Bài nổi bật

Hương nhãn còn đó – Đặng Chương Ngạn

Truyện ngắn gây tò mò với người đọc, người nghe ngay từ đầu khi miêu tả nhân vật lão Ấm người đầy máu quần quại tìm đường sống. Lão bị làm sao vậy, bị tai nạn hay vết thương chiến tranh. Hóa ra là lão Ấm vì vườn nhãn mà bị đánh tàn nhãn. Vườn nhãn đã gắn bó với họ tộc lão mấy chục đời ở xóm Phất Não. Đến đời anh em lão Ấm thì xảy ra biết bao biến cố vì cơn lốc kim tiền. Anh trai là Hai Yên bỏ xác khi đi đào vàng, người em là Hạnh thì cũng chết thảm vì nợ cờ bạc. Quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn làm đổi thay nhiều vùng quê. Nhưng theo cùng kinh tế phát triển là những tệ nạn như cờ bạc, lô đề, cá độ… khiến bao gia đình tan nát. Vườn nhãn đã chứng kiến tất cả những biến động to lớn. Mãnh vườn với hàng trăm gốc nhãn cổ thụ cũng thăng trầm như chính cuộc đời của lão Ấm. Khi lão vì hận tình bỏ quê ra đi thì vườn nhãn cũng hoang phế không người chăm sóc. Khi lão ý thức được trách nhiệm của người con trai duy nhất còn lại của gia đình quay về thì vườn lại được hồi sinh. Truyện ngắn thể hiện được sự gắn bó máu thịt của con người với mảnh đất, ngôi nhà, khu vườn sinh ra và lớn lên. Quá trinh đô thị hóa nông thôn tác động tới từng vùng đất, từng gia đình và từng con người. Họ phải chịu va đập, thử thách bởi nhiều giá trị sống thay đổi từng ngày, từng giờ. Vườn nhãn cũng chịu thử thách như vậy. Để thu mua đất xây dựng các khu biệt thự cao cấp mà người ta bày mưu tính kế triệt hạ những gốc nhãn quý. Thậm chí lão Ấm còn bị đánh đến mất mạng vì không đồng ý bán mảnh vườn cha ông để lại. Truyện ngắn với giọng văn gai góc thể hiện cuộc sống nhiều biến đổi của một vùng quê bởi nền kinh tế thị trường. Nhiều vấn nạn được nhắc đến, những mất mát, đau thương cũng được khắc họa giàu cảm xúc. Truyện ngắn kết thúc đau lòng và chua xót khi nhân vật lão Ấm mất mạng để bảo vệ vườn nhãn quý của mình. Hy vọng rằng con trai lão là Một sẽ giữ gìn, phát triển vườn nhãn để hương nhãn vẫn tỏa hương như bao đời cha ông (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Tiếng gà gáy, dàn đồng ca nhiều bè quen thuộc, những thanh âm như từ thời hồng hoang bắt đầu rộ lên trong xóm nhãn Phất Não khoan vào trí óc đang lịm dần đi của lão Ấm, véo vào những đầu nơ-ron thần kinh đang chìm trong trạng thái hôn mê kéo lão tỉnh dậy. Lão biết lúc này đã 3 giờ 45 phút sáng. Sau tiết Cốc vũ, ngôi sao mai sẽ nhấp nháy sáng ngay trên đầu cây nhãn cổ thụ cuối bãi.
Từ mấy năm nay, khi khu biệt thự nghỉ dưỡng kiến trúc theo phong cách Địa Trung Hải tràn ngập nắng gió và cái sân gôn 18 lỗ bên kia sông bắt đầu vào hoạt động, có những con gà xóm nhãn Phất Não không còn cất giọng theo đúng khắc giờ như hàng trăm năm trước đấy. Chúng bắt đầu ò ó o đúng lúc 3 giờ 45 phút sáng, không sai một giây so với cái đồng hồ poljot mạ vàng trầy trụa, vật bất ly thân của lão, ngay khi những ngọn đèn phía sân gôn 18 lỗ bên kia sông và các bóng đèn ngoài sân vườn khu biệt thự nghỉ dưỡng ĐịaTrung Hải bật sáng. Theo lệ, dân chơi gôn bên ấy bắt đầu vác gậy ra sân lúc 5 giờ sáng, nên các nhân viên phục vụ 3 giờ 45 đã trở dậy để chuẩn bị cho ngày mới.
Vậy, đã 3 giờ 45 phút, lão chỉ còn đúng 1 giờ 15 phút nữa để lê lết tấm thân nhầy nhụa máu qua những ụ mối, qua các đám cỏ tranh sắc nhọn, đám gai xấu hổ, vượt lên khỏi bờ vực… để bò đến được lối mòn đẫm sương băng qua vườn nhãn. Lão phải ở đấy trước 5 giờ sáng….
Đêm qua, khi tỉnh dậy, lão phát hiện ra mình đã gãy mất cánh tay trái, gãy lìa cẳng chân phải, da lưng, mặt, bụng bị cào rách tơ tướp nhiều chỗ.  Máu đã bết lại từng đám trên bộ quần áo xanh bợt bạt, và vẫn ri rỉ chảy ra từ chỗ cẳng chân bị gãy lìa, khắp người lão các vết thương nhức buốt. Sau khi tự xé quần áo, bẻ một đoạn cây mua bên cạnh nẹp cái ống chân gãy, bó rịt vết thương vẫn đang chảy máu lại, lão cố lết bằng chân trái và cánh tay phảicòn cử động được.
Lão cứ oằn mình tiến lên từng chút một như một con sâu đo quằn quại một cách man dại, kiên nhẫn, lì lượm… Trong khoảng thời gian 3-4 giờ, lão Ấm đã từ đáy vực sâu men được vào bờ đá, vượt qua được bờ đá, và đã qua được một phần bãi cỏ tranh nối với bờ đất… Khoảng cách lão vượt qua trong đêm, hồi còn trẻ, những đêm trăng chơi trò chơi bắn trận giả, hay trốn tìm em Mây, chỉ cần vài chục bước nhảy lão đã có thể biến mất ở bờ đối diện bên kia… Bây giờ, lão còn một thử thách camgo cuối cùng, lão phải làm sao đưa cái thân đanglạnh dần, đang tê cứng dần…vượt qua bờ đấtcao khoảng gần mét lên được chân bãi nhãn. Từ đó, lão chỉ cần lăn tròn mấy vòng là đã nằm chắn ngang con đường mòn đẫm ướt sương mà vào buổi sáng, đúng cữ 5 giờ, thằng Một sẽ chạy thể dục qua…
***
Họ tộc lão không biết đã sống mấy chục đời ở xóm nhãn Phất Não. Cha lão nghiện cái mùi hương nhãn đến độ vào tháng ba, tháng tư hàng năm, không khi nào ông rời xóm nhãn đi đâu. Ông nói đêm đêm, không có mùi hương nhãn thoảng qua hai cánh mũi phập phồng ông không thể ngủ được. Vì vậy, vào những năm, nhãn ra hoa muộn, không gian không có mùi hương nhãn, cha lão thức trắng đêm…Ôngluôn mơ biến bốn ngàn gốc nhãn tiêu của họ tộc để lại có năng suất gấp hai, ba lầngốc nhãn tiêu nơi khác.
Ông khao khát sẽ thay đổi được cuộc sống khó khăn, cơ cực khi đặt cho mấy anh em lão những cái tên rất hoa mỹ: Yên, Ấm, Hạnh… Có lẽ, nếu đẻ thêm một đứa con nữa, ông sẽ đặt tên là Phúc: Yên -Ấm -Hạnh -Phúc. Cha lão ra trận, sau khi mẹ sinh em Hạnh, chín năm đi biền biệt không một lá thư, một dòng tin, rồi  bất ngờ trở về với một chiếc chân gỗ, cởi bỏ áo lính quay lại với vườn nhãn… Trở về, nhưng ông không còn sinh thêm được một đứa con nhưmong muốn… Chiến tranh không chỉ cướp đi của ông một phần thân thể, còn cướp luôn khả năng tiếp tục làm bố của ông… Đứa con dự định đặt tên Phúc, mãi mãi không được sinh ra…
Vết thương cũ tái phát, cha lão nằm liệt giường hai năm, rồi ra đi trong một buổi chiều thoang thoảng mùi hương nhãn khi chưa đến tuổi năm mươi. Lão Ấm và thằng Hạnh còn đi học, tất cả kế sinh nhai đổ lên vai anh Hai Yên. Vào năm bão, đói kém vì mất mùa nhãn, Yên theo đám bạn đi lên rừng đào vàng và tìm trầm. Năm đó, ở quê, có hàng ngàn người kéo lên rừng như anh lão. Hai Yên bỏ mạng do hầm vàng sập.
Lão chạy vạy, vay mượn mãi mới kiếm được đủ tiền trả cho đám cai vàng, khui xác anh trai dưới hầm sâu lên. Lão ôm xác Hai Yên khóc đến cạn nước mắt, khóc cho đến khi đám cai vàng không chịu nỗi nước mắt xua lão phải rời ngay khỏi bãi vàng. Lão Ấm cuộn cái xác nát bấy, đã bốc mùi của Hai Yên do bị vùi hơn tuần trong bùn nhão vào tấm bao bố rồi cõng lên lưng như một bao tải hàng. Lão đi hơn bốn chục ki-lô-mét trong đêm, đưa xác người anh trở về xóm nhãn. Lão chôn anh trai bên cạnh mộ người cha mà không làm bất cứ một thủ tục nào cho người chết.  Hai Yên hẳn sẽ tha thứ cho lão vì cả nhà chẳng còn chút tiền nào để lo cho người sống… Lão cũng đang đói rã ra vì đã hai ngày qua không có gì cho vào miệng.
Mười bảy tuổi lão cũng nghiện mùi hương nhãn như người cha, nhưng lão đùng đùng bỏ Phất Não ra đi. Lão chạy trốn nỗi nhục bị phụ tình. Cô gái hàng xóm gắn bó với lão từ hồi còn cởi truồng tắm mưa, cùng là bạn chơi nhảy lò cò, thi bơi qua sông, trốn tìm… tự dưng mê mẩn tay cán bộ tuyên giáo trên tỉnh xuống tham gia hội diễn văn nghệ các xã ven sông. Tay cán bộ đội nón cối, đeo cái xắc- cốt trông giống như mấy ngài chính uỷ trong cuốn truyện lão đã đọc ké của bọn bạn ở trường. Nghe nói anh ta là một nhà thơ có tiếng tăm, anh ta sáng tác chục bài thơ thì có sáu bảy bài viết về em Mây và hương nhãn.
Đội văn nghệ xóm Phất Não vào chung kết cuộc thi hát thì em Mây cũng rơi hẳn vào vòng tay tay cán bộ. Lão Ấm nhiều đêm thủ theo con dao nhọn, chờ gặp đôi tình nhân trên đường vào xóm nhãn. Nhưng rồi khi chứng kiến đôi nhân tình kia ôm siết lấy nhau trên chiếc xe đạp diễu qua làng thì lão lại vứt con dao đánh rụp xuống sông, chạy về vườn nhãn, quằn qụai bên gốc nhãn cổ thụ, đập đầu vào thân cây đến tóe máu cho nguôi mối hận tình. Nhưng chẳng thể nguôi được. Lòng lão cứ như xát muối với ớt hiểm mỗi khi thấy hai kẻ kia tình tứ bên nhau. Bỏ ngang học hành, lão Ấm chạy xin một chân đi xuất khẩu lao động qua trời Âu. Lão làm việc ở nhà máy đóng tàu Baltic. Lão tính ăn chơi phá phách mấy năm rồi cưới một cô Tây ở nhà máy đóng tàu và ở lại bên đó luôn không quay về xóm nhãn nữa.
Nhưng cuối cùng lão Ấm đùng đùng quay trở về xóm nhãn. Lão ra đi, bao nhiêu tai ương đổ xuống cái xóm nhãn. Hết điêu đứng bởi sâu đục thân lại đến nạn số đề, hụi hè. Chưa hết nạn số đề, nạn hụi, thì đám xe ôm suốt ngày chạy vào bãi nhãn rủ rê đám đàn ông, thanh niên đi chọi gà, qua biên giới chui vào các sòng bài. Nhiều nhà ở xóm nhãn bán hết tài sản vì thua bạc. Nạn đánh bạc còn kinh hãi hơn cả cướp, chúng mời mọc, thua, chúng cho các con thiêu thân vay tiền. Rồi khi những con bạc chìm trong nợ nần, chúng siết nhà cửa, ruộng vườn… Không biết bao nhiêu người xóm nhãn phải treo cổ lên cây, nhảy sông trẫm mình, hay uống thuốc trừ sâu để trốn bọn côn đồ đòi nợ. Cờ bạc cuối cùng rồi cũng xộc thẳng vào nhà lão.
Thằng Hạnh theo đám thanh niên ra đi… Mấy ngày sau, thằng Hạnh trở về chỉ còn là một cái xác nát bấy, bu đầy ruồi nhặng. Đám con bạc kể lại rằng: chỉ ngay đêm đầu tiên, Hạnh đã đốt sạch tất cả số tiền vừa thu hoạch mùa nhãn mang theo; đêm thứ hai: chiếc xe máy, điện thoại, cái nhẫn cưới; đêm thứ ba bắt đầu vay nợ. Khi nợ nần ghi kín tờ giấy, bọn chủ nợ yêu cầu Hạnh ký văn bản thế chấp vườn nhãn. Hạnh ký nợ, nhưng kiên quyết không gán vườn nhãn. Nó một hai nói với đám cho vay: “Vườn nhãn của cha ông, nó không được quyền ký!”. Bọn mặt rô xông vào đánh thằng Hạnh nhừ tử, đánh cho gục xuống, lại xốc lên xối nước, đánh tiếp, dí giấy bút vào tay, bắtphải ký. Hạnh vứt bút đi không ký. Rồi nhân lúc bọn canh giữ sơ sểnh, Hạnh lao qua cửa sổ, nhảy từ lầu bốn xuống sân bê tông tự tử…
Nửa đêm, lão rời ngay cô người tình Bạch Nga trắng nõn, ra sân bay mua vé trở về. Khi ấy, lão quyết định như vậy, không phải vì đã quên nỗi đau bị phụ tình, đã quên dự định rời bỏ xóm nhãn ra đi mà chỉ vì lão ý thức được trách nhiệm của người anh về bốn ngàn gốc nhãn tiêu của cha ông mà đứa em út dù hư hỏng, đổ đốn đến phút cuối cùng vẫn đổi mạng sống của mình để giữ lại…
Lão về vì chỉ còn lão là người con duy nhất phải giữ vườn nhãn …
Lão về, cơn sốt bài bạc cũng qua. Cái chết thê thảm của em lão, hình như đã chặn đứng lại cơn sốt. Đám thanh niên, đàn ông xóm nhãn tỉnh ngộ, không bị bọn cờ bạc lôi kéo nữa. Nạn sâu đục thân cũng hết. Xóm nhãn xanh tươi lại được mấy mùa …
***
Lão trở về, sáng nào cũng thấy thấp thoáng bóng một cô gái nhỏ nhắn lui cui ngoài vườn nhãn. Mẹ nói: “Con Mây đấy! Mấy năm nay nó chăm vườn nhãn nhà mình!”. “Cô ta đã lấy tay cán bộ?”, “Lấy gì! Thằng kia lừa đảo. Nó đi mấy năm tàn tạ lại về đây!”. Sau này, ngã vào vai lão, vợ lão thầm thì: “Em theo hắn vì hắn biết làm thơ, hắn nói rất hay về hương nhãn… Nhưng hóa ra hương nhãn của hắn chỉ là thứ hương hóa học, mùi hương nhãn từ tóc anh, áo anh mới là hương nhãn thực!”.
Lão vẫn luôn đau tận đáy tim khi nghĩ rằng: mối tình đầu của lão và vợ lão, tình yêu trong sáng của lão, đã bị một kẻ lừa đảo cướp mất; tuổi thanh xuân của lão và vợ lão đã bị cướp mất!… Lão cưới vợ, ba năm sau đứa con đầu mới ra đời. Rút kinh nghiệm của người cha, lão không đặt tên con bằng các mỹ từ bóng bẩy, lão khai sinh cho nó bằng một con số. Vâng, tên nó là 1 (số 1), nhưng cán bộ xã không chịu: “Không ai đặt tên người bằng chữ số!”. Lão vặc lại: “Luật cấm không? Có văn bản nào cấm không?”. Cán bộ xã ngớ ra, không biết nói gì, đành chấp nhận cho lão khai sinh tên con là Nguyễn 1. Sau này, khi con lão đi học mẫu giáo, cô giáo sửa lại thành Nguyễn Một.
Mẹ lão ra đi sau khi thôi nôi thằng Một ít ngày. Hình như người mẹ đau ốm nằm liệt dường mấy năm vẫn cố níu giữ sự sống mỏng manh là vì chờ đợi: chờ lão trở về, chờ lão cưới vợ, chờ đứa cháu đích tôn ra đời. Trước khi mất, mẹ lão có một hành động rất lạ, gọi lão tới ngồi bên cạnh, mắt cứ rân rấn nước. Mẹ cầm lấy tay lão hồi lâu, rồi đưa tay lên cái gối vải cụ đang gối đầu. Cái gối này cụ dùng đã mấy chục năm, nhiều lần Mây đòi thay gối mới cụ không chịu. “M..ơ..mở” – mẹ lão thều thào sau nhiều tháng mất giọng, hầu như không còn nói. Lão phải dùng kéo cắt mấy lớp vải bọc bên ngoài: sau đám bông đã úa vàng, nồng nặc mùi mồ hôi mặn chát là mấy gói tiền và bọc nilon gói tờ giấy màu xam xám.
Bọc tiền gồm nhiều xấp được vuốt phẳng phiu, đều tiền chẵn loại 500 ngàn, mỗi xấp đúng năm triệu đồng… Hoá ra, mẹ đã chuẩn bị đầy đủ cho đám tang của mẹ trong trường hợp đứa con còn lại, là lão, không có mặt khi cụ ra đi. Nhưng ánh mắt mẹ, ánh mắt đang sáng lên chút tinh lực tàn của ngọn đèn dầu sắp phụt tắt không nhìn vào mấy gói tiền, nó đang hướng tới cái bọc nilon lão vẫn để bên cạnh. Lão run run mở ra. Đấy là giấy tờ đất của vườn nhãn. Mẹ nhìn rất lâu vào tờ giấy lão đang cầm trên hai tay run rẩy, rồi đôi mắt mẹ hướng lên hình cha lão trên tường, lướt qua hình út Hạnh, cuối cùng nhìn lão đăm đăm trước khi nhắm lại, mãi mãi không còn mở ra nữa …
Thằng Một – cái thằng có tên bằng chữ số – lớn lên từng ngày trong mắt lão, nhanh nhẹn, láu lỉnh, vui vẻ. Đặc biệt nó học rất giỏi, năm nào cũng nằm trong đội tuyển toán của trường.
Thằng Một lên sáu tuổi, một hôm lão ra xóm ngoài về thấy nó đang gào khóc, trong nhà lố nhố bốn năm người hàng xóm. Vợ lão ngất lịm trên giường, mê man không còn biết gì, tóc tai, quần áo nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Sáng nay, khi lão rời nhà, vợ lão lấy cái bình phun thuốc lão mới mua mấy ngày trước ở ngoài thị trấn ra dùng.
Vợ lão mới phun được mấy gốc nhãn thì bùm một tiếng, cái bình đeo trên lưng nổ tung bởi áp lực hơi, thuốc sâu bắn ra phủ kính cả đầu, mặt, ướt đẫm khắp người. Thuốc từ tóc vợ lão chảy tràn qua mũi, miệng… Vợ lão ngộ độc thuốc, ngất xỉu, gục xuống trong vườn nhãn, trên lưng vẫn đeo phần thân bình thuốc sâu bị vỡ tơ tướp. Mãi sau mới có người đi qua phát hiện, hô hoán mấy ông hàng xóm đưa vợ lão vào nhà.
Lão sơ cứu nhanh, thay quần áo, gột sạch thuốc sâu trên người vợ, rồi chuyển ngay ra trạm xá xã. Từ trạm xá, người ta cho chuyển lên bệnh viện huyện tuyến trên chiều hôm đó. Nhưng tất cả đã muộn, thuốc sâu đã ngấm vào cơ thể Mây qua da, qua mũi miệng vào tim, phổi, dạ dày… với liều lượng theo bác sỹ nói đủ giết cả ba người đàn ông khoẻ mạnh. Lượng chất độc từ chục lít thuốc trừ sâu phủ trùm lên đầu, mặt đã làm tê liệt thần kinh Mây ngay khi bình bị nổ.
Vợ lão chết sau ba ngày hôn mê sâu, suy gan, suy thận, chảy máu dạ dày. Lão ôm vợ khóc, giữ rịt lấy không cho đám trai làng mang đi nhập quan. Chỉ khi bốn người đàn ông ôm chặt, khoá cứng tay chân lão, mới gỡ xác Mây ra được. Từ đám tang vợ, lão đi thẳng ra thi trấn, tìm cửa hàng bán cái bình phun thuốc giết người… Nhưng lão không sao tìm được cái cửa hàng lão đã mua bình.
Ngay thị trấn, trên khu phố ấy, có cả chục cửa hàng trông qua na ná như nhau. Lão cũng không cần tìm chính xác cái cửa hàng chó chết ấy làm gì, chúng nó cũng đều một giuộc như vậy, cứ thấy chỗ nào bán loại bình thuốc giống cái bình khốn nạn kia là lão xông vào, kéo ra đập tan tành. La ó, ẩu đả, náo loạn cả thị trấn. Cuối cùng, lão bị bắt nhuốt vào đồn phải có người xóm nhãn lên ký bảo lãnh mới được tha về….
Từ đó, chỉ còn lão và thằng Một trong ngôi nhà gỗ ba gian hai chái của ông bà …
Hết phổ thông thằng Một giành được suất học bổng toàn phần của một trường đại học hàng đầu ở Mỹ sau khi vượt qua mấy vòng thi và hàng ngàn thí sinh khác. Nó nuôi giấc mơ sẽ thành nhà nghiên cứu vũ trụ. Nhận giấy báo rồi, nó vẫn hàng ngày ra vườn nhãn với lão, vẫn không đi làm hộ chiếu, visa… Lão biết, nó đang phân vân việc lão phải sống một mình khi nó đi du học.
Lão phải làm mặt giận, quát mấy trận tơi bời, nó mới cầm hồ sơ nhập học đi lên thành phố gặp bên tuyển sinh… Tiễn nó ra sân bay, lão buồn rười rượi: thế là mất đứa con, đứa con duy nhất của lão. Nó sẽ thành công dân của vũ trụ, trái đất nó cũng không thèm, làm sao nó còn quay về xóm nhãn ven sông xác xơ, buồn tẻ này nữa.
***
Thằng Một du học ít năm, xóm nhãn rơi vào cảnh khốn cùng. Không biết từ khi nào, cả khu rừng cây bên kia sông biến mất, thay vào đó là khu biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ngang, dãy dọc mọc lên san sát, điện đèn sáng rực. Rồi bọn địa ốc bên kia sông nhòm ngó qua bên này sông, chúng kéo ào ào qua mua đất xóm nhãn.
Nhưng dân xóm nhãn không ai bán: trả giá đắt ngang đất thị trấn bên cạnh – lắc đầu, tăng giá lên gấp đôi – lắc đầu, tăng giá lên gấp ba lần, vẫn lắc đầu. Đám địa ốc chưng hửng, ngạc nhiên rồi hậm hực, tức tối khi biết được dân xóm nhãn sẽ không bao giờ bán cho bất cứ ai một xẻo đất. Cha ông Phất Não từ xưa đã truyền lại rằng: con cháu chỉ được khai hoang mở rộng thêm đất xóm nhãn, không được bán đi mẫu đất nào của tiên tổ!
Dân bãi nhãn không thể bán đất vì một lẽ khác: đất của họ chính là vườn nhãn, có những gốc nhãn cổ thụ hàng trăm năm. Bán đất tức là phải bán đi những gốc nhãn của cha ông, bán đi nguồn sống. Xóm Phất Não đã sống hàng trăm năm nay với nhãn. Cũng trăm năm nay nhãn của họ chỉ cung ứng cho một nơi duy nhất là các cửa tiệm thuốc Nam trên thành phố.
Nhãn cổ thụ múi mọng, hạt nhỏ như hạt đỗ, vị rất ấm. Nghe nói ngày xưa các bậc lương y tìm kiếm hàng chục vùng trồng nhãn mới kết được với long nhãn xóm Phất Não này để làm thuốc. Hàng năm, nhãn thu hoạch được bao nhiêu thì các tiệm thuốc Nam trên phố bao tiêu hết. Tiền bán nhãn chưa mang lại cuộc sống thật sung túc nhưng luôn đủ để nuôi sống mọi người.
Bọn địa ốc hậm hực bỏ về bên kia sông ít lâu, thì có một bọn người khác, lạ hoắc, ăn mặc kỳ quái, đến mua lá nhãn non làm thuốc. Hết mua lá nhãn non, lại đến bọn người mua rễ nhãn với giá cao ngất ngưởng. Tính ra thu hoạch từ rễ nhãn cao hơn bốn năml ần bán long nhãn.
Dân xóm nhãn nghi hoặc nhưng rồi không biết từ đâu có người thì thầm rằng: Người ta mua giá cao vì có nhà máy dùng lá nhãn, rễ nhãn chiết ra tinh dầu. Đây là loại tinh dầu dùng sản xuất mỹ phẩm nên hết sức đắt tiền, chỉ một giọt bán được cả triệu đồng. Lại có người xóm nhãn tỏ vẻ am hiểu: không đắt đâu, họ mua của mình giá đó còn lời chán vì nhãn Phất Não cổ thụ nên tỷ lệ tinh dầu cao gấp nhiều lần so với nơi khác.
Vấn đề là tinh dầu nhãn còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng từng vùng, chất đất khu xóm nhãn hết sức đặc biệt, ít vùng đất chứa những hoạt chất tạo nên được thứ tinh dầu quý như vậy. Rồi bọn đi mua rể cây, lá cây, còn xoen xoét giảng giải: bán đi ít lá nhãn, chặt đi một phần rễ nhưng cứ bón phân hoá học nhiều vào thì chẳng ảnh hưởng gì đến việc nhãn ra hoa, đươm trái… Dân Phất Não nhà nhà cắt lá cây, nhà nhà moi rễ cây… Khi vườn nhãn đã trơ trụi chỉ còn những cành nhãn lỏng khỏng, chơ chỏng, như nhũng cẳng tay chới với trên nền trời, đất vườn bị đào bưới như vừa qua trận bom rải thảm thì bọn kia  kêu tăng giá lên gấp ba lần.
Dân bãi nhãn lại hồ hởi vặt những chùm lá nhãn còn sót lại, đào móc tiếp rễ cây ra bán… Cây nhãn Phất Não đau đớn báo thù, ba năm liền (ngoại trừ vườn nhà lão và ít hộ gia đình) không ra hoa, kết trái. Các nhà thuốc Nam đến mùa xuống xóm bãi đứng nhìn những cây nhãn trụi trơ rồi thở dài ra về…
Dân xóm nhãn sau khi tiêu sạch tiền bán lá, bán rễ nhãn bắt đầu đói ăn, đói mặc, xơ xác cả ra… Lúc ấy, lại xuất hiện một đám người ăn mặc lịch sự, chạy xe hơi đời mới, ngày nào cũng ghé xóm nhãn. Họ cho dân xóm nhãn vay tiền một cách hào phóng. Tiền vay không tính lãi. Cần vay bao nhiêu cho vay bấy nhiêu.
Rồi họ cung ứng cho dân bãi nhãn các hóa chất để khôi phục lại vườn cây. Hứa hẹn nhãn sẽ đươm trái gấp nhiều lần trước kia, mùa vụ ngắn lại, chỉ trong ba tháng là đã thu hoạch. Hóa chất phục hồi cây là hóa chất sinh học đặc biệt, bán với giá rất đặc biệt.
Chẳng biết thứ hóa chất đó đặc biệt ở chỗ nào, dân Phất Não càng phun vào cây thì cây càng lụi, càng tàn, lá cây quắt queo vo tròn, sâu bọ sinh sôi nảy nở… Khi nợ vay của nhà nào cũng chồng chất, đám người cho vay hiền lành kia trở mặt. Hóa ra, chúng chính là người của bọn địa ốc bên sông. Thông điệp chúng đưa ra, trong hai tuần phải trả hết nợ đã vay, nếu không có tiền phải trả bằng đất. Chúng đã thực hiện kịch bản cướp đất hoàn hảo!
Lão Ấm ngược xuôi, xuôi ngược, chạy có cờ trong những năm ấy. Hết chạy nhà này qua nhà kia vận động mọi người không bán lá nhãn non, lại chạy khuyên mọi người không bán rễ cây, rồi tất tả ngược xuôi đến từng nhà, can ngăn bà con vay tiền của bọn người lạ. Lão nói sùi cả bọt mép nhưng chẳng mấy ai thèm nghe, còn rủa lão già rồi hâm dở! Chỉ khi bọn kia trở mặt, thì cả xóm nhãn mới tỉnh ra, xúm lại lão: “Ông Ấm ơi cứu bà con!”. Lão có là tài thánh, lão có cách gì cứu. Tất cả tiền bạc tích cóp được, cả khoản tiền moi ra từ cái gối vải của mẹ lão, lão cũng đã cho bà con vay mượn hết rồi.
Lão Ấm buồn tê tái vì những người bà con tham bát bỏ mâm, những người bà con nhẹ dạ. Lão căm giận lũ người độc ác, xảo quyệt, gian manh bên kia sông. Lão đau đớn khi nhìn những thân nhãn cổ thụ xóm bãi đang tàn lụi, đang chết dần… Lão nghĩ đến tương lai đen tối, u ám của lão, của xóm bãi.
Vào một buổi trưa chán nản tột cùng, khi lão đang đứng khóc trên đồi Cộc (chỗ đất dồn cao nhất của xóm bãi) thì bất ngờ thằng Một gọi điện về. Lập cập, lão bấm nhầm vào cái nút video trên điện thoại nên thằng Một thấy hết quang cảnh xung quanh. “Cha ơi, sao cuối tháng tư rồi vườn nhãn sau lưng cha vẫn chưa ra hoa?”. Lão cáu với nó: “Hoa hoa. Chẳng thấy hoa đâu. Cha đang đứng trên đồi nhãn mà chẳng ngửi thấy chút mùi hương!”
Không ngờ năm hôm sau, thằng Một trở về. Cao lớn hơn cả bác Hai Yên ngày trước, nhảy xuống taxi, ào vào nhà ôm chặt lão trong hai cánh tay cứng như gọng kìm bằng sắt. Lão mắng nó: “Con về làm gì. Cha vẫn nghĩ: Bây giờ con đã là công dân vũ trụ,con sắp lên sao hoả ở rồi, con đâu có quan tâm đến cái xóm nhãn này nữa!”
Một cười: “Công dân vũ trụ không có con cũng có hàng ngàn người tài giỏi khác. Nhưng công dân xóm nhãn này thì chỉ có mấy người như con thôi!”
Một bỏ hành lý vào tủ, sửa soạn lại cái phòng riêng của nó bỏ trống mấy năm qua, rồi đi thẳng xuống xóm bãi. Buổi sáng, lão tỉnh giấc, nhìn qua cửa sổ thấy Một mặc áo quần thể thao chạy vòng quanh xóm nhãn. Hóa ra, những năm đi xa, nó vẫn không bỏ thói quen chạy bộ mỗi buổi sáng. Nó luôn chạy vào đúng 5 giờ.
Lão chưa có thời gian ngồi lại với đứa con. Lão chạy qua xã, gặp hội nông dân, lão chạy lên tỉnh vào hội làm vườn, hội khuyến nông, rồi ghé qua mấy vănphòng luật sư nhờ tư vấn… Lão cầm theo tờ đơn trình bày hoàn cảnh nợ nần của bà con xóm nhãn đi hết ngân hàng này, qua ngân hàng khác. Có người mách lão mấy địa chỉ công ty tài chính cho vay nợ, lão cũng tìm đến… Lão cầu cứu khắp nơi cho dân xóm nhãn vay tiền trảnợ nhưng vô vọng.
Ở đâu cũng chỉ là những cái xua tay, lắc đầu, lịch sự hơn cũng chỉ là lời hứa đãi bôi hay một câu an ủi ngọt nhạt… Mấy ngày trước, lão mối mặt đến gặp ông Hội trưởng Hội thuốc Nam trên thành phố. Rồi cùng ông Hội trưởng đi gặp các chủ tiệm thuốc Nam… Bọn bên sông bắn tin: Nếu lão cứ xía vào việc của chúng thì coi chừng! Có lần, chúng trắng trợn cho mấy thằng mặt rô chận đường lão: “Cẩn thận cái mạng già! Việcchúng tao mua bán đất xóm nhãn, việc cấn vườn nhãn trừ nợ không liên quan gì đến mày! Mày cản đường làmăn của bọn tao, bọn tao giết đấy!”
Tối qua, lão sung sướng gập tờ giấy cam kết có chữ ký của Hội trưởng Hội thuốc Nam bọc cẩn thận lớp nilon, bỏ vào túi áo ngực: Tờ giấy viết rằng nếu tất cả dân bãi nhãn cam kết cung cấp long nhãn cho các nhà thuốc như trước đây, không bán lá, không bán rễ nhãn… thì tất cả các món nợ bọn bên sông, hội sẽ cho ứng tiền thanh toán hết. Thống nhất xong, đánh máy xong bản cam kết, đêm đã khuya, ông Hội trưởng muốn giữ lão lại nhưng lão kiên quyết ra về. Lão muốn mang tin vui về sớm cho bàcon xóm nhãn….
Khi lão chạy xe ngang vực Chuồn Chuồn, thì bọn chúng xuất hiện, chính là đám mặt rô đã chặn đường lão hôm trước. Lần này, bọn bên sông thuê chúng ra tay giết lão bằng mọi giá. Chúng đuổi theo xe lão và thằng ngồi sau xe co chân, tống một cú đạp vào ngay hông chiếc hon da 50. Chiếc xe máy tàng nhảy dựng lên, mang theo cả lão rơi thẳng xuống vực. Bọ chúng quay xe lại, đứng trên bờ vực rọi đèn, chụp hình lia lịa cái xác đẫm máu, tươi tả của lão dưới đáy vực rồi mới bỏ đi…
***
Lão lăn tấm thân đã gần như bất động qua từng gốc nhãn cổ thụ. Qua gốc nhãn thứ sáu, lão đã chạm đến lối mòn. Lão dùng chút hơi tàn còn lại, gẩy cái chân gần như đã gãy lìa, xoay người trong bộ quần áo rách nát, máu lớp đã đông cứng, lớp vẫn ri rỉ chảy, quay chắn ngang lối mòn đẫmướt sương mai. Lòng lão hân hoan, khi nghĩ rằng chỉ ít phút nữa thôi, thằng Một chạy thể dục buổi sáng qua đây, nó sẽ bắt gặp xác lão.
Nó sẽ kêu lên đau đớn, nó sẽ ôm xác lão gào khóc. Nó cũng sẽ tìm thấy ngay bản cam kết trên túi áo ngực của lão…. Lão tin: Thằng Một – công dân vũ trụ – sẽ biết làm gì để giữ lấy vườn nhãn của cha ông. Lão thấy cơ thể mình nhẹ bẫng, được nâng từ từ khỏi mặt đất lên cao trên những tán cây. Lão bay nhẹ nhàng như chim qua những vòm nhãn đi gặp cha lão, gặp em Mây -vợ lão, gặp anh Hai Yên, gặp Hạnh… Lão cố chútsức tàn còn lại căng lồng ngực lên, hít mạnh… Mùi đất bãi nồng nồng, ngai ngái, phảng phất hương nhãn. Hương hoa nhãn tháng tư…

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *