm bỗng sực nức mùi hoa dẻ. Ôi, hoa dẻ! Hương hoa ngây ngất một thời…
* * *
Cầm tờ quyết định xuất ngũ và tờ giấy giới thiệu xin việc làm do đơn vị cấp nhét vào túi áo ngực rồi mang ba lô, bắt tay hết lượt anh em, Bảo cuốc bộ một mạch ra đón xe đò xuôi về thị xã. Anh đang cần tìm một việc gì đó để làm. Cái khái niệm “tìm việc” của Bảo lúc đó rất đơn giản. Việc gì cũng được, nặng nhẹ gì cũng được, miễn sao việc đó đừng quá lôi thôi, lếch thếch, đừng quá khả năng của anh. Với một bản lý lịch ba đời trong sạch, một quá trình công tác luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một tờ giấy giới thiệu xin việc có chữ ký của đại tá tư lệnh sư đoàn và với một thân thể cường tráng, một khuôn mặt điển trai, Bảo chắc mẫm trong bụng là với những “tấm bùa hộ mệnh” này thế nào anh cũng xin được việc làm. Một chân bảo vệ, một nhân viên tạp vụ hay một việc gì đại loại như vậy giữa thời buổi này đâu phải là việc khó tìm. Gần một tuần lang thang ở thị xã, vào hết cơ quan này đến cơ quan khác, tiêu gần hết số tiền phụ cấp mang theo, Bảo vẫn không thể nào xin nổi một việc làm. Cơ quan nào cũng thẳng thừng từ chối không nhận anh với đủ lý do. Nào là “Xí nghiệp đang thừa người”, nào là “Đơn vị chưa có chỉ tiêu tuyển thêm nhân viên”, nào là “Công ty không nhận người ngoài tỉnh”. Có một cơ quan người cán bộ khi xem xong giấy tờ của anh thì cười khì khì rồi lặng lẽ bỏ đi không nói một lời.
Bảo thưng thửng bước trên hè phố cũng không biết là mình phải định liệu ra sao cho thân phận mình lúc ấy. Chỉ còn một cách duy nhất là về quê. Quê Bảo ở một tỉnh Bắc Bộ, chắc sẽ không khó xin việc như ở đây. Nghĩ vậy và anh rảo bước ra bến xe. Đang cắm cúi bước, anh thấy có một bàn tay ai vỗ nhẹ lên vai anh và một tiếng reo bật lên: “Kìa, Bảo!”. Bảo giật mình quay lại. Anh nhận ra chú Cường. Chú Cường là người làm đáy lưới khai thác cá ở thượng nguồn con sông gần chỗ đơn vị Bảo đóng quân. Nghe đâu nghề đáy lưới chỉ là một nghề phụ mà mỗi ngày đêm chú cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Hồi đơn vị Bảo còn đóng quân cạnh bờ sông, anh em nuôi quân vẫn thỉnh thoảng mua cá của chú. Chú bán cho bộ đội rất rẻ, lại lâu lâu cho thêm quả bí, quả bầu hoặc mớ rau liệt. Nghề chính của chú là nghề trồng rau liệt. Rau liệt là một loại rau đặc sản mà chỉ riêng làng chú mới trồng được. Vậy là túc tắc quanh năm chỉ với một giàn lưới khai thác cá và hơn một sào ruộng trồng rau liệt mà chú đã lo được cuộc sống cho cả gia đình. Chú còn dành dụm làm được cả một cái nhà rường ba gian bằng gỗ lim, lợp ngói rất khang trang. Chú có cô con gái đầu tên là Quế năm ấy học cấp ba. Vào những ngày chủ nhật, Quế thường rủ mấy cô bạn gái chèo thuyền sang bên này sông tìm gặp Bảo để hỏi anh về bài vở. Lúc bài toán, lúc bài văn và có lúc chỉ là bài báo tường. Dù kiến thức của Bảo lúc ấy chỉ nhỉnh hơn các cô một, hai lớp nhưng anh vẫn sẵn lòng. Bài nào khó, vượt khả năng, Bảo tìm người khác giảng hộ. Không thiên vị, nhưng công bằng mà nói, trong đám nữ sinh, Bảo và anh em cùng dành sự quan tâm nhiều nhất cho Quế. Quế học không giỏi nhưng ham học. Điều gì cần hỏi về bài vở thì Quế hỏi đến tận cùng ngóc ngách mới chịu thôi. Tính Quế lại vui nhộn, một sự vui nhộn có pha chút tinh nghịch nên dễ mến, dễ gần. Mỗi lần sang hỏi bài, bao giờ Quế cũng mang theo vài chùm hoa dẻ mà Quế nói là để tặng cho các chú bộ đội. Những chùm hoa dẻ vàng sẫm, đung đưa những cánh hoa lúc nào cũng thơm ngát cả căn phòng. Thỉnh thoảng Bảo còn thấy Quế gài cả một bông hoa dẻ khô trên tóc. Ngồi cạnh Quế giảng bài, anh luôn cảm nhận được hương thơm thoang thoảng từ tóc Quế tỏa ra. Quế thích học thêu nên lúc nào cũng kè kè đôi que đan và cuộn len trong túi. Có lần Quế đã một mình sang sông nài nỉ Bảo vẽ giúp cho bằng được một chùm hoa dẻ lên chiếc khăn mù soa mới mua để thêu. Không có khiếu vẽ nhưng nhờ có chùm hoa dẻ, anh đã nhìn vào đó vẻ được bông hoa dẻ rất đẹp cho Quế. Mấy ngày sau Quế đã mang sang khoe với anh chiếc khăn mù soa có bông hoa dẻ mà cô đã thêu xong. Bông hoa dẻ màu vàng nở xòe năm cánh với một đôi bướm đang dập dờn lượn quanh. Ngày đơn vị Bảo chuyển quân đi nơi khác, Quế đã rủ các bạn xin phép nghỉ học một buổi để ở nhà chia tay với đơn vị. Quế vẫn cài trên mái tóc bông hoa dẻ khô và lúc xe chuyển bánh Bảo đã nhìn thấy đôi tay bé nhỏ của cô đưa cao chiếc khăn mù soa vẫy theo các anh…
Chú Cường nổi cáu khi nghe Bảo kể chuyện đi xin việc. Chú còn mắng anh là người tệ bạc. Từ ngày đơn vị chuyển đi tới nay, cả một thời gian dài như thế, phận chú già cả, bận trăm công nghìn việc, không đến thăm Bảo được thì chớ, chứ còn Bảo trẻ mỏ thế kia, lại có điều kiện rảnh rỗi hơn, thế mà không thèm vác mặt đến thăm chú lấy một lần. Đến cả việc ra quân, đi tìm việc mà cũng im re thì lại càng tệ. May mà hôm nay chú có việc lên thị xã, không thì có lẽ hai người đã chẳng bao giờ gặp lại nhau. Nghe chú Cường mắng, Bảo chỉ lặng im tủm tỉm cười. Anh biết chú Cường rất quý anh nên mắng yêu anh. Chú còn nói với anh bây giờ không phải ai cũng dễ dàng xin được việc làm. Mà tìm việc theo cách của anh thì còn lâu mới tìm được. Nó thiếu nhiều yếu tố lắm! Mà cái yếu tố quan trọng nhất, cần thiết nhất thì anh lại không có. Chú cười xòa. Cái thời buổi nó lạ lùng, nó quỷ quái thế đấy cháu ạ! Chú khuyên anh đến nước này thì về nhà chú. Về nhà chú làm gì đấy một thời gian kiếm thêm ít tiền rồi muốn về quê hay đi đâu thì đi. Nhà chú bây giờ neo người lắm! Giọng chú trầm hẳn lại – Vợ chú mất gần hai năm nay rồi. Thằng em trai thì đã học hết phổ thông, bây giờ đang theo học trung cấp cơ điện. Còn Quế, cô con gái đầu của chú bây giờ đã là cô giáo cấp một mới ra trường, tháng chín tới là bước vào dạy học năm đầu tiên tại trường làng. Nghe chú Cường khuyên vậy, Bảo đã theo chú về nhà.
* * *
Làng Hảo như một thung lũng nằm lọt giữa hai quả đồi. Vì thế nên mỗi ngày, vào buổi sáng mặt trời thường đến muộn và vào buổi chiều mặt trời thường tắt sớm. Dưới chân hai quả đồi là vô số những ghềnh đá to nhỏ mang đủ hình thù, dáng dấp khác nhau. Những ghềnh đá ấy nằm rải rác khắp cánh đồng làng Hảo trông từ xa giống như một đàn voi đang nằm nghỉ. Lúc vào gần chân đồi thì những ghềnh đá ấy lại kết thành bè thành khối trong như những toa tàu toa xe rồi ăn sâu vào lòng đất. Những con suối, con khe được tạo ra ở đây cũng bắt đầu từ những ghềnh đá này. Và nước. Nước từ những con suối, con khe ấy cứ bình thản chảy quanh năm ra cánh đồng rau liệt làng Hảo. Nước mới trong và mát làm sao! Có lẽ do những đặc điểm này về đất đai thổ nhưỡng mà người đời xưa chốn này đã biết tạo ra ở đây một loài rau quý hiếm có một không hai. Và cũng vì thế mà làng Hảo còn có một tên gọi khác là Làng rau liệt.
Đúng là làng rau liệt nên đi đâu Bảo cũng gặp rau liệt. Rau liệt dưới ruộng, rau liệt trên bờ. Rau liệt trong nhà ngoài sân và cả trên những đôi vai gồng gánh. Cái giống rau đến là lạ. Trông hình dáng bên ngoài thì có vẻ giống rau cần ở quê mình. Bảo nghĩ. Thế mà môi trường sống từ đất, nước, khí hậu…lại chẳng giống rau cần một tý nào. Vì cũng là bùn là nước như rau cần nhưng với rau liệt thì bùn phải là thứ bùn pha sỏi và nước thì phải là thứ nước luôn luôn chảy mà phải chảy từ trong núi đá, hang động ra. Chả trách rau liệt khó trồng nên quý hiếm cũng phải. Bữa cơm đầu tiên Bảo ăn ở nhà chú Cường là bữa cơm thịt bò xào rau liệt. Quế đã tự tay làm món ăn từ sản vật quê nhà để đãi khách. Đã từng ăn cơm với rau liệt nhiều lần nhưng chưa lần nào Bảo thấy ngon miệng như lần này.
Nghỉ ngơi đúng một ngày, Bảo rủ chú Cường mang bộ đồ nghề ra ruộng chẻ đá. Ở làng Hảo nhà nào dọn đi được nhiều đá thì nhà ấy sẽ có nhiều ruộng trồng rau liệt. Nhà chú Cường hiện chỉ có một sào. Nếu chịu khó phá đi được mấy cái giàn đá quanh đấy chú sẽ mở rộng thêm ra được một sào nữa. Mà có thêm một sào ruộng để trồng rau liệt thì quý vô cùng. Bởi, một sào rau liệt chỉ với thời gian có bốn tháng chăm sóc, thu hoạch là đã có thể thu được chục triệu đồng dễ như chơi. Nhưng đào đá, chẻ đá là một công việc nặng nhọc mà không phải bất cứ ai cũng có đủ sức khỏe để làm.
Chú Cường và Bảo làm quần quật suốt mấy ngày liền mà cũng chỉ bốc đi được có mấy giàn đá con. Còn giàn đá mẹ thì vẫn nằm chình ình như một con cá mập xám khổng lồ nhe răng ra thách thức. Hai chú cháu mệt phờ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Những ngày đầu do chưa quen với công việc nặng nhọc, Bảo thấy rã rời khắp mình mẫy, chân tay. Hai lòng bàn tay bong da phồng rộp lên đau nhức như có muối xát. Anh phải dùng đến găng tay để quai búa và bẩy xà beng. Như thế đâu đã hết cực nhọc. Tháng năm chỉ mới sáng ra nắng đã đổ lửa lên đầu. Mỗi một nhát búa nện vào đá càng thêm chát chúa, đinh tai nhức óc. Tiếng búa dội vào không gian, vọng trong rừng cao su và lan ra tận con đường cái. Rồi lúc búa đập vào đá, những mảnh đá nhỏ li ti, nhưng nhọn và sắc như dao cạo bắn ra tung tóe. Mỗi một nhát búa nện xuống là có đến hàng chục mảnh đá bắn ra. Trên người Bảo đã có ít nhiều thương tích do mảnh đá bắn vào. Ban đầu do không quen với tiếng búa, anh thường bị ù tai, đau nhức hai lỗ tai. Chuyển đá, vác đá cũng là một cực hình. Đá thì gồ ghề góc cạnh, lại hòn nào hòn ấy nặng hàng chục, hàng trăm kilôgam mà phải dời đi xa hàng chục hàng trăm mét. Được một tuần thì Bảo quen dần với công việc. Anh thấy mình khỏe hẳn ra, hăng hái lên. Cái ghềnh đá cứ bị vỡ dần, bốc dần từng mảng. Rồi cuối cùng để lộ ra nền đất bazan đỏ tươi như màu gạch chịu lửa. Nhìn mảnh ruộng dưới chân cứ càng ngày càng phình to ra, cả chú Cường và Bảo như chẳng còn biết mệt mỏi là gì.
* * *
Hằng ngày, vào tầm khoảng chín giờ trưa và ba giờ chiều Quế lại mang bữa ăn lỡ ra cho hai người. Món ăn luôn được Quế thay đổi để hai người ăn được ngon miệng, có sức khỏe làm việc. Bao giờ xong việc Quế cũng nán lại một lúc leo lên một tảng đá to, rồi ngồi vắt vẻo trên đó nhìn bố và Bảo chẻ đá. Có hôm cô quên cả việc nhà cứ ngồi lỳ trên tảng đá không chịu về. Quế rất thích nhìn Bảo chẻ đá. Cô có thể ngồi như vậy cả buổi để ngắm anh, ngắm mà không bao giờ thấy chán nản, ngại ngùng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời Quế được tự do, thỏa thích ngắm nhìn một người con trai xa lạ đang mình trần, chân đất làm việc. Ôi! Trông cơ thể anh mới đẹp đẽ rắn chắc làm sao! Đôi tay anh quai búa cũng thật nhịp nhàng, uyển chuyển làm sao! Những tảng đá dù có lầm lỳ, ương ngạnh đến đâu cũng phải vỡ toác ra dưới đôi tay mạnh mẽ của anh. Anh làm việc lại tận tình, dẻo dai như tranh cả phần việc của bố. Những cái búa tạ, búa con, sáo, chạm, xà beng… như đã quen thuộc với anh từ lâu. Anh sử dụng chúng một cách thành thạo, bài bản chẳng khác gì một người thợ chẻ đá chuyên nghiệp. Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa những ghềnh đá như những toa tàu toa xe kia sẽ phải vỡ vụn ra tất cả. Ruộng nhà cô sẽ rộng gấp đôi tha hồ mà trồng rau liệt. Mà bố thật là người may mắn, tự nhiên gặp lại Bảo rồi rủ được anh về nhà. Bổng lộc gì cho anh chẳng thấy chỉ thấy anh làm việc vất vả suốt ngày. Nhiều hôm, Quế thấy anh mệt mỏi, không ăn được, cô cứ thấy thương thương. Rồi những vết trầy xước trên người anh do mảnh đá bắn vào, mỗi lần rửa nước muối cho anh, Quế lại thấy lòng mình đau đớn. Quế nhớ hôm anh đến, cô đã vừa thẹn thùng vừa sung sướng khi gặp lại anh. Bảo vẫn như ngày nào hồi đóng quân bên bờ sông. Ngày ấy, anh đã tận tình giúp cô và các bạn cô học bài. Gần bốn năm trôi qua. Quế đã vụt lớn lên. Người cô đẫy ra, nở nang hơn, rắn rỏi hơn. Quế có một đôi mắt hình lá răm rất đen, luôn luôn hiển hiện một cái nhìn vời vợi, xa xăm. Càng lớn lên, Quế càng đằm thắm, dịu dàng. Có lẽ vì thế mà chút tinh nghịch trong tính cách vui nhộn của Quế cũng không còn như thời nữ sinh. Quế vẫn say mê hoa dẻ, vẫn thích thêu thùa. Trong căn phòng của Quế vì thế mà lúc nào cũng có vài chùm hoa dẻ và cuộn len trên bàn. Ước mơ lớn nhất của Quế khi còn học phổ thông là sau này được làm cô giáo. Vì thế khi học hết cấp ba, Quế đã thi vào trường sư phạm. Và Quế đã ra trường đang chờ ngày đi dạy. Cứ hình dung tới ngày ấy là cô vừa hồi hộp vừa sung sướng. Mà cái nghề này thật lạ, ra đường ai cũng tôn trọng, ai cũng quý mến. Với Quế cũng vậy, dù chưa một ngày đi dạy, thế mà gặp ai, họ cũng chào hỏi niềm nở, còn xưng hô thì một điều cô giáo, hai điều cô giáo, khiến Quế cứ cảm thấy ngường ngượng thế nào ấy. “Em đã đi dạy đâu mà gọi em là cô giáo.” Có lần Quế đã vừa cười vừa nói như vậy với mấy anh bạn hàng xóm. “Đằng nào thì cô cũng là cô giáo dạy con chúng tôi, chúng tôi cứ gọi trước đi là vừa”. “Đến lúc ấy hẵng hay, còn bây giờ các anh không thấy em đang đi bán rau liệt đấy ư!”, “Quế ơi! Tụi anh nghe nói có một chàng công tử đến ở nhà em giúp bố em chẻ đá khỏe lắm và hái rau liệt nhanh lắm có phải không? “. “Nhanh nhanh lên cho tụi anh ăn trầu hút thuốc với Quế nhé!”. Các anh trêu gì thì Quế chỉ im lặng mỉm cười.
* * *
Vụ thu hoạch rau liệt năm nay đúng vào những ngày chú Cường và Bảo đang phải chẻ đá. Quế cũng ngày ngày phải gánh rau ra chợ. Chợ không xa nhưng đường đèo dốc rất khó đi. Vậy mà gánh rau nào Quế cũng chất tới cả trăm bó. Sung sướng nhất là vào lúc thu hoạch rộ. Lúc ấy Quế không phải gánh rau đi chợ nữa mà chỉ việc ở nhà cắt rau, bó rau để bỏ sỉ cho các mối từ chợ tỉnh, chợ Thành Cổ và cả chợ Đông Ba từ Huế ra. Bán vậy tuy giá cả có rẻ đi rất nhiều nhưng được cái khỏe thân và lại có thời gian làm việc khác. Bảo vẫn thỉnh thoảng giúp Quế thu hoạch rau. Thu hoạch rau liệt cũng giống như thu hoạch rau cần ở quê anh. Hồi còn ở nhà đang đi học, Bảo cũng đã từng giúp mẹ thu hoạch rau cần. Anh còn giúp mẹ dùng xe đạp thồ rau lên tận chợ. Quế rất vui mỗi khi có Bảo cùng làm. Cô để ý thấy Bảo cắt rau thật là nhanh và bó rau cũng thật là đẹp. Đôi tay anh cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt, Quế phải cố gắng lắm mới theo kịp. Bảo có dịp khám phá thêm về loài rau đặc sản quê Quế. Thật hiếm có một loài rau nào chỉ chấp nhận sống sạch sẽ và lại phát triển khỏe như rau liệt. Không cần phân tro, thuốc hóa chất; không cần làm cỏ, sục bùn bao giờ mà rau vẫn cứ lên mơn mởn. Cắt xong một lứa rau, cứ để vậy, chỉ cần mươi bữa, nửa tháng là đã có lứa rau mới. Mỗi vụ rau liệt thường có tới năm, sáu lứa như vậy. Rau liệt lại quý hiếm, dễ ăn: Nấu, xào, luộc, ăn sống…đều được nên ai cũng ưa, vì thế chẳng bao giờ sợ ế. Nhìn Bảo, đôi mắt Quế như muốn nói với anh rằng, làng Hảo của em là như thế đó anh ạ! Ruộng ít, người đông, cây lúa không nuôi nổi người, nên cây rau liệt đã từ lâu gắn bó với người nông dân làng em, trở thành nguồn sống chính của tất cả mọi gia đình. Anh biết không, rau liệt chỉ là ngọn rau nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng ngày xưa nó đã được đưa vào Huế làm vật dâng vua và thiết đãi các vị quần thần quan lại, coi như là đặc sản của vùng sơn cước do người nông dân lam lũ làm nên. Ngọn rau liệt đã được nhà vua hài lòng ngợi khen và khuyến khích phát triển. Thời chiến tranh làng em trở thành chiến trường, tan hoang vì bom đạn, người dân tứ tán khắp nơi, rau liệt sống nhờ trời nên đã gần như mất giống. Hòa bình, mọi người mới trở về gom nhặt lại từng cọng rau để gây dựng lại được như hôm nay. Bây giờ thì rau liệt làng em đã có mặt khắp mười lăm chợ lớn nhỏ trong tỉnh, ra cả các chợ lân cận ngoài tỉnh. Làng em là vậy đó, anh thấy thế nào, anh Bảo? Còn quê anh thì đã có lần em được anh kể cho nghe rồi. Em thích nhất dòng sông có cái tên đẹp như tên một người con gái: Sông Như Nguyệt. Anh nói rằng làng anh ở cạnh con sông ấy. Cả tuổi thơ của anh đã gắn bó êm đềm với dòng sông ấy. Anh còn nói rằng, quê anh có rất nhiều các loại cây ăn quả, quả gì cũng ngon nhưng anh thích nhất quả nhãn. Nhà anh có rất nhiều nhãn, tất cả đều được trồng quanh bờ ao. Những trưa hè nóng nực, mỗi lần leo lên cây hái nhãn, anh thường từ trên cao nhảy ùm xuống ao vẫy vùng trong làn nước mát. Cái ao thì một vụ nuôi cá, một vụ trồng rau cần. Nhắc tới rau cần anh lại thấy cay cay ở khóe mắt. Có những hôm đi cắt rau liệt cùng em, em đã nhiều lần thấy anh đứng ngẩn ngơ bên ruộng rau liệt. Có phải vì rau liệt ở quê em rất giống với rau cần ở quê anh nên đã làm anh nhớ đến quê hương không, anh Bảo? Rồi em sẽ đưa anh lên mấy quả đồi bên kia tìm hái hoa dẻ cho anh đỡ buồn. Hoa dẻ chỉ là một loài hoa sống hoang dại nhưng cũng rất đẹp, rất thơm phải không anh? Anh có yêu hoa dẻ không? Còn em, em rất yêu hoa dẻ, em yêu từ tấm bé và cho đến bây giờ em vẫn còn say mê chúng. Đi với em vài lần rồi thì anh cũng sẽ say mê hoa dẻ như em cho mà xem. Bảo đã cùng Quế đi hái hoa dẻ không phải một lần mà là nhiều lần. Bảo để ý thấy Quế rất vui trong những lần cùng anh đi hái hoa dẻ. Anh cũng rất vui khi được đi bên Quế, được thỏa mắt nhìn ngắm cô. Anh cảm nhận được ở Quế không chỉ là một cô gái có vẻ bề ngoài xinh đẹp, duyên dáng mà ở trong con người Quế, anh còn nhận thấy như đang tiềm ẩn một sức sống về nội tâm thật mạnh mẽ, khác thường. Có lẽ đây là nét chung của tất cả mọi cô gái vùng sơn cước mà anh đã từng gặp, từng tiếp xúc.
* * *
Rất khuya rồi mà thị trấn vùng trung du vẫn chan hòa ánh điện và rộn rã tiếng nói cười. Bảo nhìn ra bên ngoài thấy các tiệm cà phê, quán karaokê vẫn còn rất đông người, chủ yếu là các chàng trai, cô gái trẻ. Họ xúng xính trong những bộ áo quần nhiều màu sắc, hợp thời trang. Trông họ, ai cũng trẻ trung, duyên dáng và thật đáng yêu. Mười lăm năm trôi qua rồi. Hồi đó Bảo cũng đang độ tuổi như họ, Quế cũng đang độ tuổi như họ, cả hai đang tràn đầy sức sống. Chỉ có khác là hồi ấy, ở đây, ngay chính chỗ trung tâm thị trấn này, tất cả hãy còn là một vùng đồi đầy lau sậy, sim mua và chi chít hố bom, hố pháo. “Tiếng trống trận từ Do An vọng tới, đàn ta lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng mừng thắng trận quê em…”. Từ trong một cái quán karaokê nào đó chợt ngân lên du dương một bài hát quen thuộc nói về vùng đất này. Bảo xúc động nghe như muốn nuốt lấy từng lời của bài hát. Mười lăm năm trước, anh cũng đã từng được nghe Quế hát bài hát này. Đó là những hôm anh cùng Quế lên đồi hái hoa dẻ. Hồi đó, hoa dẻ có rất nhiều ở vùng đồi Do Linh này. Bây giờ không biết hoa dẻ có còn nhiều không? Và mùi thơm từ hoa dẻ thoảng vào phòng lúc này không biết là có thật không hay chỉ là ảo giác? Bảo nằm xuống, nhắm mắt lại, cố quên đi mọi chuyện để ngủ lấy một lúc, nhưng không được. Mùi hoa dẻ vẫn thoang thoảng đâu đây. Và cả Quế nữa. Hình ảnh em cứ chập chờn lúc ẩn lúc hiện trước mắt anh. Thôi thì hãy cứ thức hết đêm nay để nhớ về em, người con gái một thời anh yêu tha thiết. Đã quá lâu rồi, không biết Quế có còn nhớ đến anh như anh đã từng nhớ Quế không? Quế ơi! Có bao giờ em thả hồn em trôi về với dĩ vãng để nhớ về một thời tươi đẹp của chúng mình không? Có bao giờ em thầm gọi tên anh không? Quế ơi, anh đang trở về cùng em đây!
* * *
Cái giếng cổ ở làng em là nơi anh và em thường phải đi qua đấy, mỗi khi chúng mình ra thăm ruộng rau liệt hay lên đồi tìm hái hoa dẻ. Bao giờ đi qua đấy, Quế và anh cũng nán lại, rồi cùng đến bên thành giếng soi mặt xuống làn nước trong xanh. Làn nước lặng yên, không một gợn sóng hiện rõ khuôn mặt của hai người với hai nụ cười rạng rỡ. Quế thường nói với anh, giếng làng là nơi thiêng liêng nhất của làng. Vì thế mà nhiều đôi trai gái khi yêu nhau đã chọn giếng làng làm nơi thề hẹn lòng chung thủy, ngày hạnh ngộ. Khi xa quê hương, bôn ba nơi góc bể chân trời, ai ai cũng nhớ về giếng làng. Bảo nhìn vào mắt Quế và như thấy trong đôi mắt rực sáng của em có những vì sao lấp lánh trong đó. Cả hai cùng đỏ mặt. Từ giếng làng, Bảo và Quế phải đi bộ thêm một quãng đường khá xa nữa mới đến được quả đồi có nhiều hoa dẻ. Đường chênh vênh khó đi, bao giờ Quế cũng phải nắm lấy tay anh. Đến nơi, nghe mùi thơm của hoa dẻ tỏa ra từ hướng nào thì đi về hướng đó. Quế từng nói với Bảo, tìm hoa dẻ là tìm bằng mũi chứ không phải tìm bằng mắt. Đúng thế thật. Cả một vùng đồi, cây cối um tùm, rậm rạp nếu không cảm nhận được mùi thơm của hoa dẻ thì quả thật khó tìm. Bảo đã sục vào bất cứ nơi nào có hương thơm của hoa dẻ và anh đã tìm được chúng. Có hôm, Quế và anh đã tìm hái được cả một nón hoa dẻ đầy. Mang về, Quế phân phát cho bạn bè mỗi đứa một chùm còn bao nhiêu Quế để dành riêng cho Quế. Hoa dẻ thơm lâu, thơm cho đến lúc khô rồi vẫn còn thơm.
Tháng chín Quế bắt đầu đi dạy học. Tháng chín cũng là tháng tâm điểm của mùa mưa. Mùa mưa cũng là mùa của nấm tràm, nấm mỡ mọc khắp nơi, tha hồ hái về ăn. Bảo đã đến ở với chú Cường được bốn tháng. Rau liệt cũng đã vãn mùa. “Đàn voi đá” cũng đã được hai chú cháu dọn sạch sẽ, tươm tất. Ruộng trồng rau liệt nhà chú Cường đã được mở rộng gấp đôi. Chú Cường phấn khởi lắm! Nhưng phấn khởi hơn có lẽ vẫn là Quế. Cô nói với Bảo: “Ước mơ cả đời của bố em đấy! Không có anh thì chẳng biết đến bao giờ bố em mới thực hiện được. Em biết ơn anh nhiều lắm!”. “Vậy thì trả ơn đây!”. Bảo đùa. Quế cười để lộ hai hàm răng trắng đều sin sít: “Anh muốn trả ơn gì… em à, bố em cũng đồng ý hết”. “Thật không?”. “Thật!”. “Vậy anh nói nhé!”. “Vâng, anh nói đi!”. “Anh… Bảo lấp lửng – Thôi, anh chẳng nói nữa, vì có nói ra em cũng chẳng đồng ý đâu”. Bảo cười, ngước lên nhìn Quế, bắt gặp đôi mắt của Quế nhìn anh đằm thắm, dịu dàng. Những ngày chủ nhật, Quế thường rủ Bảo đi hái nấm về ăn. Em xắn quần ngang gối, xách theo một chiếc giỏ mây cùng Bảo lội bộ lên mấy ngọn đồi. Hai người chỉ nhặt một lúc là đã có giỏ nấm đầy. Nấm tràm, nấm mỡ nấu canh với rau lang không cần cho thêm bất kỳ một thứ gia vị nào mà vẫn ngon, vẫn ngọt. Quế ăn xong rồi vẫn thích ngồi nán lại nhìn Bảo ăn. Bảo không ngờ đó là những bữa cơm cuối cùng anh được ngồi ăn cùng Quế. Anh vừa nhận được thư của gia đình báo tin mẹ anh ốm nặng, đang hấp hối. Bảo đọc được trong đôi mắt của Quế một nỗi buồn xa xăm khi cô biết anh sẽ phải xa nơi này. Đêm cuối cùng họ cầm tay nhau lững thững dạo bước trên con đường làng. Ánh trăng đêm ấy sáng như ban ngày, soi rõ cả những giọt sương trên tóc Quế. Đâu đó, bên những quả đồi thỉnh thoảng lại cất lên lanh lảnh tiếng kêu của một con mang lạc bầy. Quế nép vào người Bảo như muốn tìm sự chở che. “Mai anh đi rồi, em tặng anh cái này…”. Tiếng Quế thì thầm phả hơi nóng vào mặt anh. Bảo run run nắm lấy tay Quế đón nhận vật kỷ niệm. Anh ấp nó vào ngực rồi vào mũi. Vật kỷ niệm Quế trao anh là chiếc khăn mù soa năm nào của Quế. Trong chiếc khăn ấy anh đã vẽ và Quế đã thêu lên đó một chùm hoa dẻ với đôi bướm đang dập dờn lượn quanh. Bảo kéo Quế sát vào người anh, rồi như sợ phải xa Quế, anh vòng tay ôm lấy cô. Hương thơm ngọt ngào từ mái tóc Quế tỏa ra khiến lòng anh bồi hồi xao xuyến. Anh càng ôm lấy Quế chặt hơn và lần đầu tiên trong đời anh được hôn một người con gái. Anh hôn vội vả, điên cuồng, say mê lên khắp khuôn mặt của Quế. Cả không gian lặng phắc như chỉ còn có tiếng thở và tiếng thì thầm của hai người. “Quế ơi! Anh yêu em tha thiết, anh yêu em ngay từ cái hôm anh gặp lại em…”. “Mai anh đi rồi, em sẽ buồn, sẽ nhớ anh mà chết mất”. “Anh… Anh sẽ trở lại với em”. “Đừng… đừng làm vậy anh… đừng… đừng… em sợ…”. Tiếng Quế đuối dần. Và bóng hai người thấp dần xuống, dần xuống. Rồi sau cùng chìm hẳn giữa những bụi mua ven đồi. Hơi thở Quế hổn hển. Toàn thân cô như lã đi, quằn quại trong vòng tay cuống cuồng, nóng bỏng của Bảo…
* * *
Hai ngày sau Bảo có mặt ở quê.
Gần sáu năm đi xa, quê hương anh, gia đình anh đã có quá nhiều thay đổi. Mẹ anh giờ cũng đã già đi nhiều và lại thêm bệnh nặng. Có anh về, căn nhà vốn đã cô quạnh, giờ cũng chẳng ấm cúng thêm được là bao. Chưa tận hưởng hết niềm vui gặp lại quê hương, gặp lại mẹ già, lòng anh đã lại thấy nhớ thương khắc khoải vùng đất miềng Trung nắng gió. Những vùng đồi bát úp. Những thửa ruộng trồng rau liệt, rồi cái giếng cổ đầu làng, con sông một thời chia cắt đất nước và nhất là hương thơm ngây ngất của hoa dẻ, lúc nào cũng hiện lên trước mắt anh, choán hết tâm trí anh. Bảo thắt ruột thắt gan vì nhớ Quế. Nhớ đến cồn cào, nhớ đến đau đớn. Đêm đêm, hễ cứ nhắm mắt lại là anh mơ về em, gặp lại em. Anh không sao quên được cái đêm cuối cùng anh được thức bên Quế và Quế đã trao cho anh cái quý giá nhất của đời người con gái. Phải yêu anh, tin anh đến mức nào Quế mới bất chấp tất cả để tự nguyện dâng hiến cho anh. Anh muốn gọi tên em và gào lên thật to với em rằng: Quế ơi, anh nhớ thương em nhiều lắm! Em hãy tin ở anh và hãy gắng chờ anh! Bảo tính từng ngày xa Quế và mong từng ngày được trở lại với Quế.
Nhưng sự đời đã chẳng chiều theo ý anh.
Vào những ngày mẹ hấp hối, theo nguyện vọng của mẹ, anh đã phải cưới một cô gái cùng quê. Quê anh, một làng quê giàu đẹp những vẫn còn quá nhiều các tập tục, lễ nghi phong kiến. Từ bao đời nay những tập tục ấy vẫn ngự trị và đè nặng trong nếp sống nếp, nghĩ của bao người. Việc dựng vợ, gả chồng cho con cái cũng vì thế mà còn lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Vả lại, để làm vui lòng mẹ trong những ngày cuối đời, anh đã không đủ can đảm để đấu tranh khước từ một cuộc hôn nhân mà anh hoàn toàn không muốn.
Cô vợ anh trẻ hơn anh năm tuổi là con một gia đình giàu có ở phố huyện. Cô này ngay từ khi bỏ học, nhờ bố mẹ tạo dựng cho vốn liếng làm ăn ban đầu mà khi cưới chồng cô đã có hẳn một cửa hàng riêng chuyên buôn bán đồ điện. Sự thua thiệt của cô so với bạn bè cùng trang lứa có lẽ là ở hình thức. Cô vừa lùn vừa xấu. Dù đã lụa là gấm vóc, vàng bạc đầy người, lại móng chân móng tay sơn đỏ, má phấn, môi son…thả sức ăn diện, cô cũng chẳng đẹp ra được bao nhiêu. Đã thế cô lại còn chanh chua, hàm hồ nên ai cũng hãi. Thế nên, tuy giàu có nhưng chưa một ông bố bà mẹ nào dám nghĩ đến việc chọn cô làm nàng dâu. Chỉ có mẹ Bảo là thích cô, mến cô bởi sự quen biết giữa hai gia đình. Ngày nhận được tin Bảo ra quân, mẹ Bảo đã nhờ mấy ông chú, bà bác trong họ mang lễ vật đến gặp bố mẹ cô, xin cô cho Bảo. Nói của đáng tội, dù chưa một ngày là dâu con, vậy mà trong thời gian bà cụ ốm, cô cũng đã mấy lần lui tới thăm nom, chăm sóc bà cụ. Bảo cưới cô được nửa tháng thì mẹ mất. Hết khó bà cụ, nghe lời vợ dỗ dành, Bảo đã nhường căn nhà ông bà, bố mẹ để lại mà lẽ ra anh được hưởng cho thằng em hết hạn hợp đồng làm công nhân trở về, để lên ở trên phố huyện, giúp vợ buôn bán. Cô vợ trẻ rất yêu thương, chiều chuộng Bảo. Cô nâng anh như nâng trứng, hứng anh như hứng hoa. Cô ăn mặc diện hơn, trang điểm nhiều hơn để được Bảo yêu. Cô thường xức nước hoa lên khắp người trước khi đi ngủ rồi thì thầm vào tai Bảo: “Chúng mình đi vào cõi mộng đi anh”. Bảo đã thực sự bị vùi dập trong tình yêu cháy bỏng như điên dại của cô ta nên hình ảnh Quế đã phần nào mờ nhạt trong anh. Tuy vậy, mỗi khi nhớ đến Quế anh lại thấy như có dao cứa trong lòng.
Cô vợ Bảo ngày càng béo ra và lùn tịt xuống. Trông cô tròn trịa, múp míp như một chai rượu Boóc đô của Pháp. Đã năm năm làm vợ mà cô vẫn chưa một lần chửa đẻ. Cô bắt đầu thấy thất vọng, chán nản. Sự rạn nứt tình cảm giữa vợ chồng Bảo bắt đầu từ đấy. Bất kể chuyện gì, dù phải trái, nhỏ to… thì Bảo bao giờ cũng là cái cớ đầu tiên để cô gây chuyện. Đã bao lần Bảo phải nghiến chặt răng lại làm như người giả câm, giả điếc trước những lời lẽ kể lể dài dòng, lôi thôi của cô ta. Không nói ra nhưng Bảo luôn hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình anh. Cái hố ngăn cách mà anh đã ra sức giữ nó cũng đã đến lúc anh phải bất lực để mặc nó to dần ra. Anh đã sắm vai một người chồng trong một gia đình như thế không phải là năm năm, mà là mười lăm năm. Mười lăm năm ấy anh đã bao lần bỏ đi rồi lại bao lần quay về. Và anh đã cố chịu đựng để với một chút hy vọng cỏn con là được sống bình yên, khỏi bị người khác chê cười. Nhưng đến lúc cô ta cạn tàu ráo máng xúc phạm đến mẹ anh và anh thì anh đã không thể nào chịu nổi nữa. Anh đã dáng một cái tát vào mặt cô ta khi cô ta chẩu mỏ nhiếc móc mẹ anh là người hám của và cho anh là kẻ ăn bám. Cuối cùng, anh đã ký vào tờ đơn ly hôn do cô ta viết. Anh đã giải phóng anh ra khỏi cái gia đình – tạm gọi là gia đình – mà mười lăm năm qua anh đã dại dột tự giam hãm anh trong đó. Như một con chim xổ lồng bay lên với trời xanh, anh đã ứa nước mắt nghĩ đến Quế và ngay ngày hôm sau, anh nhảy xe tốc hành đi một mạch vào đến đây.
* * *
Rời nhà trọ Bảo xách va ly thong thả đi bộ theo một con đường đất lên làng Hảo. Mùa này đất đai ở đây khô kháp quá! Buổi sáng tinh mơ mà cây cối dường như vẫn còn ủ rũ bởi cái nắng gay gắt và ngọn gió lào ràn rạt chiều qua. Dòng sông cũng khô cạn trơ ra những tảng đá rong rêu. Từ đây, nhìn lên phía tây, Bảo vẫn thấy rất rõ tượng đài nghĩa trang liệt sĩ quốc gia cao vòi vọi giữa trời xanh. Những dãy đồi bạch đàn, tràm hoa vàng và cả cao su nữa cứ nối tiếp nhau chạy dài. Đi một đoạn nữa, Bảo bỗng nhận ra cây si cạnh bờ sông. Nơi ấy là doanh trại đóng quân của đơn vị Bảo trước đây. Cây si vẫn xù xì, cao to như ngày ấy, chỉ có khác là lưng cây như đã còng xuống. Đứng ở đây, Bảo đã có thể nhìn thấy những thửa ruộng rau liệt xanh biếc dưới chân đồi. Làng Hảo đây rồi. Một cảm giác bồi hồi chợt dâng lên khiến trống ngực Bảo đập liên hồi. Anh phải dừng chân để lấy lại bình tĩnh. Nhiều tốp người gồng gánh và cả xe đạp, xe máy đi ngang qua trước mặt anh. Ơ kìa, có cả mấy chị, mấy cô gánh rau liệt ra chợ nữa. Và cả các em vai quàng khăn đỏ đi học.
– Chú…gì ơi! Đến đây giúp hộ tôi một tý. Chợt có ai đó từ phía sau gọi anh.
Bảo giật mình quay lại, nhận ra một người phụ nữ và một đứa bé gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang hì hục bên chiếc xe đạp. Bảo bước đến. Người phụ nữ chỉ chiếc xe đạp nói với anh:
– Nhờ chú sửa hộ con bé này chiếc xe đạp để nó kịp đi học. Nó nhờ tôi mà tôi sửa hoài không được.
Bảo lẹ làng đặt va ly xuống, nắm luôn cái bàn đạp quay một vòng. Trật cóc! Anh hiểu ra ngay căn bệnh của nó và chỉ việc nhặt hòn đá bên lề đường gõ ba cái vào líp xe.
– Được rồi! Cháu đi học đi kẻo muộn – Bảo nhìn con bé nói – Cháu nhớ nói với bố mẹ thay cái líp mới mà đi, líp này hỏng con chuột rồi. Và anh dặn thêm – Khi nào cháu đạp mà nó cứ quay tròn thì nhớ kiếm cục đá gõ vào líp như chú đã làm nhé!
Con bé tròn xoe mắt nhìn anh rồi lí nhí trong miệng:
– Cháu xin cảm ơn chú! Cháu chào chú cháu đi. Nói rồi nó đạp xe đi, hướng về phía thị trấn.
– Chú là thợ sửa xe hay sao mà tài vậy? Người phụ nữ mỉm cười hỏi Bảo.
– Không! Chỉ là kinh nghiệm thôi chị ạ! Anh đáp và hỏi chị – Chị là người làng Hảo?
– Dạ, tôi là người làng Hảo. Chú đến thăm ai ở làng Hảo à?
– Vâng! Bảo trả lời rồi hỏi – Ông Cường còn khỏe không chị?
– Cường nào? Có phải ông Cường bố cô giáo Quế không?
Bảo gật đầu. Người phụ nữ nói:
– Ông ấy hãy còn khỏe lắm! Suốt ngày làm việc chẳng lúc nào hở tay. Hết mùa rau liệt ông lại làm nghề đáy lưới khai thác cá. À, mà cháu ngoại ông ấy là con bé vừa bị hỏng xe. Nó là con gái cô giáo Quế đó.
Bảo giật thót người khi người phụ nữ nhắc tới con bé . Anh quay lại nhìn hút theo cái bóng nho nhỏ của nó đang khuất dần sau những lùm cây. Người phụ nữ như không nhận ra trạng thái đó ở anh nên cứ vô tư kể :
– Cô giáo Quế chỉ có mỗi mình nó. Hai mẹ con giờ đang ở với ông Cường – Giọng chị trầm hẳn lại – Thật là tội nghiệp cho cô giáo Quế, mười mấy năm rồi vẫn ở vậy nuôi con, chăm sóc cha già. Mà phải chi cô ấy xấu xí hay tật nguyền gì cho cam. Đằng này cô ấy lại đẹp người, đẹp nết, có nghề có nghiệp trong tay. Hồng nhan bạc mệnh, người đời xưa nói quả không sai tý nào. Mà cái anh chàng người Bắc nào đó cũng thật tệ – Giọng người phụ nữ trở nên bực bội – Yêu thương người ta, ăn nằm với người ta, hứa hẹn với người ta đủ điều rồi đi một mạch không thấy quay lại nữa. Người đâu có thứ người tham vàng bỏ ngãi, ăn ở hai lòng, tệ bạc đến thế là cùng. Mà cái cô giáo Quế cũng thật lạ, mười mấy năm rồi vẫn cứ hy vọng, vẫn cứ chờ đợi cái con người bạc như vôi ấy, để rồi từ chối bao đám tử tế đến hỏi. Nói thật với chú tôi mà gặp hạng người ấy thì tôi thiến tất. Chị bỗng giật mình – À! mà chú với ông Cường có quan hệ ra làm sao? Chú có quen biết gì với bố con bé con cô giáo Quế không?
Bảo như không còn nghe người phụ nữ nói gì nữa. Anh chào chị rồi xách va ly bước đi với bao nỗi buồn vui lẫn lộn trong lòng. Được một quãng, anh bỗng dừng bước khi chợt nghe trong gió thoảng thơm mùi hoa dẻ. Ôi, cái mùi hoa suốt đời không bao giờ anh quên được. Quế ơi! Em hãy tha thứ cho anh tất cả, em nhé !
N.N.C
Nguyễn Ngọc Chiến

Xem thêm đề xuất

Mày Không Đi Anh Vác Mày Đi

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của một cặp thanh mai trúc mã, liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *