Bài nổi bật

Khăn Njram huyền thoại – Kiều MaiLy

Không rực rỡ như những dân tộc vùng cao Tây Bắc, trang phục của người phụ nữ Chăm thể hiện nét duyên dáng độc đáo, vừa kín đáo lại quyến rũ lạ thường. Để tạo nét quyến rũ, người phụ nữ Chăm thường chọn khăn đội đầu để tô thêm sắc thái hài hòa của bộ trang phục. Những lúc trời nắng chói chang thì khăn có thể che mái tóc dài óng ả. Những khi trời lạnh thì khăn được quàng quanh cổ giữ ấm vừa tạo nên vẻ kín đáo cho người phụ nữ Chăm. Chiếc khăn trở thành vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như cuộc sống của người dân tộc Chăm. Tác giả Kiều MaiLy cũng lấy chiếc khăn Niram, món quà cưới là hình ảnh xuyên suốt câu chuyện. Vì loạn lạc chiến tranh mà nhân vật tôi khi còn nhỏ đã làm thất lạc người em gái bé bỏng của mình. Từ ngày đó bà mẹ cũng như nhân vật luôn ân hận day dứt không biết cô gái nhỏ mới 2 tuổi còn sống hay không, đang ở đâu, có được khỏe mạnh hay không. Nỗi nhớ mong con mòn mỏi khiến bà mẹ đã ốm đau không qua khỏi. Nhân vật Tôi lớn lên một thân một mình với nỗi niềm thương nhớ. 18 năm sau, có hai mẹ con vị khách từ Camphuchia qua làng chơi. Từ dấu vết để lại trên chiếc khăn Njram của cô gái Siam mà hai anh em nhân vật đã đoàn tụ với nhau. Câu chuyện được viết giản dị nhưng xúc động nhất là những gia đình bị thất lạc người thân của mình. Hình ảnh chiếc khăn Njram, chiếc khăn truyền thống trong đám cưới người Chăm lúc nào cũng ẩn hiện như sợi dây gắn kết gia đình. Chiến tranh khiến biết bao gia đình ly tán, cha mẹ, anh chị em phải xa cách nhau. Và khi họ tìm lại được người thân của mình thì thật là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Qua truyện ngắn, người đọc, người nghe hiểu hơn những nét đẹp trong văn hóa người Chăm cũng như những giá trị của gia đình. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Mẹ hốt hoảng chạy từ khoảng khuất xương rồng khô ra. Trời nắng cháy lửa, mẹ vừa chạy vừa đưa tay quệt nước mắt hai bên má tuôn chảy. Chạy tới cánh cổng rào tre, bước mẹ chậm lại. Mẹ vẫn im lặng, không nói. Tôi lon ton theo sau lưng mẹ đi vào nhà. Mẹ lật đật thu dọn các bộ áo váy còn dùng được, như thể đang chuẩn bị đi xa. Tôi thấy người hàng xóm cũng đang ráo riết chuẩn bị.
“Nhanh lên con trai, mình phải đi thôi!”
Tôi quay lại nhìn lũ gà vịt, với mấy con cừu bị bỏ lại trong chuồng. Tôi sợ hãi và lo lắng. Em gái tôi mới được hai tháng tuổi, mẹ bồng em gái, còn tôi xách giỏ tre đan đựng vài thứ được xem là quý giá nhất đời mẹ. Ra tới cổng làng, tôi thấy dân làng tụ lại cả đống nhốn nháo, tiếng gọi nhau ơi ới. Một chú trạc tuổi ba tôi chạy tới bảo:
“Có một cái hầm ngay sau bãi cát bên chân núi, bà con ta chạy qua đó đã rồi tính tiếp.”
Tôi nghe đâu cái hầm đã có từ mấy năm trước, dường để chứa thóc phòng mùa đói khát. Cách khoảng cây số, vài chiếc xe bò chở đoàn người từ làng khác tới. Họ nhảy xuống, người bưng thúng, người đội jak hối hả đi như lao vào hầm, số còn lại chạy đi nơi khác, vì hầm không đủ sức chứa khối người đó.
Chúng tôi cùng đi bộ gần tới bãi cát trắng trải dài. Đây là đồi cát luôn chuyển động theo chiều gió bất thường tạo nên nhiều hình thù khác nhau, khi nhìn có thể đoán biết múi giờ của thời gian. Lội bộ ngược gió khiến môi tôi khô nứt, da nổi lớp trắng, chân rã rời. Tôi bắt đầu nghe khát.
Đi một đỗi, dường như mẹ quên cái gì đó rất quan trọng, chợt khựng lại. Mẹ quay sang nói với tôi: “Con ở đây giữ em nhé, mẹ đi chút xíu là về ngay thôi. Nhớ, đừng bỏ đi đâu nhé…” Mẹ chạy đi, tôi nhìn theo bóng mẹ khuất sau hàng xương rồng, quay lại với em gái. Em gái nhỏ nhắn được quấn trong tấm khăn trắng mà mẹ gọi là khan njram. Đó là món quà cưới của ba khi mẹ cưới ba về. Chiếc khăn truyền thống có viền hai bên hoa văn hình mắt lưới, – mẹ nói. Ngày đầu ba về ở rể, khan njram chính là quà mà người đàn ông Chăm phải mang theo cùng chiếc nhẫn mưta. Nó tượng trưng cho sự gắn bó keo sơn của đôi vợ chồng.
Lúc này em gái tôi đang yên giấc trong chiếc khăn, như thể ngủ say trong vòng tay mẹ. Tôi bế em qua bóng mát hàng xương rồng mọc lẫn với cây trâm bầu cao, ngồi đợi. Nỗi sợ càng lúc càng lớn dậy. Giữa trưa nắng, thi thoảng cơn gió mát thổi tới làm tôi nhớ đến ba…
Mùa hè năm ấy, ngày chưa tắt thì ba tôi bị một nhóm người ập tới bắt ngay tại cổng làng. Không một ai biết rõ lí do tại sao, mọi người ngơ ngác ngó nhau, người đoán già đoán non. Nghe nói Tây bắt ba qua gò ruộng nhổ cờ Việt Minh. Và ba chịu nạn. Ngày đám padhi ba, mẹ khóc và bỏ cơm mấy ngày liền dù lúc đó mẹ đang bụng mang dạ chửa.
Ba là một nông dân chất phác hay giúp người, biết sẻ chia từng miếng cơm, thúng thóc cho bà con khi túng thiếu. Ba bị nạn là một sự kiện lớn gây xáo động cho cả làng. Từ đó cuộc sống dân làng không ngày nào được yên ổn, vài người bị bắt đi giữa đêm hôm chẳng biết đi đâu không thấy trở về.
Ngày hôm nay có lẽ lại một sự không lành lớn nữa đang xảy tới…
Nhìn em gái còn bé bỏng mà thương. Em sẽ không bao giờ gặp được ba.
Ngồi lâu hai bắp chân tôi nghe tê dại. Bé bắt đầu khóc, chắc em khát nước. Tôi hát vài câu dân ca thuộc lòng dỗ mãi em mới nín. Tôi nhìn chằm chằm theo ngõ mẹ đi khuất, mãi không thấy mẹ về. Dòng người hối hả đi ngang qua tôi, lên và xuống. Tôi bế em đặt vào thúng cũ đựng vỏ bo bo gần đó. Gió càng lúc càng thổi mạnh cuốn theo bụi cát bay mù. May mà có tấm khan njram giữ em tránh bụi. Một cô thấy quen quen đi ngang qua, tôi bước tới hỏi:
“Cô ơi! Cô có thấy mẹ con ở đâu không?”
“Không, cháu ơi!”
Cô trả lời cụt ngủn, rồi quày quả bước đi.
Mãi tôi không thấy bóng người nào nữa cả. Nghĩ một hồi, đôi chân cứ muốn đi vì nóng lòng. Tôi phải đi tìm mẹ, cho em tạm ngủ trong cái thúng, chắc không sao. Tôi chạy nhanh về hướng làng. Tôi băng qua đoạn đá sỏi, nhảy qua con mương nhỏ cạn nước, rồi đi tắt qua đám ruộng quen. Tôi gọi lớn: “Mẹ ơi! Mẹ ơi…” Không tiếng vọng lại. Tôi lại chạy. Đi hết hàng xương rồng, tôi gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi…” Trời biển ơi, may quá, bóng mẹ kia rồi. Mẹ đang ngồi bẹp bên bãi cỏ cạnh hẻm vào nhà, lúi húi hai bàn chân. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ ngỡ ngàng la lên:
“Sao con lại tới đây? Em con đâu rồi?”
Mẹ mở to đôi mắt hốt hoảng. Quên cả bàn chân đang đau vừa đạp nhánh xương rồng, mẹ nắm lấy tay tôi.
“Nhanh lên con, nhanh lên…”
Tôi chạy theo mẹ. Rồi tôi thấy cái gì đó bay là là bên trên đầu mẹ rất lạ. Tôi chạy tiếp, nhưng cái bóng kia cứ bay tới thoắt ẩn thoắt hiện.
“Mẹ ơi khan njram của mẹ bị gió thổi bay kia kìa”, – tôi giật tay mẹ lại, trỏ theo hướng ngược chiều gió.
“Khan njram gì. Mẹ đã đưa con đắp cho em mà.”
“Nhưng con vừa nhìn thấy khan njram bay qua đầu mẹ.”
“Không con, nhanh lên…” – Mẹ tiếp tục chạy và gần như lôi tôi đi.
Trời đang đổ chiều, đường vắng tanh, chỉ còn lác đác vài bóng bà già bước lom khom chậm rãi, vừa đi vừa ngoảnh ra sau như đang đợi ai đó. Tôi chạy nhanh đến chỗ em gái, hoảng lên vì cái thúng rỗng không.
“Mẹ ơi! Không thấy em”, – tôi kêu lên.
“Con nhớ lại đi, phải ở đây không?”
“Dạ phải, mẹ ơi… cái thúng cũ cạnh cây trâm bầu này…”
Hai mắt mẹ đảo khắp xung quanh. Mẹ chạy tới rồi chạy lui. Xung quanh không một bóng người. Không có ai để hỏi. Mẹ ngồi bệt xuống bãi cỏ, lả người đi, mồ hôi đầm đìa vai áo. Tôi đến gần nắm lấy hai tay mẹ và khóc. Không biết bao lâu nữa, mẹ đứng dậy, kéo tôi dậy theo. Hai mẹ con tôi men theo đường mòn lên đồi cát. Nắng đã tắt. Tôi nghe lành lạnh. Tôi nhớ bóng chiếc khan njram bay qua đầu mẹ hồi xế trưa. Tôi nhớ mẹ nói mẹ có mỗi một chiếc, mà chiếc đó đang lót cho em ngủ. Sao lại có chiếc thứ hai, tôi không hiểu được. Bởi chính mắt tôi nhìn thấy nó bay.
Qua hết đồi cát, đến trước cửa hầm, mẹ đứng lại, quay nhìn về phía cây trâm bầu vừa bỏ lại.
“Chắc có ai đó nhặt được em đưa vào hầm”, – mẹ lầm bầm trong miệng như nói với mình.
Cửa hầm đóng lại sau lưng mẹ con tôi. Dân làng về chỗ ngồi theo sự sắp xếp của bác Yơng. Vừa nhác thấy hai mẹ con tôi, bác sải bước đi tới.
“Con gái tôi… bác ơi…” – mẹ nói, như nấc lên. “Bà con nào ở đây nhặt bé không?”
“Sao? Cháu bị sao nào?”
“Mất rồi… thất lạc đâu mất rồi…”
Mẹ kể, không ra đầu đuôi. Hiểu được, bác Yơng sải bước dài đi quanh hầm hỏi thăm. Bác Yơng là bạn thân của ba tôi từ thời trung học. Bác là người có uy tín với dân làng, rành các nghi lễ, chữ viết và cả việc xã hội nên được dân làng kính nể. Trong đám tang dòng họ, bác Yơng là người được bầu để đọc điếu văn. Hôm cuối của đám padhi ba tôi, điếu văn của bác làm cả làng rưng rưng nước mắt. Nhiều việc thiện nguyện trong làng do bác và ba làm, nhiều khi mẹ không hay không biết, đã được bác kể lại rất chi tiết với giọng xúc động lạ thường. Lúc đó dù bé tôi vẫn cảm nhận được không khí xúc động của buổi lễ. Chiều nay, bác Yơng đang dạo khắp hầm để tìm em cho mẹ con tôi. Tôi đặt tất cả hi vọng vào bác.
“Con buồn quá mẹ ơi…”
Mẹ ôm lấy tôi không nói một lời. Tôi nhìn thấy mái tóc mẹ rối bù, hai mắt mẹ sưng lên. Từ cuối đường hầm, tôi nghe thoáng ở đâu đó giọng bác Yơng gọi, hình như em gái tôi đã được tìm thấy. Tôi đỡ mẹ đứng dậy, mẹ kéo váy bên trái lên tận đầu gối để đi nhanh hơn. Tôi chạy vượt trước mẹ, len qua những hàng người. Được một đoạn tôi kéo tay mẹ:
“Nhanh lên mẹ…”
Bác Yơng đứng đó, tay đang bế một bé gái.
Không, không phải em gái tôi rồi. Bé này lớn hơn và cũng không có khan njram hình mắt lưới nữa. Tôi quay sang nhìn, mặt mẹ buồn rười rượi vì thất vọng. Bác Yơng nhìn hai mẹ con, ánh mắt tràn sự thương cảm. Mẹ tôi quay lại chỗ cũ, bước từng bước nặng nề. Hầm càng lúc càng tối dần, tôi có cảm giác nhiều ánh mắt dõi theo bước chân của mẹ. Tôi nói cảm ơn bác rất nhanh rồi chạy theo mẹ. Tôi nghĩ bé gái kia chắc bị lạc như em gái tôi và mẹ bé cũng đang đi tìm.
Chợt tiếng súng nổ vang từ ngoài xa vọng vào hầm. Mọi người im lặng nhìn nhau dưới ánh sáng nhập nhoạng của vài ngọn nến nhỏ. Tôi nằm cạnh mẹ mà toàn thân run lên bần bật. Tôi lo cho em gái không biết hiện giờ đang nơi đâu, em sẽ được ai cho bú.
Và khi trời vừa rạng, bà con được ra khỏi hầm đi trở lại palei. Làng như làng hoang, điêu tàn. Vài ngôi nhà bị cháy khói vẫn còn bốc lên nghi ngút. Hàng rào tre nhà láng giềng chỉ còn đám tro tàn. Một số người làng không lánh nạn kịp chẳng biết họ đang ẩn nấp ở đâu, sống chết ra sao. Cả làng chỉ còn vài cụ già trụ lại dưới căn nhà vách lá bước ra đón người.
Từ đó mẹ tôi trở ốm liên miên. Căn bệnh thiếu máu và ung thư phổi hành hạ mẹ tôi mỗi đêm. Cuối cùng mẹ đã không qua khỏi. Nắng và gió đã đưa mẹ tôi đi trên bãi cỏ khô rám, chúng cuốn cả tôi vào trong nỗi tuyệt vọng không hồn. Giữa đoàn người đưa tang mẹ, tôi thoáng thấy bóng bác Yơng, nhưng tôi không cảm thấy gì cả. Bác đến ôm lấy tôi, tôi cảm nhận bàn tay bác vỗ nhẹ lên vai. Không một tiếng, bác lẳng lặng đi như đang chìm trong nỗi buồn phiền không gì khỏa lấp.
Gió ngang mùa bắt đầu thổi ngược về phía bãi cát. Những trái xương rồng đỏ mục rụng vung vãi trên lưng vệt nắng non. Lũ dê đen lật trang cuộc sống mới, bấp bênh hơn bao giờ. Bác chăn dê sải bước đi qua đụn cát trắng phau bên kia con sông, nơi tôi thường theo mẹ đi lấy nước như đội ngàn cơn sóng gió cuộc đời. Ngồi một mình dưới bóng chân đồi, tôi nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ em gái. Tôi biết từ nay mình đơn độc trên cõi đời này.
Một con dê lẻ bầy đang tìm mẹ để được chìa lưng làm nũng giữa hai hàng xương rồng ngả bóng lên bãi cát ninh nhừ rã từng hạt bụi nhỏ li ti. Vào lúc các bạn cùng tuổi đang ngồi học ở trường thì tôi phải cuốc bộ qua vài chục dặm mỗi ngày để chăn dắt đàn dê chỉ cầu cơm ngày hai bữa và chỗ trú thân…
Qua tuổi đôi mươi tôi được bầu phụ giúp cúng lễ trong những ngày lễ thiêng của làng. Tôi thuộc thành thạo lễ vật nào được dùng trong lễ nào…
Hôm nay sau năm mới Chăm một tuần, nhà chủ dê có mời khách từ nơi khác đến, ông chủ dặn tôi tìm một con dê đực tơ để làm lễ cúng Yang đất. Ông chủ nhờ tôi phụ giúp lễ cúng. Đang lúi húi với công việc, thật tình cờ tôi nghe được cuộc nói chuyện giữa người khách và bác chủ nhà. Nghe nói vị khách đến từ Campuchia thân quen với chủ nhà. Tôi tò mò trong bụng, Chăm mình có sinh sống ở Kur nữa sao? Sao ông chủ lại quen được hai mẹ con bà này?
Cuối buổi lễ, tôi thấy bà khách lấy chiếc khăn trắng từ giỏ lát đưa cho ông chủ, nói gì đó tôi nghe tiếng được tiếng mất. Khách khứa và bà con trong làng đến dự lễ đã về, bỏ lại cô con gái của bà khách ngồi một mình ngoài hành lang ngó lung.
Tôi đi đến lên tiếng chào cô gái:
– Xalam! Cô từ đất Kur lần đầu mới qua đây à?
Tôi cố gắng phát âm thật chuẩn và nói chậm để cô ta hiểu.
– Dạ, hôm qua anh ạ, – giọng cô gái lí nhí. Rồi cô nhìn ra xa, tránh ánh mắt tôi.
Những giọt nắng mềm mại nhảy trên khuôn mặt cô gái làm màu da nâu ánh lên, rồi tràn vào mái tóc hơi xoăn ở đuôi tóc. Tôi chưa kịp hỏi tên cô gái thì mẹ cô vừa bước tới. Tôi nhìn kĩ hơn, khuôn mặt cô gái giống mẹ kì lạ. Tôi chợt nhớ đến chiếc khăn trắng và nghĩ đến chiếc khan njram khi xưa.
Ở đây, ông chủ nhà không hiểu nhiều về tôi, khi nhận vào làm mục tử chăn dê, tôi chỉ là một cậu bé lang thang. Đó cũng là lúc tôi rơi sâu tận đáy của tuyệt vọng với quá nhiều nỗi đau mất mát. Ông chủ hơn ba tôi vài ba tuổi, xông xáo, quyết đoán, ưa nhăn mặt, nhưng lại là con người biết cảm thông. Vài năm trước tôi có khiến ông giận vì đã làm thất lạc mấy con dê cái. Khi đó tôi mới biết đến cái tính nóng như lửa của ông. Ông lôi tôi chạy lên núi tìm. Rồi khi thấy lũ dê, ông lại nhỏ nhẹ tìm lời an ủi…
Chiều xuống rất chậm, chậm rồi cũng tắt.
Tôi nghe nói hai mẹ con bà khách được ông chủ mời ngủ lại nhà. Căn nhà đâu chỉ có ba phòng vách bằng đất nung màu sắc rất đặc biệt, được cho là sở hữu của nhà giàu duy nhất trong làng lúc ấy. Ngồi ở hành lang căn nhà có ánh trăng nghiêng soi vào, ông chủ giới thiệu tôi với người khách như thể tôi là một thành viên trong gia đình. Tôi nghe lạ và cảm thấy tự tin hơn. Bữa cơm tối xong, cô gái phụ dọn dẹp bàn, thi thoảng tôi liếc nhìn cô, nước da ngăm với mái tóc xoăn dài rớt ngang mặt.
– À, tên em là gì nhỉ? – Sáng hôm sau, tôi mạnh dạn hỏi cô gái.
– Dạ, em tên Siam. Chắc anh chưa qua Kur, – cô gái có vẻ cởi mở hơn, bên đó còn nhiều làng Chăm lắm.
– Chưa… Sao mẹ em quen với chú Klơng?
Cô gái kể chú Klơng qua Kur bán thuốc dân tộc, hay ghé nhà mẹ ngủ lại. Chú ấy kể nhiều chuyện về bà con Chăm ở Việt Nam, hẹn mẹ con em qua thăm từ mấy năm trước rồi, đến mãi hôm nay mới có dịp qua được. Sẵn đó mẹ mang chiếc khăn theo để đặt làm vài chiếc luôn dành cho bà con Chăm bên em. Ở bên đó người mình không dệt loại khăn này.
Không hiểu sao tôi lại nhớ đến khan njram năm xưa.
Nó ám ảnh tôi không dứt ra được.
– Mẹ có mẫu khăn đó ở đâu vậy em? – Tôi tò mò hỏi.
– Mẹ kể, lâu lắm rồi có bác người Chăm từ Việt Nam chạy loạn, đi qua rất nhiều chặng đường rồi cuối cùng luân lạc sang Campuchia. Bác ấy ghé qua nhà bà con mình ngủ nhờ qua đêm. Bác có bồng theo một bé gái mới ba tháng tuổi ốm nheo ốm nhách. Bác đang tìm người nuôi bé gái bởi vì bác còn phải đi xa nữa để tìm người thân. Người hàng xóm mới giới thiệu bác qua nhà mẹ lúc đó đang sống đơn côi.
Dừng một lúc lâu, Siam quay sang tôi, cười. Cô hỏi:
– Anh biết bé gái ấy là ai không?
– Là em, phải không? – Tôi trả lời bằng câu hỏi.
Siam gật.
– Và khăn trắng kia là tấm bác dùng để quấn em khi ấy, – cô tiếp.
Cả hai lặng đi lúc lâu, không ai nói thêm lời nào. Rồi tôi kể chuyện gia đình tôi cho Siam nghe. Tự dưng Siam bật khóc. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với em. Tôi cố hỏi nhưng em không trả lời. Siam đi nhanh vào phòng, khép cửa lại sau lưng.
Ánh trăng sáng vằng vặc ngoài sân. Tôi nằm ườn ra giữa bãi vắng trước hiên nhà, nghe lòng rỗng không. Lời Siam cứ vang lên trong tôi: “Mẹ bảo chiếc khăn đó chỉ có người Chăm ở Việt Nam có, bác ấy dùng nó quấn thân em”. Lẽ nào Siam là em gái mình? Lẽ nào chiếc khan njram ấy chính là chiếc khăn của mẹ năm xưa đã quấn cho Siam? Tôi nghe nước mắt mình trào ra. Tôi nhớ ba mẹ vô cùng. Nhớ ba lúc đánh nhẹ vào mông khi tôi sai. Tôi nhớ mẹ mới sinh em gái, mẹ ngồi dậy nhìn em cười, nụ cười tràn hạnh phúc.
Đèn dầu đã tắt. Tiếng côn trùng xa xa hòa lẫn với tiếng ễnh ương ru tôi trong bản nhạc thiên nhiên. Tôi nghe nó mỗi đêm, riêng đêm nay nó dâng lên trong tôi cảm giác thiêng liêng rất lạ. Tôi ngủ thiếp đi cùng bản nhạc ấy…
Khi tôi thức dậy trời cũng vừa hòm hòm sáng. Những giọt sương như đang tách rời nhau bay hơi lạnh phả vào phòng vừa mở. Đám gà con như còn tiếc hơi ấm dưới đôi cánh xòe ra của gà mẹ chưa chịu chạy ra tìm mồi. Góc nhà, ông chủ đang tập thở bài dưỡng sinh, trong khi hai mẹ con khách nhẹ nhàng chuẩn bị hành trang trở về quê quán. Vẫn chưa tới giờ thả đàn dê, tôi ngồi nán lại trên giường, nhìn lung ra cửa. Tôi nghe tiếng hai mẹ con khách thì thầm với nhau về chuyện tối qua. Tôi nghe tiếng khóc nhè nhẹ của Siam. Cô Siam thấy lạ mà như đã quen từ kiếp nào, chiếc khan njram và hình ảnh em gái tôi thất lạc năm xưa quay trở về trong tâm khảm tôi. Ước gì Siam là em gái tôi? Và chiếc khăn trắng đó chính là khan njram?
Ông chủ vừa đi ra gặp mẹ con Siam. Ông cầm cả chiếc khăn trắng theo. Họ trải rộng tấm khăn ra, chỉ chỏ này nọ và dặn dò nhau về kĩ thuật dệt cùng với kích thước. Tôi ghé đến gần họ, tò mò nhìn. Tôi thét lớn:
– Mẹ ơi!
Tôi thấy cái bóng khan njram bay ngang mặt tôi. Hai mắt tôi hoa lên, rồi tôi ngã lăn ra không biết gì nữa cả. Một đỗi sau tôi nghe ông chủ xốc hai nách tôi ngồi dậy, bóp mạnh nhiều lần vào hai vai. Tôi thẫn thờ nhìn mọi người.
Chính là khan njram của mẹ rồi. Ngay góc khăn trắng kia dính một mảng màu chàm to tròn bằng hột gà không thể tẩy xóa. Chính tôi đã lỡ tay làm dính, không thể khác. Tôi nhìn sâu thật lâu vào mắt Siam, kêu lên:
– Ôi Siam, em gái của tôi. Khan njram của mẹ đây rồi…
K.M

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *