Bài nổi bật

Hương Hoa Gạo – Dương Hướng

Truyện đêm khuya – Hiện thực chiến tranh khắc nghiệt và hậu quả của nó còn đeo bám dữ dội, gây sang chấn tâm lý nhiều năm sau nữa. Quế đã vụt biến vào không gian, trong nắng trưa dữ dội, hằn sắc đỏ của những bông hoa gạo rơi từng đợt từng đợt. Đây là một cái kết giàu ám ảnh, mang màu sắc “Hiện thực huyền ảo”. Quế là hương thơm, là cái đẹp của cuộc đời. Cái đẹp ấy không thể chịu nổi hiện thực quá phũ phàng tàn nhẫn, hay nói cách khác, hiện thực ấy không có chỗ cho cái đẹp neo đậu sinh sôi…..

Chúng nó vẫn chưa về!
Cả bốn đứa hết chiến tranh là chúng nó biến mất tăm mất tích. Má Sâm cầm chiếc ghế nhỏ ra sân ngồi. Má vẫn thường ngồi thế khi mọi công việc trong nhà đã chu tất. Trăng sáng quá. Ánh trăng bao trùm khắp thế gian và tràn đầy cả mảnh sân nhà má. Ánh trăng bao giờ cũng làm dịu lòng người và âm thanh của gió reo trên cây gạo nghe vui vui. Nó cũng vui vui giống như lúc má Sâm nhìn thấy con Quế – đứa con gái duy nhất của má đã đến tuổi lấy chồng. Đôi má Quế lúc nào cũng lựng lên như trái bồ quân chín. Tiếng nó trong và ríu rít như lũ chim trên cây gạo trước cửa nhà.
Con Quế má gửi nó ra miền Bắc từ ngày nó mới lên mười má không ngờ nó lại lớn mau và xinh xẻo đến vậy. Rõ là cơm gạo miền Bắc đã nuôi nó. Đêm má nằm bên mùi da thịt nó thơm phức như hương nếp đầu mùa….
Con Quế ra Bắc đúng vào thời điểm bom đạn dày nhất.
***
Hương Hoa Gạo – Dương Hướng
Má đang sống trơ trọi một mình thì lũ thằng Sơn thằng Hiển thằng Toan thằng Đào từ miền Bắc vào. Lũ lính miền Bắc đứa nào cũng trẻ măng ngơ ngác như nai con. Nhìn lũ chúng nó má Sâm lại nhớ con Quế. Gặp đứa nào mà cũng khoe: “Con Quế nhà tao nó cũng đang ở ngoài Bắc…”.
Cây gạo trước cửa nhà má Sâm được cánh lính miền Bắc gọi là “xóm cây gạo”. Xóm cây Gạo nằm bên trục đường 16 điểm giữa của ba căn cứ địch Hòn Chiên Bàng Thùng Hòn Tầu. Xóm cây Gạo cũng là khoảng giữa của cung đường bộ đội đi lại từ căn cứ xuống vùng địch từ vùng địch về căn cứ. Trong những năm chiến tranh dân xóm Cây Gạo mỗi ngày một thưa dần qua những  trận bom pháo. Dưới các lùm cây chỉ còn rải rác vài ba mái tranh dựng tạm xiêu vẹo. Những người thân trong gia đình má Sâm cũng lần lượt ra đi hết. Chồng má hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân đứa con trai thứ hai cưới vợ được ba ngày du kích đánh chột Hòn Chiêng hai vợ chồng nó đều tham gia và hy sinh cả. Mỗi lần chịu sự mất mát kinh hoàng ấy tóc má Sâm lại thưa dần sức lực kiệt đi ngỡ không gượng nổi. Nhìn trước nhìn sau còn mỗi cô con gái út mười tuổi má đành gửi nó ra Bắc. Không gửi nó đi chắc gì giữ được . Bom đạn nó ác vậy lại cứ nhè vào lũ trẻ người thân của má. Còn má lại vẫn cứ sống. Má sống trơ trơ như một thứ rễ cây bám mãi vào lòng đất. Trên mảnh đất ông cha má không còn nhớ đời má đã bao nhiều lần phải dựng nhà. Năm trước má dựng nhà năm sau bom đánh tháng trước má dựng nhà tháng sau pháo bắn hôm trước má dụng nhà hôm sau địch càn. Không lần nào má dựng nhà lũ thằng Sơn vắng mặt. Nó là nhà cho sang thực ra nó chỉ nhỉnh hơn “khung tăng” của lính một tí. Ấy vậy mà đã làm nhà phải chọn hướng. Lần thằng Sơn bàn quay hướng Đông Nam nhìn về căn cứ Hòn Chiêng. Cứ nhìn thẳng vào kẻ thù cho nó oai. Sợ gì. Lần thằng Hiển bàn quay hướng Tây Bắc nhìn lên Bàng Thùng. Lần thằng Đào bàn quay hướng sang Hòn Tàu. Rốt cục hướng nào ngôi nhà của má Sâm cũng bị cháy trụi. Thôi đành làm cho má ngôi nhà ngầm dưới đất. Rồi cái ngôi nhà hầm được lũ lính của má làm rất kiên cố cuối cùng cũng bị một quả bom rơi trúng xơi tái mất bốn lính thông tin ba lính bộ binh hai lính tỉnh đội. Rõ là cái số má không chết đêm ấy. Trước khi đi ngủ má bảo: “Tao gìa rồi có chết cũng được nhường hầm cho chúng bay tao ngủ bên gốc gạo cho mát”.
Nhà má Sâm ngày nào cũng có bộ đội qua lại nườm nượp tốp ở chốc lát chén bữa cơm rồi đi tốp ngủ qua đêm. Gặp lũ có tốp phải nằm hàng tuần liền. Tốp nào đến trước được ngủ trong nhà dưới hầm đến sau mắc võng ngoài vườn. Nhà má thành binh trạm nhỏ của lính. Nhiều đêm bom Pháp bắn không ngủ được má vừa chợp mắt tỉnh dậy bộ đội đã mắc võng đặc ngoài vườn trong nhà.
Má không có tài sản riêng trừ vài bộ quàn áo đựng trong thùng đại liên chống cháy. Má ăn chung với lính bữa sáng tốp này tối tốp khác. Má có bao nhiêu gạo khoai mỳ góp chung với lính hết. Lúc thiểu thốn má vay của tốp  này bù cho tôp kia. Má vừa là chỉ huy vừa là anh nuôi. Má bảo: “Trừ khi tao chết mớ hết trách nhiệm với tụi bay”. Tốp nào qua lại nhiều lần má bảo cách trồng thêm khoai củ mỳ. Mỗi tốp một khoảnh riêng. Cứ trồng ra đó má quản cho. Chiến tranh chả biết đâu mà lường nay cơm trắng đánh phưỡn rốn mai củ mài không có mà ặm. Cách má bày thế mà hay. Lính tráng qua lại háo hức lên đồi nhổ mỳ bới khoai về nấu nướng xì xụp vui đáo để. Ăn không hết má bắt gói mang đi. Má lo là lo cho lính chứ thân má một mình cần chi. Má bảo tốp thằng Sơn “Nếu tao có chết tao có đứa con gái út – con Quế đó nó đang học ngoài bắc đứa nào ưng tao gả”. Thằng Sơn tếu táo bảo: “Má còn đang giữ chức “Tổng cục hậu cần” má chết sao được. Còn chuyện em Quế má yên trí con xí phần trước nếu con chết mới đến lượt thằng Hiển thằng Hiển chết mới đến lượt thằng Toan thằng Đào”. Trong số lính ở đủ mọi đơn vị binh chủng khác nhau qua lại má chả nhớ hết tên tuổi đứa nào vào đứa nào. Duy nhất có tốp thằng Sơn thằng Hiển thằng Toan thằng Đào má không thể quên. Chúng nó thoắt đi thoắt đến với má khi lặng lẽ âm thầm trong đêm khi lốc ta lốc tốc như lũ ngựa chiến. Mỗi lần thấy bốn đứa lục cục lốc cốc súng ống xuống vùng địch má lại ra gốc gạo đứng nhìn theo mãi tới lúc chúng nó lẫn hút vào con đường mòn bên kia suối. Một lần thằng Sơn còn thủ thỉ với má: “Đơn vị con có ông thủ trưởng già mà đẹp lão tốt tính đáo để bữa nào con dẫn xuống để má làm bạn cho vui”. Nó lý luận với má: Cuộc chiến tranh này còn phải cần tới thế hệ tương lai. Phải biết khai thác triệt để sức mạnh của quân và dân. Cái thằng rõ láu cá. Chuyện chi không nói đi nói ba cái chuyện lăng nhăng má vác gậy đuổi thằng Sơn. Má quát tướng lên: “My hãy cút đi cút đi đừng có về đây nữa”. Má nói vậy nhưng khi bốn đứa kéo đi má lại buồn. Lần sau chúng quay lại chỉ có ba đứa không thấy mặt thằng Sơn má đã giật mình: “Chả lẽ thằng Sơn lại giận tao chớ”. Thằng Hiển nói: “Nó không giận má đâu nó bị địch phục kích bắn chết rồi”. Má sững người khóc sụt sùi rồi lặng lẽ đi làm mâm cơm cúng thằng Sơn. Má thắp ba nén hương gọi thằng Sơn về để má nói với nó vài lời mong nó tha thứ cho má những lần má hay chửi nó quá lời. Má có chửi thế chứ chửi nữa cũng chẳng đứa nào giận má. Thằng Sơn muốn trêu má. Có phải nó chết đâu. Nó nấp ngoài cửa chỉ chờ tới lúc má thắp hương gọi hồn nó nó lù lù bước vào rón rén tới đứng sau má khoanh tay nói rất từ tốn: “Thưa má con đã đói lẳm rồi má cho con ăn”. Má tý ngất xỉu. Tất cả bốn đứa cùng phá lên cười. Má cũng cười. Mắt má sáng lên. “Cha tổ chúng bay đùa chi ác quá”. Đang cười mặt má chợt buồn: “Chúng bay rõ vô tâm lại mong cho má phải thắp hương chúng bay nữa sao”. Má lại mắng. Bốn đứa ngồi im thít. Đúng là má đã mất hết cả người thân. Đời má đã phải lần lượt thắp hương chồng thắp hương con trai cả con trai thứ và đứa con dâu mới về làm dâu má ba ngày. Xóm làng thì tan tác dân tình mỗi người một nơi người rúc vào núi. Kẻ tót xuống vùng địch. Má trụ lại được ở xóm Cây Gạo là nhờ có lũ lính của má.
***
Chúng nó vẫn chưa về!
Má Sâm loay hoay với chiếc bình vôi têm trầu. Từ ngày hoà bình má ăn trầu lại. Trước kia má cũng đã ăn trầu nhưng mấy năm bom đạn liên miên má bỏ. Bây giờ được ngồi thư thái nhai miếng trầu rõ sướng. Má lại vừa dựng xong ngôi nhà mới trên nền cũ. Chẳng to lớn gì nhưng cả đời má mới có được căn nhà này. Má bảo: “Đây là nhà của con Quế”. Con Quế phải ở đây với má lấy chồng cũng ở đây với má. Hoà bình rồi sướng thật. Cây cối cứ xanh rờn. Má vừa nhai trầu vừa ngắm ngôi nhà mới ngắm mảnh vườn trước cửa. Cây gạo mấy năm chiến tranh cháy trụi ngỡ nó chết ngoẻo ai ngờ năm nay lại xanh tốt và ra nhiều hoa vậy. Mùi hoa gạo dâng lên thơm gắt. Và con Quế nhà má đang tuổi dậy thì môi cứ mọng lên tươi rói. Da thịt nó mát và cũng thơm như hương hoa gạo.
Bây giờ má đã yên tâm chỉ chờ lũ thằng Sơn quay trở lại. Chúng sẽ sung sướng thấy ngôi nhà mới thấy con Quế..Má chưa nói rõ ý định của má cho con Quế biết. Hãy đợi đến lúc chúng nó về. Má ngẫm nghĩ nhổ miếng trầu vào chiếc ống nhổ đưa mắt nhìn con gái. Con Quế đang vuốt những sợi tóc cười trước mảnh gương con. Con gái biết làm duyên má mừng. Mừng nhưng lại thấy lo lo. Má lo con gái má đã lớn không giữ gìn lỡ xẩy ra chuyện gì lũ lính của má về biết nói sao với chúng. Đã bao lần má kể cho nó nghe về lũ lính của má mắt nó cứ mở tròn xoe hỏi lại má nhưng câu ngớ ngẩn.
Quế đặt chiếc gương xuống bàn cất giọng hát khe khẽ bước tới ôm lấy cổ má. Nó hay làm nũng và mơ mộng thế.
– Bay định sửa sang đi đâu chớ?
-Con không đi đâu má à.
Ngôi xuống đây má bảo.
– Con biết má bảo con chuyện gì rồi. Lại chuyện con gái mà má phải biết lo giữ gìn quan hệ phải rõ ràng di đứng ăn nói phải ý tứ phải..phải… phải hý… hý. Quế khúc khích cười.
– Mồ tổ my! Dễ những câu đó là thừa chắc. Số my sướng thật đó – Má lại cao giọng – Mười tuổi đã được ra Bắc giờ về quê hưởng cảnh hoà bình. Má là má cứ thương lũ thằng Sơn thằng Hiển thằng Toan thằng Đào.
– Lúc nào má cũng nhắc tới mấy chú bộ đội của má.
– Chúng nó chỉ hơn my vài ba tuổi mày gọi “anh chứ sao lại “chú”.
– Còn trẻ vậy sao má.
– Trẻ măng đẹp trai và tốt bụng vô cùng. Nay mai chung nó trở lại my sẽ biết. Nhân tiện my hỏi tao nói trước để my chuẩn bị tinh thần. Tao đã nhận lời rồi đó.
– Nhận lời chi má? – Quế lại ghì lấy cổ má cườ rúc rích
– Nhận lời gả my cho một trong bốn đứa.
– Một trong bốn người là ai vậy má?
– Đứa nào cũng được cả tuỳ my chọn.
– Má! Má đừng nó vậy người ta cười cho. Nhà mình nghèo với lại con gái má xấu xí trai miền Bắc họ không ưng đâu.
-Cha my! Đừng cãi ngang. Bắc Nam cũng có từng người. Riêng bốn đứa chúng nó tao biết. Tao đã coi chúng nó như con tao. Tao quý chúng nó tao gả. Vậy thôi.
– Má tham quá chừng. Có mỗi cô con gái hư đốn mà má chọn những bốn chàng rể – Quế lại cười ngất.
– My chả hiểu gì cả – Má hạ giọng ngọt ngào – My  không thể hiểu nổi chiến tranh đâu. Người ta sống bên cái chết lời hứa với nhau nó thiêng liêng lắm. Má đã hứa với chùng nó má muốn giữ lời hứa. Cả bốn đứa đều tốt tốt lắm.
Chuyện ngỡ như đùa nhưng lại nghiêm chỉnh. Nó đã trở thành máu thịt của má. Nói ra không ai tin. Riêng má má tin. Chỉ nay mai thế nào chúng nó cũng trở lại. Trước khi chúng nó chia tay với má má đã hứa rồi. Đứa nào trở lại trứơc má sẽ nhận làm con rể.
– Lỡ cả bốn người cùng về một lúc thì sáo má?
– Lúc đó là quyền my. Tao đã thoả thuận với chúng nó thế mà.
– Con gái má là công chúa chắc – Quế lại cười rúc rích. Nó cứ vờ vịt làm nũng vậy đó. Chuyện này nó thừa biết. Con gái chúng nó bây giờ ranh lắm.
– Má ! Theo ý má má ưng ai nhất trong bốn chàng rể ấy?
– Tao ưng tuốt. Đứa nào cũng tốt và dễ thương. My phải hiểu rằng trong số hàng trăm đứa qua đây má chỉ chọn được bốn đứa hẳn là phải sáng giá rồi.
Tất nhiên mỗi đứa một tính nết chẳng đứa nào giống đứa nào nhưng chúng nó coi nhau như anh em một nhà. Thằng Sơn nó mạnh mẽ như hổ trán cao thông mình. Nó có đôi mắt sáng như ngọc da hơi đen. Đàn ông da đen càng quý con ạ.
– Còn anh Hiển sao má?
– Thằng Hiển í à. Thằng ấy có vẻ thư sinh ăn nói nhỏ nhẹ như con gái mà sâu sắc đảo để. Tướng thằng ấy rồi biết chiều vợ lắm đó. Còn thằng Toàn có đầu óc chỉ huy quán xuyến mọi việc. Thằng ấy rồi sẽ có nhiều tham vọng lớn trong cuộc đời. Đứa nào lấy nó là sướng phải biết. Còn thằng Đào hỉ. Thằng ấy sống nhân hậu đa sầu đam cảm biết thương người nghèo khó. Nó bảo với mà khi nào hết chiến tranh my về bằng mọi giá nó cũng trở lại đón cả hai má con mình về quê nó chơi và đi thăm thủ đô Hà Nội. Nói chung tất cả bốn đứa đều tốt tốt lắm.
Má Sâm xúc động xiết chặt cổ tay con gái nước mắt ứa ra. Trăng đang lên. Ánh trăng bao trùm lên dẫy Hòn Tầu lừng lững một góc trời. Gió lao xao thoảng hương thơm hoa goạ lẫn mùi thơm của tóc của da thịt con gái. Giây phút này má lại tưởng tượng rõ gương mặt từng đứa trong lũ lính của má.
– Quế à má là má lo cho con. Con gái phải biết giữ gìn…
Má Sâm lại rủ rỉ rù rì với đứa con gái duy nhất của đời má.
Hương Hoa Gạo – Dương Hướng
***
Chúng nó về chưa!
Con Quế đã bước sang tuổi hai hai đang độ chín của thời con gái. Hồi này con Quế hay thơ thẩn đi chơi. Tối đến má phải giữ chân nó bằng cách hay bày ra việc gì đó như tỉa bắp bóc đậu phộng để có dịp má ngồi rủ rỉ với nó về những chuyện xưa. Thật lạ lùng mỗi lần má nhắc tới lũ lính lòng má với đi nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn tuổi già thật khủng khiếp. Đêm nằm má nghe rõ cả tiếng thở dài của con Quế. Má cũng đã có thời như nó. Bề ngoài nói vờ vịt vô tư nhưng má biết rõ nó cũng đang thấp thỏm chờ mong điều gì đó.
Tối nay má chưa kịp bày ra việc gì nó đã biến đi đằng nào mất dạng. Má Sâm lẵng lẽ mang rổ đậu phộng ra sân ngồi bóc dưới trăng chờ con gái về. Đã không biết bao lần má ngồi chờ nó. Nó phải về má mới đi ngủ. Tiếng bóc đậu lách tách lách tách rời rạc từ lòng tay khô gầy của má chìm lẫn trong đêm. Có tiếng bước chân lạo xạo lẫn tiếng con gái má líu ríu ngoài ngõ. Dưới ánh trăng má chợt giật mình nhận ra con gái của má sánh đôi với một tràng trai bước tới. Một mùi thơm là lạ từ thân hình cao lớn của chàng trai thoảng trong gió. “Chả lẽ là thằng Sơn”. Má nhìn mãi vào chàng trai cố tìm kiếm nét thân quen nào đó. Con gái má che miệng cười rinh rính.
– Má không phải người lính của má đâu.
Con Quế kéo tay chàng trai ngồi xuống bên má. Đây là anh Kiếm con trai ông Tư Phúc thôn ta đó má. Anh ấy mới ở Sài Gòn về…
– Tao biết rồi! – Giọng má hơi gắt. Má chợt thở dài. Ai chứ ông Tư Phúc thì má biểt rõ lòng dạ lão. Lão khôn ranh lắm. Lúc cách mạng cần lão biến đi Sài Gòn. Hết chiến tranh lão về cậy có tiền của lên mặt với dân làng. Lúc này ngồi nghe con trai lão Tư Phúc tán ngon tán ngọt con Quế má ngứa cả tai. Má muốn chơi trò trống lảng.
– Quế à!
– Dạ.
– My có biết cây chi đó không – má đưa tay chỉ cây gạo cao lừng lững trước mặt. Cả xóm này người già trẻ con ai không biết đó là cây gạo.
-Má hỏi chi lạ. Cây đó là cây gạo.
– Đúng! Nó là cây gạo. Đã có lúc tao ngỡ nó chết ngoẻo. Vậy mà nó cứ sống đấy. Suốt những năm chiến tranh nó bị trúng bom chỉ còn trơ gốc. Lũ thằng Sơn thằng Hiển thằng Toan thằng Đào biến cây gạo này thành cây cột cái. Chúng nó căng tăng móc võng quanh gốc gạo. Những chiếc võng xanh võng tím chụm lại và những cái đầu của tụi nó cũng chụm lại quanh cây gạo cười rung rúc với nhau vui đáo để.
Má Sâm vừa nói vừa vung tay diễn lại cảnh mắc vóc của lính. Cứ thế má kể hết chuyện này sang chuyện khác chuyện nào cũng nhắc tới tên thằng Sơn thằng Hiển Thằng Toan thằng Đào. Con trai lão Tư Phúc về má bảo với Quế:
– Tao không thèm thiên vị thằng con trai lão Tư Phúc không bén gót lũ lính của tao. My ưng thằng đó sao?
– Má con mới gặp anh ấy tối nay đã có chi đâu má. Con Quế khẽ rúc đầu vào ngực má.
– Cha  my! Chỉ nay mai chúng nó sẽ về. My có hứa với má…
– Con..con..hứa!
Lòng má Sâm chợt dịu lại. Từ tấm thân trẻ trung của con gái má nghe rõ nhịp tim của nó đập rộn lên…
***
Chúng nó vẫn chưa về!
Thời gian trôi đi. Tuổi xuân con Quế cũng trôi đi thật mau. Thoắt cái cón Quế đã ở tuổi hai sáu. Bây giờ má không lo sợ con má không biết giữ gìn đức hạnh má lo sợ lòng tin của má với lũ lính đổ vỡ. Nếu đúng là chúng nó đã quên má quên lời hứa hẹn với mà thì cuộc đời này với má còn nghĩa lý gì. Má thấy giận lũ chúng nó và thương con Quế. Mấy năm nay con Quế âm thầm nghe lời má chối từ hết thảy mọi chàng trai đến tán tỉnh chờm hớp nó. Hồi này má nghe trong người mỏi mệt đi đứng chông chênh ngồi xuống đứng lên mắt hoa đom đóm. Má muốn nói với con Quế:” Hãy mau mai đi kiếm tấm chồng”. Má nghĩ thế mà không sao nói thành lời. Má sợ phải nói với con gái câu “Chúng nó không về”.
Rồi con gái má cũng dẫn được bạn trai về.
Bạn nó lần này là chàng kỹ sư làm ở phòng nông nghiệp huyện. Anh chàng chẳng kém cỏi gì. Bảnh trai nữa là khác. Nó hỏi ý má má bảo: “Được”. Má nói vậy mà thâm tâm má vẫn ngầm so sánh: Kỹ sư cũng không bằng lũ lính của má. Cũng chẳng hiểu tại sao bẵng đi không thấy anh chàng kỹ sư đến nhà má thắc thỏm hỏi nó bảo:
“Con không muốn yêu anh ấy!” “Nó tồi tệ vậy sao?” “Anh ấy vẫn tốt nhưng chẳng hiểu vì sao con không yêu. Con không thể….”Liền sau đó con Quế lại dẫn về vài ba người bạn trai nữa. Cuối cùng nó vẫn khôn ưng đứa nào. Kỳ vậy. Má bắt đầu hoảng sợ thấy con Quế cứ ngẩn ngơ dở khôn dở dại. Chả  lẽ con bé lại mắc bệnh tâm tưởng. Chả lễ nó vẫn yên lũ lính của má?
Mấy tối nay má không thấy con Quế đi chơi đâu cứ ru rú ở nhà. Mỗi ngày má trông nó già đi mặt sạm lại mất hẳn vẻ hồn nhiên ríu rít của ngày xưa .
– Trăng hôm nay sáng quá chừng – Má Sâm ngồi giữa sân vừa têm trầu vừa nhìn con gái nói bâng quơ – Quế à cái thằng Tích con ông Tám Quỳnh nó cũng khối tuổi rồi mà vẫn chưa vợ con chi. Trai gái chúng bay bây giờ cũng hay kén chọn quá!
Vừa nghe má nói con Quế đã nhào tới ngồi xuống bên má. Bất chợt nó ghé vào tai má thì thào:
– Đêm qua con mơ thấy những người lính của má kéo về nhà mình má à.
– My mơ thấy chúng nó về thật sao?
– Thật mà má! Con thấy toàn những người như má đã kể: đẹp trai này người mạnh mẽ như hổ người trắng trẻo thư sinh người thì hiền khô.
– Cũng có thể cũng có thể lắm. Chúng nó đã hứa. Chúng nó sẽ về..sẽ về…
Nghĩ tới lũ lính niềm hy vọng lại bùng cháy lên trong lòng má. Má thấy như vừa được hồi sinh. Má lại hay lang thang ra đường ra ngõ ngó nghiêng. Gặp ai cũng hỏi đủ chuyện trên trời dưới biển.
Lúc này vừa thoáng nghe có tiếng rì rầm của chiếc xe khách từ thành phố về má vội ra gốc gạo ngấp nghển nhìn hút theo lớp bụi bay cuộn lên mù mịt trên đường. Vẫn không thấy ai mặc đồ bộ đội đội nón cối xuống xe về xóm Cây Gạo của má. Má lại đứng ngây người bên gốc gạo tưởng tượng cái ngày bộ đội từ trên rừng tràn xuống thành phố. Bữa đó má cũng đứng bên gốc gạo này ngây ngất nhìn theo đoàn quân đủ các binh chủng xe tăng pháo binh bộ binh từ mọi ngả của núi rừng khe lạch rầm rập diễn qua trước mắt má . Những chiếc xe tăng như từ lòng đất chui lên lấm lem. Từng đoàn xe kéo những khẩu pháo nòng to như gốc cây gạo nhà má mà chẳng thèm mang lá nguỵ trang nghênh ngang nối đuối nhau đi trên trục đường 16. Lính bộ binh đi tràn cả ra cánh đồng. Giữa giầy phút sung sướng nhất lũ lính của má xuất hiện. Cả bốn đứa thằng Sơn thằng Hiển thằng Toan thằng Đào chạy khỏi hàng quân nhào tới tranh nhau ôm lấy má. Cả bốn đứa đều khóc: “Má ơi thành phố Đà Nẵng giải phóng rồi. Từ nay má sẽ được sung sướng. Chúng con đi khi nào em Quế về má bảo em Quế hãy đợi chúng con” “ừ ư …Đứa nào về trước má sẽ gả con Quế cho” Lời hứa ấy đến lúc này vẫn vẳng lên trong tâm trí má.
– Má ơi trời nắng má vào nhà nghỉ đi má!
Tiếng con Quế từ bếp vọng ra. Con gái má đang nấu cơm thỉnh thoảng lại ra cửa bếp đứng hóng gió. Nó đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán má cứ nhìn mãi vào ngương mặt đã sạm lại của con gái!
– Cha cái nắng! Nắng chi nắng dữ hoài. Má chửi bâng quơ một câu giữa trời. Từng đợt gió tây ào ào cuốn theo hơi nóng hầm hập. Trên đây Hòn Tầu nắng đang cháy lên loang loáng. Má nguyền rủa cái nắng ngọn gió đã làm nước da con Quế xấu đi. Má cứ tiêng tiếc cho con Quế tiếc cho lũ lính cua má sao không đứa nào trở lại sớm. Sao chúng nó không trở về ngay từ cái ngày con gái má con Quế còn non tơ da thịt nó còn nở nang thơm phức như hương nếp đầu mùa.
Má Sâm vừa nghĩ vừa đi lang thang dưới trời nắng. Má hết rẽ vào nhà này lại ghé qua nhà khác. Nắng gió này đối với má chẳng mùi mẽ chi. Má thương là thương con Quế thương ngọn rau cái lá cứ héo quắt lại. Cái xứ sở thiên nhiên khắc nghiệt dữ dằn này với má đã quen rồi. Mùa khô nước phải chắt từng giọt mùa mưa nước lại ngập sông ngập suối. Có đêm chợt thức giấc ngỡ mình đái dầm bật dậy hoá ra nước lũ về ngập cửa nhà.
Đấy lại có tiếng xe rì rầm đâu đó. Có tiếng bước chân chạy vội phía sau. Tiếng con Quế líu ríu gọi má:
– Má! về đi má. Có mấy chú bộ đội đến nhà ta
– My không dỡn đó chứ?
– Thực mà má. Họ đến bằn xe con. Những năm người cơ má.
Vậy là đúng rồi. Đúng chúng nó đã về thật rồi. Ôi lũ lính của má. Má lặng đi vì sung sướng.
– Tao biết mà – Giọng má như reo lên. Chúng nó còn đưa cả ô tô về với má nữa. Chắc hẳn có đứa đã làm lên chức to rồi. Cha chúng nó. Có ô tô mà mãi bây giờ mới trở lại.
Má vừa lập cập bước theo con Quế vừa chửi. Má chửi lũ lính của má mà lòng cứ rạo rực.
– Bây giờ my đã tin lời tao chưa hả Quế? Lũ lính của tao bây giờ nó về rồi my tha hồ chọn. My ưng đứa nào tao cho làm đám cưới liền.
Má cười nhìn theo bước chân bối rối của con Quế. Rõ ràng nó cung đang sung sướng như má.
– Nào chúng bay đâu nào. Thằng Sơn Thằng Hiên thằng Toan thằng Đào đâu. Cha chúng bay sao mai đến giờ mới về hả? – Má chủi ngay từ ngoài ngõ chửi vào. Tiếng má cứ rộn rạo lên. Thoạt đầu má nhìn thấy chiếc xe u oát đỗ dưới gốc gạo. Má cuống quýt giục con Quế đi lấy nước tiếp khách. Má nhấp nháy ánh mắt ra hiệu cho con gái phải nhanh nhẩu lên một tý.
Vừa bước vào cửa má đã sững người.
– Chúng con chào má…chúng con chào…
Không phải lũ lính của má. Chả lẽ lũ thằng Sơn lại thay đổi vậy sao? Má cứ đứng ngây ra nhìn đi nhìn lại nhìn xoáy vào mắt từng người một vẫn không tìm thấy nét thân quen nào. Toàn nhưng người trông lạ hoắc. Trong số năm người ngồi kia có một người mặc thường phục. Người mặc thường phục vừa thoáng nhìn vào mặt anh ta người má đã sởn da gà. Anh ta chỉ còn mỗi mắt trái mắt phải là một cái hố sâu tối đen. Toàn bộ da mặt anh ta loang xuống tận cổ chỗ đỏ hồng như vệt son chỗ lại tím bầm chỗ trắng bệch như lòng trắng trứng gà. Hai bàn tay với cả mười ngón tay anh ta lòng khòng như người mắc bệnh phong. Anh ta ngồi thu mình trên chiếc nghế trong cùng giống như một phạm nhân. Anh ngồi câm lặng thỉnh thoảng lại lấy chiếc khăn trên vai lau trên mặt.
– Chúng con ở đơn vị 15 làm kinh tế của quân khu Năm. Nhân tiện về Đà Nẵng công tác chúng con tranh thủ ghé thăm má – người mang hàm đaị uý nói – Má không nhớ chúng con nhưng chúng con nhớ má. Hồi chiến tranh chúng con thường qua đây nhờ vả má luôn. Tên tuổi má cả quân khu Năm lính tráng chúng con đều biết.
– Trước các chú ở đơn vị nào?
– Dạ trước con ở E573 hai anh này ở E574 anh này ở tỉnh đội. Còn anh này – người đại uý chỉ vào người mặc thường phục có khuôn mặt dị dạng – anh ấy ở D4 bộ binh.
– My ở D4 bộ binh? – Má như chồm người về phía người mặc thường phục – D4 my có biết tụi thằng Sơn thằng Hiển thằng Toàn thằng Đào?
Cả năm người lính ngồi lặng đi nhìn nhau. Người mặc thường phục chợt ngửa mặt lên trân nhà hai tay run rảy phủ chiếc khăn lên khuôn mặt dị dạng của mình. Toàn thân anh run lên và tiếng khóc từ sâu thẳm bỗng bật ra nấc lên từng cơn. Bất chợt anh ta đứng vụt dậy lao tới ôm ghì lấy má Sâm.
– Má! Má ơi con là thằng Sơn của má đây mà má!
Má Sâm bàng hoàng. Trời đất quay cuồng. Con gái má con Quế đứng lặng sau lưng má từ bao giờ.
– My là thằng Sơn thật sao? – Má rú lên – Trời đất sao lại ra nông nỗi này Sơn ơi. Sao mãi đến hôm nay my mới về?
– Má ơi! Má hãy tha thứ cho con – Người mặc thường phục nói. Hôm chia tay má xuống tới Quế Sơn con trúng mìn bị thương phải vào nằm viện. Lúc ấy cả đơn vị con nhận lệnh kéo quân vào giải phóng Sào Gòn. Chia tay với thằng Hiển thằng Toan thằng Đào con đã gửi lời chúng nó chào vĩnh biệt má vĩnh biệt em Quế. Lúc ấy con nghĩ chả thiết sống nữa cũng chả thiết ra Bắc làm gì. Má thấy đấy mặt mũi thân thể con thế này con không muốn để má và em Quế… Khi ra viện con tình nguyện xin về đơn vị làm kinh tế trên rừng. Ở đơn vị làm kinh tế trong mấy năm qua con cứ đinh ninh thằng Hiển thằng Toan thằng Đào đã trở về với má. Và con cũng đinh ninh một trong ba đứa chúng nó sẽ cưới em Quế rồi. Có ai ngờ má! Con cũng mới biết chuyện cách đây vài ngày.
– Má con tao mong chúng bay từng ngày. Càng mong càng mất tăm. Tao muốn giữ lời hứa mới khuyên con Quế đợi chờ. Đến gìơ đã chồng con chi. My thương tật đã đành còn ba thằng kia sao chúng chóng quên vậy. Bao năm chẳng về thì cũng viết cho tao bức thư. Tao thấy buồn đã quá tin vào tụi bay….
Mấy người lính ngồi lặng đi. Người mặc thường phục chợt bật khóc. Tiếng khóc vỡ ra lạnh người. Lúc này má Sâm mới nhìn kỹ vào con mắt duy nhất còn lại trên khuôn mặt dị dạng – Đúng là con mắt thằng Sơn – con mắt ánh lên nỗi đau đớn.
– Má! Má đừng trách chúng nó…. Chúng nó là những đứa vô tội. Chúng nó..chúng nó…đã… chết hết cả rồi! Cả ba đứa thằng Hiển thằng Toan thằng Đào.
Từ trong âm vang của trời đất má nhận ra nỗi kinh hoàng. Mặt đất đang chìm đi. Con gái má con Quế ôm mặt lao ra ngoài cửa. Bóng nó chới với bên bờ giậu. Má chạy theo con gái. Không hiểu nó biến đi đâu mất tăm? Má cứ ngỡ nó đã hoá thân bay vút lên trời mất rồi. Má ngửa cổ nhìn lên khoảng không bao la. Nắng cứ rực lên trăm ngàn những đốm lửa ly ti lung linh trên dãy Hòn Tàu. Một cơn gió tây ào ào cuốn theo những chiếc lá khô bay táo tác. Trên mảnh vườn trước cửa những cánh hoa gạo trút xuống từng đợt. Đúng là con gái má con Quế đã hoá thân thành những cánh hoa gạo bay biến đi đâu mất rồi!
 
Trại viết Đồ Sơn – 1992
Tác giả: Dương hướng – Giọn đọc: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *